Thứ Ba, 28 tháng 5, 2019

PHÚ Ý HỌ CAO TRẦN BIÊN SOẠN NĂM 2018

Lời biên tập viên
Kinh lạy anh linh tiên tổ. Kính thưa các các cụ hàng trên, các ông các bà cùng các thế hệ con cháu trong dòng họ Cao Trần, Giao Tiến Giao Thủy Nam Định. Kính thưa các quý vị độc giả gần xa đã đọc và chia sẻ các tài liệu sử phả trên trang Blog Họ Cao Trần.
Do lịch sử của dân tộc ta trải qua các biến cố đầy cam go, đã tác động đến đời sống của cư dân nhiều vùng trên cả nước nói chung, trong đó có các thành viên dòng họ Cao Trần nói riêng. Cụ Thái tổ họ Cao Trần, trong tình thế để tồn tại đã buộc phải thay đổi nơi cư ngụ, mai danh ẩn tính, Thái tổ đã chuyển nơi sinh sống từ Kinh đò thời Hậu Lê, (Thịnh Mỹ, Lôi Dương, Ái Châu) về vùng bãi bồi gần cửa sông Hồng, làng Hoè Nha, trấn Sơn Nam hạ. Đã hơn ba Thế kỷ qua đi, có thể tài liệu sử phả dòng họ cũng đã ghi chép, nhưng do chiến tranh, giặc dã, thiên tai hỏa hoạn, di chuyển chỗ ở nhiều lần nên các tài liệu quý đã bị thất truyền. Dựa vào số tài liệu chép tay ít ỏi và các bộ Câu đối (Hán tự) lưu tại Từ đường, đã khẳng định dòng họ Cao (Trần) hiện nay có nguồn gốc từ họ Trần và đến từ vùng bến đò Mía, nay là thôn Tứ Trụ, xã Thịnh Mỹ, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Do đời sống, và việc đi lại khó khăn, nên việc trở lại quê xưa của Thái tổ họ Cao ta bị gián đoạn. Từ những năm từ 1950 đến 1975, con cháu họ Cao Trần đã tìm về Thịnh Mỹ Lôi Dương Thanh Hóa, nhưng không tìm được nhân chứng hay tài liệu đáng tin cậy của dòng họ. Ngày nay nhờ các mối quan hệ, cùng tâm huyết của con cháu trong dòng họ ra sức tìm kiếm, để khẳng định tính liên tục của dòng họ. Trong khoảng thời gian từ năm 1999 đến năm 2001, họ Cao Trần đã khẳng định và kết nối thành công, là hậu duệ của tổ Trần Công Ngạn, trực hệ của chi họ dòng Phúc Quảng thuộc tộc họ Trần Pháp Độ (Diễn Châu, Nghệ An), là thành viên của dòng họ Trần Nguyên Hãn Việt Nam. Hai mươi năm qua, với niềm tự hào và hiếu kính tổ tiên, họ Cao Trần đã tham gia nhiều hoạt động tâm linh, thờ cúng tế lễ tiên tổ: Dòng Trần Nguyên Hãn Việt Nam, tộc họ Trần Pháp Độ, chi họ dòng Phúc Quảng, và các đời tổ tiên đã từng lưu cư trên miền đất Giao Tiến Giao Thủy Nam Định.
Trọng trách đặt lên vai các thế hệ con cháu trong dòng họ Cao Trần, ngoài việc thờ cúng, duy trì văn hóa tâm linh làm rạng danh dòng họ, các thành viên có học thức, có điều kiện sưu tầm thu thập tài liệu sử phả cần làm rõ tính liên tục của lịch sử dòng họ về mặt thời gian, không gian, tên húy, tên hiệu, (tên thụy nếu có), năm sinh, năm mất của Tổ tiên một cách chính xác, khoa học là điều đáng quý để lưu lại cho con cháu mai sau. Việc chắp nối gia phả của Cao Trần với Gia phả dòng Trần Pháp Độ (năm 1999-2000) là phép so sánh ứng.  Các ngôi vị: Trần Quy Công, Trần Nhất lang, Trần Nhị lang, Trần Tam lang trong gia phả chữ Hán của họ Cao Trần ứng với các ngôi vị Tổ: Trần Thiện Tính (đời 14), Trần Chân Tịch, Trần Chân Tính, Trần Chân Thiên (đời 15) trong gia phả họ Trần Nghệ Tĩnh. Trong hai gia phả đều trùng khớp ngôi vị tổ cô: Trần Quế Hoa Nương. Khi kết nối họ Cao Trần với họ Trần Nghệ Tĩnh, trong biên bản đã ghi nhận: Họ Cao Trần Giao Tiến, Giao Thủy Nam Định, thuộc nhánh tổ Trần Công Ngạn, chi họ Phúc Quảng, tộc họ Trần Pháp Độ. Những năm đầu Thế kỉ XXI, Ban nghiên cứu gia phả dòng họ Cao Trần, khảo cứu và đi đến nhận định: Thái tổ tự Vô Ý, chính là tổ Trần Công Ngạn (đời thứ 16 họ Trần Nghệ Tĩnh), đồng thời cũng là nhân vật lịch sử Đình Ngạn thời Lê Trung Hưng. Trong đó Ban biên tập, xác định sau vụ binh biến Trịnh Tùng giết Vua Lê Anh Tông (năm 1572), tổ Vô Ý công (tức Trần Công Ngạn, cũng là Đình Ngạn), rời thủ phủ nhà hậu Lê từ Lôi Dương, Thanh Hóa về Hòe Nha, Sơn Nam Hạ. Trong gần 20 năm qua con cháu họ Cao Trần vẫn tiếp tục tra cứu các tài liệu để làm sáng tỏ điều đó. Các thành viên dòng họ Cao Trần trong Thường trực dòng họ Trần Nguyên Hãn đã liên hệ với các tộc họ thuộc dòng Trần Nguyên Hãn, vùng Thanh Nghệ Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi để làm rõ hơn đường đi của tổ Trần Công Ngạn từ Nghệ An, đến Lôi Dương và sau này về Hòe Nha, Sơn Nam Hạ. Nhưng có lẽ các tư liệu quý mà chúng ta cần thu thập, vẫn nằm ở đâu đó, hoặc mãi mãi là điều bí ẩn. Đây không chỉ là điều mong mỏi và còn là trách nhiệm của các thế hệ con cháu trong dòng họ Cao Trần, sớm khẳng định một cách khoa học lịch sử chính thống của dòng họ. Một hạn chế không nhỏ, đương đại họ ta hầu như vẫn chưa tìm ra người có thể đọc được chữ Hán cổ và chữ Nôm.
Ban biên tập Gia phả họ Cao Trần 2018, đã kế thừa 2 bản Gia phả dòng họ Cao Trần, được biên soạn trước năm 1975 và 1997. Bản phú ý trước đây do cụ Cao Bá Lô biên soạn trước năm 1975 được coi như bản phú ý gốc và được kế thừa khi tái bản năm 2018. Những dữ liệu mới cũng cần được ghi nhận lưu giữ và khảo cứu một cách có căn cứ dựa trên các tài liệu đáng tin cậy và có tính thuyết phục. Vẫn biết số các vị quan tâm sâu sắc đến sử phả dòng họ là không ít. Mọi thành viên có tâm, đầu tư trí tuệ thời gian và kể cả vật chất nhằm thu thập củng cố cơ sở dữ liệu sử phả của dòng họ đều được trân trọng và lưu danh.

      
        GIỚI THIỆU CUỐN “PHÚ Ý HỌ CAO TRẦN”
                          BIÊN SOẠN NĂM 2018
    Cuốn “PHÚ Ý HỌ CAO TRẦN” được biên soạn sau khi hoàn thành cuốn “GIA PHẢ HỌ CAO TRẦN, GIAO TIẾN” để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa Gia phả và Phú ý.
     Cuốn Phú ý biên soạn năm 2018 trên cơ sở cuốn Gia phả biên soạn năm 2018 và tham khảo cuốn Phú ý in tháng 12 năm 2009.
      Kết cấu cuốn Phú ý, năm 2018 có hai phần: Văn cúng Tổ và Phú ý.