Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

CẬP NHẬT THÔNG TIN DÒNG HỌ TRONG HAI TUẦN QUA

Trong hai tuần qua do công việc quá bận nên biên tập viên không có thời gian viết bài. Thành thực xin lỗi độc giả yêu quý của Blog Dòng họ Cao Trần.
Một tin không vui đó là cụ Cao Lương Sách, đời thứ 11 của Dòng họ Cao Trần vừa từ trần trong sự đau xót. Cụ Sách thuộc Cành trưởng, phái thứ, tiểu phái tổ Đức Thiệm, năm nay cụ 83 tuổi.
Bình thường cụ Sách rất khoẻ mạnh kể cả lúc đã cao tuổi, cũng như bao người đàn ông ở độ tuổi cao khác, cụ bị phì đại tuyến tiền liệt. Thấy việc đi tiểu khó, nhiều lần và buốt, hàng xóm có ông 72 tuổi bị bệnh tương tự đi mổ về khoẻ mạnh dễ chịu, cụ đã quyết định nhập viện ngày 15-8-2012 để mổ tại Bệnh viện đa khoa số 1 Nam Định, theo đường Bảo hiểm. Tại Khoa thận tiết niệu, bác sỹ Lê Thg (không rõ tên đệm), Phó chủ nhiệm khoa trực tiếp mổ cho cụ bằng phương pháp mổ nội soi. Sau mổ cụ có biểu hiện sốt cao dần và bí tiểu, dẫn lưu nước tiểu màu vàng đục có lẫn máu. Gia đình đã đặt câu hỏi nghi vấn, nhưng BS Th đã trả lời một cách đầy quan liêu thiếu khoa học và cả vô trách nhiệm nữa ”Cụ không sao cả, cứ ăn nhiều, uống nhiều rồi sẽ khỏi”. Bệnh không giảm, cụ sốt cao co giật, Khoa thận tiết niệu đã phải chuyển cụ sang Phòng cấp cứu. Gia đình xin đưa cụ đi Bạch Mai, lãnh đạo Khoa, Phòng không đồng ý và khẳng định Bênh viện 1, đủ khả năng chữa chạy cho cụ. Thấy tình hình diễn biến xấu, nhờ quen biết với Thứ trưởng Bộ Y tế, sau cuộc điện thoại về Sở Y tế Nam Định của Thứ trưởng, Bệnh viện 1 mới đồng ý cho cụ chuyển lên Bạch Mai vào ngày 24-8-2012. Bạch Mai kết luận cụ Sách bị nhiễm trùng trong khi mổ. Cụ bị suy rồi dẫn đến hoại tử thận, không còn khả năng lọc máu thải độc, suy tim, suy hô hấp. Bạch Mai đã lọc và tiếp máu, truyền dịch, hỗ trợ tim. Kết quả là vô vọng cụ đã ra đi hồi 11h28, ngày 01-9-2012 tại nhà riêng, Bạch Long- Giao Thuỷ- Nam Định . Tất nhiên Sinh Lão Bệnh Tử, là quy luật của đời người. Nhưng sự ra đi đau đớn của cụ là điều day dứt. Bởi sự tắc trách thiếu lương tâm, kém về chuyên môn của BS ngoại khoa Lê Th (con ông Lê M, cũng người Giao Tiến). Nếu như cụ chưa đi mổ, nếu như BS Th có trình độ chuyên môn cao hoặc chí ít có chút lương tâm, không giấu dốt thì có thể cụ vẫn sống thêm một số năm nữa.
Cụ ra đi ai cũng thương cũng tiếc, đời cụ đã vất vả nhiều. Cụ rất quan tâm đến gia đình, dòng họ. Cụ chưa kịp dự lễ khánh thành Nhà thờ họ đang xây lại. Cụ cũng chưa biết tin người cháu họ trong tiểu phái tổ Cao Đức Thiệm là ông Cao Đức Triệu (đời thứ 12) vừa tiến cúng số tiền là 100 triệu VN đồng vào ngày 3-9-2012.
Khi cụ còn sống cụ yêu văn thơ và đọc sách, cụ đã kịp viết di chúc để lại dặn dò con cháu. Cụ thích bài Văn khóc cha của Nhà giáo Tống Trần Hàm. Nhân đây BTV xin đăng lại bài Văn đó, như một nén nhang thắp cho hương hồn cụ. Kính mong cụ an giấc ngàn thu. Nơi chín suối ngậm cười chắc cụ luôn nghĩ tốt về dòng họ và con cháu…
     
  VĂN KHÓC CHA
                        TỐNG TRẦN HÀM

Ngao ngán cuộc đổi thay dâu bể,
Rụng rời cơn chia rẽ âm dương,
Làm cho đau đớn thảm thương,
Vừa đây sao  đã đoạn trường, hỡi ơi!
Ra trước án, gối quì miệng khóc,
Cảm thương cha, kính đọc bài này:
Cha ơi! Cha hỡi! Có hay!
Linh hồn xin giáng về ngay linh sàng!
Hoặc cha ở nơi miền Cực lạc,
Xin Phật ân cưỡi hạc kíp về!
Hoặc nơi Địa ngục âm ty,
Xin đức Địa Tạng hộ trì cho lên!
Hoặc phảng phất trong đền Yển Tức (1)
Cúi xin cha rảo bước nhanh chân,
Để con khấn vái ân cần,
Bà con thân thích xa gần viếng thăm.
Chén rượu nhạt, tay cầm, tay rót,
Mâm cỗ xoàng, giống ngọt, giống chua,
Áo quần giấy - thế vải tơ,
Tiêu dùng xin gửi trăm tờ kim ngân.
Chồng chất đó mấy nghìn vàng khẩu,
Của bà con tặng dấu trần gian,
Gọi là lễ lạt tới tuần,
Kính dâng bạc vật, cung trần phỉ nghi.
Sách có chữ “Tế phi dĩ lợi”,
Lại có câu “Như tại, như tồn”,
Tục truyền hai chữ “Sống khôn...
Thác thiêng”, xin hưởng cho con thỏa  lòng.
Trông linh tọa, áo choàng, mũ đội,
Ngó chân dung, thêm rối mạch sầu,
Thương cha: thuở bé cơ cầu,
Sớm buông nghiên bút, ruộng trâu cày bừa.
Cùng mẹ xưa se tơ kết tóc,
Dựng gia đình khó nhọc biết bao!
Ruộng vườn xiết kể công lao,
Tảo tần lam lũ, lao đao mấy hồi.
Khổ sinh trưởng vào thời loạn lạc,
Cha xuất thân gánh vác việc công,
Nghĩ mình con giống cháu dòng,
Trong đường phẩm hạnh vững lòng đấu tranh.
Ngoài cư xử dân tình kính phục,
Trong tài bồi tích đức tu nhân,
Nếp nhà giữ mực kiệm cần,
Dìu con khuyên cháu lập thân vững vàng.
Tưởng trời để gia đường đoàn tụ,
Mẹ cùng cha hưởng thụ trăm năm,
Cực lòng! Mây phủ tối tăm,
Xa trông núi Dĩ mấy năm trước rồi! (2)
Tủi phận mẹ đến hồi thanh thản,
Chưa chút chi cho thỏa tâm hồn,
Thương cha mòn mỏi héo hon,
Chiều tà, gà trống nuôi con những ngày...
Trải mấy độ ăn cay uống đắng,
Mấy tháng trời, đằng đẳng thuốc thang,
Thương cha quanh quẩn quê hương,
Chưa từng ngoạn cảnh viễn phương lúc nào.
May gần đây đơn cao bồi bổ,
Được vài năm cử bộ khang thường,
Tưởng mừng sao chiếu Ân quang,
Tưởng trời bù lại ngày thường gian lao.
Chúng con ước được cao tuổi hạc,
Tưởng trời cho tiên dược hồi xuân,
Nhờ ơn Tiên, Phật, Thánh, Thần,
Cho con báo hiếu vài phần mảy may.
Luật sinh tử nào hay tiền định,
Sổ âm dương ghi tính đâu rồi?
Đôi lần mộng mị lôi thôi,
Cha đà cảm nặng, ôi rồi! Trời ơi!
Con nào biết khúc nôi đến thế,
Mà tâu lên Thượng đế kêu ca,
Đau lòng con mẹ, con cha,
Xác phàm mắt thịt mà ra thế này!
Con chỉ biết tìm thầy chạy thuốc,
Con nào hay kỳ phước nhương tai, (3)
Tâu xin Ngọc bệ, Tiên đài,
Cải niên gia hạn cho hài lòng cha. (4)
Càng hối lại càng chua xót thật,
Càng cực lòng như ngất như si,
Đã đành “sinh ký, tử qui”,
Trăm năm ai cũng qua kỳ nhân sinh.
Ngoài vạn dặm mây xanh mờ mịt,
Hồn cha bay mù tít phương nào?
Hay vì chín chữ cù lao,
Cha nay theo gót động Đào hầu ông?
Hay cha đã non Bồng len lỏi,
Nhớ Bà xưa dưới gối thần hôn ?
Hay vì hẹn biển thề non,
Cha đi tìm mẹ cho tròn “ba sinh”?
Hay vì cảm thương tình cốt nhục,
Tìm anh em bá thúc cửu tuyền ?
Lánh trần tham vấn gia tiên,
Nặng tình âm, nỡ lãng quên lối về.
Ai xui nỗi biệt ly, ly biệt,
Cha ra đi sao dứt, sao đành,
Cực lòng đứa ở gần quanh,
Nhớ khi cha hỏi, con trình con thưa.
Lại cực đứa đi xa về viếng,
Tủi quạnh hiu vắng tiếng vắng tăm,
Cực khi ngày Tết, mồng Năm,
Nhớ ông gọi cháu cho cam cho tiền.
Nhớ những lúc cha hen, cha thở,
Nhớ những khi con đỡ, con ôm,
Nhớ khi sáng sớm, chiều hôm,
Chén trà cạnh gối, bát cơm bên màn.
Cám cảnh quá, con quên sao được?
Tủi thân chưa, cha bước sao đang?
Năm canh con những mơ màng,
Sáu khắc con những bàng hoàng ruột đau.
Thôi mà thôi! Một lâu một mất,
Dẫu kêu van, trời đất có thương?
Cúi đầu đốt một nén hương,
Mấy hàng giải tỏ đoạn trường cô ai.
Cúi lạy nguyện Phật mười phương hộ,
Hồn mẹ cha Tịnh độ Tây phương,
Quan Âm, Thế Chí, dẫn đường,
Hiện thân chứng giám cảm thương độ trì.

---------------------
-  Trích bài của cụ Tống Trần Hàm (1899 – 1995), Nhà giáo, Sơn Hòa - Hương Sơn - Hà Tỉnh soạn năm 1940 khi đang làm giáo viên Trường tiều học Tư Nghĩa - Quảng Ngãi, do Đại tá Tống Trần Huyền (con tác giả) ghi nhớ lại.
Toàn bài gồm 212 câu theo thể song thất lục bát. Xét thấy bài văn chân chất đại chúng, có sức truyền cảm mạnh, nêu lên được nỗi niềm thống thiết bi ai của người con trước đã mất mẹ, nay bố già sống ở nông thôn chết vì già yếu bệnh tật. Vậy chúng tôi trích dẫn có sửa chữa vài chi tiết để bạn đọc có thể tham khảo ứng tác các bài văn tế lễ, hợp với từng đối tượng và hoàn cảnh cụ thể. (chú thích của Tân Việt, soạn giả “Tập Văn Cúng Gia Tiên”, NXB Văn Hóa Dân Tộc xb, Hà Nội 2001.
-  Chiêu Đề trích soạn, có thay đổi một số từ cho phù hợp sử dụng trong Phật giáo.
(1)  Đền Yển Tức: Theo truyền thuyết đây là nơi vong hồn mới mất chưa siêu thoát, đang chờ phán quyết.
(2)   Núi Dĩ: Ý nói là người mẹ mất trú ở nơi ấy.
(3)   Kỳ phước, Nhương tai: Làm lễ cầu phúc và giải trừ tai nạn.
(4)  Cải niên gia hạn: Xin chữa lại sổ Nam Tào để gia tăng tuổi thọ cho cha mẹ.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét