Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2016

DẤN THÂN VÀO LỤC BÁT

TRẦN NHUẬN MINH

Đọc NỐI MÙA cuả CAO TRẦN NGUYÊN.
 
T hơ lục bát là một thể thơ rất dễ làm, nhưng làm rất khó hay. Hầu hết các bậc cao niên ở các câu lạc bộ thơ đều làm thơ lục bát và dường như không có ai thành công. Ngay cả những nhà thơ đã có tên tuổi, có được một bài thơ lục bát hay cũng là điều không dễ dàng. Chỉ câu trước có thể là thơ hay cận thơ, câu sau có khi đã hạ xuống thành ca (ca dao, diễn ca) hoặc vè. bởi thế dấn thân vào thơ lục bát, đối với bất cứ ai cũng là một thử thách khó khăn. Chính điều đó đã hấp dẫn tôi, khi tôi cầm quyển Nối mùa, thơ lục bát của Cao Trần Nguyên trên tay. Tập thơ 206 trang, giấy cao cấp, bìa cứng có bìa bao, in rất sang trọng, có kèm ảnh trang trí, trình bày trang nhã, rất chuyên nghiệp, gồm 2 phần, phần Thơ lục bát và phần Những bài thơ lục bát có lời bình. Ở đầu sách có lời giới thiệu viết rất công phu của nhà thơ Trần Quang Quí, Phó giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản của Hội Nhà văn Việt Nam.


Ngay trong cấu trúc phần thơ, tập thơ cũng có những nét khác biệt, có mục KHẤT NỢ CUỐI NĂM, TỨ TUYỆT TIỀN, TỨ TUYỆT TÌNH… rất đời thường và bút pháp thể hiện, tuy dung dị, nhưng câu chữ chặt chẽ, nghiêm túc, có dụng công hẳn hoi. Hầu hết các bài là những cảm nhận của tác giả về các mối quan hệ với bè bạn, anh em, bà con xóm láng, người thân trong gia đình, người bạn và người tình (mà ta thường thấy trong thi ca), tuyệt không có những lời giáo huấn, những nhiệm vụ công dân trong bầu không khí này, giữa phong trào thi đua nọ… cũng không thấy những trách nhiệm trước mọi vấn đề xã hội và thời cuộc mà thơ các bậc cao niên rất đáng kính thường làm. Phần tiểu sử, ta biết tác giả sinh năm 1939, về nghề nghiệp, tác giả ghi là Thợ mỏ, một nghề rất đáng kính, nhất là trong thời điểm tỉnh Quảng Ninh đang chuẩn bị kỉ niệm 80 năm ngày truyền thống công nhân ngành Than và Khoáng sản Việt Nam (12/ 11/ 1936 – 2016). Và trong tập thơ cũng không vương vấn bất cứ một cảnh vật hay tâm trạng nào, dù chỉ là phảng phất xa xăm thôi, trong muôn nẻo đi về của người thợ mỏ. Nghĩa là tập thơ rất thanh thoát, thoáng đãng, nhiều cảm nhận mà không tự ràng buộc bởi bất cứ điều gì, bao giờ cũng có mức độ và rất phải chăng. Buồn mà không bi lụy, vui mà không dễ dãi. Ở Quảng Ninh (hãy chỉ nói trong phạm vi này thôi) tôi chưa thấy bậc cao niên nào có được một tập thơ tương tự như thế này. Và theo tôi, đó là điều rất đáng khích lệ và bản thân tôi, tôi rất trân trọng.

Ở phần thứ hai, tôi rất vui đọc 16 bài thơ có lời bình của các tác giả, nhiều bài rút ra từ các trang mạng cá nhân, trong đó có tác giả ở Luân Đôn (Anh) và nhiều tỉnh thành trong cả nước, chứng tỏ thơ lục bát Cao Trần Nguyên có nhiều bạn đọc và giành được sự đồng cảm và yêu mến của nhiều người, qua trang Website Lục bát Việt Nam mà chủ súy là nhà thơ Đặng Vương Hưng. Điều rất tinh vi của Cao Trần Nguyên trong bố cục tập thơ là những bài in kèm theo lời bình ở Phần Hai, không có trong thơ ở Phần Một. Điều tưởng như đơn giản này nhưng rất nhiều tác giả đã làm sách cho mình, có 2 phần tương tự như thế, nhưng chưa mấy ai đã làm có tính chuyên nghiệp được như vậy.

 

Về phần cá nhân tôi, tôi thích nhiều câu thơ trong tập, xin dẫn ra một số:
Ví như thể hiện sự thay đổi thời tiết một ngày ở Đà Lạt:
Đêm đông. Sáng đã sang xuân
Trưa hè. Chiều đã dần dần vào thu”
Ví như mô tả một bà “Dì” đi lấy chồng năm mới 13 tuổi:
Quần lĩnh tía, áo nâu non
Ra chào hai họ, mắt còn đỏ hoe…”
Ví như tả cảnh thân thuộc ở làng quê:
Bếp chiều khói đậu ngọn tre
Vườn chiều ríu rít ngồi nghe chim về”
Ví như nơi buông neo trong tâm tưởng của một khách “tang bồng”:
Đồn rằng chốn đậu là đây
Nào ngờ bến vắng, sông đầy sương giăng…”
Và có một câu làm tôi giật mình về nghề thơ, về thú “ chơi thơ”:
Chơi thơ hữu nhục – hư vinh
D hay nào có biết mình dở hay…”

Tôi đã đọc khá nhiều tập thơ. Và cũng ở nhiều tập, đọc xong, không nhặt ra cho mình được một câu thơ tâm đắc nào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét