Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2012

THƯ GỬI BIÊN TẬP VIÊN TRANG TIN QUÊ HƯƠNG VÀ DÒNG HỌ CAO BÁ QUÁT

Lời biên tập viên
Tôi luôn tin tưởng sâu sắc rằng dòng họ chúng ta là dòng họ Trần chính thống. Nhân đọc trang tin Quê hương và dòng họ Cao Bá Quát, tôi liên tưởng, biết đâu trong số nhánh họ Cao trên cả nước cũng có nhánh họ nào đó cùng hoàn cảnh như chúng ta. Tôi đã liên lạc với bác Cao Bá Nghiệp quản trị trang tin nói trên. Bác Nghiệp hứa sẽ quan tâm đến nội dung sử phả mà chúng ta đang cần bổ sung. Sau đây là nội dung bức thư mà biên tập viên gửi bác Cao Bá Nghiệp. 
Kính gửi bác Cao Bá Nghiệp
Đầu thư tôi xin gửi lời cảm ơn trân trọng tới bác, kính chúc bác sức khỏe và niềm vui đam mê.
Tôi xin tự giới thiệu: Tên tôi là Cao Văn Kiệm, 55 tuổi (Đinh Dậu), thông tin địa chỉ và cơ quan được ghi ở cuối thư.
Tôi rất cảm động vì câu hỏi của tôi đã được bác quan tâm, nhất là cuộc điện thoại hôm 19 tháng 5 năm 2012.
Tôi đã vào Trang tin Quê hương và Dòng họ Cao Bá Quát. Tôi đã đọc và tìm hiểu với mức độ quan tâm sâu sắc bởi dòng họ của tôi cũng là dòng họ Cao từ khi tổ tiên lập Gia phả trải qua hơn 320 năm đến nay đã có 15 đời.
Tôi đã tìm đọc các thông tin có liên quan đến dòng họ của tôi là dòng họ Cao Trần. Dòng họ tôi có bản Gia phả bằng chữ Hán, chép lại từ những năm 60 của Thế kỷ trước. Trong đó có viết: dòng họ tôi từ họ Trần mà ra và Tổ tiên tôi từ Thanh Hóa tới. Những thế hệ đầu tiên chỉ có tên húy, tên hiệu và ngày tháng giỗ mà không có năm sinh, năm mất. Không hiểu lý do vì sao mà Tổ tiên tôi, không nêu cụ thể nguồn gốc dòng họ, lý do tại sao lại chuyển từ Thịnh Mỹ Lôi Dương Thanh Hóa đến Làng Hoành Nha, xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy tỉnh Nam Định? Vì sao lại đổi từ họ Trần thành họ Cao mà không đổi thành họ khác? Tổ tiên tôi đã đổi họ từ khi còn ở Thanh Hóa hay khi đã ra Hoành Nha Nam Định?
Có thông tin cho rằng cụ Tổ thế hệ thứ nhất của tôi tham gia chính trường thời hậu Lê, khoảng năm 1570-1572, Trịnh Tùng giết vua Lê Anh Tông. Vì sợ nhà Trịnh giết hại nên cụ Tổ đã phải chạy trốn, thay tên đổi họ, mai danh ẩn tích đến một vùng đất thật xa kinh đô nhà Lê (vùng Lam Sơn). Sau này họ tôi lần theo Gia phả đã nhận là hậu duệ của dòng Trần Nguyên Hãn nhánh Phúc Quảng và xác nhận có thể cụ Tổ đời thứ nhất là cụ Trần Công Ngạn (tức Đình Ngạn, quan văn thời Lê Anh Tông). Tuy nhiên nhiều thông tin này chưa làm chúng tôi hài lòng.
Tôi kính chuyển tới bác một số tư liệu ban đầu và kính mời bác ghé thăm Blog: DÒNG HỌ CAO TRẦN, có đường link: http://hocaotran.blogspot.com/ mà trong đó tôi đã đăng một số tư liệu (nhất là trang Gia phả 1)
Kính mong bác dành cho chúng tôi chút thời gian quý báu và nếu có điều kiện xin bác cho chúng tôi được tiếp cận những thông tin có liên quan đến dòng họ cúng tôi. Chúng tôi vô cùng biết ơn và trân trọng tấm lòng của bác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét