Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

XEM CHƯƠNG TRÌNH NHƯ CHƯA HỀ CÓ CUỘC CHIA LY LIÊN TƯỞNG ĐẾN QUAN HỆ TÌNH CẢM GIA ĐÌNH DÒNG HỌ

Chương trình như chưa hề có cuộc chia ly trên VTV đã làm nức nở hàng triệu trái tim và rơi bao người rơi lệ. Hoàn cảnh chia ly thì rất nhiều, quá trình thất lạc đầy rủi ro nhưng cũng có những cảnh đời may mắn. Phút đoàn tụ sao mà cảm động, thiết tha và bền vững. Số đông chúng ta luôn được sống trong mái ấm của gia đình, trong vòng tay đùm bọc chở che của người thân, được thừa hưởng vinh quang, được bù đắp hỗ trợ về tinh thần có khi cả vật chất nữa của Tổ tiên, ông bà cha bác, anh em họ hàng. Nhưng không phải ai cũng thấu hiểu được điều đó.

Từ xa xưa cha ông ta đã biết giáo dục con cháu về đạo đức “uống nước nhớ nguồn”. Khi lực lượng vật chất còn mỏng, kinh tế còn nghèo nàn thì việc đoàn kết nội bộ gia đình và dòng họ vừa là chỗ dựa về mặt tinh thần và cũng là điều kiện vật chất để duy trì sự tồn tại và củng cố phát triển của mỗi thành viên, của từng gia đình dòng họ. Khi phải rời bỏ quê nhà đi làm ăn sinh sống trên địa bàn khác, trước đây nhiều gia đình bị cô lập, thiếu thốn chỗ dựa, cảnh sống của “dân ngụ cư” cơ cực trăm đường. Để cưu mang những người thân phận hèn yếu, nhiều dòng họ đã nhận con nuôi. Với cách làm như vậy càng  phát huy sức mạnh của gia đình, dòng họ. Có rất nhiều thế hệ con cháu nuôi có nhiều đóng góp lớn về tinh thần vật chất cho dòng họ nhận con nuôi. Một số người là con cháu trực hệ huyết thống có khi không tốt bằng con cháu nuôi.
Trong những năm sống dưới chế độ cũ, người dân bị áp bức bóc lột, chiến tranh chết chóc và ly loạn, nhiều người phải rời bỏ quê hương, gia đình dòng tộc đi kiếm ăn và sinh sống xa quê. Hình ảnh quê hương, gia đình dòng tộc thoắt ẩn, thoắt hiện, khi nhớ khi quên. Không ít người hoài niệm, cũng có người mặc cảm với thân phận. Cũng có cả những người hận thù người thân, họ hàng quê hương. Đó là những người chưa thực sự thấu hiểu, hoặc thiếu thông tin, thiếu hiểu biết. Tôi xin nêu một ví dụ: Anh Phê một viên chức nhà nước trình độ tốt nghiệp đại học chính quy, con gia đình liệt sỹ, cha hi sinh mẹ tái giá. Anh Phê ở với ông nội, được ông chăm sóc, được học hành đến nơi đến chốn. Khi còn nhỏ anh Phê thấy mình cũng thiệt thòi, thời bao cấp đời sống thiếu thốn, ông cháu sống đạm bạc qua ngày bằng những nông sản tự cung tự cấp. Bà mẹ nghèo khó của anh Phê dù đã đi bước nữa nhưng vẫn chu cấp cho anh Phê ở một chừng mực nhất định. Đến khi anh Phê trưởng thành giàu có, anh Phê cho rằng người thân, họ hàng của anh ta thật đáng trách, không chăm chút anh Phê chu đáo hơn, anh ta quá thiệt thòi. Mặc dù anh Phê được ưu ái theo tiêu chuẩn con liệt sĩ. Anh Phê có biểu hiện thiếu quan tâm đến mẹ đẻ của mình, ít thăm hỏi họ hàng bên nội, còn bên ngoại thì đã hơn 30 năm nay anh ta chưa hề đến hỏi thăm cha bác, thắp  cho ông bà ngoại một nén hương. Người hàng trên của anh Phê đã phân tích, nhưng anh Phê vẫn mang nặng tư tưởng ích kỷ, anh ta nói rằng họ hàng người thân của anh ta hãy nhớ về ngày xưa ấy. Cho nên anh Phê không được mọi người tôn trọng và yêu mến. Thử hỏi các con của anh Phê, đối xử với ông bà ngoại của chúng ra sao? Tại sao anh Phê không học ngay tấm gương của các con anh ta?
Đa số chúng ta sống sum vầy trong cảnh đủ đầy về tinh thần và vật chất, có gia đình, có dòng tộc, quê hương một cách chính thống. Giả sử chúng ta hiện nay hoặc cha ông ta trước đây, hoặc con cháu chúng ta sau đây vài ba thế hệ, không có mối quan hệ với người thân hoặc thất lạc, gián đoạn thông tin về dòng họ về quê hương. Điều đó có thể sẽ là nỗi buồn tâm thức, việc tìm kiếm chắp nối sẽ khó khăn phức tạp vô cùng. Kể ra để duy trì mối quan hệ gia đình, dòng họ, quê hương cũng có khi tốn kém đôi chút, kể cả việc tiêu tốn thời gian và công sức, đó cũng là điều cần thiết, nhưng bù lại ta cũng nhận được rất nhiều.  Các nhà giàu, người thành đạt vẫn phải có quá trình “tán lộc”. Các hình thức tài trợ, ủng hộ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm cũng chính là việc tri ân cộng đồng. Tại sao Binghết chỉ để lại cho con gái với số tài sản 10 triệu đôla, số lượng lớn còn lại trên 50 tỷ đôla sẽ để làm quỹ từ thiện? Các thế hệ con cháu dòng họ Cao Trần chúng ta trên khắp cả nước là rất lớn, số có được thông tin về dòng họ cũng nhiều. Đại đa số con cháu có mối liên hệ thường xuyên với gia đình dòng họ. Nhưng cũng có một số ít, đang tự đánh mất mình và quên dần khái niệm dòng họ, người thân để rồi làm mất đi của các thế hệ con cháu mai sau, một cội nguồn mà không dễ dàng bỏ tiền ra có thể mua lại được.
Khi xem chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly, hãy khóc cho những thân phận éo le và mừng vui khi họ tìm được người thân, họ hàng quê hương. Còn ta, hãy cố giữ mối liên hệ không lúc nào ngưng nghỉ với người thân, gia đình, dòng họ. Điều đó giúp cho mạch máu hồng trong ta chảy mãi, chảy liên tục cho đến nhiều thế hệ mai sau, để không còn cảnh nước mắt phải chảy khi gián đoạn thông tin về người thân, gia đình, dòng họ và quê hương.    
    
Hà Nội 23 tháng 5 năm 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét