Trang Gia phả 1

GIA PHẢ DÒNG HỌ CAO TRẦN


LỜI MỞ ĐẦU
Thái tổ húy Bong, tự Vô Ý, gốc họ Trần. Năm Quý Hợi (1683) đời Vua Lê Hy Tông, tổ đưa người con trai thứ 2 là thái Tôn, húy Căn tự Công Bật từ vùng Bến Đò Mía, xã Thịnh Mỹ, huyện Lôi Dương, tỉnh Thanh Hóa (nay là thôn Tứ Trụ, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) đến ấp Hoè Nha, huyện Giao Thủy, Trấn Sơn Nam (nay là xã Giao Tiến) khai cơ, lập nghiệp, đổi từ họ Trần sang họ Cao.
Họ Cao Trần khởi đầu từ Tổ Vô Ý đến nay đã có trên 330 năm với 15 thế hệ làm ăn sinh sống ở vùng ấp Hòe Nha, sau là làng Hoành Nha và nay là xã Giao Tiến. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào của lịch sử, các thế hệ của dòng họ Cao Trần đều chăm lo vun đắp, giữ gìn truyền thống tốt đẹp đó là:
Sống nhân đức và đoàn kết dòng tộc. Cần kiệm xây dựng cuốc sống gia đình. Chăm lo việc học hành của con cháu. Báo hiếu công ơn tổ tiên, ông bà, bố mẹ. Tích cực tham gia đóng góp xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.
Cây có gốc, nước có nguồn, đó là quy luật của tạo hóa. Con người ta cũng vậy: có cội nguồn gốc rễ, có tổ tiên, mới có con cháu, hậu duệ ngày nay. Các thế hệ của dòng họ đều có ý thức tổ chức ghi chép gia phả truyền lại cho đời sau để biết nguồn gốc của mình, về sự nghiệp và truyền thống tốt đẹp của dòng họ.
Cuốn “Gia phả của dòng họ Cao Trần, Giao Tiến” đầu tiên được viết bằng chữ Hán qua nhiều thế hệ ghi chép lại, cuốn đang có hiện nay do ông Cao Bá Lô (đời thứ 11, Ất phái) tập hợp và biên soạn từ đời thứ 1 đến đời thứ 9. Năm Quý Dậu (1993) trong họ tổ chức dịch từ cuốn chữ Hán ra chữ Việt, bổ sung và biên tập tiếp đến đời thứ 13, được hoàn thành vào mùa Thu năm Đinh Sửu 1997. Ban biên tập gồm các ông: Tôn trưởng Cao Xuân Thiệu (đời thứ 10, Giáp phái); Tổng biên tập Cao Quang Thạnh (đời thứ 11, Ất phái); Biên tập viên:  Cao Xuân Đống (đời thứ 10 Nhâm phái); Cao Ngọc Đình (đời thứ 11, Giáp phái); Hiệu đính và chế bản:  Cao Ngọc Lâm (đời thứ 12, Ất phái)
Từ năm 2010 - 2017 dòng họ Cao Trần, đã tổ chức biên soạn lại Cuốn “Gia phả của dòng họ Cao Trần, Giao Tiến”,  tập trung phần phả hệ 10 đời, trên cơ sở kế thừa cuốn gia phả năm 1997. Thực hiện từ mùa Hè năm Canh Dần 2010, các bản thảo lần 1, 2, 3 đã được in gửi lấy ý kiến các phái và các cụ và các ông trong họ, sau đó được hoàn thành vào mùa Xuân năm Mậu Tuất 2018.
Lần biên soạn này được tiến hành cẩn trọng, soát xét tỷ mỷ làm đi làm lại nhiều lần, tra cứu chỉnh sửa bổ sung. đối chiếu với cuốn gia phả năm 1997, cuốn gia phả tiếng Việt của cụ Cao Bá Lô, với phú ý năm 2009 và gia phả của các phái, các chi, cùng các tài liệu lịch sử, ý kiến bổ sung của các cụ các ông trong họ. Đồng thời dành thời gian dài để mọi người xem và đóng góp ý kiến cho bản thảo, nhưng cũng không tránh khỏi những thiếu sót, xin mọi người bổ sung để làn tái bản sau được tốt hơn.
 Mong các thế hệ sau này tiếp tục hoàn thiện và biên soạn các đời tiếp theo, để các thế hệ của dòng họ được liên tục đầy đủ, lưu truyền mãi mãi cùng con cháu muôn đời.

                                                                    BAN BIÊN SOẠN


PHẦN THỨ NHẤT

TỔNG QUAN VỀ NGUỒN GỐC, QUÁ TRÌNH KHỞI NGHIỆP, XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂNDÒNG HỌ CAO TRẦN, XÃ GIAO TIẾN.

1 - Nguồn gốc dòng họ Cao Trần Giao Tiến.
2 - Thời kỳ khởi nghiệp từ năm 1683, đến năm 1787.
3 - Thời kỳ sau sông Hồng đổi cửa năm 1787 đến năm 1945.
4 - Thời kỳ từ sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 đến nay.
5 - Xây dựng từ đường và lăng mộ tổ.

1 - NGUỒN GỐC HỌ CAO TRẦN GIAO TIẾN.
Thái tổ tên húy là Bong (có bản dịch là Bông), tự Vô Ý, gốc họ Trần. Năm Quý Hợi (1683), đời Vua Lê Hy Tông (1676 - 1705), niên hiệu Chính Hòa thứ 3 (1681 - 1705) tổ đưa người con trai Thứ hai húy là Căn tự Công Bật từ vùng Bến Đò Mía, xã Thịnh Mỹ, huyện Lôi Dương, tỉnh Thanh Hóa (nay là thôn Tứ Trụ, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) đến ấp Hòe Nha, trấn Sơn Nam Hạ (nay là xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) làm ăn, sinh sống và đổi từ họ Trần sang họ Cao. Bà Thái tổ và các con cùng phần mộ đời trước của tổ đều ở quê cũ, không ghi rõ sự thể sinh thời thế nào? Điều này ghi trong phả lục và được biết do Thái tổ dặn lại.
Đôi câu đối ở từ đường họ:
Đôi câu đối bằng chữ hán được ghi lại ở từ đường họ vào thời Vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh (1705-1719), để nhắc nhở các thế hệ con cháu luôn nhớ tìm về cội nguồn của dòng họ.
Phiên âm:       
Truyền thế đương sơ Trần duệ xuất
Khởi gia tự tích Ái châu lai
Dịch nghĩa:
       “ Nối đời là hậu duệ của họ Trần vậy
        Gốc nhà từ Thanh Hóa tới đây”.
Năm chân linh Thái tổ Vô Ý đưa từ quê cũ ra quê mới để thờ:
Trần Quý Công tự Vô Tâm
Trần Nhất lang tự Phúc Thiện
Trần Nhị lang tự Phúc Tín
Trần Tam lang tự Chân Không
Trần Quế Hoa Nương
Phiên âm lời viết ở bản chữ Hán về năm chân linh:
     “Dĩ thượng chư Chân linh phần mộ nguyên tại cựu quán. Vô Ý Công thiên vu tư địa ấp, biên gia phả tương Trần tính duệ hiệu, thư vu thế phả chi thượng sử tử tôn tri thế hệ chi sở tự xuất dã”
 Dịch nghĩa:
“Các vị Chân linh đời trước tổ Vô Ý, phần mộ nguyên ở quê cũ. Tổ Vô Ý đến đất mới, biên tập gia phả, đem nguyên duệ hiệu họ Trần viết trước thế phả để con cháu biết xuất xứ của dòng họ”
Năm chân linh trên được Thái tổ Vô Ý đưa đến quê mới để thờ và được ghi vào gia phả của dòng họ và truyền đến nay. Điều không bình thường ở đây là, các chân linh không ghi tên cụ thể, phần mộ chỉ ghi là ở quê cũ, nhưng không cho biết rõ là ở địa phương nào?
Lời tựa bản gia phả gốc bằng chữ Hán:
Phiên âm:
Thiên tử tính dĩ lập tôn bản, hệ tự sở xuất, khởi gia xưng toán tổ, kế tự đương tự bất vong. Ngã Cao tộc phát tích tự Trần gia, kiến cơ trụ vu Nha Chử, tiền tác hậu thuật, khẳng cấu khẳng đường, ngưỡng thâm khải hựu chi nhân, cánh thiết tác cầu chi niệm, viên thị tập vi phả lục, vĩnh thị tôn diêu, thứ hồ tự sự khổng minh nhi thế thứ khả kỷ dã”.
Dịch nghĩa:
Tạo hóa cho dòng họ để làm gốc, từ đó xây dựng và phát triển, kế thừa mãi mãi không dứt. Họ ta phát tích từ họ Trần, dựng nề nếp từ Nha Chử, đời trước kể lại đời sau ghi chép, khẳng định cơ sở cội nguồn, chịu ơn sâu tiên tổ, mở mang dòng họ, tâm niệm ghi nhớ không quên.
Nay biên tập phả này để con cháu đời đời sáng tỏ, các thế hệ đời đời nối dõi”
Các chi tiết khác cũng không được ghi chép lại đầy đủ, nên việc tìm hiểu sâu hơn về nguồn gốc của dòng họ Cao Trần ta ngày nay là rất hạn chế và khó khăn.
Thành tâm của con cháu trong dòng họ là luôn hướng tới tổ tiên, mong tìm kiếm cội nguồn. Từ cuối những năm 50 đến năm 1997 của thế kỷ XX. dựa vào những căn cứ trên nhiều lần họ ta đã tổ chức khảo cứu ở vùng Thanh Hóa, nơi Thái tổ Vô Ý ra đi như được ghi trong gia phả, để tìm hiểu rõ thêm về nguồn gốc, thân thế và sự nghiệp của Thái tổ, nhưng không có kết quả, có thể đây là nơi lập nghiệp tạm cư không dài.
Tháng 10 năm 1999 khảo sát ở Nghệ An có được thông tin quan trọng: Gia phả họ Cao Trần Giao Tiến, có những chi tiết trùng khớp với  gia phả dòng họ Trần Nguyên hãn nghệ Tĩnh.
Năm 2000 sau quá trình tìm hiểu, nghiên cứu gia phả của họ Cao Trần Giao Tiến. Hội đồng gia tộc dòng họ Trần Nguyên Hãn, Nghệ Tĩnh đã tổ chức hội thảo và quyết định công nhận họ Cao Trần Giao Tiến Giao Thủy Nam Định là hậu duệ của tổ Trần Công Ngạn, thuộc phái tổ Trần Chân Tịch, húy Phúc Quảng (đời thứ 4, xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An), dòng họ Trần Nguyên Hãn Nghệ Tĩnh, nay là dòng họ Trần Pháp Độ Nghệ An (xem thêm phần Tài liệu tham khảo).
Việc kết nối họ Cao Trần Giao Tiến với dòng họ Trần Pháp Độ Nghệ An, bước đầu mở ra cho dòng họ ta một mốc lịch sử mới. Thành quả đó thuộc về các cụ, các ông của nhiều thế hệ, qua nhiều năm gian khó tìm kiếm, đây là điều được ghi nhận.
Vẫn còn đó những vấn đề mà thế hệ ngày nay và có thể cả sau này cần phải tiếp tục tìm kiếm, nghiên cứu để làm sáng tỏ như:
-         Năm chân linh trên không ghi, không ghi tên tuổi cụ thể, phần mộ ghi tại cựu quán nhưng không ghi rõ địa danh ở địa phương nào. Vậy các chân linh đó có quan hệ như thế nào đối với Thái tổ Vô Ý.
-         Nguyên nhân việc Thái tổ vô ý chuyển cư từ châu Ái ra ấp Hòe Nha và đổi từ họ Trần sang họ Cao.
-         Thái tổ Vô Ý có quan hệ như thế nào đối với tổ Trần Công Ngạn.
-         Thái tổ Vô Ý có làm quan hay không. Trong phả gốc không nói rõ điều đó, nhưng có ghi hai con của tổ được phong Tập tước công.
Những vấn đề trên vẫn chưa có chứng cứ nào vững chắc để có câu trả lời xác đáng. Một số ý kiến đưa ra còn nặng về dự đoán chưa đủ sức thuyết phục. Khi biên soạn cuốn gia phả lần này, phần nói về Thái tổ Vô Ý, Ban biên soạn vẫn căn cứ vào các văn bản cũ, khi nào thật sáng tỏ mới sửa đổi để tránh sai lầm và thiếu đồng thuận của nhiều người trong họ. Rất mong các thành viên trong họ tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu để có được câu trả lời mà bao lâu nay dòng họ mong muốn.
2 - THỜI KỲ KHỞI NGHIỆP TỪ NĂM 1683 ĐẾN NĂM 1787.
Khoảng năm Diên Ninh thứ 3 (1456), triều Vua Lê Nhân Tông (1443- 1459), dòng họ Nguyễn đứng đầu là ông Nguyễn Thịnh (Hậu duệ sau này là ông Nguyễn Khải, còn gọi là ông Biểu Khải, người gốc thôn Hòe Nha, thuộc xã Thụy Chính huyện Thái Thụy qua làng Dương Liễu xã Minh Tân huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình, sang vùng bãi biển Giao Thủy, trấn Sơn Nam, khai hoang lập ấp và lấy tên làng cũ đặt cho nơi ở mới là ấp Hòe Nha, sau đó là làng Hoành Nha, nay là xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.
Kế tiếp là họ Hoàng do ông Hoàng Công, tự Võ Tâm đến lập nghiệp nơi đây cùng họ Nguyễn vào năm Hồng Đức thứ 23 (1492), đời Vua Lê Thánh Tông (1460-1497). Sau họ Nguyễn, họ Hoàng là các họ khác: Lê, Vũ, Phạm, Cao, Mai… tính đến nay đã có trên 60 dòng họ.
Địa phận ấp Hòe Nha ban đầu ở vào khoảng Ngô Đồng ngày nay. nằm bên tả ngạn sông Hồng (cửa sông Hồng đổ ra biển Đông, khi đó là của Hà Lạn). Phía Đông Bắc giáp Dương Liễu Thái Bình, ngăn cách bằng con sông nhỏ (tương truyền hai bên cửa sông qua lại bằng một chiếc cầu tre nhỏ, buộc bằng ba cái lạt, trận lũ lịch sử năm 1787 phá sông nhỏ này thành dòng chính của Sông Hổng đoạn từ cống Ngô Đồng đổ ra biển). Từ đó cửa sông Hồng ra biển được gọi là cửa Ba Lạt. Phía Bắc và Tây Bắc giáp sông Hồng; sau năm 1787 đoạn sông hồng từ Ngô Đồng xuống cửa Hà Lạn thu hẹp lại, nay gọi là sông Sò, phía bên kia là huyện Xuân Trường. Phia Đông và phía Nam, giáp bãi bồi biển Đông.
Vào những năm cuối niên hiệu Dương Hòa (1635-1643), đời vua Lê Thần Tông (1619-1643), do vùng đất mới kém ổn định hay bị lún và sạt lở, nên dân cư đã chuyển dần về phía cửa Hà Lạn, để tiếp tục khẩn hoang và xây dựng làng ấp. Việc hình thành làng ấp diễn ra trong 321 năm (1456-1787), trải qua nhiều thế hệ khai hoang lấn biển, làm thủy lợi, ổn định nơi ở, phát triển sản xuất, xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, văn hóa xã hội… Hoành Nha dần trở thành một làng hoàn chỉnh, trù phú ở vùng đất mới của huyện Giao Thủy.
Theo tài liệu lịch sử thì Tổng Hoành Nha được hình thành vào thời Lê Cảnh Hưng (1750-1770) bao gồm 19 xã: Đông Bình, Diêm Điền, Hoành Đông. Hoành Nhị, Hoành Tam, Hoành Tứ, Hoành Lộ, Hoành Nha, Khắc Nhất, Ngưỡng Nhân, Lạc Nông, Duyên Thọ, Tiên Chưởng, Sa Châu, Thanh Khiết,  Đan Phượng, Vân Trì, Quất Lâm Thượng, Quất Lâm Hạ.
Như vậy ấp Hòe Nha được đổi thành xã Hoành Nha có thể vào thời này hoặc sớm hơn. Một số tài liệu cho rằng, ấp Hòe Nha được đổi thành xã Hoành Nha vào thời kỳ xây dựng làng xã lần thứ 2, tức là sau năm 1787 là không chính xác.
Thái tôn Công Bật theo Thái tổ Vô Ý đến ở ấp Hòe Nha năm 1683, niên hiệu Chính Hòa thứ 3 (1681-1705), đời Vua Lê Hy Tông (1676-1705), khi đó Thái tôn ở tuổi đang lớn. Thời kỳ này làng ấp đang trong gia đoạn định hình lần thứ nhất. Bối cảnh lịch sử văn hóa xã hội, được người đời lúc bấy giờ ca ngợi là gia đoạn thịnh trị bậc nhất của thời Lê Trung Hưng (thời vua Lê chúa Trịnh). Đến khi trưởng thành, Thái tôn chăm lo phát triển kinh tế, đời sống ngày một khá hơn. Khi làng ấp hình thành, Thái tôn đã có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng các công trình văn hóa xã hội trong ấp như: mua hậu Phật ở chùa Hưng Long (thôn Chính) năm 1713, và chùa hưng An (thôn Thượng) năm 1718. Thái tôn đã thực hiện được ý cha là sâu rễ bền gốc ở nơi quê mới, làm ăn sinh sống lâu dài với các dòng họ khác. Ấp Hòe Nha lúc bấy giờ là vùng đất mới dân cư thưa thớt, Tổ đã kết hôn với ba bà, hi vọng sinh ra đông con nhiều cháu và từ đó phát triển dòng họ Cao Trần trở thành một trong các dòng họ lớn ở vùng đất Hoành Nha sau này.
Thái tôn tích cực phát triển kinh tế, tham gia công việc xã hội, tổ còn chăm lo đến việc dạy dỗ học hành cho con cháu, sống tu nhân tích đức, xây dựng nên truyền thống và phong cách sống tốt đẹp cho dòng họ, như đôi câu đối được ghi lại ở từ đường họ như sau:
     “Gia truyền tín hậu di mưu viễn
       Thế mộ thi thư nhã phạm tồn”.
             Nghĩa là:
      “Xây nền tín hậu để lại cho con cháu lâu dài.
      Chăm lo việc học hành làm nề nếp cho muôn thuở”.
Con cháu của ông đến đời thứ 3 trở đi đã có người ra làm việc ở địa phương và nhà nước như: Thập lý hầu, Tri sự, Tri sự điện tiền, Lang tướng, Trung lang tướng…
Họ Cao Trần ta bắt đầu từ Thái tôn Công Bật ngày càng phát triển và thịnh vượng trên vùng quê mới.
Vào cuối đời Lê - Trịnh (1732 - 1787) xã hội phong kiến suy tàn, nội bộ giữa vua Lê và chúa Trịnh ngày càng mâu thuẫn, các cuộc khởi nghĩa của nhân dân nổ ra ở khắp các vùng. Trong Nam nhà Tây Sơn đã đánh bại chúa Nguyễn, năm 1778 Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng đế. Năm 1786 Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc lần thứ nhất tiến vào Thăng Long thực hiện khẩu hiệu: “Phù Lê diệt Trịnh”.
Thời kỳ này họ ta đã có những đóng góp tích cực cùng các họ khác trong ấp, mở mang khai phá đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng để tồn tại và phát triển. Tham gia tổ chức bảo vệ an ninh của làng, ấp và các công việc của đất nước như: Ông Bá Tuân (đời thứ 5) với chức Thập lý hầu, ông đã tổ chức và chỉ huy dân làng đánh tan bọn giặc cướp (giặc Mèo), sau 7 ngày, đêm chiến đấu liên tục, ông đã hy sinh. Ông Cao Đức Trung (đời thứ 5), thời nhà Lê có võ công được phong làm Lang tướng. Ông Danh Tiêm (đời thứ 5) làm Tri sự, rồi tham gia luyện binh xã, sau này hy sinh ở núi Tam Tầng, Kinh Bắc, Bắc Ninh. Ông Cao Đăng Dụng (đời thứ 6) làm Trung lang tướng cuối triều Lê, sau chuyển sang hàng ngũ Tây Sơn, đến triều nhà Nguyễn ông bỏ về quê.
Việc học hành và con đường khoa cử của họ Cao Trần trên đất Hòe Nha (sau là Hoành Nha) trong khoảng gần một thế kỷ từ năm 1683 đến năm 1787, suốt thời kỳ xây dựng làng xã lần thứ nhất không mấy thành công. Các ông: Cao Công Cái, Cao Bá Hân, Cao Danh Đạt, Cao bá Tuân, Cao Đức trung, Cao Đức Tuấn, Cao Đăng Dụng... đều rất kiên trì học hành thi cử, nhưng không đỗ đạt cao. Về sau các ông đều chuyển sang con đường binh nghiệp, hoặc tham gia chính quyền địa phương. Một số ông đã làm đến chức: Tri sự Điện tiền, Lang tướng, Trung lang tướng, Cai thập lý hầu Nhiều ông về quê mở trường dậy học, làm thuốc...  
Sự nghiệp của cha ông ta trong thời kỳ này còn để lại đời sau những dấu ấn sâu sắc của thời kỳ khởi nghiệp, phát triển dòng họ, góp phần cùng các dòng họ khác xây dựng và phát triển làng, ấp lần thứ nhất. Họ Cao ta khi này mới có khoảng hơn 40 đinh nam với hậu duệ của đời thứ 6, thứ 7.
3 - THỜI KỲ TỪ NĂM 1787 ĐẾN THÁNG 8 NĂM 1945.
Ngày 15-8 (Âm lịch) năm Đinh Mùi (1787), đời vua Mẫn Đế (1787-1789), niên hiệu Chiêu Thống năm thứ nhất, một trận lũ lụt lớn đã xảy ra ở vùng Giao Thuỷ, làm sông Hồng đổi dòng đổ thẳng ra biển, tạo ra cửa sông Hồng mới là Ba Lạt ngày nay. Đoạn sông Hồng cũ chảy ra cửa Hà Lạn bị thu hẹp lại (thành sông Sò ngày nay). Xã Hoành Nha từ tả ngạn chuyển thành hữu ngạn sông Hồng, sản nghiệp bị nước lũ cuốn trôi, cư dân thất tán, làng xã thay đổi, hai bên lưu vực sông bị phù sa bồi đắp thành cồn bãi. Thiên tai nặng nề tàn phá, đây là môt sự kiện lịch sử về địa lý lớn nhất của thời kỳ này. Sau trận lũ lụt dân cư lại trở về, xây dựng lại làng, ấp lần thứ hai. Họ ta có các ông: Thập lý hầu Cao Trọng Đạt, Tri bạ Cao Ngọc Cẩn, Tri bạ Cao Đức Tuấn, Cai thập Lý hầu Cao Đức Mậu... đã đứng ra tham gia lo toan công việc của dòng họ và của làng xã.
Đang khắc phục thiên tai, nơi ở mới chưa kịp ổn định, một tai hoạ nữa đe doạ họ ta đó là viên Tiên chỉ Đinh Kim Ngô, ba bốn ngày sau khi giết hại ông Cao Đức Trung, đã đưa gia đinh sang định tiêu diệt cả họ Cao để trừ hậu hoạ. Khi đó nhân đinh họ ta còn ít, ấp lại mới chuyển cư lần thứ hai, do vậy còn trù trừ chưa quyết định, thì xuất hiện ông Cao Đức Tuấn (đời thứ 6) là cháu ông Cao Đức Trung, đã dũng cảm dẫn đầu, chiến đấu và tiêu diệt được Đinh Kim Ngô trả thù cho chú và cứu được dòng họ.
Công cuộc xây dựng lại làng, ấp lần thứ hai, sau nhiều năm mới được hoàn thành. Năm 1803, đời Vua Gia Long năm thứ 2 (1802 - 1819) xảy ra vụ tranh chấp gần 500 mẫu ruộng công điền trên cánh đồng Phù Sa. Cánh đồng này được hình thành từ sau trận lũ lụt năm 1787, sau gọi là cánh đồng Bãi (xem Phù Sa điền án). Các ông họ ta: Cao Trọng Đạt (Cai thập lý hầu, đời thứ 4), Cao Ngọc Cẩn (Tri bạ, đời thứ 5), Cao Đức Mậu (Xã trưởng, đời thứ 6), đã cùng với Tổng trưởng Đinh Danh Trực và 15 ông nữa: Phạm Tuấn Trạch (Hương Mục), Nguyễn Quý Thực, Lê Huy Diệu, Lê Huy Lưỡng, Nguyễn Ngọc Cử, Lê Huy Thước, Vũ Đình Đỗ, Lê Huy Tuấn, Vũ Đình Đạc, Đinh Danh Đức, Đỗ Không Liên, Phạm Đăn Mãn (Xã trưởng), Phạm Tuấn Nguyên, Phạm Tuấn Ngạn, Vũ Đình lưu (Khán thủ), đại diện cho toàn xã tham gia tố tụng lên trấn, tổng trấn Bắc Thành (có tài liệu ghi vào cả kinh đô Huế). Kết quả sau 11 năm, kiên trì đấu tranh gian khổ, đến năm Giáp Tuất 1814, niên hiệu Gia Long thứ 13 đã lấy được ruộng về cho dân xã nhà.
Năm 1826 niên hiệu Minh Mạng thứ 7 (1820 -1840) lại xảy ra vụ tranh tụng đất đai trong nội bộ xã. Bọn hào lý đã ba lần trưng chiếm 150 mẫu ruộng công điền, làm tư điền (xem Tam trưng điền án). Các ông ở họ ta: Cao Đức Cảnh, Cao Danh Hữu (đời thứ 7), Cao Đức Chí (đời thứ 8) và 25 ông nữa trong xã cùng tham gia do ông Tri bạ Vũ Thế Hào khởi xướng, cử người lên trấn (từ năm 1831 bỏ tổng trấn và đổi trấn thành tỉnh) và kinh đô Huế khiếu kiện. Phải đến năm 1841 niên hiệu Thiệu Trị thứ nhất (1841-1847) mới giành được thắng lợi. Dựa vào kết quả vụ Tam trưng điền án, ông Cao Đức Bằng (đời thứ 8), cùng với bác là Cao Danh Quán (đời thứ 7) và anh rể Vũ Xuân Đồng đã đấu tranh lấy thêm được 6 mẫu tư thổ và 12 mẫu ruộng khác trong nội làng.
Qua thắng lợi của hai vụ án này, đã để lại câu đối tế ở đình làng:
         “Tiền Phù Sa, hậu Tam trưng công đức trường lưu thiên tải hậu.
          Ấp linh từ, gia tẩm miếu, hương đăng tăng mỵ vạn niên xuân
Lược dịch:
“Án Phù Sa, án Tam trưng, sự nghiệp đấu tranh công đức ngàn thu sáng tỏ.
 Miếu làng thờ, đền họ phụng, phụng thờ kế tự khói hương muôn thuở dài lâu”.
Vào những năm 1858-1873, ở vùng Nam Định có Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn nghị đứng ra tổ chức Lực lượng Nghĩa dũng quân vào Đà Nẵng đánh Pháp, tham gia tiễu phạt bọn phỉ người Trung Quốc, ở vùng Đông Bắc, trấn thủ ở vùng Hà Cát huyện Giao Thủy để bảo vệ vùng biên, đánh Pháp xâm lược Nam Định... Họ ta tích cực ủng hộ, nhiều người trực tiếp tham gia chiến đấu và lập quân công được sắc phong: Chánh thất phẩm Thiên bộ (Cao Đức Uẩn, Cao Như Sơn, Cao Đức Ngu, Cao Đức Thắng, Cao Đức Tích, Cao Đức Tính), Chánh bát phẩm Bách hộ: Cao Đức Quý, Cao Đức Hinh, Cao Ngọc Hướng) và nhiều ông được giữ chức Đội trưởng. Nhiều gia đình trong họ đã tham gia quyên góp tiền cho Nghĩa dũng quân như gia đình các ông: Cao Đăng Doanh, Cao Đăng Cử, Cao Danh Thăng với mức 1200 quan tiền, được triều đình tặng thưởng Sắc văn: Tùng Cửu phẩm Bách hộ và 5 đồng ngân Long (đồng tiền có hình con Rồng). Gia đình ông Cao Đức Ý ủng hộ mức 2200 quan tiền, được triều đình tặng thưởng Sắc văn: Chánh cửu phẩm Bách hộ và 10 đồng ngân Long.
Tiếc rằng trong gia phả cũ của họ, không ghi được chi tiết thời gian cũng như địa điểm các ông tham gia, nên kết hợp với gia phả và khảo cứu về thân thế sự nghiệp của Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị, Người biên soạn, chỉ xin bổ sung và sửa đổi vào gia phả lần này một số ý để làm sáng tỏ thêm về sự nghiệp của các ông nói trên ở thời kỳ đó.
Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn nghị (1805-1884), quê xã Tam Đăng (nay là thôn Tam Quan, xã Yên Thắng, huyện Ý yên, tỉnh Nam Định). Ông đỗ Cử nhân năm 1837, Hoàng giáp năm 1838, khi mới 33 tuổi được triều đình bổ làm Tri phủ Lý Nhân. Năm 1845 về quê dạy học và tổ chức nhân dân khai hoang lập ra ấp Sỹ Lâm (Nay là 3 xã: Nghĩa lâm, Nghĩa Hùng, Nghĩa Hải, thuộc huyện Nghĩa hưng tỉnh Nam Định) Năm 1858 làm Đốc học Nam Định, cũng thời kỳ đó Pháp tấn công Đà Nẵng, ông đã thành lập lực lượng Nghĩa dũng quân, vào Đà Nẵng đánh Pháp, đến Huế thì quân Pháp đã rút, ông đưa quân ra Bắc tiễu trừ bọn thổ phỉ người Trung Quốc đang quấy nhiễu ở vùng Đông Bắc cho đến khi dẹp xong mới thôi. Triều đình thăng ông làm Hàn lâm viện Thị giảng Học sỹ. Năm 1866 ông được sung chức Thương biện đóng quân ở vùng Hà Cát để trông coi vùng biên. Năm Tự Đức 26 (1873) ông làm Thị độc Học sỹ, mùa Đông năm đó Pháp đem quân đánh chiếm Hà Nội, rồi đánh luôn Nam Định. Bấy giờ ông đã 68 tuổi, ông vẫn tổ chức Nghĩa dũng quân chặn đánh quân Pháp ở ngã ba Độc Bộ, do quân ít đánh không nổi, ông cho rút nghĩa quân về căn cứ Yên Hàn (Ý Yên Nam Định)...(theo Danh nhân đất Việt).
Ruộng đất canh tác và chỗ ở của cư dân là vấn đề cơ bản để tồn tại cùng với sự phát triển thôn xã. Thời kỳ đầu dân cư của ba thôn (xã Hoành Nha khi đó có 3 thôn: thôn Chính, thôn Thượng, thôn Trung) sống tập trung ở các khu: Cựu Thượng, Cựu Chính, Cựu Trung, các cơ sở hạ tầng và các công trình văn hoá, tín ngưỡng cũng được xây dựng chủ yếu ở đây. Thôn, xã dần được ổn định, ruộng đất được phân chia trên cơ sở số dân và công sức đóng góp xây dựng làng xã như sau: thôn Thượng 7 phần, thôn Chính 5 phần, thôn Trung 1 phần. Các thôn có đình chùa miếu riêng. Toàn xã là một tổ chức hành chính và từ đó hình thành hương ước xã chế. Họ ta sống ở thôn Thượng tập trung thôn Cộng Hoà và thôn Việt Dũng (tên thôn sau Cải cách ruộng đất, trước đó gọi là: Giáp May, Giáp Giữa, Giáp Đông). Sau do sự phát triển, dân số ngày càng đông, nên các phần đất tư thổ không còn. Họ ta chỉ có hai phái ở lại thôn Thượng (Giáp phái và Ất phái), còn các chi, phái khác trong họ dần tách ra ở rải rác trên các phần đất ruộng được cấp trong xã. Riêng chi ông Cao Thế Hương, Cao Văn Đờn ở phần đất cuối xã. Vào thời vua Minh Mạng, huyện Giao Thuỷ mở rộng thêm tổng Hoành Thu, nên phần đất này được tách ra, nhập vào xã Duy Tắc, tổng Hoành Thu, do vậy họ Cao ta có một biệt phái, thuộc xã Giao Tân ngày nay.
Địa bạ xã Hoành Nha được duy trì biên lập đến năm Gia Long thứ 4 (1805) phải dừng lại do vướng vị án Phù Sa, đến năm Gia Long thứ 13 (1814) vụ án mới kết thúc. Sau đó công việc được tiếp tục, đến ngày 22 tháng 3, năm Minh Mạng thứ 10 (1829), Địa bạ xã đã hoàn thành và được cấp trên xác nhận. Những viên mục tham gia lập và hoàn thiện Địa bạ xã Hoành Nha: Cai tổng trưởng Lê Huy Tuấn, Xã trưởng Cao Đăng Phong và Trưởng thôn Cao Đức Nhuận (đời thứ 7), Hương mục Vũ Đình Lựu, Cao Đức Trứ (đời thứ 7), Lê Huy Bỉnh (xem địa bạ xã Hoành Nha).
Về văn hoá, xã hội thời kỳ định hình thôn, xã lần thứ hai, theo tộc phả, họ Cao ta đã có công đóng góp ngay từ buổi ban đầu. Các ông: Cao Đức Mậu (đời thứ 6) với tư cách là Xã trưởng, con là Cao Đức Trứ (đời thứ 7) Phó tổng trưởng, cháu là Cao Đức Bằng (đời thứ 8) Cai tổng, đã cùng các tiên liệt trong họ trong xã, tổ chức dân kế tục xây dựng tu bổ tôn tạo các đình chùa miếu, công quán, cầu đường, đê điều thuỷ lợi, đặt ra cac thể lệ lễ tiết cổ truyền như: Xuân Thu lễ, Đinh tế, Lễ tịch điền để khuyến nông... Xây dựng Văn chỉ, mời các danh nho về xã thiết trướng  để khuyến học, dành phần ruộng công để yến lão, bảo thọ, khuyến tiết và chăm sóc cô nhi, quả phụ. Trên cơ sở của thôn Thượng, sau đó đã hiệp thương với toàn xã, hình thành Hương ước, mở được kho thóc nghĩa thương, liên tục trong nhiều thập niên, nhờ vậy mà có thóc cứu trợ cho dân trong xã, cũng như dân hai huyện Vũ Thư, Tiền Hải, tỉnh Thái Bình trong những năm mất mùa sang xã ta ăn xin và có thóc cấp cho Nghĩa dũng quân, của Hoàng giáp Phạm Văn Nghị, thời kỳ đầu chống Pháp (1860 -1873). Triều đình nhà Nguyễn, thời Vua Tự Đức đã ban thưởng cho Cai tổng xã Hoành Nha: Cao Đức Bằng, 3 đồng tiền Rồng (ngân Long) và cho xã Hoành Nha bức đại tự có 4 chữ: “Thiện tục khả phong”. Làng ta trở thành một làng có mỹ tục thuần phong, (bức đại tự này được treo ở đình Giữa thôn Việt Dũng, năm 1956 cải cách ruộng đất, đình đã và đồ thờ tự đã bị dỡ bỏ, nay xây dựng thành Nhà văn hóa, xóm 10, thôn Quyết Tiến). Cũng trong thời kỳ này biệt phái họ ta ở Duy Tắc, do ông Cao Thế Hương và ông Cao Văn Đờn (đời thứ 7, làm Lý trưởng) đứng đầu, cũng có nhiều công lao đóng góp  cho  việc  xây dựng xã Duy Tắc, tổng Hoành Thu.
Kế tiếp truyền thống của tiền nhân, đầu thế kỷ thứ XX (1932-1936), các ông Cao Đức Thố (đời thứ 9), Cao Trung Kế (đời thứ 10), đã tham gia tố tụng vụ tham nhũng công điền của các lý dịch kỳ hào trong xã, nhưng vì nội bộ có sự chia rẽ, nên đã không đạt kết quả. Tiếp theo vào những năm trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, có sự lãnh đạo của Đảng cộng sản do ông Vũ Đức Âu (Khải Ca), thôn Việt Dũng tổ chức, họ Cao ta có các cụ, các ông tham gia: Cao Xuân Thọ (đời thứ 9), Cao Duy Tân và Cao Trần Nhai (đời thứ 10), Cao Xuân Hạ, Cao Bá Uyên và Cao Ngọc Cảnh (đời thứ 11). Sau đó thành lập Hội ái hữu tương thân (1942-1944), do ông Cao Xuân Hạ làm Hội trưởng. Hội đứng ra tổ chức đấu tranh, đã giành thắng lợi, công điền đã được cấp cho toàn dân trong xã.
Thời kỳ định hình làng xã lần thứ 2, sau nhiều năm gián đoạn do trận lũ lụt năm 1787, mãi đến thế hệ thứ 7 và 8 trở đi, khi đời sống đã ổn định, các ông trong họ đã ra sức dùi mài kinh sử, tìm học các danh nho trong vùng như: Hoàng Kỳ Nho (ông Đồ Giai), Tiến sỹ Roãn Uẩn, Tuần vũ Nguyễn Túc, Cử nhân Nguyễn Quốc Trình, Tiến sỹ Đỗ Phát... Nhưng việc thi cử của các ông trong họ ta không dành được học vị cao. Các ông Cao Đức Trứ, Cao Đức Bằng nổi tiếng thông minh hiếu học, nhưng thi cử cũng không thành đạt. Gia phả còn ghi ông Cao Đức Ý (đời thứ 8) như sau: “Học hành sâu rộng, theo đuổi trường thi không chán, khi tới 53 tuổi, ông còn mời Hoàng giáp Phạm Văn Nghị về thiết trướng tại nhà (1869). Phụ tử cùng học một thầy (con là Cao Đức Dậu, đời thứ 9). Năm 60 tuổi đi thi ông cũng chỉ lọt vào vòng 3 (Nhị trường). Các thế hệ tiếp theo như ông: Cao Ngọc Hướng, Cao Ngọc Cư, Cao Đức Cường, Cao Như Sơn, Cao Đức Thắng, Cao Đức hàm, Cao Đức Dậu... đều nỗ lực học tập, theo đuổi miệt mài, không phải là không có chí, âu cũng là học tài thi phận vậy”. Các ông đã phải dùng vốn kiến thức đó chuyển qua hướng khác để lập thân lập nghiệp như: làm thuốc, dạy học, tham gia chính quyền địa phương, nhiều ông theo Hoàng giáp tam Đăng Phạm Văn Nghị đánh giặc (1858-1873), được phong Thất phẩm thiên hộ, Bát phẩm Bách hộ. Nhiều ông nhờ vốn kiến thức văn hóa và có quân công được cải bổ văn giai như ông: Cao Ngọc Cư (đời thứ 9) làm Huấn đạo châu Thạch An - Cao Bằng; Cao Như Sơn (đời thứ 9) làm Thông phán Cao Bằng, Kênh lệch Mỹ Đức; Cao Đức Thắng (đời thứ 9) làm Hiệp tá Bộ lễ ở triều đình tại kinh đô Huế...
Thế kỷ XX nền giáo dục dần dần thay đổi, việc học hành trong họ ta chuyển biến chưa nhiều, vẫn theo Nho học, cốt có ít chữ thánh hiền để giữ gìn luân lý kỷ cương của đời trước, mãi đến thập niên 30, 40 mới có một số ít theo học trường Pháp-Việt, bậc Tiểu học. Duy có ông Cao Như Đãng (đời thứ 10, Giáp phái), học tới Đệ nhị Trung học phổ thông, còn lại đa số thất học.
4 - THỜI KỲ TỪ CÁCH MẠNG THÁNG 8 NĂM 1945 ĐẾN NAY.
Sau khi phát xít Nhật hất cẳng Pháp chiếm toàn bộ Đông Dương, chúng bắt dân ta nhổ lúa để trồng đay và vơ vét lương thực dùng cho quân sự, nên đã gây ra nạn đói đau thương cho cả  nước ta vào đầu năm Ất Dậu (1945). Họ ta cũng bị chết đói khoảng hơn 150 người, 19 gia đình không còn thừa tự. Do đời sống quá khó khăn nên trước và sau năm 1945 đã có khoảng 30% số dân trong họ phải đi lập nghiệp ở những nơi khác như: miền Nam, Lào Cai, Hải Phòng, Yên Bái, Thái Nguyên…
Từ khi có Đảng cộng sản lãnh đạo, con cháu và các gia đình trong họ đã tích cực ủng hộ cách mạng như: nuôi dấu cán bộ, ủng hộ tiền, lương thực, thực phẩm, tuyên truyền vận động cho cách mạng, đấu tranh với bọn phản động. Khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 tham gia đi cướp chính quyền rồi tham gia vào chính quyền và các tổ chức Cách mạng ở địa phương và sau đó tham gia kháng chiến chống Pháp, như ông Cao Bỉnh Uân (Giáp phái) được bầu làm Bí thư chi bộ Đảng Lao Động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) đầu tiên của xã Hoành Nha; trực tiếp làm Chủ tịch Liên Việt. Ông Cao Xuân Hạ (đời thứ 11, Ất phái) làm Chủ tịch Việt minh, năm 1946 làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến xã (được Nhà nước công nhận là cán bộ hoạt động Cách mạng trước năm 1945). Ông Cao Ngọc Bội (Nhâm phái) làm Chi ủy viên BCH xã. Ông Cao Xuân Hào (Đinh phái) làm xã đội trưởng. Ông Cao Văn Hoàn (Nhâm phái) làm Ủy viên Văn xã. Ông Cao Trần Quýnh (cành Thứ) làm Xã đội trưởng. Ông Cao Trần Đinh (cành Thứ) làm Bí thư Đoàn thanh niên xã. Ông Cao Trần Thíu (Giáp phái) làm đội trưởng Đội du kích xã, Liệt sỹ hi sinh trong kháng chiến chống Pháp. Ông Cao Ngọc Hòa (Ất phái) Chính trị viên Xã đội, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt. Ông Cao Văn Khánh (Nhâm phái) Xã đội phó, sau này làm Bí thư Đảng ủy Xã Giao Tiến và nhiều ông khác... Nhiều ông tham gia lực lượng Công an, Quân đội ngay sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 và trong cuộc kháng chiến chống Pháp, như ông: Cao Xuân Thủy (Ất phái), Cao Trần Cao (cành Thứ), Cao Quang Thạnh, Cao Trung Ngọ, Cao Trần Lưu, Cao Trần Mai, Cao Xuân Thủy (Ất phái)... Phát huy truyền thống cách mạng của dòng họ, nhiều người đã tiếp tục lên đường tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
Trải qua các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nhiều người đã chiến đấu dũng cảm hy sinh, xương máu, trong đó có khoảng 40 liệt sỹ và 80 thương binh. Nhiều người giữ các chức vụ quan trọng trong Quân đội, được phong quân hàm cấp Tá. Nhiều người được Nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương các loại. Trong họ có 4 bà mẹ được Nhà nước, phong tặng và truy tặng “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Từ ngày Tổ quốc thống nhất, đất nước hơn 30 năm đổi mới, đời sống của các gia đình trong họ từng bước được nâng cao. Về kinh tế hầu như không còn hộ đói nghèo, nhiều gia đình đã khá giả có tích lũy, xây dựng được nhà cửa khang trang, sắm sửa nhiều vật dụng có giá trị. Nhiều người trong họ đã thành lập được công ty, doanh nghiệp tư nhân làm ăn phát đạt hiệu quả.
Cũng chính nhờ đời sống kinh tế phát triển nên con cháu trong họ có điều kiện báo đáp công ơn Tổ tiên như: tổ chức đóng góp đầu tư xây dựng từ đường, lăng mộ chung của dòng họ, của chi phái và mua sắm nhiề đồ thờ cúng...
 Sự nghiệp học hành của con cháu trong họ  ngày được phát triển. Tính đến nay đã có khoảng 300 người có bằng Đại học, nhiều người có bằng Thạc sỹ, có 6 Tiến sỹ, trong đó 2 người là Phó Giáo sư. Có những gia đình cả bố con, đều là Tiến sỹ, Kỹ sư, Cử nhân. Có gia đình cả 3 thế hệ có tới trên 20 người có trình độ Đại học và trên đại học... Họ đã có Quỹ khuyến học, để khuyến khích, động viên khen thưởng thường xuyên hàng năm cho con cháu trong họ. Sự nghiệp học hành từ lâu đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dòng họ Cao Trần, Giao Tiến.
Văn hóa tâm linh báo đáp Tổ tiên: phục dựng lại được các đội tế nam, tế nữ cùng với đầu tư trang phục đồ tế, đáp ứng tốt cho việc tế tổ hàng năm, các đám hiếu trong họ và có dịp tham gia tế tổ Phúc Quảng ở Diễn Châu, Nghệ An (2008), tế tổ Trần Nguyên Hãn ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc (2012 và 2017). Tổ chức thường xuyên việc giỗ Tổ hàng năm, ngày Lễ Tết và ngày mồng 1 đầu tháng. Họ Cao Trần đã lập các Đoàn rước kiệu Hậu Phật và kiệu trống, tham gia Lễ hội của xã. Duy trì truyền thống mừng thọ (bái niên) các vị tới tuần tuổi 60, 70, 80... vào dịp Tết Nguyên đán. Những người trong họ làm ăn xa quê cũng đã tập hợp tổ chức thành các chi nhánh dòng họ ở các khu vực địa phương như: Hà Nội, Yên Bái, Lao Cai, Vũng Tàu, Bạch Long, Giao Tân, Giao Thiện... động viên, thăm hỏi, giúp đỡ nhau, mừng thọ người cao tuổi, tổ chức khuyến học, hướng con cháu về cội nguồn, giáo dục truyền thống và tích cực tham gia đóng góp vào các công việc của dòng họ, nhiều chi nhánh dòng họ nơi xa còn tổ chức giỗ Tổ vào ngày 18 tháng Giêng.
Từ khi kết nối thành công với tộc họ Trần Pháp Độ, Nghệ An và dòng họ Trần Nguyên Hãn Việt Nam, họ Cao Trần đã tích cực tham gia vào nhiều hoạt động của các Ban liên lạc tộc họ Trần Pháp Độ, họ Trần Phúc Quảng (Nghệ An) và Dòng họ Trần Nguyên Hãn Việt Nam. Họ ta đã thường xuyên giao lưu, thăm viếng học hỏi, trao đổi thông tin và tham gia vào các hoạt động của dòng họ như: xây dựng, khánh thành nhà thờ, giỗ tổ, tế tổ, hội nghị hội thảo, đóng góp Quỹ xây dựng dòng họ Trần Nguyên Hãn...
Năm 2008 con cháu họ Cao Trần Giao Tiến, tiến cúng trên 80 triệu đồng, xây dựng từ đường tộc họ Phúc Quảng, xã Diễn Hồng Diễn Châu Nghệ An, cùng chuông đồng và đồ thờ trị giá 40 triệu đồng. Tiến cúng tiền mua Kiệu ở Đền thờ Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn ở Sơn Đông Lập Thạch Vĩnh Phúc, đóng góp kinh phí các dịp tế tổ và quỹ hoạt động của dòng họ Trần Nguyên Hãn khoảng trên 50 triệu đồng.
Năm 2012 (và năm 2017), Đại hội đại biểu dòng họ Trần Nguyên Hãn Việt Nam, nhiệm kỳ I (và nhiệm kỳ II). Cụ Cao Trần Bốn là thành viên Hội đồng trưởng lão và 4 thành viên khác tham gia Thường trực Ban liên lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn Việt Nam.
Tháng 3 năm 2017, tại Đại hội đại biểu (nhiệm kỳ II) dòng họ Trần Nguyên Hãn Việt Nam, đã tôn vinh Họ Cao Trần Giao Tiến Giao Thủy Nam Định là “Dòng họ Tinh hoa”
Họ Cao Trần đã có trên 330 năm trên mảnh đất ấp Hòe Nha, sau là xã Hoành Nha và nay là xã Giao Tiến. Các thế hệ của dòng họ luôn có ý thức ghi chép gia phả để truyền lại cho các thế hệ sau này biết về nguồn gốc của mình, về sự nghiệp và truyền thống tốt đẹp của dòng họ. 
Dù ở bất kỳ thời điểm nào, hoàn cảnh nào của lịch sử, các thế hệ của dòng họ Cao Trần cũng đều có những đóng góp công sức xứng đáng vào công cuộc xây dựng, phát triển dòng họ, quê hương và đất nước.
5 - XÂY DỰNG TỪ ĐƯỜNG, LĂNG MỘ.
Theo câu đối ghi ở từ đường, thì từ đường họ Cao Trần, Giao Tiến được xây dựng vào đời Vua Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa (1681- 1705), có thể vào những năm cuối của niên hiệu Chính Hoà.
      Năm 1787 sau một trận lũ lớn, sông Hồng đổi dòng đổ thẳng ra biển mở ra cửa Ba Lạt. Thiên tai nặng nề, vì vậy toàn ấp lại phải tập trung xây dựng lại lần thứ hai. Thời kỳ này từ đường họ cũng phải di chuyển về đất mới ở Cựu Thượng. Tiếp theo lại chuyển về Thổ Nện, nay là thôn Bảo Thắng. Năm Vua Tự Đức thứ 26, 27 (1873 - 1874) từ đường họ chuyển về vị trí hiện nay (thôn Cộng Hòa), chính là khu đất của Cành trưởng, do ông Cao Đăng Phong (đời thứ 7, Giáp phái) chủ trì xây dựng. Sau vụ Tam trưng điền án thắng lợi, họ Cao ta đã được xã cấp cho 2, 2 sào đất (792 m2), để làm từ đường ở khu vực Quán May, đầu thôn Cộng Hòa cũ. Mảnh đất này chưa kịp sử dụng, Cải cách ruộng đất năm 1956 đã bị thu lại chia cho dân.
Từ đường họ được trùng tu lần thứ nhất vào đầu thế kỷ XX, do ông Cao Đức Quảng (đời thứ 9, Ất phái) phụ trách. Trùng tu lần thứ hai, do ông Cao Văn Huỳnh (đời thứ 9, Tân phái) phụ trách.
Cũng vào thời gian này mộ Thái tổ Vô Ý được chuyển về sân từ đường họ và quy tập phần mộ tổ tiên từ đời thứ 2 đến đời thứ 6, xây dựng thành một khu lăng tại nghĩa trang Bách Linh thôn Quyết Tiến.
Năm 1988 từ đường họ được trùng tu, tôn tạo do ông Cao Xuân Thiệu, Cao Trần Hào, Cao Trần Bốn (đời thứ 10) phụ trách. Năm 2012 đã dỡ bỏ từ đường được tôn tạo năm 1988, làm từ đường mới trên nền đất cũ, kết cấu tường chịu lực, cuốn vòm gạch đỏ xi măng. Phần gỗ của từ đường cũ được dựng lại thành Nhà lưu niệm làm nơi hội họp. Ông Cao Trần Bốn làm trưởng Ban kiến thiết cùng với sự đóng góp tiền của, sức người của con cháu trong họ.
Từ đường chính của dòng họ (còn gọi là nhà thờ họ Cả), nơi thờ tổ từ đời thứ Nhất đến đời thứ 5 (riêng phái trưởng đến đời thứ 6) và 5 Chân linh Thái tổ đưa từ quê cũ ra. Từ đường còn là nơi tổ chức tế, cúng tổ hàng năm, cầu xin của con cháu trong dòng họ, cũng là nơi để bàn việc họ và tụ hội con cháu xa gần.
Năm 1995 các ông Cao Xuân Thiệu, Cao Xuân Hào, Cao Trần Bốn cùng với sự đóng góp của các thế hệ con cháu trong dòng họ Cao Trần đã xây lại lăng mộ tổ từ đời thứ 2 đến đời thứ 6, dựng đài tưởng niệm, bia lịch kỷ công, đây là nơi an nghỉ ngàn thu của tiền nhân, công trình do ông Cao Uy Tín thiết kế và chỉ đạo thi công. Năm 2012 sau khi xây dựng từ đường, khu lăng mộ họ Cả một lần nữa lại được tu sửa, sơn mới khang trang đẹp đẽ.


PHẦN THỨ HAI

PHẢ  HỆ  HỌ  CAO - TRẦN TỪ ĐỜI THỨ 1 ĐẾN ĐỜI THỨ 10
(Phần chi tiết)

1.  CÀNH TRƯỞNG CÓ 9 PHÁI.
2.  CÀNH THỨ CÓ 1 PHÁI.
3.  CÁCH ĐÁNH SỐ THỨ TỰ:
- Cụm số đầu tiên là thứ tự các đời.
- Cụm số thứ hai là thứ tự các cành.
- Cụm số thứ ba là thứ tự các phái.
- Cụm số cuối cùng là số thứ tự người trong một đời.

  
ĐỜI THỨ NHẤT
Thái tổ Cao Quý Chúy Bong, tự Vô Ý, Người sáng nghiệp, khai cơ ra dòng họ Cao - Trần, xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.
Ngày giỗ: 18 tháng Giêng. Mộ được cải táng về sân từ đường họ Cả, thôn Cộng Hòa, xã Giao Tiến (không rõ năm sinh, năm mất).
Thái tổ húy Bong (có bản dịch là Bông) gốc họ Trần, ở vùng Bến đò Mía, xã Thịnh Mỹ, huyện Lôi Dương, tỉnh Thanh Hóa (nay là thôn Tứ Trụ, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Năm Quý Hợi (1683), đời Vua Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa thứ 3 (1681-1705), tổ đưa người con trai Thứ hai húy Căn tự Công Bật đến ấp Hòe Nha, huyện Giao Thủy trấn Sơn Nam Hạ (nay là xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) làm ăn, sinh sống và đổi từ họ Trần sang họ Cao.
Tổ là người sáng nghiệp, khai cơ ra dòng họ Cao - Trần, xã Giao Tiến bắt đầu từ đây.
Nguyên nhân việc Thái tổ đổi từ họ Trần sang họ Cao và chuyển cư từ châu Ái ra ấp Hòe Nha đến nay vẫn đang được tiếp tục tìm hiểu.
Thái Bà Hoàng Thị Nhất Nương hiệu Từ Tín
Ngày giỗ: 29- 9 (không rõ năm sinh, năm mất).
        Hai ông bà sinh được 3 con trai, 4 con gái.
Ba con trai:
-   Trưởng là Trần Chân Tính, tập tước Bình Luận Công, mất sớm ở quê cũ. Ngày giỗ: 19 - 8;
-   Thứ hai là Trần Công Bật, tập tước Dự Nghĩa Công, theo Thái tổ ra ấp Hoè Nha, là Thái tôn họ Cao - Trần, xã Giao Tiến;
-   Thứ ba tự Hiếu Lương, mất sớm ở quê cũ. Ngày giỗ: 23 - 8.
Bốn con gái:
-    Cao Nhất Nương, hiệu Từ Thanh, còn gọi là bà Độ. Ngày giỗ: 3 - 7;
-    Cao Nhị Nương, hiệu Từ Tại. Ngày giỗ: 15 - 9;
-    Cao Tam Nương, hiệu Từ Minh, còn gọi là bà Thọ. Ngày giỗ: 24 - 8;
-    Cao Tứ Nương, hiệu Tiên Hoa Nương, còn gọi là bà Triều Hữu.         Ngày giỗ: 4 - 2.
Những ngôi vị kể trên, mộ đều ở tại quê cũ, không rõ sự thể sinh thời như thế nào. Chỉ biết rằng Thái tổ dặn lại và sau này được ghi trong phả lục.

ĐỜI THỨ HAI
Thái tôn Cao Quý Chúy Căn, tự Công Bật, thụy Viết Phúc Hậu.
Ngày giỗ: 4 - 10. Mộ an táng tại lăng nghĩa trang Bách Linh, thôn Quyết Tiến. Tổ là con trai thứ hai tổ Vô Ý, được tập tước Dự Nghĩa Công.
Năm Quý Hợi (1683), đời Vua Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa thứ 3 (1681 - 1705), tổ theo cha đến ấp Hòe Nha, trấn Sơn Nam Hạ (nay là xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) làm ăn, sinh sống và đổi từ họ Trần sang họ Cao.
Năm Quý Tỵ (1713), đời Vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 9 (1705 - 1719), tổ quy hậu Phật ở chùa thôn Chính. Năm Mậu Tuất (1718), niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 14, tổ quy hậu Phật ở chùa thôn Thượng. Thực hiện được ý cha là sâu rễ, bền gốc ở nơi quê mới, làm ăn, sinh sống lâu dài cùng với các dòng họ khác, lúc bấy giờ ấp Hòe Nha là vùng đất mới, dân cư còn thưa thớt.
Tổ lấy 3 bà, sinh ra đông con nhiều cháu.
Họ Cao Trần ta bắt đầu từ Thái tôn Công Bật ngày càng phát triển và thịnh vượng trên vùng quê mới.
Tổ tỷ Roãn Thị hàng Tam, hiệu Từ Nhân.
Ngày giỗ: 6 - 11. Mộ quy lăng cùng với tổ ông.
Hai ông bà sinh được 2 con trai, 1con gái.
Hai con trai:
- Trưởng huý là Riệu, tự Trung Trực, mất sớm, Ngày giỗ: 5 - 7.
- Thứ hai húy là Sâm, tự Công Cái.
Con gái:    
- Thị Sinh, hiệu Từ Hạnh, Ngày giỗ: 16 - 6.
Thứ tỷ Nguyễn Thị hàng..., hiệu Từ Duyên.
Ngày giỗ: 19 - 7. Mộ bà không rõ ở đâu.
Hai ông bà sinh được 2 con trai, 1 con gái.
Hai con trai:
- Trưởng húy là Lộc, tự Công Tuyển.
- Thứ hai húy là Lợi, đổi là Lại, còn gọi là Thâu.
Con gái:   
- Thị Lựu, hiệu Từ Nghiên, còn gọi là bà Liêu, Ngày giỗ: 17 - 4
Tam tỷ Nguyễn Thị hàng..., hiệu Từ Hiền.
Ngày giỗ: 13 - 8. Mộ quy lăng cùng với tổ ông.
Hai ông bà sinh được 2 con trai, 1 con gái.
Hai con trai:
- Văn Nhí, tự Danh Tuy; Văn…, cả 2 mất sớm.
Con gái:   
- Thị Vãng, hiệu Diệu Ba, Ngày giỗ: 15 - 1
ĐỜI THỨ BA
CÀNH TRƯỞNG
3. 1.1 -  Cao Chúy Sâm, tự Công Cái, thụy Giảng Vũ.
Ngày giỗ: 5 - 12. Mộ quy lăng nghĩa trang Bách Linh, thôn Quyết Tiến.
Ông là con trai thứ tổ Công Bật, tục gọi là cụ Tri. Xuất thân làm Trùm trưởng  giáp, sau làm đến chức Tri sự.
Bà Hoàng Thị hàng Nhất, hiệu Đoan Trang.
Ngày giỗ: 9 - 7. Mộ quy lăng cùng với ông.
Tổ mua hậu Phật chùa thôn Thượng.
Hai ông bà  sinh được 2 con trai, 3 con gái.
Hai con trai:    
- Trưởng là Bá Hân, tự Huệ Phương.
- Thứ hai là Trọng Viêm.
Con trai nuôi:  
- Húy là Khoái, tự Hiếu Điền, mất sớm.
Ba con gái:      
- Thị Phi, hiệu Từ Thục còn gọi là bà Bạ Nhị.
- Thị Ổn, hiệu Từ Quý, còn gọi là bà Sở Khoản.
- Thị Ánh, hiệu Nhân Hậu, đạo hiệu là Huyền Tiên, còn gọi là bà Sự  Ly Kỳ (bà làm thầy phù thủy).
          Bà thứ Lê Thị hàng Nhất, hiệu Đoan Nghiêm.
Ngày giỗ: 25 - 5.  Mộ không rõ ở đâu.
Bà xã Hoành Tứ, quy hậu Phật chùa thôn Chính, không có con.
CÀNH THỨ
3.2.2 - Cao Công huý Lộc, tự Công Tuyển,hiệu Phúc Khang.
Ngày giỗ: 17-12. Mộ quy lăng nghĩa trang Bách Linh, thôn Quyết Tiến.
Ông là con trai trưởng bà hai tổ Công Bật, còn gọi là Châu Hành.
Sinh thời ông làm Trùm trưởng giáp.
Bà Hoàng Thị hàng Nhất, hiệu Từ Chiêu
Ngày giỗ: 30 - 6. Mộ quy lăng cùng với ông.
Hai ông bà có 1 con trai nuôi: Nguyễn Chỉnh.
Bà thứ Hoàng Thị hàng Nhất, hiệu Từ Ái.
Ngày giỗ: 17 – 12. Mộ quy lăng cùng với ông.
Hai ông bà sinh được 1 con trai, 1 con gái.
Con trai: Huý là Tuân, tự Danh Đạt.
Con gái: Thị Huỳnh, hiệu Từ Mẫu, tục gọi là bà Đông.
Bà ba Vũ Thị hàng Tam, hiệu Nhu Chất.
Ngày giỗ: 23 - 5. Mộ bà không rõ ở đâu.
Hai ông bà sinh được 1 con trai, 2 con gái.
Con trai: Huý là Nhĩ, tự Danh Toại.
Hai con gái:
- Thị Dương, tục gọi là bà Đinh.
- Thị Chiêm, hiệu Trinh Khiết, tục gọi là bà Chưởng Tự.
3. 2.3 -  Cao Công huý Công Lại, tự Phúc Độ.
Ngày giỗ: 18-11. Mộ ông không rõ ở đâu.
Ông là con trai thứ bà hai tổ Công Bật, huý là Lợi, đổi là Công Lại, còn có húy Thâu.
Bà Vũ Thị hàng Nhất, hiệu Từ Hiền.
Ngày giỗ:     
Hai ông bà sinh được 2 con trai, nuôi 1 con trai.
Hai con trai:
- Trưởng  huý là Ấm, hiệu Trọng Ích.
- Thứ hai là Trọng Mối, đổi là Rật, tự Hiếu Niệm còn gọi là Nhân, mất sớm. Ngày giỗ: 25 - 2.
                   Con trai nuôi: Huý là Tiêu, đổi là Nguyễn Đa.
ĐỜI THỨ TƯ
CÀNH TRƯỞNG
4. 1.1 -  Cao Quý Chúy Bá Hân, tự Huệ Phương, thụy Viết Đạt Đạo.
Ngày giỗ: 24-1. Mộ quy lăng nghĩa trang Bách Linh, thôn Quyết Tiến.
Ông là con trai trưởng cụ Công Cái. Sinh thời làm Trùm trưởng giáp, Nhiêu ấm xã, sau làm đến Tri sự điện tiền.
Bà Vũ Thị hàng Nhất, húy Chinh, hiệu Trường Đức.
Ngày giỗ: 19 - 3. Mộ quy lăng cùng với ông.
Bà là con gái cụ Điện Quách họ Vũ.
Hai ông bà sinh được 6 con trai, 4 con gái.
Sáu con trai:  
  - Trưởng húy là Phác, tự Bá Tuân.
  - Thứ hai húy Ngụy, đổi là Trọng Chuân, tự Đức Trung.
  - Thứ ba húy là Tỵ, tự Trọng Cẩn.
  - Thứ tư húy là Tý, tự Trọng Thuyên.
  - Thứ năm húy là Tuất, tự Trọng Quang.
  - Thứ sáu húy là Thục, tự Thời Mại.
Bốn con gái:
  - Thị Nghị, hiệu Đoan Thân, còn gọi là bà Điện Sự.
  - Thị Nghĩ, hiệu Diệu Tư, còn gọi là bà Đảng Hai.
  - Thị Cáy, hiệu Diệu Từ Quang, còn gọi là bà Tú Dương.
 - Thị Soạn, hiệu Từ Minh, còn gọi là bà Tú Kính chồng xã Lãng  Lăng.
4. 1.2 -  Cao Công huý Trọng Viêm, thuỵ Cung Ý.
 Ngày giỗ: 10 - 4. Mộ quy lăng nghĩa trang Bách Linh, thôn Quyết Tiến.
 Ông là con trai thứ hai cụ Công Cái, làm Trùm trưởng giáp, được triều đình nhà Lê tấn tước: Nguyên tác sở sứ.
Bà Hoàng Thị hàng Nhất, hiệu Từ Đoan.
Ngày giỗ: 28 - 12. Mộ quy lăng cùng với ông.
Hai ông bà sinh được 1 con trai, 6 con gái.
Con trai: Huý là Nghi (Đưa), tự Thời Trung.
Sáu con gái:
 - Thị Chỉnh, hiệu Đoan Thành, tục gọi là bà Cai Đôn.
 - Thị Cảnh, hiệu là Từ Nương, tục gọi là bà Tư Miên.
 - Thị Biển, hiệu Từ Xuân, tục gọi là bà Nghĩa.
 - Thị Dậu, hiệu Từ Hoan, tục gọi là bà Rinh.
 - Thị Niệm, hiệu Diệu Hiền, tục gọi là bà Cai Tấn.
 - Thị Hoa, hiệu Từ Tường, tục gọi là bà Trùm Lưu. 
CÀNH THỨ
4. 2.3 -  Cao Công huý Tuân, tự Danh Đạt, thuỵ Liêm Đoán.
Ngày giỗ: 18 - 4. Mộ quy lăng nghĩa trang Bách Linh, thôn Quyết Tiến.
Ông là con trai bà hai cụ Công Tuyển, còn có húy Trọng Đạt, tục gọi là Chánh Sở. Ông được triều nhà Lê phong tước: Cai Thập lý Hầu.
 Đời vua Gia Long năm thứ 2 (1803), sau biến cố Ba Lạt năm 1787 (sông Hồng đổi cửa), làng xã định hình lần thứ hai, dân làng Trà Lũ, huyện Xuân Trường vượt sông Sò đến tranh chiếm cánh đồng bãi Phù Sa, gần 500 mẫu ruộng của xã nhà. Ông cùng các ông trong họ: Cao Ngọc Cẩn, Cao Đức Mậu, đứng đầu là Tổng trưởng Đinh Danh Trực và 15 ông nữa đại diện cho toàn xã tham gia tố tụng lên trấn, tổng trấn Bắc Thành (có tài liệu ghi vào cả kinh đô Huế). Kết quả đến năm Gia Long thứ 13, Giáp Tuất (1814), sau 12 năm kiên trì đấu tranh gian khổ, đã lấy được ruộng về cho dân xã nhà (xem Phù Sa điền án).
        Bà Phạm Thị hàng Nhất, huý Nên, hiệu Từ Hậu, đạo hiệu Huyền Trang
Ngày giỗ: 12 - 7. Mộ quy lăng cùng với ông. Bà là người xã Hoành Tứ.
Hai ông bà sinh được 6 con trai, 3 con gái.
Sáu con trai:
 - Trưởng huý là Bỉnh, tự Trọng Quỳ.
 - Thứ hai  huý là Son, tự Danh Tiêm.
 - Thứ ba  huý là Bảo, tự Trọng Tấn.
 - Thứ tư  huý là Phường, tự Hữu Đạo.
 - Thứ năm huý là Lô, tự Viết Trung, mất sớm.
 - Thứ sáu  huý là Khản, đổi là Danh Văn.
Ba con gái:
- Thị Viên, hiệu Xuân Dung, gọi là bà Tổng Thúc Hai,
- Thị Nhuế, hiệu Đức Hạnh, tục gọi là bà Tư Kỳ.
- Thị Hợp, hiệu Thanh Dung, tục gọi là bà Trùm Tiên.
4. 2.4 -  Cao Công huý Nhĩ, tự Danh Toại, thuỵ Mẫn Đạt.
Ngày giỗ: 3 - 6.
Ông là con trai bà ba cụ Công Tuyển, còn gọi là Tú Xuyên. Ông đi lên rừng và không thấy về nữa, sau này lấy ngày ông rời nhà ra đi: 3- 6, làm ngày giỗ.
Bà Cao Thị hàng Nhất, hiệu Liêm Trinh.
Ngày giỗ: 14 - 4. Mộ bà không rõ ở đâu.
Hai ông bà sinh được 3 con trai, 2 con gái.
Ba con trai:  
- Trưởng huý là Tố, đổi là Thọ, sau đổi là ông Nhắn.
- Thứ hai huý là Nhân, mất sớm.
- Thứ ba  huý là Bổng, mất sớm.
Hai con gái:
- Thị Miễn.
- Thị Gội, hiệu Dung Hạnh, tục gọi là bà Vệ Cảnh.
4. 2.5 -  Cao Công Nhất lang, huý Ấm, tự Trọng Ích.
 Ngày giỗ:
Ông là con trai cụ Công Lại, còn gọi là Trùm Miên.
Bà Vũ Thị huý Nhiễu.
Ngày giỗ:            Ông mất, bà đi tái giá.             
Hai ông bà sinh được 1 con trai, 1 con gái.
Con trai: Huý là Viết, hiệu Dũng Lực.
Con gái: Thị Đễ, hiệu Từ Tường.
4. 2.6 -  Cao Công huý Nguyễn Đa, thuỵ Đôn Trực.
Ngày giỗ:
Ông là con nuôi cụ Công Lại, húy Tiêu, đổi là Nguyễn Đa, tục gọi là ông Nhiêu Đa. Ông làm Trùm trưởng giáp.
Bà Nguyễn Thị hàng Nhất, hiệu Từ Chính.
Ngày giỗ:
Hai ông bà sinh được 2 con trai, 4 con gái.
Hai con trai:
- Trưởng huý là Ba, tự Thanh Tú, mất sớm.
- Thứ hai là Nguyễn Ứng.
Bốn con gái:
- Thị Nhuần, hiệu Dung Hoa.
- Thị Rụt, hiệu Từ Dung, tục gọi là bà Bạ Hướng.
- Thị Bài, hiệu Đoan Mẫn, tục gọi là bà Sự Kiến.
- Thị Đạt, hiệu Từ Tín, tục gọi là bà Nhiêu Lộc.

                                         ĐỜI THỨ NĂM
  CÀNH TRƯỞNG
  5. 1.1 -  Cao Quí Chúy Phác, tự Bá Tuân, thụy Trung Chính.
 Ngày giỗ: 23 - 4. Mộ quy lăng nghĩa trang Bách Linh, thôn Quyết Tiến.
 Ông là con trưởng cụ Huệ Phương. Sinh thời từng làm Trùm trưởng giáp, Nhiêu ấm xã, sau có công được phong Thập lý hầu.
   Khi đương chức, xã ta bị giặc Mèo (Miêu tặc) đến quấy phá cướp bóc, ông đã tổ chức và chỉ huy dân làng đánh tan bọn giặc cướp. Sau 7 ngày đêm chiến đấu liên tục, ông đã hy sinh. Ông có tinh thần trách nhiệm cao, vì nghĩa quên mình, nêu tấm gương tiêu biểu trước nhân dân. Tuy ông đã mất đi, nhưng tiếng thơm còn mãi, con cháu phồn thịnh, đời đời phát triển, nhớ đến công đức kế thừa (lời án của ông Cao Vĩnh Phúc).
Bà Hoàng Thị  húy Giáng, hiệu Đoan Chất.
Ngày giỗ: 4 - 7. Mộ quy lăng cùng với ông.
Hai ông bà sinh được 6 con trai, 2 con gái.
Sáu con trai:
- Trưởng húy là Rao, tự Đăng Dụng.
- Thứ hai húy là Sỹ, tự Đức Mậu.
- Thứ ba húy là Muông, tự Đức Giản.
- Thứ tư húy là Phúc, hiệu Đức Tuấn.
- Thứ năm húy là Nghị, tự Đức Tú.
- Thứ sáu húy là Ruyên, đổi là Đức Thiệu.
Hai con gái:
- Thị Quyên, hiệu Từ Thuận, còn gọi là bà Tổng Trực.
- Thị Thái, hiệu Từ Hòa, còn gọi là bà Sự Sỹ.
5. 1.2 -  Cao Công huý Nguỵ, tự Đức Trung, hiệu Trí Dũng.
Ngày giỗ: 13 - 1. Mộ quy lăng nghĩa trang Bách Linh, thôn Quyết Tiến.
Ông là con trai thứ hai cụ Huệ Phương, húy Nguỵ, đổi là Trọng Chuân. Ông là Trùm trưởng giáp, Nhiêu ấm xã. Thời vua Lê Chiêu Thống, có võ công được phong là Lang tướng. Ông tham gia hộ giá Bắc hành và chỉ huy đội thuyền chiến.
Khi sinh thời có Đinh Kim Ngô, thôn Chính, viên quan đương kim chức vị Tiên chỉ xã, sợ ông Đức Trung có chức quan cao hơn về xã tranh mất chức vị, nên đã âm mưu cùng với một viên quan ở Thái Bình giết hại ông trên đường về, khi thuyền tới đoạn sông từ Ngô Đồng đến dốc Hoành Nha bây giờ. Sau vài ngày ông bị hại, Đinh Kim Ngô lại chỉ huy gia đinh, định triệt hạ cả họ Cao. Nhưng các con cháu của họ đã tự vệ thành công, trả thù và rửa hận cho ông.
Bà Phạm Thị hàng Nhất, hiệu Trinh Thuận.
Ngày giỗ: 19 - 3. Mộ quy lăng cùng với ông.
Hai ông bà sinh được 2 con trai, 4 con gái.
Hai con trai:  
- Trưởng huý là Trị, tự Đức Dung.
- Thứ hai là Đức Tiềm.
Bốn con gái:
- Thị Lương, hiệu Từ Nương, chồng ở Nam Điền.
- Thị Điền, hiệu Từ Trúc, tục gọi là bà Nhiêu Sỹ.
- Thị Thiện, hiệu Từ Thiện, tục gọi là bà Tường.
- Thị Mỹ, hiệu Từ Mỹ, mất sớm.
5. 1.3 -  Cao Công huý Trọng Cẩn, thuỵ Đôn Cẩn.
 Ngày giỗ: 26 - 7. Mộ quy lăng nghĩa trang Bách Linh, thôn Quyết Tiến.
Ông là con trai thứ ba cụ Huệ Phương, trước húy Tỵ đổi là Trọng Cẩn còn có húy Ngọc Cẩn. Ông làm Trùm trưởng giáp, sau làm Tri sự.
 Đời vua Gia Long năm thứ 2 (1803), sau biến cố Ba Lạt năm 1787 (sông Hồng đổi cửa), làng xã định hình lần thứ hai, dân làng Trà Lũ, huyện Xuân Trường vượt sông Sò, đến tranh chiếm cánh đồng bãi Phù Sa, gần 500 mẫu ruộng của xã nhà. Ông đã cùng với các ông trong họ: Cao Trọng Đạt (đời thứ 4), Cao Đức Mậu (đời thứ 6), đứng đầu là Tổng trưởng Đinh Danh Trực và 15 ông nữa đại diện cho toàn xã tham gia tố tụng lên trấn, tổng trấn Bắc Thành (có tài liệu ghi vào cả kinh đô Huế).
Vụ án kéo dài nhiều năm, kết thúc thắng lợi vào năm Gia Long thứ 13, Giáp Tuất (1814), đã lấy được ruộng về cho dân xã nhà (xem tài liêu Phù Sa điền án).
Bà Phạm Thị hàng Nhất, hiệu Từ Tĩnh.
Ngày giỗ: 5 - 9. Mộ quy lăng cùng với ông.
Hai ông bà sinh được 6 con trai, 5 con gái.
Sáu con trai:
- Trưởng huý là Tôn, tự Bá Khiết.
- Thứ hai huý là Cần, tự Trọng Tín.
- Thứ ba huý là Tứ, tự Trọng Nhương.
- Thứ tư huý là Bô, tự Trọng Kiển, (tức Khiển).
- Thứ năm huý là Nhị, đổi là Trọng Mưu.
- Thứ sáu tự Trọng Phái.
Năm con gái:
- Thị Yên, hiệu Đoan Hậu, lấy người Nam Điền, Xuân Trường, tục gọi là bà Trùm Khánh.
 - Thị Nhạn, hiệu Từ Lương, còn gọi là bà Binh Nghiễm.
 - Thị Điệu, hiệu Từ Luân.
 - Thị Cận, hiệu Từ Trung.
 - Thị Suẩn.
5. 1.4 -  Cao Công huý Tý, tự Trọng Thuyên, thuỵ Đôn Lương.
Ngày giỗ:.
Ông là con trai thứ tư cụ Huệ Phương. Ông làm Trùm trưởng giáp, sau làm Tri bạ. Ông lên vùng Thiên Thiện lấy tiền bán trâu, mà không về.
Bà Vũ Thị hàng Nhất huý Cẩm, hiệu Từ Đức.
Ngày giỗ:
Hai ông bà sinh được 2 con gái:
- Thị Anh.
- Thị Chích, tục gọi là bà Đằng, bà Yến, sinh ra ông Phó Hích.
5. 1.5 -  Cao Công huý Tuất, tự Trọng Quang, thuỵ Trực Nghị.
 Ngày giỗ: 18 - 3. Mộ quy lăng nghĩa trang Bách Linh, thôn Quyết Tiến.
Ông là con trai thứ năm cụ Huệ Phương. Ông làm Trùm trưởng giáp, Nhiêu ấm xã.
Bà Hoàng Thị hàng Nhất huý Oánh, hiệu Trinh Thục.
Ngày giỗ: 18 - 8. Mộ quy lăng cùng với ông.
Hai ông bà sinh được 2 con trai, 2 con gái.
Hai con trai:
- Trưởng tự Bá Hổ.
- Thứ hai là Ngọc Đĩnh.
 Hai con gái:
- Thị Tào, hiệu Thanh Khiết, tục gọi là bà Đồ Khanh.
- Thị Cam, hiệu Đoan Minh, tục gọi là bà Phó.
5. 1.6 -  Cao Công huý Thục, tự Thời Mại, thuỵ Khoan Trực.
  Ngày giỗ: 24 - 7. Mộ quy lăng ở nghĩa trang Sân Rồng, Hùng Tiến.
Ông là con trai thứ sáu cụ Huệ Phương, làm Trùm trưởng giáp và Xã đội trưởng. Ông mất, bà đi tái giá.
Hai ông bà sinh được 4 con trai:
- Trưởng huý Mè, tự Bá Nhất.
- Thứ hai huý Quế, tự Bá Thái.
- Thứ ba húy Chu, tự Bá Mẫn.
- Thứ tư huý Văn Giỏi, mất sớm.
5. 1.7 -  Cao Công huý Nghi, tự Thời Trung, thuỵ Thiện Tính.
Ngày giỗ: 3 - 1.
Ông là con trai trưởng cụ Trọng Viêm, còn có húy Đưa.
Bà Vũ Thị hàng Nhất, hiệu Diệu Trí.
Ngày giỗ: 5 - 6.
Hai ông bà sinh được 4 con trai, 1 con gái.
Bốn con trai:
- Trưởng là Văn Tài
- Thứ hai là Đức Nghệ.
- Thứ ba là Thời Quyền.
- Thứ tư là Đức Hoàn.
Con gái: Thị Giáp.

CÀNH THỨ
5. 2.8 -  Cao Công huý Bỉnh, tự Trọng Quỳ, thuỵ Cương Trực.
Ngày giỗ: 29 - 9. Mộ quy lăng nghĩa trang Bách Linh, thôn Quyết Tiến.
Ông là con trai trưởng cụ Danh Đạt tục gọi là Chánh sở. Ông làm Khán thủ thôn và Tri bạ xã. Ông tham gia vụ Phù Sa điền án cùng các tiên liệt trong họ và xã vào khoảng năm (1803 - 1814). Sau 12 năm đấu tranh gian khổ đã lấy được ruộng về cho xã nhà.
Bà Hoàng Thị hàng Nhất  huý Nghi, hiệu Thanh Tĩnh.
Ngày giỗ: 22 - 5. Mộ quy lăng cùng với ông.  
Hai ông bà sinh được 1 con trai, 2 con gái.
Con trai: Văn Viễn.
Hai con gái:
- Thị Dậu, hiệu Thanh Khiết.
- Thị Hạnh, hiệu Trinh Minh.
Bà thứ Vũ Thị hàng Nhất huý Hứa, hiệu Diệu Thận.
Ngày  giỗ:  16 - 12.
Hai ông bà sinh được 1 con trai, 2 con gái.
Con trai: Văn Riễn.
Hai con gái:
- Thị Chỉnh, hiệu Thuận Ý.
- Thị Thịnh, hiệu Chất Trực.
5. 2.9 -  Cao Công huý Son, tự Danh Tiêm,  thuỵ Dũng Nhuệ.
Ngày giỗ: 20 - 12. Mộ ông không rõ ở đâu.
Ông là con trai thứ hai cụ Danh Đạt. Ông làm Tri sự, tham gia luyện binh xã, sau đó tham gia đánh quân Thanh, hy sinh ở núi Tam Tầng, Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh.
Bà Hoàng Thị hàng Nhất, huý Nự, hiệu Từ Lự.
Ngày giỗ: 1 - 8. 
Hai ông bà sinh được 1 con trai: Năng An.
5. 2.10 -  Cao Công huý Bảo, tự Trọng Tấn, thuỵ Viết Hiền Minh.
Ngày giỗ: 22 - 5. Mộ quy lăng ở nghĩa trang thôn Quyết Tiến
Ông là con trai thứ ba cụ Danh Đạt. Ông làm tuyển binh xã.
Bà Hoàng Thị hàng Nhất huý Ngỗng, hiệu Trinh Hoà.
Ngày giỗ: 5 - 1, thọ 84 tuổi. Mộ quy lăng cùng với ông.
Bà là con gái cụ Huyện Thừa họ Hoàng.
Hai ông bà sinh được 1 con trai, 2 con gái.
Con trai: Văn Chức.
Hai con gái:  
- Thị Két, hiệu Từ Kiệm.
- Thị Hạc.
5. 2.11 - Cao Công huý Phường, tự Hữu Đạo, thuỵ Viết Huyền Lục Minh Đạt Tiên sinh.
Ngày giỗ: 22 - 10. Mộ quy lăng ở nghĩa trang thôn Quyết Tiến
Ông là con trai thứ tư cụ Danh Đạt. Ông làm Thủ từ miếu thôn Chính và làm thầy Phù thuỷ, nên gọi là thầy Phường.
Bà Ngô Thị hàng Nhất huý Liêm, hiệu Trinh Thục.
Ngày giỗ:                   
Bà người xã Lạc Nghiệp, huyện Xuân Trường, không có con.
Phần mộ hoàn tôn.
5. 2.12 -  Cao Công huý Danh Văn, hiệu Mẫn Tiệp.
Ngày giỗ: 18 - 1. Mộ quy lăng ở nghĩa trang thôn Quyết Tiến
Ông là con trai thứ sáu cụ Danh Đạt. Trước húy là Khản, đổi là Danh Văn.  Ông làm nghề thợ mộc.
Bà Nguyễn Thị hàng Nhị huý Điện, hiệu Mỹ Hạnh.
Ngày giỗ:          Mộ quy lăng cùng với ông.
Hai ông bà sinh được 2 con trai, 2 con gái.
Hai con trai:
- Trưởng là Văn Trí, mất sớm.
- Thứ hai là Văn Từ.
Hai con gái:  
- Thị Hót, hiệu Từ Tường.
- Thị Nhũ.
5. 2.13 -  Cao Công huý Nhắn, tự Danh Tế.
Ngày giỗ:
Ông là con trai cụ Danh Toại. Ông mất sớm, bà đi tái giá.
5. 2.14 -  Cao Công huý Nguyễn Ứng, thuỵ Chính Trực.
Ngày giỗ: 23 - 4.
Ông là con trai cụ Nguyễn Đa, húy Lạt, đổi là Nguyễn Ứng.
Bà Vũ Thị hàng …, hiệu Viết Dung Hạnh.
Ngày giỗ:
               Hai ông bà sinh đuợc 1 con gái: Thị Quyên.


ĐỜI THỨ SÁU
CÀNH TRƯỞNG - PHÁI TRƯỞNG (Giáp phái)
6. 1.1.1 - Cao Quý Công huý Dao, tự Đăng Dụng, hiệu Từ Đạo Tiên Sinh
Sinh năm: Kỷ Mão (1759).
Ngày mất: 6 - 9, năm Kỷ Dậu (1849), thọ 91 tuổi.
Mộ quy lăng nghĩa trang Bách Linh, thôn Quyết Tiến.
Ông là con trai truởng cụ Bá Tuân. Thời triều nhà Lê ông làm Trung lang tướng, sau chuyển sang hàng ngũ quân Tây Sơn của nguyễn Huệ, khi triều Tây Sơn mất, ông bỏ về quê làm thuốc để lập nghiệp.
Lới án của Tổ biên tập thế phả 1869 như sau:
Ông Đăng Dụng thiên tư trung hậu, tuổi trẻ có ý chí nghị lực, đi sâu vào nghiệp học cùng với các danh sỹ và liêu hữu, trải qua nhiều khoa trường thi cử, nhưng không thành tựu. Về già ông đi sâu vào thuyết phong thủy và y nghiệp tinh thông, chữa bệnh giúp đời, không đòi hỏi tiền công, để lại công đức cho đời sau (cháu Cao Vĩnh Phúc kính ghi).
Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị, một nhà nho yêu nước danh vọng sinh thời, về thiết trướng tại xã năm 1869, viết cho họ đôi câu đối liễn ký sự về thân thế, sự nghiệp của ông như sau:
“Kiếm đài cung thất, Lang tướng phong tiêu tứ thập tiền vi địch cô thần, lưu thủ đan tâm hoàn tạo vật.
Dược phố thư trù, xá ông tâm sự, ngũ thập hậu thái bình nhân thuỵ, ký tồn hồng phúc ấm hinh nhi”
Lược dịch như sau:
“Thanh gươm yên ngựa, cờ tướng gió bay, bốn mươi năm trước, chút nghĩa cô thần, giữ tấm lòng son cùng tạo hoá.
Gánh thuốc túi thơ, xá nhân tâm sự, năm chục năm sau vì đời tận tuỵ, còn lưu hồng phúc để đời sau”.
Đôi câu đối tự sự trên đã tóm tắt đầy đủ về đạo đức thân thế và sự nghiệp của Tổ vậy (cháu Cao Xuân Thiệu kính ghi).
Trước ông đã lấy một bà ở Diêm Điền, Thái Bình, sinh được một con trai húy Lân bị mất tích. Năm 1995 mới được biết: do lũ lụt năm 1787 sông Hồng đổi dòng, mở ra cửa Ba Lạt, cùng với  binh lửa loạn ly, cụ bà và ông Lân lưu lạc ở Thái Bình. Ngày nay con cháu ông Lân đã tìm về nhận họ. Ông Lân, tự là Dũng Trí, định cư ở vùng Văn Lý, Hải Hậu, Nam Định và là cụ tổ dòng họ Cao - Trần ở Hải Hậu, biệt chi của họ Cao - Trần, xã Giao Tiến.
Bà thứ Phạm Thị huý Diễn, quý hiệu Thành Trang.
Sinh năm: Đinh Hợi (1767).
Ngày mất: 14- 9 năm Mậu Thân (1848), thọ 82 tuổi.
Mộ quy lăng cùng với ông.
Bà là con gái út cụ Huyện họ Phạm thôn Chính.
Hai ông bà sinh được 4 con trai, 1 con gái.
Bốn con trai:
- Trưởng là Văn Khải, đổi Ngọc Triết.
- Thứ hai là Văn Biện, đổi Ngọc Oanh.
- Thứ ba là Văn Thân đổi Văn Thứ, sau đổi là Đăng Phong.
- Thứ tư húy Thử, sau cải tên là Quán.
Con gái:    
- Thị Giám, lấy ông Nho Xao, người thôn Hoành Tứ.

CÀNH TRƯỞNG - PHÁI THỨ HAI (Ất phái)


6. 1.2.2 -  Nghiêm Đường Cao Quí Công húy Sỹ, tự Đức Mậu, hiệu Mẫn Trực.
 Sinh năm: Tân Tỵ (1761), niên hiệu Lê Cảnh Hưng thứ 22,
 Ngày mất: 1 - 8 năm Quý Mão (1843), Thiệu Trị thứ 3, thọ 83 tuổi.
 Mộ quy lăng nghĩa trang Bách Linh, thôn Quyết Tiến.
Ông là con trai thứ hai cụ Bá Tuân. Triều Lê ông làm Cai hợp Thập lý hầu xã, triều Nguyễn Gia Long, làm Xã trưởng.
Đời vua Gia Long năm thứ 2 (1803), sau biến cố Ba Lạt năm 1787 (sông Hồng đổi cửa), làng xã định hình lần thứ hai, dân làng Trà Lũ, huyện Xuân Trường vượt sông Sò đến tranh chiếm cánh đồng bãi Phù Sa, gồm 570 mẫu ruộng của xã nhà. Với tư cách là Xã trưởng, ông đã cùng với Tổng trưởng Đinh Danh Trực, hai ông trong họ: Cao Trọng Đạt, Cao Ngọc Cẩn và 15 ông nữa đại diện cho toàn xã tham gia tố tụng lên trấn, tổng trấn Bắc Thành (có tài liệu ghi vào cả kinh đô Huế). Kết quả đến năm Gia Long thứ 13, Giáp Tuất (1814), sau 13 năm kiên trì đấu tranh gian khổ, đã lấy được ruộng về cho dân xã nhà (xem Phù Sa điền án).
Ông còn có nhiều đóng góp xây dựng các công trình văn hóa, xã hội của địa phương để lại cho đời sau như: tổ chức quyên góp và chủ trì đúc chuông đồng chùa Hưng An, năm Kỷ Sửu 1829. Văn bia chùa Hưng An thôn Thượng là chứng tích (lời án Tổ biên tập thế phả họ, cháu Cao Xuân Thiệu kính ghi)
  Bà Vũ Thị hàng Tam, húy Sính, hiệu Đoan Thục Nhu Nhân.
 Sinh năm: Nhâm Thìn (1772) niên hiệu Lê Cảnh Hưng thứ 33.
 Ngày mất: 6 - 10  năm Tân Sửu (1841), Thọ 70 tuổi.
 Mộ quy lăng cùng với ông. Bà là con gái cụ Châu Huyên họ Vũ.
 Hai ông bà sinh được 4 con trai, 5 con gái.
Bốn con trai:
- Trưởng húy là Quyển, đổi là Đức Trứ.
- Thứ hai húy là Thiệm, sau đổi thành Đức Nhuận.
- Thứ ba húy là Miên, đổi là Đức Trạch.
- Thứ tư húy là Kiên, đổi là Đức Thịnh.
Năm con gái:
- Thị Phiếm, hiệu Thục Huệ, lấy ông Nhang Điến họ Hoàng, thôn Thượng.
- Thị Thông, lấy ông Hương Đạt họ Vũ.
- Thị Thanh, lấy ông Lý Sảnh họ Hoàng, thôn Thượng.
- Thị Nhị, hiệu Cần Kiệm, lấy ông Đồ Đôn họ Phạm, thôn Hoành Tứ.
- Thị Tuyết, lấy ông Hiệp Thể họ Lê thôn Chính.

CÀNH TRƯỞNG - PHÁI THỨ BA (Bính phái).


6. 1.3.3 -  Cao Công huý Muông, tự Đức Giản, hiệu Chính Trực Hiền Lương.
Ngày giỗ: 17 - 1.
Ông là con trai thứ ba cụ Bá Tuân, triều nhà Lê ông làm Tri bạ.
Bà Mai Thị hàng Nhị, huý Hợp, hiệu Từ Thọ.
Ngày giỗ: 19 - 6.
Hai ông bà sinh được 3 con trai, 3 con gái.
Ba con trai:
- Trưởng là Đức Vặc (Đức Vậc)
- Thứ hai là Đức Cảnh.
- Thứ ba là Văn Kiển, đổi là Ngọc Hanh.
Ba con gái:
- Thị Phiến, hiệu Trinh Thục Mẫn, lấy ông Khán Úy.
- Thị Ngoảnh, lấy ông Lý Khương, ở Lãng Lăng.
- ThịViễn, hiệu Tinh Huy, lấy ông Binh Nghĩa cùng thôn.
6. 1.3.4 -  Cao Công huý Phúc, hiệu Đức Tuấn, thuỵ Hùng Lược.
Ngày giỗ: 26 - 6.
Ông là con trai thứ tư cụ Bá Tuân. Thời nhà Lê ông làm Tri bạ Vệ uý.
Ông là người kiên nghị dũng cảm, vì việc nghĩa dám đương đầu với Đinh Kim Ngô, trả thù cho chú và bảo vệ dòng họ. Sinh thời năm 1781, Trung lang tướng Cao Đức Trung là chú, bị viên Tiên chỉ Đinh Kim Ngô sát hại. Sau vài ngày Đinh Kim Ngô lại tập hợp gia đinh, định tiêu diệt họ Cao để trừ hậu hoạ. Lúc đó nhân đinh họ ta còn ít, ấp lại mới chuyển cư lần thứ hai, mọi người còn trù trừ chưa quyết định, duy có ông giầu lòng thương chú, quyết chí trọng nghĩa liều thân dẫn đầu, ra sức chiến đấu, giết chết Đinh Kim Ngô, trả được mối thù cho chú và bảo vệ được dòng họ trụ vững tại quê hương (lời án của Cao Vĩnh Phúc ghi).
 Chi của ông đã chuyển cư lập ấp tại xã Duy Tắc, tổng Hoành Thu, nay là xã Giao Tân.
Bà Vũ Thị hàng Tam, hiệu Từ Hoà.
Ngày giỗ: 25 - 4.
Hai ông bà sinh được 3 con trai, 3 con gái.
Ba con trai:
- Trưởng là Văn Cò, đổi là Thế Hương.
- Văn Cốc, Văn Két, cả 2 mất sóm.
Ba con gái:  
- Thị Vược, tục gọi là bà Đường.
- Thị Sáo, tục gọi là bà Phó Nhân.
- Thị Nhiên, chồng thôn Chính, tục gọi là bà Tú Tuần.

6. 1.3.5 -  Cao Công huý Nghị, tự Đức Tú, thuỵ Hoà Nhu, Phụng Sắc Tú tài hầu.
Ngày giỗ: 26 - 2.
Ông là con trai thứ năm cụ Bá Tuân. Ông làm Tri sự thời nhà Lê, sau tham gia luyện binh được cấp bậc là Xuất đội, đến thời Gia Long được phong Tú tài hầu.
Ông không có con trai, nhận Ngọc Hanh con ông Đức Giản làm con nuôi. Ông cúng vào Cành trưởng một thửa ruộng tư thổ và cháu chú là Danh Quán cúng vào họ 6 miếng ruộng làm kỵ điền. Năm 1956 cải cách ruộng đất, xã đã thu lại.
Bà Lê Thị huý Đích, hiệu Từ Minh.
Ngày giỗ:
Hai ông bà sinh được 4 con gái, 1 con trai nuôi.
Con trai nuôi:
- Ngọc Hanh, con trai ông Đức Giản.
Bốn con gái:   
- Thị Trục, còn gọi là bà Dỵ.
- Thị Điển, còn gọi là bà Uy.
- Thị Tiền, còn gọi là bà Thoan.
- Thị Huyền, còn gọi là bà Năng.

CÀNH TRƯỞNG - PHÁI THỨ TƯ (Đinh phái).
6. 1.4.6 -  Cao Công huý Đức Thiệu, thuỵ Viết Chuyên Cần.
Ngày giỗ: 19 - 4.
Ông là con trai thứ sáu cụ Bá Tuân, húy Ruyên, đổi là Đức Thiệu.
Bà Lê Thị hàng Nhất huý Song, hiệu Chính Tâm.
Ngày giỗ: 14 - 5. Bà là con gái cụ Cai Lang họ Lê.
Hai ông bà sinh được 3 con trai, 4 con gái.
Ba con trai:  
- Trưởng là huý Bật, đổi là Danh Thời, rồi Danh Đặc.
- Thứ hai là Danh Lạc.
- Thứ ba là Danh Vuông.
Bốn con gái:
- Thị Tuyển, lấy ông Binh Đính họ Phạm.
- Thị Xý, lấy ông Nho Nghiễm họ Vũ.
- Thị Bao, còn gọi là bà Tấn.
- Thị Ngạn, lấy ông ông Nhiêu Toản, họ Phạm thôn Chính.

CÀNH TRƯỞNG - PHÁI THỨ NĂM (Mậu phái).
6. 1.5.7 -  Cao Công huý Trị, tự Đức Dung, thuỵ Cương Lực.
Ngày giỗ: 6 - 2.
Ông là con trai trưởng cụ Đức Trung. Ông mất bà đi tái giá.
Hai ông bà sinh được 5 con trai:
- Trưởng là Văn Hào, tự Đức Thuỷ.
- Thứ hai là Đức Thạc.
- Văn Miên, Văn Khán, Văn Khế, cả 3 đều mất sớm.
6. 1.5.8 -  Cao Công tự Đức Tiềm, thuỵ Lương Đức.
Ngày giỗ: 7 - 2
Ông là con trai thứ hai cụ Đức Trung.
Bà Lê Thị hàng Nhất, hiệu Từ Hoà.
Ngày giỗ:
Hai ông bà sinh được1 con trai, 1 con gái.
Con trai: Văn Cu, mất sớm.
Con gái: Thị Triết, mất sớm.
CÀNH TRƯỞNG - PHÁI THỨ SÁU (Kỷ phái).
6. 1.6.9 -  Cao Công huý Tôn, tự Bá Khiết, hiệu Tôn Lương.
Ngày giỗ:
Ông là con trai trưởng cụ Trọng Cẩn.
Bà Phạm Thị hàng Nhất huý Ngoan, hiệu Từ Hoà.
Ngày giỗ:
Hai ông bà sinh được 3 con trai, 1 con gái.
Ba con trai:  
- Trưởng là Văn Tiệm.
- Thứ hai là Văn Chử, mất sớm.
- Thứ ba là Văn Liêu.
Con gái: Thị Oanh.
6. 1.6.10 -  Cao Công huý Cần, tự Trọng Tín, thuỵ Khắc Cần.
Ngày giỗ:
Ông là con trai tứ hai cụ Trọng Cẩn. Ông mất sớm, bà đi tái giá.
Hai ông bà sinh được 1 con trai, 4 con gái.
Con trai: Văn Mặc, mất sớm.
Bốn con gái:
- Thị Hiên, lấy ông ông Khán Hoè họ Hoàng, thôn Thượng.
- Thị Đông, lấy ông ông Khán Đạo, ở Cát Xuyên.
- Thị Quất, mất sớm.
- Thị Ích, lấy ông Nguyễn Cường.
6. 1.6.11 -  Cao Công huý Tứ, tự Trọng Nhương, thuỵ Chân Tinh.
Ngày giỗ:
Ông là con  thứ ba cụ Trọng Cẩn.
Bà Vũ Thị hàng Nhất, hiệu Từ Ái.
Ngày giỗ:
Hai ông bà sinh được 1 con trai: Văn Riệc
6. 1.6.12 -  Cao Công huý Bô, tự Trọng Kiển, hiệu Lương Công.
Ngày giỗ: 25 - 1.
Ông là con thứ tư cụ Trọng Cẩn, còn có tên tự Trọng Kiển.
Bà Vũ Thị hàng Nhất huý Ruyên, hiệu Từ Cần.
Ngày giỗ: 25 - 8.
Hai ông bà sinh được 3 con trai, 2 con gái.
Ba con trai:
- Trưởng là Văn Đờn.
- Thứ hai là Danh Hữu.
- Thứ ba là Văn Viễn.
Hai con gái:
- Thị Quyên, tục gọi là bà Đồ Thống.
- Thị Quất, tục gọi là bà Giáo Hệ.
6. 1.6.13 -  Cao Minh Nông Đường, huý Trọng Mưu, tự Trọng Chí.
Ngày giỗ: 28 - 6.
Ông là con trai thứ năm cụ Trọng Cẩn, húy Nhị đổi là Trọng Mưu.
Bà Nguyễn Thị hàng Nhất huý Hiên, hiệu Cung Ý.
Ngày giỗ: 21 - 11 
Hai ông bà sinh được 1 con gái, nuôi 1 con trai.
Con nuôi: Văn Liêu, con ông Bá Khiết.
Con gái: Thị Quất, lấy ông Văn Tế họ Vũ.
Bà thứ Nguyễn Thị hàng Nhất huý Tỉnh, hiệu Nhu Hoà.
Ngày giỗ: 7 - 10. Bà là con gái cụ Nguyễn Tỉnh
Hai ông bà sinh được 1 con trai, 1 con gái:
Con trai: Văn Giòn, mất sớm.
Con gái: Thị Nắm, lấy ông Lý Mai họ Vũ.
6. 1.6.14 -  Cao Công tự Trọng Phái, thuỵ Trực Ngôn.
Ngày giỗ: 28 - 7.
Ông là con trai thứ sáu cụ Trọng Cẩn.
Bà Hoàng Thị hàng Nhất húy Chì, hiệu Từ Thực.
Ngày giỗ: 14 - 8.
Hai ông bà sinh được 2 con trai, 1 con gái.
Hai con trai:
- Trưởng là Văn Đuốc.
- Thứ hai là Văn Đích.
Con gái: Thị Thục, tục gọi là bà Tổng Toản.
CÀNH TRƯỞNG - PHÁI THỨ BẢY (Canh phái).
6. 1.7.15 -  Cao Công tự Bá Hổ, hiệu Ôn Lương.
Ngày giỗ: 11 - 8. Mộ quy lăng nghĩa trang Bách Linh, thôn Quyết Tiến.
Ông là con trai trưởng cụ Trọng Quang. Ông không có con trai, ông đi làm thợ mộc ở Hải Dương, nhận ông Khớ về làm con nuôi.
Bà Lê Thị hàng Nhất huý Miễn, hiệu Từ Thuận.
Ngày giỗ: 21 - 9. Mộ quy lăng cùng với ông
Hai ông bà sinh được 2 con gái, 1 con trai nuôi:
Con nuôi: Văn Khớ (Kha).
Hai con gái:    
- Thị Miện, còn gọi là bà Trùm Tuy.
- Thị Oanh, con gọi là bà Đồ Đàm.
6. 1.7.16 - Cao Công huý Ngọc Đĩnh, hiệu Lạc Đạo Tiên sinh.
Ngày giỗ: 22 - 11.
Ông là con trai thứ hai cụ Trọng Quang, tên huý Thục, đổi là Trọng Liêm, sau lại đổi là Ngọc Đĩnh.
Bà Nguyễn Thị hàng Ngũ huý Nụ, hiệu Diệu Từ.
Ngày giỗ:
Bà là con gái cụ Cai Hoa họ Nguyễn.
Hai ông bà sinh được 2 con trai:
- Trưởng là Văn Luyện.
- Thứ hai là Văn Khâm.
CÀNH TRƯỞNG - PHÁI THỨ TÁM (Tân phái).
6. 1.8.17 -  Cao Công huý Mè, tự Bá Nhất, hiệu Trinh Tường.
Ngày giỗ: 14 - 11.
Ông là con trai trưởng cụ Thời Mại. Sinh thời ông làm Khán thủ.
Bà Lê Thị hàng Nhị, hiệu Lương Hạnh.
Ngày giỗ: 22 - 4. Bà là con gái cụ Lê Bằng
Hai ông bà sinh được 3 con trai, 3 con gái.
Ba con trai:  
- Trưởng là Văn Cận.
- Thứ hai là Văn Oánh.
- Thứ ba là Đức Nhạ.
Ba con gái:   
- Thị Hằng, tục gọi là bà Cậy.
- Thị Diệu, lấy ông Lý Châu, xã Duy Tắc.
- Thị Bí, lấy ông Lý Cử, xã Hoành Tứ.
6. 1.8.18 -  Cao Công huý Quế, tự Bá Thái, hiệu Thuần Hậu.
Ngày giỗ: 7 - 11.
Ông là con trai thứ hai cụ Thời Mại.
Bà Lê Thị hàng Nhất, hiệu Từ Hậu.
Ngày giỗ: 12 - 10.
Hai ông bà sinh được 2 con trai:
- Văn Điều, Văn Câu, cả 2 mất sớm.
Bà thứ Trần Thị hàng Nhị huý Sáu, hiệu Từ Tính.
Ngày giỗ: 16 - 1.
Hai ông bà sinh được 1 con trai, 1 con gái.
Con trai: Văn Vị.
Con gái: Thị Tiêu, lấy ông Phó Thế, ở Đồng Phù.
6. 1.8.19 -  Cao Công huý Chu, tự Bá Mẫn, hiệu Viết Lương Tài.
Ngày giỗ: 4 - 3.
Ông là con trai thứ ba cụ Thời Mại.
Bà Lê Thị hàng Nhị, hiệu Từ Ý.
Ngày giỗ: 13 - 8. Bà là con gái cụ Lê Long.
Hai ông bà sinh được 3 con trai, 4 con gái.
Ba con trai:  
- Trưởng là Đức Thắng.
- Thứ hai là Ngọc Thịu.
- Thứ ba là Ngọc Trầm.
Bốn con gái:
- Thị Thịnh, Thị Nhỏ, Thị Bảo, Thị Bốn.
CÀNH TRƯỞNG - PHÁI THỨ CHÍN (Nhâm phái).
6.1.9.20 -  Cao Chúy Văn Tài, tự Trọng Tài, hiệu Cần Cán.
Ngày giỗ: 10 - 1. Ông là con trai trưởng cụ Thời Trung.
Bà Lê Thị hàng Nhất, hiệu Từ Nhân.
Ngày giỗ:
Ông, bà sinh 1 con gái, lấy ông Phạm Ry, thôn Trung.
6.1.9.21 -  Cao Công huý Đức Nghệ, hiệu Cân Trực.
Ngày giỗ: 10 - 8, thọ 79 tuổi.
Ông là con thứ hai cụ Thời Trung, huý là Bình, đổi là Đức Nghệ.
Bà Lê Thị hàng Nhất, hiệu Từ Lương.
Ngày giỗ: 13 - 1.
Bà là con gái cụ Lê Tụ, mất sớm không có con.
Bà thứ Lê Thị hàng Nhất, hiệu Từ Thận.
Ngày giỗ: 16 - 10. Bà là con gái cụ Lê Thoán.
 Hai ông bà sinh được 5 con trai:
- Trưởng là Văn Cảnh.
- Thứ hai là Đức Quý.
- Thứ ba là Đức Tình.
- Thứ tư là Viết Tính, đổi là Ngọc Tỉnh.
- Thứ năm là Đức Tươi.
6.1.9.22 -  Cao Công huý Thời Quyền tự Tôn Hạnh.
Ngày giỗ: 1 - 8, thọ 69 tuổi.
Ông là con trai thứ ba cụ Thời Trung, còn có húy Khải.
Sinh thời ông làm Lý trưởng.
Bà Phạm Thị hàng Nhất, hiệu Thành Tâm.
Ngày giỗ:         Bà là con gái cụ Hương Ngũ họ Phạm, thôn Trung.
Hai ông bà sinh được 1 con trai, 1 con gái.
Con trai: Văn Ngọ.
Con gái: Thị Phao, lấy ông Khoản họ Lê.
Bà thứ Nguyễn Thị hàng Nhị, hiệu Tĩnh Tín.
Ngày giỗ: 16 - 10.
6. 1.9.23 -  Cao Công huý Đức Hoàn, hiệu Viết Chân Nhu.
Ngày giỗ: 19 - 5.
Ông là con trai thứ tư cụ Thời Trung.
Bà Lê Thị hàng Nhất huý Linh, hiệu Từ Mẫn.
Ngày giỗ: 25 - 7. Bà là con gái cụ Lê Khả.
Hai ông bà sinh được 1 con trai, 6 con gái.
Con trai:  Đức Chuyên.
Sáu con gái:  
- Thị Năm, Thị Khuê,
- Thị Ngử, Thị Sinh,
- Thị Trường, Thị Đen.

CÀNH THỨ
6. 2.1.24 -  Cao Công huý Văn Viễn, hiệu Di Tính.
Ngày giỗ: 1 - 6.
Ông là con trai trưởng, bà cả cụ Trọng Quỳ.
Bà Nguyễn Thị hàng Nhất, hiệu Đoan Trinh.
Ngày giỗ:
Hai ông bà sinh được 1 con gái, lấy ông Binh Vĩ.
Bà thứ Lê Thị hàng..., hiệu Từ Dỵ.
Ngày giỗ: 16 - 5.
Ông bà sinh được 1 Con trai: Văn Cứ.
6. 2.1.25 -  Cao Công huý Văn Riễn, hiệu Đôn Chính.
Ngày giỗ: 6 - 5.
Ông là con trai bà hai cụ Trọng Quỳ.
Bà Mai Thị hàng Nhất, húy Tứ, hiệu Trinh Khiết.
Ngày giỗ: 17 - 5.
Hai ông bà sinh được 1 con trai, 2 con gái.
Con trai: Đức Khái.
Hai con gái: Thị Cứ, Thị Hội.
Bà thứ Vũ Thị hàng Tam huý Duyên, hiệu Tân Thành.
Ngày giỗ: 19 - 12.
Hai ông bà sinh được 3 con trai..
Ba con trai:  
- Trưởng Văn Ư, đổi là Viết Khắc.
- Thứ hai là Văn Nở, đổi là Văn Quang.
- Thứ ba là Văn Tý, đổi là Viết Tửu.
6. 2.1.26 -  Cao Công tự Năng An, thuỵ Viết Trung Tín.
Ngày giỗ: 13 - 3.
Ông là con trai cụ Danh Tiêm. Ông làm Nhiêu ấm xã.
Bà Hoàng Thị hàng Nhị huý Cầm, hiệu Đoan Trinh.
Ngày giỗ: 18 - 1.
Hai ông bà sinh được 2 con trai, 1 con gái.
Hai con trai:
- Trưởng là Văn Phố.
- Thứ hai là Văn Cõn.
Con gái: Thị Gián.
6. 2.1.27 -  Cao Công huý Văn Chức, tự Lực Nông.
Sinh năm:  Quý Hợi (1803).
 Ngày mất: 5 - 9 năm Mậu Thìn (1868), thọ 66 tuổi.
Ông là con trai cụ Trọng Tấn. Ông làm Hương dũng quản suất.
Bà Hoàng Thị hàng Nhị huý Triết, hiệu Từ Nhã.
Ngày giỗ: 8 - 6, thọ 74 tuổi.
Bà là con gái cụ Hoàng Tân.
Hai ông bà sinh được 1 con trai, 3 con gái.
Con trai:  Văn Sử, đổi là Ngọc Tước.
Ba con gái:
- Thị Đen, hiệu Từ Ái.
- Thị Nhãn, tục gọi là bà Hoàng Vy.
- Thị Biếc, tục gọi là Đồ Đường.
6.2.1.28 -  Cao Nhị Lang, huý Văn Từ, hiệu Lương Tài.
Ngày giỗ: 20 - 3.
Ông là con trai cụ Danh Văn. Ông mất sớm, bà đi tái giá.
Hai ông bà sinh được 3 con trai, 2 con gái.
Ba con trai:
- Trưởng là Viết Trung, đổi là Đức Phu.
- Thứ hai là Ngọc Toản, đổi là Ngọc Chấn.
- Thứ ba là Văn Tý.
Hai con gái:
- Thị Cáy, lấy chồng ở An Phú, còn gọi là bà Lang Y.
                   - Thị Đỏ, mất sớm.


ĐỜI THỨ BẢY
CÀNH TRƯỞNG - PHÁI TRƯỞNG (Giáp phái).
7. 1.1.1 -  Cao Công huý Lân, hiệu Trí Dũng.
Ngày giỗ:
Ông là con trai trưởng cụ Đăng Dụng. Ông Lân là Trưởng Chi nhánh họ Cao Trần, xã Giao Tiến ở vùng Hải Hậu, Nam Định. Sau thời gian lưu lạc, nay con cháu của ông đã tìm được về gốc tổ xã Giao Tiến.
Bà Nguyễn Thị huý Ngoan.
Ngày giỗ:
Hai ông bà sinh được con trai:  Cao Long Thức.
7. 1.1.2 -  Cao Công huý Ngọc Triết, thuỵ Liêm Cần.
Sinh năm: Ất Mão (1795).
Ngày mất: 26 - 3 năm Quý Tỵ (1833)
Mộ quy lăng nghĩa trang Bách Linh, thôn Quyết Tiến.
Ông là con trai trưởng bà hai cụ Đăng Dụng, húy Khải sau đổi là Ngọc Triết. Ông làm Trùm trưởng giáp, Sinh đồ thôn, người khoan hoà nhân hậu, thấy người có bệnh ông tỏ lòng thương ra sức cứu chữa, thấy người khó khăn ông còn cho thêm tiền gạo để chạy chữa thuốc thang. Ông là người đạo đức nhất mực, tiếc rằng ông chỉ được hưởng có 39 tuổi.
Bà Lê Thị huý An, quý hiệu Tuyên Từ.
Sinh năm:  Tân Dậu (1801).
Ngày mất: 18 - 3 năm Kỷ Mão (1879), thọ 79 tuổi.
   Mộ qui lăng cùng ông. 
Bà là con gái cụ Cai Trung họ Lê.
Hai ông bà sinh được 2 con trai, 4 con gái.
Hai con trai:
- Trưởng là Ngọc Cách, đổi là Ngọc Viện.
- Thứ hai là Văn Chung, đổi là Ngọc Vũ.
Bốn con gái:
- Thị Ngọc, mất sớm.
- Thị Thiềm, lấy ông Nhì Nhạ họ Vũ.
- Thị Hiền, lấy ông Nhất Tạo họ Hoàng, thôn Thượng.
- Thị Linh, lấy ông Nho Xuyến họ Hoàng, thôn Thượng.
7. 1.1.3 -   Cao Nghiêm Đường huý Văn Biện, tự Ngọc Oanh,
hiệu Đốc Hậu.
Sinh năm: Mậu Ngọ (1798).
 Ngày mất: 4 - 5 năm Giáp Thìn (1844), hưởng 47 tuổi.
Mộ quy lăng nghĩa trang Bách Linh, thôn Quyết Tiến.
Ông là con trai thứ hai bà hai cụ Đăng Dụng. Ông làm Trưởng giáp và Sinh đồ thôn.
Bà Lê Thị hàng Tam, hiệu Thanh Tín.
Ngày giỗ: 3 - 4. Mộ qui lăng cùng ông. 
Bà là con gái cụ Cai Trung họ Lê.
Hai ông bà sinh được 6 con trai, 2 con gái.
Sáu con trai:
- Trưởng là Văn Lâm, mất sớm.
- Thứ hai làVăn Đàm, mất sớm.
- Thứ ba là Ngọc Can, đổi là Đăng Ngạn.
- Thứ tư là Thiệp, đổi là Ngọc Châu.
- Thứ năm là Ngọc Uyển.
- Thứ sáu là Văn Bị, đổi là Danh Thăng, làm con nuôi ông  Danh Quán.
Hai con gái:  
- Thị Ngưng, lấy ông Tú Tuần, thôn Chính.
- Thị Cao, lấy ông Giáo Hiếu, ở Giáp Đông.
Bà thứ Vũ Thị huý Mão, tự An Trinh, hiệu Diệu Tín.
Ngày giỗ: 5 - 3. Mộ qui lăng cùng ông. 
Bà là con gái cụ Vũ Văn Đàn cùng thôn.
Hai ông bà sinh được 2 con gái:
 - Thị Mong, lấy ông Phủ Khiêm họ Vũ.
 - Thị Các, lấy ông Án Hợp họ Vũ.
7. 1.1.4 -  Cao Công huý Đăng Phong, tự Chu Liên, hiệu Cương Tắc.
Sinh năm:  Canh Thân (1800).
 Ngày mất:  12 - 4 năm Ất Hợi (1875), thọ 76 tuổi.
Mộ quy lăng nghĩa trang Bách Linh, thôn Quyết Tiến.
Ông là con trai thứ ba bà hai cụ Đăng Dụng, húy Văn Thân đổi là Đăng Phong, trước làm Hương mục, sau làm Lý trưởng.
Ông tham gia biên lập địa bạ xã Hoành Nha, hoàn thành năm Minh Mạng thứ 10 (1829), ngày 22 tháng 3, cùng với các ông: Lê Huy Tuấn (Cai tổng), Cao Đức Nhuận, Vũ Đình Lựu, Cao Đức Trứ, Lê Huy Bỉnh.
 Ông là người trung chính, có lòng truy tư báo bản. Ông  khởi xướng và cùng dòng họ xây dựng từ đường họ Cả. Ông còn quyên và cúng tiền, bức ghi môn bên phải từ đường. Ngôi nhà thờ nhiều lần trùng tu, nhưng vẫn còn lại di tích ba gian bái đường, lần sửa 2012 mới bỏ hẳn, chuyển thành nhà lưu niệm để hội họp.
Bà Lê Thị huý Chi, hiệu Trang Tĩnh.
Sinh năm:  Nhâm Tuất (1802).
Ngày mất: 12 - 10 năm Ất Dậu (1885), thọ 84 tuổi.
Mộ qui lăng cùng ông. 
Bà là con gái cụ Cai Lạng họ Lê ông Mãn thôn Chính.
Hai ông bà sinh được 4 con trai, 5 con gái.
Bốn con trai:  
- Trưởng là Đăng Doanh.
- Thứ hai là Đăng Cử.
- Thứ ba là Đăng Long.
- Thứ tư là Văn Báng, mất sớm.
Năm con gái:
- Thị Chì, lấy ông Bá Trạch họ Nguyễn, xã Hoành Lộ.
- Thị Thiếc, lấy ông Chánh Đại họ Hoàng, thôn Thượng.
- Thị Trâm, lấy ông Kép Tảo họ Hoàng, thôn Thượng.
- Thị Thoa, lấy ông Cửu Chẩn họ Hoàng, thôn Thượng.
- Thị Phiến, lấy ông Lý Phiến họ Hoàng, thôn Thượng.
7. 1.1.5 -  Cao Công huý Danh Quán, tự Huệ Hoà.
Sinh năm: Mậu Thìn (1808).
Ngày giỗ: 18 - 2 năm Nhâm Ngọ (1882), thọ 75 tuổi.
Mộ quy lăng nghĩa trang Bách Linh, thôn Quyết Tiến.
Ông là con trai thứ tư bà hai cụ Đăng Dụng, húy Văn Thử đổi là Danh Quán. Ông làm Hương mục, mua Hậu phật chùa Hưng An, thôn Thượng. Ông là người ôn hoà, cần kiệm, làm ăn giầu có, đến tuổi trung niên mới xây dựng gia đình. Ông bà không có con, nhận nuôi Danh Thăng, con anh trai là Ngọc Oanh và Lê Ngọc Quyết, thôn Chính (nuôi bên nội 1 người, bên ngoại 1 người).
Ông đã cùng với anh trai là Đăng Phong tổ chức dòng họ xây dựng nhà thờ họ Cả và cúng một bức ghi môn bên hữu từ đường.
Bà Lê Thị huý Trương, hiệu Diệu Trinh Thuần.
Sinh năm: Quý Dậu (1813).
Ngày mất: 20 - 10 năm Quý Tỵ (1893), thọ 81 tuổi.
 Mộ qui lăng cùng ông. 
Bà là con gái cụ Hương Bỉnh họ Lê, thôn Chính.
Hai ông bà c ó 2 con trai nuôi:
- Thứ nhất là Danh Thăng.
- Thứ hai là Ngọc Quyết.

CÀNH TRƯỞNG - PHÁI THỨ HAI (Ất phái).
7. 1.2.6 -  Cao Chúy Đức Trứ, tự Công Nhân, hiệu Văn Đạt Tiên sinh.
Sinh năm: Đinh Mùi (1787), niên hiệu Lê Chiêu Thống năm thứ 1.
Ngày mất: 29 - 12 năm Giáp Ngọ (1834) niên hiệu Minh Mạng thứ 15,
hưởng 48 tuổi. Mộ quy lăng nghĩa trang Bách Linh, thôn Quyết Tiến.
Ông là con trai trưởng cụ Đức Mậu, húy Văn Quyến đổi là Đức Trứ. Ông thông minh, chữ viết tốt, theo thi thư không đạt, làm Cai tổng lúc 20 tuổi.
   Khi đương chức, ông cùng với cha là Cao Đức Mậu, cộng sự với các ông trong xã, tiếp tục tham gia vụ án: làng Trà Lũ, huyện Xuân Trường tranh chiếm gần 500 mẫu ruộng ở cánh đồng bãi Phù Sa, đến năm Giáp Tuất (1814) đã lấy lại được số ruộng trên về cho xã.
Ông tham gia biên lập Địa bạ xã Hoành Nha, hoàn thành năm Minh Mạng thứ 10 (1829), cùng các ông: Lê Huy Tuấn (Cai tổng), Cao Đăng Phong (Xã trưởng), Cao Đức Nhuận (Trưởng thôn), Hương Mục: Vũ Đình Lựu, Lê Huy Bỉnh. Ông viết Văn bia chuông chùa Hưng An thôn Thượng.   
Bà Hoàng Thị húy Dừa, hiệu Trinh Ý Nhu Nhân.
 Ngày giỗ: 24 - 5, thọ 76 tuổi. Mộ qui lăng cùng ông.
 Bà là con gái cụ Bạ Đĩnh, họ Hoàng, thôn Cộng Hòa.
 Hai ông bà  sinh được 4 con trai, 4 con gái.
Bốn con trai:  
- Trưởng là Đức Chí.
- Thứ hai là Đức Bằng.
- Thứ ba là Đức Thiệm.
- Thứ tư là Đức Tộ, mất sớm.
Bốn con gái:  
- Thị Chuyên, lấy ông Chánh Đồng họ Vũ.
- Thị Thép, lấy ông Bá Đệ xã Hoành Tứ.
- Thị Tú, lấy làm hai ông Chánh Đồng họ Vũ.
- Thị Giang, mất sớm.
Bà thứ Nguyễn Thị húy Nhị, hiệu Hoa Phương.
   Ngày giỗ: 10 -  6. Mộ qui lăng cùng ông. 
   Bà là con gái cụ Biểu Tán họ Nguyễn, ở Quất Lâm.
   Hai ông bà sinh được 1con trai: Đức Nghị.
7. 1.2.7 -  Cao Công huý Đức Nhuận, hiệu Cần Chính Tiên sinh.
Ngày giỗ: 1 - 2, hưởng 47 tuổi.
Mộ quy lăng ở nghĩa trang Cựu Trung.
Ông là con trai thứ hai cụ Đức Mậu. Ông làm Hương trưởng xã, Trưởng thôn. Ông tham gia biên lập Địa bạ xã Hoành Nha, hoàn thành năm Minh Mạng thứ 10 (1829), cùng các ông: Lê Huy Tuấn (Cai tổng), Cao Đăng Phong (Xã trưởng), Cao Đức Nhuận (Trưởng thôn), Hương Mục: Vũ Đình Lựu, Lê Huy Bỉnh.
Bà Vũ Thị huý Chiên, hiệu Diệu Khang Nhu Nhân.
Ngày giỗ: 24 - 3, thọ 73 tuổi. Mộ xã Hoành Nhị. 
Bà là con gái cụ Huyện Trương họ Vũ, ở Giáp Đông.
Hai ông bà sinh được 3 con trai, 5 con gái.
Ba con trai:    
- Trưởng là Đức Bật, đổi là Đức Hinh.
- Thứ hai là Đức Mướp.
- Thứ ba là Đức Sắn.
Năm con gái:
- Thị Đen, lấy ông Lý Quýnh, thôn Chính.
- Thị Huệ, lấy ông Toản Tu, xã Nguyệt Lâm, Thái Bình.
- Thị Mùi, lấy ông Thơ Phiên, thôn Chính.
- Còn 2 nữa mất sớm
7. 1.2.8 -  Cao Công huý Đức Trạch, hiệu Cẩn Thận Phủ Quân.
Ngày giỗ: 15 - 10. Mộ quy lăng ở nghĩa trang thôn Quyết Tiến
Ông là con trai thứ ba cụ Đức Mậu, làm Hương mục bản xã.
Bà Vũ Thị húy Thi, hiệu Trinh Mẫn Nhu Nhân.
Ngày giỗ: 28 - 12, hưởng 46 tuổi. Mộ qui lăng cùng ông. 
Bà là con gái cụ Xã Thụy, họ Vũ cùng thôn.
Hai ông bà sinh được 6 con trai, 7 con gái.
Sáu con trai:
- Trưởng là Đức Vương, đổi là Đức Ruệ.
- Thứ hai là Đức My, đổi là Đức Rụ.
- Thứ ba là Đức Nhã, đổi là Đức Uẩn.
- Văn Quốc, Văn Cấm, Văn Liêm, cả 3 mất sớm.
Bảy con gái:
- Thị Đằm, lấy ông Nhiêu Thận, thôn Chính.
- Thị Điệt, lấy ông Đồ Liêu họ Hoàng, thôn Thượng.
- Thị Liên, lấy ông Bá Tiềm họ Mai, thôn Chính.
- Thị Bút, lấy ông Giáp Ái, thôn Chính.
- Thị Riệp, Thị Rụ, Thị Đỏ, cả 3 mất sớm.
7. 1.2.9 -  Cao Công huý Đức Thịnh, tự Long Phủ, hiệu Mẫn Nghị.
Sinh năm:  Mậu Thìn (1808).
Ngày mất: 27 - 11 năm Kỷ Tỵ (1869), thọ 62 tuổi.
Mộ quy lăng nghĩa trang Bách Linh, thôn Quyết Tiến.
Ông là con trai thứ tư cụ Đức Mậu. Ông là người kiên nghị dũng cảm. Năm Bính Tuất (1826), Minh Mạng thứ 7, khi đó ông mới 18 tuổi, cuộc khởi nghĩa của Phan Bá Vành từ Thái Bình đã chuyển sang Vùng Giao Thuỷ, Xuân Trường, sau đó bị tan rã vào đầu năm 1827 tại xã Trà Trung, huyện Xuân Trường. Tàn quân của cuộc khởi nghĩa tràn vào xã ta cướp bóc, ông đã tổ chức dân binh trong thôn chiến đấu bảo vệ làng xã được an toàn.
Bà Lê Thị huý Trinh, hiệu Diệu Đức Nhu Nhân.
Ngày giỗ: 27 - 7, thọ 62 tuổi. Mộ qui lăng cùng ông. 
Bà là con gái cụ Hương Bỉnh họ Lê, thôn Chính.
Năm Giáp Thân (1884) bà mua hậu phật, chùa thôn Chính.
Hai ông bà sinh được 1 con trai, 1 con gái và nuôi 1 con trai.
Con trai: Văn Giới, đổi là Đức Ý.
Con nuôi: Đức Ngu, con ông Đức Chí.
Con gái: Thị Sự, lấy ông Tú Hội, xã Thanh Khiết.
Bà thứ Lê Thị huý Bích, hiệu Diệu Khoan.
Ngày giỗ: 19 - 4, thọ 73 tuổi. Mộ qui lăng cùng ông. 
Bà là con gái cụ Hương Bính họ Lê, thôn Chính.
Năm Giáp Thân (1884) bà mua hậu phật chùa thôn Chính.
Hai ông bà sinh được 1 con trai, 3 con gái.
Con trai:  Đức Tương.
Ba con gái:  
- Thị Hạt, lấy Cử nhân Lê Nguyên Cát, thôn Chính.
- Thị Liên, lấy ông Nhất Tánh họ Vũ cùng thôn.
- Thị Kiều, lấy ông Bá Đỉnh, xã Hoành Lộ.

CÀNH TRƯỞNG - PHÁI THỨ BA (Bính phái).
7. 1.3.10 -  Cao Công huý Đức Vặc, hiệu Hiền Lương.
Ngày giỗ: 11 - 11. Mộ quy lăng nghĩa trang Bách Linh, thôn Quyết Tiến.
Ông là con trai trưởng cụ Đức Giản, phả họ ta ghi Đức Vậc.
Bà Vũ Thị huý Sinh, hiệu Từ Dụ.
Ngày giỗ: 6 - 10. Mộ qui lăng cùng ông.
Bà là con gái cụ Vũ Thi cùng thôn.
Hai ông bà sinh được 3 con trai, 2 con gái.
Ba con trai:
- Trưởng là Đức Nhạ.
- Thứ hai là Đức Chuyển.
- Thứ ba là Viết Khơi, kế tự ông Ngọc Hanh.
Hai con gái:
- Thị Chuyết, lấy ông Đồ Quang họ Trần, cùng thôn.
- Thị Điều, mất sớm.
7. 1.3.11 -  Cao Công huý Đức Cảnh, tự Trọng Hành.
Ngày giỗ: 25 - 2, hưởng 50 tuổi.
Ông là con trai thứ hai cụ Đức Giản, làm Hương mục thôn.
Năm 1826 niên hiệu Minh Mạng thứ 7 (1820 - 1840), xẩy ra vụ bọn hào lý ở địa  phương đã ba lần trưng chiếm 150 mẫu ruộng công điền, làm tư điền (xem Tam trưng điền án), ông cùng các ông trong họ ta: Cao Danh Hữu (đời thứ 7), Cao Đức Chí (đời thứ 8) đã tham gia, do ông Tri bạ Vũ Thế Hào khởi xướng, cử người đến trấn (từ năm 1831 bỏ tổng trấn và đổi trấn thành tỉnh) và kinh đô Huế khiếu kiện. Phải mất nhiều năm đấu  tranh gian khổ  đến  năm 1841 mới giành được ruộng về dân.
Bà Vũ Thị hàng Tứ huý Tháo, hiệu Diệu Thọ.
Ngày giỗ: 13 - 2, thọ 86 tuổi.
Bà là con gái cụ Huyện Tương họ Vũ, ở Giáp Đông.
Hai ông bà sinh được 3 con trai mất sớm, 5 con gái, nuôi 1 con trai.
Con trai nuôi: Đức Sen.
Năm con gái:
- Thị Tảo, lấy ông Tú Thước họ Vũ, thôn Thượng.
- Còn 4 nữa mất sớm.
Bà thứ Lê Thị huý Nho, hiệu Phương Thực.
Ngày giỗ: 24 - 7, thọ 73 tuổi.
Bà là con gái cụ Nho Hiệp họ Lê, ở cùng thôn.
Hai ông bà sinh được 3 con trai, 3 con gái.
Ba con trai:  
- Trưởng là Đức Vanh.
- Thứ hai là Đức Duyệt.
- Thứ ba mất sớm.
Ba con gái:   
- Thị Suý, lấy ông Lê Hoàn cùng thôn.
- Còn 2 nữa mất sớm.
7. 1.3.12 -  Cao Công huý Ngọc Hanh, hiệu Nguyên Phủ.
Ngày giỗ: 22 - 7.
Ông là con trai thứ ba cụ Đức Giản, làm con nuôi cụ Đức Tú. Ông đã xuất 160 quan tiền mua hậu họ và gửi 9 miếng ruộng tư thổ làm ruộng giỗ hàng năm.
Bà Vũ Thị huý Công, hiệu Diệu Trí, Sắc tặng Tiết phụ.
Ngày giỗ: 29 - 12, thọ 86 tuổi. Bà là con gái cụ Vũ Lựu, cùng thôn.
Hai ông, sinh được 1 con trai, nuôi 1 con trai.
Con trai: Văn Nới, mất sớm
Con trai nuôi: Viết Khơi, con trai ông Đức Vậc.
Ông qua đời khi mới 24 tuổi. Bà ở vậy nuôi mẹ chồng, được nhà Nguyễn tặng sắc phong: Tiết phụ và được triều đình thưởng bạc.
7. 1.3.13 -  Cao Công huý Thế Hương, hiệu Cường Lực.
Ngày giỗ: 3 - 5.
Ông là con trai trưởng cụ Đức Tuấn, trước húy Văn Cò, sau đổi là Thế Hương. Ông đi khai hoang lập ấp ở vùng đất mới, thời triều đình nhà Nguyễn do ông Nguyễn Công Trứ chỉ đạo và được bổ nhiệm làm Lý trưởng đầu tiên của xã Duy Tắc, sau làm Cai tổng.
Bà Phạm Thị hàng Nhị huý Thừa, hiệu Diệu Kim
Ngày giỗ: 1 - 7.
Hai ông, sinh được: 4 con trai, 2 con gái.
Bốn con trai:
-     Trưởng là Thế Vinh
-     Thứ hai là Đức Độ
-     Thứ ba là Ngọc Xưng
-     Thứ tư là Văn Khoa.
Hai con gái: Thị Hoa, Thị Nhài, cả 2 mất sớm.

CÀNH TRƯỞNG - PHÁI THỨ TƯ (Đinh phái).
7. 1.4.14 -  Cao Công huý Danh Thời, hiệu Dỵ Trực.
Ngày giỗ: 2 - 10.
Ông là con trai trưởng cụ Đức Thiệu, húy là Bật, đổi Danh Thời (Danh Thì), sau lại đổi là Danh Đặc.
Bà Hoàng Thị hàng Tam huý Vang, hiệu Diệu Ngữ.
Ngày giỗ: 19 - 8.
Bà là con gái cụ Trùm Nguyên họ Hoàng, thôn Thượng.
Hai ông bà sinh được 5 con trai, 3 con gái.
Năm con trai:
- Trưởng là Văn Mấn, mất sớm.
- Thứ hai là Viết Đàn (Viết Đần).
- Thứ ba là Văn Thừa.
- Thứ tư là Văn Độ, mất sớm.
- Thứ năm Văn Chấp, mất sớm.
Ba con gái:   
- Thị Ôn, lấy ông Hoàng Tụng.
- Thị Hán, Thị Cõn, cả 2 mất sớm.
7. 1.4.15 -  Cao Công huý Danh Lạc, hiệu Hiền Lương.
Ngày giỗ: 9 - 9, thọ 73 tuổi.
Ông là con trai thứ hai cụ Đức Thiệu.
Bà Vũ Thị hàng Nhị huý Điều, hiệu Từ Tiệp.
Ngày giỗ: 23 - 10. Bà là con gái cụ Đồ Bảo họ Vũ.
Hai ông bà sinh được 1 con trai, 2 con gái.
Con trai: Văn Chiểu.
Hai con gái:
- Thị Suy, hiệu Từ Thiện, lấy ông Nhiêu Xà họ Hoàng, thôn Thượng.
- Thị Kích, lấy ông Nguyễn Gia, thôn Quân Lợi.
Bà thứ Nguyễn Thị hàng Nhị huý Bàn, hiệu Từ Đoan.
Ngày giỗ: 26 - 6, thọ 71 tuổi.
Bà là người Đông Nhuế, tỉnh Thái Bình.
Hai ông bà sinh được 1 con trai: Văn Tiếp.
7. 1.4.16 -  Cao Công huý Danh Vuông, tự Hữu Dũng, hiệu Từ Nhân.
Ngày giỗ: 9 - 12.
Ông là con trai thứ ba cụ Đức Thiệu.
Bà Vũ Thị hàng Nhất huý Phỏng, hiệu Khoan Hoà.
Ngày giỗ: 1 - 9. Bà là con gái cụ Vũ Văn Hồ.
Hai ông bà sinh được 1 con trai, 2 con gái.
Con trai:  Văn Ất.
Hai con gái:
- Thị Liêu, lấy Thầy Ấn, họ Nguyễn.
- Thị Tròn, lấy ông Vũ Tráng

CÀNH TRƯỞNG - PHÁI THỨ NĂM (Mậu phái).
7.1.5.17 -  Cao Công huý Hào, tự Đức Thuỷ.
Ngày giỗ: 12 - 3.
Ông là con trai trưởng cụ Đức Dung. Ông làm luyện binh xã.
Bà Hoàng Thị hàng Nhất, hiệu Từ Hoãn.
Ngày giỗ: 23 - 7.
Hai ông bà sinh được 2 con trai, 3 con gái.
Hai con trai:
- Trưởng là Văn Đàm.
- Thứ hai là Văn Lương, đổi là Đức Hải.
Ba con gái:   
- Thị Tròn, lấy ông Kình ở Cát Xuyên.
- Thị Lạc, lấy ông Xưng ở Liêu Đông.
- Thị Tích, mất sớm.
7. 1.5.18 -  Cao Công huý Đức Thạc, hiệu Tài Nhu, tự Đăng Khải.
Ngày giỗ: 19 - 10.
Ông là con trai thứ hai cụ Đức Dung.
Bà Lê Thị hàng Lục húy Na, hiệu Thanh Tiết.
Ngày giỗ: 16 - 9. Bà là con gái cụ Lê Bồn.
Hai ông bà sinh được 2 con trai, 2 con gái.
Hai con trai:
- Trưởng là Đức Bạn.
- Thứ hai là Văn Hán, đổi là Như Cương.
Hai con gái:  
- Thị Ngân, lấy ông Xã Khuyến họ Hoàng, thôn Thượng.
                   - Thị Thìn, mất sớm.
CÀNH TRƯỞNG - PHÁI THỨ SÁU (Kỷ phái).
7. 1.6.19 -  Cao Công huý Văn Tiệm, hiệu Đoan Cần.
Ngày giỗ: 15 - 1, thọ 67 tuổi.
Ông là con trai trưởng cụ Bá Khiết.
Bà Vũ Thị hàng Nhất, hiệu Từ Thanh.
Ngày giỗ: 11. Bà là con gái cụ Trùm Trân họ Vũ.
Hai ông bà sinh được 2 con trai, 4 con gái.
Hai con trai:
- Trưởng là Viết Lạp.
- Thứ hai là Văn Sính, đổi là Đức Mãn, làm con nuôi ông Văn Liêu.
Bốn con gái:
- Thị Ban, lấy ông Cai Trù họ Vũ.
- Thị Sò, lấy ông Nhiêu Tuyển họ Lê.
- Thị Tắc, lấy ông Lê An.
- Thị Tiếp, mất sớm.
7. 1.6.20 -  Cao Công huý Văn Liêu, tự Đình Chử, hiệu Lương Công.
Ngày giỗ: 22 - 2.
Ông là con trai thứ ba cụ Bá Khiết. Ông làm con nuôi cụ Trọng Mưu.
Bà Lê Thị hàng Nhất, hiệu Huy Tào.
Ngày giỗ:            Bà là con gái cụ Nhiêu Hạc họ Lê.
          Hai ông bà sinh được 1 con gái, nuôi 1 con trai.
          Con trai nuôi: Đức Mãn, con anh trai là Văn Tiệm.
          Con gái: Thị Hồng, lấy ông Lê Sắc, thôn Chính.
 7. 1.6.21 -  Cao Công huý Văn Riệc.
Ngày giỗ:
Ông là con trai cụ Trọng Nhương. Ông mất sớm, bà đi tái giá.
Hai ông bà sinh được 2 con gái.
Hai con gái:
- Thị Ve, lấy ông Trịnh, ở Giáp Đông.
- Thị Cáy, lấy ông Nguyễn Han. Ông Han mất bà đi tái giá.
7. 1.6. 22 -  Cao Công huý Văn Đờn, hiệu Huyền Cầm.
Ngày giỗ: 12 - 11.
Ông là con trai trưởng cụ Trọng Kiển. Ông định cư xã Duy Tắc, tổng
Hoành Thu, nay là xã Giao Tân. Ông làm Lý trưởng.
Bà Phạm Thị hàng Tam, hiệu Rong Chính.
Ngày giỗ: 18 - 4.
Hai ông bà sinh được 4 con trai, 2 con gái:
Bốn con trai:
- Trưởng là Văn Khang.
- Thứ hai là Văn Khương.
- Thứ ba là Văn Thưởng.
- Thứ tư là Đức Tú.
          Hai con gái: Thị Hoa, Thị Khiêm, cả 2 mất sớm.
7. 1.6.23 -  Cao Công huý Danh Hữu, tự Cương Đoán.
Ngày giỗ: 12 - 10.
Ông là con trai thứ hai cụ Trọng Kiển, còn có húy Vy. Ông tham gia luyện binh được cấp bậc Ngũ trưởng.
Năm 1826 niên hiệu Minh Mạng thứ 7 (1820 - 1840), bọn hào lý ở địa phương đã ba lần trưng chiếm 150 mẫu ruộng công điền, làm tư điền (xem Tam trưng điền án), ông cùng hai ông trong họ ta: Cao Đức Cảnh, Cao Đức Chí và 25 ông nữa trong xã tham gia, do ông Tri bạ Vũ Thế Hào khởi xướng, cử người đến trấn (từ năm 1831 bỏ tổng trấn và đổi trấn thành tỉnh) và kinh đô Huế khiếu kiện. Phải mất 12 năm đấu tranh gian khổ  đến  năm 1841 mới  thu được ruộng về cho dân.
Bà Vũ Thị hàng Tứ, hiệu Từ Tường.
Ngày giỗ: 16 - 9.
Bà là con gái cụ Khán Huy họ Vũ, ở Giáp Đông.
Hai ông bà sinh được 3 con trai, 2 con gái.
Ba con trai:  
- Trưởng là Đức Dương.
- Thứ hai là Văn Đá, đổi là Văn Xuân.
- Thứ ba, mất sớm.
Hai con gái:
- Thị Bướm, lấy ông Cai Trang họ Hoàng.
- Thị Luân, lấy ông Nguyễn Tường.
Bà thứ Nguyễn Thị hàng…, hiệu Từ Thuận.
Ngày giỗ:
Hai ông bà sinh được 1 con gái:  Thị Luận, lấy ông Nguyễn Cồn.
7. 1.6.24 -  Cao Công huý Văn Viển, hiệu Cương Cần.
Ngày giỗ: 17 - 8.
Ông là con trai  thứ ba cụ Trọng Khiển.
Bà Mai Thị hàng Nhị, hiệu Chân Thực.
Ngày giỗ: 1 - 8.
Bà là con gái cụ Mai Viên, thôn Chính.
Hai ông bà sinh được 4 con trai, 3 con gái.
Bốn con trai:
- Trưởng là húy Văn Gồ, (Văn Hiệt).
- Thứ hai là Văn Thức (Văn Thái).
- Thứ ba là Văn Ca (Văn Gia)
- Thứ tư là Văn Cà.
Ba con gái:   
- Thị Sắc, lấy ông Thừa, Lạc Nghiệp, Xuân Trường.
- Thị Tôn,  lấy ông Mai Tiếp, thôn Chính.
- Thị…, mất sớm.
7. 1.6.25 -  Cao Công huý Văn Đuốc, hiệu Vinh Cung.
Ngày giỗ: 5 - 12.
Ông là con trai cụ Trọng Phái. Trước đi lập nghiệp ở Duy Tắc, sau trở về quê sinh sống.
Bà Phạm Thị hàng Nhất, hiệu Từ Nhân.
Ngày giỗ: 26 - 4. Bà là con gái cụ Phạm Văn Đa.
Hai ông bà sinh được 2 con trai, 3 con gái.
Hai con trai:
- Trưởng là Văn Khương.
- Thứ hai là Văn Lãi.
Ba con gái:   
- Thị Tránh, lấy người ở Thi Khoa.
- Còn 2 nữa mất sớm.

CÀNH TRƯỞNG - PHÁI THỨ BẢY (Canh phái).
7. 1.7.26 -  Cao Công huý Văn Khớ, hiệu Hoà Bình.
Ngày giỗ: 15 - 11.
Ông là người quê gốc Hải Dương, phả gốc ghi húy Văn Kha. Ông làm con nuôi cụ Bá Hổ.
Bà Nguyễn Thị hàng Nhị, hiệu Từ Hoà.
Ngày giỗ: 11 - 8. Bà là con gái cụ Nguyễn Quản.
Hai ông bà sinh được 3 con trai, 2 con gái.
Ba con trai:  
- Trưởng là Văn Sức.
- Thứ hai là Văn Tôn.
- Thứ ba là Văn Sở.
Hai con gái:   
- Thị Khóm, lấy ông Nguyễn Ước.
- Thị Sáo, lấy ông Lê Tình.
7. 1.7.27 -  Cao Công huý Văn Luyện, hiệu Minh Điền.
Ngày giỗ: 9 - 12.
Ông là con trai trưởng cụ Ngọc Đĩnh. Ông làm Hương mục bản xã.
Bà Hoàng Thị hàng Nhị huý Nắm, hiệu Lương Hộ.
Ngày giỗ: 11 - 7.
Bà con gái cụ Đồ Thứ họ Hoàng, thôn Thượng.
Hai ông bà sinh được 4 con trai, 4 con gái.
Bốn con trai: Một là Văn Hà, còn 3 nữa mất sớm.
Bốn con gái:
- Thị Á, lấy ông Hoàng Toán.
- Thị Liên, lấy ông Phạm Lữ, thôn Chính.
- Thị Vo, lấy ông Cả Cơ, ở Yên Cư, Xuân Trường.
- Thị Ân, lấy ông Hoàng Rịnh.
Bà thứ Bùi Thị huý Lân.
Ngày giỗ:
Hai ông bà sinh được 3 con gái:
- Thị Đài, lấy ông Nhất Tỉnh.
- Thị Xuân, lấy ông Hoàng Thâm.
- Thị Sâm, lấy ông Nguyễn Sinh.
7. 1.7.28 -  Cao Công huý Văn Khâm, hiệu Y Đạo Tiên sinh.
Ngày giỗ: 8 - 2.
Ông là con trai thứ hai cụ Ngọc Đĩnh. Ông làm Hương Nho.
Bà Vũ Thị hàng Tam huý Điệt, hiệu Dịch Thực.
Ngày giỗ: 25 - 2.
Bà là con gái cụ Hưng Đạt họ Vũ.
Ông, bà sinh được 1 con trai, 1 con gái.
Con trai: Văn Kinh, mất sớm.
Con gái: Thị Là, mất sớm.

CÀNH TRƯỞNG - PHÁI THỨ TÁM (Tân phái).
7. 1.8.29 -  Cao Công huý Văn Cận, hiệu Hữu Đạo, thuỵ Trung Lương.
Ngày giỗ: 18 - 3, thọ 77 tuổi.
Ông là con trưởng cụ Bá Nhất. Ông là Hương đồ, có nghề mộc.
Bà Vũ Thị hàng Nhất, hiệu Từ Kiệm.
Ngày giỗ: 11 - 12. Bà là con gái cụ Đồ Bảo họ Vũ.
Hai ông bà sinh được 4 con trai, 4 con gái.
Ba con trai:  
- Trưởng là Văn Đức.
- Thứ hai là Ngọc Kiến.
- Thứ ba  Đức Thuật, tự Tiên Bồi
- Thứ tư Văn Cu, mất sớm.
Bốn con gái:
- Thị Ếch, lấy ông Phạm Thưởng.
- Thị Cõn, lấy ông Hoàng Tỵ.
- Thị Hạt, lấy ông Roãn Ân.
- Thị Đỏ mất sớm.
Bà thứ Vũ Thị hàng Tứ, hiệu Từ Trinh.
Ngày giỗ: 22 - 10.
Bà là con gái cụ Đồ Bảo họ Vũ.
         Ông, bà sinh được 1 con trai.
          Con trai:  Đức Vạn.
7. 1.8.30 -  Cao Công huý Đức Nhạ, hiệu Cường Tráng.
Ngày giỗ: 23 - 7.
Ông là con trai thứ hai cụ Bá Nhất.
Bà Lê Thị…, hiệu Từ Trinh.
Ngày giỗ: 14 - 1.
Bà là con gái cụ Lê Mưu, thôn Chính.
Hai ông bà sinh được 2 con trai:
- Trưởng là Văn Thuần.
- Thứ hai là Văn Khoá, mất sớm.
Bà thứ Vũ Thị…, hiệu Từ Thuận.
Ngày giỗ:       Bà không có con.
7. 1.8.31 -  Cao Công huý Văn Vỵ, hiệu Chân Nhân.
Ngày giỗ: 24 - 2.
Ông là con trai cụ Bá Thái.
Bà Phạm Thị hàng Tam huý Nhiên, hiệu Từ Nhu.
Ngày giỗ: 28 - 2. Bà là con gái cụ Phạm Văn Cậy.
Hai ông bà sinh được 3 con trai, 3 con gái.
Ba con trai:  
- Trưởng là Văn Viết.
- Văn Bột và Văn Vãn, cả 2 mất sớm.
Bốn con gái:
- Thị Ang, lấy ông Giao, xã Hiệt Củ.
- Thị Côi, lấy ông Vũ Lại cùng thôn.
- Thị Thoi, lấy ông Lê Duyệt.
7. 1.8.32 -  Cao Công huý Đức Thắng, hiệu Lương Công.
Ngày giỗ: 4 - 8.
Ông là con trai trưởng cụ Bá Mẫn. Ông tinh thông nghề mộc, tự xưng là Lương công (thợ giỏi).
Bà Vũ Thị hàng Nhất, hiệu Từ Ca.
Ngày giỗ: 7 - 4. Bà là con gái cụ Vũ Đương.
Ông, bà sinh được 1 con trai, 2 con gái.
Con trai: Văn Ngôn.
Hai con gái:
- Thị Thoa, lấy ông Phó Biềng.
- Thị Thục, lấy ông Sỹ.
7. 1.8.33 -  Cao Công huý Ngọc Thịu, tự Chân Ngọc, hiệu Dịch Hoà.
Ngày giỗ: 17 - 7.
Ông là con trai thứ cụ Bá Mẫn, tham gia Nghĩa dũng quân của Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị đi đánh giặc được cấp bậc Đội trưởng.
Bà Hoàng Thị hàng Tam, hiệu Từ Nương.
Ngày giỗ:
Bà là con gái cụ Hoàng Chiếu, thôn Thượng.
Hai ông bà sinh được 6 con trai, 5 con gái.
Sáu con trai:
- Trưởng là Văn Lực.
- Thứ hai là Văn Nghiên, mất sớm.
- Thứ ba là Ngọc Đảo.
- Thứ tư là Văn Non, đổi là Đức Thỉnh.
- Thứ năm và thứ sáu, mất sớm
Năm con gái:
- Thị Năm, lấy ông Hoàng Cầm, thôn Thượng.
- Thị Lục, lấy ông Vũ Khang.
- Còn ba nữa mất sớm.
7. 1.8.34 -  Cao Công huý Ngọc Trầm, hiệu Công Nghiệp.
Ngày giỗ: 13 - 1. Ông là con trai thứ ba cụ Bá Mẫn. Ông tham gia Nghĩa dũng quân của Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị đi đánh giặc được cấp bậc Đội trưởng.
Bà Hoàng Thị huý Chồi, hiệu Từ Lan.
Ngày giỗ: 13 - 11.
Hai ông bà sinh được 4 con trai, 1 con gái.
Bốn con trai:
- Văn Tạo, Văn Quế, cả 2 mất sớm.
- Thứ ba là Văn Nhu.
- Thứ tư là Văn Trụ, mất sớm.
Con gái: Thị Đoàng.
Bà thứ Lưu Thị hàng Nhị, hiệu Từ Nhân.
Ngày giỗ: 19 - 6.
Bà là con gái cụ Lý Kiến họ Lưu, xã Hiệt Củ.
Hai ông bà sinh được 2 con trai, 2 con gái.
Hai con trai:
- Thứ nhất là Văn Vạn.
- Thứ hai là Ngọc Lới.
Hai con gái:
- Thị Truật, lấy ông Tâm, ở Nho Lâm.
- Thị Soạn, lấy ông Dẩn, ở Nho Lâm.

CÀNH TRƯỞNG - PHÁI THỨ CHÍN (Nhâm phái).
7. 1.9.35 -  Cao Chúy Văn Cảnh
          Ngày giỗ:           
          Ông là con trai trưởng của cụ Đức Nghệ
7. 1.9.36 -  Chánh Bát phẩm Bách hộ, Cao Công huý Đức Quý,
hiệu Dụng Hoà.
Ngày giỗ: 21 - 3.
Ông là con trai thứ hai cụ Đức Nghệ, làm Hương mục.
Ông theo Hoàng giáp Tam Đăng, Phạm Văn Nghị, ứng mộ Nghĩa dũng quân đánh giặc ở Hải Dương, Hải Phòng có công được triều đình nhà Nguyễn sắc phong: Bát phẩm Bách hộ.
Bà Vũ Thị hàng Tứ, hiệu Từ Tâm.
Ngày giỗ: 15 - 6.
Bà là con gái cụ Vũ Mã, thôn Thượng.
Hai ông bà sinh được 3 con trai:
- Trưởng là Văn Lượng, đổi là Ngọc Cư.
- Thứ hai húy là Mỹ, đổi là Văn Thức.
- Thứ ba là Văn Nhượng, mất sớm.
Bà thứ Phạm Thị hàng Nhị huý Hạc, hiệu Tĩnh Nhất.
Ngày giỗ: 13 - 12.
Bà là con gái cụ Phạm Văn Ry, thôn Trung.
Hai ông bà sinh được 1 con trai, 2 con gái.
Con trai: Văn Cầu.
Hai con gái:
- Thị Cầm, lấy ông Lê Huy, thôn Thượng.
- Thị Vẹt, lấy ông Chánh Huấn, xã Ngọc Tỉnh huyện Xuân Trường.
7.1.9.37 -  Cao Công huý Đức Tình, hiệu Trực Hoà.
Ngày giỗ: 6 - 9.
Ông là con trai thứ ba cụ Đức Nghệ. Ông nhận Văn Tâm con ông Ngọc Tỉnh làm thừa tự.
Bà Phạm hàng Tứ, hiệu Thành Tín.
Ngày giỗ: 29 - 10.
Bà là con gái cụ Phạm Đính, thôn Thượng.
Thừa tự: Văn Tâm con ông Ngọc Tỉnh
Hai ông bà sinh được 2 con gái:
- Thị Tiêm, lấy ông Vũ Yên, thôn Thượng.
- Thị Toan, lấy ông Vũ Diễm, thôn Thượng.
7. 1.9.38 -  Cao Công huý Ngọc Tỉnh, hiệu Mẫn Đoán.
Ngày giỗ: 21 - 4.
Ông là con trai thứ tư cụ Đức Nghệ, húy Viết Tính, đổi là Ngọc Tỉnh, làm Hương đồ.
Bà Phạm Thị hàng Nhị húy Trà, hiệu Từ Nhân.
Ngày giỗ: 29 -12. Bà là con gái cụ Hương Xuyên, thôn Trung.
Hai ông bà sinh được 2 con trai, 3 con gái.
Hai con trai:
- Trưởng là Văn Tâm, kế tự ông Đức Tình.
- Thứ hai là Văn Bạt.
Ba con gái:  
- Thị Mãi, lấy ông Đồ Bể, thôn Thượng.
- Thị Quất, lấy ông Lê Khảm, thôn Thượng.
- Thị Gái, lấy ông Đồ Hoằng, thôn Thượng.
Bà thứ Nguyễn Thị hàng Tam huý Phớn, hiệu Thục Thuận.
Ngày giỗ:
Bà là con gái cụ Nguyễn Tề.
Hai ông bà sinh được 1 con trai, 2 con gái.
Con trai:  Văn Ban.
Hai con gái:  Cả 2 mất sớm.
7. 1.9.39 -  Cao Công huý Đức Tươi, tự Trí Kính, hiệu Cần Cẩn.
Ngày giỗ: 25 - 3.
Ông là con trai thứ năm cụ Đức Nghệ. Ông làm Hương đồ và sau làm Khu trưởng.
Bà Phạm Thị huý Út, quý hiệu Vy Nhu.
Ngày giỗ: 18 - 10. Bà là con gái cụ Phạm Đính.
Hai ông bà sinh được 2 con trai, 5 con gái.
Hai con trai:
- Trưởng là Văn Cương, đổi là Danh Huyên.
- Thứ hai là Trần Lộng.
Năm con gái:
- Thị …, lấy ông Đồ Quỹ họ Lê.
- Thị…, lấy ông Nho Chỉ họ Lê.
- Thị…, lấy ông Đồ Hiệp.
- Thị…, lấy ông Nho Miên họ Vũ.
- Thị …, lấy ông Trưởng Trạc họ Lê.
Bà thứ Nguyễn Thị…, hiệu Vy Diệu.
Ngày giỗ: 19 - 12.
Hai ông bà sinh được 1 con gái:
- Thị…, lấy ông Trưởng Miến họ Lê.
7. 1.9.40 -  Cao Công huý Văn Ngọ, hiệu Đoan Hoà.
Ngày giỗ: 15 - 5.
Ông là con trai cụ Thời Quyền. Ông tham gia Nghĩa dũng quân của Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị đi đánh giặc được cấp bậc Đội trưởng.
Bà Trần Thị hàng Nhất, hiệu Đoan Nhất.
Ngày giỗ: 19 - 9.
Bà là con gái cụ Trần Hậu, thôn Thượng.
Hai ông bà sinh được 2 con trai:
- Trưởng là Đức Kỷ.
- Thứ hai là Như Cương
Bà thứ Phạm Thị hàng Nhị, hiệu Từ Ý.
Ngày giỗ: 19 - 8.
7. 1.9.41 -  Cao Công huý Đức Chuyên, tự Trí Ý, hiệu Mẫn Tiệp.
Ngày giỗ: 24 - 2.
Ông là con trai cụ Đức Hoàn. Ông làm Cai mộ.
Bà Vũ Thị hàng Nhị, hiệu Đốc Thực.
Ngày giỗ: 8 - 4. Bà là con gái cụ Vũ Vựng, thôn Thượng.
Hai ông bà sinh được 3 con trai:
Ba con trai:
- Trưởng là Văn Khái.
- Thứ hai là Văn Đễ.
- Thứ ba là Văn Chất.
Bà thứ Phạm Thị hàng Nhị, hiệu Từ Thiện.
Ngày giỗ: 2 - 4.
Bà là con gái cụ Lý Lẫm họ Phạm, thôn Trung.
Hai ông bà sinh được 3 con trai, 1 con gái.
Ba con trai:
- Trưởng là Văn Đoàn.
- Thứ hai là Văn Hợi.
- Thứ ba là Văn Truyền.
Con gái: Tục gọi là bà Cai Toại.

CÀNH THỨ
7. 2.1.42 -  Cao Cong Nhất Lang, húy Văn Cứ  tự Hữu Nhân.
Ngày giỗ: 23 - 1.
Ông là con trai cụ Văn Viễn, mất sớm chưa có gia đình.
7. 2.1.43 -  Cao Công huý Đức Khái, hiệu Khắc Cần.
Ngày giỗ: 23 - 5, thọ 70 tuổi.
Ông là con trai cụ Văn Riễn.
Bà Phạm Thị hàng Nhị huý Tiết, hiệu Từ Hiếu.
Ngày giỗ: 17 - 8. Bà là con gái cụ Phạm Trinh, ở Giáp Đông.
Hai ông bà sinh được 3 con trai, 2 con gái.
Ba con trai:
- Trưởng là Đức Trang.
- Văn Bao, Văn Trợ, cả 2 mất sớm.
Hai con gái:
- Thị Nở, lấy ông Phạm Lữ, thôn Thượng.
- Thị Bẳn, lấy ông Trần Hy, thôn Thượng.
Bà thứ Phạm Thị hàng Nhất huý Đen, hiệu Từ Trinh.
Ngày giỗ: 30 - 3, thọ 64 tuổi.
Bà là con gái cụ Phạm Môn, ở Giáp Đông.
Hai ông bà sinh được 1 con gái:
- Thị…, lấy ông Trần Bình, thôn Chính.
7. 2.1.44 -  Cao Công huý Viết Khắc.
Ngày giỗ: 12 - 3.
Ông là con trai trưởng, của bà hai cụ Văn Riễn, húy Ư, đổi là Khắc.
Bà Trần Thị huý Vằn.
Ngày giỗ: 1 - 1.
Hai ông bà sinh được 2 con trai:
- Trưởng là Văn Khoa.
- Thứ hai là Văn Nghiêm.
7. 2.1.43 -  Cao Công huý Văn Quang, hiệu Phác Thực.
Ngày giỗ:
Ông là con trai thứ hai, của bà hai cụ Văn Riễn.
Bà Mai Thị húy…
7. 2.1.46-  Cao Công huý Viết Tửu.
Ngày giỗ: 13 - 3. Mộ quy lăng nghĩa trang Bách Linh, thôn Quyết Tiến.
Ông là con trai thứ ba, bà hai cụ Văn Riễn. Ông mất sớm, bà đi tái giá.
Hai ông bà sinh được 1 con trai, 1 con gái.
Con trai: Đức Gốm.
Con gái: Thị Chuyển.
7. 2.1.47 -  Cao Công huý Văn Phố, hiệu Đôn Lương.
Ngày giỗ: 19 - 11.
Ông là con trai cụ Năng An. Ông mất sớm, bà đi tái giá.
Hai ông bà sinh được 1 con trai:
- Văn Chép, đổi là Văn Phường.
7. 2.1.48 -  Cao Công huý Ngọc Tước, hiệu Cần Vụ.
Ngày giỗ: 3 - 10, hưởng 56 tuổi.
Ông là con trai cụ Văn Chức, húy Văn Sử, đổi là Ngọc Tước.
Ông làm Lý trưởng.
Bà Lê Thị hàng Nhất huý Liên, hiệu Diệu Đài.
Ngày giỗ: 22 - 2, thọ 64 tuổi. Bà là con gái cụ Lê Khả.
Hai ông bà sinh được 7 con trai, 3 con gái.
Bảy con trai:
- Trưởng là Văn Bản, đổi là Văn Mộc.
- Thứ hai là Ngọc Hiến.
- Thứ ba là Văn Đồng, mất sớm.
- Thứ tư là Văn Truật, hiệu Trinh Thiên.
- Thứ năm là Văn Luân, mất sớm.
- Thứ sáu là Văn Dê, hiệu Mẫn Điện.
- Thứ bảy là Văn Bớt, mất sớm.
Ba con gái:
- Thị Mạn, lấy ông Vũ Thông.
- Thị On, hiệu Minh Thông Xuân Hoa Nương.
- Thị Tròn, hiệu Thanh Lương.
7. 2.1.49 -  Cao Công huý Đức Phu.
Ngày giỗ:
Ông là con trai trưởng cụ Văn Từ, húy Trung, đổi là Đức Phu.
Bà Trần Thị hàng…
Ngày giỗ:
Bà là con gái cụ Trần Nguyên.
Hai ông bà sinh được 1 con trai, 1 con gái, 1 con trai nuôi.
Con trai: Văn Tuy, đổi là Đức Ổn.
Con nuôi là: Văn Thiết,
Con gái:  Thị…, lấy ông Lê Khái.
7. 2.1.50 -  Cao Công huý Ngọc Toản, hiệu Quả Đoán.
Ngày giỗ:
Ông là con trai thứ hai cụ Văn Từ, húy Toản, đổi là Ngọc Chấn.
Roãn Thị hàng…
Ngày giỗ:
Bà là con gái cụ Roãn Nguyên.
               Hai ông bà sinh được 1 con trai:  Đức Soạn

4 nhận xét:

  1. Kính thưa dòng họ Cao Trần! Cháu xin mạo muội có ý kiến: Theo trích gia phả của dòng họ là năm Qúy Hợi 1683 đời vua Hy Tông, Thái tổ Vô Ý từ Thanh Hoa đến Giao Thủy khai cơ đổi từ họ Trần sang họ Cao. Trong GIA PHẢ cổ có chép rõ triều vua nào chuyển đén không ạ. Nếu chỉ chép năm Qúy Hợi mà không trích rõ triều vua nào thì cháu được biết: Cũng năm Qúy Hợi 1623, Triều Lê Thần Tông (tức húy Lê Duy Kỳ 1619 - 1643), nhân lúc Trịnh Tùng ốm nặng, Trịnh Xuân đem quân nổi lên tranh ngôi chúa với vương thế tử Trịnh Tráng. Tháng 7 năm Qúy Hợi, sau khi giết Trịnh Xuân, Trịnh Tráng mang quân từ Đông đô (Thăng Long) về Thanh Hoa an táng cho cha và dẹp loạn (những quan tướng theo Trịnh Xuân). Việc đổi từ họ Trần sang họ Cao, từ 公 sang 功 là việc bất đắc dĩ nếu không phải là họa sát thân và tính chất cấp độ nhà nước.
    Nếu mấy câu nhận xét chủ quan duy ý chí của cháu không phải chỗ nào, rất mong các bác bỏ qua cho cháu.

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn bạn Trần Công Dương. Đúng ra như bạn hiểu. Trong bản Gia phả chữ Hán của họ Cao Trần đã ghi rõ: vào đời Vua Lê Hy Tông, hiệu Chính Hòa năm thứ 3 (1683). Chúng tôi tiếp thu và sửa lại câu này cho đầy đủ.,,

    Trả lờiXóa
  3. Cụ Tổng Trứ (7. 1.2.6 ) là con rể Tổ Bạ Đĩnh (chứ không phải Bạ Lĩnh), họ Hoàng thôn Cộng Hòa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng cảm ơn ông, có thể việc thu thập dữ liệu có sai sót. Chúng tôi đã sửa theo góp ý của ông.

      Xóa