Trần Phước Bình
Chính sử (ĐVSKTT) năm Nhâm Thân, Hồng Phúc thứ 1(1572) viết: “mùa xuân tháng giêng vua tế trời đất ở đàn Nam Giao. Khi làm lễ, vua bưng lư hương khấn trời xong, bỗng lư hương rơi xuống đất. Vua biết là điềm chẳng lành, bèn xuống chiếu đổi niên hiệu thành Hồng Phúc năm thứ 1... Mùa đông tháng 11 ngày 21, Lê Cập Đệ từng có chí khác, định mưu hại Tả tướng Trịnh Tùng. Tả tướng giả vờ không biết, gửi biếu nhiều vàng. Khi Cập Đệ đến tạ ơn, Tùng sai đao phủ phục ở dưới trướng bắt giết đi rồi sai người nói phao lên rằng Cập Đệ mưu làm phản, vua sai ta giết chết, tướng sĩ các ngươi không được sợ hãi, kẻ nào chạy trốn làm phản thì phải giết cả họ. Thế là quân lính đều khiếp sợ, không ai dám hành động …Bấy giờ, Cảnh Hấp và Đình Ngạn nói với vua rằng: “Tả tướng cầm quân quyền thế rất lớn, bệ hạ khó lòng tồn tại với ông ta được”. Vua nghe nói vậy, hoang mang, nghi hoặc, đương đêm, bỏ chạy ra ngoài, đem theo bốn hoàng tử cùng chạy đến thành Nghệ An và ở lại đó. Tả tướng bàn với các tướng rằng: nay vua nghe lời gièm của kẻ tiểu nhân, phút chốc khinh xuất đem ngôi báu xiêu giạt ra ngoài. Thiên hạ không thể một ngày không có vua …
Khi đó hoàng tử
thứ năm là Đàm ở xã Quảng Thi … bèn sai người đi đón về tôn lập làm vua, đó là
Thế Tông”. Trang sau chép: “Hồng Phúc Hoàng Đế xiêu giạt ở Nghệ An … Tả tướng
Trịnh Tùng sai bọn Nguyễn Hữu Liêu tiến quân đến thành Nghệ An… Ngày 22, (vua)
về tới huyện Lôi Dương. Hôm ấy, vua băng. Bấy giờ Tả tướng Trịnh Tùng sai Tống
Đức Vị ngầm bức hại vua rồi nói phao là vua tự thắt cổ. Dâng tôn hiệu Anh Tông
Tuấn Hoàng Đế”.
Đoạn sử trên dẫn lời hai ông Cảnh Hấp và Đình
Ngạn: “Tả tướng cầm quân quyền thế rất lớn, bệ hạ khó lòng tồn tại với ông ta
được”, đây là câu nói mở đầu của một đối sách lúc lâm nguy, không thể không có
nội dung và câu kết ?
Chính sử từ Lê Trang Tông đến năm Vạn Khánh
(1662) đời Lê Thần Tông, do nhóm sử gia Phạm Công Trứ biên soạn vào năm Cảnh
Trị thứ 3 [1665] đời Lê Huyền Tông (Tựa Phạm Công Trứ), nói cách khác là sử
triều Lê được làm tại triều Lê. Lê Cập Đệ và Tiết chế Trịnh Tùng 2 nhân vật
chính trong đại án được sử viết khá rõ, còn số quan lại bị bức tử và bỏ chạy để
thoát thân chỉ thấy chép tên 2 ông Cảnh Hấp và Đình Ngạn cùng lời buộc tội “mơ
hồ” . Điều này cho thấy các sử quan đã rất khéo khi nêu tên và tội danh của 2
vị quan cận thần để bảo vệ Trịnh Tùng sát hại các công thần, đồng thời giải
thích việc bức tử vua Anh Tông là chính danh. Đồng thời sử cũng viết rất thực
rằng: “đương đêm, (vua) bỏ chạy ra ngoài, đem theo bốn hoàng tử cùng chạy đến
thành Nghệ An và ở lại đó”, ngoài ra không có chữ nào nói có quan cận thần hay
quân sĩ đi theo vua, cũng là điểm mấu chốt để hậu thế suy xét. Mặt khác, danh
tính 2 ông Cảnh Hấp, Đình Ngạn sử đều không chép họ, nhưng với hai thuộc tướng
của Trịnh Tùng là Nguyễn Hữu Liêu (Dương quận công) người chỉ huy đội quân hộ
tống Anh Tông từ Nghệ An về lại huyện Lôi Dương, và Tống Đức Vị (Bảng quận
công) người trực tiếp thực hiện lệnh bức tử Anh Tông, đều ghi rõ cả họ. Điều
này chứng tỏ các sử quan đã cố ý che giấu tông tích của Cảnh Hấp và Đình Ngạn,
nhằm tránh những điều bất lợi cho con cháu họ về sau.
Hồ Sĩ Dương trước là thành viên làm sử do Phạm
Công Trứ chủ biên, sau giữ chức Thượng thư bộ Công trông coi việc sửa quốc sử
cho đến năm 1681, ông mất khi việc làm sử đang dang dỡ. Vụ án năm Hồng Phúc,
nay hy hữu còn tìm thấy nơi “Lê triều trung hưng thực lục” của Hồ Sĩ Dương được
dẫn trong “Cương mục” của triều Nguyễn rằng: “Lê Cập Đệ bí mật bàn với vua bố
trí đâu vào đấy, hẹn với nhau là ban đêm, khi nghe tiếng pháo nổ thì nhà vua
qua sông để cử sự. Tùng biết rõ chuyện đó, nhưng vẫn cứ biếu Cập Đệ nhiều vàng
bạc. Khi Cập Đệ đến tạ ơn, thì Tùng cho đao phủ mai phục sẵn xông ra giết
chết”. Như vậy, Hồ Sĩ Dương đã nói rõ việc vua Anh Tông cùng bốn hoàng tử đương
đêm bỏ ngai vàng chạy ra ngoài mà không có quan cận thần và quân sĩ tùy tùng,
là do vua tự hoang mang bởi trước đó vua và Lê Cập Đệ đã có mưu kín hại Trịnh
Tùng. Cảnh Hấp và Đình Ngạn 2 quan cận thần không theo vua vào Nghệ An, thì 2
ông ấy chỉ có tội nếu biết vua có mưu kín với Lê Cập Đệ mà không kịp thời can
gián, hoặc vua đương đêm bỏ trốn ra ngoài mà cận thần không hay biết để ngăn
cản. Tội ấy chưa đáng phải xử chết, song chính biến xảy ra Trịnh Tùng tất phải
vào cung để gặp vua, nhưng không thấy vua đâu, thì các quan cận thần như Cảnh
Hấp và Đình Ngạn tính mạng khó bảo toàn, và có lẽ hai ông đã bị hại lúc đó để
thị uy quân sĩ !
Cuộc chính biến năm Hồng Phúc như sử mô tả,
thì số quan quân bị sát hại và số chạy đi các nơi là không nhỏ, nhưng dấu tích
để lại nơi chính sử chỉ có quan cận thần Cảnh Hấp và Đình Ngạn là khá rõ, nhưng
lại mờ về dòng tộc và bản quán là cái hay của các sử quan thời Lê. Các ông Cảnh
Hấp và Đình Ngạn nếu còn hậu duệ lưu truyền đến nay và gia phả còn ghi sự kiện
năm Hồng Phúc là hy hữu ! Riêng số quan lại chạy về đất phương Nam với Đoan
quốc công Nguyễn Hoàng, gọi “Quy vu Nam thổ” nay còn nhận biết, đó là Phúc
Thiện công “Nhị khí tri năng; Lưỡng giang tinh túy” Sơ tổ dòng “Ngã tộc Đông
châu thác thỉ …” tức Thanh quận công mà chính sử triều Lê chép duy nhất một
lần: “Đinh Tỵ, Thiên Hựu thứ 1 (1557) tháng 7, họ Mạc sai Kính Điển đem quân
xâm phạm Thanh Hoa, đến sông Thần Phù và huyện Tống Sơn, Nga Sơn, đốt phá cầu
phao. Thái sư Lượng quốc công Trịnh Kiểm sai Thanh quận công giữ Nga Sơn, Thụy
quận công Hà Thọ Tường giữ Tống Sơn, ai nấy đều đem tinh binh để chống giữ,
quân Mạc không tiến lên được”, và Lương quận công Trương Công Gia được chính sử
hai nhà Lê – Nguyễn ghi chép.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét