Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

TẤM HÌNH ÔNG NGOẠI

LÃ MẠNH HÙNG
CANADA - THÁNG GIÊNG GIÁP NGỌ













Hình 1: Thanh Quang từ, Hoành Nha, Giao Tiến Hình 2: Bàn thờ bên trong Thanh Quang từ
Tấm hình ông ngoại
Đầu năm 2002 là lần đầu người viết về thăm quê và nhà ông ngoại ở làng Hoành Nha, Giao Tiến, Giao Thủy, Nam Định. Vào Thanh Quang từ dâng hương cho tiền nhân đã khuất bóng người viết thấy một bức ảnh của ông vẽ bằng bút màu trên giấy lộng khung, khoảng 8”x11”.
Thọat nhìn, với hiểu biết rất giới hạn về y phục Việt Nam thời trước, người viết đinh ninh đó là tấm ảnh vẽ ông ngoại của mình trong một buổi tế lễ ở đình làng. Chụp lại bức ảnh, đem về khoe với gia đình, người viết vẫn yên trí như thế.
Từ ngày ấy đến nay đã hơn mười năm có được liên lạc với họ hàng ở quê ngoại. Và đã cũng hơn mười năm tìm hiểu về nguồn cội gia đình, đặc biệt về tấm hình ông ngoại.
Những tài liệu đầu tiên
Vì sở thích tìm hiểu lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử cận đại nói riêng, khi đọc quyển Journal of an Embassy to the Courts of Siam and Cochin –China, exhibiting a view of the actual State of these Kingdoms”, John Crawfurd (1783 –1868), London, 1828, bản số hóa ở thư viện của Đại học Cornell. Đó là cuốn sách của bác sĩ John Crawfurd, một nhà ngoại giao nước Anh cuối thế kỷ 19, mô tả về triều đình của Thái Lan và Việt Nam trong chuyến công du của ông tại Siam và Cochin –China (Nam Kỳ) vào những năm 1921 –1922, tình cờ người viết tìm thấy ở Chương 10, hình 262 –b tác giả John Crawfurd vẽ lại hai vị quan văn võ nhà Nguyễn đã đem phẩm vật triều đình đến gặp ông tại Saigon hồi đầu tháng 10, 1922. Nguyên văn trong sách ghi:
“The Mandarins wore a cap of a peculiar form, and on a square piece of silk, on the breast of their gown, was embroidered the
badge of their order. That of the military chief was a boar, and of the man of letters a stork.”
Dịch:
“Những ông quan này đội một cái mũ có hình thù kỳ dị. Thêu trên một miếng vải vuông đính phía trước ngực áo là hình ảnh
phẩm trật của họ. Miếng lụa thêu trên áo của vị quan võ là hình một con lợn, còn của ông quan văn là hình con cò.”
[Trích John Crawfurd, Journal of an Embassy to the Courts of Siam and Cochin –China, exhibiting a view of the actual State
of these Kingdoms”, trang 263.](1)
Hình ông quan võ triều Minh Mạng và hình ông ngoại có một vài điểm khá giống nhau, nhất là mũ, hài và miếng vải vuông” đính trước ngực áo.
Ông ngoại có lẽ đã nghỉ hưu (khoảng 1930) khi mẹ còn bé và ông qua đời từ khi mẹ chưa lập gia đình; vì thế con cháu chỉ biết ông qua tấm ảnh, ông mặc áo the đầu đội khăn đống, trên bàn thờ gia đình và biết người đời gọi ông là cụ Quản và gọi bà ngoại là bà Quản. Những ngày còn quá trẻ của những năm 1960 ở Saigon, người viết thực sự không hiểu danh xưng cụ Quản” nghĩa là gì. Hỏi mẹ, cũng không được giải thích rõ ràng, người viết nghĩ rằng có lẽ cụ Quản” là cụ Seargent, là cụ Trung sĩ thời đó. Lúc còn là một thiếu niên hiểu biết về ông ngoại của người viết chỉ được đến như thế.
Nhưng nếu là seargent hay trung sĩ ắt ông không thể có trang phục giống như môt võ quan triều Nguyễn. Tiếp tục, người viết đi tìm nghĩa của hai chữ cụ Quản”.


Hình 3: Trái – Quan Văn; Giữa – Quan Võ (Hình 262b – Crawfurd). Phải – Hình ông ngoại
Bài Đại Lược Về Quan Chế” phần 1 ở trang Chim Việt Cành Nam của tác giả Nguyễn Thị Chân Quỳnh, nói về phẩm hàm của các quan văn võ dưới triều vua Minh Mạng (1826):
b – Võ giai: [...]
Tùng tứ phẩm: Thành thủ úy, Phó Quản cơ, Trung hầu Cai đội, Nội hầu Cai đội, Giám đốc các cục bảo hóa, Tạo tác, Trưởng chi các chi Thổ binh... cáo thụ Tín nghĩa đô úy.(2)

Như thế, ông ngoại của người viết rất có thể là một võ quan, trật tùng (tòng) tứ phẩm, của triều Nguyễn với chức Phó Quản cơ [副 管 奇].(3)
Gia phả
Tháng 3, 2011 nhận được Gia phả Họ Cao – Trần, Xã Giao Tiến”, biên soạn năm 2010. Trang 127 ghi tiểu sử ông ngoại như sau:
10.1.2.85 – Cao Thừa Ơn, tự Thanh Quang, hiệu Trang Nghĩa.
Sinh năm Ất Sửu (1865).
Ngày mất 18 – 9 năm Giáp Thân (1944), thọ 79 tuổi. Mộ quy lăng Nghĩa trang thôn Quyết Tiến.
Ông là con trai thứ ba cụ Đức Ngu. Ông tham gia quân ngũ, làm Phó quản ở Bắc Giang. Ông được phong hàm: Tứ phẩm Tín
nghĩa Đô Uý.(4)
Đoạn tiểu sử ngắn của ông ngoại trong Gia phả Họ Cao – Trần, Xã Giao Tiến” xác định ông làm Phó quản” và được phong hàm Tín Nghĩa Đô Úy”. So lại với tài liệu từ bài bài Đại Lược Về Quan Chế” của Nguyễn Thị Chân Quỳnh thì ông ngoại đúng là một võ quan của triều Nguyễn, trật tùng tứ phẩm [làm việc ở Bắc Giang] với chức Phó Quản cơ [副 管 奇], cáo thụ(5) Tín Nghĩa Đô Úy.
Về Thanh Quang” và Trang Nghĩa”
Như văn hóa Trung Quốc, Đại Hàn, Nhật Bản, giới trí thức Việt Nam ngày trước ngoài tên thật (gọi là danh), đến tuổi trưởng thành (20 tuổi), được đặt thêm một tên mới gọi là tên tự còn được gọi là tên chữ. Lúc đó, tên thật chỉ có bản thân tự xưng, hoặc người thân lớn tuổi gọi. Giữa bạn bè cùng lứa, xã giao, cần sự tôn trọng thì sử dụng tên tự. Tên tự là tên giống như tên chính, thường có hai chữ và có liên hệ về mặt ý nghĩa với tên chính, có thể là đồng nghĩa hoặc trái nghĩa. Thí dụ: Quách Tuấn có tên tự là Thường Kiệt (tuấn kiệt), sau khi được ban quốc tính thì đổi thành họ Lý, gọi là Lý Thường Kiệt; Nguyễn Đình Chiểu (chiểu: ao đầm), tự Mạnh Trạch (trạch: đầm), v.v.
Tên thật của ông là Ơn (Ân); Quang là ánh sáng. Nho sĩ ngày xưa quan niệm ơn trời, ơn vua như ánh sáng soi rọi khắp nơi, Quang bị tứ biểu 光 被 四 表. Thanh Quang”, tên tự của ông mang ý nghĩa ấy.(6)

          Theo giải thích của nhà nghiên cứu Thiều Chửu (Nguyễn Hữu Kha) thì chữ Thuỵ cũng có nghĩa như sau:
Tên hèm, lúc người sắp chết người khác đem tính hạnh của người sắp chết ấy so sánh rồi đặt cho một tên khác để khi cúng giỗ khấn đến gọi là thụy. Ta gọi là tên cúng cơm.
Trong Phật giáo, thuỵ hiệu là tên hiệu của người đã mất, vì cảm niệm đức hạnh của họ mà người đời sau truy tặng. Người được tặng thuỵ hiệu có thể là vua quan đến những người có đức hạnh.
Theo Nguyễn Long Thao tác giả cuốn“Sơ thảo Tính danh học Việt Nam” thì
... thụy có nghĩa là đẹp. Thụy hiệu hay tên thụy nghĩa là tên đẹp. Tên thụy còn gọi là tên hèm là tên đặt cho một người sắp chết để tránh tên húy, đồng thời để phê phán [đánh giá] con người ấy về phương diện đạo đức lúc sinh thời... Nguyên tắc thì cách đặt thụy hiệu của vua chúa khác cách thức của thường dân. Với thường dân, có hai loại tên thụy: công thụy và tư thụy.
Công thụy là tên do chính quyền thời quân chủ đặt cho người có phẩm hàm chức tước. Vua thường ban thụy hiệu cho các công thần, cao tăng như một nghĩa cử tri ân.
[...]
Sách Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ cho biết năm Minh Mạng thứ 7 (1826), nhà vua quy định sẵn một số thụy hiệu để đặt cho các viên chức chính quyền. Tùy phẩm trật, tùy theo văn giai hay võ giai một chức quan sẽ có thụy hiệu sau đây:










[72] Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, Tập 3. Sđd. Tr. 225 –226(6a)
Như thế, Tráng Nghĩa” (không phải Trang Nghĩa”) chính là [công] thụy do triều Nguyễn định sẵn dựa trên phẩm trật của ông lúc sinh tiền.
Tiểu sử của ông ngoại cùng những tài liệu, hình ảnh về quan chế cũng như tính danh Viêt Nam cho thấy, có lẽ, vì ảnh hưởng còn sót lại của phong trào phản đế, phản phong, nên Gia phả Họ Cao – Trần, Xã Giao Tiến”, đã ghi chép tiểu sử ông như thế để tránh điều bất trắc có thể xảy ra cho gia tộc. Tuy nhiên, gia phả họ Cao – Trần đã ghi lại những chi tiết chính để hậu duệ vẫn có thể tra cứu tìm được sự thật về thân thế của ông.
Lịch sử là sự thực vĩnh cửu ghi lại cho muôn đời sau dù một hay nhiều sự kiện lịch sử có thể không thích hợp với quan điểm ở một triều đại, một thể chế nào đó. Triều đại hay chế độ chỉ là những giai đoạn nhất thời trên dòng lịch sử. Vì vậy, lịch sử, dù của đất nước hay của gia tộc, cần được nghiêm túc, cố gắng hết sức ghi lại đầy đủ và phản ảnh sự thực. Do đó, tiểu sử của ông ngoại có thể ghi là
Ông Cao Thừa Ơn, tự Thanh Quang, thụy Tráng Nghĩa, là con trai thứ ba cụ Đức Ngu. Sinh năm Ất Sửu (1865). Ông mất năm Giáp Thân (1944, ngày mất 18 – 9 âm lịch), thọ 79 tuổi. Mộ quy lăng Nghĩa trang thôn Quyết Tiến. Lúc sinh thời ông nhập ngũ, rồi làm quan với nhà Nguyễn – có thể dưới 3 triều vua, Thành Thái (1889 –1907), Duy Tân (1907 –1916) và Khải Định (1916 – 1925). Ông là quan võ, tòng tứ phẩm, cáo thụ Tín nghĩa Đô Uý, giữ chức Phó quản cơ ở Bắc Giang.
Phong trào phản đế, phản phong ở một giai đoạn lịch sử Việt Nam đã đánh mất rất nhiều di sản văn hóa, kiến trúc, nhân văn trong đó có cả văn vật của gia đình các vị quan triều Nguyễn như áo, mũ, hốt, đai, hài, cáo thụ, v.v.
Trở lại với bức tranh vẽ ông ngoại. Để tìm hiểu độ chính xác trang phục của ông trong tấm hình vẽ – và vì gia đình không còn văn vật (mũ, áo, cáo thụ, v.v.) để lại – người viết đã truy cứu, tham khảo một số những hình ảnh và tài liệu từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 về trang phục của các quan văn võ nhà Nguyễn.
Hình 4 dưới đây là tấm ảnh chụp hai vị võ quan nhà Nguyễn và bức ảnh vẽ ông ngoại. Hình bên trái là vị võ quan tam phẩm triều Tự Đức trong Sứ đoàn Phan Thanh Giản sang Paris năm 1863(7); Hình giữa một vị quan võ triều Nguyễn (có lẽ từ nhị phẩm trở lên) trên một bưu thiếp sưu tập ảnh của ông Passignal(8) số 34, đã ghi lầm là Quan Văn (Mandarin Lettré).

Hình 4: Hình bên trái: Quan võ tam phẩm Hồ Văn Huân (1863). Hình giữa: Một vị quan võ. Hình bên phải: Hình vẽ ông Cao Thừa Ơn (Nguồn: xem phần Tham khảo)
Trước nhất, ba tấm hình (chụp và vẽ) trên cho thấy cả ba ông đều đội mũ (mão hay quan, ) giống nhau.
Theo Nguyễn Đôn, Phó Giám Lâm Nội Vụ Triều Nguyễn, tác giả bài Costumes de Cours des mandarins civils et militaires et costumes des gradés” đăng trên tạp chí Bulletin des Amis du Vieux Hue (BAVH), 2è année – No 3 – Jullet –Septembre 1916 thì đây là hổ đầu quan hay mũ hổ đầu như hình của Tôn Thất Sa vẽ trong BAVH, Hình 5.(9)
Vẫn theo hình vẽ của Tôn Thất Sa trong BAVH, quan văn từ lục phẩm đến tứ phẩm đội mũ Đông Pha và quan võ từ lục phẩm đến tứ phẩm đội mũ Xuân Thu (Hình 6).
Thứ nhì, bức ảnh vẽ ông ngoại bằng bút màu trên giấy cho thấy ông mặc áo cổ tròn thay vì cổ tréo dù cả ba ông đều có miếng vải vuông” đính trước ngực áo.
Một chi tiết trong bức ảnh không không đúng Quy chế Triều Phục của bá quan văn võ triều Nguyễn
Để hiểu tại sao có sự khác biệt nói trên, người viết đã tham khảo trực tiếp với nhà biên khảo Trần Quang Đức, nghiên cứu viên Phòng Văn học so sánh Viện Nghiên cứu Văn học Việt Nam, tác giả cuốn Ngàn Năm Áo Mũ”(10), và được ông cho biết những điểm sau đây:
.                                 Có nhiều khả năng đó là tranh vẽ (tô lại) từ một tấm ảnh chụp (đã nhầu nát).
.                                 Phẩm phục thường triều quan võ triều Nguyễn chỉ có hai loại kết hợp: một là mũ hổ đầu cùng với áo cổ tréo có đính miếng vải vuông” trước ngực áo; hai là mũ hổ đầu cùng áo cổ tròn, tay hẹp (áo mãng lan) không có miếng vải vuông” đính trước ngực áo.
.                                 Mũ hổ đầu chỉ dành cho quan võ từ tam phẩm trở lên (cũng như tài liệu của BAVH).


Hình 5: Trên: Mũ Văn Công, 文公冠(quan văn từ tam đến nhất Hình 6: Trên: Mũ Đông Pha, 東坡冠cho quan văn từ lục đến tứ phẩm). Dưới: Mũ Hổ Đầu, 虎頭冠(quan võ từ tam đến nhất phẩm. Dưới: Mũ Xuân Thu, 春秋冠cho quan võ từ lục phẩm đến phẩm). Tôn Thất Sa vẽ. (BAVH) tứ phẩm. (BAVH)
Tác giả Trần Quang Đức và người viết cùng khảo sát bức ảnh vẽ: ông mặc áo cổ tròn, có bổ tử; đây là lam bào, áo đại triều của quan ngũ phẩm và lục phẩm. Về mũ trong bức ảnh vẽ, đối chiếu với các loại mũ Tôn thất sa vẽ trong BAVH cùng tư liệu hình ảnh hiện còn, cho thấy rõ ràng mũ đã bị vẽ nhầm.

Bảng 1: Quy chế Triều Phục của Bá Quan Văn Võ Năm 1845 (Hội Điển). Trích Trần Quang Đức, Ngàn năm áo mũ, trang 376, Phụ Lục.
Có thể trang sức bác sơn hình núi trên mũ phốc đầu bị vẽ nhầm như thấy trong hình tô lại, đồng thời thiếu 2 cánh chuồn. (Hình 7)
Tóm lại, nếu dựa theo tiểu sử ông và quy chế triều phục theo Hội điển, với trang phục này, giải đoán thích hợp nhất thì đây là tấm hình tô lại bức ảnh ông chụp mặc triều phục khi chưa thăng lên trật tòng tứ phẩm:
Hình 7: Bên trái: Mũ hổ đầu. Bên phải: Mũ phốc đầu vuông (BAVH) mặc áo (lam) bào cổ tròn dùng trừu thêu Hoa, tơ màu
Bảo Lam ngũ sắc gia vàng, đính Bổ Tử thêu báo, nền đỏ. Xiêm (thường) làm bằng sa mát, tơ màu Quan Lục ngũ sắc gia vàng.
Áo giao lĩnh (交領) là gì? Lĩnh () có nghĩa là cổ áo. Giao () nghĩa là gặp nhau, tréo nhau. Giao lĩnh là áo mà hai vạt áo để tréo nhau thành hình chữ y” (áo vạt tréo). Theo Hội điển thì giao lĩnh của các quan nhất, nhị, tam phẩm may bằng vải sa, đoạn, cổ áo màu trắng, còn cổ áo của các chức quan còn lại có màu sắc giống màu áo gốc. Áo màu xanh, lục, lam, đen được sử dụng tùy nghi. Về sau áo giao lĩnh thường là màu xanh lơ như ảnh giữa trong Hình 4.
Bổ tử (補子), bổ phục hay lá phù là miếng vải vuông” đính trước ngực áo triều phục, thêu hình khác nhau tùy phẩm trật, hình chim cho quan văn, hình thú cho quan võ (Hình 8 và Hình 9).[Xem thêm phụ lục]
Hình 8: Bổ tử quan văn tứ phẩm thêu hình                                                                  Hình 9: Võ quan tam phẩm Hồ Văn Huân đội mũ hổ đầu mặc áo giao
con công (11)                                                                                                               lĩnh, cổ viền trắng, bổ tử thêu hình sư tử. Võ quan tòng ngũ phẩm Nguyễn Hữu Thần mặc áo giao lĩnh, viền cổ cùng màu áo, đội mũ xuân thu, bổ tử thêu hình con báo.
Bức ảnh vẽ ông ngoại còn cho thấy thêm 4 chi tiết khác của phẩm phục đại triều triều Nguyễn. Đó là hốt, hài (hay hia), đái (hay cân đai) Hình 10, và xiêm (kế y hay thường, một loại áo lót mặc bên trong) Hình 11.

THÔNG BÁO NHANH











Lễ giỗ Tổ Vô Ý 18 tháng Giêng hàng năm vẫn được tiến hành tại quê gốc Giao Tiến Giao Thủy Nam Định. Theo thông lệ các năm chẵn Dòng họ Cao Trần tổ chức Lễ tế Tổ, 3 ban 2 tuần nam và nữ.

Chi nhánh dòng họ Cao Trần tại Hà Nội có các đại biểu về quê tham gia Lễ giỗ Tổ do ông Cao Văn Hồng và ông Cao Bá Khoát dẫn đầu. Kính mời các thế hệ con cháu trong dòng họ Cao Trần đang làm ăn sinh sống xa quê, thu xếp thời gian về quê tham gia Ngày giỗ Tổ.


Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

NGÀY MÙNG MỘT TẾT TẠI TỪ ĐƯỜNG DÒNG HỌ CAO TRẦN GIAO TIẾN



Bắt đầu từ 8 giờ sáng ngày mùng một Tết, các thế hệ con cháu trong dòng họ Cao Trần mang mặc chỉnh tề mang theo đồ lễ vàng hương  đi đến từ đường của dòng họ. Trong số đó có cả các thành viên dòng họ làm ăn công tác xa quê, các cô dâu chàng rể mới các cháu bé, các thanh thiếu niên bỡ ngỡ lần đầu xúng xính trong bộ quần áo mới lần đầu đến từ đường dòng họ.