Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2015

CỤ CAO QUANG THẠNH ĐÃ VỀ VỚI TỔ TIÊN TRÊN CÕI VĨNH HẰNG


Cao Xuân Thiện
Cụ Cao Quang Thạnh- (ảnh chụp tháng 2-2015)
Cụ Cao Quang Thạnh là hậu duệ đời thứ 11 thuộc phái thứ, cành cả của Dòng họ Cao Trần Giao Tiến. Cụ sinh năm 1924 tuổi Giáp Tý, cụ đã từ trần ngày 3 tháng 12 năm 2015 (nhằm ngày 22 tháng mười Một năm Ất Mùi), hưởng thọ 92 tuổi. 
Cụ Cao Quang Thạnh sinh ra trong gia đình giầu có, khi còn nhỏ cụ được nuôi ăn học chữ Hán và sau này chuyển sang học chữ Quốc ngữ. Cụ sớm bộc lộ tài văn chương, thơ phú, chấm và dich giải tử vi..Trong những năm trước Cách mạng tháng 8, cụ tham gia các hoạt động phong trào thanh niên địa phương. Năm 1947 cụ tham gia lực lượng Quân đội chính quy.Trong những năm kháng chiến chống Pháp, cụ tham gia nhiều chiến dịch quan trọng như Chiến dịch biên giới (1950), Chiến dịch Hòa Bình (1951-1952), đặc biệt cụ còn tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với vai trò cán bộ trung đội lực lượng trọng pháo. 
Sau hòa bình, năm 1954 cụ về tiếp quản Thủ đô, trong cương vị cán bộ chính trị từ cấp đại đội đến cấp tiểu đoàn. Đến năm 1968 cụ được tăng cường cho lượng lượng Pháo binh vào chiến trường giới tuyến Vĩnh Linh Quảng Trị. Cụ đã được tặng thưởng nhiều huy chương, huân chương các loại. Sau hiệp định Pari 1973 cụ được nghỉ chế độ với cương vị Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn pháo cao x, thuộc Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân.
Nghỉ hưu về quê, cụ Cao Quang Thạnh luôn được Đảng ủy xã Giao Tiến, huyện ủy Xuân Thủy mời đi nói chuyện thời sự chính trị trong nước và thế giới trong các đợt sinh hoạt chính trị ở địa phương. Cụ còn tham gia cấp ủy xã Giao Tiến với cương vị là phó bí thư Đảng ủy. Trong thời gian từ năm 1975 đến 1980 cụ làm chủ biên viết cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Giao Tiến tập 1, hiện đang lưu trữ tại thư viện của xã nhà.
Trong việc xây dựng dòng họ, cụ đã dịch ra chữ Quốc ngữ cuốn Gia phả chữ Hán của dòng họ Cao Trần mà tổ tiên lưu lại, trước đây do cụ Cao Bá Lô biên tập. Cụ còn làm chủ biên (đồng chủ biên còn có cụ Cao Xuân Thiệu và cụ Cao Ngọc Đình) cuốn Gia phả chữ Quốc ngữ của cả dòng họ Cao Trần Giao tiến, từ đời thứ nhất đến đời thứ 13, dày 500 trang bìa cứng (ông Cao Ngọc Lâm đời thứ 12 biên tập và tài trợ in ấn), xuất bản năm 1997.
Cụ Cao Quang Thạnh có đóng góp lớn trong việc sưu tra các tài liệu chữ Hán, của dòng họ Trần Nguyên Hãn, Thanh Nghệ Tĩnh và dòng họ Cao Trần Giao Tiến, để kết nối dòng họ Cao Trần Giao Tiến với dòng Trần Pháp Độ thuộc dòng Trần Nguyên Hãn Việt Nam. Cụ Cao Quang Thạnh đã công bố nhiều khảo cứu để chứng minh họ Cao Trần Giao Tiến là trực hệ của tổ Trần Công Ngạn, dòng Phúc Quảng (là chắt của tổ Pháp Độ). Việc kết nối đã được diễn ra từ năm 1999 đến 2001, dòng họ Cao Trần Giao Tiến đã được các cấp họ, từ nhánh Phúc Quảng, dòng Pháp Độ, dòng Trần Nguyên Hãn và cao nhất là Ban liên lạc dòng họ Trần Việt Nam xác nhận. Họ Cao Trần Giao Tiến được dòng họ Trần Việt Nam trao Gia huy Trần tộc và Ban liên lạc dòng họ Trần Việt Nam, dòng Trần Nguyên Hãn, dòng Trần Pháp Độ, dòng Trần Phúc Quảng thường xuyên cử đoàn đại biểu về dự lễ tế tổ hàng năm của họ Cao Trần. Từ đây vị thế của họ Cao Trần Giao tiến được khẳng định trong cộng đồng các nhánh họ, đặc biệt trong dòng họ Trần Nguyên Hãn. Năm 2013 cụ Cao Quang Thạnh vinh dự  được nhận Trướng mừng thọ tuổi 90 của Dòng họ Trần Nguyên Hãn Việt Nam.
Năm 2014 khi biết mình tuổi đã cao, sức đã yếu cụ đã chủ động bàn giao toàn bộ tài liệu giấy tờ liên quan đến sử phả dòng họ cho ông Cao Văn Học (đời thứ 12) thuộc phái cả cành cả. Từ đó đến gần cuối năm 2015 cụ yếu dần hầu như ít đi lại được. Cuối tháng 10 năm 2015 cụ được đưa vào Viên quân y 108 điều trị bệnh tuổi già. Do tuổi cao sức yếu cụ đã không qua khỏi, con cháu đưa cụ về quê để cụ ra đi thanh thản.
Cụ Cao Quang Thạnh mất đi, là tổn thất lớn đối với gia đình, dòng họ. Con cháu mất đi chỗ dựa lớn cả vật chất lẫn tinh thần. Dòng họ mất đi một bậc học giả có kiến thức sâu về Hán tự, văn phong. Tôi là người hay có dịp gần gũi cụ, ông cháu thường xuyên trao đổi việc họ hàng, tình hình thời sự và tôi cố gắng động viên cụ, mang đến cho cụ những chi tiết hay niềm vui nho nhỏ.
Năm 2003 khi cụ mừng thọ tuổi 80 tôi viết đôi câu đối đầu tiên mừng cụ:
THỜI TRAI TRẺ XÔNG PHA NƠI TRẬN MẠC GHÉT KẺ HIẾU DANH
LÚC TUỔI GIÀ TRỞ LẠI CHỐN VĂN CHƯƠNG YÊU NGƯỜI TRUNG THỰC
Năm 2013 cụ mừng thọ tuổi 90 tôi viết đôi câu đối thứ 2 mừng cụ:
NGÓT BA CHỤC XUÂN BỀN CHÍ HÀNH QUÂN THỜI CỨU QUỐC
DƯ  CHÍN  MƯƠI  THU  VỮNG  TÂM  TẠO LẬP THẾ PHÙ GIA.

Giờ này trên quê nhà toàn dòng họ, thân nhân con cháu và địa phương đang tiễn đưa cụ về nơi an nghỉ. Tôi ngồi đây viết bài này như một nén tâm nhang kính dâng lên bàn thờ cụ. Cầu mong linh hồn cụ siêu thoát, phù hộ cho con cháu và dòng họ.

Cẩn Cáo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét