Thứ Ba, 4 tháng 2, 2020

ĐÔI ĐIỀU VỀ VIỆC PHÂN NHÁNH CÀNH PHÁI TRONG DÒNG HỌ

Trong nhiều dòng họ lớn ở vùng Đồng bằng Bắc bộ, sau nhiều thế hệ con cháu dòng họ được chia thành nhiều Cành (Chi) và nhiều Phái. Không phải ai cũng hiểu thấu đáo các khái niệm này. Thậm chí có nhiều người quan niệm Phái là hàng trên của Cành (Chi) hoặc ngược lại. Với kiến thức chữ Hán của mình tôi thử bàn về khái niệm này.
Các cụ xưa có câu:
Người ta có Tổ có tông.
Như cây có cội như sông có nguồn.
Cụ tổ đầu tiên lập ra dòng họ gọi là cụ Thủy tổ (始祖). Sau này dòng trưởng được thờ cúng theo Tổ được gọi là Phái (Cành, Chi) trưởng (cả). Từ đường chung của cả dòng họ được gọi là họ Cả. Các Phái (Cành, Chi) còn lại được sắp xếp theo thứ tự quy ước của mỗi dòng họ.


Xin bắt đầu từ một danh từ Phái thuộc bộ Thủy có nghĩa là: dòng nước, ngành nhánh, phe phái.
Chữ Cành (Chi) thuộc bộ Mộc có nghĩa là: cành, cành cây, nhánh cây. Phàm cái gì chia nhỏ ra từ một thực thể đều gọi là Chi.
Chữ Phái (bộ Thủy): Nhánh của dòng sông (có nguồn).
Chữ Cành (Chi) thuộc bộ Mộc: Các nhánh từ một thân cây (có gốc).
Có một bộ Câu đối viết về Chi (Cành) và Phái trong dòng họ:
- 木出千枝由有本. Mộc xuất thiên chi do hữu bản.
-- 水流萬派溯从源. Thủy lưu vạn phái tố tòng nguyên.
Dịch nghĩa: Cây chung nghìn nhánh (chi) sinh từ gốc.
Nước chảy muôn dòng phát tại nguồn.
Như vậy các cụ dùng hai chữ trên đây thuộc 2 bộ khác nhau để chỉ các nhánh trong một dòng họ. Hai khái niệm này không cùng một hệ quy chiếu. Xét về không gian ở tầm vĩ mô thì Phái: Nhánh của dòng sông hình như rộng lớn hơn Cành: Nhánh của một một thân cây.
Ngày nay có những tiểu phái có thể lớn hơn Phái nào đó trong cùng dòng họ. Phái lớn hơn Cành hoặc ngược lại chỉ là do quan niệm phân cấp. Một dòng họ, một Cành hay một phái lớn hay nhỏ, to hay bé không chỉ là con số cơ học theo số đông, mà được quyết định bằng sự thành đạt, bởi chữ tâm của các thế hệ con cháu trong dòng họ, trong cành, trong phái…
       
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét