Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2015

THANH CHÂU TRẦN PHƯỚC TỘC THỦY TỔ VÀ ĐẤT THỔ TRẠCH NHA HÀNG.


Trần Phước Bình
Bia mộ và gia phả khắc ghi:
Thủy tổ ông Trần Quý Công thụy Nguyên Trưởng Phủ Quân tự Phước Thiện chi Thần vị.

Thủy tổ bà Nguyễn Thị Trinh Thục Đệ Nhị Nương thụy Nhàn Uyển Nhụ Nhân húy Thị Lan chi Thần vị.

Bản quán nguyên tại Nghệ An thừa tuyên, Diễn Châu phủ, Đông Thành huyện, Thái Xá xã, nay xã Vĩnh Thành và xã Nhân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Tổ bà là con gái thứ hai của nhà ngoại họ Nguyễn. Tên thụy Nguyên Trưởng phủ quân (元長府君) cho biết cùng hàng Nhất phủ quân ông là Trưởng, lại có chữ nguyên (nhất) đứng trước, vậy Ngài là Đích tôn của dòng họ nơi bản quán. Gia phả chi Cù Bàn ghi: Thủy tổ tính sơ công (始祖姓初功.

Song mộ ông bà táng tại địa bộ làng Cổ Tháp xứ Đồng Soi, gia phả dòng Cai phủ Thuật Chức tử ghi: “Mộ tại giá bộ cố hương Cổ Tháp thôn, Đồng Soi xứ, cựu Đồng Soi thổ trạch, tọa Nhâm hướng Bính trùng tiền nhất chỉ (một nền) ”, nay thôn Cổ Tháp, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. (Soi chữ nôm = chữ Hán: Giám 鑒 = Lam : gương soi).Đặc điểm mộ đất, lập bia ximen, nền xây đá quy cách vào năm Ất Mùi 1955. Nếu nguyên tiền vẫn là mộ đất và không có bia đá là dấu hiệu ẩn mộ.
Xứ đất Đồng Soi theo địa bộ Thanh Châu chịu thuế nhà Thái Đức năm 1781, do tổ Trần Phước Tự đời thứ 8 sao lục, chép về xứ đất Hàng Dài: “ Hàng Dài xứ, nam cận Cổ Tháp thôn Đồng Soi xứ thổ trạch nha hàng giới hạn, bắc cận bổn thôn tiểu lộ”. (thổ trạch nha hàng: đất của nhà nước ban cho hàng nha môn). Địa bộ Cổ Tháp tại gò Mồ thuộc xứ Đồng Soi còn có song mộ ông bà Đệ nhị thế tổ và song mộ Đệ tam thế tổ, cả 3 đời mộ gia phả ghi: “Thọ chung niên ngoạt nhựt thời, tương liên song phần (liên cuộc song phần)”, hàm ý cả 3 đời ông bà đều được hưởng phúc sống trọn đời hết tuổi trời cho, mộ táng song phần. Ba đời mộ Thượng tiền tọa lạc tại xứ Đồng Soi của tộc Trần – Thanh Châu là duy nhất trong các tộc tiền hiền. Từ đó nhận biết địa danh Đồng Soi là của họ Trần.

Xứ đất Hàng Dài nguyên có chùa Thanh Phước (清福寺). Đồng Soi và Hàng Dài nhị xứ nguyên tiền là đất Thổ trạch Nha hàng lập nên Thanh Châu tộc do Phủ chúa ban cho ông bà Thủy tổ, là nguyên tiền của Nội phủ Thanh Châu thôn, La Tháp châu, Hoa Châu thuộc sau này. (Dài chữ Nôm = Hán tự diên = miên 綿 = trưởng/trường )


Câu đối phụng thờ Thủy tổ tại hậu tẩm từ đường:

北地從王開土宇                                 

        南天立邑佔清原

Bắc địa tùng vương khai thổ võ.

Nam thiên lập ấp chiếm thanh nguyên.

Tạm dịch: Nơi đất Bắc theo vua Lê mở đất bốn phương.

       Nơi trời Nam dựng nước chúa Nguyễn trong sáng minh bạch từ gốc.

(Chiếm thanh nguyên: còn có hàm ý nói về sự tích và sấm truyền của Trạng trình Nguyễn Bĩnh Khiêm ứng cho Đoan quận công Nguyễn Hoàng:“Hoành sơn nhất đái - Vạn đợi dung thân”, là gốc của nước Nguyễn chúa)

Câu đối thứ 2 và 3 nguyên thờ tại từ đường tộc cả Thanh Châu:

上前功德佑社民祺睞瑜典

繼後代兒孫而慈垂福悠休

Thượng tiền công đức hựu xã dân kỳ lai du điển.

Kế hậu đợi nhi tôn nhi từ thùy phước du hưu.

         Đời trước công đức bảo hộ xã dân tốt lành, xem điển tích sáng trong như ngọc.
         Lo cho con cháu đời sau mà nhân từ để phúc tốt đẹp dài lâu (lập làng). 

源潔流清派衍東阿興厚脈

根深葉茂蔭培積發金

Nguyên khiết lưu thanh phái diễn Đông A hưng hậu mạch.

Căn thâm diệp mậu ấm bồi tích thụ phát kim ban.

       Nguồn sạch dòng trong phái diễn họ Trần khởi mạch lớn.
       Cội sâu lá rậm che chở dưỡng dục tích góp thụ phát ngôi báu (đế vương).

Văn tế tại Từ đường tộc cả do tiền nhân lưu lại ghi: “Bắc địa tòng vương – Nam thiên lập ấp. Kiến cơ tạo nghiệp, hữu hương ấp, hữu nhân dân. Lập bộ khai trưng, hữu công điền, hữu tư thổ. Triệu bồi di tích tử tôn sáng tạo toàn bằng Tông tổ. Khái tưởng tiền nhân công liệt đổng trí sơn hải….”.

Câu đối 2, vế thứ nhất nói về công đức tổ tông 3 đời Thượng tiền thời Thanh Châu tộc, vế thứ hai nói về sự kiện lập Thanh Châu thôn một kế sách truyền đất cho đời sau – Thanh Châu thôn Tiền hiền.

Câu đối 3: xác nhận dòng dõi “Dĩ thiên hoàng chính phái”, họa lại câu đối nơi đất tổ Thái Xá xã. Năm Ất Mùi 1955, nhân xây thành mộ Thủy tổ cụ Phan Thám (Cửu Tung) người thôn Cổ Tháp đã họa lại lần nữa (Hán Nôm):

Thiên Trường bến cũ sau nhà Lý.

Thanh vức bờ nay trước cửa Lê.

天長变屢婁茹李

清域坡今著門黎

Di tích dòng vua, Cô Trần Thị Hường con ông cố Lý trưởng Xã Ngạc hậu duệ dòng Phước Tự tại Thanh Châu lưu giữ một xâu tiền cổ. Năm 2011 cô bán xâu tiền đó cho người buôn đồng nát, tác giả phát hiện có một đồng thuộc niên hiệu nhà Trần nên xin nhận lại. Đặc điểm tiền đồng, hình tròn đường kính 24 mm, mặt tiền có 4 chữ Hán “Nguyên Phong Thông Bảo” đọc vòng theo kim đồng hồ. Niên hiệu Nguyên Phong (1251-1258) đời vua Trần Thái Tông.  







Tập hành trạng của Hòa thượng Diệu Nghiêm (1738 – 1810), hậu duệ đời thứ 8, chép: “Nhơn kỳ viễn tổ tại Đông Kinh, Nghệ An thừa tuyên, phủ tòng Tiên Nguyễn chúa ứng nghĩa nhi lai Việt Nam quốc.

Sự tích Thanh Châu thôn gia phả trước năm 1945 ghi: “ Nguyên tiền  Thăng Hoa phủ, Hoa Châu thuôc, La Tháp châu, Thanh Châu tộc, hậu cải Điện Bàn phủ, Duy Xuyên huyện, Đông An tổng, Thanh Châu thôn”. Nay căn cứ bia ký Châu đình (Công đình La Tháp châu) lập năm 1754 (Cảnh Hưng 15) và Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn thì Thanh Châu tộc tồn tại một thời, sau đó đã là Nội phủ Thanh Châu thôn. Riêng 3 đời mộ Thượng tiền táng tại xứ Đồng Soi cựu thổ trạch nha hàng về sau thuộc về địa bộ làng Cổ Tháp.

Đến đời thứ 4, mộ táng tại các xứ đất không thuộc Đồng Soi và xuất hiện mộ cấu tạo bằng hợp chất đề Thanh Châu. Gia phả dòng Cai phủ đời thứ 4 bản phiên âm ghi: “Tổ khảo Trần Phước Tường thọ chung niên ngoạt nhựt thời, phần mộ tại xứ ..., tọa hướng .... (không hiểu)Tổ tỷ Mai Thị Đồn, ngoại tổ tỷ Mai tùng dương tự Khánh Chơn danh bà Đồn, sinh hạ 2 nam 9 nữ. Theo đó chỉ có ông được hưởng phúc sống trọn đời, và một đoạn Hán tự mà người phiên âm tại Sài Gòn trước 1975 “không hiểu”, bản gia phả Hán tự sau đó bị cháy do hỏa hoạn. Gia phả Hán tự dòng Trưởng điển Trần Phước Tự ghi về đời thứ 4: “Tổ khảo Trần Phước Tường đạo hiệu Huyền Tôn tiên sinh – Tổ tỷ Mai Thị Đồn quý nương, ngoại tổ tỷ Mai tùng dương tự Khánh Chơn danh bà Đồn. Sinh hạ 2 nam 4 nữ.

Di tích mộ hợp chất đời thứ 4 hiện còn tương đối nguyên vẹn gồm hai mộ như sau:

Một mộ tại gò Ông Văn xứ A Ký đất tư tộc, bia mộ ghi: “Thanh Châu, Thái tuế Nhâm Tuất mạnh xuân lương nhật - Tổ tỷ Trần Môn chánh phối Nguyễn Nhụ Nhân chi mộ - Phụng tự hiếu tử đồng lặc thạch”.

Một mộ tại xứ đất Bờ Bạn bằng phẳng thuộc khu dân cư thôn Thanh Châu, bia mộ ghi: “Thanh Châu, Tuế thứ Ất Dậu niên trọng xuân cốc nhật – Hiển linh Trần Phước Môn Tiết Nghĩa Hoàng Nhụ Nhân chi mộ - Phụng tự ai tử nguyên thị trị lập bia”.

Phụng tự ai tử nguyên thị trị lập bia: Con thờ mẹ lúc còn cha; cha nguyên là vị quan đứng đầu một ngành (hoặc địa phương) lập bia cho vợ hàm Nhụ nhân. Bà Tiết nghĩa Hoàng Nhụ Nhân, gia phả tộc Hoàng (Huỳnh) họ ngoại ở Xuân Đài châu, Phú Châu thuộc chép: “Đời thứ 4, bà Hoàng Thị Thạnh hiệu Mụ Thục Huyền. Bà sinh năm … Mùi, mộ táng tại làng Thanh Châu, có làm mộ vôi, có đề thần chủ. Bà có chồng người làng Thanh Châu, tộc Trần Phước. Bà con thường gọi bà Thanh Châu. Bà mất ngày mùng 7 tháng 2 âm lịch. Tộc (Hoàng) có đặt ruộng hương hỏa ở các nơi, cọng 2 mẫu 4 sào do phái 3 phụng tự”. Mụ Thục Huyền 媽淑玄: Mẹ huyền diệu hiền lành.

Căn cứ bia mộ đề Thanh Châu và gia phả tộc nội và tộc ngoại, xác định bà Hoàng Nhụ Nhân là thứ thất hoặc kế thất của ngài Trần Phước Tường đạo hiệu Huyền Tôn tiên sinh đời thứ 4, sau khi mất do bà không có con trai nên họ ngoại nhận phụng thờ (quy tôn) nên gia phả tộc Trần không ghi danh tính bà. Bà chánh phối gia phả ghi: Tỷ Mai Thị Đồn quý nương, phụ chú: “Ngoại tổ tỷ Mai tùng dương 梅松揚, tự Khánh Chơn danh bà Đồn”, xác nhận bà là út nữ của nhà ngoại họ Nguyễn làm nên điển tích họ Mai tùng dương tức dòng cây tùng giương cao, chính là dòng Nguyễn Ư Dĩ công thần khai quốc cậu ruột của chúa Nguyễn Hoàng ghi nơi Đại Nam liệt truyện tiền biên. Mộ ông bà Huyền Tôn do thất truyền nên không được trông nôm coi giữ, chứng tỏ về sau sao chép gia phả chỉ chép họ Mai, không chép họ Nguyễn. Vậy bà Mai Thị Đồn tự Khánh Chơn chính là Chánh phối Nguyễn Nhụ Nhân. Cả hai bia mộ đều ghi Thanh Châu Trần Môn (Thanh Châu Trần Phước Môn là một): cửa họ Trần Thanh Châu vọng tộc, thay cho tên nước. Với phương pháp luận toán học đã xác định năm Ất Dậu nơi mộ chí bà Tiết Nghĩa là 1645; năm Nhâm Tuất lập mộ chí bà Chánh phối là năm 1682, năm này ông mất hưởng thọ chung niên ngoạt nhật thời (xem phụ bản). Địa bộ Thanh Châu chịu thuế năm Thái Đức thứ 4 (1781) do tổ Trưởng điển Trần Phước Tự khai: “Bổn tộc tư điền 175 mẫu 4 thước do tam hạng. Do tam hạng (nhất-nhì-ba), chính là địa bộ năm Cảnh Trị thứ 7 (Kỷ Dậu 1669) đời chúa Nguyễn Phước Tần cho đất công đều giao về xã quản lý, tư điền được xác lập, lấy thế làm lệ vĩnh viễn (Phủ biên tạp lục và chính sử tiền biên nhà Nguyễn). Địa bộ năm 1669 tương ứng đời thứ 4 của tổ Huyền Tôn, đến địa bộ do tổ Trần Phước Tự kê khai năm Thái Đức thứ 4 (1781) đời thứ 8 là 122 năm là có căn cứ. So với địa bộ cùng thời của một vài tộc Lục thôn Tiền hiền còn lưu giữ, thì địa bộ của tộc Trần lớn hơn 2 lần, hay chăng có phần đất làm của hồi môn của nhà ngoại Mai tùng dương ?

Với hàm Nhụ nhân của hai bà, địa bộ đời chúa Phước Tần và các yếu tố trên xác nhận ông là vị quan văn, mộ táng song phần cùng bà chánh tại xứ A Ký, tục danh gò Ông Văn đất tư tộc là theo nghĩa quan văn (người cháu nội của ông là Huyền Phước tiên sinh tục danh Ông Võ). Mộ ông vì lý do nào đó không còn bia và nấm, chỉ còn thành quách hợp chất. Kế thừa Thanh Châu tộc, ông bà khởi xướng hoặc được chúa Nguyễn ban cho dân và địa bộ lân cận, lại được ban cho đất Quan trại công điền lập nên Thanh Châu thôn trong ngũ thôn La Tháp châu. Bia mộ hai bà chính là đầu mối di tích Thanh Châu tiền hiền, đến đời thứ 7 bia mộ nguyên tiền của bà Cai phủ Thuật Chức tử nguyên phối hiệu Từ Qua Võ Thị Quý Nương đều đề Hán tự Thanh Châu (hiện còn ¾ bia đá). Là tiền hiền của làng nên người đời gọi bà Tiết Nghĩa là bà Thanh Châu. Nội phủ Thanh Châu thôn La Tháp châu Hoa Châu thuộc, mà còn có tên ở Biệt nạp thuộc (Phủ biên tạp lục).

Ba đời mộ Thượng tiền là mộ đất, nếu nguyên tiền không bia, tức ẩn mộ noi gương các đời Thượng tổ nơi bản quán Thái Xá. Mộ hợp chất ra đời nhằm để lại di tích cho đời sau như lời văn tế đã ghi: “Triệu bồi di tích tử tôn sáng tạo toàn bằng Tông tổ”. Bản Hương ước của làng Thanh Châu lập năm Thành Thái thập bát niên (1906) xác định tứ tộc Tiền hiền: Trần – Văn – Ngô – Phạm; Ngũ phái hậu hiền: Trần Ngọc phái –  Đinh phái – Võ phái – Nguyễn Đức phái – Nguyễn Văn phái.

          Với những cứ liệu trên đã xác nhận Thủy tổ Trần Quý Công tự Phước Thiện thụy Nguyên Trưởng Phủ Quân là Đích tôn của Trần tộc Thái Xá xã, Đông Thành huyện, Diễn Châu phủ (Sắc phong năm Khải Định ghi: “Sắc Nghệ An tỉnh Yên Thành huyện Thái Xá xã Phú Hữu thôn phụng sự. Bản cảnh Sơn Nam hách trạc Pháp Độ chi Thần hộ quốc tí dân…..”. Gia phả Thái Xá xác nhận viễn tổ thuộc dòng “Dĩ thiên hoàng chính phái” nguyên tại Đông Kinh (nguyên là kinh đô Thăng Long, thời nhà Minh đô hộ cải Đông Đô, đến Lê Thái Tổ cải Đông Kinh). Sáng nghiệp dòng Thái Xá là ngài Thiết chế Lễ tướng công - Tiên công Trần Pháp Độ con trai của Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn. Ông bà Nguyên Trưởng Phủ Quân tự Phước Thiện từ đất Nghệ An phò Lê trung hưng khai thổ võ, đóng hành cung tại Thanh Hóa, rồi theo nhà chúa Nguyễn Hoàng vào Nam, có công phò giúp lập ấp (khai quốc) ở Nam Hà, công lao to lớn được chúa Nguyễn ban cho đất, cho dân lập nên hương ấp như lời văn tế đã ghi.

Họ Trần Thái Xá, câu đối cổ nơi Từ đường và mộ Pháp Độ Công ghi:

山清壹脈源流远

關蔡千秋世緒長

Phiên âm:    Sơn Thanh Nhất Mạch Nguyên Lưu Viễn.

          Quan Thái Thiên Thu Thế Tự Trường.

Nghĩa đen:   Sơn Nam – Thanh Hóa một mạch tự nguồn lưu chảy mãi.

                    Thái Xá  – Cửa Hội ngàn năm đời có manh mối nối dài vô tận.

(Chữ sơn: Sơn Nam “trấn” theo sắc phong năm Khải Định; thanh là Thanh Hóa trấn đều là  đơn vị cùng cấp. Thái: Thái Xá xã ghi chép nơi gia phả; Quan: cửa trọng yếu – hàm ý cửa Hội Thống, nay gọi Cửa Hội của sông La (Hà Tĩnh) và sông Lam (Nghệ An) cùng đỗ ra biển, nơi có xã Khải Mông, núi Lận Sơn (huyện Nghi Xuân, phủ Đức Quang) sinh ra Bảng nhãn Thượng thư Trần Bảo Tín con trai út của Pháp Độ và bà thứ hoặc kế thất ? Mặt khác, nguyên huyện Đông Thành có xã Thái Xá, tổng Thái Xá, tổng Thái Trạch, có tổng Quan Trung và tổng Quan Triều. Gia phả nguyên tại bản quán ghi: Phì Cam, Tường Lai, Hào Cường, Phú Hữu thuộc xã Thái Xá, không ghi tên tổng, gia phả dòng Thanh Châu ghi: Nghệ An thừa tuyên Diễn Châu phủ Đông Thành huyện Thái Xá xã, là có ý lo về sau hậu duệ ngộ nhận từ Quan nơi câu đối là Quan Trung - Quan Triều nhị tổng mà từ chối dòng Bảo Tín nơi cửa Hội Thống. Về nguyên nhân như hàm chứa trong cụm từ ghi trong gia phả “Thời cụ họa bất cảm tường sở xuất”.


Đức tổ Thiết chế Lễ tướng công – Trần Tiên Công Pháp Độ hậu duệ nhà Trần. Ông làm quan triều Lê từ năm Diên Ninh nguyên niên 1453, đến năm 52 tuổi - Hồng Đức ngũ niên 1474 hưu quan, đưa gia đình gồm ông bà và 3 con trai di cư Thanh Hóa ở được 6 năm, ông phân công bà và 2 con trai lớn ở lại Thanh Hóa, ông đưa người con thứ 3 là Thiện Tính Công vào đất Nghệ An. Mộ ngài nguyên bốc thọ tàng tại Tường Lai (Hào Cường) Thái Xá xã. Đến năm Tân Tỵ 2001 đã tìm thấy mộ chí chôn sâu hơn 1 mét, ghi: TRẦN TIÊN CÔNG PHÁP ĐỘ ẨN MỘ - KỶ MÃO NIÊN (1519). Theo gia phả dòng Phổ Quang con trai thứ 3 của tổ Huyền Thông do ông Trần Văn Lập biên soạn vào cuối thế kỷ 17, nói về Phúc Điền tộc ghi: “Pháp Độ Công sinh năm Giáp Thìn 1424”, hưu quan năm 1474, mất năm Kỷ Mão 1519, thượng thọ 96 tuổi. Sau khi tìm thấy bia chí đã dời mộ Ngài về cận nhà thờ Phú Hữu, xã Nhân Thành, huyện Yên Thành.

Di tích Công đình La Tháp châu (tục danh Châu đình) tại thôn An Lâm đã xác nhận phụng thờ bậc công thần khai quốc – dòng Thủy tổ La Tháp châu. Trung gian hậu tầm thờ hai chữ: LINH ỨNG , còn có Tả ban, Hữu ban với câu đối:

善繼且能兼善述

同洲相好又同心

             Thiện Kế Thả Năng Kiêm Thiện Thuật

              Đồng Châu Tương Hảo Hựu Đồng Tâm

Tạm dịch:        Kế thiện lại tài năng kiêm bày ra điều thiện.

    Cả La Tháp châu tương hảo lại đồng tâm.

Tả hạ khám (khám thờ nhà bên phải): 4 chữ: Lục thôn Tiền hiền với câu đối:

創業垂流為可繼  

茂功盛德無以加

                           Sáng nghiệp thùy lưu vi khả kế

                         Mậu công thịnh đức vô dĩ gia

Tạm dịch:         Tiền hiền sáng nghiệp truyền đất cho đời sau.

                Công đức thịnh dày, không lấy thêm của ai.

Hữu hạ khám (khám thờ nhà bên trái): ấn thạch văn Bia ký trùng tu năm 1754 – Cảnh Hưng thứ 15 (không có câu đối).

Câu đối ở trung gian hậu tầm cho biết các ngài Thủy tổ là thân thần của nhà chúa (Lâm chung di chiếu của chúa Nguyễn Hoàng ghi thân thần đến chầu hầu, rất tiếc là không nêu tên), có nhiều kế sách giúp chúa Nguyễn dựng nước ở Nam Hà. Sự tích Hoa Châu thuộc trên 60 làng được Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn nhắc tên nhiều lần, và các thuộc khác trực thuộc Nội phủ tức Phủ chúa Nguyễn là kế sách của các Ngài, được Phủ chúa ban cho nhiều ân huệ, như đất đai để lập làng, làm của riêng (tư điền, tư thổ), tráng đinh được miễn đi lính ... Phú Châu huyện thuộc Điện Bàn phủ cùng dòng tổ thời chúa Nguyễn Hoàng, sau cải Phú Châu thuộc để được hưởng chính sách của nhà Chúa, đồng thời phân biệt với các xã, tổng trực thuộc bản phủ (Thăng Hoa, Điện Bàn …) hàm chỉ dòng tổ thời nhà Lê. Câu đối thờ Lục thôn Tiền hiền xác nhận công đức của các ngài là lớn lao, xứng đáng được lập làng truyền đất cho hậu thế. Công lao của các ngài Thủy tổ không những đối với chúa Nguyễn mà còn đối với nhà Lê trung hưng trước đó, thể hiện khá rõ nơi câu đối thờ tại hậu tầm Châu đình, tại Từ đường Trần tộc, và bài văn cầu an hàng năm tại Châu đình. Mở đầu bài văn tế viết: “Nhị khí tri năng, Lưỡng giang tinh túy”, có nghĩa: Đất trời nhận biết tài năng của các Ngài, Bắc Hà - Nam Hà lưỡng giang đều có công lao rõ rệt.

Lại còn có các câu:

“Ngật nhĩ lệ thiên tinh tú đối nhất thanh nhi bàng bạc càn khôn”, dịch nghĩa: Cao ngất vậy, bầu trời đẹp những vì sao đẹp đối lại chỉ có “nhà Nguyễn chúa trong sáng” mà rộng lớn như trời đất.

 “Ngưỡng liệt thánh tặng vinh chi điển tố tự lịch triều”, dịch nghĩa: Ngưỡng mộ công nghiệp tu dưỡng nhân cách, được phong tặng vẻ vang làm nên điển tích bởi trải qua nơi triều chính.

          Qua khảo cứu chính sử triều Lê trung hưng và triều Nguyễn thì hàng Thủy tổ La Tháp châu làm quan đời Lê, theo chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa diễn ra trong cuộc chính biến tại hành cung vua Lê vào cuối năm 1572 đến 1574. Thời chúa Nguyễn Hoàng có 3 sự kiện khiến quan quân Nam triều (nhà Lê) phải rời bỏ quê cha đất tổ vào Nam như sau:

+ Đoan quận công Nguyễn Hoàng đem theo cả dinh quân vào trấn thủ Thuận Hóa vào mùa đông năm 1558.

+ Cuộc chính biến tại hành cung Vạn Lại vào cuối năm 1572 đầu 1573, Tiết chế Trịnh Tùng lập mưu giết chết Đoan Vũ hầu Lê Cập Đệ, vua Anh Tông bỏ chạy vào Nghệ An, ít nhất có hai vị đại thần bị giết là Cảnh Hấp và Đình Ngạn. Trịnh Tùng lập vua con là Duy Đàm – Thế Tông, sai thuộc tướng vào Nghệ An bắt vua Anh Tông về giết chết tại huyện Lôi Dương. Do sự bức bách đó khiến không ít quan lại nhà Lê phải quy vu Nam thổ theo Đoan quận công Nguyễn Hoàng.

+ Năm 1592, Tiết chế Trịnh Tùng đánh thắng quân nhà Mạc, lấy lại kinh thành Thăng Long. Nguyễn Hoàng đưa quân bản bộ về chầu mừng, được vua Lê giữ lại đất Bắc 9 năm, ông đã bí mật gây dựng lực lương. Đến năm 1600, Nguyễn Hoàng tạo ra sự kiện “Phan Ngạn - Ngô Đình Nga – Bùi Văn Khuê nổi loạn” lấy cớ đó ông đưa quân vào lại Thuận Hóa.

         Với 3 sự kiện và nguồn nhân lực từ Bắc Hà, đã giúp chúa Nguyễn Phúc Nguyên định ra chế pháp “Tam ty” lập quốc riêng ở đất Nam Hà vào năm 1614. Trịnh – Nguyễn phân tranh từ đây.

           Chứng minh điều này, các dòng tộc Lục thôn nay còn có gia phả Hán tự của Trương tộc làng An Lâm ghi: “Lê triều thời Nam Bắc phân tranh (1533-1592), Trương tộc Thủy tổ khởi tự Nghệ An quy vu Nam thổ, chí vu Quảng Nam, Thăng Hoa phủ, Hoa Châu thuộc, La Tháp châu khai thác Quan trại công điền. Chí ư đệ Nhị thế tổ nãi phân xã ấp, Trương tộc Nhị thế tổ hiệp dữ Nguyễn Văn tộc phân cương kiến bộ tức An Lâm ấp. Chí ư Tam thế tổ tức Trương Công Thắng tự Ưu Trường hiệp dữ Ngũ thôn kiến trúc, Lục thôn đình tự phụng thủ Thần sắc….”; Tộc Nguyễn cùng làng An Lâm ghi: Thủy tổ là hai anh em trai và một người con trai của người em, sinh hạ dòng Nguyễn An Lâm, hiện còn bia mộ của 2 vị Thủy tổ họ Nguyễn lập thời Đại Nam ghiLong phi Giáp Tuất niên nhị ngoạt nhị thập nhật”.... Rõ ràng do hoàn cảnh bức bách nên tộc Nguyễn vào Nam là 2 anh em trai với một con trai của người em; tộc Trần Thanh Châu may mắn hơn là có bà nhưng cũng chỉ với một người con trai; tộc Trương sự tích để lại khá rõ.

Hai xứ đất Đồng Soi và Hàng Dài nguyên là đất Thổ trạch Nha Hàng của ngài Thủy tổ, về sau Đồng Soi thuộc địa bộ Cổ Tháp, Hàng Dài thuộc địa bộ Thanh Châu; Gia phả dòng Cai phủ Thuật Chức ghi: “Giá bộ cố hương Cổ Tháp thôn”; tập hành trạng của Hòa thượng Diệu Nghiêm ghi: “Bản quán tại Quảng Nam, Thăng Hoa phủ, Hoa Châu thuộc, Cổ Tháp thôn nhơn”; Gia phả Trương tộc làng An Lâm ghi: “Chí ư Tam thế tổ tức Trương Công Thắng tự Ưu Trường hiệp dữ Ngũ thôn kiến trúc, Lục thôn đình tự phụng thủ Thần sắc”. Đã xác định Cổ Tháp là thôn thứ 6, ra đời cuối cùng trong Lục thôn – La Tháp châu, có phần đất của họ Trần được tách ra từ địa bộ làng Thanh Châu vào trước năm trùng tu châu Đình 1753, tức vào thời ngài Cai phủ Thuật Chức tử đang tại chức. Cổ Tháp thôn tức thôn “Tháp cổ” qua khảo cứu không phát hiện dấu vết tháp cổ, mà chỉ có ngôi mộ Thủy tổ họ Trần có niên đại sớm nhất. Cổ Tháp là làng tân của La Tháp châu. Vậy tên làng Cổ Tháp là của họ Trần, hàm ý nói về xã Đông Tháp cùng huyện Đông Thành và cách không xa xã Thái Xá của gốc tổ Pháp Độ công, nơi có di tích mộ của dòng tổ Chân Tịch hiệu Huyền Nghiêm dòng trưởng. Làng Cổ Tháp thuộc La Tháp châu ngoài tộc Trần, tộc Đỗ (ông Đỗ Đăng Thành con rễ họ Trần có tên bia Châu 1754) thuộc dòng Hoa Châu - Phú Châu, các tộc khác và đất có thể nguyên thuộc xã lân cận sáp nhập (Phủ biên tạp lục viết: La Tháp Đông xã, La Tháp Tây xã, La Tháp Trung xã, nhưng đến địa bộ Gia Long chỉ còn Đông – Tây nhị xã). Đến năm Gia Long do sự cố Trung thư Phụng chính Trần Văn Kỷ nhà Tây Sơn bị triều Nguyễn xử trọng hình, nhà cửa, tài sản của gia đình người cha là Cai phủ Thuật Chức tử bên cạnh Châu đình và đất nơi làng Cổ Tháp bị tịch thu, hậu duệ của ngài phải về lại làng Thanh Châu, làng Cổ Tháp trở thành cố hương của họ Trần Cai phủ. Hàng Thủy tổ nơi Công đình La Tháp châu có công lập quốc Nguyễn chúa nhưng Đại Nam thực lục tiền biên không một lần nhắc đến là vì sự cố ngài Kỷ. Trong Lục thôn chỉ có Thanh Châu và Cổ Tháp có đặc điểm các xứ điền đan xen, không liên hoàn, có Thanh Châu trong, Cổ Tháp trong nay thuộc về xã Duy Hòa, có Thanh Châu ngoài, Cổ Tháp ngoài là 2 thôn ngày nay.
Căn cứ ngôi vị “Nguyên Trưởng phủ quân”, niên đại vào Nam thời chúa Nguyễn Hoàng và thế phả dòng chúa Nguyễn, xác nhận Thủy tổ Phước Thiện là Nhất lang của tổ Trần Công Ngạn cháu nội đích tôn của ông bà Chân Thường, mà gia phả Thái Xá ghi: Nhất lang Trần Công Ngạn ở làng Thọ An, ngoài ra không thấy phụ chú gì thêm (Thọ An sau cải Trung Chính, nay xóm Trung Chính, xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Lưu – theo tư liệu khảo sát của Nha Chử). Tổ Trần Công Ngạn về không gian và thời gian là phù hợp vị quan cận thần Đình Ngạn bị triều thần hãm hại cùng với ông Cảnh Hấp trong cuộc chính biến tại năm 1573. Do hoàn cảnh đó nên ông bà Phước Thiện có thể còn có những người con trai ở lại nơi bản quán nhưng nay chưa xác định được.

          Sự xác nhận trên cũng rất phù hợp với dòng Cao Trần làng Nha Chử nay thuộc xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, đã được Thái Xá xã nhìn nhận là dòng Trần Công Ngạn. Tư liệu Hán nôm Nha Chử còn khá rõ, ngoài sự tích rất riêng, gia phả còn ghi: Dĩ thượng chư chân linh phần mộ nguyên tại cựu quán cùng danh tính 5 vị họ Trần:

TRẦN QUÝ CÔNG   tự VÔ TÂM.

TRẦN NHẤT LANG tự PHÚC THIỆN.

TRẦN NHỊ LANG     tự PHÚC TÍN.

TRẦN TAM LANG   tự CHÂN KHÔNG.

TRẦN QUẾ HOA NƯƠNG.

Câu đối tại Từ Đường Nha Chử:

起家敘迹愛州來  

傳世當初陳裔出

Âm Hán:           Khởi gia tự tích Ái châu lai.

                          Truyền thế đương sơ Trần duệ xuất.

Tạm dịch:     Nhà khởi lên từ đầu mối dấu vết vua Trang Tông trở lại Thanh Hóa.

                   Truyền thế đương sơ dòng dõi họ Trần thì đi Nha Chử.

…………………………………………………………………………………………

*Tộc Trần Thanh Châu sinh hạ các chi trực thuộc đã có từ thời chúa Nguyễn (1558-1774) gồm có: chi Tiền hiền Gia Lộc Đại xã nay thuộc xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, chi Cổ Tháp, chi Bình Cư nay thôn Mỹ An xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, chi Phú Triêm xã nay thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn.(Theo gia phả, đời thứ 5 tổ Trần Phước Ba tứ lang, nhưng lại không thấy danh tính Nhị lang và Tam lang của ông ?). So với các tộc Thanh Châu Tiền hiền thì duy nhất chỉ có tộc Trần có các chi họ trực thuộc từ thời chúa Nguyễn.


**Về di tích mộ hợp chất của dòng họ, tại gò Ông Văn, xứ A Ký (thôn La Tháp Đông xã Duy Hòa) hiện còn nguyên vẹn bia và mộ của bà Trần Môn chánh phối Nguyễn Nhụ Nhân, mộ ông chỉ còn thành quách (Ông bà Huyền Tôn tiên sinh đời thứ 4), và 2 ngôi mộ nhỏ hơn đã bị nạn tìm vàng đập phá, nghi vấn đây là hai mộ nguyên của ông bà Nhất lang đạo hiệu Huyền Phước tiên sinh đời thứ 6 thụy viết Quản Du tục danh ông bà Võ; Tại xứ đất Bờ Bạn ở giữa làng Thanh Châu ngày nay còn bia và mộ bà Trần Môn thứ phối Hoàng Nhụ Nhân; tại xứ đất Cây Da (địa bộ An Lâm) một mộ và cách đó độ 80 mét về hướng Tây Bắc một mộ, đều không còn bia, mộ hợp chất bị nạn tìm vàng đập phá, nghi vấn là mộ của ông bà Tứ lang Trần Phước Ba đời thứ 5; tại xứ Vườn Hoang còn 3/4 bia mộ nguyên tiền của bà Cai phủ Thuật Chức tử chánh phối hiệu Từ Qua Võ Thị Quý Nương đời thứ 7, và cạnh đó ở bên hữu có một mộ đơn hợp chất, không còn bia, theo ghi chép của Hòa thượng Diệu Nghiêm, nghi vấn là mộ của Tam lang Trần Phước Chí tự Lâm Hoằng đại sư em ruột ngài Cai phủ (về niên đại mộ họ Trần tại Vườn Hoang là sớm nhất. Vườn Hoang là tên xứ đất về sau này do sự cố bất hạnh nào đó, còn tên xứ đất nguyên tiền nay không rõ)


***Về đất đai: Thổ trạch Nha hàng tại Đồng Soi – Hàng Dài nhị xứ. Địa bộ Thanh Châu chịu thuế năm Thái Đức khai: Bổn tộc tư điền 175 mẫu 4 thước do tam hạng. Địa bộ Gia Long, Thanh Châu có tổng diện tích: 455.9 mẫu (Tư điền: 207.7 mẫu; Tư điền trang trại: 26.2 mẫu; Tư thổ 162.8 mẫu; Thần từ 2.2 mẫu; Mộ địa 2 mẫu; Hoang nhàn 54.8 mẫu;  Bàu 2 sở; Khe 3 dải; Thủy đạo 1 dải). Cổ Tháp có tổng diện tích: 240.1 mẫu (Tư điền 100.2 mẫu; Tư điền trang trại 42 mẫu; Tư thổ 62,7 mẫu; Tư điền của người khác đến 10.5 mẫu; Thần từ 0.6 mẫu; Mộ địa 1.8 mẫu; Hoang nhàn, thổ phụ 22.2 mẫu; Khe 5 dải; Bờ đắp 1 bờ)

Trong Lục thôn chỉ có Thanh Châu - Cổ Tháp nhị thôn có đất Trang trại tư điền. Văn tế ghi: “ hữu công điền, hữu tư thổ”


****Về quan lại: Do gặp nạn dưới triều Gia Long nên các sắc phong thời chúa Nguyễn, các văn bản Hán tự bị thất truyền, gia phả có dấu hiệu không còn nguyên vẹn, nay chỉ còn một số sự tích: Đời Thủy tổ như trên đã viết; Đời thứ 3 ghi: ông Trần Phước Lục ,bà Trần Thị Tô .Nếu chữ Tô là sự tích bà có một lần chết rồi sống lại, thì chữ Lục là sự tích ông từng làm Ký lục nơi phủ chúa (ông bà táng tại đất Thổ trạch Nha hàng – mộ đất); đời thứ 4: Nhất lang Trần Phước Tường đạo hiệu Huyền Tôn tiên sinh là quan văn - Tiền hiền Thanh Châu thôn. Đời thứ 5, Nhất lang Trần Phi Hiển đạo hiệu Huyền Đạt tiên sinh Tiền hiền Gia Lộc Đại xã; Đời thứ 6, Nhất lang Trần Phước Đạt đạo hiệu Huyền Phước tiên sinh thụy viết Quàn Du管遊 tục viết ông Võ 翁武, gia phả còn ghi : “Dụ Tông thất niên (1711), Ngài dĩ lập thành các thi thơ kiêm sự tích La Tháp châu đình kỳ an, lễ thức lưu chiếu sự tích chí kim bách niên dư

裕宗七年,翁以立成各詩書兼事昔羅塔洲亭祈安,禮式留照事昔至今百年餘.

(Quản : cai quản; Du : việc đặt ra những lời đáng mừng, đáng sợ để nói cho người xiêu lòng nghe mình gọi du thuyết. Vậy Quản Du có nghĩa ngài được các tộc La Tháp châu giao cai quản Châu đình). Là căn cứ xác nhận tổ Huyền Phước tiên sinh là tác giả của “Văn tế LA THÁP CHÂU ĐÌNH KỲ AN”, toàn văn 212 Hán tự còn lưu truyền đến nay, là tác giả của 1 trong 3 câu đối tại nhà thờ tộc cả. Đời thứ 7, Tổ cô Trần Thị Huyên tức Hồng Nương Tiên Chủ đắc Thần. Ư Minh Mạng niên gian hiển ứng chí kim, hiển ứng phó thị;  Nhất lang Trần Phước Trinh đạo hiệu Huyền Chơn tiên sinh thụy viết Tuyên Thành; Nhị lang Trần Phước Lộc đạo hiệu Huyền Quang bia ký Châu đình ghi: Thanh Châu thôn chu đan Cai phủ …… Thanh Châu thôn chu tự Cai phủ Thuật Chức tử Trần Phước Lộc; Tam lang Trần Phước Chí xuất gia giới hành cao tăng tự Lâm Hoằng Đại sư. Đời thứ 8, ông Trần Phước Đảo xã trưởng La Tháp châu, Trần Phước Kỳ di cư đến xã Phú Triêm bên cạnh xã Thanh Chiêm có trụ sở Dinh Chiêm (nghi vấn ông làm quan tại Dinh Chiêm); Trưởng điển Trần Phước Tự giáp thiêm giáp hiệp thủ bộ, Trần Văn Dụ đạo hiệu Huyền An, Trần Văn Kỷ và Trần Văn Tiên “học cử tử nghiệp” tại kinh thành Phú Xuân, tức hai vị ấm sinh, về sau Văn Kỷ là Trung thư Phụng chính nhà Tây Sơn, Văn Tiên là Hòa thượng Diệu Nghiêm uyên bác, tháp mộ tại tỉnh Phú Yên. Đời thứ 9, Quý lang Trần Văn Tình đạo hiệu Huyền Tín tiên sinh. Đời thứ 11, có Lý trưởng Thủ bộ Trần Cựu tục danh Xã Điền. Đời thứ 12, có Lý trưởng chánh Trần Tân tục danh Xã Tân, Chánh tổng Đông An Trần Phổ, các ông Điển Quy, Điển Kiến …. Đời thứ 13, có ông Cai Đoan cai quản Châu đình, Lý trưởng Trần Bình tục danh Xã Ngạc, Lý trưởng chánh Trần Hàng tục danh Chánh Toại (cận năm 1945). Đời thứ 6, dòng Nhị lang Phước Thông theo bia mộ khảo cứu gần đây có Hương hào Trần Trọng Phủ sinh Hương doãn Trần Nhã Hương là cha của ái nữ Trần Thị Thanh - Lạc Quyên thụy Ngọc Khổn nguyên phối của Hương hào Ngô Bá Phủ tục danh ông Đống người nguyên tại làng Bằng An thuộc phủ Điện Bàn.

Bia ký Châu đình lập năm 1754, là tộc có danh tính được khắc ghi nhiều nhất: Thủ khoán đồng chủ tế Cai phủ Thuật Chức tử Trần Phước Lộc, Xã trưởng bồi cơ Trần Phước Đảo, Đổng sự Câu đương Trần Phước Tự, Đổng sự  Câu đương Trần Văn Huyên.

**** Về thờ tự có chùa Thanh Phước, thổ viên 2,2 mẫu tại Hàng Dài xứ, dấu tích nền móng cổ nay thuộc khuôn viên Trường Tiểu học xã Duy Châu, về sau còn có đình Thanh Châu thôn.

                                                                              Thanh Châu, ngày 10/05/2015


                                                     Khảo biên: TRẦN PHƯỚC BÌNH



Phụ chú:

* Hòa thượng Chơn Kiêm – Pháp Lâm (1861 – 1898) chùa Viên Thông,  Huế. Vào năm 1895, Ngài đứng ra vận động trùng khắc bộ: ĐẠI HỌC CHÍ THƯ YẾU TẬP nguyên do tổ Pháp Chuyên – Diệu Nghiêm biên soạn.

*Phủ biên tạp lục trang 81: “Bảo Thái năm thứ 1 (1720) - Canh Tý, Phúc Chu sai Văn chức Diên Tường nam Nguyễn Khoa Đăng đi Quảng Nam, tự Quảng Ngãi đến Phú Yên chia lập ấp thuộc”. Như vậy, ấp thuộc tại Thăng – Điện nhị phủ đã lập trước, đến năm 1720 mới tiến hành lập ấp thuộc từ phủ Quảng Ngãi đến phủ Phú Yên.

** Đơn khiếu tố về đất năm Cảnh Thịnh tứ niên (1796) của tộc Ngô Đình đoạn mở đầu có các Hán tự:Tiên chỉ Thanh Châu thôn Hiệu úy Căn Trần Đăng Điều, Lão Tung Trần Đăng Trạch, Lão Luân Đăng Văn Tài, Lão Trưởng Văn Công Đáng nhị thôn đẳng.(Tiên chỉ Thanh Châu thôn: 先址清洲村: Cái nền Thanh Châu đầu tiên có các ông … nhị thôn đẳng (xác nhận Thanh Châu và Cổ Tháp?)

*Chữ Hàng (Hàng Dài) + Đồng (Đồng Soi): cùng đất Nha hàng, đất của hàng Nha môn.

*Sự tích chùa Thanh Phước: Bia ký tại tháp mộ nhà sư tục danh Thầy Bảy Lâm tại  thôn Thọ Xuyên, xã Duy Châu do đệ tử lập năm Bảo Đại thứ 11 (1936) còn lưu giữ đến nay, có đoạn: “Thành Thái thập niên (1898) Thanh Châu Thanh Phước Tự bị kẻ xấu lấy cắp tượng Phật bằng đồng ...”

***Gia đình Cai phủ:

Tổ Trần Văn Nhơn vợ Võ Thị Kĩnh (vô tự), mộ ....

Tổ Trần Văn Tịnh vợ Nguyễn Thị Chiều (vô tự), mộ táng tại gò Mồ trong làng

Tổ Trần Văn Huỳnh (Huyên) – Nhất phái, nay chưa rõ hậu duệ ?

Tổ Trần Văn Dũ (Dụ) – Nhị phái dòng Thanh Giang.

Tổ Trần Văn Kỷ - Tam phái, nay chưa rõ hậu duệ ?

Tổ Trần Văn Tả - Tứ phái, nghi vấn dòng Trần Văn tại Châu Phong, có mộ tại gò Tháp Thanh Châu ngoài, và mộ tại A Thiên cận mộ dòng Thanh Giang. Thanh Châu trong?

Tổ Trần Văn Tiên – Hòa thượng Diệu Nghiêm (gia phả ghi: Thất lang Quý lang, tức chàng Bảy út nam, nhưng bản Sài Gòn phiên âm lại ghi nhầm ở người chú ruột là Tam lang Trần Phước Chí xuất gia giới hành cao tăng tự Lâm Hoằng đại sư, và ghi sót danh tính 2 ông Trần Văn Tả, Trần Văn Tiên. Gia phả chi Văn Hân ghi ông bà Cai phủ sinh hạ 7 người con trai là chính xác.

***** Gia phả Trần tộc Thanh Châu đời thứ nhất ghi Hán tự Phủ quân, tức vua nhà, các đời sau không thấy dùng thuật ngữ này. Đối với gia phả của một số tộc họ khác tại Quảng Nam thuật ngữ này được dùng xuyên suốt trong gia phả, ví như Nhất lang sau khi lập gia đình, có con trai nối đời gọi Nhất phủ quân; tương tự Nhị Lang – Nhị phủ quân; Tam lang – Tam phủ quân ......; Thất lang – Thất phủ quân ....

*****Tổ Trần Phước Tường gia phả ghi: “Thọ chung niên ngoạt nhựt thời, phần mộ tại xứ ..., tọa hướng .... (không hiểu). Đây có thể là “Cảo huyệt” và sự tích rất riêng về ông nhưng rất tiếc người dịch tại Sài Gòn đã không phiên âm được.


1 nhận xét:

  1. Suy luận là giải pháp để tìm về cội nguồn của hậu thế Trần tộc. Lịch sử nghiệt ngã gây chi cảnh nồi da xáo thịt để cho dòng tộc thất truyền. Muôn vàn khó khăn khi không còn nhiều tư liệu cho chúng ta. Mong ơn trên phù hộ để hậu thế sớm kết nối được dòng tộc.

    Trả lờiXóa