Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA DÒNG HỌ CAO TRẦN (HỌ CAO GỐC TRẦN) GIAO TIẾN GIAO THUỶ NAM ĐỊNH

Cao Xuân Thiện

Dòng tộc Cao Trần Giao Tiến Giao Thuỷ nam Định, là hậu duệ họ Trần Nguyên Hãn dòng Trần Phúc Quảng, Nghệ An.
Thái tổ của dòng tộc Cao Trần Giao Tiến Giao Thuỷ Nam Định  có tên tự là Vô Ý, người gốc họ Trần. Năm Quý Hợi (1683), đời Vua Lê Hy Tông (1676 – 1705), niên hiệu Chính Hòa thứ 4, tổ đưa người con trai thứ hai từ vùng Bến Mía, xã Thịnh Mỹ, huyện Lôi Dương, tỉnh Thanh Hóa (nay là thôn Tứ Trụ, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) đến ấp Hòe Nha sau là làng Hoành Nha, trấn Sơn Nam Hạ (nay là xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) làm ăn, sinh sống và đổi từ họ Trần sang họ Cao. Thái tổ là người sáng nghiệp, khai cơ ra dòng họ Cao - Trần, xã Giao Tiến bắt đầu từ đây.
     Năm Vua Tự Đức thứ 26-27 (1873 - 1874) từ đường dòng họ Cao Trần Giao Tiến Giao Thuỷ Nam Định được xây dựng quy mô hoành tráng.
Thái tôn chăm lo phát triển kinh tế, đời sống ngày một khá hơn. Khi làng, ấp hình thành, thái tôn đã có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng các công trình văn hoá xã hội trong ấp, như  mua hậu Phật ở chùa Hưng Long (thôn Chính) và Hưng An (thôn Thượng) vào những năm 1712, 1718. Ông chăm lo việc dậy dỗ, học hành cho con cháu, sống tu nhân tích đức, xây dựng nên truyền thống và phong cách sống tốt đẹp cho dòng họ.
Con cháu của ông đến đời thứ 3 trở đi đã có người ra làm việc ở địa phương và nhà nước như:  Thập lý hầu, Tri sự, Tri sự điện tiền, Lang tướng, Trung lang tướng.
Vào cuối đời Lê - Trịnh (1732–1787) Họ Cao Trần đã có những đóng góp tích cực cùng các họ khác trong ấp, mở mang khai phá đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng để tồn tại và phát triển. Tham gia tổ chức bảo vệ an ninh của làng, ấp và các công việc của đất nước như: Ông Bá Tuân (đời thứ 5) với chức Thập lý hầu, ông đã tổ chức và chỉ huy dân làng đánh tan bọn giặc cướp (giặc Mèo), sau 7 ngày, đêm chiến đấu liên tục, ông đã hy sinh. Ông Cao Đức Trung (đời thứ 5), thời nhà Lê có võ công được phong làm Lang tướng. Ông Danh Tiêm (đời thứ 5) làm Tri sự, rồi tham gia luyện binh ở xã, sau này hy sinh ở núi Tam Tầng, Kinh Bắc, Bắc Ninh. Ông Cao Đăng Dụng (đời thứ 6) làm Trung lang tướng cuối triều Lê, sau chuyển sang hàng ngũ Tây Sơn, đến triều nhà Nguyễn ông bỏ về quê.
Sự nghiệp của cha ông ta trong thời kỳ này còn để lại đời sau những dấu ấn sâu sắc của thời kỳ khởi nghiệp, phát triển dòng họ, góp phần cùng các dòng họ khác xây dựng và phát triển làng, ấp lần thứ nhất. Họ Cao ta khi này mới có khoảng hơn 40 đinh nam với hậu duệ của đời thứ 6, thứ 7.
Năm Đinh Mùi (1787), đời vua Mẫn Đế (1787 – 1789), niên hiệu Chiêu Thống, một trận lũ lụt lớn đã xẩy ra ở vùng Giao Thuỷ. Thiên tai nặng nề tàn phá, sau trận lũ lụt dân cư lại trở về, xây dựng lại làng, ấp Hoè Nha đổi thành làng Hoành Nha. Họ Cao Trần có các ông: Thập lý hầu Cao Trọng Đạt, Tri bạ Cao Ngọc Cẩn, Tri bạ Cao Đức Tuấn, Cai thập Lý hầu Cao Đức Mậu... đã đứng ra tham gia lo toan công việc của dòng họ và của làng, ấp.
Công cuộc xây dựng lại làng, ấp lần thứ hai, sau nhiều năm mới được hoàn thành. Năm 1803, đời Vua Gia Long (1802–1819) xẩy ra vụ tranh chấp gần 500 mẫu ruộng công điền trên cánh đồng Phù sa, sau gọi là cánh đồng Bãi (xem Phù sa điền án). Các ông: Cao Trọng Đạt (Thập lý hầu, đời thứ 4), Cao Ngọc Cẩn (Tri bạ, đời thứ 5), Cao Đức Mậu (Xã trưởng, đời thứ 6), đã cùng với Tổng trưởng Đinh Danh Trực và 15 ông nữa đại diện cho toàn xã đi đến trấn, doanh Bắc Thành và kinh đô Huế để khiếu kiện. Kết quả sau nhiều năm, kiên trì đấu tranh gian khổ, đã lấy được ruộng về cho dân xã nhà. Năm 1826 niên hiệu Minh Mạng thứ 7(1820 – 1840) lại sẩy ra vụ tranh tụng đất đai trong nội bộ xã. Nhóm hào lý đã ba lần trưng chiếm 150 mẫu ruộng công điền, làm tư điền (xem Tam trưng điền án). Các ông: Cao Đức Cảnh (đời thứ 7), Cao Danh Hữu (đời thứ 7), Cao Đức Chí (đời thứ 8) đã tham gia do ông Tri bạ Vũ Thế Hào khởi xướng, cử người lên trấn, doanh  Bắc Thành (từ năm 1831 đổi là tỉnh) và kinh đô Huế khiếu kiện. Phải đến năm 1841 niên hiệu Thiệu Trị thứ 1 (1841 – 1847) mới giành được thắng lợi.
 Kế tiếp truyền thống của tiền nhân, đầu thế kỷ thứ 20 các ông Cao Trung Kế, Cao Đức Thố đã tham gia tố tụng vụ tham nhũng công điền, nhưng vì có sự chia rẽ, nên không đạt kết quả. Tiếp theo vào những năm trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, có sự lãnh đạo của Đảng cộng sản do ông Vũ Đức Âu tổ chức, họ Cao Trần có các cụ, các ông tham gia: Cao Xuân Thọ, Cao Trần Nhai, Cao Xuân Hạ, Cao Bá Uyên, Cao Ngọc Cảnh. Sau đó thành lập ra Hội ái hữu tương thân do ông Cao Xuân Hạ làm Hội trưởng, đứng ra tổ chức đấu tranh đã giành được thắng lợi: công điền đã được quân cấp cho nhân dân toàn xã.
Về văn hoá, xã hội thời kỳ định hình thôn, xã lần thứ hai, theo tộc phả, Họ Cao Trần đã có công đóng góp ngay từ buổi ban đầu. Các ông: Cao Đức Mậu với tư cách là Xã trưởng, con là Cao Đức Trứ Phó tổng trưởng, cháu là Cao Đức Bằng Cai tổng, đã cùng các tiền liệt trong họ, trong xã, tổ chức dân kế tục xây dựng, tu bổ, tôn tạo các: đình, chùa, miếu, công quán, cầu, đường, đê điều, thuỷ lợi, xây dựng Văn chỉ để khuyến học, đặt ra các lễ tiết cổ truyền như: lễ Xuân – Thu, lễ Tịch điền để khuyến nông...dành phần ruộng công để yến lão, bảo thọ, khuyến tiết và chăm sóc cô nhi, quả phụ. Trong những năm mất mùa có thóc cấp cho Nghĩa dũng quân, do Hoàng giáp Phạm Văn Nghị chỉ huy ở thời kỳ đầu chống Pháp (1858 – 1873). Triều đình Tự Đức đã ban thưởng cho Cai tổng xã Hoành Nha: Cao Đức Bằng, 3 đồng tiền Rồng (ngân Long) và cho xã Hoành Nha bức đại tự có 4 chữ “Thiện tục khả phong”.
Kế thừa truyền thống yêu nước của dân tộc, theo tiếng gọi cứu nước của các sỹ phu, vào thời kỳ đầu chống thực dân Pháp xâm lược nước ta. Các ông trong họ Cao Trần đã tích cực tham gia quân ứng nghĩa bảo vệ Tổ quốc: vào Nam chiến đấu, tiễu phạt ở Sơn Tây, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hải Dương, hoặc phòng thủ Hải Phòng, Nam Định...
Từ khi có Đảng cộng sản lãnh đạo, con cháu và các gia đình trong họ đã tích cực ủng hộ cách mạng như: nuôi dấu cán bộ, ủng hộ tiền, lương thực, thực phẩm, đấu tranh với bọn hào lý ở địa phương. Khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 tham gia đi cướp chính quyền và sau đó tham gia vào chính quyền Cách mạng ở địa phương. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ con em trong họ nối tiếp nhau lên đường đi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nhiều người suốt đời phục vụ trong quân đội. Nhiều người đã chiến đấu dũng cảm hy sinh, trong đó có tới 40 liệt sỹ và 80 thương binh. Phần đông các con cháu tích cực học hành, tham gia công tác xây dựng đất nước, xây dựng địa phương và làm kinh tế. Nhiều người đã được tặng Huy hiệu 30, 40, 50, tuổi đảng và nhiều Huân, Huy chương các loại. Trong họ có ba bà mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu: “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”
             Từ ngày đất nước được hoà bình, đời sống của các gia đình trong họ từng bước được nâng cao, sự nghiệp học hành của con cháu trong họ  ngày được phát triển. Tính đến nay đã có khoảng 270-300 người có bằng Đại học và trên Đại học, nhiều người đã và đang công tác giảng dạy nghiên cứu tại các trường đại học, viện nghiên cứu, 5 người có học vị Tiến Sỹ và 2 Phó Giáo sư.
Xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển, dòng họ Cao Trần luôn duy trì được thế thượng phong dòng giống con nhà võ, hào khí hậu duệ Trần. Họ Cao Trần luôn là dòng họ có thế lực trong làng xã, các thế hệ ông cha của dòng họ luôn là các bậc hào kiệt, chống lại các thế lực xấu, bảo vệ quê hương làng xã người thân, chở che nhiều người lương thiện, cơ nhỡ. Tổ tiên của dòng họ đã để lại cho đời sau một di sản vật thể vô giá: đó là ngôi từ đường của dòng họ và mồ mả Tổ tiên được gìn giữ tôn tạo hơn ba trăm năm qua cùng cuốn Gia phả bằng chữ Hán. Tài sản phi vật thể của dòng họ đó là truyền thống thương yêu đoàn kết đùm bọc có tính huyết thống, lề nếp gia phong thờ cúng tế lễ Tổ tiên ông bà, cha mẹ, những ngày lễ, giỗ hoặc khi người thân về cõi vĩnh hằng.  
Trải qua nhiều biến cố của lịch sử dân tộc và lịch sử dòng họ, các thế hệ con cháu của dòng họ Cao Trần Giao Tiến, Giao Thuỷ, Nam Định, luôn tự hào rằng mình là con cháu dòng họ Trần, oanh liệt hiển vinh trong quá khứ. Nhưng chúng ta vẫn chưa đền đáp xứng danh với Tổ tiên, bởi chúng ta vẫn đang mong mỏi lập lên những công trạng như Tổ tiên ta trong lịch sử nước nhà.    


TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Gia phả dòng họ Cao Trần Giao Tiến Giao Thuỷ Nam Định – Năm 1997

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét