Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

MONG MUỐN KẾT NỐI DÒNG HỌ TRẦN CÔNG QUA THÔNG TIN GIA PHẢ

Trần Công Dương
Kính gửi ban liên lạc họ Trần Nguyên Hãn. Kính gửi ban biên tập Họ Cao Trần.
Ban thờ Gia Tiên - Họ Trần Công
Đã lâu rồi cháu không liên lạc với họ Cao Trần, nhưng cháu vẫn theo dõi những bài viết trên blog Cao Trần. Gần đây có đăng thêm bản tin của dòng họ Trần Nguyên Hãn, cháu thấy điều này thật là bổ ích cho những ai quan tâm đến tộc họ. Đã là người con Trần Tộc thì ai cũng có cảm xúc hoài cổ về nguồn gốc.Chí ít thì đó cũng là tri ân với liệt tổ liệt tông đối với con cháu khi mà điều kiện lực bất tòng tâm. Mặc dù chi họ cháu chưa kết nối được nguồn gốc và không biết phát tích từ dòng nào nhưng vẫn cảm thấy tự hào khi đọc những trang viết trên blog Cao Trần. Thời gian qua cháu tự dịch lại bản Phú Ý gốc do cụ cháu là Trần Công Danh viết năm 1929 cùng với bài Trần Công Tộc Phả viết dở theo quan điểm chủ quan và duy ý chí của cháu. Nếu được phép, nhờ blog của họ Cao Trần đăng hộ cháu. Nhờ ơn liệt tổ liệt tông mà kết nối được nguồn gốc thì cháu cảm ơn lắm lắm. Chúc toàn thể họ Cao Trần mạnh khỏe, đắc phúc đắc lộc.
Cháu: Trần Công Dương
Kính thư
BTV Blog Họ Cao Trần: Với tấm lòng tâm huyết của bậc con cháu dòng họ Trần Công, anh Dương đã dày công nghiên cứu nhiều tài liệu, các gia phả liên quan đến dòng họ Trần nói chung và họ Trần Công nói riêng.  Thể theo nguyện vọng của anh Trần Công Dương, BTV xin đăng "Trần Công Tộc Phả" và đường link bản dịch Phú Ý của dòng họ Trần Công. Hy vọng các thông tin đăng tải (Gia phả và Bản dịch Phú Ý) sẽ giúp dòng họ Trần Công sớm kết nối đúng dòng họ gốc như mong mỏi của các thế hệ con cháu trong dòng họ..
陳 公  嗾   譜
Trần Công Tộc Phả
清花遷于乂安省演州府東城縣高舍總高舍社富東村居富中村
Nguyên tiền Thanh Hoa thiên vu Nghệ An tỉnh, Diễn Châu phủ, Đông Thành huyện, Cao Xá tổng, Cao Xá xã, Phú Đông thôn cư Phú Trung thôn

陳 公 嗾  譜
Trần Công Tộc Phả
LỜI TỰA
Thường nghĩ rằng: “Trời khởi tại càn, người sinh từ đầu, lấy tổ làm gốc. Cho nên làm người phải biết gốc ở đâu, báo ơn gốc Tổ. Là đạo tìm từ nguồn, chẳng phải là căn cứ vào tộc phả để tường minh ru?”.
Nước có sử, họ có tộc phả. Tộc phả là sách không những chỉ để ghi chép công việc, sự kiện đã qua mà thôi, mà phải suy xét gốc ngọn, tìm tòi cái căn nguyên những công việc, sự kiện mà tổ tiên đã làm để hiểu cho rõ vận hội của một dòng tộc. Chủ đích là để làm cái gương chung cổ cho con cháu cả họ được đời đời soi vào đấy mà biết cái sự sinh hoạt của người đời trước đã phải lao tâm lao lực như thế nào mới giữ được dòng tộc đến tận ngày nay.
Người trong tộc có thông hiểu sự tích cội nguồn họ mình mới mong cố gắng học hành, làm lụng để vun đắp thêm vào cái nền của tổ tiên đã xây dựng nên mà để lại cho mình.
Từ những suy nghĩ đó mà ngu tôi viết cuốn Trần Công Tộc Phả, gọi là ngông cuồng bắt chước người xưa.
 Phú Ý là một tiêu sử rút gọn của một đời người nên căn cứ vào đó và kết hợp với những sự tích được truyền miệng của dòng họ và các nguồn tư liệu như: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên, Hoan Châu Ký của Nguyển Cảnh Thị, Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim…v…v….
Nay thời giờ ít rỗi. Nhưng nhớ gốc gác các đời, danh hiệu, tưởng ngày húy kỵ tổ tiên trên quê hương sứ sở, một lòng ghi chép, sợ có lầm lạc nào chăng. Truy cứu các đời trước, không biết khảo đính vào đâu. Anh em họ Trần kể lại, mắt thấy tai nghe lập thành tộc phả, để lại đời sau.
Lại khiến:Thời cũ mà người trước còn truyền, đời xa xưa mà tích xưa như mới. Đó là ý của ta vậy.
Tộc phả này lập thành, từ nay về sau bản tộc con cháu cẩn thận giữ gìn đời này sang đời khác. Tiếp tục ghi chép, dẫn dắt đến ô cùng. Đấy là báo ơn tổ tiên, nhớ cội nguồn, khiến cho nay nhìn vào  sau, nay niệm theo xưa, chẳng phải là hành thiện truyền tử lưu tôn ru?
 Người trong họ cũng nên biết rằng tộc phả này ngu tôi chép sơ lược chỉ với hiểu biết nông cạn về hán tự cổ của bản Phú Ý bản tộc, gọi là tạm giúp cho những người quan tâm đến nguồn gốc mà xem cho tiện. Còn viết nên cuốn tộc phả thật là đích đáng, tường tận thì xin để dành cho con cháu tài danh sau này sẽ ra công mà viết nên cho bản tộc. Bây giờ ta chưa có áo lụa thì mặc tạm áo vải cho đỡ rét. Nghĩa là ta hãy làm thế nào cho những người trong họ ngày nay ai cũng có thể biết một chút sự tích của dòng tộc, cho khỏi tủi liệt tổ liệt tông. Ấy là cái mục đích của ngu tôi, chỉ có thế thôi. Nay xem lại tích xưa, mới biết mang ơn cao dày, đời sau tưởng nhớ đời nay. Đời nay nhớ tưởng đời xưa. Tộc phả há không phải là quan hệ lắm sao?Nếu cái mục đích ấy có thể tới được mọi người thì cuốn  Trần Công Tộc phả này coi như là có ích vậy!

Tộc Phả

Họ Trần khởi thủy từ bắc quốc. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: Tổ tiên của dòng dõi nhà Trần có nguồn gốc dân tộc Mân ở quận Tần Châu, tỉnh Phúc KiếnTrung HoaTrần Quốc Kinh từ Phúc Kiến sang Việt Nam vào khoảng năm 1110, thời vua Lý Nhân Tông (1072-1127), lúc đầu cư trú tạ xã An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh ngày nay.
 Theo phả ký dòng Trần Chân Tịch hiệu Huyền Thông ở Quỳnh Lưu,Nghệ An do cụ Trần Thuần Tín chép năm Tân Mão (1651): Họ Trần khởi thủy từ bắc quốc, người Trung Hoa, Phúc Kiến, Mân nhân, Trần Bá Tiên, Lương triều mạt vị bình nam quốc. Tộc thuộc vãng sở Trần Bá Tiên phản hồi Bắc quốc, tộc thuộc ký cư Bá Truyền Châu, tục hiệu Trấn Đông. Thỉ tổ danh Kinh, thiên cư tại Sơn Nam xứ, kim Nam Định, Thiên Trường, Tức Mặc hương.
Căn cứ vào gia phả họ Trần ở Nhạc Dương do thống tôn đời thứ 27 Trần Định Nhân còn lưu giữ được thì gốc tích xa xưa từ đời Chiến quốc, họ Trần thuộc nhóm tộc người Bách Việt sống ở đất Mân (Phúc Kiến - Trung Quốc). Năm 227 trước công lịch, Phương chính hầu Trần Tự Minh đang làm quan cho Triệu Đà, vì mâu thuẫn giữa người Hán và người Bách Việt ông đã theo dòng người Bách Việt di cư xuống phía Nam. Tự Minh được vua An Dương Vương thu nạp, trở thành vị tướng tài ba, cùng Cao Lỗ giúp vua chống lại Triệu Đà. Khi thành Cổ Loa thất thủ, Âu Lạc rơi vào tay Triệu Đà, Trần Tự Minh lui về sống ẩn dật ở đất Kinh Bắc. Dòng họ này qua 700 năm ở Kinh Bắc phân ra nhiều nhánh, nhưng dòng thống tôn đến đời Trần Tự Viễn (582 - 637) nổi lên như một nhân tài kiệt xuất của xứ Giao Châu.; sống bằng nghề chài lưới trên sông nước, trên đường làm ăn chuyển dần vào hương Tức Mạc, huyện Thiên Trường (Nam Định), Đến đời Trần Hấp dời mộ tổ sang sinh sống tại Tam Đường, phủ Long Hưng, nay là vùng đất thuộc Thái Bình trải hơn 1000 năm.
Thời nhà Trần làm vua nước nam kể từ Trần Thái Tông đến Trần Thiếu Đế, với 12 đời vua, trị vì được 175 năm (1225-1400). Công việc được sửa sang nhiều, chính trị luật lệ được chỉnh đốn lại, học hành thi cử mở rộng thêm ra. Ba lần đánh đuổi giặc Nguyên với những danh tài kiệt xuất như : Trần Thủ Độ, Trần Hưng Đạo…v…v… giữ được giang sơn. Lấy đất Chiêm Thành mở rộng thêm bờ cõi. Nhưng chỉ có điều luân thường đảo lộn, anh em cô cháu trong họ lấy nhau, thật là trái với thế tục. Đời vua Thánh Tông, có Trần Quốc Khang là anh vua Thánh Tông vào trấn thủ đất Diễn Châu, đóng trị sở tại Quỳ Lăng huyện Thổ Thành (tức Đông Thành)
Thời mạt Trần (1389-1400), có Hồ Quý Ly người Quỳnh Lưu, Nghệ An, mồ côi cha từ nhỏ. Được người họ Lê ở Thanh Hoa nhận làm con nuôi nên sau này đổi thành họ Lê. Lê Quý Ly làm quan triều Trần đến chức Thái Sư. Sau này chuyên quyền rồi soán ngôi vua, đổi lại họ Hồ. Nguyên họ Hồ có nguồn gốc từ  nhà Ngu bên Trung Quốc nên đổi tên nước từ Đại Việt thành Đại Ngu và thanh trừng đẫm máu đối với gia tộc họ Trần. Duy chỉ có Tư Đồ Trần Nguyên Đán, dòng dõi Thái Sư Thượng Tướng Trần Quang Khải kết thông gia với Hồ Quý Ly là vẫn được bảo toàn tính mạng.
Thời thuộc Minh (1407-1428), mượn danh Phù Trần diệt Hồ. Nhà Minh sang xâm chiếm nước ta, giả treo bảng gọi con cháu họ Trần nhưng thực chất là để tiêu diệt, rồi bắt quan lại và kỳ lão làm tờ khai rằng: Họ Trần không còn ai nữa và đất An Nam vốn là đất Giao Châu ngày trước của Thiên Triều, nay xin đặt laị quận huyện như cũ. Một số con cháu họ Trần lánh nạn nổi dậy mưu đồ trung hưng triều Trần như Giản Định Vương Trần Quỹ là con thứ vua Nghệ Tông giữ đất Nghệ An trở vào đến Thuận Hóa (1407-1409). Trần Quý Khoách được Nguyển Cảnh Dị rước từ Thanh Hoa vào La Sơn, xứ Nghệ tôn lên làm vua lấy niên hiệu là Trùng Quang Đế. Trùng Quang hợp với Giản Định Đế và tôn Giản Định lên làm thái thượng hoàng để cùng mưu chống giặc. Nhưng hiềm vì nỗi lòng người li tán, thế lực lại hèn yếu, cho nên được bảy năm thì mất (1407-1413).
Thời hậu Lê (1428), có Trần Nguyên Hãn là cháu nội của Trần Nguyên Đán có cha là Trần Án bị Hồ Quý Ly giết. Để tránh sự truy sát ông theo mẹ từ Hải Dương lên vùng Sơn Đông, Phú Thọ lánh nạn. Lê lợi  khởi nghĩa ở Lam Sơn, ông cùng với Nguyển Trãi là con cô con cậu đã theo về phò Lê Lợi đánh giặc, giải phóng ách đô hộ nhà Minh. Ông cùng Nguyển Trãi lâp nhiều công lao, làm đến chức Tả Tướng Quốc và được ban cho quốc tính là họ Lê. Vì lấy cớ lập con cháu nhà Trần để kết giao với nhà Minh cho nên Lê Lợi tôn Trần Cao lên làm vua.
Nay việc chiến tranh đã xong,  Lê Lợi nghĩ mình có công bình định thiên hạ mà để cho kẻ khác làm vua thì không thuận nên tìm cách hạ Trần Cao. Trần Cao cũng biết chừng không ai để cho mình yên , bèn trốn vào châu Ngọc Ma thuộc phủ Trấn Ninh (thuộc địa phận Nghệ An) nhưng bị quan quân đuổi bắt được, đem về bắt uống thuốc độc mà chết. Lê Lợi sai sứ sang nhà Minh cầu phong nhưng  nhà Minh  yêu cầu phải tìm được con cháu nhà Trần  để lập làm vua. Lê lợi bắt các quan viên và phụ lão trong nước  làm tờ khai rằng con cháu nhà Trần thật không còn ai nữa và xin cầu phong cho Lê Lợi làm vua nước Nam.
 Đứng trước hoàn cảnh đó liệu con cháu họ Trần có ai dám xuất đầu lộ diện chăng?  Vốn có tầm nhìn rộng lớn, Trần Nguyên Hãn nghĩ đến cảnh con cháu Trần Tộc và thấy Lê Lợi có tướng  diều hâu, e sau này sẽ sát tướng nên cuối năm 1428  đã xin hưu quan về trí sĩ tại quê nhà Lập Thạch, Sơn Đông  nhưng một năm hai lần vua lệnh về kinh chầu. Đã liệu trước như vậy nhưng ông cũng không thoát được. Lê Thái Tổ là một ông vua anh tài nhưng hay nghi kị, nghe bọn gian thần Trịnh Bá Hoành, Lê Quốc Khí, Đinh Bang Bản vốn có hiềm khích với ông, đặt điều vu cáo: Ông xây phủ đệ lớn, cho đóng thuyền to, tậu voi ngựa, tuyển tráng binh để làm phản.
Ngày 26 tháng hai năm Kỷ Dậu (30/3/1429) vua sai 42 lực sĩ xá nhân đi bắt Trần Nguyên Hãn về triều hỏi tội. Gia nhân của ông đông, nhiều người giỏi võ nghệ, họ rất tức tối và khuyên ông chống lại lệnh vua. Nhưng ông nói: “Việc lớn đã thành, vua muốn giết ta. Ta không thể sống được với nhà vua, nhưng ta ra mặt chống lại, nhà vua sẽ viện cớ đó tàn sát giết hại hết con cháu họ Trần. Nay chỉ để mình ta và gia quyến chết là hơn”. Ông có ba bà vợ, bà cả có một người con tên là Trần Doãn Hữu, ông cho bà và con trốn vào rừng Thần. Bà hai Lê thị Tuyển có hai người con tên là Trần Trung Khoản đổi thành họ Quách, Trần Đăng Huy đổi sang họ Đào ở vùng Minh Nông, Việt Trì. Bà ba tên là Chúa Lôi có hai người con theo ông về Thăng Long chịu tội. Thuyền đến bến Đông Hồ trên dòng song Lô, ông ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Tôi với hoàng thượng cùng mưu cứu nước, cứu dân. Nay sự nghiệp lớn đã thành, hoàng thượng nghe lời dèm pha mà hại tôi. Xin Hoàng Thiên biết cho”, rồi ông trẩm mình xuống sông. Khi thuyền chìm, bà ba và một người con được người ta cứu thoát. Bà và con bị vua đem về quản thúc tại kinh thành.
Than ơi! Khi xưa Trần Thủ Độ tàn sát tông thất nhà Lý thế nào mà nay quả báo đã giáng vào con cháu họ Trần kinh đảm đến như vậy. Quả đúng như lời nguyền Lý Huệ Tông nói với Trần Thủ Độ: “ Ngươi tàn sát con cháu nhà Lý, sau này con cháu ngươi cũng sẽ bị như vậy”.
26 năm sau, năm Diên Ninh thứ hai (1455), vua Lê Nhân Tông xuống chiếu minh oan  cho ông, ra lệnh phục chức, truy phong  Phúc Thần và gọi con cháu ra làm quan, nhưng không ai dám ra. Duy chỉ có người con đang bị quản thúc tại Thăng Long  là Trần Quốc Duy được vời ra làm quan với chức Thiết Chế Lễ Tướng Công. Năm Canh Dần (1470), đời Lê Thánh Tông, hiệu Hồng Đức nguyên niên. Ông hưu quan sớm vì lý do gì không rõ, đưa bà và ba người con trai vào Tống Sơn, Thanh Hoa trí sĩ. Ở đây được sáu năm ông để bà và con trai cả Trần Đạo Tín ở lại, tiếp tục đưa Trần Công Sủng và Trần Thiện Tính vào làng Phì Cam tổng Quan Trung huyện Đông Thành phủ Diễn Châu. Sau thời gian ổn định ông lại cho Công Sủng trở về Thanh Hoa vào ở chùa Sãi thôn Kim Cốc xã Mai Lâm, Tĩnh Gia. Sau này Thiện Tính trưởng thành ông cùng con về ở làng Hào Kiệt xứ Tường Lai nay thuộc xã Vĩnh Thành, Yên Thành, Nghệ An.
Khi xưa Trần Quốc Khang , anh vua Trần Thánh Tông vào cai quản Diễn Châu phủ đóng hành dinh tại huyện Đông Thành rồi sinh con cháu tại đây hay là từ dòng con cháu Giản Định Đế, hoặc con cháu Trùng Quang Đế? Hay dòng Trần Nguyên Hãn?
Họ Trần ở Nghệ Tĩnh chủ yếu là địa bàn tỉnh Nghệ An. Trong ba huyện ngày nay là Diễn - Yên - Quỳnh  có câu:
                                              Việt Nam nhất Trần tộc
                                                 Nghệ An vô dị tính
Giải nghĩa:
                                               Việt Nam nhất họ Trần
                                        Nghệ An không có họ Trần khác
Tiếc thay! Năm 1954, cải cách ruộng đất. Bản tộc bị quy địa chủ, tất cả giấy tờ, sổ sách bị chính quyền đốt sạch, trong đó có cuốn gia phả Trần Công Tộc chép nơi phát tích.  Cũng may còn cuốn Phú Ý của cố tổ trưởng tộc Trần Công Danh chép lại vào năm Bảo Đại tứ niên (保大四年) còn lưu giữ được đến nay. Cho dù đã sờn rách nhưng thật quý giá đối với thế hệ hậu duệ Trần Công Tộc. Khi xưa, lúc thân phụ (Trần Công Cẩm陳公)còn sống thường hay kể sự tích dòng tộc rằng: Trong gia phả chép Họ ta phát tích từ Thanh Hoa và các tích của đời sau. Nhưng tuổi còn nhỏ, không nhớ hết . Đến nay chỉ còn thúc phụ Trần Công Diệu 陳公 đã 91 tuổi, là người cao niên nhất của đời thứ 10 còn nhớ ít nhiều sự tích dòng họ.
 Xét ra, họ Trần Nguyên Hãn Nghệ An có nơi phát tích cùng thời gian từ Thanh Hoa vào là tương đồng với họ Trần Công nhất.
Chỉ biết rằng, văn cúng của tộc Trần Công ngày trước:
Đại Nam quốc ……. Tuế thứ……niên……nguyên tiền Thanh Hoa tỉnh, hậu cư Nghệ An tỉnh, Diễn Châu phủ, Đông Thành huyện, Cao Xá tổng, Cao Xá xã, Phú Đông thôn…v…v…
Diễn Châu thời bắc thuộc có tên gọi bộ Hoài Hoan được đổi thành huyện Hàm Hoan thuộc quận Cửu Chân (đời Triệu) rồi quận Cửu Đức (đời Ngô) và quận Đức Châu (đời Lương). Năm Trịnh Quán thứ nhất (627) Đường Thái Tông đổi Đức Châu (Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay) thành Hoan Châu và Diễn Châu. Từ đó Diễn Châu là một trong mười hai châu của An Nam đô hộ phủ, trị sở đóng tại vùng Quỳ Lăng, nay thuộc xã Lăng Thành huyện Yên Thành.
Từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ XIII, trải qua các triều đại: Khúc, Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Diễn Châu là đơn vị hành chính riêng biệt. Dưới thời nhà trần, huyện Đông Thành còn có tên là Thổ Thành. Năm Long Khánh thứ 2 (1374), Trần Duệ Tông đổi Diễn Châu thành Diễn Châu lộ. Năm Quang Thái thứ 10 (1397), đổi thành trấn Vọng Giang. Năm 1400, Hồ Hán Thương lại đổi thành phủ Linh Nguyên.
Năm 1428, sau khi đánh bại quân Minh, Lê Thái Tổ chia nước ta thành 5 đạo. Diễn Châu thuộc đạo Hải Tây từ Thanh Hóa vào tận Thuận Hóa.
 Năm 1469 Lê Thánh Tông hiệu Hồng Đức định lại bản đồ cả nước, Diễn Châu quản trị hai huyện: Đông Thành và Quỳnh Lưu. Huyện Đông Thành gồm có 7 tổng : Cao Xá, Vạn Phần, Quan Trung, Quan Triều, Thái Trạch, Vân Tụ và Hoàng Trường (tức Diễn Châu, Yên Thành và một phần Nghĩa Đàn, Nghi Lộc ngày nay), trị sở đóng tại Đông Lũy (nay là xã Diễn Hồng). 
  Thôn Phú Đông 富東,Xã Cao Xá 高舍 tổng Cao Xá 高舍 huyện Đông Thành phủ Diễn Châu trấn Nghệ An . Nơi họ Trần Công 陳公 từ Thanh Hoa 清花 vào lập nghiệp từ bao đời nay là vùng đất nằm dọc ven biển ở vùng bãi ngang, cách phủ lị Diễn Châu xưa và nay về hướng đông nam khoảng 1.5 km . Phía nam cách cồn Trống, cồn Cờ, cồn Ngựa giáp làng Thịnh Mỹ, phía tây giáp xóm Đồng và phía bắc giáp xóm Vân, xóm Hà của làng Phú Trung. Phía đông  giáp biển Đông. Hiện nay thôn Phú Đông (xóm 11) phía đông cách biển 500m, phía tây cách quốc lộ 1A 500m. Là vùng đất được hình thành trong quá trình biển tiến biển lùi nên xã Cao Xá sở hữu cồn Sò do xác những con sò được sóng biển đẩy vào lâu ngày thành cồn, đống kéo dài từ làng Tiền Lý, tổng Vạn Phần vào đến chân núi Mộ Dạ tổng Cao Xá nên được gọi là dãi Long Cương (Cao Xá Long Cương).Theo các nhà nghiên cứu và sử sách ghi lại thì phủ Diễn Châu được coi là vùng đất “Viễn trấn” nơi “Phên dậu” của các triều đại xưa. Phía nam có nước Lâm Ấp (tức Chiêm Thành từ Quãng Bình trở vào), Phía tây có nước Bồn Man (tức vùng Quỳ Hợp, phía tây Nghệ An). Mãi đến thời Lý-Trần-Lê mới được khai phá. Dòng người di cư vào vùng đất này chủ yếu là tù phạm bị lưu đày hoặc người dân trốn chạy tránh sự đè nén của quan lại và chiến tranh. Ngoài ra còn các quan lại và tướng lĩnh được triều đình phái vào trấn giữ biên cương phía nam…v…v… Vùng đất xã Cao Xá hình thành làng xã ổn định từ khoảng 500 – 600 năm trước, tức là vào khoảng thời Hồng Đức (vua Lê Thánh Tông).
Thời Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức. Đệ nhất sơ tổ Trần Phúc Tú 陳福秀 Từ Thanh Hoa 清花vào Diễn Châu phủ 演州 huyện Đông Thành東城 sinh sống. Tục truyền rằng : Tổ trên một cái bè chuối trôi dạt vào vùng đất Phú Đông 富東. Điều này cũng chỉ là nhận định của đời sau chứ chưa hẳn là xác thực. Cũng có thể là tổ ở một nơi nào đó trong tổng Cao Xá高舍, đến đời đệ ngũ thế tổ Trần Danh Vịnh mới chuyển về thôn Phú Đông. Tổ  có tên Tú , có nghĩa là lúa đơm bông. Phàm các loài cỏ đơm hoa đều gọi là Tú, hoặc như bên tàu, những người đi học đều được gọi là tú tài秀才. Tổ kết hôn với tổ bà Nguyển A Nương (có nghĩa là không rõ tên của tổ bà nên chép là A Nương) tự Trung Thiện 阮忠善. Hai tổ sinh được bao người con không rõ. Trong đó có người con là Trần Công Tụy. Các thế hệ sau này đều cho tổ là đệ nhất đại thế hệ của tộc Trần Công. Nhưng khi nghiên cứu kỹ thì ngài là sơ tổ thứ nhất của dòng Trần Công. Tổ ông mất ngày mồng năm tháng tám, tổ bà mất ngày mồng hai tháng chín. Mộ ông bà sau này  được đem về táng tại cồn Trống.
Đệ nhị sơ tổ Trần Công Tụy陳公萃 là con trai của tổ Phúc Tú. Lớn lên tổ lập gia đình, không rõ tổ bà tên là gì. Không biết vì lý do gì mà Phú Ý chép rất sơ lược, không có ngày kỵ, thậm chí tổ bà chép : Bất tri danh hiệu 不夊名号. Hai tổ sinh được bao người con không rõ. Trong đó có người con trưởng là Trần Công Quán. Không rõ nơi táng và ngày kỵ của hai tổ.
Đệ tam sơ tổ Trần Công Quán 陳公貫là con trưởng của tổ Trần Công Tụy. Chữ Quán có nghĩa là cái dây xâu tiền, làm một việc gì thông suốt cũng được gọi là Quán. Lớn lên tổ kết hôn với bà nhị nương họ Đậu , không rõ tên húy hiệu Từ Mỹ 杜慈美. Hai tổ sinh được bao người con không rõ, nhưng có người con  tên là Trần Công Trọng. Tổ ông kỵ ngày mười bốn tháng bảy, tổ bà kỵ ngày hai mươi ba tháng tám. Mộ ông bà sau này táng tại cồn Trống.
Đệ tứ sơ tổ Trần Công Trọng 陳公仲 là con của tổ Trần Công Quán, không rõ tổ là con thứ mấy trong gia đình. Chữ Trọng có nghĩa là giữa, con trai thứ hai cũng được gọi là trọng nam, tháng thứ hai của tiết cũng được gọi là trọng như trọng xuân, trọng thu. Lớn lên trong hoàn cảnh đất nước ly loạn , chiến tranh Lê - Mạc. Năm 1540, tướng của Lê Trang Tông là Nguyển Kim từ Lào tiến quân về Nghệ An đánh nhà Mạc lập nên nhà Lê Trung Hưng. Với quan điểm nhà Lê là chính thống, tổ Trần Công Trọng đã theo Nguyển Kim phò Lê diệt Mạc. Tổ kết hôn với tổ bà họ Nguyễn, không rõ tên, hiệu Từ Trường 阮慈. Hai tổ sinh bao nhiêu người con  không rõ, trong đó có người con thứ ba tên là Trần Công Toại. Đương thời tổ phò nhà Lê làm đến chức quan gì không thấy chép, nhưng sau khi mất được thụ phong chức Phấn Lực Tráng Tiết tướng quân, thụy là Thuần Chính . Sau khi mất, mộ ông bà không thấy chép táng ở nơi nào. Năm 1977, nhà nước cho các làng di dời tiến ra lấn biển hoặc đi khai phá vùng kinh tế mới để lấy đất trồng trọt. Đồng thời di dời lăng mộ của các họ về quy tập một nơi nhất định. Ở  đồng Sò có hai ngôi mộ tại ruộng ông Khoa Tuấn xóm Hiệu, sau khi bốc lên vẫn còn nguyên cốt. Trong mồm của hai bộ cốt vẫn còn ngậm hai đồng tiền to như hai đáy bát cơm. Lúc đó chú Trần Công Diệu mang hai đồng tiền đem về hỏi cố Cư (cháu ngoại họ Trần) là người biết nhiều chữ nho, xem là hai đồng tiền của đời vua nào? Bản thân cố Cư cũng không biết là đời vua nào, thậm chí không biết chữ trên đồng tiền là chữ gì. Vào thời nhà Hồ vẫn còn sữ dụng tiền giấy, mãi đến nhà hậu Lê mới cho đúc tiền đồng. Thời Hồng Đức, vua đã ra lệnh những đồng tiền dù bị sứt mẻ mà vẫn xâu được phải sữ dụng để tránh lãng phí ngân quỹ nhà nước, ai không thực hiện thì bị tội. Từ đó tiền của thời vua trước vẫn được sữ dụng cho thời vua sau nếu không hỏng. Đến thời nhà Mạc vẫn sữ dụng tiền thời Lê. Các đời vua vẫn phải đúc tiền để bổ sung những đồng tiền bị hỏng và mang niên hiệu của  chính mình như Hồng Đức Thông Bảo hay Cảnh Thống Thông Bảo…v…v…. Hai ngôi mộ ở đồng Sò không có bia mộ nhưng có thể là của ông bà Phấn Lực Tráng Tiết tướng quân Trần Công Trọng. Bởi vì người quyền quý giàu sang mới cho tiền vào mồm sau khi mất. Đồng tiền to dày nhất được đúc vào thời Hồng Đức để tránh hư hỏng, những vua sau này đúc tiền thường nhỏ và mỏng dần đi. Thời kỳ chúa Nguyễn cai quản đàng trong không có mỏ đồng nên vẫn phải sữ dụng tiền vua Lê ở đàng ngoài. Ngày xưa, sau khi mất thường được chôn trong trong ruộng của nhà mình. Đồng Sò nằm trong dãi Cao Xá Long Cương, gần với thành Phủ Diễn, có thể là nơi đất ban cho quan lại trấn thủ xứ đó. Sau này vì lý do nào đó trở thành ruộng của người khác. Tổ ông kỵ ngày mười hai tháng ba, tổ bà không rõ ngày kỵ.
Bàn rằng:
 Phú Ý chép: Tiền triều Lê trung hưng lịch thụ hiệp chức Phấn LựcTráng Tiết tướng quân Trần quý công tự Trọng Thuần Chính phủ quân 前朝黎中興 奮力將君  陳貴公字仲淳正府君.
 Vậy ông làm quan  triều Lê Trung Hưng từ ngày đầu Lê Trang Tông dấy binh từ Lào về Nghệ An (1540) để khôi phục trung hưng triều Lê sau khi nhà Mạc cướp ngôi?Nếu lấy từ mốc thời gian này ngược lên ba đời sơ tổ nữa là khoảng 75 năm (ước tính 25 năm một đời) tức cụ tổ Trần Phúc Tú  từ Thanh Hoa vào Đông Thành là khoảng năm 1465. Tương ứng vào thời vua Lê Thánh Tông niên hiệu Quang Thuận (1460 -1469) hoặc Hồng Đức (1470 -1497). Đây là mốc lịch sử quan trọng cho ta tìm về cội nguồn. Họ Trần Nguyên Hãn Nghệ Tĩnh phát tích từ Thanh Hoa vào Đông Thành cùng thời gian này .
Gia phả dòng trưởng Trần Chân Tịch:
(Lập năm Lê Thần Tông hiệu Vĩnh Tộ ngũ niên – Tuế thứ Quý Hợi - 1623):
經久年間有法度公貫山南以天皇正派至黎聖宗号洪德移居清花省宋山縣,後遷移驩州太舍社肥甘寺後遷豪強村.善性住在處富有村生下得三男.長男陳真籍住在鄉東塔社.次男字真性住黃梅社旁和館,再遷...季子陳真天住在佳樂鄉楳.
Kinh cửu niên gian hữu Pháp Độ công quán Sơn Nam dĩ thiên hoàng chính phái. Chí Lê Thánh Tông hiệu Hồng Đức di cư Thanh Hoa tỉnh, Tống Sơn huyện, hậu thiên di Hoan châu, Thái Xá xã, Phì Cam tự, hậu thiên Hào Cường thôn. Thiện Tính trú Cồn Dù xứ, Phú Hữu thôn, sinh hạ đắc tam nam. Trưởng nam Trần Chân Tịch trú tại làng Dàn, Đông Tháp xã, Thứ nam hiệu Chân Tính trú tại Hoàng Mai xã, Bàng Hòa quán, tái thiên..., Quý nam Trần Chân Thiên trú tại Giai Lạc làng Mõ.
Gia phả dòng thứ Trần Huyền Thông, chi họ Yên Hậu, Diễn Lâm, Diễn Châu:
(Do cụ Trần Thuần Tín biên lập từ năm Đinh Hợi 1647 - Tân Mão 1651).
我別祖法度公以天皇正派(辰懼禍不敢祥所出).黎聖宗年間告往本見父自沉而死,得贈太尉.年間移居清花省,宋山縣,再遷泰舍社,住持肥甘寺即蓮花寺,得福地財豪強村.善性公俗号翁真常,爸真常生三男
 Ngã biệt tổ Pháp Độ công dĩ thiên hoàng chính phái (Thời cụ họa bất cảm tường sở xuất). Lê Thánh Tông niên gian cáo vãng bản kiến phụ tử trầm nhi tử, đắc tặng Thái úy. Niên gian di cư Thanh Hóa tỉnh, Tống Sơn huyện, tái thiên Thái Xá xã, trú trì Phì Cam tự tức Liên Hoa tự, đắc phúc địa tài Hào Cường thôn. Thiện Tính công tục hiệu ông Chân Thường, bà Chân Thường sịnh hạ tam nam.
Gia phả dòng thứ Trần Chân Thiên, Chi họ Diệu Ốc, Phúc Thành, Yên Thành:
(Bảo Đại bát niên, Tuế thứ Quý Dậu 1933, Cử nhân Trần Nguyên Tự phụng thảo Thế phổ tiểu dẫn).
我祖法度公以天皇正派(辰懼对不敢祥所出).於黎洪德聖宗五年(甲午)與第二人始自山南遷清花住六年.留長次二子與祖爸在宋山縣,乃攜第三男善性公往古驩尋遷泰舍(往辰二弟一居東塔社一居黃梅總)住持肥甘寺(号蓮花寺)內道著名,卜壽藏在豪強村福地後鄉處,坐卯向酉今存,築土宅在富有處(古号娘毛).男善性公号真常生三男...
法度公富有支奉祀.啟定初敕封赫濯法度陳相公贈 tủng拔翊保中興中等神.
Ngã tổ Pháp Độ công dĩ thiên hoàng chính phái (Thời cụ đối bất cảm tường sở xuất). Ư Lê Hồng Đức – Thánh Tông ngũ niên (Giáp Ngọ), dữ đệ nhị nhân Thỉ tự SơnNam thiên Thanh Hóa trú lục niên. Lưu Trưởng, thứ nhị tử dữ tổ Bà tại Tống Sơn huyện, nãi huề Đệ tam nam Thiện Tính công vãng cổ Hoan, tầm thiên Thái Xá (vãng thời nhị đệ, nhất cư Đông Tháp xã, nhất cư Hoàng Mai tổng), trú trì vu Phì Cam tự (hiệu Liên Hoa tự) nội đạo trứ danh, bốc thọ tàng tại Hào Cường thôn phúc địa Hậu làng xứ, tọa Mão hướng Dậu kim tồn, trúc thổ trạch tại Phú Hữu, Cồn Dù xứ (cổ hiệu Nương Mao). Nam Thiện Tính công hiệu Chân Thường sinh tam nam...
...Pháp Độ công Phú Hữu chi phụng tự, Khải Định sơ sắc phong Hách trạc Pháp Độ tướng công, tặng Tủng bạt Dực bảo Trung hưng trung đẳng Thần”.
Đệ ngũ sơ tổ Trần Công Toại 陳公遂 là con thứ ba (Bính Chi) của tổ Trần Công Trọng. Chữ Toại có nghĩa là toại nguyện, đạt được ước vọng mình mong muốn. Hai người anh Giáp Chi và Ất Chi không thấy chép trong Phú Ý. Sinh ra trong chiến tranh Lê – Mạc tổ lớn lên đã theo cha chinh chiến và được nằm trong hàng ngũ ưu binh. Khi đó Công lao giúp phù nhà Lê trung hưng, chủ yếu là người Thanh Hoa và Nghệ An. Do đó nhà Lê lập “đội quân cận vệ”,  đã lấy con cháu dòng dõi công thần, quan lại ở hai tỉnh này, gọi ưu binh. Sau này tổ lập nhiều công lao với nhà Lê nên được phong chức Bách Hộ, tức hàng quan võ chánh lục phẩm. Tổ kết hôn với tổ bà nhất nương Thái Thị Trị hiệu Từ Thuận, hai tổ sinh bao nhiêu người con không rõ nhưng có hai người con tên làTrần Công Sính,Trần Công Trực. Sau khi mất tổ được vua phong chức Phấn Lực Tráng Tiết tướng quân và ban cho tên thụy là Vũ Bá 武伯. Theo quan chế từ thời Hồng Đức có năm tước để ban cho quan lại gồm: Công , Hầu , Bá , Tử , Nam . Thường tước Công tước Hầu là để ban cho con cháu trong tông thất nhà vua. Còn tước Bá, Tử, Nam là để ban cho quan lại ngoài tông thất. Không rõ ngày kỵ của hai tổ.
Bàn rằng: Họ ta xuất phát từ Bính Chi, vậy trên Bính Chi còn phải có Giáp Chi và Ất Chi. Vậy Giáp Chi và Ất Chi li tổ đi đâu. Tổ Trần Công Toại là con thứ ba làm quan nhà Lê trung hưng thì hai người anh chắc chắn phải là quan triều Lê. Do chiến tranh, có thể hai người anh đã theo lệnh vua đi trấn thủ các nơi xa, ly tổ lập nghiệp luôn nơi đó. Hoặc có thể còn lý do nào đó gây nên cảnh ly loạn. Còn người em Trần Công Toại ở lại quê hương phụng thờ tổ tiên. Đây coi như là một giai đoạn phân chi của Trần Công Tộc?
Tổ cô bà Trần Thị Trương 陳氏張 hiệu Quế Hoa Nương 桂花娘 thần tiên (không rõ thế thứ) là người được rất nhiều chi phái họ Trần hiện nay thờ phụng như làng Phùng, Hà Tây, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…v…v…. Có lẽ bà có công lớn đối với họ Trần nên được con cháu nhiều chi thờ phụng.
 Mặc dù cùng chép vào mục Giáp Chi nhưng được phân biệt bởi Tổ cô bàTổ cô nên có thế thứ cao hơn hai tổ cô:
-Tổ cô bà Trần Thị Trương Quế  Hoa Nương thần tiên陳氏張桂花娘神仙.
-Tổ cô Trần A Nương húy thị Thơi 陳氏hiệuTừ Hòa 𦈱, thập nhất nguyệt thập ngũ nhật kỵ
-Tổ cô Trần A Nương hiệu Từ Thuận 𦈱Nhụ nhân, thất nguyệt nhị thập bát nhật kỵ.
Vì một lý do nào đó mà chép gộp lại tổ cô bà và tổ cô. Không rõ ngày kỵ của tổ cô bà.
Tổ cô Trần A Nương húy thị Thơi hiệu Từ Hoà và tổ cô Trần A Nương (không rõ tên huý) hiệu Từ Thuận được Phú Ý chép GIÁP CHI. Vậy ai là người đã sinh hai tổ cô? Phải chăng người anh trưởng của đệ ngũ sơ tổ Trần Công Toại sinh hai người con gái rồi để lại quê nhà cho tổ Công Toại nuôi dưỡng. Sau hai tổ cô mất sớm khi chưa lập gia thất nên BÍNH CHI của tổ Công Toại thờ phụng? Tổ cô hiệu Từ Hoà kỵ ngày mười lăm tháng mười một, tổ cô hiệu Từ Thuận kỵ ngày mười tám tháng bảy.
 Đệ lục sơ tổTrần Công Sính 陳公逞 là con trưởng của tổ Trần Công Toại, chữ Sínhcó nghĩa là sướng. Lớn lên tổ kết hôn với tổ bà người họ Hoàng tên thị Hiên 簧氏軒. Hai tổ sinh được bao nhiêu người con không rõ. Không hiểu vì sao cha ông làm quan đến chức Bách Hộ mà con lại không xưng tập ấm (quan chế thời Lê thì cha làm quan, con đều được xưng tập ấm, hay chăng vì gặp nạn nên không để lộ thân phận).
Hoan Châu Ký chép: Bấy giờ Thanh Quận Công Trịnh Tráng nhận thấy cha là Bình An VươngTrịnh Tùng tuổi già sức yếu mà em là Vạn Quận Công Trịnh Xuân có ý muốn cướp đoạt ngôi vương, lại thường chơi thân với quan án thủ Nghệ An là Thái Tể Nhạc Quận Công (tức con rể vua trước, không rõ tên,có phải là người họ Trần ta không?), bèn tâu với vua: Nghệ An là đất quan trọng, nơi yết hầu của quốc gia, để khống chế vùng biên, phải kén cho được người trọng thần thân thích có công lao để cai quản vùng đất đó, phòng sự uy hiếp từ bên ngoài. Nhà vua nghe theo, bèn sai Thắng Quận Công Nguyển Cảnh Hà (con rể Trịnh Tùng, sau được ban quốc tính là họ Trịnh) vào trấn giữ đất Nghệ An. Trước khi đi Trịnh Tráng đã dặn dò Cảnh Hà một số ý kín.
 Vì không được cha cho kế nghiệp, con thứ là Vạn Quận Công Trịnh Xuân dấy binh làm loạn, đốt phá kinh kỳ (Đông Kinh) gây nên cảnh loạn lạc. Vua Lê Thần Tông niên hiệu Vĩnh Tộ phải chạy đến trú tại chợ Nhân Mục huyên Thanh Trì. Bình An Vương Trịnh Tùng bỏ thành chạy tới xứ Quán Bạc, xã Hoàng Mai, Huyện Thanh Trì. Trịnh Tùng viết thư dụ Trịnh Xuân đến nơi trú ngụ sai viên Chưởng Giám Bùi Sĩ Lâm lấy rìu chặt chân rồi vất ra ngoài, Xuân đau quá, mất máu mà chết.
Ngày Kỷ Mão(20/6/1623) niên hiệu Vĩnh Tộ,Trịnh Tùng mất. Trịnh Tráng đến sông Ninh Giang phát tang rồi sai Hợp Quận Công sửa soạn mười chiếc thuyền rước linh cữu theo đường thủy đưa về an táng tại Thanh Hoa. Trịnh Tráng đích thân dẫn các quan văn võ cùng các doanh cơ binh lính phò hoàng thượng theo đường bộ về giữ đất căn bản là Thanh Hoa  để lo việc dẹp loạn.
Thắng Quận Công Cảnh Hà đem quân tới Nghệ An. Nghe tin thái tể Nhạc Quận Công đóng quân tại xứ Vạn Lô, huyện Đông Thành, Diễn Châu (có lẽ là gần sông Lạch Vạn của xã Cao Xá, nơi có kênh nhà Lê để vận chuyển binh lương thời chiến tranh Lê - Mạc). Cảnh Hà bèn dời quân bản bộ đến đóng ở chợ Sa Nam, huyện Nam Đường, Hoan Châu (nay là huyện Thanh Chương và Đô Lương) để nghe động tĩnh. Đến khi nghe tin kinh thành có biến, tin Bình An Vương mất cũng vừa loan tới Ngệ An. Cảnh Hà lập tức đem quân đến Vạn Lô vây chặt phủ đệ Nhạc Quận Công. Nhạc Quận Công sợ hãi, mũ áo chỉnh tề ra ngoài doanh trại tiếp đón. Sau khi yên vị, Nhạc Quận Công hỏi Cảnh Hà:“Già này bất tài, vâng mệnh giữ nơi phiên trấn, vốn không hiềm khích với ai, vậy mà nay bỗng dưng được tin phò mã Nguyển lang mang quân tới áp sát doanh trại, khiến già này phát hoảng là cớ làm sao?”Cảnh Hà đáp: “Bậc lão tướng của nước nhà lòng trung thành thấu nhật nguyệt. Nếu nghe có mệnh vua, đến trước để  nhận lãnh, thì việc gì mà phải ngờ sợ! Nay Vạn Quận Công nổi loạn ở kinh kỳ đã bị giết chết. Còn chúa ông (Trịnh Tùng) thì bỏ đô thành chạy loạn, đã mất ở dọc đường. Vương thế tử đưa hoàng thượng cùng toàn bộ văn võ bá quan, quân thủy bộ các doanh cơ về giữ đất căn bản, nhân đó phái người đi suốt đêm để báo tin. Có mật chỉ sai tiểu tướng tôi đem binh mã bản bộ tới đây đón Thái Tể trưởng quan vào chầu để cùng bàn việc nước, ổn định quốc gia. Mong Thái Tể trưởng quan sớm tuân mệnh, đặng cởi bỏ mọi mối nghi ngờ”. Nhạc Quận Công nói: “Quyền sinh quyền sát là do tự bề trên, tôi không phải là kẻ bất trung,việc gì phải lẩn tránh!” Nói rồi sai quân lính sắp hương đèn, bày nghi trượng, cùng Thắng Quận Công làm lễ. Lễ xong, thu dọn của cải cùng binh mã kéo tới phủ Yên Trường ở Thanh Hoa. Nhạc Quận Công vào chầu, mệnh hệ thế nào không rõ. Nhưng thử hỏi Trịnh Xuân là con ruột mà Trịnh Tùng còn không tha, huống hồ Nhạc Quận Công thì lẽ nào Trịnh Tráng để yên. Sau khi  an táng  xong cho Trịnh Tùng, Trịnh Tráng đốc quân trừ diệt hết những người theo Trịnh Xuân.  Đây là thời mốc tộc Trần như họ Cao Trần ở Nha Chữ, Nam Định. Họ Nguyển Trần ở Nghệ An… v…v... đều từ Thanh Hoa, nơi Trịnh Tráng sau khi nối ngôi vương đã thanh trừng phái của Trịnh Xuân, một lần nữa chạy nạn.
Theo lệ làng xưa, người già trên 60 tuổi không phải đi phu dịch nữa hoặc có công với làng đều được danh xưng Lão Nhiêu hay Nhiêu Nam. Tổ mất khi chưa được 60 tuổi nên sau khi mất Phú Ý ghi là tiền Nhiêu Nam. Không rõ ngày kỵ của hai tổ.
Đệ lục sơ tổ Trần Công Trực 陳公直 là con trai thứ hai tổ Trần Công Toại. Chữ có nghĩa là chính trực, ngay thẳng.  Ông mất khi còn trẻ chưa lập gia thất hoặc khi chưa có con nên bà đã thế tục nên trong  Phú Ý không chép tên bà. Không rõ ngày kỵ của tổ.
Bàn rằng: Đây có phải một lần nữa nghiệp quan trường gây nên cảnh phe phái thanh trừng lẫn nhau của triều vua Lê chúa Trịnh. Có thể nói Phú ý Trần Công Tộc từ đây trở lên là các bậc sơ thế tổ đời trên, không hiểu vì sao lại không chép thế thứ. Thậm chí chép có phần sơ lược. nhất là các tổ bà, hầu như không biết tên húy hoặc bất tri danh hiệu. Duy nhất chỉ có tổ bà sơ tổ thứ năm là có tên húy Thái thị Trị, nhưng ngày kỵ húy của hai ông bà lại không có. Với hoàn cảnh này, con cháu chúng ta có thể nhận định: Dòng họ ta đến đời sơ tổ thứ sáu Trần Công Sính là thất truyền chăng. Vì sao lại như thế?
Phải chăng đúng như hoàn cảnh thanh trừng đẫm máu của triều Vĩnh Tộ và chúa Trịnh Tráng đã gây nên cảnh ly loạn trong thời gian dài. Tiếp đến là thời kỳ chiến tranh Trịnh Nguyễn xảy ra ác liệt. Nghệ An là nơi biên trấn và cũng là chiến trường giằng co khốc liệt nhất của hai nhà Trịnh, Nguyễn. Chiến tranh làm cho làng mạc tiêu điều, dân cư phải chạy lánh nạn binh đao, thậm chí còn phải sung lính nên không có điều kiện chép các tổ từ nhất thế tổ đến tam thế tổ. Tiếp đến là loạn tam phiên do nhà Tây Sơn nổi dậy tiêu diệt chúa Trịnh,  Nguyễn. Đến thời vua Gia Long thu giang sơn về một mối, cảnh thanh bình trở lại,  lúc đó con cháu có điều kiện tiếp tục chép thì không còn biết tên các đời trên. Duy chỉ còn cuốn gia phả chép các sơ tổ đời trên đã bị mờ nát không còn rõ chữ nên sao biên sơ lược. 
Nói đến đây là để nhận định rằng Trần Công Tộc ta ba đời thất truyền. Từ đệ nhất thế tổ đến đệ tam thế tổ không có tên trong Phú Ý.
-Tại vì thứ nhất là tại sao có tứ thế tổ mà không có tam thế tổ, nhị thế tổ, nhất thế tổ. Nếu bảo không phải vô truyền thì từ sơ tổ Trần Phúc Tú xuống thì tứ thế tổ phải là đệ thất thế tổ chứ không phải là tứ thế.
-Thứ hai là xét về niên đại, Trần Công Tộc ta tính từ sơ tổ Trần Phúc Tú có niên đại khoảng thời Hồng Đức (1470)  trãi đến năm Nhâm Thìn (2012) là được 542 (năm trăm bốn  mươi hai) năm. Vậy mà mới có 16 (mười sáu) đời, trung bình khoảng 34,5 năm (ba mươi tư năm rưỡi) một thế hệ là không hợp lý. Lấy luôn ví dụ trong họ ta, ông Trần Công Đạm là muộn con, cháu nhất. Ông sinh năm  (1900), năm 32 tuổi mới sinh Trần Công Cẩm. Ông Trần Công Cẩm 41 tuổi mới sinh Trần Công Trung. Trần Công Trung 39 tuổi mới sinh Trần Công Khôi vào năm 2012. Như thế là trãi 112 năm có 4 thế hệ, trung bình chỉ có 28 (hai mươi tám) năm một thế hệ. Vậy họ ta trãi dài 542 năm thì trung bình là 25-28(hai mươi lăm đến hai mươi tám) năm có một thế hệ. Vậy họ ta đã có 19 đời mới đúng. Đây là cách tính hợp lý nhất mà hiện nay các dòng họ công nhận. Hiện họ đã có 16 (mười sáu) đời, cộng với 3(ba) đời thất truyền nữa là 19 (mười chín) đời.
Tứ thế tổ Trần Phúc Tính 陳福姓 là người đầu tiên được chép thế thứ. Chữ Tính có nghĩa là họ, ví dụ họ Trần được gọ là Trần tính 陳姓. Tổ là người đầu tiên được đặt Giáp Chi, vậy có thể nhận định ông là người sau cảnh hoạn nạn được con cháu của dòng họ chép trong  Phú Ý, thời gian này cũng có thể xem như Trần tộc lại một lần nữa phân chi. Tổ sống vào vận hậu suy nhà Lê thời kỳ Lê Dụ Tông  黎裕宗  niên hiệu Bảo Thái 保泰 đến Lê Hiển Tông 黎顯宗  niên hiệu Cảnh Hưng 景興 (tức khoảng năm 1720 – 1780). Lớn lên ông lập gia thất với tổ bà người họ Đậu không rõ tên húy, hiệu Vũ Nương 杜雨娘. Hai tổ sinh được 4 người con trai và bao nhiêu con gái không rõ. Trưởng nam tên Danh Vịnh, nhị nam không rõ tên, tam nam tên Công Trọng, tứ nam không rõ tên. Sinh thời ly loạn, gia đình phiêu bạt, tổ nhờ bạn tâm giao là Đậu Công Vệ nuôi dưỡng Danh Vịnh, nhận làm dưỡng tử. Kỵ tổ ông vào ngày hai ba tháng mười. tổ bà vào ngày mười ba tháng tám.
Ngũ thế tổ Trần Danh Vĩnh  陳名永 là con trưởng của tứ thế tổ Trần Phúc Tính. Chữ Vĩnh có nghĩa là lâu dài, mãi mãi. tiếng địa phương đọc Vĩnh thành Vịnh. Ngũ thế tổ có niên đại ứng vào thời Tây Sơn, lúc này Diễn Châu phủ thuộc trấn Nghĩa An quản lĩnh. Khi xưa, nhà Tây Sơn 西山 , tức vua Quang Trung Nguyễn Huệ 光中阮恵  được coi là đảng ngụy. Còn nhà Lê vẫn được coi là triều chính thống.  Ngày hai mươi lăm tháng mười một năm Mậu Thân (1788), Quang Trung tự mình dẫn đại binh ra bắc đánh giặc Thanh. Ra đến Nghệ An dừng lại mười ngày, kén thêm mười vạn binh lính , lương thực và 100 thớt voi làm cho nhân dân phải trốn chạy, tránh tòng quân và nộp binh lương. Trong gia phả chi họ Trần Thái Hậu Diễn Tháp có lời tựa rằng:
Cái văn : Mộc chi thiên kha vạn diệp bản ư căn. Thủy chi thiên lưu bản ư nguyên. Căn nguyên hà tòng bách diệp chi mộc khởi tự manh nha hà xuất côn luân quy vu đại hải, cố nhân chi sinh dã, căn tòng thái thể kỳ ngũ hành hà kỳ sở do viết :
Bản hồ tổ tích đường đôn cửu tộc Hán phụng lục thân phàm thử giai sở phản kỳ bản dã, vi nhân tử giả niệm tổ xưng chi cơ căn giám vân nhưng chi hộ phiến quang vu tiền, thùy vu hậu như nhật tinh chi kinh thiên, như giang hà chi bố địa ức vạn tư niên, vật thế dẫn chi. Ngã tộc đông châu thác thỉ Vĩnh ấp hiệu viết Vĩnh Tuy triệu cơ lịch thế. Tương truyền tử tôn phồn diễn văn khoa võ sắc đại hữu đẳng nhân, nhất mạch triệu bồi khánh lưu miêu duệ thịnh hỹ tai.
Vô nại, Lê triều Cảnh Hưng niên gian lưu cư Đông Tháp, Lý Trai nhị xã, khai khẩn điền viên cận bách dư mẫu, thượng Bồ Lôi giáp hạ Đồng Phần trang cập chí chất thành biệt chiếm, tài đắc ngũ mẫu huynh đệ thượng hạ phân cư, hợp dữ Xuân Đào, Cồn Ngọc nhị thôn vi Cát Xuyên xã, Phú Thọ thôn sử vượng chi hậu bất thiêm tiền cổ, y nông chi sự hà cảm vu danh.
Tái chí Chiêu Thống mạt ngộ Tây (Tây Sơn) chi loạn tam phiên, nội tộc lưu tán các các tha phương.
Hạnh ngộ Thánh triều Gia Long phục bình Tây chi cường vũ khai khẩn sơn hà, thử nhi sảo sảo phục hồi an cư lạc nghiệp, thử chi vu tiền tương nhiên nhi đương tiền sự tích, tồn thế thứ vô truyền.
Dịch nghĩa:
Thưa rằng : Cây có nghìn cành muôn lá nhưng cùng chung một gốc. Nước có nghìn suối muôn khe nhưng cũng do một nguồn mà có.
Cây gốc, nước nguồn là quy luật của thiên nhiên tạo hóa, cây sống nhờ đất, nhờ nước. Nước thuận chiều xuôi dòng chảy về biển cả, cho nên con người đều liên quan đến nước, đến cây. Đó là luật vạn vật tương quan của ngũ hành (Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ).
Bàn rằng : Con người ta phải có cội nguồn gốc rễ Tổ tiên, mới có con cháu hậu duệ ngày nay. Vậy nên đạo làm người làm con phải biết truy từ cội nguồn Tổ tiên ta ngày trước, thì mới làm rạng rỡ con cháu ngày nay, để trường tồn vĩnh cửu như tinh tú trên không, như núi sông trên mặt đất, thật là muôn đời bất tử vậy.
Họ Trần ta buổi đầu ở Vĩnh Ấp hiệu viết Vĩnh Tuy, gây dựng cơ nghiệp nhiều đời, tương truyền con cháu nhiều đời phồn vinh dồi dào, thời đại nào cũng có người khoa bảng lừng danh, chiến công hiển hách. Thật là một nền phúc ấm dày sâu lưu truyền cho hậu duệ vậy.
Khoảng triều Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng (1740 – 1786), lưu cư ra thôn Đông Tháp, xã Lý Trai khai khẩn ruộng vườn hơn một trăm mẫu, phía trên từ Bồ Lôi xuống, phía dưới giáp trang Đồng Phần, dần dà biến thành của riêng của dòng họ. Chọn được vùng đất 5 mẫu, anh em trên dưới chia nhau làm nhà ở, cùng với làng Xuân Đào, Cồn Ngọc sau thành xã Cát Xuyên làng Phú Thọ.
Anh em trong họ đều làm nghề cày ruộng, cũng có người làm nghề thầy thuốc trị bệnh cho nhân dân. Điểm tích như vậy đâu giám nói vu.
Đến cuối đời vua Lê Chiêu Thống (1787 – 1788), gặp ba lần loạn lạc, Tây Sơn khởi nghĩa anh em lưu tán khắp nơi. May gặp thời vua Gia Long đánh bại nghĩa quân Tây Sơn, thâu tóm sơn hà về một mối. Bấy giờ anh em trong họ mới dần dần trở về quê cũ vui vẽ làm ăn, phồn vinh thịnh đạt.
Đó là sự tích của Tổ tiên ta ngày trước vậy, còn thế thứ dòng đời thì không truyền lại được.
Như sấm trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã truyền:
Đầu cha lộn xuống chân con
Mười bốn năm tròn hết số thì thôi.
Quang Trung có chữ hán là 光中, con là Cảnh Thịnh có chữ 景盛. Đầu chữ Quang lộn xuống chân chữ Cảnh , đúng như sấm đã dạy, triều Tây Sơn chỉ được mười bốn năm thì mất. Triều Nguyễn khôi phục, năm Nhâm Tuất (1802) Gia Long lên ngôi hoàng đế, thống nhất sơn hà, đất nước được yên bình.
Sau cơn hoạn nạn của dòng họ, có lẽ tổ được gia đình  ông Đậu Công Vệ 杜公衛 là người trước đây ở ấp Trung Kỳ, sau chuyển đến thôn Phú Đông  định cư giúp đỡ. Cảm ân nghĩa của gia đình ông, lớn lên tổ kết hôn với  con gái lớn của ông là nhất nương  tên Đậu thị Tuyên 杜氏宣. Ông bà sinh hạ được hai người con trai: nhất nam Trần Phúc Tâm, nhị nam Trần Công Tuyên. Đương thời Lão Nhiêu Đậu Công Vệ sinh được hai người con: Trưởng  nam là Đậu Công Vận và con gái là vợ tổ Danh Vịnh. Ngoại bá Đậu Công Vận mất sớm khi chưa lập gia thất, tổ ngoại Đậu Công Vệ vô hậu nên tổ Danh Vịnh đem linh vị của hai vị tổ ngoại và linh vị tổ bá thờ vào từ đường Trần Tộc. Kỵ tổ ông ngày hai mươi chín tháng ba, tổ bà kỵ ngày mồng mười tháng hai. Tổ ngoại Đậu Công Vệ kỵ ngày mồng mười tháng mười, tổ bà Lưu thị Kiên kỵ ngày mồng tám tháng tám. Tổ ngoại bá Đậu Công Vận kỵ ngày hai mươi mốt tháng sáu.
Ngũ thế tổ Trần Công Trọng 陳公仲 là con thứ ba của tứ thế tổ Trần Phúc Tính. Lớn lên tổ kết hôn với bà nhị nương họ Hoàng tên thị Diễn hiệu Từ Thuận. Ông bà sinh hạ bao nhiêu người con không rõ, nhưng được một người con trai tên là Danh Mỹ. Sinh thời ông làm nghề thợ mộc (mộc tượng 木匠) để sinh sống. Ông bà sống thọ trên 80 tuổi nên được gọi là kì lão.
Còn hai người con thứ hai và thứ tư của tổ Công Sính không thấy chép trong Phú Ý, không lẽ ly tổ đi đâu biệt vô âm tín hay vì lí do nào khác? Vào khoảng thập niên 50 hay 60 của thế kỷ 20 có một họ Trần người Quỳnh Lưu đi tìm nguồn gốc. Họ mang cơm gạo đi tìm đã ba ngày, vào mấy họ Trần nhưng khi đọc phú ý thì chưa thấy ở nơi nào có tên ông tổ của họ. Nghe người ta nói làng Phú Trung có một họ Trần nên họ tìm vào. Đúng lúc họ Trần Công ta vừa làm lễ tế xuân rằm tháng giêng xong. Thấy họ vào cụ Trần Công Thiệp hỏi: Các anh đi đâu? Mấy người trả lời: Có phải đây là họ Trần không? Chúng tôi đi tìm họ. Rồi họ kể rằng: Ngày trước cụ tổ chúng tôi có gốc là người ở Sò, đi biển đánh cá bằng lưới rê, bị lốc tố trôi dạt ra Quỳnh Lưu, được người ở đó giúp đỡ cứu vớt. Cảm cái ân nghĩa nên không trở về quê cũ mà ở lại lấy vợ sinh con lập nên một chi họ Trần. Đến đời con cháu sau này làm ăn sa sút. Có người bảo vì ly tổ nên mới như vậy,anh em chúng tôi khổ lắm, nhờ bác đọc Phú Ý để xem có tên ông tổ chúng tôi không”. Sau khi nghe đọc đến sơ tổ thứ ba “Cao cao tổ khảoTrần nhất lang tự Công Quán phủ quân”, họ bảo: Đây rồi, ngày trước anh em tôi có nghe các cụ cúng có tên vị tổ này. Xin các bác cho anh em tôi được nhận tổ!”  Cụ Thiệp hỏi: “Các anh có đem Phú Ý theo không? Cho chúng tôi xem có đúng như thế không?”  Họ trả lời rằng: “Các bác thông cảm! Năm giặc vào Quỳnh Lưu(1947) đốt nhà phá cửa, Phú Ý cũng bị đốt cháy theo rồi. Bây giờ các bác cho nhận họ để anh em cháu được về thờ cúng tổ tiên”. Cụ Thiệp lại bảo rằng: “Nếu không có Phú Ý để làm căn cứ, cho các anh nhận họ, nay mai các anh không theo nữa về nữa, thế hóa ra họ chúng tôi mất tổ à! Hôm nay cũng là ngày tế tổ, Mời các anh ở lại uống với họ tôi chén rượu nhạt, gọi là có duyên gặp gỡ”.
Bàn rằng: Tại sao cha không được chép vào Phú Ý mà con cái của họ lại được Bính Chi lục thế tổ Trần Danh Mỹ thờ tự. Vậy con thứ hai (Ất Chi) và thứ tư (Đinh Chi) của tứ thế  tổ Trần Phúc Tính đi đâu? Nếu đúng họ Trần Quỳnh Lưu là người họ Trần ta thì liệu có ứng vào hai vị ngũ thế tổ, con trai thứ hai  hoặc thứ tư của tứ thế tổ Trần Phúc Tính chăng?
Lục thế bá tổ Trần Phúc Tâm 陳福心 là con trai trưởng ngũ thế tổ Danh Vịnh. Sinh thời tổ mất khi còn trẻ chưa có vợ, hoặc có vợ nhưng không có con. Sauk hi ông mất, bà tục huyền với người khác nên Phú Ý không chép tên bà. Kỵ tổ ngày mồng bảy tháng năm.
Lục thế tổ Trần Công Tuyển 陳公選  (Trong bản dịch năm 1980 chép là Trần Công Tuyên, nhưng khi so sánh nét chữ Tuyên và Tuyển thì khác nhau hoàn toàn. Vả lại mẹ là Tuyên, lẽ nào con lại là Tuyên). Chữ Tuyển có nghĩa là chọn, nhiều mà lấy một cái tốt đẹp nhất gọi là tuyển chọn. Ông con trai thứ hai của ngũ thế tổ Danh Vịnh. Lớn lên tổ kết hôn với tổ bà Lâm Thị Diến 菻氏緬. Từ đây tộc Trần Công ta có chút khởi tiến, có lẽ tổ là người có chí tiến thủ hoặc được thừa hưởng sản nghiệp từ ông ngoại Đậu Công Vệ nên đương thời tổ làm lý trưởng  của làng Phú Đông. Phú Ý tộc Trần Công có thể được tiếp tục ghi chép từ tổ Công Tuyển vì tổ là người được học hành. Việc chép gia phả của một dòng họ phải là người có điều kiện về kinh tế và  được học hành. Tổ sao chép lại cuốn Phú Ý của đời trước để lại từ đệ nhất sơ tổ Trần Phúc Tú đến đệ lục sơ tổ Trần Công Sính, Trần Công Trực. Do bị rách nát  mất chữ nên tổ chỉ còn sao chép sơ lược. Còn từ đệ nhất thế tổ đến đệ tam thế tổ do bị thất truyền , không rõ tên, hiệu nên tổ không thể chép vào. Đến đời ông của tổ là đệ tứ thế tổ Trần Phúc Tính , tổ được nghe cha kể lại là đời thứ tư kể từ lúc hoạn nạn, ly tán phân chi nên tổ chép là tứ thế. Nhiều đời thất truyền, ông nội của tổ cũng đang trong cảnh hoạn nạn nên mới gửi cha của tổ cho ông ngoại Đậu Công Vệ nuôi dưỡng nên  bà của tổ cũng không biết tên húy, chỉ biết là người họ Đậu, hiệu Vũ Nương. Còn từ  cha của tổ đích thị tổ phải biết nên từ đệ ngũ là chép rõ ràng. 
Khi xưa, thầy địa lý Tả Ao là ông Mỗ  (không xác định được danh tính). Cái tên Tả Ao không phải là tên thật của ông, mà là tên làng quê của ông, được ông lấy làm tên hiệu và gắn với tác phẩm của mình. Cũng tương truyền, tên ông được người xưa lấy tên làng, nơi ông sinh ra để gọi, mà không gọi tên thật. Tên thật của ông thì không rõ ràng. Bách khoa toàn thư Việt Nam viết rằng: Tả Ao, trong sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, có tên là Hoàng Chiêm hay Hoàng Chỉ. Còn trong dân gian, xuất phát từ quê hương ông, lưu truyền tên gọi thật là Vũ Đức Huyền hay Nguyễn Đức Huyền . Tả Ao sinh thời vào khoảng đời vua Minh Mạng. Tả Ao quê ở làng Tả Ao, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay thuộc xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh).
Là nhân vật làm nghề địa lý phong thuỷ nổi tiếng ở Việt Nam. Ông được cho là tác giả của một số cuốn sách Hán Nôm cổ truyền bá thuật phong thủy của Việt Nam. Trong dân gian tương truyền nhiều giai thoại cổ về hành trạng thuật phong thủy của ông ở các làng xã Việt Nam thời xưa . Thuở nhỏ, mồ côi cha, nhà nghèo, mẹ mắt lòa, ông theo một khách buôn ở phố Phù Thạch (gần rú Thành ở Nghệ An) về Tàu để lấy thuốc chữa bệnh cho thân mẫu. Thầy thuốc khen Tả Ao có hiếu nên hết lòng dạy cho. Khi có thày địa lý bị mù loà mời ông thày đến chữa, do già yếu nên ông thày sai Tả Ao đi chữa thay. Khi Tả Ao chữa khỏi mù loà, ông thày địa lý nhìn thấy Tả Ao nghĩ bụng: 
-Người này có thể truyền nghề cho được đây.
Tả Ao cũng có ý muốn học, vả lại thấy Tả Ao thông minh, hiếu học, để trả ơn chữa bệnh nên thày địa lý nọ đã truyền hết nghề, hơn một năm đã giỏi. Để thử tay nghề của học trò, ông thày bèn đổ cát thành hình núi sông và vùi một trăm đồng tiền ở các huyệt đạo, rồi bảo Tả Ao tìm thấy huyệt thì xuyên kim xuống. Tả Ao đã cắm được chín chín kim đúng lỗ đồng tiền (chính huyệt), chỉ sai có một. Xong ông thày nói:
Nghề của ta đã sang nước Nam mất rồi.
Rồi cho Tả Ao cái tróc long và thần chú. Tả Ao về nước Nam chữa khỏi bệnh cho thân mẫu.
Trước khi từ biệt, ông thày địa lý bên Tàu dặn: 
-Khi về Nam, nếu qua núi Hồng Lĩnh thì đừng lên.
 Nhưng một lần đi qua Hồng Lĩnh, không hiểu duyên cớ gì Tả Ao lại lên núi và thấy kiểu đất Cửu long tranh châu (chín rồng tranh ngọc), mừng mà nói rằng: 
-Huyệt đế vương đây rồi, thày dặn không lên là vì thế.
 Bèn đưa mộ cha về táng ở đấy. Ít lâu, vợ Tả Ao sinh hạ được một con trai.
Khi ấy, đời nhà Thanh bên Trung Quốc, các thày thiên văn phát hiện các vì tinh tú đều chầu về nước Nam nên tâu với nhà Vua, ý là nước Nam được đất sẽ sinh ra người tài, sẽ hại cho nhà Thanh. Nhà Vua bèn truyền các thày địa lý là nếu ai đặt đất hoặc dạy cho người Nam thì phải sang tìm mà phá đi, nếu không sẽ bị tru di tam tộc. Ông thày của Tả Ao biết là chỉ có học trò của mình mới làm được việc này nên cho con trai tìm đường xuống nước Nam mà hỏi: 
-Từ khi đại huynh về đã cất được mộ phần gia tiên nào chưa.
Tả Ao cũng thực tâm thuật lại việc đặt mộ cha mình. Con thày Tàu dùng mẹo cất lấy ngôi mộ, bắt con trai của Tả Ao đem về Tàu. Rồi thân mẫu của Tả Ao mất, Tả Ao tìm được đất Hàm rồng ở ngoài nơi hải đảo để táng. Gặp ngày lành ông lên đàn tróc long, đọc thần chú. Người anh  mang mộ mẹ ra nơi táng, đến giờ định tángthì mưa gió, sóng biển ầm ầm nổi lên. Người anh trai  thấy nước biển xanh thẳm, chảy cuồn cuộn sợ mất mộ mẹ nên không cho táng. Lát sau trời yên, biển lặng ở đó nổi lên một bãi bồi, Tả Ao về thấy thế bèn than rằng:
Đây là hàm rồng, năm trăm năm rồng mới há miệng một lần trong một khắc. Trời đã không cho thì đúng là số nhà ta không làm nên việc lớn rồi.
 Rồi Tả Ao chán nản gia cảnh, bỏ quê hương chu du khắp bốn phương để chữa bệnh, tìm đất giúp người. Người dân thôn Phú Đông là dân các nơi đến định cư, đa số các hộ đều nghèo, đất bãi ngang vùng biển pha cát không màu mỡ, khó canh nông nên dân làng bỏ đi nhiều. Một hôm đi qua làng Phú Đông, ông thấy dân bỏ làng đi phiêu bạt nhiều nên đọc câu thơ rằng:
Tổ cha quân đĩ Phú Đông
Có Cờ có Trống mà chạy rông chạy rài
Lúc đó họ ta có quyền chức và giàu nhất làng. Biết Tả Ao là thầy địa lý giỏi, ông đã phán như thế thì cồn Trống, cồn Cờ ắt phải là nơi linh địa. Tổ Trần Công Tuyển đi mời các thầy địa lý ra cồn Trống, cồn Cờ tìm hàm rồng để hạ huyệt tổ. Đúng cồn Trống là vùng đất tuy nhỏ mà lại tứ diện vuông  hình chữ điền .  Nhưng vùng đồng bằng tìm long mạch không dễ như vùng sơn địa, thầy địa lý không cao tay thì không thể tìm được. Mãi không thấy long mạch, tổ bèn đem mộ ông bà sơ tổ Trần Phúc Tú, Trần Công Quán và ông nội của tổ là Trần Phúc Tính cùng một số ngôi không rõ tên về táng tại cồn Trống. Sau này nhiều họ cũng mang mộ tổ về cất tại cồn Trống. Khi xưa, người làng Phú Đông đều là dân các nơi đến trú ngụ, đa số đều nghèo và không biết chữ. Nổi trội trong làng chỉ có có cụ Hoàng Danh Ưu ( hay còn gọi là ông Đồ Rượu) làm nghề thầy thuốc nổi tiếng. Ông chẩn bệnh rất giỏi, có một người bị đau bụng, gọi ông đến chữa. Ông bảo bệnh này phải  ăn ba đồng cân lá ngón mới khỏi. Người nhà không tin, bởi lá ngón rất độc, ăn phải lá ngón chỉ có chết, không thuốc nào chữa được. Họ gọi thầy thuốc khác đến chữa, nhưng bệnh nhân không khỏi bệnh, sau hai khắc thì chết. Sau khi chết, trong bụng bệnh nhân toàn là những con bọ trông giống con bọ cạp gặm thịt chui ra trông rất ghê. Có người hỏi ông: “ Là thầy thuốc, thầy thừa biết ăn lá ngón chỉ có chết tại sao thầy lại bảo bệnh nhân ăn lá ngón”. Ông nói: “Tôi cho bệnh nhân ăn lá ngón vào là để cho những con bọ đó ăn mà chết. Ba đồng cân lá ngón là vừa đủ cho những con bọ đó ăn, nếu ăn hơn ba đồng cân thì người mới chết. Những con bọ đó rất háu ăn, khi bệnh nhân ăn vào chưa kịp tiêu hóa, chúng đã ăn hết rồi thì làm sao mà chết, chỉ tiếc rằng họ không nghe tôi nên mới thiệt mạng”. Những người được ông chẩn bệnh và uống thuốc đều từ từ thuyên giảm. Còn các thầy khác thì một là bệnh khỏi ngay, hai là trái thuốc cũng chết ngay. Tiếng tăm của ông lừng lẫy, được vua Minh Mệnh mời vào kinh đô Huế chữa bệnh cho hoàng tử và được ban sắc. Ông không màng cầu cạnh danh lợi, về quê mở hiệu thuốc chữa bệnh cứu người gọi là Thanh Nhã Đường. Con ông là Hoàng Danh Dự đã soạn thảo bốn pho sách thuốc có giá trị gồm: Y Nang Tập Dụng, Y Môn Chẩn Đậu, Châm Chích và bộ Lạc Sinh Tâm Đắc để lại cho đời. Hiện nay hội y học dân gian cổ truyền tỉnh Nghệ  An đang lưu dùng. Tiếp đến họ Trần ta có tổ làm lý trưởng  là người nhiều chữ trong làng.  Hai tổ sinh bao nhiêu người con không rõ, trong đó có hai  người con trai. Trưởng nam Trần Công Khuê, thứ nam Trần Công Triêm.  T ổ ông k ỵ ngày mười chín tháng ba, tổ bà kỵ ngày hai mươi tư thàng ba.  Niên đại của tổ ứng vào thời vua Gia Long 嘉龍(1802-1819) và Minh Mệnh明命 (1820-1840). Năm 1802, Gia Long đổi Nghĩa An  thành trấn Nghệ An (gồm Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay).
Năm 1837, Vua Minh Mệnh chia Đông Thành ra 2 huyện là Đông Thành và Yên Thành theo hướng đông tây nam bắc để huyện nào cũng có biển, đồng bằng và có núi. Phía bắc là Yên Thành, có trị sở tại Yên Lý. Phía nam là Đông Thành, trị sở đóng tại làng Yên Lãng, xã Cao Xá (tức Diễn Thành ngày nay).
Diễn Châu Phủ
Thôn Phú Trung
Lăng Họ Trần Công
Thôn Phú Đông
Lạch Vạn

Lục tổ thúc Trần Công Hạnh 陳公幸 là con trai trưởng của ngũ thế tổ Ất Chi 乙支bất tri danh hiệu (không rõ tên). Như trên đã nói người con thứ hai của tứ thế tổ Phúc Tính đi đâu không rõ. Tổ mất khi chưa lập gia thất, từ nhỏ tổ đã được gửi vào nhà chùa nên tổ có tên hiệu nhà phật là Vô Thích 無適. Vì vô hậu nên sau khi mất được dòng Bính Chi Trần Danh Mỹ thờ tự, không rõ ngày kỵ.
Lục tổ thúc Trần Công Thanh 陳公晟 là trọng nam của ngũ thế tổ Ất Chi 乙支bất tri danh hiệu (không rõ tên). Tổ mất khi chưa lập gia thất, đặt tên thụy là Toàn Đức全徳. Vì vô hậu nên sau khi mất được dòng Bính Chi Trần Danh Mỹ thờ tự, không rõ ngày kỵ.
Lục tổ thúc Trần Công Gấm 陳公錦 là quý nam của ngũ thế tổ Ất Chi 乙支bất tri danh hiệu (không rõ tên). Như hai người anh của mình, tổ cũng mất sớm khi chưa lập gia thất. Tổ có tên thụy là Thiện Xảo 善巧 sau khi mất. Thật khó hiểu, cả ba anh em không biết cha mẹ tên là gì mà cũng đều mất khi còn trẻ. Vì vô hậu nên sau khi mất được dòng Bính Chi Trần Danh Mỹ thờ tự, không rõ ngày kỵ.
Lục tổ Trần Danh Mỹ 陳名美 là con duy nhất của ngũ thế tổ Bính Chi Công Trọng. Lớn lên tổ kết hôn với tổ bà nhị nương họ Trần tên là Thị Đang 陳氏当. Ông bà sinh hạ bao nhiêu người con không rõ, nhưng có hai người con trai : Nhất nam Công Tiến, nhị nam Công Đạt. Tổ nối nghề thợ mộc của cha để làm kế sinh nhai. Ngũ thế tổ thứ hai và thứ tư đi đâu không rõ nên các con củ hai tổ sau khi mất sớm được tổ thờ tự. Không rõ ngày kỵ của hai tổ.
Lục đường cô Trần Thị Thanh là con gái thứ sáu của tổ Bính Chi  Công Trọng. Đường cô mất khi tuổi còn trẻ, chưa lấy chồng nên nhập từ đường Trần Tộc. Không rõ ngày kỵ của đường cô.
Lục đường thúc Trần Công Đê 陳公 là con trưởng của ngũ thế tổ Đinh Chi 丁支 bất tri danh hiệu (không rõ tên). Tổ mất khi chưa lập gia thất, đặt tên thụy là Cần Cán 勤幹. Vì vô hậu nên sau khi mất được dòng Bính Chi Trần Danh Mỹ thờ tự, không rõ ngày kỵ.
Lục đường thúc Trần Công Lương 陳公良 là con thứ ba của ngũ thế tổ Đinh Chi 丁支 bất tri danh hiệu (không rõ tên, còn người con thứ hai mất khi tuổi còn nhỏ nên khôn có tên trong Phú Ý). Tổ mất khi chưa lập gia thất, đặt tên thụy là Phúc Thiện 福善. Vì vô hậu nên sau khi mất được dòng Bính Chi Trần Danh Mỹ thờ tự, không rõ ngày kỵ.
Thất tổ Giáp Chi Trần Công Khuê 陳公袿 là con trưởng Lục tổ Công Tuyển. Chữ Khuê có nghĩa là cái áo cánh dài, ý nói là quyền quý, khuê các. Lớn lên tổ kết hôn với tổ bà nhất nương họ Nguyễn tên Thị Huê 阮氏華. Hai tổ sinh đươc bao nhiêu con gái không rõ. Người con gái đầu mất sớm, người thứ hai lấy chồng trưởng họ Đậu (cố Cư). Người thứ ba tên là Thị Ngoạn lấy chồng trưởng họ Phan người làng Xuân nhưng ở đất làng Trung . Bốn người con trai gồm: Nhất lang Công Danh, nhị lang Công Giá, tam lang Công Tạn, tứ lang Công Soạn. Tổ được cha cho ăn học nên nối nghiệp cha làm lý trưởng thôn Phú Đông. Đương thời tổ có nhiều tiền của, mua nhiều ruộng đất các nơi như đồngTràng Thân, Phú Trung, đồng xóm Lỗi…v…v…. Theo quan niệm xưa “Lóc xóc không bằng một góc ruộng”, có nghĩa là làm gì cũng không no đủ bằng làm ruộng. Những người có nhiều ruộng là những người có thế lực và tiền của. Có điều kiện đi học, được dân làng kính nể là người có chữ, quyền quý. Gia đình nhiều ruộng cho những gia đình nghèo không có ruộng cày rẽ nên cuộc sống của họ bị phụ thuộc vào người giàu có. Khi có nhiều ruộng đất, các con của tổ lập gia thất, tổ đều cho sang  xóm Hà thôn Phú Trung định cư. Sau khi mất tổ được con cháu đặt tên thụy là Chất Phác . Kỵ tổ ông ngày mồng bốn tháng tư, tổ bà kỵ ngày mười sáu tháng tám.
Đương thời tổ sống dưới triều Thiệu Trị 紹治 (1841-1847) và triều Tự Đức 嗣徳 (1847-1883). Sử chép rằng Tự Đức là ông vua rất có hiếu với mẹ, ngài ra lệ cứ ngày chẵn thì chầu cung vấn an đức Từ Dụ 慈裕 (mẹ Tự Đức), ngày lẻ thì thiết triều. Nhưng ngài lại là ông vua không biết cải cách, duy tân. Năm Bính Dần, niên hiệuTự Đức thứ 19 (1866) có mấy người ở Nghệ An đi du học bên phương tây về là Nguyễn Đức Hậu 阮徳厚, Nguyễn Trường Tộ 阮長祚, Nguyễn Điều 阮倏 dâng biểu điều trần kể sự tình các nước phát triển thế nào. Ví dụ như bên nước Pháp có cái đèn ngọn đèn cháy ngược (bóng đèn điện), làm đường xe lửa để chở hàng thông thương. Rồi xin vua mau cải cách mọi việc, không thì mất nước. Đình thần đều lấy làm sự nói càn, không ai chịu nghe. Nước ta không chịu khai hóa như các nước khác là cũng bởi bọn sĩ phu cứ giữ thói cũ, không chịu theo thời thế mà thay đổi. Nay sự suy nhược đã sờ sờ ra đó mà không chịu mở mắt ra nhìn, dẫn đến cái cảnh nước Pháp lấy cớ giết đạo mà chiếm nước ta.Tháng giêng năm Giáp Tuất (1874) là năm Tự Đức thứ 27. Có bọn văn thân đất Nghệ An là tú tài Trần Tấn và Đặng Như Mai 鄧如梅hội tập văn thân trong hạt, làm một bài hịch gọi là hịch BìnhTây Sát Tả như sau:

Tự Đức nhị thập thất niên nhị nguyệt sơ nhị nhật.
Cái văn: Thệ đồng cừu nhi bào trạch, ngô Nho địch khí chi hùng phong; tạm đầu bút nhi nhung nhiên, quân tử dụng quyền chi năng cử. Nghĩa như năng vãng, Chung Quân do thả thỉnh anh; đạo hữu khả hành, Tổ Địch thượng văn kích tập. Cái tang bồng hồ thỉ, nam tử sơ tâm; nhi nghĩa phủ nhân can, thiên hạ vô địch. Thẩn tư Gia-tô nhập vu ngã quốc: Ngữ kỳ thuật, tắc xưng thiên xưng thánh, lủng ế ngu mông; ngữ kỳ giáo, tắc vô phụ vô quân, khuyển dương tộc loại. Xả khúc trực dĩ ngôn cường nhược, mạn khoa bác khả phá sơn; ứng trung dũng nhi thiệp ba đào, lãng thuyết thuyền năng nhập thủy. Tự Đinh Tị duyên biên vi hoạn, phong đản tứ kỳ xương cuồng; kinh nhung thần phấn lữ nhi tiền, thú dĩ thư kỳ cuồng phệ. Phụng Hoàng thượng phấn nhiên canh đoạn, phương dục hữu vi; nại hà nhân tự nhĩ thâu an, cẩu cầu vô sự. Tấn đại phu chi sách lập hỗ lợi nhi hại tùy; Tống tướng quốc chi mưu, kiếm nhất hoà nhi ngạnh khởi. Toại sử Tây huynh Nam đệ, nhẫn cam thành hạ chi minh; giáp quyển nhung tàng, thùy phấn quân trung chi dũng. Dẫn chiên cầu vu quốc ấp, kê thê phượng tập ngưu hỗn ký quần; nhập tinh xú vu bang đình, hổ bị khuyển khi, long vi hà hí. Lục tỉnh chi thần dân hà tội, hàm oan nhi diện cách triều đình; nhất phương chi thủy hỏa thùy tô, tố khổ nhi thanh đằng vũ trụ. Hạ xuân đài nhi đồ thán, sĩ dân cô hiệp đạo chi hoài; ly thiên nhật nhi âm hàn, phụ lão thất cử phan chi vọng. Huống hựu: Trưởng ác bất thoan, vi hại thậm đại. Sách tăng tuế tệ, dương tiêu bản quốc cao chi;
Sức yết đao đường, âm dụ ngã bang lê thứ. Tư tạo ngã tỉnh, yết lệ đạo đồ; phụ thỉ mẫu khuyển chi phong, tự ô danh giáo; Chu lợi Giê-du chi thuyết, phục uế thính văn. Bi kỳ cảm nhĩ hoành hành, ngã diệc khởi nhiên an tọa ! Dữ kỳ lâm thần thảng thốt, đồ di hậu sự chi ưu; hà như tảo cập đồ hồi, dụng hiệp tiên ưu chi nghĩa. Phù! Khuyển dương nan tín, cầm độc nan thân. Vị đốn Hán dương, Kim Tiêu Tống thỉ. Ngã nhược khai môn nghênh khấu, miễn thủ dĩ tòng; bỉ tương vu mãng phục nhung, phệ tê hà cập! Thỉnh quí liệt mộc tục hưu phong, tao phùng thịnh thế. Hoặc triều đình quan tước, dự tại giản tư, hoặc khoa mục trung nhân, tằng kinh hoa lục. Hoặc viên tử, ấm tử, quan thanh nhi ti lập giai ân; Hoặc thí sinh, khóa sinh, thánh trạch nhi chương tương thức hóa. Dĩ chí phú gia vật lực, quân hoàng cực chi dụng phu. Tổng lý dương hào, tinh hoàng ân chi phổ cập. Hữu từ khả chấp, Chu Công phương thả ưng chi; kiến nghĩa bất vi, Khổng Tử viết vô dũng giả. Miễn dịch hàn thu chi tiết, dụng trinh kình thảo chi phong, chỉnh ngã bằng đồ, tiễn bi vũ dực. Sử Tây tặc vô môn khả nhập, nhi dương di hà xứ đắc lai? Lý Cương bãi triều, nhi Thái học nho sinh kiến cổ; Bào Tuyên hạ ngục, nhi bác sĩ chi tử đệ cử phan. Huống sự thuộc an nguy; lự quan đắc thất. Cổ kim cộng phẩn, thiên địa bất dung. Phàm hữu trung nghĩa chi tâm, sinh nhi tự hứa. Cẩu vi xã tắc chi lợi, tử thả bất từ. Tuy kim nhật vi chỉ hành sự, dụng tri đắc tội ư cửu trùng; Đệ hậu lai phục khuyết thính chu, do đắc tấu công ư liệt thánh. Vô khả đồ ngôn, thủ vụ ngoại địch. Chí như kế tương an xuất, lánh hữu hậu ngôn. Cảm cáo đồng minh, nguyên phù minh giám.
Dịch nghĩa đại lược nói rằng: “Triều đình dẫu hòa với Tây mặc lòng, sĩ phu nước Nam vẫn không chịu, vậy trước nhất xin giết hết giáo dân, rồi sau đánh đuổi người Tây cho hết, để giữ lấy cái văn hóa của nước Nam hơn một nghìn năm nay…v…v…”. Bọn văn thân cả thảy ba nghìn người kéo nhau đi đốt phá những làng có đạo. Lúc bấy giờ quan trấn thủ Nghệ An là Tôn Thất Triệt 尊室澈có ý dung túng bọn văn thân nên càng đắc thế. Kéo vào đánh chiếm thành Hà Tĩnh rồi kéo ra vây thành Phủ Diễn, đốt phá các làng đạo tổng Cao Xá. Xưa có nhà thờ công giáo xóm Xuân Đình (nay là ủy ban nhân dân xã Diễn Thành). Bọn văn thân dùng cây tre chẻ làm đôi, kẹp cổ những người theo đạo treo lên trên nhà rồi phóng hỏa đốt cả nhà thờ lẫn những người theo đạo.
Thất tổ Ất Chi Trần Công Triêm 陳公撏 là con trai thứ lục tổ Công Tuyển. Lớn lên, tổ đi lính cho triều đình nhà Nguyễn, được tuyển vào hạng ưu binh, đảm nhận chức quan võ  Đà Công 坨公, một chức quan nhỏ thời Nguyễn. Tổ kết hôn với tổ bà nhất nương người họ Trần tên Thị Tuy 陳氏.Tổ bà mất sớm, không có con. Sau khi tổ bà mất tổ Công Triêm kết hôn với tổ bà kế thất nhất nương Cao Thị Đoành 高氏. Hai tổ sinh hạ đươc hai gái một trai tên Thị Vũ, Công Do,Thị Hải. Sinh thời tổ theo nghiệp nhà binh nên không được giàu có như người anh của mình là Công Khuê. Sau khi tổ mất, con cháu đặt tên thụy là Cần Cán 勤幹. Tổ ông  kỵ ngày mồng hai tháng tư, tổ bà chính thất kỵ ngày hai mốt tháng ba, tổ bà kế thất kỵ ngày mười lăm tháng bảy. mộ tổ ông táng tại rừm Dừa, phía đông cồn Trống cách một cái ngâm. Sau này cụ Đông (tức Đông Các Đại Học Sĩ Cao Xuân Dục), người làng Thịnh Mỹ là quan Thượng thư  triều Nguyển thuê thầy địa lý về tìm đất kết mua để làm nơi táng mộ của gia đình cụ. Thầy chỉ cho cụ Đông vùng đất rừm Dừa là đất kết, cụ mang ba ngôi mộ của gia đình ra táng và cho ông Khôi Ký khai hoang trồng dừa vì trước đây toàn là cây mua, cây sim mọc um tùm. Ngày xưa thầy địa lý Tả Ao nói làng Phú Đông có cồn Cờ, cồn Trống  nhưng có lẽ đó chỉ là tổ sơn của đất kết mà thôi. Theo thuật phong thủy địa lý của Tả Ao do tác giả Nguyễn Thị Nhị Mười sưu tầm thì bắt đầu của Long mạch là tổ sơn. Tổ sơn là ba ngọn núi (vùng miền núi) hoặc ba cồn hay gò đất (vùng đồng bằng). Có thể là ba cồn gồm: cồn Trống, cồn Cờ, cồn Ngựa. Tổ sơn có hình như cổ như kỳ (như trống như cờ), xếp thế chữ Phẩm thì con cháu sẽ làm quan văn tới chức thượng thư (tương đương chức bộ trưởng bây giờ). Quan võ thì điều binh khiển tướng. Tiếp sau tổ sơn là Minh Đường, nơi chứa nước trước huyệt đường, đó là ngâm làng Đông. Tiếp nữa là huyệt trường, nơi đất kết chỗ trại Dừa ông Khôi Ký.
Thất tổ Bính Chi đường thúc Trần Công Đạt 陳公  là con trai trưởng của lục tổ Bính Chi Trần Danh Mỹ. lớn lên tổ lấy vợ, sinh được hai người con trai và một người con gái không rõ tên (người con gái sau này gọi là bà Bình Huợt). Đương thời tổ làm nghề đi biển đánh cá. Ngày xưa chưa có lưới cước, lưới dù như bây giờ mà chỉ có lưới đan bằng dây bả, hằng năm phải nhuộm nâu một lần cho bền. Nước nhuộm là một loại củ có tên gọi củ Nâu như  màu sắc của nó, được mang từ trên rừng về đem giã nhỏ  ngâm với nước. Sau một đêm ngâm với nước rồi vớt ra vắt bỏ bã, còn lại là thứ nước màu nâu đặc sánh nhựa củ Nâu. Thứ nước này người xưa hay đem nhuộm quần áo và lưới đánh cá rất bền. Đến ngày phải nhuộm lưới, nhưng gặp phải hôm trời mưa, lưới nhuộm xong không phơi được nên tổ dừng lại. Tổ mang mấy chậu nâu vào gửi trong đền ông Hoàng Mữu, phía đông bờ ngâm cạnh dầm lưới của làng Phú Đông (mỗi làng biển có một dầm để lưới sau khi đi đánh bắt). Tổ bảo: “tôi có mấy chậu nâu gửi ngài, nếu ngài mà không trông coi cẩn thận, để trâu bò vào làm đổ thì tôi sẽ coi tội ngài”. Đến lúc trời mưa, trâu bò cũng chạy vào đền trú mưa, làm đổ hết mấy chậu nâu của tổ. Tạnh mưa tổ ra xem, thấy nâu đổ hết cả, tiếc của, tổ cầm đòn gánh quật đổ vỡ hết long ngai, tượng thánh trong đền đến nỗi ngài xuất ngoại. Làng Phú Đông vì thế mà bị động, dân làng họp lại làm lễ cầu ngài ba ngày ba đêm. Đến hôm thứ ba, nhân tổ đi chợ Đồn ngài mới nhập lên, dân làng hỏi ngài: “Ngài là thần thánh, tại sao nó phá đền ngài mà ngài không vật cho nó chết đi”. Ngài phán: “Bây giờ nó còn khỏe mạnh, chưa vật được, ta phải nhân cơ hội dậu đổ bìm leo, khi nó yếu ta sẽ vật nó chết tươi”. Không biết có phải vì thế không mà tổ chết sớm, khi chết máu mồm máu mũi cứ sộc ra. Hai người con trai của tổ cũng mất khi còn nhỏ tuổi. Có lẽ phạm vào thần thánh mà dòng Bính Chi vô tự. Con cháu họ Trần từ đó lấy gương mà khuyên bảo không nên phạm vào thần thánh.  Sau khi tổ mất vợ của tổ bỏ đi đâu hay lấy chồng khác nên Phú Ý không chép tên bà. Không rõ ngày kỵ và nơi táng của tổ.
Thất tổ Bính Chi đường thúc Trần Công Tiến 陳公進 là con trai thứ hai của lục tổ Danh Mỹ. Lớn lên tổ kết hôn với tổ bà nhất nương họ Đậu tên Thị Vi 杜氏為 (bản dịch năm 1980 dịch là Đậu Thị Bi). Hai tổ sinh được một người con trai (không rõ tên) và bao nhiêu con gái không rõ. Người con trai của tổ mất sớm sau khi lập gia thất, để lại cho tổ người cháu gái (Sau này gọi là bà Cẩn Thận). Con dâu của tổ không biết là cũng mất sớm hay sau khi chồng mất  bỏ đi lấy chồng khác không rõ, cả hai vợ chồng con của tổ không hiểu sao không có tên trong Phú Ý. Đương thời tổ cũng nghèo, trước khi hai tổ mất, biết mình vô tự nên đến trình bày với họ tộc rằng: “Bây giờ vợ chồng tôi số phận không may, chẳng có người thờ tự. Nhà có một sào rưỡi ruộng, xin gửi vào ruộng từ đường hương hỏa để sau này mất đi, mọi việc ma chay, thờ tự đều nhờ vả vào các bác trong họ”. (Trước đây họ nào cũng có ruộng cho trưởng họ hoặc cho người trong họ ít ruộng cày rẽ để lấy kinh phí lo việc các ngày lễ tế trong họ gọi là ruộng từ đường hương hỏa). Sau khi hai tổ mất, người cháu gái của tổ xin họ Trần cho cày rẽ ruộng của ông bà vì nhà nghèo, ít ruộng. Đến thời kỳ sau cải cách, người cháu gái đem ruộng của họ nộp cho hợp tác xã để lấy công điểm nên họ Trần mất ruộng. Từ đó bà không đi lại với họ Trần nữa. Năm ? họ Trần tổ chức xây lăng, khánh thành lăng họ, ông Trần Công Cẩm lên mời bà về dự lễ. Lúc này bà đã già, khóc nức nở: “Tui là người có tội với họ mà họ vẫn không quên tui”. Từ đó về sau bà bắt hai người con trai là Hoàng Công Tính, Hoàng Công Tình phải về theo họ ngoại để hương khói cho tổ tiên. Không biết có phải vì nguyên nhân đó mà họ không đưa tên của cha bà vào từ đường Trần Tộc? Sau này hỏi bà biết tên cha mình để đưa vào từ đường thờ tự nhưng bà bảo không nhớ. Không rõ ngày kỵ và nơi táng của hai đệ thất tổ thúc.
Bát đường cô Trần Thị Khoa 陳氏科 là con gái đầu của thất tổ Giáp Chi Công Khuê. Đường cô mất khi chưa lập gia thất nên được thờ vào từ đường Trần Tộc. Sau khi mất đường cô được đặt tên hiệu là Yểu Điệu Chi Dung 窈窕之容. Đường cô kỵ ngày mồng mười tháng ba, không rõ nơi táng.
Bát tằng tổ Trần Công Danh 陳公名là con trai trưởng của thất tổ Giáp Chi Công Khuê. Lớn lên được cha cho học hành, trở thành người có chữ của làng Đông nên đặt tên tự là Đình Công   tổ kết hôn với tổ bà nhất nương họ Đậu tên Từ Hào 𦈱.Hai tổ sinh  được sáu  người con:  Mạnh lang Công Thanh, nhất nương Thị Nhàn, nhị lang Công Du, tam lang Công Đạm, tứ lang Công Thiệp, ngũ lang Công Tiếp. Tuy ở đất làng Trung  nhưng vẫn sinh hoạt bên làng Phú Đông nên tổ làm lý trưởng kiêm trùm trưởng, trùm sơ vọng vạn làng Phú Đông, tước cửu phẩm 九品 (hai làng cách nhau một con đường).Vì con trưởng là Công Thanh mất sớm nên được gọi tên con gái đầu là cố Cựu Nhàn. Sinh thời tổ là người rất quan tâm đến việc dòng tộc, cứ đến ngày hai mươi lăm tháng chạp, con cháu trong dòng họ ai biết cầm cuốc là tổ cho đi tảo mộ để biết mộ phần của dòng tộc. Vì trước đây mộ của dòng họ được chôn rải rác các nơi trên ruộng của nhà mình hoặc cồn bãi, nơi đất cao ráo và không thuộc sỡ hữu của người nào như cồn Trống, rừm Dừa đất làng Đông. cồn Bù, cồn Pháy, cồn Hói, đồng chùa Rồng xóm Đồng  đất làng Đông. Đồng xóm Lỗi đất làng Tuấn. Mùa đông  tháng ba năm Đinh Tỵ (1917) tổ thấy nhà mình, cũng là nơi thờ từ đường họ đã cũ nhiều. Tổ cho tu tạo lại nhà thờ cho khang trang hơn. Hiện nay trên xà thượng gian bảy nhà vẫn còn chữ :
季東啟定二年修造
Quý Đông Khải Định Nhị Niên Tu Tạo.

Từ đường Trần Công Tộc được xây năm 1917
Năm Bảo Đại tứ niên (1929) ngày rằm tháng giêng, tổ sao chép lại cuốn Phu Ý Trần Tộc bằng chữ nho lưu lại đến tận ngày nay. Con cháu bên ngoại theo về họ nhiều như họ Đậu ông Hà Tuyết, Cố Cư. họ Cao ông Thanh Thể, Hùng Hưu, Thành Mùi có bà Trần Thị Lộc lấy về…v…v… Mãi đến cải cách (1956) mới bỏ giỗ họ. Ông bà thông gia Phạm Văn Liêm 範文亷  người ở nơi khác đến thôn Phú Đông định cư có con gái lấy con trai thứ tư của tổ là Công Thiệp cung tiến từ đường Trần Tộc bức hoành phi câu đối:
Nhất Mạch Triệu Bồi
祖肈尊焙千万瑇
天经地義百年心
Tổ triệu tôn bồi thiên vạn đại
Thiên kinh địa nghĩa bách niên tâm
Ngày mồng hai tháng năm, năm Đinh Sửu (1937), trong họ xảy ra biến cố lớn. Con trai thứ ba của tổ là Công Đạm (37 tuổi) cùng cháu nội Công Huy (9 tuổi) bị bệnh dịch tả mất cùng ngày. Ba ngày sau cháu nội Công Hoàng (7 tuổi) lại mất. Lại xét từ khi tộc Trần Công từ Thanh Hoa vào làng Phú Đông định cư đến nay đã qua nhiều biến cố. Các dòng Ất Chi, Bính Chi đều vô hậu, dòng Giáp Chi mặc dù có chút quyền thế và khá giả nhưng cũng thiểu đinh. Con cháu thiểu thọ nhiều, bản thân tổ có năm người con trai thì ba người chết trẻ gồm Công Thanh, Công Du, Công Đạm. Lúc này tộc Trần Công mới chỉ được mười hộ gia đình. Tiết mạnh thu năm Mậu Dần, niên hiệu Bảo Đại thập tam (1938), tổ cho lập đàn cầu siêu. Cầu cho toàn tộc phát đinh, phát lộc. Ngoài ngã ba đường cắm cây phướn, trên có hình con quạ. Lập ba đàn, mời thầy về cầu ba ngày ba đêm, dân làng các nơi về xem rất đông, ngoài cậy Si, trên cồn Cát (Diễn Kỷ, Diễn Cát bây giờ) cũng vào xem, làm hỏng cả nhà. Hai hộ có người mất năm Đinh Sửu là con thứ ba và thứ tư của tổ là Công Đạm, Công Thiệp bẻ hai cái nhà mã để hóa. Tổ nhờ người tốt chữ là ông Bài người thôn Phú Trung soạn bài văn cầu siêu, toàn văn như sau:
Mậu Dần niên
Trần Tộc bản ý
Phục dĩ! Cửu tằng liên tọa, thiện căn khai ưu, bát chi hoa nhất phiến tấu tâm phúc ấm. Ngưỡng thiện đề chi thụ, hằng hà hữu thủy, hạnh đắc mộc tư ba, kinh lĩnh tiên sơn, hạt tòng đăng tịnh độ. Hữu khả tắc duy thành, khả thông thụ hữu.
 Đại Nam quốc, Nghệ An tỉnh, Diễn Châu phủ, Đông Thành huyện, Cao Xá tổng, Cao Xá xã, Phú Đông thôn ốc, phụng. Đặng hiến cúng tuyên kinh, cầu sám độ âm bảo dương sự. Trai chủ Trần Công Danh, thê Đậu Thị Hào. Hôn đệ Hoàng Thị Tương, bào đệ Trần Công Soạn, hôn đệ kế thất Đậu thị Từ. Thứ chi Trần Công Tiến, Đậu Thị Vi. Trưởng  hôn Đậu Thị Phương, thứ hôn Cao Thị Thư. Thứ nam Trần Công Thiệp, Trần Công Tiếp, quý hôn Đặng Thị Cúc. Đường đệ chi tử Trần Công Nghi, thứ thất Nguyễn Thị Loan. Trần Công Trị, thê Đậu Thị An. Bào đệ chi tử Trần Công Trạch, thê Đậu Thị Tường. Tôn Trần Công Kính, Trần Công Cẩm, Trần Công Thọ, Trần Công Diệu. Trần Công Nhiếp, Trần Công Nhâm, Trần Công Hưu, Trần Công Trường, Trần Công Vĩ. Nữ tôn Trần Thị Vân, Trần Thị Tập, Trần Thị Kiểm, Trần Thị ?, Trần Thị ?, Trần Thị ? . Điệt Trần Thị Hồng. Đồng tộc thượng hạ đẳng lang nhật ngưỡng can. Liên tọa phủ giám ? ? Hữu trai chủ Trần Công Danh, đồng tộc đẳng ngôn niệm đẳng thượng thành.
Hoàng thiên trung tấu bạch ? tất tập ? hiếu ? ?. Đồng phong niệm tổ ấm. …v.v.
  Đương thời tổ sống trong thời kỳ mạt vận triều Nguyễn có các đời vua Hiệp Hòa, Dục Đức, Đồng Khánh, Kiến Phúc, Hàm Nghi,Thành Thái, Duy Tân do Pháp dựng lên một hai tháng hoặc một hai năm. Sau vua có ý định chống Pháp đều bị Pháp thủ tiêu hoặc bắt đi đày sang châu Phi hoặc thiểu thọ. Chỉ có vua Khải Định, Bảo Đại thuận theo Pháp là ở ngôi được lâu.  Năm 1898, vua Thành Thái lại chia hai huyện Đông Thành và Yên Thành theo chiều nam bắc. Huyện Đông Thành nằm ở phía đông giáp biển gồm có 5 tổng: Cao Xá, Lý Trai, Thái Xá, Quan Trung, Vân Tụ. Xã Cao Xá có 11 làng gồm: Tiền Song, Trung Song, Đức Hậu, Thịnh Mỹ, Hậu Giáp (thuộc xã Diễn Thịnh ngày nay) và Phú Đông, Phú Trung, Xuân Lôi, Xuân An, Yên Lãng, Mai Các (thuộc xã Diễn Thành ngày nay). Làng Phú Trung lớn nhất gồm có: xóm Hà (Tiền Hà và Hậu Hà), xóm Vân (Tây Vân và Đông Vân), xóm Bà Ná, xóm Tây Tiến, xóm Đồng, xóm Sò ( hay còn gọi xóm Hiệu). Làng Xuân An có: xóm Xuân Đình, Bắc Xuân, Đông Xuân, Nam Trang. Làng Yên Lãng có Yên Tiền, Yên Hậu. Còn các làng khác nhỏ nên không có nhiều xóm. Riêng làng Phú Đông và Phú Trung có nghề thủ công dệt trủ. Tổ ông mất trước, kỵ ngày mồng một tháng chín, tổ bà mất sau ngày giặc vào Quỳnh Lưu (1947), kỵ ngày mười bốn tháng hai.
Bát tằng tổ Trần Công Giá 陳公價 là con trai thứ hai của thất tổ Giáp Chi Công Khuê. Lớn lên tổ kết hôn với bà nhất nương họ Nguyễn tên Thị Ngoai 阮氏𠱓 (bản dịch năm 1980 là Nguyễn Thị Xoai) . Hai tổ sinh được bao nhiêu con gái không rõ và hai người con trai tên Công Nghi, Công Trị.
Bát tằng tổ Trần Công Tạn 陳公𠿢 là con trai thứ ba của thất tổ Giáp Chi Công Khuê. Lớn lên tổ bị sung vào lính. Tổ làm đến chức hữu thủy vệ đội trưởng quyền sung suất đồn Nghĩa Hành thuộc Thanh Hiệu cơ. Đội trưởng quyền sung suất là hàng quan võ tước ngũ phẩm thời triều Nguyễn cai quản năm mươi lính, còn một cơ có mười đội (khoảng 500-600 lính). Tổ kết hôn với bà Hoàng Thị Tương (bản dịch năm 1980 là Hoàng Thị Tơng) nhưng hai tổ không có con. Sau khi mất, hai tổ được con cháu người anh là Công Giá thờ tự. Tổ ông kỵ ngày mười một tháng một, không rõ ngày kỵ của tổ bà.
Bát tằng tổ Trần Công Soạn 陳公價 là con trai thứ tư của thất tổ Giáp Chi Công Khuê. Lớn lên tổ kết ôn với bà chính thất lục nương họ Nguyễn tên Thị Hòa 阮氏和.Không rõ bà có sinh người con nào không  nhưng mất sớm. Sau khi bà mất, tổ kết hôn với bà nhị nương kế thất họ Đậu tên Thị Từ 杜氏慈. Ông bà sinh hạ được bao nhiêu người con gái không rõ và ba con trai. Có người con gái lớn tên là Thị Vực, mạnh lang và trọng lang mất khi còn nhỏ, quý lang là Công Trạch. Sau này người ta thường gọi tổ theo tên con đầu là cố Vực. Đương thời tổ làm tế chủ kiêm đại hào mục thôn Phú Đông. Tổ có nhiều ruộng, được coi là gia đình giàu có của xóm Hà. Người ta bảo tổ nhờ có ngôi mộ thờ tự của người chú là thất tổ Công Triêm táng tại vùng đất kết rừm Dừa làng Đông nên gia đình khá giả. Sau khi mất tổ có tên hiệu là Sa Cương 沙冈. Tổ ông kỵ ngày mười tám tháng sáu, tổ bà chính thất kỵ ngày mồng sáu tháng giêng, tổ bà kế thất không rõ ngày kỵ.
Bát tằng tổ đường thúc Trần Công Do 陳公犹 là con trai duy nhất của thất tổ Công Triêm. Lớn lên tổ lấy vợ nhưng tổ mất sớm khi chưa có con nên vợ tổ đi lấy chồng khác. Đương thời cha tổ đi lính nên gia đình nghèo túng. Đến thời tổ có lúc phải đi ăn xin nên người ta còn gọi tên tổ là Mày Do. Sauk hi mất , tổ được người anh họ là Công Soạn thờ tự, không rõ ngày kỵ của tổ. Người em gái thứ hai của tổ là Thị Hải rất đẹp, nhưng lấy chồng không có con nên khi mất không ai thờ tự. Sau này ông Trần Công Cương, cháu nội bát tổ Công Soạn xin đem đường cô về thờ vào từ đường Trần Tộc. Họ Trần Công  có ba chi nhưng đến giai đoạn này Ất Chi và Bính Chi đều vô tự, tất cả đều được dòng Giáp Chi thờ tự. Riêng cha bà Cẩn Thận của dòng Bính Chi không có tên trong Phú Ý, nguyên nhân có lẽ là con ông lấy mất ruộng từ đường hương hỏa nên không được thờ vào từ đường. Thế hệ sau này muốn xóa bỏ mối hiềm xưa, đem ông vào thờ nhưng con cháu của ông lại không biết tên ông nên thôi.
Cửu hiển tổ bá Trần Công Thanh 陳公 là mạnh lang của bát tổ Công Danh. Sinh thời ông được ăn học đến nơi đến chốn để sau này nối nghiệp cha làm lý trưởng nên gọi là Nhiêu Học. Tuổi vị thành niên tổ đã được giạm hỏi một người con gái làm vợ nhưng chẳng bao lâu sau, tổ đi tát nước bắt cá cùng bạn bè trong xóm bị cảm nắng mất sớm. Sau khi mất, tổ được đặt tên thụy là Đoan Diệu 端燿.Tổ kỵ ngày hai mươi tháng năm, không rõ nơi táng, được người em là Công Du thờ tự
Cửu hiển tổ Trần Công Du 陳公 là nhị lang của bát tổ Công Danh. Thuở nhỏ được ăn học đầy đủ. Lớn lên ông kết hôn với bà tứ nương họ Đậu tên Thị Phương 杜氏方. Ông bà sinh hạ được một người con gái tên Thị ? và người con trai tên Công Kính. Ông mất sớm, để lại vợ và hai con nhỏ, tuy còn trẻ nhưng bà ở vậy nuôi hai con và thủ tiết thờ chồng. Gia đình ông bà nhiều ruộng khá giả, ở với cha mẹ là ông bà cố cửu Nhàn, lý trưởng thôn Phú Đông. Chính vì điều đó mà năm 1954, cải cách ruộng đất, gia đình bị quy địa chủ, đấu tố, tịch thu gia sản, đốt hết văn tự, trong đó có cuốn gia phả Trần Công Tộc. Sau khi ông  bà mất có tên thụy là Chất Phác 質樸 và Trinh Thuận 貞順. Kỵ ông ngày hai mốt tháng tư, kỵ bà ngày mồng hai tháng tám.
Cửu hiển tổ Trần Công Đạm 陳公淡 là tam lang của bát tổ Công Danh. Ông sinh năm Canh Tý (1900). Thuở nhỏ được cha cho ăn học đầy đủ. Lớn lên ông kết hôn với bà lục nương họ Cao tên Thị Thư 高氏書, người làng Tuấn (nay thuộc Diễn Phúc),bà sinh năm Tân Sửu (1901). Ông bà sinh hạ được năm người con, hai trai ba gái: Thị Vân 氏雲(tiếng địa phương đọc lệch là Thị Vưn), Thị Tập , Công Tình , Công Cẩm 公錦, Thị Kiểm . Người ta hay gọi tên ông bà là ông bà Vưn. Đương thời ông là người khá giả, xếp vào hạng trung nông của làng. Ngày mồng một tháng năm, năm Đinh Sửu (1937). Buổi sáng đi cày trên đồng làng Tuấn. Chiều đi sang đình làng Đông mua ngô về để cất, sau này được giá thì bán. Tối ông bị đi ngoài liên tục đến mê man, chân tay co rút lại vì mất nước. Đến cuối giờ Tý (tức sang ngày mồng hai) thì ông mất, thọ ba mươi bảy tuổi, có tên thụy là Chất Phác 質樸. Cùng ngày đó, cháu là Công Huy, con người em ruột là Công Thiệp cũng bị mất do nhiễm bệnh tả. Ba ngày sau cháu Công Hoàng , em Công Huy lại mất, vậy là ba bác cháu đã chết trong vòng ba ngày. Lúc đó trên làng Tuấn có bệnh dịch tả, có lẽ ông bị nhuốm bệnh khi đang đi cày trên đó. Sau này Vợ con ông đi nhờ thầy gọi hồn ông lên (gọi là kêu rí), ông nói ông mất là mồng một đi cày gặp âm binh âm tướng nên họ bắt nhầm. khi chân tay bị co rút là do bị âm binh trói lại. Chuyện này kể ra cũng khó tin. Trước khoa học chưa phát triển, bệnh tả là bệnh nguy hiểm. Như bây giờ thì không thể xảy ra sự việc đáng tiếc như thế. Sau khi ông mất, bà ở vậy nuôi con khôn lớn. Thị Vưn lấy chồng khi mới mười ba tuổi, người xóm Yên Tiền làng Yên Lãng tên Trần Văn Tất 陳文嗶,Thị Tập được gả cho ông Lê Hữu Thiện 黎佑繕 người cùng xóm nhưng không hợp nhau. Sau lấy chồng người xóm Đình làng Xuân An tên Cao Văn Lung 高文 .Hai người con rể đều là môn đăng hộ đối, biết nhiều chữ nghĩa. Còn người con trai Công Tình chết khi còn nhỏ. Thị Kiểm lấy chồng người xóm Tây Tiến cùng làng, tên Đậu Công Di 杜公匜.Khi lấy chồng bà mới mười bốn, mười lăm tuổi. Bà chê ông xấu trai, không ưng, nhưng mẹ ép lấy (ngày xưa vẫn theo tục cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy và môn đăng hộ đối). Đến ngày cưới, bà bỏ chạy mãi xuống dưới ngâm Hàu làng Tiền Song làm mẹ phải đi tìm về. Tháng mười năm Quý Hợi (1983) bà Cao Thị Thư lâm bệnh xuất huyết dạ dày, thổ ra máu. Đến giờ Tỵ ngày mồng một tháng mười một, bà từ trần, thọ tám mươi ba tuổi, có tên thụy là Trinh Thuận貞順.
Cửu hiển tổ Trần Công Thiệp 陳公 là tứ lang của bát tổ Công Danh. Thuở nhỏ ông được cha cho ăn học đầy đủ. Lớn lên ông kết hôn với bà tam nương họ Phạm tên Thị Sinh 範氏生 người thôn Phú Đông. Ông bà sinh hạ được bốn con trai: Công Thọ, Công Diệu, Công Huy, Công Hoàng. Bà mất sớm nên ông kết hôn với bà kế thất nhất nương họ Lê tên Thị Phác người làng Phú Trung. Bà kế thất sinh được hai người con gái tên Thị Tiêu 氏消 Thị Khiển 氏遣. Vì ba người anh mất sớm nên ông nối nghiệp cha làm lý trưởng thôn Phú Đông. Ông học giỏi, thi đậu Hiệu Sinh, trúng cách lần hai, được đi thi hương. Sau thăng thưởng chánh cửu phẩm Văn Giai (một tước phẩm của các hào lý địa phương hàng Văn Giai, thời trước, quan được phân làm hai ngạch là Văn Giai và Võ Giai). Sau khi nhận được tước phẩm, ông tổ chức khao làng. Tuy là lý trưởng nhưng nhà ông có bốn sào ruộng. Nói về kinh tế trong bốn anh em, ông là người kém nhất. Khi mở tiệc khao làng, thì ba anh em còn lại đều giúp tiền gạo để mở tiệc, âu cũng là niềm vinh dự cho cả họ. Làng Phú Đông lúc đó là làng nhỏ, có sáu mươi hộ dân, đa số là nghèo và không biết chữ. Chính vì không khá giả như ba anh em của ông nên lúc cải cách ông không bị đấu tố, mặc dù ông là lý trưởng. Hơn nữa có người con cả Công Thọ tham gia cách mạng từ những năm bốn mươi, thời kỳ tiền khởi nghĩa. Năm Đinh Sửu (1937) hai người con Công Huy 陳公, Công Hoàng 陳公 đều bị dịch tả chết. Hai người con gái Thị Tiêu, Thị Khiển được anh mình là Công Thọ giúp đỡ, thoát ly ra Hà Nội. Thị Tiêu lấy chồng tên Thưởng, người Bình Định tập kết ra bắc năm 1954. Hiện nay sinh sống tại phường Vĩnh Tuy, Hà Nội. Thị Khiển không có chồng, sinh được một con gái tên Thị Thủy, đặt theo họ mẹ, sau đem con về quê sinh sống với ông bà ngoại.
Sau cải cách ông Trần Công Thiệp đã từng lên tổng Quan Trung (dòng Trần Chân Tịch-Diễn Thắng ngày nay), Quỳnh Lưu (dòng Trần Huyền Thông),  Chợ Mõ, Diệu Ốc (dòng Trần Chân Thiên) để tìm nguồn gốc, nơi phát tích giống nhau nhưng khi đối chiếu Phú Ý thì không thấy tên phù hợp.
 Ngày hai mươi chín tháng bảy năm Canh Thân (1980) ông mất vì tuổi già, thọ tám mươi tuổi. Lấy tên tự hiệu theo cha mình là tự Đình Công hiệu Đông Khụ Sa Chữ.  Một thời gian sau bà kế thất mất, kỵ ngày mười một tháng bảy. Mộ ông bà hung táng tại cồn Bình, cát táng quy tập tại lăng Trần Tộc. bà chính thất và kế thất đều có tên hiệu Trinh Thuận貞順.
Cửu hiển tổ Trần Công Tiếp 陳公接 là ngũ lang của bát tổ Công Danh. Cũng như các anh mình, ông được cha cho học hành tử tế. Lớn lên, ông kết hôn với bà nhị nương họ Đậu tên Thị Cúc 杜氏. Năm Tân Mùi (1931) ông bà sinh hạ được người con trai tên Công Nhiếp. Sau mãi mấy năm vẫn không sinh thêm, nghĩ rằng vì ở vào đất nghịch, hiếm con, ông phải hai ba lần chuyển nhà. Không biết là vì chuyể đến nơi ở mới hay do cha mình là bát tổ Công Danh lập đàn cầu siêu năm Mậu Dần mà mười năm sau ông bà lại sinh thêm được ba người con. Năm Tân Tỵ (1941) ông bà sinh con trai thứ Công Lan, sau sinh thêm hai con gái tên Thị Quy 氏 và Thị Quỳ 氏夒. Hai người con gái thoát ly ra Hà Nội, người chị lấy chồng Quảng Ngãi tập kết ra bắc năm 1954 tên là Đặng Quảng 鄧犷, hiện đang sinh sống tại khu tập thể nhà máy công cụ số 1 phường Nguyễn Trãi, Hà Nội. Người em không có chồng, năm Giáp Ngọ (2014), trở về quê hương thụ tuổi già. Đương thời, ông bà cũng khá giả, liệt vào hàng trung nông. Sau khi mất ông có tên thụy là Cần Mẫn 勤敏, bà là Trinh Thuận貞順. Kỵ ông ngày mồng tám tháng hai, kỵ bà ngày hai mươi tư tháng sáu.
Cửu hiển tổ Trần Công Nghi 陳公 là con trai trưởng của bát tổ Công Giá. Thuở nhỏ ông cũng được đi học thầy đồ trong làng. Lớn lên ông làm thông phái của làng. Số ông lận đận về đường vợ con, đầu tiên ông kết hôn với bà tứ nương họ Đậu tên Thị An 杜氏安. Bà mất sớm, ông kết lại hôn với bà kế thất nhất nương họ Phạm tên Thị Điều 範氏 cũng không có con. Vì lận đận đường vợ con, ông mấy lần phải chuyển nhà vì cho là không hợp đất. Cuối cùng ông bà mua đất xóm Đồng và định cư luôn tại đó. Bà Điều mất, ông lại tiếp tục kết hôn với bà kế thất họ Nguyễn tên Thị Loan 阮氏鸞. Ông bà sinh hạ được ba người con gồm Thị…?... Công Nhâm, Công Kiều. Người con gái lấy chồng xóm Đồng tên Tưởng , trưởng nam Công Nhâm 陳公任 mất khi còn nhỏ (khoảng 14 tuổi). Sau khi ông mất có tên thụy là Chất Phác 質樸. Kỵ ông ngày mồng ba tháng mười một. Không rõ ngày kỵ của bà An và bà Điều.
Cửu hiển tổ Trần Công Trị 陳公 là con trai thứ của bát tổ Công Giá. Lớn lên ông làm trùm trưởng thông hội của làng Phú Đông. Ông kết hôn với bà nhất nương họ Đậu tên Thị An杜氏安. Ông bà sinh hạ được bốn người con là Công Trường, Thị Dục (gọi theo tên con đầu, không rõ tên húy) Công Trị, Thị Hồng. Thị Dục lấy chồng người làng Phú Đông tên Tạo , Thị Hồng lấy chồng làng Phú Đông tên Bảy Đương thời ông cũng muộn con, chuyển nhà mấy bận, cuối cùng theo anh mình là Công Nghi chuyển nhà lên xóm Đồng. Sau khi mất ông có tên thụy là Chất Phác  質樸, bà là Thuần Hậu 侯厚. Kỵ ông ngày mồng năm tháng sáu, kỵ bà ngày hai sáu tháng mười hai.
Cửu hiển tổ Trần Công Trạch 陳公 là con trai thứ ba của bát tổ Công Soạn. Hai người anh của ông mất khi còn nhỏ, chỉ còn mình ông  là quý nam , nhưng phải gánh vác tất cả mọi việc. Lớn lên, ông kết hôn với bà chính thất nhất nương họ Đậu tên Thị Tường 杜氏祥. Ông bà sinh hạ được hai người con tên Thị Hường, Công Cương. Bà Bường mất sớm, ông lại kết hôn với bà kế thất tứ nương họ Đặng tên Thị Diễn 鄧氏演. Bà kế thất sinh thêm hai người con là Thị Lương, Công Khương. Thị Hường lấy chồng làng Phú Đông tên Huy . Thị Lương lấy chồng xóm Hà, người họ Cao tên Cường . Sau khi ông mất được con đặt tên tự là Đình Công, hiệu Đông Khụ Sa Chữ. Ông mất ngày hai mươi mốt tháng mười hai năm Kỷ Tỵ (1989). Bà chính thất kỵ ngày hai mươi bảy tháng ba, bà kế thất kỵ ngày hai mươi bảy tháng mười một. Mộ ông bà hung táng tại cồn Bình, cát táng tại lăng Trần Tộc.
Thập hiển khảo Trần Công Kính陳公敬là con trai duy nhất của cửu hiển tổ Công Du. Khi còn nhỏ, ông được ông nội cho đi học chữ nho, sau sang xóm Trại, làng Tiền Song học Quốc ngữ. Khi xưa, làng Tiền Song có nhà thánh xã ở xóm Phúc Môn (nay là xóm 13) dành cho những người đi thi hương của toàn xã Cao Xá. Đó là những người mới đậu hiệu sinh, sinh đồ, tú tài hoặc các cậu khóa chuẩn bị đi thi hương. Còn làng Thịnh Mỹ có đình xã, nơi dành cho những gia đình có điều kiện học hán ngữ và quốc ngữ. Ông có máu mê cờ bạc. Mẹ bảo ông lên đồng làng Tuấn đi cày, ông vác cày lùa bò đi rồi cột bò vào gốc cây bỏ đi đánh bạc cả ngày, tối mới lùa bò về nhà.Vì nhà neo đơn, cha mất sớm, ông là cửa trưởng nên lập gia thất sớm. Khoảng năm mười sáu tuổi, ông được bà o là Thị Vực mai mối lấy một người con gái hơn ông hai tuổi. Ông cưới chạy tang vì lúc này có mự là Thị Sinh, vợ chú Trần Công Thiệp qua đời. Bà này tính tình gê gớm, lấy ông  về một thời gian thì bà nội là Từ Hào mất. Bà này bỏ về cha mẹ đẻ, vứt khăn tang vào bụi tre, chửi o là bà Vực đem bà về lấy ông chồng cờ bạc. Sau ông kết hôn với bà …….. người làng Đức Hậu. Ông bà sinh được năm người con: Thị Thành, Thị Trì, Thị Vũ, Công Trụ, Công Quang. Thị Thành氏城thoát ly ra Hà Nội, lấy chồng người miền nam tập kết. trước ở thị xã Hà Đông tĩnh Hà Tây (nay là quận Hà Đông, Hà Nội), sau theo con vào ở thành phố Vũng Tàu. Thị Trì氏池làm nghề giáo viên, lấy chồng xóm Đồng làng Phú Trung (nay là xóm 9, Diễn Thành) tên Lưu, làm thủy thủ tàu viễn dương, nay đã về hưu. Hiện đang sinh sống tại thành phố Hải Phòng. Thị Vũ 氏宇 là giáo viên, lấy chồng người làng Yên Lãng (xóm 1, Diễn Thành) tên Giai, cũng làm nghề giáo viên. Sau cách mạng tháng tám (1946), nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa xóa bỏ cấp phủ và cấp tổng đổi huyện Đông Thành thành huyện Diễn Châu. Nhập các làng Phú Đông, Phú Trung, Xuân Lôi, Xuân An, Yên Lãng, Mai Các,thành xã Song Tân, lúc này xã là đơn vị hành chính cấp cơ sở
Năm 1949 xã Song Tân  sáp nhập với xã Chí Minh (tức Diễn Thịnh)  thành xã Diễn Thành. Thành Phủ Diễn là một thắng cảnh đẹp được mệnh danh là “Diễn Thành Thạch Bảo” nằm ở giữa xã nên có danh xưng Diễn Thành. Năm 1950, xã Diễn Thành sáp nhập với xã Phú Tân thành xã Tân Diễn. Năm 1953, xã Tân Diễn tách ra 5 xã gồm: Diễn Thịnh, Diễn Thành, Diễn Tiến, Diễn Phúc, Diễn Tân. Năm 1954 cải cách ruộng đất, ông bị quy là địa chủ, bản thân ông bị trói vào gốc cau của đình làng. Nhà có bao nhiêu giấy tờ sổ sách bị đem đốt sạch, trong đó có cuốn gia phả Trần Công Tộc và công trái năm tấn thóc giúp đỡ chính quyền cách mạng. Của cải bị tịch thu, ruộng đất bị sung vào ruộng hợp tác xã, trong đó có cả ruộng từ đường hương hỏa, gia đình trở nên trắng tay.
Năm 1969 xã Diễn Tiến sáp nhập vào xã Diễn Thành. Năm 1971 tách vùng đất xóm Yên Tiền làng Yên Lãng (xóm Yên Hậu làng Yên Lãng, bên bờ bắc lạch Vạn  sáp nhập vào Diễn Ngọc)  xóm Bắc Xuân, xóm Nam Trang làng Xuân An , xóm Sò hay còn gọi là xóm Hiệu, xóm Tây Vân làng Phú Trung chạy theo quốc lộ 1A là thị trấn huyện Diễn Châu. Tên xã Diễn Thành ổn định từ đó đến nay với 11 xóm gồm: Yên Lãng (xóm 1), Bắc Xuân và Đông Xuân làng Xuân An (xóm 2, xóm 4). Mai Các (xóm 3). Nam Trang và Xuân Đình làng Xuân An (xóm 5, xóm 6). Xóm Sò, Tây Tiến, xóm Đồng, xóm Hà làng Phú Trung (xóm 7, xóm 8, xóm 9, xóm 10). Làng Phú Đông (xóm 11). Từ đó họ ta mới sinh hoạt bên làng Phú Trung nên văn cúng cũng bỏ câu đầu nguyên tiền Thanh Hoa : “ Đại Nam quốc ……. Tuế thứ……niên……nguyên tiền Thanh Hoa  hậu cư Nghệ An tỉnh, Diễn Châu phủ, Đông Thành huyện, Cao Xá tổng, Cao Xá xã, Phú Đông thôn…v…v…. Đổi thành “ Việt Nam quốc……. Tuế thứ……niên…… Nghệ An tỉnh, Diễn Châu huyện, Diễn Thành xã, Phú Đông thôn cư Phú Trung thôn”.
Thập hiển khảo Trần Công Cẩm  陳公錦là con trai thứ hai của hiển tổ Trần Công Đạm. Ông sinh năm Nhâm Thân (1932), được năm tuổi thì cha mất, ông được mẹ cho học thầy đồ trong làng. Trước đây học hết trường làng gọi là đỗ Ưu Lược (tức đệ tứ, tương đương cấp tiểu học bây giờ), là đã biết được nhiều chữ nho và chữ Pháp. Học hết trường làng, ông ra phủ Diễn Châu học tiếp quốc ngữ. Vì ông là con một (thiểu đinh), nên mẹ cho lấy vợ sớm. Ông là người vất vả về đường vợ con. Năm mười sáu tuổi, ông đang chăn bò, cùng bạn rủ nhau cưỡi lên cây Thùng Rùng phi ngựa thì người chú là cố Thiệp bắt ông xuống mặc áo dài khăn đóng đến nhà người ta để đặt trầu làm lễ ăn hỏi. Bà này là em gái ông Tác Kiểm người xóm Đồng, được tiếng là đẹp gái và da trắng. Tiếc rằng một thời gian khi làm lễ ăn hỏi, bà đi cắt cỏ trong rú Mộ Dạ bị cảm mất. Sau ông kết hôn với bà nhất nương họ Đậu tên Thị Đính người xóm Tây Vân. Năm 1952 bà sinh hạ được người con trai tên Công Lâm 公林, năm 1954 lại sinh Công Tri公知. Hai người con trai của ông sinh ra đều bị bệnh thần kinh, hay đi lang thang rồi không nhớ đường về. Cũng vì hai người con bị bệnh mà gia đình bên chồng hắt hủi nên bà phải về sống với cha mẹ đẻ. Năm 1961 ông được hợp tác xã bổ nhiệm làm kế toán trưởng  nên ngày nào cũng phải đi làm trên xã. Chiều về lại đi tìm con, có khi phải lên lạch Vạn mới tìm thấy con. Khoảng mười, mười một tuổi, Công Lâm và Công Tri đều mất. Năm 1954, nhà nước cho phép tự do tín ngưỡng, người chú là Công Thiệp cho cả họ theo công giáo. Đến năm 1956 xảy ra bạo loạn giáo dân, ông bị chính quyền quy vào tội “ tham gia liên tôn chống cộng”. Ông chán nãn với chính quyền, làm đơn xin rút đảng. Ông lại bị chính quyền quy thêm tội “ vận động làm đơn xin rút đảng”. Năm Quý Mão (1963), ông kết hôn với bà tam nương họ Đậu tên Thị Trạch. Năm  Ất Tỵ (1965), bà sinh được người con gái tên Thị Tuyến . Năm Canh Tuất (1970), bà mất vì bệnh tim. Năm Nhâm Tý (1972), ông lại kết hôn với bà nhị nương họ Nguyễn tên Thị Phương, người làng Thịnh Mỹ. Năm Quý Sửu bà sinh Công Trung, Ất Mão sinh Công Dương, Bính Thìn sinh Thị Thuỷ氏始, Canh Thân sinh Thị Tân氏新Nhâm Tuất sinh Công Trọng 公仲, Giáp Tý sinh Thị  Hoa氏. Công Trọng sau khi sinh ra được một tháng thì bị một cái nhọt nổi lên trên miệng. Sau khoảng một tháng bị nhiểm trùng máu rồi mất vào ngày hai lăm tháng tư. Thập niên sáu mươi, thế kỷ hai mươi, ông được huyện Diễn Châu cho đi thi kế toán giỏi của tỉnh Nghệ An. Ông là người học giỏi nên đậu giải nhất toàn tỉnh. Năm 1983, sau hai mươi ba năm làm kế toán, ông xin thôi chức cán bộ xã để về đi biển đánh cá lấy thức ăn tươi cho gia đình.  Thôi chức cán bộ xã, ông lại được xóm bàu xóm trưởng, đến năm 1987 ông mới nghỉ hẳn công việc xã hội để lo cho gia đình.
Năm Đinh Tỵ (1977), nhà nước có chủ trương di dời các làng ra lấn biển hoặc lên ở dọc quốc lộ 1A hoặc đi vùng kinh tế mới để lấy đất làm ruộng. Mộ phần các nơi cũng được chuyển về quy tập lại một vùng. Được người chú là cố Thiệp đứng ra chỉ đạo con cháu bốc mộ về nơi mới (Trại Dừa ông Ký Sỹ). Mộ phần bốc về để theo thứ tự từ trên xuống dưới theo vai vế. Các họ khác đều để lung tung, có khi mộ cha mình còn không biết nằm chỗ nào. Lúc bốc mộ tổ Trần Phúc Tú tại cồn Trống thì xương cốt vẫn còn nguyên. Khi trước ông bà tổ Phúc Tú được lục thế tổ Công Tuyển đem về táng tại cồn Trống bằng tiểu gỗ Dâu. Những gia đình giàu sang thường tạu gỗ Dâu để làm hậu sự, là loại gỗ chôn dưới đất càng tươi càng bền. Một số mộ khi bốc lên không còn xương cốt nên thôi, không mang về nữa. Nguyên nhân trước đây chưa có tiểu sành, chủ yếu là tiểu gỗ nên bị mục nát. Tính ra họ ta bị tình trạng tiêu cốt mất khoảng vài chục mộ phần, đa số không rõ tên vì không có mộ chí. Họ mình mất còn ít, cứ như họ khác mất nhiều, riêng họ Đậu ông Hà Tuyết mất khoảng chín chục ngôi mộ. Thời gian này đang trong chế độ bao cấp nên kinh tế nghèo nàn, nhà nào cũng túng thiếu, nghĩ rằng bốc lên không có cốt thì bỏ vì sợ tốn tiền mua tiểu. Đến như tổ Trần Phúc Tú còn phải lấy gạch lát sân của trưởng họ Trần Công Kính gép vào làm tiểu để táng. Khi trước khu mộ chưa có tường bao, phía trên lại là đường đi làm đồng của người dân Phú Đông. Hai ngôi mộ tổ bị trẻ con chăn bò lấy mất mộ chí đem đi đâu thất lạc. Sau này bà Nguyễn Thị Phương (vợ ông  Trần Công Cẩm) đi gọi hồn ông nội là Trần Công Danh lên, ông bảo: “Khu mộ họ ta không được đẹp, phía trên là đường đi, nên nó toàn dẫm trên đầu họ ta thôi con ạ. Thằng anh (chỉ Công Kính) thì không giỏi bằng thằng em (chỉ Công Cẩm). Sau này có thằng em (chỉ Công Cương) còn giỏi nữa”. Năm ? họ tổ chức xây đầu lăng cái án thờ để ngăn với đường đi. Năm Mậu Thìn (1998), nhân xin được khu đất mới, toàn tộc tổ chức đóng góp để chuyển lăng họ về nơi mới đẹp và rộng rãi hơn. Lăng được xây lên, tọa Chấn hướng Tốn (tức nhìn về hướng biển Đông là Sinh Khí 生氣, cách trung tâm huyện Diễn Châu khoảng hai km về hướng Đông Nam là Thiên Y天猗). Mộ phần được xếp đặt theo hàng chữ Nhất về thế thứ và từ phải qua trái vai trưởng, thứ theo lối đọc chữ nho. Mộ chí được chuyển thành chữ quốc ngữ, còn mộ chí cũ có chữ nho thì đem chôn xuống làm vách. Hai bên dựng mộ tưởng niệm của các mộ phần thất lạc và của tảo sinh tảo lạc.
Thật là:
前戊寅年
祖公名開求丁求祿
後戊寅年
修造𩗂
Tiền Mậu Dần niên
Tổ Công Danh khai đàn cầu đinh cầu lộc
Hậu Mậu Dần niên
Tử tôn tu tạo lăng mát mẻ mộ tổ tông.

Tảo mộ trong lễ tế xuân của Trần Công Tộc

Tháng hai năm Nhâm Thìn (2012) toàn họ cùng đóng góp xây dựng từ đường mới. Họ có năm mươi hai đinh, mỗi đinh ba triệu đồng cùng với tiền công đức của con cháu nội ngoại. Tháng sáu cùng năm làm lễ khánh thành

4 nhận xét:

  1. cho hỏi Tổ Trần Phúc Tú và Tổ Trần Pháp Độ có quan hệ như thế nao vậy

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vì lý do nào đó nên không có tài liệu nguồn gốc để lại ngoài truyền ngôn" Họ ta xuất phát Thanh Hoa", tổ theo đường biển trôi dạt vào định cư tại làng Phú Đông. Không dám nói là tổ Trần Phúc Tú có quan hệ với tổ Pháp Độ Công. Chỉ là ý kiến duy ý chí của cá nhân nhận định tương đồng thôi ạ. Vấn đề kết nối là cả một quá trình không chỉ một thế hệ đối với dòng họ cháu, cách đây hơn 70 năm, ông họ cháu là lý trưởng Trần Công Thiệp đã đến họ Trần Giai Lạc chợ Mõ để kết nối nhưng không tìm được. Xin được mọi người cho ý kiến chỉ giáo thêm ạ!

      Xóa
  2. Cháu ở thái bình, nghe các cụ xưa kể lại cụ tổ đi tản từ thành hoá ra. Họ cháu bé lắm, có 2nghành. cụ tổ ngày xưa là nhà nho, mở lớp dạy học. Bài vị các cụ có ghi tên. Cố phụ Trần công ,tự Hủy Đắc. Và cụ đời sau là Trần công, tự Quý Hợp.không biết có phải họ Trần công không và họ trần nào Thành hoá có tên cụ thì liên kết để cháu còn tìm về nguồn cội

    Trả lờiXóa
  3. Cháu ở thái bình .nghe các cụ nói họ Trần cháu đi tản từ Thanh Hoá ra. Cụ làm nhà nho mở lớp dạy học. Cụ có tên Trần Công ,tự Huy Đắc. Con cụ Trần công , tự Quý hợp.kính mong các họ trần Thanh hoá xem giá phả xem có tên cụ ko liên kết để con cháu tìm về nguồn cội.

    Trả lờiXóa