Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014

SỰ TÍCH BÀ TRIỀU


Đã lâu và lâu lắm ở Sầm Sơn chưa có nghề ngư. Người dân chỉ kiếm sống bằng cách đi ven biển tìm bắt những con còng, con trai chứ ít khi bắt được cá tôm rất nhiều ở dưới biển. 

Một ngày nọ biển Đông sóng to, gió lớn khiến không một ai dám ra khỏi nhà. Thế nhưng trên bãi biển lại có một bà già đầu bạc, lưng còng đang lần bước cố chống chọi với bão tố phũ phàng. Bà cụ khó thoát khỏi cái lưỡi khổng lồ của sóng thần đang chuẩn bị ập tới. Khi chứng kiến cảnh tượng ấy một cô gái, đã liều mình lao tới cõng bà cụ vào nơi an toàn. Từ đó bà cụ sống với cô gái, hai người thương nhau như hai mẹ con vì cô gái cũng không còn ai nương tựa. Một già, một trẻ dựa vào nhau kiếm ăn trên bãi biển ngày ngày. Có một điều thật lạ, từ ngày ở chung với nhau cuộc sống của họ khấm khá hẳn lên. Làng xóm đồn rằng cô gái được bà cụ trao cho một vật báu có thể đánh bắt được cá tôm theo ý muốn. Người làng dò hỏi, nhưng ai nấy đều ngạc nhiên khi thấy cô đưa ra một tấm lưới gai xe rất săn được đan thành những chét đều và dày. Không ai tin cái vật đơn sơ ấy đánh được tôm cá. Mọi người đều cho rằng mẹ con bà đã không thật bụng đã lừa dối dân làng, nên đã buộc họ phải dời đi nơi khác. Mẹ con người đàn bà nọ phải sang phía bắc Lạch Trào ở vì họ không thể nào sống xa biển được. Ngày họ ra đi không có ai đưa tiễn, nhưng có nhiều chàng trai để thương để nhớ trong lòng. Họ thầm yêu cô gái nhưng không dám cưỡng lại lệ làng. Trong số những chai làng đem lòng cảm mến cô gái, có một chàng trai yêu mến cô tha thiết, anh dấu kín tình cảm không thổ lộ với ai, đêm đêm lẳng lặng vượt Lạch Trào đến với người thương. Cô gái cũng rất yêu anh nhưng cả hai đều khổ tâm một nỗi: Vì mỗi khi bàn tính chuyện trăm năm, cái điều mẹ cô gái không được dân làng chấp nhận cứ day dứt trong lòng.
Cuộc sống của họ cứ trôi đi trong nỗi buồn vời vợi, cô gái chỉ biết khuây khỏa với những chéo lưới mà bà mẹ nuôi bày cho xe đan hàng ngày. Còn chàng trai làm bất cứ công việc gì để trái tim dịu bao nỗi đau. Những tấm lưới của mẹ con bà cụ được đem đổi cho bà con trong vùng. Nhờ có lưới của họ mà dần dần mạn bắc Lạch Trào đánh bắt cá dễ dàng hơn. Cuộc sống ở đó ngày càng giàu có, đông đúc...


Trong khi ấy, bên Sầm Sơn người dân vẫn sống vất vả. Cũng cái cảnh bắt ốc, nhặt trai, bắt sứa... qua ngày. Nhiều người cũng tìm cách bơi qua Lạch đi hôi cá vụn mỗi khi người ta giũ lưới. Nhưng mỗi lần đi hôi cá về thì mỗi lần họ cảm thấy xấu hổ, nặng nề. Người Sầm Sơn bèn khấn cầu Thần Độc Cước, nhờ Thần bày cho cách làm ăn. Thần Độc Cước báo mộng cho dân làng “Ta chỉ là Thần giúp dẫn giữ yên bờ cõi, bà cụ mà các người đuổi đi mới là Thần giúp dân làm nghề sinh sống, các người đã nỡ xử sự sai với cụ thì phải biết tu sửa lấy mình”.
Cộng đồng Sầm Sơn định cử một số trai tráng vượt sông sang tạ lỗi và đón mẹ con bà về bên này. Nhưng đám trai làng đều tỏ ra ngần ngại. Họ ngượng và xấu hổ vì những ngày vừa qua không hề đoái hoài đến những người đã ra đi. Giữa lúc ấy chàng trai – người yêu của cô gái đã đứng ra xin cộng đồng đảm nhiệm công việc này. Bà cụ vẫn có ý giận... nhưng vì thương con gái nên cuối cùng cũng thuận tình trở lại Sầm Sơn khiến cho tất cả đều vui mừng. Nhưng khi mọi người đã đặt chân lên đất Sầm Sơn thì ai nấy đều ngơ ngác không thấy cụ già đâu. Nhìn ra khơi xa họ chỉ thấy thấp thoáng một mái tóc bạc trắng đang dập dềnh trên sóng biển. Bà cụ đã đến hạn về trời.
May thay cô gái đã được mẹ nuôi truyền nghề nên từ đó người Sầm Sơn mới học được cách đan lưới, đó là nghề dệt súc đánh moi. Từ ngày làm nghề lưới, làm chài, dân Sầm Sơn làm ăn phát đạt, thịnh vượng dần, cư dân ngày càng đông đúc.
Cộng đồng Sầm Sơn hình thành một nếp sống mới. Hàng ngày trong từng gia đình, người chồng đi biển thả lưới, quăng chài, người vợ ở nhà vá lưới, dệt súc, chế biến tôm cá. Biết ơn cụ già, dân làng lập một ngôi nghè ở ngay mảnh đất nơi bà cụ ra đi. Đó là nghè Triều Dương – nghĩa là thủy triều buổi sáng – ý muốn nói tới sự phong quang, tốt đẹp của vùng biển này.
Không ai biết tên bà cụ, người ta gọi cụ là Bà Triều. Những tấm lưới của Bà Triều dệt nên không chỉ đánh bắt tôm cá, mà nó còn dệt lên tình yêu, hạnh phúc của bao nhiêu chàng trai và cô gái. Bà Triều chính là Tổ sư của nghề dệt súc đánh moi, nghề cổ truyền của dân biển Sầm Sơn.


 
(Viết bởi XuThanh- theo tài liệu 100 năm du lịch Sầm Sơn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét