Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2020

NHÂN VÔ THẬP TOÀN - 人 无十全

Nguồn: FB Cao Xuân Thiện

Ngày nay con người đã đạt đến mức phát triển toàn diện ở mức cao. Quá nhiều sản phẩm vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra. Do vậy đòi hỏi mỗi con người cần tự hoàn thiện mình. Trên hệ thống truyền thông quá nhiều người đưa ra phán xét người khác, phán xét Chính phủ, Nhà nước, các nguyên thủ Quốc gia và Thế giới. Có một hiệu ứng đáng buồn theo đám đông, đó là chê. Dù người chê chưa hiểu biết thực sự bản chất sự kiện, đọc, nghe xem đâu đó là bắt đầu soi và "phán" theo nhiều cách. Theo tôi cũng nên công bằng nhất là giữa con người với con người.

Trong phạm vi hiểu biết chừng mực của mình tôi quay về và nhớ lại câu của ông cha ta hay dùng: Nhân vô thập toàn, nghĩa là con người không thể hoàn hảo toàn vẹn.

Giải nghĩa lối chiết tự: Nhân = Người. Vô = Không. Thập = Mười, hoàn hảo 10/10. Toàn = Toàn vẹn, đầy đủ.

Nhân vô thập toàn, nghĩa của từ Nhân vô thập toàn là gì?

Con người vốn không ai là hoàn hảo, là toàn diện. Dù ít hay nhiều, trong chúng ta vẫn tồn tại những khiếm khuyết, nhược điểm, những thứ chưa phải “trọn vẹn”. Không biến mình trở thành một người quá hoàn hảo, vì ta không phải là các “bậc thánh nhân”, mà chỉ là “người trần mắt thịt”. Chúng ta sống cầu tiến mà không cầu toàn.

Các thuật ngữ có liên quan:

Nhân bất thập toàn 人不十全.

Nhân sinh vô thập toàn人生无十

Kim vô túc xích - Vàng không hoàn toàn tinh khiết.

Thập toàn thập mỹ 十全十

Nhân vô tín bất lập 人无信不立 - Người không thật thà thì không tự lập được.

Nhân vô viễn lự, tất hữu cận ưu 无遠慮, 必有近憂 - Người không biết lo xa, tất yếu sẽ buồn gần.

Hoa vô bách nhật hương 花无百日- Hoa thơm không đủ cả trăm ngày.

Nhân vô thiên nhật hảo 人无千日好 - Người tốt không đủ cả nghìn ngày.

Thanh thủy vô ngư 清水无魚 - Nước trong thì không có cá.

Tiểu tâm nhân bất tri âm 小心人不知音- Người hẹp hòi thì không có bạn tri âm.

Nhân vô thập toàn bằng tiếng Anh.

Nhân vô thập toàn trong tiếng Anh có khá nhiều nghĩa để cho ta có thể lựa chọn. Tùy vào ngữ cảnh cho ta chọn ra được câu phù hợp nhất dành cho mình. Xin liệt kê một số câu như sau:

Every man has his faults: Mỗi người đang có cái lỗi lầm

Nobody’s perfect: Không có ai là hoàn hảo

To err is human: Là người thì mắc lỗi lầm

Anybody can make a mistake: Bất kì ai cũng mắc lỗi.

A good marksman may miss: Một tay thợ săn giỏi có thể bỏ lỡ (con mồi)

He is lifeless that is faultless: Một người bất lực (vô hồn, không có sức sống) thì không mắc lỗi.

Nhân vô thập toàn trong cuộc sống đời thường.

Trong cuộc sống đời thường cũng vậy, đừng quá “Nhân thập toàn”. Ở mỗi người chắc chắn sẽ có nhiều mối quan hệ gia đình và xã hội, và việc yêu quý, căm ghét đúng hay yêu sai là chuyện rất đỗi bình thường. Song chắc chắn một điều không có điều gì là tuyệt đối hay vĩnh cửu. Mọi thứ luôn luôn thay đổi từ yêu sang ghét và ngược lại. Là con người có bản lĩnh, nên nhìn nhận đánh giá sự việc một cách tổng quan năng động. Kể cả về chính trị hay đối ngoại của mỗi Quốc gia dân tộc. Trước đây có thể là kẻ thù số 1, thì nay là đối tác chiến lược toàn diện. Trong quá khứ là kẻ thù truyền kiếp, nay cần đưa ra phương châm 16 chữ (十六字方 - thập lục tự phương châm)

Khi ta đã thật sự yêu quý đối tác, ta cũng đừng nên quá lý trí, đừng “cân đo đong đếm” quá chi tiết về đối phương, về người mà ta quan tâm. Vì điều đó sẽ không tốt cho mối quan hệ của ta với họ. Các cụ xưa có câu “yêu nên tốt, ghét nên xấu”.

Hãy đề cao cái tốt cái đáng yêu, mà xếp các lỗi lầm, cái đáng ghét xuống phía dưới. Lấy cái tốt mà bù cho cái xấu, không nâng quan điểm quy kết, chụp mũ cái xấu, vì mọi khái niệm đều có thể thay đổi theo thời gian. Nói chung là không quá cực đoan hay thái quá (太過 vượt khỏi mức bình thường), vì mọi cái “quá” đều là không tốt.

Nhân vô thập toàn là gì trong thời đại ngày nay.

Cổ nhân có câu nói quả không sai: “Kim vô túc xích, Nhân vô thập toàn”. Đúng là như vậy, ở trên đời này đâu có khái niệm của sự hoàn hảo: “Vàng không tinh khiết, người không hoàn hảo” đó là lẽ tất yếu. Bởi vì con người cũng chỉ là “người trần mắt thịt”, là con người ai ai cũng sẽ phải mắc những lỗi lầm trong đời, và đó cũng là điều bình thường thôi. Cuộc sống này, thứ gì ta cũng muốn nó trở nên hoàn hảo, hoàn mỹ thì cuộc sống này còn đâu sự thú vị. Điều "Lí tưởng" đó là điều "tưởng là có lí" mà thôi.

Trái đất tròn nhưng xem ra nó không hề tròn như trí tưởng tượng của ta, đó là chân lý “Nhân vô thập toàn”. Điều tuyệt đối nhất là không có gì gọi là sự tuyệt đối. Sự hoàn hảo sẽ khiến con người ta trở nên quá cứng nhắc, và dần dần ta sẽ nhận ra hậu quả của nó, không ít thì nhiều.

Trong cuộc sống này, đôi khi khuyết điểm lại trở thành ưu điểm “đáng yêu” của ta trong mắt mọi người. Vì đơn giản là họ cảm thấy dễ chịu và họ yêu thích khuyết điểm đó.

Người quá trong sạch, liêm khiết, không phụ thuộc, nhờ vả ai thì rất khó để có thể thành công.

Ở trên trời kia có hàng ngàn vì sao, và có lẽ sự hoàn hảo cũng giống như những vì sao ở trên trời cao. Ta muốn chạm tới và bắt lấy nó, nhưng dường như ta sẽ không bao giờ làm được điều đó. Nếu ta có suy nghĩ tốt hơn, vậy tại sao không xem những vì sao đó là hướng đi, ta luôn hướng về nó để khỏi bị lạc đường.

Ý nghĩa của từ Nhân vô thập toàn.

Cuộc sống luôn tìm kiếm những thứ hoàn hảo, đạt đến mức lí tưởng, đó cũng là điều hiếm có trong thực tế. Cũng đừng quá cầu toàn hoàn hảo quá mức vì thực sự nó không bao giờ đạt được trong cuộc sống của tất cả chúng ta.

“Hãy sống cầu tiến mà không cầu toàn”, cầu toàn là có thể dẫn đến tác hại nào đó nếu ta hiểu sai lệch về nó.

Một chút tiếc nuối quá khứ, hãy để nó ngủ yên. Hãy trân trọng hiện tại và hướng tới tương lai, điều đó sẽ có lợi hơn cho ta.

Nghèo hèn hay sang trọng, thất bại hay thành công, thông minh hay dốt nát, bệnh tật hay khỏe mạnh. Dường như con người không bao giờ cảm thấy hài lòng với chính mình, với người khác và với những điều khác trong cuộc sống. Đừng bao giờ “có vầng Trăng tỏ lại muốn ông Sao giữa trời”, việc này chưa thành đã muốn làm nhiều việc khác. Ta không phải “ba đầu sáu tay” để hoàn thành hết mọi việc, và ta cũng đừng quá cố gắng để làm vừa lòng hết thảy tất cả mọi người. Sống trong thiên hạ (với 10 người) mà có 5 người quý, 3 người bình thường và 2 người ghét ta, âu cũng là chuyện bình thường.

Có tài liệu đã khái quát:

- Khi bạn càng giàu thì bạn càng có nhiều kẻ thù và đối thủ cạnh tranh, nhưng bạn vẫn nên tiếp tục làm giàu.

- Khi bạn càng thăng tiến thì bạn càng có nhiều kẻ ganh tị đó kị thọc gậy bánh xe, nhưng bạn vẫn nên thăng tiến.

- Khi bạn càng sống đức độ thì bạn càng gặp nhiều kẻ giả dối lừa đảo, nhưng bạn vẫn nên sống có đạo đức.

- Đức Phật đã dạy: nếu chúng sinh cho rằng mình sống hiền lành tử tế, làm ăn chăm chỉ sao họ vẫn cảm thấy khổ ải bất hạnh và nghèo khó. Nếu chúng sinh nghĩ như vậy thì thực ra họ đang “ác” chứ không phải là “hiền”. Bởi tính đố kị, soi mói, tính ăn thua với đồng loại nhân gian. Nếu thực sự “hiền” phải bỏ đi tính bon chen, đố kị và tìm được con đường tu tâm và làm việc thiện để đi đến nơi hạnh phúc như mong muốn.

Tóm lại: Nhân vô thập toàn là hãy sống thật, sống và làm việc cầu tiến để chất lượng cuộc sống ngày mai chí ít không xấu đi so với hôm nay. Không vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật, nội quy nề nếp nơi ta đang sống. Sống và làm những điều ta yêu thích mà có ích cho bản thân, gia đình và xã hội thì ta sẽ trở nên “Thập toàn” cho mỗi chúng ta.

(TLTK: Từ điển Hán Việt. Một số trang tham khảo, ảnh minh họa trên Internet)

Không có nhận xét nào: