Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2012

NHÀ THỜ DÒNG HỌ CAO TRẦN XỨNG ĐÁNG ĐƯỢC CÔNG NHẬN LÀ DI TÍCH LỊCH SỬ CẤP TỈNH

      Theo câu đối ghi ở từ đường, thì từ đường họ Cao - Trần, xã Giao Tiến được xây dựng vào đời Vua Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa (1681- 1705). Như vậy từ đường họ chỉ có thể được xây dựng vào cuối những năm Chính Hòa, vì Thái tổ Vô Ý khi đến ấp Hòe Nha là năm Quý Hợi (1683).
      Năm 1787 sau một trận lũ lớn, sông Hồng đổi dòng đổ thẳng ra biển mở ra cửa Ba Lạt. Thiên tai nặng nề, vì vậy toàn ấp lại phải tập trung xây dựng lại lần thứ 2. Thời kỳ này từ đường họ cũng phải di chuyển về đất mới ở Cựu Thượng. Tiếp theo lại chuyển về Thổ Nện nay là thôn Bảo Thắng. Năm Vua Tự Đức thứ 26, 27 (1873 - 1874) từ đường họ chuyển về vị trí hiện nay, chính là khu đất của cành trưởng, do ông Cao Đăng Phong (Đời thứ 7) chủ trì xây dựng. Từ đường họ được trùng tu lần thứ Nhất vào đầu thế kỷ 20 do ông Cao Đức Vận, tức Quảng (Đời thứ 9) phụ trách. Trùng tu lấn thứ Hai do ông Cao Huỳnh (Đời thứ 9) phụ trách.
Từ khi xây dựng và sau nhiều lần sửa chữa nâng cấp, ngôi từ đường đã có kiến trúc hoành tráng, khang trang bề thế so với các dòng họ khác trong địa phương. Từ đó nhà thờ là nơi thờ cũng tế lễ Tổ Tiên và còn là nơi hội họp bàn về những công việc quan trọng của dòng họ và của địa phương.
Trong lịch sử làng Hoành Nha cũng đã ghi nhận, nhiều cụ trong dòng họ Cao Trần đã tham gia và đóng góp công sức trong các cuộc đấu tranh chống lại sự lấn chiếm 500 mẫu ruộng (Phù Sa điền kí) của các thế lực cường hào của các làng bên cạnh. Giai đoạn từ 1930-1936 các cụ Lão tộc trong dòng họ đã cùng nhau họp tại nhà thờ họ, kết hợp với lực lượng các dòng họ khác, đấu tranh với tầng lớp cường hào lý dịch, đòi cấp lại ruộng đất, sau 30 năm đầy biến động mà cường hào lý dịch cố tình rút ruộng của số người đã chết, đi khỏi làng, mất tích...để chia nhau làm của riêng hoặc phát canh thu tô.
Nhà thờ họ Cao Trần cũng là nơi hội họp của lực lượng Việt Minh trong xã bàn về kế hoạch cướp chính quyền trong những ngày chuẩn bị Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945.
Những năm tổng phản công của cuộc kháng chiến chống Pháp, từ 1950-1952, nhà thờ họ Cao Trần còn là nơi trú ẩn của nhiều cán bộ du kích địa phương khi giặc Pháp và tay sai càn quét. Dưới đầu hồi nhà thờ thông sang nhà cụ Cao Trần Đoán (nay là nhà ông Cao Tam Lạc) có hầm bí mật, mãi sau hoà bình lập lại mới lấp đi. Trên nóc nhà thờ, máng nước giữa 2 mái cũng là nơi trú ẩn an toàn cho nhiều lượt cán bộ du kích địa phương . Vì theo quan niệm tâm linh bọn tề nguỵ không giám mạnh tay ở những nơi thờ tự.
Đến nay tài liệu chi tiết về nội dung này chưa được thống kê ghi chép đầy đủ. Qua đây kính mong các cụ, cha bác, anh em con cháu cung cấp bổ sung thêm tài liệu để kết hợp với chính quyền địa phương đề nghị lên trên công nhận nhà thờ dòng họ Cao Trần là Di tích lịch sử cách mạng. 

  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét