Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2020

BA HỒN BẢY VÍA. TAM HỒN THẤT PHÁCH 三魂七魄

Dân gian xưa thường quan niệm con người có 3 hồn 7 phách (bảy vía). Cổ nhân thường nói nếu con người mất đi hồn phách thì người ta chỉ là một cái xác không hồn. Vậy 3 hồn 7 vía rốt cuộc là gì?

Có rất nhiều cách lí giải về: Ba hồn bảy vía, theo các cách khác nhau, nhưng đại thể như sau:
-         Ba hồn gồm:
Thai quang: đặc trưng cho Sinh mệnh
Sảng linh: đăc trưng cho Trí lực
U tinh: đặc trưng cho tính cách
-         Bảy vía gồm
Thi cẩu; Phục thỉ; Tước âm; Thôn tặc; Phi độc; Trừ uế, Xú phế.
Bảy vía đảm nhiệm việc điều tiết cơ thể con người và có các vai trò khác nhau như: Hô hấp, Tuần hoàn, Vận động, Tiêu hóa, Chống-Tiêu độc, Sinh sản, Bài tiết... 

Thứ Năm, 9 tháng 7, 2020

TIẾNG VIỆT KỲ DIỆU: Hành trình từ chữ Nho, chữ Nôm đến chữ Quốc ngữ

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành
Đã hơn trăm năm nay nước ta chính thức sử dụng chữ Quốc ngữ, thứ chữ viết được các nhà trí thức tiên tiến đầu thế kỷ XX ca ngợi là Hồn trong nước; Công cụ kỳ diệu giải phóng trí tuệ người Việt và tin rằng Nước Nam ta sau này hay dở cũng ở chữ Quốc ngữ.
Dư luận nước ta trước đây quy công trạng làm ra thứ chữ kỳ diệu ấy cho giáo sĩ người Pháp Alexandre de Rhodes. Gần đây lại có dư luận yêu cầu ghi công các giáo sĩ không phải người Pháp như Francisco de Pina, António Barbosa, Gaspar do Amaral, António de Fontes… và đóng góp của giáo dân miền Nam nước ta từng giúp các giáo sĩ đó học tiếng Việt, và đóng vai trò “giám định” trong quá trình thí điểm sử dụng thứ chữ mới ấy.
Đáng tiếc là cho tới nay công luận ở ta vẫn chưa nhất trí chọn được các nhân vật tiêu biểu làm ra chữ Quốc ngữ, và cơ quan chính quyền liên quan cũng chưa dứt điểm giải quyết vấn đề này. Để tình trạng đó kéo dài sẽ không có lợi cho hình ảnh một dân tộc văn minh. Đã đến lúc cần bàn thảo rộng rãi và sớm có hành động tri ân những người xứng đáng ghi công. Bài này nhằm góp một ý kiến bàn thảo. Vì người viết ít hiểu biết về ngôn ngữ học nên ý kiến nêu ra khó tránh khỏi có sai sót, mong được bạn đọc chỉ bảo.