Phụ lục 5

ĐỆ NHẤT THẾ TỔ NGHỆ - TĨNH

Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn. Đời thứ 12 của dòng họ Trần Việt Nam.
Trần Nguyên Hãn, sinh ngày: 1 - 2 - 1390 (Canh Ngọ), tại làng Kẻ Gốm, nay là làng Quan Từ Đa, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.
Cuối đời nhà Trần, Hồ Quý Ly lấn quyền, lũng loạn triều đình, lấn át vua Trần, tôn phái nhà Trần bị dồn ép và phân hóa. Cụ Trần Nguyên Đán đã mất, gia đình ông Trần Thúc Quỳnh là con trai thứ ba của ông, thực sự khó khăn. Ông Trần Thuần Đức, là con trai độc nhất của ông Trần Thúc Quỳnh, đã đổi húy Trần Án, cùng vợ con chạy lên làng Kẻ Gốm, làm nghề ép dầu và khai phá vùng đất hoang để sinh sống. Trần Nguyên Hãn được sinh ra ở đây.
 Hồ Quý Ly giết chết Trần Án và người con trai đầu của ông. Vợ ông là bà Lê Thị Hoàn cùng người con nhỏ là Trần Nguyên Hãn thoát nạn. Trần Nguyên Hãn được học hành chu đáo, là người thông minh và chăm chỉ, có chí lớn, có tài cả văn lẫn võ. Năm 1415 ông đã tổ chức được lực lượng nghĩa quân Rừng Thần chống lại quân Minh, hạ được thành Tam Giang. Nghĩa quân do Trần Nguyên Hãn chỉ huy, đã làm chủ cả vùng Bạch Hạc, Phú Thọ. Năm 1418 Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn. Ông đã đưa nghĩa quân đến tham gia ngay từ buổi ban đầu, được Lê Lợi trao cho chức Tư đồ. Trong Kháng chiến chống quân Minh, ông là người có nhiều chiến công xuất sắc, được Lê Lợi thăng nhiều chức vụ quan trọng: Thái úy rồi Tả Tướng quốc.
Sau khi được phong chức Tả Tướng quốc, Trần Nguyên Hãn xin hưu quan. Lê Lợi đồng ý và cấp cho ông 100 mẫu ruộng, cùng một con ngựa. Ông trở về doanh sở cũ ở Sơn Đông. Mười hai tháng sau, ông bị vu oan là có âm mưu phản lại triều đình. Vua Lê Lợi hạ chiếu, gọi ông về triều đình khảo vấn. Trên đường về Thăng Long, tại bến Đông Hồ, thuyền ra giữa sông, ông đã từ trầm. Sau khi ông mất, Lê Lợi đã hạ chiếu bắt vợ, con ông về Thăng Long quản thúc.
Đến đời cháu Lê Lợi, là vua Lê Nhân Tông, năm Diên Ninh thứ nhất (1454), đã xuống chiếu minh oan cho Trần Nguyên Hãn, tha cho vợ, con và trả lại tài sản. Vua Lê Nhân Tông còn truy phong cho ông là Phúc thần, Khai Quốc nguyên huân và sai lập miếu thờ ông. Trần Nguyên Hãn Ngày giỗ: 26 -  10 - 1429 (Kỷ Dậu), lúc đó mới 39 tuổi. Mộ ông được an táng ở Rừng Thần, tổng Sơn Bình, nay là huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.
Căn cứ vào gia phả của các chi họ ở Sơn Đông, Minh Nông, di tích các đền thờ, ở vùng Kẻ Gốm thì ông có ba bà.
Bà cả: Người làng  Phong, xã Văn Quán.
   Thuộc xã Sơn Đông, sinh được 1 con trai là Trần Roãn Hữu, tự là Trung Khang. Trước khi ông xuống thuyền về Thăng Long, ông cho bà và con trốn vào Rừng Thần. Sau trở lại Sơn Đông, chi họ hiện nay tại Quan Tử và một bộ phận di cư sang Tuyên Quang, là hậu duệ của tổ Trần Roãn Hữu
Bà hai: Lê Thị Tuyển, sinh được 2 con trai; Trưởng là Trần Trung Khoản; Thứ hai là Trần Đăng Huy, tự là Trần Trung Lương. Khi ông xuống thuyền về Thăng Long, thì bà và 2 con chạy sang làng Kẻ Nú, phủ Tâm Đới, huyện Phù Khang, trấn Sơn Tây. Người con trai lớn tiếp tục đi tiếp và đổi ra họ Quách (theo gia phả chi họ Trần thôn Hồng Hải, Minh Nông, Việt Trì). Trần Đăng Huy thì đổi sang họ Đào, hậu duệ hiện nay là các chi họ ở vùng Bạch Hạc và Minh Nông, Việt Trì.
Bà thứ ba: Có tên gọi là bà Chúa Lôi, ở làng Xuân Lôi, tổng Văn Bình xưa. Bà và con trai theo ông về Thăng Long, khi thuyền chìm thì người ta đã cứu được bà và con.

ĐỆ NHỊ THẾ TỔ NGHỆ - TĨNH

 (Đời thứ 13 của dòng họ Trần ở Việt Nam)
 Thiết chế Lễ Tướng công Trần Pháp Độ, húy Quốc Duy
Pháp độ tướng công Trần Quốc Duy, Sinh năm: 1424, là con trai của Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn, (theo gia phả viết vào thế kỷ thứ 17 của ông Trần Văn Lập, về dòng họ Trần Phổ Quang).
Trần Quốc Duy là đồng tử được cứu tại bến Đông Hồ. Ông cùng với mẹ bị triều đình Lê Lợi đưa về quản thúc tại Thăng Long. Năm 1454, đời vua Lê Nhân Tông (cháu Lê Lợi), niên hiệu Diên Ninh thứ Nhất (1454 - 1459), đã đại xá, minh oan cho Trần Nguyên Hãn và tha cho vợ con ông. Trần Quốc Duy được Lê Nhân Tông vời vào triều làm quan với chức Thiết chế Lễ Tướng công. Năm Canh Dần (1470), đời vua Lê Thánh Tông, hiệu Hồng Đức nguyên niên, Trần Quốc Duy hưu quan, đưa vợ và 3 con trai về Tống Sơn, Thanh Hóa. Ở đây được 6 năm, ông để bà và Trần Đạo Tín ở lại. Ông đưa Trần Công Sủng và Trần Thiện Tính tiếp tục đi vào Nghệ An. Ông chọn chùa Liên Hoa, làng Phì Cam dừng chân, làm ăn sinh sống. Sau thời gian ổn định, ông cho Công Sủng trở lại Thanh Hóa vào ở chùa Sải, thôn Kim Cốc, xã Mai Lân, huyện Tĩnh Gia. Sau ngày Thiện Tính trưởng thành, ông tổ chức khai hoang, lập ấp ra xứ Nương Mao (nay là vùng đất Đông Bắc xã Vĩnh Thành, huyện Nhân Thành và xã Nam Hợp, huyện Yên Thành). Ông cùng con là Trần Thiện Tính về ở làng Hào Kiệt, xứ Tường Lai, ở đây ông làm thông gia với tướng Lê Sơn, hỏi bà Lê Từ Phúc cho ông Trần Thiện Tính.
Khi Trần Quốc Duy qua đời, mộ được an táng ở xứ Tường Lai.
Bà là: Lê Thị Từ Quang. Ông bà sinh được 3 người con trai:
      - Con trưởng là Trần Công Sủng, các chi họ hậu duệ hiện nay ở các xã phía Nam huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa và các xã phía Bắc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Nhà thờ chi trưởng ở Kim Cốc, Mai Lâm, Thanh Hóa. Còn có một chi có tông tích của dòng họ Trần Công Sủng, chi họ thờ tổ Trần Công Mạc, thôn Trung Xá, xã Vĩnh Thành.
- Con trai thứ hai là Trần Đạo Tín, các chi họ hậu duệ hiện nay lưu cư ở Tống Sơn (nay là Nga Sơn, Hậu Lộc), tỉnh Thanh Hóa. Còn một số chi họ mới phát hiện dấu tích dòng Trần Đạo Tín, là các chi ở Cầu Đục, Diễn Trường, Diễn Châu và Nhân, Nhân Thành, Yên Thành.
- Con trai thứ ba là Trần Thiện Tính, tục hiệu là ông Chân Thường, sinh hạ ra trực hệ dòng họ Trần Nguyên Hãn ở Nghệ- Tĩnh
Nhà thờ Trần Quốc Duy đã được chính thức đưa từ Phú Điền, Nhân Thành về Đan Trung, Diễn Thăng đã được 300 năm. Nhà thờ Pháp Độ Tướng công, Trần Quốc Duy ở Đan Trung, đã được nhà nước cấp bằng công nhận là Di tích Lịch sử, Văn hóa và Cách mạng, ngày: 27- 5 - 1997. Có nhiều chi họ đã lập nhà thờ Pháp Độ ở Phú Hữu, ở đây có sắc phong: Pháp độ Trung đẳng thần, năm Khải Định thứ 2, Đinh Tỵ (1917).
Mộ của tổ Trần Quốc Duy táng ở xứ Tường Lai, Hào Kiệt, nay thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Mộ tổ bà Lê Từ Quang hiện ở Tống Sơn, Thanh Hóa.

ĐỆ TAM THẾ TỔ NGHỆ -TĨNH

 (Đời thứ 14 của dòng họ Trần ở Việt Nam)
Thế  Trần Thiện Tính, húy Khương, hiệu là ông Chân Thường.
Tổ bà là Lê Thị Từ Phúc, hiệu bà Chân Thường.
Hai ông bà sinh được 3 con trai:
                - Trần Chân Tịch.
                - Trần Chân Tính
                - Trần Chân Thiên.
Thời chiến tranh Lê, Mạc (1527 - 1533), ông đưa bà và 3 con chạy sang Phúc Điền, tiếp theo ông lại đưa ra ở Bàng Hòa quán, Hoàng Mai tự, ở đây ông phân cư các con. Ông Trần Chân Tịch khoảng 16 - 17 tuổi về ở chùa Bổn, làng Dàn, xã Đông Tháp (nay là xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu). Ông Trần Chân Thiên, gửi làm con nuôi ông họ Vũ thôn Diệu Ốc, xã Giai Lạc (chợ Mõ), nhưng không đổi họ. Ông, Bà cùng người con thứ hai là Trần Chân Tính ở lại Hoàng Mai. Sau lại chuyển đến chùa Mai Nữ, làng Bầu Quán, xã Yên Hậu (nay là xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu) và ông bà Chân Thường mất ở đó.
 Ông Huyền Linh (tức Trần Chân Thiên), là con thứ ba giỏi về địa lý, đã xin anh cả đưa mộ bố mẹ về song táng ở xứ Cồn Chu, trên xứ đồng của họ Trần ở Giai Lạc. Con cháu dòng họ Trần Nguyên Hãn, Nghệ -Tĩnh đã tổ chức xây lăng cho hai tổ tại cồn Chu. Khánh thành ngày: 14 - 7- 1999, năm Kỷ Mão. Giỗ ông bà Chân Thường hợp kỵ vào ngày: 14 - 3, tại nhà thờ chi Trưởng, dòng Trưởng, thôn Đông Tháp, xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

 ĐỆ TỨ THẾ TỔ NGHỆ - TĨNH

 (Đời thứ 15 của dòng họ Trần ở Việt Nam)

CHI TRƯỞNG

Tổ Trần Chân Tịch, húy Phúc Quảng, hiệu Huyền Nghiêm.
Tổ bà là Hoàng Thị Tâm.
       Ông Ngày giỗ: 23- 8, giỗ hợp kỵ cả ông, bà vào ngày: 27- 3.
Hai ông bà sinh được 4 con trai, được mấy con gái không rõ, nhưng cả dòng họ Trần Chân Tịch đều thờ bà cô tổ Trần Quế Hoa Nương. Dòng trưởng Trần Chân Tịch, có trên ba mươi chi họ lớn nhỏ, đã tìm thấy phần lớn ở ven theo trục đường quốc lộ 1A đổ về phía biển từ miền Nam huyện Quỳnh Lưu đến huyện Nghi Lộc.
- Con trai trưởng: Trần Công Ngạn, ở Làng Thọ An. Đến nay đã tìm ra chi họ hậu duệ của tổ Trần Công Ngạn, hiện đang định cư xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định và đã đổi từ họ Trần thành họ Cao Trần.
- Con trai thứ hai: Trần Phúc Thọ. Ông bà Thọ sinh được: Trần Thủ Hạnh, Trần Đắc. các chi họ này hiện nay ở hầu hết các huyện Diễn Châu, huyện Yên Thành, huyện Nghi Lộc.
- Con trai thứ ba: Trần Chân Tâm. Ông Chân Tâm về xã Đông Lũy, nay là xã Diễn Phong, vào khoảng năm 1570, làm nghề dậy học và lấy bà Phạm Từ Khoan, đẻ ra Trần Chính Đạo.
- Con trai thứ tư: Trần Danh Di. Con trai của ông Trần Danh Di là: Hoàng Giáp Trần Danh Dĩnh. Hậu duệ hiện xã Quỳnh Diễn, huyện Quỳnh Lưu.
Mộ tổ Trần Chân Tịch được an táng ở xóm Xuân Tháp, xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Nhà thờ tổ ở chi trưởng thôn Đông Tháp, xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.


TÊN ĐỊA DANH HÀNH CHÍNH

TỈNH NAM ĐỊNH, HUYỆN GIAO THỦY VÀ XÃ GIAO TIẾN

QUA CÁC THỜI KỲ.

TỈNH NAM ĐỊNH

-       Thời kỳ nhà Lý: phủ Hải Thanh.
-       Thời Trần Thái Tông: phủ Thiên Thanh.
-       Năm 1262, Thần Thánh Tông, đổi là phủ Thiên Trường.
-       Năm 1407, thời nhà Minh đô hộ: phủ Phụng Hóa.
-       Thời Lê Lợi, nằm trong Nam Đạo.
-       Năm Quang Thuận thứ 7 (1466), đời vua Lê Thánh Tông: thừa tuyên Thiên Trường.
-       Năm 1469: thừa Tuyên Sơn Nam.
-       Thời Hồng Đức (1470-1497): trấn Sơn Nam.
-       Năm Cảnh Hưng thứ 2 (1741), trấn Sơn Nam chia thành 2 lộ. Nam Định thuộc lộ Sơn Nam Hạ (gồm các phủ: Tiên Hưng, Thái Bình, Kiến Xương, Thiên Trường, Nghĩa Hưng).
-       Thời Tây Sơn: trấn Sơn Nam Hạ.
-       Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), đổi thành tỉnh Nam Định, gồm: 4 phủ, 18 huyện.
-       Sau khi Pháp chiếm xong Bắc Kỳ (1890), tách phủ Kiến Xương, phủ Thái Bình thuộc tỉnh Nam Định, cộng với phủ Thần Khê tỉnh Hưng Yên, thành lập tỉnh Thái Bình.
-       Ngày 17-10- 1921, thành lập thành phố Nam Định.
-       Năm 1926, tỉnh Nam Định có 2 phủ, 7 huyện, 78 tổng, 708 xã, (riêng thành phố Nam Định có 10 phường). Từ đấy tỉnh Nam Định có địa danh cơ bản như hiện nay.
-       Trong kháng chiến chóng Pháp, Nam Định là 1 trong 10 tỉnh thuộc Liên khu III, gồm: 9 huyện, 158 xã.
-       Ngày 21-4-1965, tỉnh Nam Định sáp nhập với tỉnh Hà Nam thành tình Nam Hà.
-         Ngày 24-12-1975, tỉnh Nam Hà sáp nhập với tỉnh Ninh Bình thành tình Hà Nam Ninh.
-       Ngày 26-12-1991, tách tỉnh Hà Nam Ninh thành 2 tỉnh: Nam Hà và Ninh Bình.
-       Ngày 6-11-1996, tách tỉnh Nam Hà thành 2 tỉnh: Nam Định và Hà Nam. Tỉnh Nam Định hiện nay gồm: 1 thành phố (Nam Định) và 9 huyện (Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Giao Thủy).

HUYỆN GIAO THỦY

-         Vùng đất của huyện Xuân Trường và Giao Thủy ngày nay, nguyên là đất huyện Giao Thủy, thuộc phủ Thiên Trường cũ (địa giới vùng đất Giao Thủy cổ, đến nay vẫn chưa có tài liệu nào xác định cụ thể).
-         Đầu thế kỷ XVI, huyện Giao Thủy, thuộc phủ Thiên Trường, trấn Sơn Nam.
-         Năm Cảnh Hưng thứ 2 (1741), trấn Sơn Nam chia thành 2 lộ: huyện Giao Thủy thuộc lộ Sơn Nam Hạ.
-         Thời Gia Long, phủ Thiên Trường là đơn vị hành chính trên huyện, dưới trấn. Phủ Thiên Trường gồm 4 huyện: Giao Thủy, Nam Chân, Mỹ Lộc, Thượng Nguyên, với 34 tổng, 313 xã. Huyện Giao Thủy có 9 tổng, 86 xã. Các tổng của huyện Giao Thủy: Đỗ Xá, Hộ Xá (2 tổng này sau cắt về huyện Nam Trực), Cát Xuyên, Hà Cát, Hành Cung, Hoành Nha, Kiên Lao, Thủy Nhai, Trà Lũ.
-         Thời Tự Đức, năm 1862 đổi phủ Thiên Trường thành phủ Xuân Trường.
-         Năm 1934 tách phủ Xuân Trường thành 2 đơn vị hành chính: phủ Xuân Trường và huyện Giao Thủy. Năm 1948 đổi phủ Xuân Trường thành huyện Xuân Trường.
-         Huyện Giao Thủy gồm: 5 tổng, với 56 xã.
Tổng Hoành Nha được thành lập thời Lê Cảnh Hưng (1750-1770), gồm các xã: Diêm Điền, Đông Bình, Hoành Đông, Hoành Nhị, Hoành Tam, Hoành Tứ, Hoành Lộ, Hoành Nha, Khắc Nhất, Ngưỡng Nhân, Lạc Nông, Duyên Thọ, Tiên Chưởng, Sa Châu, Thanh Khiết, Đan Phượng, Văn Trì, Quất Lâm Thượng, Quất Lâm Hạ.
Tổng Hoành Thu được thành lập thời Minh Mạng (1820-1840), gồm các xã: Đa hiếu, Mộc Đức, Thức Hóa, Bỉnh Ry, Tồn Thành, Địch Giáo, Quân Lợi, Duy Tắc, Hiệt Củ, Thúy Rĩnh, Đắc Sở, Tự Lạc.
Tổng Quất Lâm được thành lập năm 1846 (tách một số xã của tổng Hoành Nha và tổng Hoành Thu), gồm các xã: Quất Lâm Thượng, Quất Lâm Hạ, Vân Trì, Thanh Khiết, Đan Phượng, Đa Hiếu, Mộc Đức.
Tổng Lạc Thiện thành lập thời Tự Đức (1848-1883), gồm các xã: Đông Thiện, Thiện Nguyên, Chí Thiện, Trường Uyên, Lạc Thiện, Quân An, Đại Đồng, Trà Hương, Xuân Thiện, Tam Lạc, Kiên Hành, Nho Lâm, Thiện Giáo, Tập Thiện, Nam Thiện.
Tổng Hà Cát được thành lập thới Thành Thái (1889-1907), gồm các xã: Hà Cát, Định Hải, Giáo Phòng, Thuận Thành, Thanh Nhang, Hà Nam, Nam Thành.
-         Năm 1848 bỏ tổng hợp nhất 56 xã cũ thành lập 24 xã mới của huyện Giao Thủy:
1.       Xã Quất Hải gồm: Quất Lâm Thượng, Quất Lâm Hạ.
2.       Xã Đức Hiếu gồm: Đa Hiếu, Mộc Đức.
3.       Xã Tân Dân gồm: Địch Giáo, Quân Lơi, Duy Tắc.
4.       Xã Gi Thành gồm: Bỉnh Ry, Tồn Thành.
5.       Xã Minh Đức gồm: Hiệt Củ, Đắc Sở, Thúy Rĩnh.
6.       Xã Hải Yến gồm: Liên Trì, Đan Phượng, Thanh Khiết.
7.       Thọ Tiên Châu gồm: Sa Châu, Tiên Chưởng, Duyên Thọ.
8.       Xã Hoành Nha.
9.       Xã Liên Hoành gồm: Hoành Tam, Hoành Tứ, Hoành Lộ.
10.  Xã Hoành Sơn gồm: Hoành Nhị, Khắc Nhất.
11.  Xã Đông Hòa gồm: Hoành Đông, Đông Bình.
12.  Xã Diêm Điền.
13.  Xã Quần Long gồm: Kiên Long, Nam Long, Trung Long, Long Hành
14.  Xã Kiên Lâm gồm: Kiên Hành, Nho Lâm.
15.  Xã Cát Hải gồm: Hà Cát, Định Hải.
16.  Xã Giá Thành gồm: Lạc Thành, Thuận Thành, Giáo Phòng A, Giáo Phòng B.
17.  Xã Nam Thiện gồm: Hà Nam, Nam Thành, Thiện Giáo.
18.  Xã Thức Hóa.
19.  Xã Lạc Nhân gồm: Ngưỡng Nhân, Lạc Nông.
20.  Xã Tam Thiện gồm: Đông Thiện, Thiện Nguyên, Chí Thiện.
21.  Xã Xuân Lạc gồm: Xuân Thiện, Tam Lạc, Phú Ninh.
22.  Xã Thanh Nhang.
23.  Xã Thiện An gồm: Lạc Thiện, Quân An.
24.  Xã Thiện Hương gồm: Trà Hương, Tập Thiện.
-         Năm 1952 thành lập lại các xã, có chữ Giao đứng đầu gồm 18 xã:
1.       Xã Giao Lâm: Quất Hải cũ và thêm Văn Trì
2.       Xã Giao Hiếu: Hiếu Đức cũ
3.       Xã Giao Tân: Tân Dân và Minh Đức cũ.
4.       Xã Giao Yến: Hải Yến cũ.
5.       Xã Giao Châu: Thọ Tiên Châu cũ.
6.       Xã Giao Tiến: Hoành Nha cũ.
7.       Xã Giao Hoành: Liên Hoành cũ
8.       Xã Giao Sơn: Hoành Sơn cũ
9.       Xã Giao Điền Hòa: Đông Hòa và Diêm Điền cũ
10.  Xã Giao Hoan: Thức Hóa và Gi Thành cũ.
11.  Xã Giao Hải: Quần Long và Kiên Lâm cũ.
12.  Xã Giao Hồng: Cát Hải cũ.
13.  Xã Giao Nhân: Lạc Nhân cũ.
14.  Xã Giao An: Thiện An cũ và Trà Hương của Thiện An cũ.
15.  Xã Giao Thiện: Tam Thiện cũ.
16.  Xã Giao Lạc: Thiện Hương và Giáo Thành cũ.
17.  Xã Giao Xuân: Xuân Lạc cũ.
18.  Xã Giao Hà: Thanh Nhang và Nam Thiện cũ.
-         Năm 1953 sáp nhập Giao Thiện và Giao An thành xã Giao Thiện.
-         Năm 1956 điều chỉnh lại một số xã:
1.     Xã Giao Hải tách thành: xã Giao Long và xã Giao Hải.
2.     Xã Giao Lâm tách thành: xã Giao Lâm và xã Giao Phong.
3.     Xã Giao Tiến tách thành: xã Giao Tiến, xã Giao Hùng và xã Giao Thắng.
4.     Xã Giao Điền Hòa tách thành: xã Giao Bình và xã Giao Hòa.
5.     Xã Giao Lạc tách thành: xã Giao Lạc và xã Giao Thuận.
6.     Xã Giao Thiện tách thành: xã Giao Thiện và xã Giao An.
7.     Xã Giao Hà tách thành: xã Giao Thanh và xã Giao Hương.
8.     Xã Giao Tân tách thành: xã Giao Tân và xã Giao Minh.
9.     Xã Giao Sơn tách thành: xã Giao Sơn và xã Giao Hà.
-         Năm 1965 thành lập thêm xã Bạch Long.
-         Năm 1967 sáp nhập hai huyện Xuân trường và Giao Thủy thành huyện Xuân Thủy.
-         Năm 1969 điều chỉnh lại một số xã:
1.     Xã Bình Hòa, gồm hai xã hợp nhất: Giao Bình và Giao Hòa.
2.     Xã Giao Thịnh, gồm hai xã hợp nhất: Giao Hoan và Giao Hiếu.
3.     Xã Giao Tiến, gồm ba xã hợp nhất: Giao Tiến, Giao Hùng, Giao Thắng.
-         Năm 1973 điều chỉnh lại một số xã:
1.     Giải thể xã Giao Minh, chia về Giao Châu và Giao Tân.
2.     Xã Giao Châu gồm: Tiên Chưởng, Sa Châu, Thúy Rĩnh, Đắc sở.
3.     Xã Giao Tân gồm: Quân Lợi, Địch Giáp, Duy Tắc, Hiệt Củ.
4.     Xã Giao Nhân gồm: Duyên Thọ, Ngưỡng Nhân, Lạc Nông.
5.     Xã Hồng Thuận gồm: Xã Giao Thuận và xã Giao Hồng.
-         Năm 1986 thành lập thị trấn Ngô Đồng (gồm một số đơn vị của xã Bình Hòa và xã Hoành Sơn).
-         Năm 1997 tách huyện Xuân Thủy thành hai huyện như cũ: (Xuân Trường và Giao Thủy).
-         Năm 2003 thành lập thị trấn Quất Lâm (xã Giao Lâm cũ).
-         Hiện nay huyện Giao Thủy có: 20 xã và 2 thị trấn.
Hai thị Trấn: Ngô Đồng và Quất Lâm.
Hai mươi xã: Giao Tiến, Giao Châu, Giao Tân, Bạch Long, Giao Thịnh, Giao Phong, Giao Yến, Giao Nhân, Giao Hà, Hoành Sơn, Bình Hòa, Hồng Thuận, Giao Lạc, Giao Thanh, Giao Xuân, Giao Long, Giao Hải, Giao Hương, Giao An, Giao Thiện.

XÃ GIAO TIẾN:

-         Thời kỳ đầu thế kỷ XV, có tên là ấp Hòe Nha. Vào năm Diên Ninh thứ 3 (1456), đời vua Lê Nhân Tông (1443-1459), dòng họ Nguyễn do ông Nguyễn Thịnh Công, quê gốc ở làng Hòe Nha, phía Bắc thành phố Nam Định, xuống khai hoang ở vùng biển huyện Giao Thủy, đã lấy tên làng cũ đặt cho vùng đất mới.
-         Thời vua Lê Cảnh Hưng (1750-1770), tổng Hoành Nha được thành lập gồm 19 xã: Hoành Đông, Hoành Nhị, Hoành Tam, Hoành Tứ, Hoành Lộ, Hoành Nha, Khắc Nhất, Ngưỡng Nhân, Lạc Nông, Duyên Thọ, Tiên Chưởng, Sa Châu, Thanh Khiết, Đan Phượng, Văn Trì, Quất Lâm Thượng, Quất Lâm Hạ, Diêm Điền, Đông Bình.
Như vậy xã Hoành Nha được thành lập trên cơ sở ấp Hòe Nha, thời Lê Cảnh Hưng (cũng có thể sớm hơn).
-         Năm 1948 bỏ tổng, huyện Giao Thủy có 24 xã, trong đó có xã Hoành Nha.
-         Xã Hoành Nha ban đầu gồm 3 thôn:
1.     Thôn Thượng (năm 1956 đổi thành xã Giao Tiến).
2.     Thôn Chính (năm 1956 đổi thành xã Giao Thắng).
3.     Thôn Trung (năm 1956 đổi thành xã Giao Hùng).
-         Năm 1952 đổi tên xã Hoành Nha thành xã Giao Tiến (huyện Giao Thủy tổ chức lại còn 18 xã có chữ Giao đứng đầu.
-         Năm 1956 xã Giao Tiến tách thành ba xã:
1.     Giao Tiến (4 thôn: Việt Dũng, Cộng Hòa, Đoàn Kết, Quyết Tiến).
2.     Giao Thắng (5 thôn: Quy Chính, Quyết Thắng, Bảo Thắng, Toàn Thắng, Chiến Thắng).
3.     Giao Hùng (4 thôn: Tiền Phong, Phấn Đấu, Thắng Lợi, Thống Nhất).
-         Năm 1969 lại hợp nhất ba xã trên đây thành xã Giao Tiến ngày nay.

       
TÔN TRƯỞNG:
Cao Văn Hưu. (Đời thứ 10 Tân phái)
TRƯỞNG BAN LỄ TIẾT:
Cao Trần Bốn. (Đời thứ 10 Cành Thứ)
NGƯỜI BIÊN SOẠN:
Cao Quốc Sủng. (Đời thứ 12 Ất phái)
CỘNG TÁC VIÊN:
Cao Văn Học. (Đời thứ 12 Giáp phái) 
Cao Văn Hồng. (Đời thứ 12 Giáp phái)
Cao Quang Trường. (Đời thứ 12 Ất phái)
Cao Bá Khoát. (Đời thứ 12 Ất phái)
Cao Trần Vương. (Đời thứ 12 Ất phái)
Cao Xuân Thiện. (Đời thứ 13 Ất phái)
CHẾ BẢN VÀ IN BẢN GỐC:
Cao Quốc Sủng
TRÌNH BÀY BÌA:
Cao Bá Khoát
Cao Xuân Thiện
IN ẤN VÀ PHÁT HÀNH
Cao Văn Hồng,
Cao Bá Khoát
Chi nhánh họ Cao Trần tại Hà Nội.
DÂNG GIA PHẢ HỌ CAO TRẦN 2018.
Ngày giỗ Thái tổ Vô Ý, 18 tháng Giêng, năm Mậu Tuất (2018).


TÀI LIỆU THAM KHẢO


1 - Gia phả dòng họ  Cao Trần, xã Giao Tiến
Bản Tiếng Việt của ông Cao Bá Lô
Bản biên soạn năm Đinh Sửu 1997.
2 - Phú ý dòng họ Cao Trần, xã Giao Tiến
Bản in tháng 12 năm Kỷ sửu (2009).
3 – Một số bản gia phả của các phái các chi.
Bản Ất phái của ông Cao Văn Lợi, năm 1983.
Bản Bính phái, năm Quý Tỵ 2013.
Bản Mậu phái, năm Canh Thân 2000.
Bản Kỷ phái, năm Bính Thân 2016.
Bản Canh phái, năm Đinh Dậu 2017.
Bản Tân phái của ông Cao Uy Tín, năm 2017.
Chi tổ Ngọc Quyết (Giáp phái), năm Đinh Dậu 2017.
Chi tổ Đăng Long (Giáp phái).
Chi tổ Văn Phức (Giáp phái).
Chi tổ Đức Bằng (Ất phái).
Chi tổ Đức Thiệm (Ất phái), năm Kỷ Sửu 2009.
Chi tổ Thế Hương (Bính phái), ở Duy Tắc.
4 - Gia phả họ Trần Nguyên Hãn Nghệ - Tĩnh
Bản biên soạn Xuân Tân Tỵ 2001.
5 - Các tài liệu tra cứu:
Lịch Vạn niên
Các triều đại Việt Nam,
Hoè Nha lục.
Địa bạ xã Hoành Nha.

DIỄN CA GIA PHẢ HỌ CAO TRẦN GIAO TIẾN GIAO THỦY NĐ.

Con cháu họ Cao Trần Giao Tiến
Đức hiếu trung, nhớ đến ông cha
Tự hào dòng tộc danh gia
Nhiều đời gìn giữ sơn hà bình yên(1).

Bậc tiền bối Tổ Tiên thuở trước
Nguyện  trung quân, giúp nước phò vua.
Thế thời loạn lạc bấy giờ
Nhiều phen biến động sa cơ tháng ngày.

Phải ẩn tích nơi này chốn khác
Rồi mai danh lưu lạc, lần hồi
Tổ tiên Cao tộc quê tôi
Đã từng  như  thế  một thời vượt lên.

Nay con cháu không quên Tiên Tổ
Lập phả vàng rạng rỡ Tổ tông
Diễn ca nguồn gốc cha ông
Giúp đời sau thấu,  hiểu trong phả này.

Mấy thế kỷ đổi thay chuyển dịch
Đến nay còn dấu tích phả ghi
Ái Châu từ đấy ra đi
Gốc “Trần duệ xuất”(2) ngầm ghi dặn dò.

Mong hậu thế phụng thờ Tiên Tổ
Biết nguồn xưa tìm rõ Tổ tông:
Buổi đầu chỉ có Tổ ông
Dẫn  người con thứ, tước công rõ ràng(3) .

Về lập ấp tại làng Nha Chử
Đó chính là tên chữ Hòe Nha.
Từ đây dòng tộc họ ta
Họ Trần bỗng chốc đổi ra Cao Trần.

Trải biết mấy gian truân dựng nghiệp
Cha xây nền, con tiếp bước thay
Sông  Hồng  phá hội(4)  lúc này
Ruộng đồng mất sạch, sông nay đổi dòng(5).

Dân làng phải gắng công dựng lại
Xóm làng thêm vững chãi, tươi xanh.
Cháu con nối nghiệp học hành
Mới năm đời, đã trở thành đại gia.

Thiên tai mới xảy ra, phá sản
Họ ta còn gặp nạn Kim Ngô(6)
Tên này nham hiểm, mưu mô
Diệt họ Cao để khỏi lo sau này.

Lúc bĩ cực ngập đầy gay cấn
Có ông Cao Đức Tuấn(7)  họ ta
Can trường, dũng cảm đứng ra
Đứng  đầu trị chúng, thù nhà(8) trả xong.

Cả dòng họ vượt vòng nguy khốn
Từ bấy giờ yên ổn làm ăn
Sinh sôi “con một, cháu đàn”
Phúc, tài, lộc phát; làm quan nhiều đời.

Dưới  triều đại thuộc  thời Lê mạt
Tiếp Nguyễn triều đều đoạt đỉnh cao:
Tham tri, Lang tướng, Lý hầu…
Cha con có lúc cùng nhau một triều.

Xin nhắc lại mấy  điều  (sự kiện)
Đó là thời triều Nguyễn - Gia Long
Sau ngày đổi cửa sông Hồng
Có vụ Điền án đất công rầy rà

Một dải đất phù sa trù phú
Dân Xuân Trường, Trà Lũ đến tranh.
Các họ liên kết ngọn ngành
Kiện lên Tổng trấn Bắc Thành, thành công.

Họ Cao đã có công trong đó
Dân Hoành Nha còn nhớ ơn sâu
Các cụ đóng  góp  công đầu
Đòi năm trăm (500) mẫu ruộng màu cho dân.

Lịch sử lại tiếp dần sự kiện
Có khá nhiều diễn biến chẳng quên
Thời vua Minh Mạng mới lên
Lại tranh tụng đất: chính quyền với dân.

Bọn hào lý ba lần “trưng dụng”
Trăm năm mươi (150) mẫu ruộng công điền.
Âm mưu chúng thật đảo điên
Biến công điền hóa tư điền ngang nhiên.

Họ ta lại một phen thưa kiện
Cùng toàn dân đi đến Tổng dinh
Về sau vào tận Triều đình
Tạị  kinh thành Huế tường trình, bày tâu.

Bao năm tháng giãi dầu mưa nắng
Rất kiên trì cố gắng tận tâm
Giằng dai ròng rã mười năm
Đến đời Thiệu Trị mới phân rạch ròi.

Bọn hào lý mất mồi lũng đoạn
Bị thua đau điên loạn, rất  cay
“Tam trưng, điền án”  còn đây
Ghi trong câu đối tỏ bày Đình Trung (9) .

Nhân dân khắp các vùng ca ngợi
Trăm họ đều hưởng lợi, mưu sinh
Họ ta ăn ở nghĩa tình
Cùng các họ khác kiên trinh, kết đoàn.

Tình làng  xóm ngày càng  bền chặt
Dựng  Đền, Chùa,  Hậu Phật đã mua(10) .
Từ đường, lăng tẩm kế thừa
Ngày càng lộng lẫy, bốn mùa khói nhang(11) .

Nhờ phúc ấm, đinh(12)  càng phát triển
Càng làm thêm vinh hiển họ ta
Tinh thần yêu nước, giữ nhà
Thời nào cũng nổi, bôn ba xuất hành.

Kể từ thuở Bá Vành khởi nghĩa
Đến Tam đăng Phạm Nghị lên đường.
Chống Pháp theo chiếu Cần Vương
Tổ tiên ta cũng can trường ứng theo.

Cuộc kháng Pháp gieo neo, gian khổ
Cha ông ta đã đổ máu đào
Cùng cả dân tộc bước vào
Trường kỳ kháng chiến, tiêu hao địch hàng.

Lại tiếp tục chuyển sang đánh Mỹ
Đế quốc to thế kỷ hai mươi
Tương quan lực lượng xa vời
Cuộc chiến ác liệt, sục sôi chiến trường.

Hòa khí thế khẩn trương cả nước
Dòng họ ta tiếp bước lên đường
Băng  qua  lửa  đạn  chiến trường
Gian lao chẳng quản, coi thường hiểm nguy.

Cùng dân tộc thần kỳ chiến thắng
Bốt đồn thù san phẳng, sạch không
Ngày nay thống nhất non sông
Từ Nam chí Bắc cờ hồng tung bay.

Hai cuộc chiến dạn dày, son sắt.
Hy sinh người, vật chất lớn lao
Tự hào tôn tộc Trần  Cao
Ba mươi liệt sĩ, máu đào hy sinh.

Có bà mẹ độc đinh  duy nhất
Người con trai  mất ở chiến trường.
Biết bao câu chuyện đau thương
Họ ta đóng góp nhiều gương tuyệt vời.

Nay đương đại đổi đời cực lớn
Công nghệ cao thời  bốn chấm không (4.0)
Cháu con ngày một thêm đông
Tư duy trí tuệ, “nối dòng nho gia”(13) .

Tô điểm tiếp họ ta   học  vấn
Rất tự tin, phấn chấn, mừng vui
Phó giáo  sư  có hai người
Sáu  người Tiến sĩ, rạng  ngời  họ ta

Ba  trăm Đại  học  ra  công tác(14)
Thành  kỹ sư  đĩnh đạc, nổi danh
Nghệ  sĩ, bác sĩ chuyên  ngành
Bậc  thày  nổi trội, xứng danh: tinh tường

Những sinh viên còn đương tiếp bước
Rất nhiều, không tính được -  các trường
Có nhà  Tam  Đạị  đồng  đường
Đều là đạị học, cột rường thi thư.(15)

Nền  “khoa bảng” bây giờ dẫu  khác
Nhưng tựu trung: uyên bác, chuyên sâu.
Không còn “KINH SỬ” làu làu(16)
Mà đa dạng hoá, toàn cầu, liên bang.

Thế hệ trẻ nay càng năng động
Làm kinh doanh hào phóng, mạnh tay.
Dám làm, dám chịu rủi may
Công ty, xí nghiệp nọ, này khai trương.

Từng bươn trải thương trường, khởi nghiệp
Tính cạnh tranh quyết liệt, được thua,
Tuỳ theo thời thế “chuyển  mùa”
Bao năm trụ vững, cuộc đua kiên cường.

Lại nói đến con đường binh nghiệp
Họ Cao ta nối tiếp ông cha
Đã từng trận mạc xông pha
Đã qua trường lớp lại qua chiến trường.

Trải qua những chặng đường cống hiến
Nhiều cháu con thăng tiến rất nhanh
Công an, bộ đội – song hành
Sĩ quan cao cấp, hai ngành khá đông.

Chung quy lại theo dòng thời cuộc
Họ Cao Trần vững bước nối nhau
“Lớp cha trước, lớp con sau” (17)
Tinh thần hiếu học từ lâu thấm nhuần.

Bốn thế kỷ xoay vần dòng họ
Đời nối đời phúc tổ dài lâu
Hai cành, mười phái cùng nhau
Cộng đồng tôn tộc trước sau một nhà.

Giữ cho được thượng hòa, hạ mục(18)
Cùng vun cây đắp gốc vững bền.
Sao cho xứng với Tổ tiên
Vươn cùng thời đại, ngày thêm mạnh giàu.

Dâng thế Phả đọc câu chúc phúc
Cùng cháu con ngâm khúc diễn ca
Niềm vui tràn ngập mọi nhà
Đón mùa xuân mới vinh hoa đời đời.
Tháng 10-2018 .
Cao Văn Hùng

Tổng số  có 176 câu,  gồm  44 khổ thơ song thất lục bát.
(Diễn ca gia phả cũ năm 1997 có 108 câu)
Chú thích:
(1)-Nhiều đời gìn giữ sơn hà bình yên: Họ Cao Trần Giao Tiến thuộc dòng dõi Trân Nguyên Hãn (Người đã giúp vua Lê Lợi đánh giặc Minh) và ngược lên nữa là Trần Quang Khải, Trần Đạo Tái, Trần Văn Bích,  Trần Nguyên Đán  (giúp các vua Trần đánh giặc bảo vệ đất nước)  rồi trở lại sau này con cháu của dòng họ Trần Nguyên Hãn cũng lại giúp các triều đại sau như thời Lê trung hưng giữ yên bờ cõi.
(2)-Trần duệ xuất: ở đây trích 3 chữ trong đôi câu đối ở Từ Đường họ cả. Nguyên văn là: “Khởi gia tự tích Ái châu lai”; “Truyền thế đương sơ Trần duệ xuất”, có nghĩa là: “Gốc nhà từ châu Ái tới” và “Nối đời là hậu duệ của họ Trần”.
(3)-Tước công rõ ràng: Trước khi chạy loạn ra làng Hòe Nha, cụ Thái Tôn lúc ấy đã được phong tập tước là Dự Nghĩa Công.
(4)- “Sông Hồng  phá hội”: theo sử sách ghi chép của làng Hoành Nha và các cụ truyền miệng kể lại là sông Hồng trước kia đổ ra cửa Hà Lạn bây giờ; Hòe Nha lúc đó là tả ngạn sông Hồng nhưng đến năm 1787 ( ngày 13 tháng 8,năm Đinh Mùi ) thời vua Lê Chiêu Thống trị vì có một trận lụt lớn (Đại hồng thủy) xảy ra ở Giao Thủy làm thiệt hại rất lớn về người và nhà cửa ruộng vườn, làm cho dòng sông Hồng  đổi dòng, đổ ra cửa Ba Lạt ngày nay nên các cụ gọi là “sông Hồng phá hội”.
(5)- Sông nay đổi dòng: như đã giải thích ở chú thích (4).
(6)-Họ ta còn gặp nạn Kim Ngô: Kim Ngô,tên đầy đủ là Đinh Kim Ngô;  nguyên là viên tiên chỉ của làng lúc bấy giờ. Hắn có thù oán đàn hặc với các cụ họ Cao Trần nhà mình nên Y đã giết chết cụ Cao Đức Trung (đời thứ 5) con trai thứ 2 của cụ Huệ Phương (tức cụ Bá Hân). Sau đó ba, bốn ngày hắn  cùng một viên quan ở Thái Bình sang để tiêu diệt cả họ Cao nhằm trừ hậu họa.
(7)-Khi ấy đinh họ ta còn ít, làng xã lại mới bị ngập lụt. chuyển cư lần thứ 2 do vậy tình thế rất nguy cấp may mà có ông Cao Đức Tuấn (đời thứ 6 , con trai cụ Bá Tuân đời thứ 5) đứng lên dẫn đầu tổ chức giết chết tên Đinh Kim Ngô để trả thù cho chú (ruột) và cả dòng họ Cao lúc đó. (Xem trong “Gia phả họ Cao Trần Giao Tiến” nói  kỹ).
(8) Thù nhà trả xong: tức ông Cao Đức Tuấn đã giết chết Đinh Kim Ngô trả thù cho chú ruột đã nói ở trên.
(9)- Đình Trung: tức là đình Giữa, ở Quán May ngày xưa. Đình này sau cải cách ruộng đất đã dỡ bỏ mất đến nay không còn nữa.
(10)- Dựng  đền, chùa  Hậu Phật đặt mua: các cụ Tổ họ ta khi mới đến làng Hòe Nha đã cùng các họ khác tham gia xây đền, chùa, miếu, điện.Hiện nay ở Giao Tiến có tới 3 chùa lớn có lịch sử lâu đời và được xếp hạng “Di tích lịch sử Quốc Gia”. Theo gia phả để lại thì vào năm 1713 cụ Thái Tôn mua hậu Phật ở chùa Hưng Long (thôn Quy Chính) vả năm 1718 mua hậu Phật ở chùa Hưng An (thôn Thượng).
(11)- Ngày càng lộng lẫy, bốn mùa khói nhang: Hiện nay họ Cao Trần ở xã Giao Tiến có đến 4 cấp nhà thờ (theo thứ tự từ cao xuống thấp là: họ cả, họ cành, họ phái, họ chi) chi họ nào cũng có nhà thờ (từ Đường) và cũng có lăng mộ đi kèm; Qua nhiều năm các chi họ đã nhiều lần tôn tạo, nâng cấp, mở rộng nhà thờ và lăng của mình rất trang nghiêm, hoành tráng. Ngày rằm và mồng một hàng tháng đều thắp hương,đăng, trà, tửu, hoa, quả ,tiền vàng cho các bậc Tổ tiên.
(12) -(Đinh): ở đây chỉ nam giới tức con trai, đàn ông. Theo tục lệ phong kiến quy định nam giới có trách nhiệm “nối dõi tông đường”  là trụ cột thờ phụng Tổ tiên.
(13) -“Nối dòng nho gia”: cụm từ này mượn trong Truyện Kiều; chỉ sự kế tiếp học hành của cha ông ta.
  (14)-Ba trăm đại học ra công tác: tức là chỉ số sinh viên đã tốt nghiệp đại học trở thành các kỹ sư, bác sĩ, nghệ sĩ….Thực tế hàng năm còn rất nhiều các thế hệ sinh viên đang học ở các trường đại học; không thể tính được đầy đủ.
(15)-Thi thư: chỉ sự học hành theo sách vở, đèn sách thi cử  để trở thành quan lại ngày xưa, thành các nhà tri thức ngày nay.
(16)- Không còn kinh sử làu làu: Ngày xưa các cụ đi thi chủ yếu là học thuộc và hiểu rất sâu ngữ nghĩa của chữ Hán nôm (chữ Nho) thuộc về lĩnh vực khoa học xã hội chứ không thi về tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ như bây giờ.
(17)-“Lớp cha trước, lớp con sau”: câu này mượn của cố nhà thơ Tố Hữu.
(18)- Giữ cho được thượng hoà, hạ mục”: câu này và một số câu nữa còn lại của bài này đều giữ nguyên nội dung thơ (3 khổ cuối cùng) của cụ cố CAO QUANG THẠNH đời thứ 11, phái Ât họ ta; có sửa đi một số từ  chẳng hạn như: “Mười lăm đời phúc Tổ dài lâu” sửa lại là: “Đời nối đời phúc Tổ dài lâu”. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét