Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

TRÍCH GIA PHẢ DÒNG HỌ TRẦN NGUYÊN HÃN - NGHỆ AN

 ĐỆ NHẤT THẾ TỔ TẢ TƯỚNG QUỐC TRẦN NGUYÊN HÃN
 (Đời thứ 12 của dòng họ Trần ở Việt Nam)
Trần Nguyên Hãn, sinh ngày: 1- 2 1390 (Canh Ngọ), tại làng Kẻ Gốm, nay là làng Quan Từ Đa Cao, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.
Cuối đời nhà Trần, Hồ Quý Ly lấn quyền, lũng loạn triều đình, lấn át vua Trần, tôn phái nhà Trần bị dồn ép và phân hóa. Cụ Trần Nguyên Đán đã mất, gia đình ông Trần Thúc Quỳnh là con trai thứ ba của ông, thực sự khó khăn. Ông Trần Thuần Đức, là con trai độc nhất của ông Trần Thúc Quỳnh, đã đổi tên là Trần Án, cùng vợ con chạy lên làng Kẻ Gốm, làm nghề ép dầu và khai phá vùng đất hoang để sinh sống. Trần Nguyên Hãn được sinh ra ở đây.
 Hồ Quý Ly giết chết Trần Án và người con trai đầu của ông. Vợ ông là bà Lê Thị Hoàn cùng người con nhỏ là Trần Nguyên Hãn thoát nạn. Trần Nguyên Hãn được học hành chu đáo, là người thông minh và chăm chỉ, có chí lớn, có tài cả văn lẫn võ. Năm 1415 ông đã tổ chức được lực lượng nghĩa quân Rừng Thần chống lại quân Minh, hạ được thành Tam Giang. Nghĩa quân do Trần Nguyên Hãn chỉ huy, đã làm chủ cả vùng Bạch Hạc, Phú Thọ. Năm 1418 Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn. Ông đã đưa nghĩa quân đến tham gia ngay từ buổi ban đầu, được Lê Lợi trao cho chức Tư đồ. Trong Kháng chiến chống quân Minh, ông là người có nhiều chiến công xuất sắc, được Lê Lợi thăng nhiều chức vụ quan trọng: Thái úy rồi Tả Tướng quốc.
Sau khi được phong chức Tả Tướng quốc, Trần Nguyên Hãn xin hưu quan. Lê Lợi đồng ý và cấp cho ông 100 mẫu ruộng, cùng một con ngựa. Ông trở về doanh sở cũ ở Sơn Đông. Mười hai tháng sau, ông bị vu oan là có âm mưu phản lại triều đình. Vua Lê Lợi hạ chiếu, gọi ông về triều đình khảo vấn. Trên đường về Thăng Long, tại bến Đông Hồ, thuyền ra giữa sông, ông đã từ trầm. Sau khi ông mất, Lê Lợi đã hạ chiếu bắt vợ, con ông về Thăng Long quản thúc.
Đến đời cháu Lê Lợi, là vua Lê Nhân Tông, năm Diên Ninh thứ nhất (1454), đã xuống chiếu minh oan cho Trần Nguyên Hãn, tha cho vợ, con và trả lại tài sản. Vua Lê Nhân Tông còn truy phong cho ông là Phúc thần, Khai Quốc nguyên huân và sai lập miếu thờ ông. Trần Nguyên Hãn mất ngày: 26- 10- 1429 (Kỷ Dậu), lúc đó mới 39 tuổi. Mộ ông được an táng ở Rừng Thần, tổng Sơn Bình, nay là huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.
Căn cứ vào gia phả của các chi họ ở Sơn Đông, Minh Nông, di tích các đền thờ, ở vùng Kẻ Gốm thì ông có ba bà.
Bà cả: Người làng Cao Phong, xã Văn Quán, nay thuộc xã Sơn Đông, sinh được 1 con trai là Trần Doãn Hữu, tự là Trung Khang. Trước khi ông xuống thuyền về Thăng Long, ông cho bà và con trốn vào Rừng Thần. Sau trở lại Sơn Đông, chi họ hiện nay tại Quan Tử và một bộ phận di cư sang Tuyên Quang, là hậu duệ của tổ Trần Doãn Hữu
Bà hai: Lê Thị Tuyển, sinh được 2 con trai; Trưởng là Trần Trung Khoản; Thứ hai là Trần Đăng Huy, tự là Trần Trung Lương. Khi ông xuống thuyền về Thăng Long, thì bà và 2 con chạy sang làng Kẻ Nú, phủ Tâm Đới, huyện Phù Khang, trấn Sơn Tây. Người Con trai lớn tiếp tục đi tiếp và đổi ra họ Quách (theo gia phả chi họ Trần ở thôn Hồng Hải, Minh Nông, Việt Trì). Trần Đăng Huy thì đổi sang họ Đào, hậu duệ hiện nay là các chi họ ở vùng Bạch Hạc và Minh Nông, Việt Trì.
Bà thứ ba: Có tên gọi là bà Chúa Lôi, ở làng Xuân Lôi, tổng Văn Bình xưa. Bà và 2 con trai theo ông về Thăng Long, khi thuyền chìm thì người ta đã cứu được bà và một người con của ông.

ĐỆ NHỊ THẾ TỔ THIẾT CHẾ TƯỚNG CÔNG TRẦN PHÁP ĐỘ
 (Đời thứ 13 của dòng họ Trần ở Việt Nam)
Thiết chế Lễ Tướng công Trần Pháp Độ, húy Quốc Duy
Pháp độ tướng công Trần Quốc Duy, sinh năm 1424, là con trai của Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn, (theo gia phả viết vào thế kỷ thứ 17 của ông Trần Văn Lập, về dòng họ Trần Phổ Quang). Trần quốc Duy là một trong số đồng tử được cứu tại bến Đông Hồ. Ông cùng với mẹ bị triều đình Lê Lợi đưa về quản thúc tại Thăng Long. Năm 1454, đời vua Lê Nhân Tông (cháu Lê Lợi), niên hiệu Diên Ninh thứ nhất, đã đại xá, minh oan cho Trần Nguyên Hãn và tha cho vợ con ông. Trần Quốc Duy được Lê Nhân Tông vời vào triều làm quan với chức Thiết chế Lễ Tướng công. Năm Canh Dần (1470), đời vua Lê Thánh Tông, hiệu Hồng Đức nguyên niên, Trần Quốc Duy hưu quan, đưa vợ và 3 con trai về Tống Sơn, Thanh Hóa. Ở đây được 6 năm, ông để bà và Trần Đạo Tín ở lại. Ông đưa Trần Công Sủng và Trần Thiện Tính tiếp tục đi vào Nghệ An. Ông chọn chùa Liên Hoa, làng Phì Cam dừng chân, làm ăn sinh sống. Sau thời gian ổn định, ông cho Công Sủng trở lại Thanh Hóa vào ở chùa Sải, thôn Kim Cốc, xã Mai Lân, huyện Tĩnh Gia. Sau ngày Thiện Tính trưởng thành, ông tổ chức khai hoang, lập ấp ra xứ Nương Mao (nay là vùng đất Đông Bắc xã Vĩnh Thành, huyện Nhân Thành và xã Nam Hợp, huyện Yên Thành). Ông cùng con là Trần Thiện Tính về ở làng Hào Kiệt, xứ Tường Lai, ở đây ông làm thông gia với tướng Lê Sơn, hỏi bà Lê Từ Phúc cho ông Trần Thiện Tính.
Khi Trần Quốc Duy qua đời, mộ được an táng ở xứ Tường Lai.
Bà là: Lê Thị Từ Quang. Ông bà sinh được 3 người con trai:
       - Con trưởng là Trần Công Sủng, các chi họ hậu duệ hiện nay ở các xã phía Nam huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa và các xã phía Bắc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Nhà thờ chi trưởng ở Kim Cốc, Mai Lâm, Thanh Hóa. Còn có một chi có tông tích của dòng họ Trần Công Sủng, chi họ thờ tổ Trần Công Mạc, ở thôn Trung Xá, xã Vĩnh Thành.
- Con trai thứ hai là Trần Đạo Tín, các chi họ hậu duệ hiện nay lưu cư ở Tống Sơn (nay là Nga Sơn, Hậu Lộc), tỉnh Thanh Hóa. Còn một số chi họ mới phát hiện dấu tích dòng Trần Đạo Tín, là các chi ở Cầu Đục, Diễn Trường, Diễn Châu và Nhân Cao, Nhân Thành, Yên Thành.
- Con trai thứ ba là Trần Thiện Tính, tục hiệu là ông, bà Chân Thường, sinh hạ ra trực hệ dòng họ Trần Nguyên Hãn ở Nghệ, Tĩnh
Nhà thờ Trần Quốc Duy đã được chính thức đưa từ Phú Điền, Nhân Thành về Đan Trung, Diễn Thăng đã được 300 năm. Nhà thờ Pháp Độ Tướng công, Trần Quốc Duy ở Đan Trung, đã được nhà nước cấp bằng công nhận là Di tích Lịch sử, Văn hóa và Cách mạng, ngày: 27- 5- 1997. Có nhiều chi họ đã lập nhà thờ Pháp Độ ở Phú Hữu, ở đây có sắc phong: Pháp độ Trung đẳng thần, năm Khải Định thứ 2, năm Đinh Tỵ (1917).
Mộ của tổ Trần Quốc Duy táng ở xứ Tường Lai, Hào Kiệt, nay thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Mộ tổ bà Lê Từ Quang hiện ở Tống Sơn, Thanh Hóa.

 ĐỆ TAM THẾ TỔ NGHỆ TĨNH
 (Đời thứ 14 của dòng họ Trần ở Việt Nam)

Thế tổ khảo Trần Thiện Tính, húy Khương, hiệu là ông Chân Thường.
       Tổ bà là Lê Thị Từ Phúc, hiệu bà Chân Thường.
Hai tổ sinh được 3 con trai: Trần Chân Tịch, Trần Chân Tính, Trần Chân Thiên.
Thời chiến tranh Lê, Mạc (1526- 1533), ông đưa bà và 3 con chạy sang Phúc Điền, tiếp theo ông lại đưa ra ở Bàng Hòa quán, Hoàng Mai tự, ở đây ông phân cư các con. Ông Trần Chân Tịch khoảng 16-17 tuổi về ở chùa Bổn, làng Dàn, xã Đông Tháp (nay là xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu). Ông Trần Chân Thiên, gửi làm con nuôi ông họ Vũ ở thôn Diệu Ốc, xã Giai Lạc (chợ Mõ), nhưng không đổi họ. Ông, Bà cùng người con thứ hai là Trần Chân Tính ở lại Hoàng Mai. Sau lại chuyển đến chùa Mai Nữ, làng Bầu Quán, xã Yên Hậu (nay là xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu) và ông bà Chân Thường mất ở đó.
 Ông Huyền Linh (tức Trần Chân Thiên), là con thứ ba giỏi về địa lý, đã xin anh cả đưa mộ bố mẹ về song táng ở xứ Cồn Chu, trên xứ đồng của họ Trần ở Giai Lạc. Con cháu dòng họ Trần Nguyên Hãn, Nghệ Tĩnh đã tổ chức xây lăng cho hai tổ tại cồn Chu. Khánh thành ngày: 14- 7- 1999, năm Kỷ Mão. Giỗ ông bà Chân Thường hợp kỵ vào ngày: 14- 3, tại nhà thờ chi Trưởng, dòng Trưởng, ở thôn Đông Tháp, xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

 ĐỆ TỨ THẾ TỔ NGHỆ TĨNH
 (Đời thứ 15 của dòng họ Trần ở Việt Nam)

 CHI TRƯỞNG
Tổ Trần Chân Tịch, húy Phúc Quảng, hiệu Huyền Nghiêm.
       Tổ bà là Hoàng Thị Tâm.
       Ông mất ngày: 23- 8, giỗ hợp kỵ cả ông, bà vào ngày: 27- 3.
Hai tổ sinh được 4 con trai, được mấy con gái không rõ, nhưng cả dòng họ Trần Chân Tịch đều thờ bà cô tổ Trần Quế Hoa Nương. Dòng trưởng Trần Chân Tịch, có trên ba mươi chi họ lớn nhỏ, đã tìm thấy phần lớn ở ven theo trục đường quốc lộ 1A đổ về phía biển từ miền Nam huyện Quỳnh Lưu đến huyện Nghi Lộc.
       - Con trai trưởng của ông bà Trần Chân Tịch, được gia phả ghi là: Tổ Trần Công Ngạn, ở Làng Thọ An. Đến nay đã tìm ra chi họ hậu duệ của tổ Trần Công Ngạn, hiện đang định cư ở xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định và đã đổi từ họ Trần thành họ Cao.
       - Con trai thứ hai của ông bà Trần Chân Tịch là: Trần Phúc Thọ. Ông bà Thọ sinh được: Trần Thủ Hạnh, Trần Đắc. các chi họ này hiện nay ở hầu hết các huyện Diễn Châu, huyện Yên Thành, huyện Nghi Lộc.
- Con trai thứ ba của ông bà Trần Chân tịch là: Trần Chân Tâm. Ông Chân Tâm về ở xã Đông Lũy, nay là xã Diễn Phong, vào khoảng năm 1570, làm nghề dậy học và lấy bà Phạm Từ Khoan, đẻ ra Trần Chính Đạo.
- Con trai thứ tư của ông bà Trần Chân Tịch là: Trần Danh Di. Con trai của ông Trần Danh Di là: Hoàng Giáp Trần Danh Dĩnh đậu Khoa Giáp Thìn (năm 1724). Hậu duệ hiện ở xã Quỳnh Diễn, huyện Quỳnh Lưu.
Mộ tổ Trần Chân Tịch được an táng ở xóm Xuân Tháp, xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Nhà thờ tổ ở chi trưởng thôn Đông Tháp, xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

13 nhận xét:

  1. Bài viết đúng với tìm hiểu của tôi, còn về năm sinh của Đức Tổ Trần Nguyên Hãn có khác, của tôi tìm thì sinh năm 1386 chứ không phải 1390. Cảm ơn tác giả đã viết bài!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình cũng là con cháu họ Trần ở nam đàn, NA rất muốn tìm chi Trần Quý ở nghệ an mà không biết từ đâu.

      Xóa
    2. Di cư Hưng yên đời 14,phú thọ ,tĩnh ra có chứ 1 chi 2 sang họ đổng đều gốc thiệu hoá tìm về cội nguồn dõi họ trần…!

      Xóa
  2. Tôi cũng là thành viên của tộc Trần Phước ở Mỹ Xuyên Đông Nam Phước Duy Xuyên Quảng Nam, ông tiền hiền là Trần Quý Công. Tôi muốn tìm lại gốc tổ ở Thanh Hóa.

    Trả lờiXóa
  3. Tôi cũng là thành viên của tộc Trần Phước ở Mỹ Xuyên Đông Nam Phước Duy Xuyên Quảng Nam, tiền hiền là ông Trần Quý Công. Tôi muốn tìm lại gốc tổ ở Thanh Hóa.

    Trả lờiXóa
  4. Tôi cũng là thành viên của tộc Trần Phước ở Mỹ Xuyên Đông Nam Phước Duy Xuyên Quảng Nam, tiền hiền là ông Trần Quý Công. Tôi muốn tìm lại gốc tổ ở Thanh Hóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trong GP chữ Hán các chi họ Trần thường hay gặp cụm từ "Trần Quý Công", ta có thể hiểu cụm từ này theo nghĩa "Quý ông họ Trần..." tiếp theo là "húy...A...tự B..., hiệu C.... Trong chữ Hán chữ 貴 Quý: là quý trọng, sang. Còn chữ 癸 quý: ngôi thứ 10 (hàng Can), cũng có thể hiểu là người con út. Chữ 公 là: cụ, ông. Do vậy Cụ Trần Quý Công, không hẳn cụ có tên húy là Công, têb đệm là Quý. Nếu tìm nguồn gốc tổ tiên bằng cụm từ này thì không đạt được mục đích.

      Xóa
  5. Theo tôi được biết hoàng giáp Trần Danh Dĩnh là chắt của ông Trần Danh Di, chứ đâu phải là con, nhìn thời gian ông đậu năm 1724 thì biết liền

    Trả lờiXóa
  6. Mình là hậu duệ đời thứ 12 họ Trần Danh tại Yên thành, năm 1991 các cụ nhà mình ngồi Đồng, được phán là có nguồn gốc từ Diễn kỹ, khi xuống đó tìm thì nghe nói gia phả bị bom đạn làm hỏng nên cũng không chắc chắn. Đến giờ mình thật sự đang muốn tìm hiểu về nguồn gốc họ Trần Danh

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Gửi bạn Trần Danh Tuấn!
      Hiện nay rất nhiều dòng họ đang đi tìm kiếm tài liệu sử phả để kết nối với dòng họ gốc. Việc này vô cùng khó khăn vì tài liệu đã bị thất lạc theo thời gian và nhiều nguyên nhân khác.
      Việc tìm lại tài liệu sử phả là một việc kì công lâu dài, mặc dù xác suất thành công khá khiêm tốn (có thể tính bằng tỷ lệ phần nghìn). Hiện nay chúng tôi không có tài liệu về dòng họ Trần Danh. Chúc công cuộc kết nối dòng họ của bạn thành công!

      Xóa
  7. Thế ông Trần Nguyên Đán 64 tuổi đã có cháu cố là ông Trần Nguyên Hãn à !!!!????😳

    Trả lờiXóa
  8. Cảm ơn ông, thời nay cũng đã có. Thời xưa kết hôn sớm thì càng có thể có ông ạ.

    Trả lờiXóa
  9. Trần Khánh Thiệulúc 13:43 15 tháng 2, 2024

    Ở Đức phổ Quảng ngãi thì không có ai ghi chép lại, giờ tìm lại nguồn gốc khá khó khăn

    Trả lờiXóa