Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

BỐN VỊ KHAI QUỐC CÔNG THẦN VÀ ĐỊA DANH TỨ TRỤ


Lời người biên tập

Bến đò Mía, làng Thịnh Mỹ, huyện Lôi Dương, tỉnh Thanh Hóa, thời Lê trung hưng chính là thôn Tứ Trụ, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa ngày nay. Đây chính là nơi phát tích của dòng họ Cao Trần Giao Tiến đã được ghi trong Gia Phả bằng chữ Hán. Đồng thời Thịnh Mỹ - Lôi Dương cũng là thủ phủ của nhà hậu Lê, trong đó có Thủ đô Lam Kinh (thị trấn Lam Sơn), thực sự là vùng đất địa linh nhân kiệt. Trong số 4 vị quan chức thời Lê sơ trên đất Tứ Trụ Lôi Dương có vị tướng Trần Vận. Tướng Trần Vận là một trong số tướng tài trong khởi nghĩa Lam Sơn, được Lê Lợi và Nguyễn Trãi tin dùng. Biết đâu Thải Tổ Vô Ý của chúng ta có phải là hậu duệ của tướng tài Trần Vận hay không ? Câu trả lời thật là điều không dễ dàng. Kính mời các độc giả đọc bài viết sau:

Lê Văn Viện.

(Ban quản lý Khu di tích lịch sử Lam Kinh thị trấn Lam Sơn Thọ Xuân Thanh Hóa).

Tứ Trụ là vùng đất thuộc làng Thịnh Mỹ xưa, nay thuộc xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Thời hậu Lê nơi đây thuộc huyện Lương Giang, phủ Thanh Hoa.
Thời Nguyễn nơi đây thuộc huyện Lôi Dương, tổng Diên Hào.
Thịnh Mỹ được biết đến không chỉ là một vùng đất cổ địa linh nhân kiệt với bề dầy lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời mà còn được biết với một thời là lỵ sở của phủ Thọ Xuân(1). Đây là quê hương của Cung Từ Quốc thái mẫu Phạm Thị Ngọc Trần( vợ vua Lê Thái Tổ- mẹ vua Lê Thái Tông) và cũng là quê hương của Linh từ Quốc thái Mẫu Trịnh Thị Ngọc Lung (Bà là chính phi của Tây Định vương Trịnh Tạc). Thịnh Mỹ cũng là nơi sinh ra nhiều nhân tài cho đất nước, nhiều vị tướng giỏi cho nghĩa quân Lam Sơn trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược đầu thế kỷ XV (1418) như: Nguyễn Nhữ Lãm; Đỗ Đại; Trần Vận; Lê Trinh... Họ là những vị khai quốc công thần dưới triều hậu Lê mà sau này khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh hoàn toàn giành thắng lợi. Lê Lợi lên ngôi hoàng đế lập ra một nhà nước Đại Việt độc lập, tự chủ thì họ đã trở thành các vị quan giữ những chức vị cao và quan trọng trong triều đình. Họ cũng là những người có công lớn trong việc ổn định tình hình kinh tế, chính trị và xã hội trong và ngoài nước khi mà đất nước ta vừa độc lập tự chủ và đang trong giai đoạn khôi phục nền kinh tế, ổn định tình hình chính trị, xã hội góp phần đưa đất nước Đại Việt phát triển vững mạnh và hưng thịnh như trong dân gian đã truyền rằng:

Đời vua Thái Tổ, Thái Tông
Thóc lúa đầy đồng trâu chẳng muốn ăn.

1. Nguyễn Nhữ Lãm (Lê Nhữ Lãm 1378 – 1437).
Chính quán xã Văn Xá, huyện Thanh Liêm, phủ Lý Nhân, trấn Sơn Nam(2). Theo gia phả họ Nguyễn thì thân sinh của Nguyễn Nhữ Lãm tên là Công Thân làm quan cuối đời Trần, vì chán cảnh đời nhiễu nhương nên ông đã từ quan về quê. Mẹ là Lê Thị Lịch, một người phụ nữ hiền thục được mọi người quý mến. Nhà tuy giàu có nhưng mặc dù tuổi đã ngoài 40 mà ông bà vẫn chưa có con nối dõi nên hằng ngày luôn chăm lo làm việc thiện.
Công Thân tính thích giao du đây đó và là một tay cao cờ có tiếng. Một hôm ông lên núi Thiên Kiện thấy có hai cụ già râu tóc bạc phơ đang ngồi đánh cờ trên một phiến đá to và bằng phẳng ở lưng chừng núi bèn lại gần lẳng lặng đứng xem. Bỗng một cụ già ngẩng đầu lên thấy Thân liền hỏi: Nhà ngươi tên họ là gì, ở đâu? Công Thân lễ phép trả lời rành mạch. Cụ già kia cười bảo: Ta nghe nói ngươi cao cờ có tiếng hãy cùng đánh với ta vài cuộc xem thế nào? Rồi cụ già lại nói tiếp: Ngươi thắng được mấy cuộc ta sẽ cho ngươi nấy đứa con! Công Thân mừng rỡ, xin phép được hầu cờ các cụ nhưng suốt hôm đó ông chỉ đánh thắng được một ván. Cụ già đưa cho công thân một túi vải màu vàng và dặn: Khi nào nhà ngươi có con thì hãy mở cái túi này ra. Năm sau, bà Lịch mang thai và sinh được một người con trai. Công Thân nhớ lời cụ già dặn liền đem chiếc túi ra mở thì thấy bên trong chỉ có 8 chữ: Tú nữ nhất tử, nhữ kỳ lãm chi. Bèn đặt tên thằng bé là Nhữ Lãm. Lãm lớn lên dáng người cao đen, học giỏi, có tài biện luận, gặp lúc vận suy, quân Minh xâm lược đất nước, muốn tìm nơi ẩn thân giấu tiếng. Nghe nói đất Lam Sơn, xứ Thanh Hoa có hào trưởng Lê Lợi mấy lần quân Minh trao quan chức mà không nhận. Nhữ Lãm nghĩ chắc đây là bậc hào kiệt đang ngầm nuôi chí lớn mới bí mật đem cả gia quyến đến dựng nhà, mở trại tại làng Thịnh Mỹ, huyện Cổ Lôi(3). Ông xin nhập tịch làm dân địa phương và bỏ tiền giúp đỡ dân nghèo. Những người gặp cảnh khó khăn, cơ nhỡ vùng Lương Giang(4) không kể dân cày hay chài lưới đều được nương nhờ họ Nguyễn Nhữ. Được ít lâu, Nhữ Lãm mới tìm đến đất Lam Sơn cầu thân Lê Lợi. Gặp nhau, hai người trò chuyện rất tương đắc. Bấy giờ hào kiệt khắp nơi hội tụ về Lam Sơn ngày một đông. Để chuẩn bị cho khởi nghĩa Lam Sơn Lê Lợi đã giao cho Nguyễn Nhữ Lãm nhiệm vụ tích chứa binh lương. Ông là một trong số 51 tướng đứng dưới cờ Bình Định Vương Lê Lợi trong ngày khởi nghĩa mồng 2 tháng giêng năm Mậu Tuất(1418).
Sau này khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn hoàn toàn giành thắng lợi. Lê Lợi lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là năm Thuận Thiên thứ nhất(1428). Ngày 03/05 năm Thuận Thiên thứ 2(1429) khi Lê Lợi ban biển ngạch khắc tên công thần khai quốc, Nguyễn Nhữ Lãm có tên trong danh sách 14 người được phong tước Đình thượng hầu, ngang hàng với các tướng như: Nguyễn Chích; Nguyễn Văn An; Đinh Liệt...
Năm Thuận Thiên thứ 4(1431) vì có công lớn trong chuyến đi sứ nhà Minh nên Ông được phong chức Hữu Bộc Xạ (5)
Tháng 9 năm Thiệu Bình thứ nhất(1434) Ông được vua Thái Tông sai về trông coi việc dựng miếu thờ thái mẫu ở Lam Sơn ( tức Phạm thị Ngọc Trần , mẹ Thái Tông).
Năm Thiệu Bình thứ 2(1435) ông được phong chức: Thượng thư lệnh, tham tri chính sự, tri bắc đạo quân dân bạ tịch sự, tước Đình thượng hầu.
Ngày 25/5 niên hiệu Thiệu Bình thứ 4 (1437) Nguyễn Nhữ Lãm mất và được truy tặng: Nhập nội Thái bảo, thụy Trung Tĩnh (ĐVSKTT). Năm Hồng Đức thứ 15 được tặng Khang tế hầu, con trai là Lê Lỗi là Thái phó Thanh quận công.

2. Đỗ Đại (1399-1459):

Đỗ Đại còn có tên là Đỗ Khuyển hay Lê Khuyển (6) người xã Diên Hào huyện Lôi Dương nay thuộc làng Diên Hào, xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân. Cha của ông là Đỗ Lỗi làm quan cuối đời Trần, mẹ ông là bà Lê Thị, người làng Thịnh Mỹ, xã Đa Mỹ cùng huyện (Thọ Lâm là vùng đất nay giáp xã Thọ Diên ). Thân phụ ông hy sinh trong trận chiến chống giặc Minh thời Hồ tại Giao Thủy (7). Sớm ý thức được thù nhà nợ nước. Đỗ đại đã tìm đến Lam Sơn xin làm gia thần cho Lê Lợi.
Tháng giêng năm Mậu Tuất (1418) Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống giặc Minh xưng là Bình Định Vương dùng Đỗ Đại làm vệ sĩ. Buổi đầu khởi nghĩa muôn vàn gian lao, dù ở Khôi huyện (8) hay Chí Linh sơn (9) Đỗ Đại không hề xa rời chủ tướng nửa bước.
Tháng giêng năm Bính Ngọ (1426), Đỗ Đại cùng Trần Nguyên Hãn, Lê Thiệt phục binh tại cầu Giát (10) nhử quân giặc ở thành Diễn Châu (11) kéo ra càn quét. Nghĩa quân nổi dậy bất ngờ chém đầu tướng giặc là Minh Vĩ Phượng và tướng Ngụy Nguyễn Vinh (12). Tháng 8 năm ấy Lê Lợi cho là quân tinh nhuệ của giặc đều ở thành Nghệ An cả, các xứ Tây Đô tất quân ít sức yếu bèn chia quân tuần tiễu đất Bắc để gây thanh thế. Thái giám Đỗ Đại cùng thiếu úy Đỗ Bí đem 2000 quân và 1 con voi đi tuần tiễu các xứ: Khoái Châu; Bắc Kạn; Lạng Giang để chặn viện binh ở Lưỡng Quảng (13) sang. Trong khi đó, khu mật sứ Phạm văn Xảo; Thái úy Lý Triện; Thái Giám Trịnh Khả; Á hầu Lê Nhữ Huân đem 3000 quân và 1 voi đi tuần các xứ Thiên Quan; Quảng Oai; Gia Hưng; Quy Hóa; Đà Giang; Tam Đái ; Tuyên Quang để ngăn chặn viện binh ở Vân Nam sang. Tư không Đinh Lễ và Tư không Nguyễn Xí đem tinh binh tiến sau để phô trương thanh thế. Nghĩa quân đi đến đâu cũng không phạm mảy may đến của cải của dân nên nhân dân các địa phương đều đem trâu, dê,  cơm, rượu đến để khao quân và hưởng ứng nghĩa quân vây thành lũy giặc. Bởi thế quân Minh chỉ còn cách đóng chặt cửa thành cố thủ đợi quân ngoài đến cứu viện. Đến tháng 12, Lê Lợi sai Trịnh Khả, Đỗ Đại đánh vào Tam Giang (14) Lê Sát, Lê Thụ; Nguyễn Lý ;Lê Lãnh, Lý Triện đánh thành Xương Giang, Bùi Quốc Hưng đánh thành Diên Hào, Thị Cầu (15). Đầu tháng giêng năm Đinh Mùi (1427), sau khi hạ thành Tam Giang, Trịnh Khả và Đỗ Đại đóng giữ ở bên ngoài cửa Đông thành Đông Quan cùng Đinh Lễ ở cửa Nam, Lê Chửng, Nghi Phúc ở cửa Tây, Lý Triện ở cửa Bắc phối hợp vây hãm thành Đông Quan.
Đến tháng 9 năm Đinh Mùi (1427) viện binh của quân Minh chia làm 2 đường kéo sang nước ta. Trong khi đạo quân của Liễu Thăng đánh vào cửa ải Pha Lũy (16), đạo quân của Mộc Thạch đánh vào cửa ải Lê Hoa (17).
Kiềm quốc Công Mộc Thạch, tham tướng Hưng An bá Từ Hanh, Tân Ninh bá Đàm Trung cùng 5 vạn binh và 1 vạn voi ngựa bị nghĩa quân các tướng Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả, Lê Trung, Đỗ Đại chặn đánh ngay tại cửa ải Lê Hoa. Lúc này Lê Lợi gửi mật thư bảo Trịnh Khả, Đỗ Đại chỉ cốt cầm cự, chớ dốc toàn lực, hãy dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều tạo thế bất ngờ là chắc thắng. Đúng như Bình Định Vương Lê Lợi dự đoán. Kiềm Quốc công Mộc Thạch  tuổi già, từng trải công việc đã nhiều lần nên không khinh tiến mà có ý chờ xem phía đạo quân của An Viễn hầu Liễu Thăng tình hình ra sao rồi mới quyết định. Lê Lợi cho 1 tên chỉ huy và 3 tên thiên hộ của giặc bị bắt trong trận Chi Lăng(18) mang ấn, sắc, thư, binh phù của Liễu Thăng đưa đến dinh của quân Mộc Thạch. Mộc Thạch và tướng sĩ trông thấy đều hoang mang lo sợ. Đang khi ấy, phục quân ta trỗi dậy, Đỗ Đại cùng Trịnh Khả, Phạm văn Xảo dẫn đầu xông tới đánh đuổi quân giặc,thu được thắng lớn ở ngòi Nước Lạnh và Đan Xá chém được hơn 1 vạn thủ cấp, bắt được người và ngựa đều trên 1000, số bị chết đuối ở khe suối thì không kể xiết. Mộc Thạch 1 mình 1 ngựa chạy thoát. Nghĩa quân bắt được khí giới , của báu, xe lương nhiều hơn so với trận thắng ở Xương Giang(19)  đánh bại đạo quân của Thôi Tụ và Hoàng Phúc.
Tháng 4 năm Mậu Thân (1428) Lê Lợi lên ngôi hoàng đế đặt niên hiệu là năm Thuận Thiên thứ nhất. Tháng 8 vua ban cho Đỗ Đại chức Đồng Tổng tri coi quân ngự tiền thiết đột, điều khiển các vệ binh(20).
Năm Kỷ Dậu (1429) vua ban biển ngạch cho 93 vị công thần, Đỗ Đại thuộc 14 người được phong tước huyện hầu.
Tháng 11 năm ấy, vua ngự về Tây Đô(21) bái yết sơn lăng. Hôm vua trở về Đông Đô, đêm đã về khuya, khi có lệnh mở cổng thành đón ngự giá. Đỗ Đại lúc này coi giữ các vệ cấm binh đứng trên cổng thành nói vọng xuống: Đêm tối khó phân biệt không dám vâng theo chiếu(22). Vua bèn sai quân cầm đuốc sáng soi cao cho tỏ, Đỗ Đại nhận rõ đích xác là nhà vua mới cho mở cổng thành hộ thánh giá vào cung.
Năm Thuận Thiên thứ 3 (1430) Đỗ Đại được tiến phong là tổng quản, ban kim phù (23) vẫn coi quân cấm vệ.
Năm Thiệu Bình thứ nhất (1434) đời vua Lê Thái Tông, Đỗ Đại được phong chức: Nhập nội thiếu úy tham tri hải tây đạo chủ vệ quân sự kiêm thái giám như cũ(24).
Tháng 7 năm Đinh Tỵ (1437) ông được phong làm tham tri chính sự lại gia thêm bổng thánh tráng sĩ vệ tổng quản thiếu úy tham tri chính sự (25) .Đến tháng 8 cùng năm lại được phong làm tri từ tụng sự coi việc các vụ án kiện hình sự. Đỗ Đại kiêm chức này trong thời gian có mấy viên quan bị bãi chức.
Tháng 3 năm Tân Dậu (1441) Đỗ Đại hộ giá vua đi đánh nghịch Nghiễm ở châu Thuận Mỗi (256) bắt sống tướng Ai Lao là Đạo Mông và vợ con ở Động La (27). Phe đảng của Nghịch Nghiễm là Sinh Tượng và Chàng Đồng cũng bị bắt, Nghiễm thế cùng phải ra hàng. Vua đem quân về dâng tù cáo thắng trận ở thái miếu, ban cho Đỗ Đại chức Nhập nội Tư mã(28).
Năm Thái Hòa thứ nhất (tức Quý Hợi 1443) nhà Minh sai chánh sứ là Quang Lộc Tự Thiếu Khanh Tống Kiệt, phó sứ là Bình Khoa đô cấp sự Trung Tiết Khiêm sang phong vua làm An Nam Quốc vương. Tiết Khiêm thấy Đỗ Đại luôn luôn chầu hầu bên tả hữu vua bèn hỏi viên quan ấy là ai? Quan lễ tân đáp: ấy là Đỗ thái phó! Tiết Khiêm nói: ỷ thác được người lắm(29).
Tháng 10 năm Kỷ Tỵ (1449) nhân việc Quý Do giết anh là Quý Lai để tự lập làm vua. Quần thần bàn định hỏi tội, vua hạ lệnh cho sắc dịch các lộ đem nộp quân lương để chinh phạt Chiêm Thành. Đỗ Đại nói: Nước Chiêm Thành không có lễ nghĩa, vua tôi đổi chỗ cho nhau, đó là phong tục man mọi, chi bằng chỉ bảo cho chúng biết, không cần Nam chinh cho mệt sức dân. Triều đình nghe theo, bãi lệnh Nam chinh (30).
Tháng 11 năm ấy, con trai Đỗ Đại là Quán Chi ban đêm họp nhau đánh giết người ở đô thị. Việc bị phát giác, Quán Chi bị bắt giam vào ngục. Khi tra khảo, Quán Chi cung xưng dây dưa cả nội quan và con trai các vị chức trách đến hơn 10 người. Án sắp xong, Thái hậu nhiếp chính (31) nói: Đỗ Đại là bậc đại thần coi giữ cấm binh nhà vua ỷ trọng, nếu giết con tất đau lòng cha, đành làm trái phép tha cho, chỉ thu tiền đền mạng trả cho người chết thôi. Gián quan không ai dám nói năng khiến dư luận phẫn nộ đến nỗi trẻ con ở đô thị cũng day tay mà rằng: Ta giận không được làm đài quan! (32).
Tháng giêng năm Kỷ Mão (1459) Nhập nội Kiểm hiệu Thái phó Bình chương quân quốc trọng sự Đỗ Đại bị bệnh nặng . Nhà vua ban cấp tiền, sai quan ngự y tới trị bệnh, do bệnh tình quá nặng nên không chữa khỏi, vua thân hành đến thăm, hồi lâu ông mất. Đó là ngày 17 tháng giêng năm Diên Ninh thứ 6. Vua truyền lệnh nghỉ chầu 3 ngày, tặng chức Thái phó cho Đỗ Đại, lại sai đại thần chủ trì tế lễ và giao cho bảng nhãn Nguyễn Như Đỗ soạn văn bia (33). Sau Đỗ Đại được tặng chức Thái sư Định quốc công (34).

3. Trần Vận:
Ông là người huyện Lôi Dương, xã Thịnh Mỹ. Năm Thuận Thiên thứ nhất (1428) được phong là: Ngân Thanh vinh lộc đại phu, Tả xa kỵ vệ thượng tướng, kiêm Lam Sơn lăng đại lăng toàn(?) Tứ kim đại, xa kỵ đô úy quan nội hầu. Thiệu Bình tứ niên hoăng. Sinh thời quan chi đô tri. Hồng Đức thập ngũ niên tặng: Thái bảo Phù hưng hầu (35).

4. Lê Trinh.
Ông là người huyện Lôi Dương, xã Thịnh Mỹ. Thuận Thiên nguyên niên vi tổng... Quy Hóa, Gia Hưng nhị trấn vệ quân sự. Đại Bảo tam niên hoăng. Sinh thời quan chi quan nội hầu. Hồng Đức thập ngũ niên tặng : Lương võ hầu (36).
Với 4 vị quan đại thần dưới triều hậu Lê (thời Lê Sơ) là Nguyễn Nhữ Lãm; Đỗ Đại; Trần Vận; Lê Trinh là những vị quan trụ cột của triều đình, thường được gọi là tứ trụ triều đình thì Thịnh Mỹ – Tứ Trụ đã đóng góp cho đất nước nhiều nhân tài, trí lực. Vì vậy Thịnh Mỹ còn được gọi  với cái tên là Tứ Trụ.
Ngày nay, tại Thịnh Mỹ-Tứ Trụ vẫn còn lại các khu lăng mộ và nơi thờ như: Đền thờ Nguyễn Nhữ Lãm; Lăng Sinh từ Quốc thái mẫu Trịnh Thị Ngọc Lung là những di tích lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật độc đáo đã được nhà nước công nhận và xếp hạng nhằm bảo vệ và phát huy giá trị. Nơi đây cũng còn lại nền móng của Đền hiến nhân thánh mẫu (Đền thờ Linh từ quốc thái mẫu Phạm Thị Ngọc Trần) và  nền móng cũng như dấu tích của nhiều di tích lịch sử văn hóa đã từng tồn tại nơi đây –một vùng đất cổ với bề dầy truyền thống về lịch sử văn hóa. Có thể nói nơi đây xứng đáng là một vùng đất ((địa linh nhân kiệt)) , với cái tên Thịnh Mỹ- Tứ Trụ.

L.V.V.
Chú thích:
(1) Theo sách Đại nam nhất thống chí thì: Từ năm Thiệu trị thứ 7(1847) về trước, lị sở của phủ Thọ Xuân đóng ở Thịnh Mỹ tức Tứ trụ, xã Thọ Diên ngày nay.
(2): Sơn Nam: nay thuộc tỉnh Hà Nam.
(3).Nay thuộc xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa.
(4). Nguyễn Nhữ Lãm lập nên phường Yên Hà làm nghề đánh cá. Lê lợi lúc này làm phụ đạo sách Lam.
(5) Là chức quan đại thần tham tri chính sự hàm ngang thượng thư.
(6) Tục truyền vì nhà hiếm con nên đặt tên là Khuyển, chữ Khuyển ở đây là con chó để lấy khước. Vì chữ Đại là lớn, thêm nét chấm thành chữ khuyển nên Lê Lợi trong lúc vui bảo bỏ bớt nét chấm đi thành chữ đại. Câu chuyện này có tình tiết thú vị như một giai thoại, nói lên tình cảm chúa tôi thuở khốn khó thật thắm thiết
(7)  Nay là huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.
(8)  Nay là vùng đất thuộc Nho Quan, tỉnh Ninh Bình
(9) Núi Chí Linh hay còn gọi là Pù Rinh nay thuộc địa bàn huyện Thường Xuân , tỉnh Thanh Hóa.
(10)   Cầu trên sông Giát thuộc Quỳnh Lưu, Nghệ An
(11)  Thành Diễn Châu cách cầu Giát 6km.
(12)  Theo gia phả họ Đỗ Đại.
(13)  Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc
(14)  Nay thuộc thành phố Việt Trì, Phú Thọ
(15)  Tên làng xã xưa thuộc tổng Đỗ Xá, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, trên hữu ngạn sông Cầu. Vì quân Minh xây dựng đồn lũy ở đây nên gọi là cầu Doanh vì chung quanh đắp thành đất và thuộc địa phận làng Thị Cầu nên gọi là thành Thị Cầu.
(16)  Tên xưa của cửa ải Nam Quan nay là Hữu Nghị quan.
(17)  Lê Hoa là tên xưa thuộc biên ải tỉnh Tuyên Quang.
(18)  Nay thuộc địa phận tỉnh Lạng Sơn.
(19) Chiến thắng này trên cánh đồng Xương Giang do Thôi Tụ, Hoàng Phúc chỉ huy chạy thoát từ Chi Lăng về Xương Giang xây dựng dinh lũy chống cự với nghĩa quân
(20, 22, 23, 29, 30, 34)  Theo gia phả họ Đỗ Đại.
(21) Tức Lam Sơn
(24, 25) Theo gia phả có đối chiếu với chính sử.
(26) Tức Mường Muỗi sau là Thuận Châu, Sơn La
(27) Sau là Mường La, tỉnh Sơn La.
(28) Theo gia phả và sử ký.
(31) Nguyễn thị Ngọc Anh.
(32) Chức ngự sử đài chuyên can gián vua và hặc tội các quan.
(33) Hiện còn ở xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân ngày nay.
(35, 36).  Theo sách Lam Sơn thực lục
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét