Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012

RẤT CẦN SỰ TRÂN TRỌNG VÀ CẢM THÔNG CHIA SẺ


Tôi vốn sinh ra và lớn lên ở quê, đến tuổi trưởng thành tham gia Quân đội. Suốt quá trình học tập và làm việc tôi vẫn dành nhiều thời gian về quê, bởi cha mẹ vợ con và Tổ tiên ông bà nội ngoại của tôi đều ở quê nhà.
Tôi vẫn còn nhớ như in, một thời đất nước gian khó và chiến tranh. Rất nhiều nhà đứt bữa, cơm không đủ no, áo không đủ mặc, đói và rét. Cả năm chỉ mong đến ngày Tết hoặc gia đình, dòng họ có giỗ mới hy vọng có bữa ăn tươm tất. Ấn tượng hơn cả đấy là ngày giỗ Tổ, ngày đó mỗi nhà trong dòng họ có phần xôi và thịt được chia sau khi cúng Tổ. Cũng trong ngày đó bọn trẻ chúng tôi rủ nhau đến nhà người được phân công làm lễ để xin nước luộc (ngày đó gọi là nước xuýt), về để chan cơm, sao mà thấy ngon và bổ. Cũng trong những năm tháng đó, nhiều gia đình con cháu trong dòng họ phải đi làm ăn xa: ra Hải Phòng, Quảng Ninh; lên Lào Cai, Yên Bái, Bắc Cạn; vào miển Trung miền Nam; gần thì xuống Bạch Long, ra các xã ven biển để tìm kế sinh nhai, thoát cảnh đói kém. Nhiều anh em con cháu cố công học hành đi công tác trưởng thành làm rạng danh cho gia đình dòng họ.
Tôi vẫn nhớ các bậc ông cha, ở lại quê nhà làm ăn sinh sống. Mọi thành viên trong dòng họ hết mực thương yêu, quan tâm giúp đỡ nhau và luôn nhớ đến từng thành viên trong họ xa quê. Điều đáng trân trọng, các bậc ông cha luôn duy trì việc thờ cúng và chăm sóc phần mộ Tổ tiên. Để đến hôm nay dòng họ chúng ta đã có nhà thờ, lăng mộ họ Cả, các nhà thờ và lăng mộ họ Phái, họ Chi khang trang và tôn nghiêm. Những năm 60-70 của thế kỷ XX, khi HTX nông nghiệp tiến hành chỉnh trang đồng ruộng, đào sông, đào mương, đắp bờ vùng, bờ thửa. Mồ mả Tổ tiên, ông bà nằm rải rác khắp các cánh đồng. Việc quy tập lăng mộ Tổ lúc bấy giờ thật vất vả, thường phải chuyển mộ vào cuối năm, mưa phùn gió bấc, đường trơn, khiêng bộ. Nhiều dòng họ mất mộ, nhưng dòng họ chúng ta hầu như không bị thất lạc mộ Tổ tiên, ông bà. Đấy quả là kỳ công của các bậc ông cha bám trụ tại quê nhà.
Quê hương Hoành Nha Giao Tiến, là miền quê sống chủ yếu bằng nghề nông. Nghề phụ của các gia đình không phải là truyền thống, tùy theo khả năng và sự sáng tạo của mỗi gia đình, tự tạo lập cho gia đình và giúp đỡ người thân bằng các cách lập nghiệp riêng. Khá phổ biến là nghề thợ mộc và thợ nề, ngoài ra có một số gia đình làm ăn buôn bán nhỏ và đầu cơ theo thời vụ. Dù nghèo nhưng khi bàn việc công đức tâm linh cho dòng họ, hầu như gia đình nào cũng muốn đóng góp một phần kinh phí để xây dựng tôn tạo công trình tâm linh của dòng họ, của làng xã.
Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhà thờ, lăng mộ Tổ, các cụ, các ông bà, cha bác, con cháu đã tiến cúng những khoản kinh phí lớn có giá trị, từ một vài chỉ vàng đến bốn năm cây vàng. Đó là những nghĩa cử đáng trân trọng. Tôi được nghe kể lại, gia đình các cụ các ông các bà trong vòng 40 năm trở lại đây đã thường xuyên tiến cúng cao như: Gia đình: cụ Cao Xuân Thiệu, cụ Cao Xuân Hạ và con cháu, cụ Cao Trần Ức và con cháu, cụ Cao Ngọc Huyến và con cháu, ông Cao Xuân Vực và con cháu, ông Cao Đức Triệu, ông Cao Trần Nguyên và con cháu…
Trong thâm tâm các cụ lão tộc mong muốn để lại cho đời sau, những công trình tâm linh xứng đáng với tầm vóc dòng họ, nên muốn lập kế hoạch xây dựng từ đường nhà thờ họ cả thật khang trang đẹp đẽ, như các dòng họ lớn khác trong làng. Đó cũng là điều tâm nguyện của nhiều thế hệ con cháu. Nguyện vọng của số đông con cháu mong muốn các cụ chọn phương án thiết kế, bền chắc, khung trụ bê tông, mái bê tông dán ngói. Lòng đã thành, nhưng tâm vẫn còn có điều trăn trở: liệu phương án xây cuốn của các cụ có đảm bảo bền vững không? Khi đã có phương án thiết kế phù hợp, có dự toán cụ thể tương xứng với khả năng đóng góp theo suất đinh của toàn dòng họ thì việc huy động kinh phí sẽ không phải là việc khó. Bên cạnh đó các thế hệ con cháu có điều kiện “vẫn đang nghe ngóng” công tác tổ chức của hội đồng lão tộc dòng họ. Khi con cháu thấy mọi việc đã được bàn bạc hợp lý, thống nhất đồng thuận cao, con cháu sẽ sẵn sàng tiến cúng, mua Hậu Tổ với giá trị cao.
Theo cụ quyền tôn trưởng Cao Trần Bốn, dòng họ sẽ tổ chức cuộc họp mở rộng để bàn cụ thể hơn về phương án xây nhà thờ. Cụ cũng đề nghị các thế hệ con cháu có kiến thức, có kinh nghiệm, tham gia hiến kế, điều hành tổ chức để cùng các cụ thực hiện thành công, công trình xây dựng nhà thờ họ cả trong thời gian tới. Sắp tới các cụ sẽ mời toàn bộ các cụ trong hội đồng lão tộc, các ông, các bác, các chú đại diện cho các Phái các Chi và con cháu làm nghề xây dựng ở quê; thường trực chi nhánh dòng họ Cao Trần, Giao Tiến tại Hà Nội (ông Hồng, ông Vương), Hải Phòng, Lào Cai…Các con cháu làm về xây dựng (Chú Tiên, cháu Công, cháu Tuyến…), trực tiếp tham gia và đóng góp ý kiến vào bản thiết kế kiến trúc, tính kết cấu, lập dự toán và tổ chức thi công nhà thờ họ Cả.
Việc họ vừa là việc dễ nhưng cũng thật là khó. Con cháu khá đông, theo thống kê trong toàn dòng họ thì có trên 1000 suất đinh, nhưng không phải ai cũng có điều kiện, suy nghĩ và hành động như nhau. Ở đây cần nhất là sự trân trọng và cảm thông chia sẻ. Những người lao động ở quê thì không có điều kiện, nhưng vẫn duy trì nề nếp gia phong để nhà thờ Tổ quanh năm thơm làn hương khói, mồ mả Tổ tiên phong quang sạch đẹp. Con cháu đi xa về đến quê nhà cũng thấy ấm lòng, thiết nghĩ việc đóng góp theo quy định và tiến cúng tùy tâm là điều cần thiết.        
Cao Xuân Thiện (đời thứ 13)

1 nhận xét:

  1. Theo cụ Cao Trần Bốn, tính đến ngày mùng 10 tháng 2 Nhâm Thìn, quỹ xây nhà thờ của dòng họ đã thu được 300 triệu đồng. Chúng tôi đã đề nghị ông Học thủ quỹ và ông Giản kế toán đem gửi ngay vào quỹ tiết kiệm, để thu được một chút lãi suất nhất định.

    Trả lờiXóa