Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

Tác giả Cao Trần Nguyên

Ông  Cao Trần Nguyên là cháu đời thứ 12 dòng tộc Cao Trần thuộc cành trưởng, phái thứ (Ất phái), tiểu phái Tổ Cao Đức Bằng.
Ông là tác giả của hai tập thơ "Hoa Lan" và "Nhớ chiều", nhà xuất bản Hội nhà văn. Người biên tập xin mượn lời nhà thơ Bùi Hoàng Tám, trong lời giới thiệu tác phẩm thơ của tác giả Cao Trần Nguyên:

Nhớ chiều - Nhật ký người xa quê  
    Tôi biết Cao Trần Nguyên qua một người bạn đồng nghiệp. Một hôm xuống Hạ Long được anh bạn giới thiệu và dẫn đến nhà ông chơi. Dân võ vẽ văn chương chỉ ngồi với nhau một lát là nhận ra nhau ngay. Nhất là khi ông nói về mê thơ Lục Bát, một thể thơ mà tôi hằng yêu thích.

    Có lẽ chưa bao giờ coi mình là nhà thơ, ông Nguyên làm thơ như người ta chơi cây cảnh hay cá cảnh vậy. Không cầu danh vọng hay lợi lộc văn chương, ông chỉ coi thơ như căn nhà ấm áp để nương tựa vào đó những phút giây đa cảm thông thường, mong muốn có được nhiều hơn nữa những niềm vui cho mình, cho gia đình và cho bạn hữu.
    Sinh năm Kỷ Mão (1939), nghĩa là sống già nửa thế kỉ 20 vắt sang thế kỉ 21, Cao Trần Nguyên đã viết về bạn, về mình… Đôi câu thế thái nhân tình… Bằng những tình tiết đã trải, đã cảm, đã tích luỹ được trong nhiều năm.
     Khi mới tám tuổi, thì người cha thân yêu  của ông đã ra đi khi nước nhà có biến khiến thơ ông dằng dặc nỗi buồn:
Nhớ đêm Mẹ thức thâu canh,
Xóm nghèo ngọn gió chiến tranh đổ về.
Đưa Cha ra tận bờ đê,
Tiễn đi thì có, đón về thì không..
(Nhớ)
Mẹ tôi không được tang chồng,
Cha đi, đi mãi mà không trở về
Chợ chiều họp ở đầu đê,
Chợ tan mà Mẹ chưa về. Đợi cha!
(Mẹ Tôi)
     Rồi  đến những ký ức về tuổi thơ – Câu thơ thường da diết nỗi nhớ:
Vậy mà lòng nổi gió giông
Nhớ ngày cắt cỏ, tắm sông thuở nào.
(Nhớ Xuân)
Nhớ hồng bếp lửa đêm đông,
Mẹ ngồi vá áo, chờ chồng trông con.
(Nhớ)
Con giờ tóc đã điểm hoa,
Ngồi nghe khúc hát dân ca nhớ người.
(Nhớ Mẹ)
     Khi vào tuổi Bốn Chín, người bạn đời rất đỗi yêu thương bỏ ông ra đi mãi mãi giữa lúc những đứa con cần Mẹ nhất: “Con thơ bé, anh dại khờ”… Bài thơ “Khóc Thầm” rất xúc động đã nói về sự mất mát lớn lao này:
Mây đen phủ kín đời mình,
Mười năm ba hạn cực hình em ơi!
Tưởng là đến thế là thôi,
Ai ngờ em bỏ cuộc đời em đi,
Sinh có hạn, tử bất kỳ,
Em đi em chẳng nói gì với anh.
Phận sao, phận mỏng, phận manh,
Hoa sao hoa vội lìa cành hoa rơi.

Rồi đây cuộc sống rối bời,
Nông sâu nào biết đâu nơi bến bờ.
      Ông cũng rất nhạy cảm với những ký ức buồn của bạn bè, chỉ nghe kể lại thôi – Ông cũng đã có những câu thơ lục bát-buồn thương nhớ:
Anh vào trong ấy lâu không,
Nhớ ra chớ để Mẹ trông, em chờ.
Em chờ anh, lỡ xuân thì…
Người chờ trót hứa… Người đi lại về…
(Chờ)
    Một trường hợp khác:
Với nhau một chút tình si,
Chỉ trong gang tấc, em đi về trời.
Tấm hình gửi lại cõi đời,
Sẽ theo ta xuống với người nay mai.
(Tấm hình)
    Thơ là tâm hồn, là tấm lòng -  nhưng nếu chỉ có tâm hồn và tấm lòng vẫn chưa thể có thơ. Để có thơ còn phải nói đến năng khiếu cộng với sự đam mê và vốn ngôn ngữ phong phú. Đặc biệt là với lục bát - một thể thơ bị trói buộc bởi vần điệu: “Làm cho khốc hại chẳng qua vì vần”. Rất mừng là trong tập thơ có những câu thơ khá ấn tượng, nhuần nhuyễn trong cách gieo vần mà hai câu sau đây là một trong các ví dụ:
Mưa Đông không có gió giông,
Chỉ là những hạt bụi bồng bềnh bay.
(Mưa Đông)
     Cách gieo vần lưng (không có-gió giông) và thả vần bằng chữ đầu của một liên từ “bồng bềnh”  và bốn chữ có âm đầu là “B” - bụi bồng bềnh bay – đã thể hiện tác giả cũng là người khá “cao tay ấn “. Tiếc rằng những câu thơ như vậy chưa nhiều.
     Mỗi một nhà thơ, mỗi một bài thơ và mỗi một tập thơ đều mang những sứ mệnh khác nhau. Nhớ Chiều mang dáng dấp của một cuốn nhật ký thông qua những hồi ức của một số phận có những vui buồn khác nhau. Chúng ta ghi nhận điều này ở tác giả…
                                                              
                                              Hà Nội, ngày 1/8/2010
                                                                                       Bùi Hoàng Tám
                                                                     (Hết lời bình)

Ngày 18 tháng Giêng năm Nhâm Thìn (2012), Ông Nguyên cùng gia đình về quê Giao Tiến dự lễ tế Tổ dòng Cao Trần, ông đã viết bài thơ "Chị dâu tế Tổ", bài thơ đã được đăng trên trang lucbat.com và trang vanthoViet.com, đồng thời tác giả gửi trực tiếp cho blog hocaotran. Xin trân trọng giới thiệu bài thơ trên và cảm ơn tác giả Cao Trần Nguyên

Tặng Chị K dâu họ Cao Trần

Chị về tế tổ họ tôi
Bước lên, lùi xuống theo hồi trống rung...

Lệnh chầu: Dâng rượu - cúc cung
Khoan thai chị bước, ung dung chị chầu...

Áo xiêm vàng óng một mầu
Chân đi hài tía, đội đầu khăn xanh
...
Giá mà đừng có chiến tranh
Chị về tế tổ có anh cùng về.


Ngày 18 tháng Giêng Nhâm Thìn
giỗ tổ họ: Cao Trần. Giao Tiến. Giao Thủy. NĐ
____________________

Tác giả Cao Trần Nguyên
Email: caotrannguyen@yahoo.com


Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Một số hình ảnh sinh hoạt dòng họ của các thế hệ con cháu dòng Cao Trần tại quê nhà

Mừng tuổị, mừng thọ, bái niên là phong tục đẹp giàu tính nhân văn của bao vùng miền trên khắp cả nước, trong đó có dòng họ Cao Trần, tại Giao Tiến Hoành Nha.
Năm nào cũng vậy, cứ sáng mùng một Tết các thế hệ con cháu trong dòng họ, ăn mặc quần áo đẹp, sửa lễ vật vàng hương đễn nhà thờ họ. Các cụ Lão tộc làm lễ cúng Tổ năm mới, con cháu thắp hương lên bàn thờ Tổ. Sau đó là lễ bái niên các ông bà, các cụ tuổi tròn (tuổi mụ): 60, 70. 80 ....  
Sau lễ bái niên tại từ đường, các gia đình trở về nhà chuẩn bị đón khách đến chúc Tết, mừng tuổi. Đặc biệt các gia đình có cha mẹ, ông bà được bái niên con cháu tập trung đông đủ để chuẩn bị đón và tiếp khách. Nhà giàu thì làm cơm cỗ hoặc bánh kẹo loại sang, ngon đắt tiền. Nhà bình thường thì chuẩn bị chè nước, bánh kẹo đơn giản. Khách vào, khách ra tấp nập như trẩy hội. Lễ vật mừng tuổi cũng tùy tâm không câu nệ, chủ yếu là có mặt để chứng giám mừng tuổi chúc mừng năm mới gia đình. Phong tục bái niên mang lại cho cả chủ và khách những ấn tượng thật trong sáng mỗi dịp Tết đến xuân về.





Bái niên các cụ tuổi  70, 80, 90 tại từ đường họ cả - Tết 2010


Cụ Cao Quang Thạnh trao quà bái niên tuổi 70,
cho ông Cao Hữu Nghị tại từ đường phái thứ cành ̣ cả - Tết 2010

Chi họ phái Tổ Cao Đức Thiệm dự lễ bái niên ông Cao Hữu Nghị tuổi 70 tại nhà riêng - Tết 2010

Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012

RẤT CẦN SỰ TRÂN TRỌNG VÀ CẢM THÔNG CHIA SẺ


Tôi vốn sinh ra và lớn lên ở quê, đến tuổi trưởng thành tham gia Quân đội. Suốt quá trình học tập và làm việc tôi vẫn dành nhiều thời gian về quê, bởi cha mẹ vợ con và Tổ tiên ông bà nội ngoại của tôi đều ở quê nhà.
Tôi vẫn còn nhớ như in, một thời đất nước gian khó và chiến tranh. Rất nhiều nhà đứt bữa, cơm không đủ no, áo không đủ mặc, đói và rét. Cả năm chỉ mong đến ngày Tết hoặc gia đình, dòng họ có giỗ mới hy vọng có bữa ăn tươm tất. Ấn tượng hơn cả đấy là ngày giỗ Tổ, ngày đó mỗi nhà trong dòng họ có phần xôi và thịt được chia sau khi cúng Tổ. Cũng trong ngày đó bọn trẻ chúng tôi rủ nhau đến nhà người được phân công làm lễ để xin nước luộc (ngày đó gọi là nước xuýt), về để chan cơm, sao mà thấy ngon và bổ. Cũng trong những năm tháng đó, nhiều gia đình con cháu trong dòng họ phải đi làm ăn xa: ra Hải Phòng, Quảng Ninh; lên Lào Cai, Yên Bái, Bắc Cạn; vào miển Trung miền Nam; gần thì xuống Bạch Long, ra các xã ven biển để tìm kế sinh nhai, thoát cảnh đói kém. Nhiều anh em con cháu cố công học hành đi công tác trưởng thành làm rạng danh cho gia đình dòng họ.
Tôi vẫn nhớ các bậc ông cha, ở lại quê nhà làm ăn sinh sống. Mọi thành viên trong dòng họ hết mực thương yêu, quan tâm giúp đỡ nhau và luôn nhớ đến từng thành viên trong họ xa quê. Điều đáng trân trọng, các bậc ông cha luôn duy trì việc thờ cúng và chăm sóc phần mộ Tổ tiên. Để đến hôm nay dòng họ chúng ta đã có nhà thờ, lăng mộ họ Cả, các nhà thờ và lăng mộ họ Phái, họ Chi khang trang và tôn nghiêm. Những năm 60-70 của thế kỷ XX, khi HTX nông nghiệp tiến hành chỉnh trang đồng ruộng, đào sông, đào mương, đắp bờ vùng, bờ thửa. Mồ mả Tổ tiên, ông bà nằm rải rác khắp các cánh đồng. Việc quy tập lăng mộ Tổ lúc bấy giờ thật vất vả, thường phải chuyển mộ vào cuối năm, mưa phùn gió bấc, đường trơn, khiêng bộ. Nhiều dòng họ mất mộ, nhưng dòng họ chúng ta hầu như không bị thất lạc mộ Tổ tiên, ông bà. Đấy quả là kỳ công của các bậc ông cha bám trụ tại quê nhà.
Quê hương Hoành Nha Giao Tiến, là miền quê sống chủ yếu bằng nghề nông. Nghề phụ của các gia đình không phải là truyền thống, tùy theo khả năng và sự sáng tạo của mỗi gia đình, tự tạo lập cho gia đình và giúp đỡ người thân bằng các cách lập nghiệp riêng. Khá phổ biến là nghề thợ mộc và thợ nề, ngoài ra có một số gia đình làm ăn buôn bán nhỏ và đầu cơ theo thời vụ. Dù nghèo nhưng khi bàn việc công đức tâm linh cho dòng họ, hầu như gia đình nào cũng muốn đóng góp một phần kinh phí để xây dựng tôn tạo công trình tâm linh của dòng họ, của làng xã.
Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhà thờ, lăng mộ Tổ, các cụ, các ông bà, cha bác, con cháu đã tiến cúng những khoản kinh phí lớn có giá trị, từ một vài chỉ vàng đến bốn năm cây vàng. Đó là những nghĩa cử đáng trân trọng. Tôi được nghe kể lại, gia đình các cụ các ông các bà trong vòng 40 năm trở lại đây đã thường xuyên tiến cúng cao như: Gia đình: cụ Cao Xuân Thiệu, cụ Cao Xuân Hạ và con cháu, cụ Cao Trần Ức và con cháu, cụ Cao Ngọc Huyến và con cháu, ông Cao Xuân Vực và con cháu, ông Cao Đức Triệu, ông Cao Trần Nguyên và con cháu…
Trong thâm tâm các cụ lão tộc mong muốn để lại cho đời sau, những công trình tâm linh xứng đáng với tầm vóc dòng họ, nên muốn lập kế hoạch xây dựng từ đường nhà thờ họ cả thật khang trang đẹp đẽ, như các dòng họ lớn khác trong làng. Đó cũng là điều tâm nguyện của nhiều thế hệ con cháu. Nguyện vọng của số đông con cháu mong muốn các cụ chọn phương án thiết kế, bền chắc, khung trụ bê tông, mái bê tông dán ngói. Lòng đã thành, nhưng tâm vẫn còn có điều trăn trở: liệu phương án xây cuốn của các cụ có đảm bảo bền vững không? Khi đã có phương án thiết kế phù hợp, có dự toán cụ thể tương xứng với khả năng đóng góp theo suất đinh của toàn dòng họ thì việc huy động kinh phí sẽ không phải là việc khó. Bên cạnh đó các thế hệ con cháu có điều kiện “vẫn đang nghe ngóng” công tác tổ chức của hội đồng lão tộc dòng họ. Khi con cháu thấy mọi việc đã được bàn bạc hợp lý, thống nhất đồng thuận cao, con cháu sẽ sẵn sàng tiến cúng, mua Hậu Tổ với giá trị cao.
Theo cụ quyền tôn trưởng Cao Trần Bốn, dòng họ sẽ tổ chức cuộc họp mở rộng để bàn cụ thể hơn về phương án xây nhà thờ. Cụ cũng đề nghị các thế hệ con cháu có kiến thức, có kinh nghiệm, tham gia hiến kế, điều hành tổ chức để cùng các cụ thực hiện thành công, công trình xây dựng nhà thờ họ cả trong thời gian tới. Sắp tới các cụ sẽ mời toàn bộ các cụ trong hội đồng lão tộc, các ông, các bác, các chú đại diện cho các Phái các Chi và con cháu làm nghề xây dựng ở quê; thường trực chi nhánh dòng họ Cao Trần, Giao Tiến tại Hà Nội (ông Hồng, ông Vương), Hải Phòng, Lào Cai…Các con cháu làm về xây dựng (Chú Tiên, cháu Công, cháu Tuyến…), trực tiếp tham gia và đóng góp ý kiến vào bản thiết kế kiến trúc, tính kết cấu, lập dự toán và tổ chức thi công nhà thờ họ Cả.
Việc họ vừa là việc dễ nhưng cũng thật là khó. Con cháu khá đông, theo thống kê trong toàn dòng họ thì có trên 1000 suất đinh, nhưng không phải ai cũng có điều kiện, suy nghĩ và hành động như nhau. Ở đây cần nhất là sự trân trọng và cảm thông chia sẻ. Những người lao động ở quê thì không có điều kiện, nhưng vẫn duy trì nề nếp gia phong để nhà thờ Tổ quanh năm thơm làn hương khói, mồ mả Tổ tiên phong quang sạch đẹp. Con cháu đi xa về đến quê nhà cũng thấy ấm lòng, thiết nghĩ việc đóng góp theo quy định và tiến cúng tùy tâm là điều cần thiết.        
Cao Xuân Thiện (đời thứ 13)