Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012

VĂN KHẤN DÂNG HƯƠNG ĐỨC TẢ TƯỚNG QUỐC TRẦN NGUYÊN HÃN

Duy Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Đệ lục thập thất niên
Tuế thứ Nhâm Thìn niên – nhị nguyệt – sơ nhất nhật.
Vĩnh Phúc tỉnh, Lập Thạch huyện, Sơn Đông xã, Quan Tử thôn.
Trần tộc – Bản tộc Sơn Đông  –  Các chi đồng tộc đẳng.
Nhất chi viễn phái – Đào tộc cải danh, lưu trú Minh Nông, thành phố Việt Trì, Phú Thọ tỉnh.
Nhất chi viễn phái – Trần tộc – lưu trú Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định tỉnh.
Đệ niên, đệ lệ miêu duệ đồng hành bái Tổ - Chủ lễ Trần Đăng Dung.
                                   Kính lạy anh linh Đức Tổ
   Tả tướng quốc Trần tướng công!
Vui mừng hôm nay,
Khánh thành điện ngọc.
Mốc son Thăng Long ngàn năm văn hiến,
Thường xuân tưởng niệm ngày Một tháng Hai.
Ơn Đức Tổ, toàn dân được hưởng,
Nhớ ơn Người, đất nước ghi công.
Hậu duệ nhớ ngày giỗ Tổ,
Dòng họ sum họp từ đường.
Rộn rã trống chiêng, cháu con họp mặt,
Tưng bừng cờ xí, nhật nguyệt bừng lên.
Lập Thạch, Sơn Đông dòng Tức Mặc,
Xương Giang, Hàm Tử gốc Nguyên Phong.

Vinh dự tự hào,
Danh Quan Tử, ấp thuần nhân tại,
Điện tướng công, tứ thụy khí danh,
Sơn hà rực sáng,
Bốn ngàn năm có lẻ vinh quang,
Sáu thế kỷ ghi trong quốc sử.

Đạo nhân nghĩa bao la trời đất,
Trải tháng năm còn rộng mênh mông,
Đức hiếu trung cuồn cuộn triều đông,
Suốt đêm ngày vẫn dâng dào dạt.
Thương dân đen, con đỏ điêu linh,
Căm giặc Minh, tay sai tàn ác.
Tìm đường cứu nước, bao năm chầy nung nấu tâm can,
Nghĩ kế diệt Minh, mười năm trời tính mưu bạc tóc.

Dòng dõi Đông A,
Tài năng lỗi lạc.
Ý chí Thái Sơn ngàn trùng,
Tâm hồn sáng soi nhật nguyệt.
Nối gót Tổ tiên, phò vua giúp nước,
Đem tấm lòng trung, trừ giặc cứu dân.

Quốc thịnh nâng bổng hồn thơ,
Dân an vun cao gốc nhạc.
Những tin: Tôi trung đã dốc sức giúp đời,
Nào ngờ: Hung thần lại gây oan thảm khốc.

Dù ở bốn phương, luôn tâm nguyện nhớ ngày kỷ niệm,
Dẫu đi tám hướng, đều tạc ghi không quên cội nguồn.

Nhớ thuở xưa:
Chọn nơi đây Tổ tiên dựng nghiệp,
Cạnh rừng Thần, ao Tó, bên đầm Trạch linh thiêng,
Địa linh nhân kiệt Sơn Đông trang.
Ngoài đồi Bắc Cuộc đất đã sinh,
Có Mỏ Phượng, Gò Đê, có Cổ Ngựa chầu về,
Kiểu sinh phượng công khanh tế thế.

Ơn Tiên tổ:
Đi Bắc, Nam cháu con hưng thịnh,
Ở Đông, Tây hậu duệ vui vầy.
Khi binh biến, cùng toàn dân đánh giặc giữ nước,
Lúc thanh bình, mọi gia đình phấn đấu vươn lên.

Theo ý Đảng đưa dân giàu, nước mạnh,
               xã hội công bằng, dân chủ, văn minh,
Nối gót Tổ tiên, thời đại nào cũng
               phát huy truyền thống trung quân, ái quốc.

Chúng con nam, phụ, lão, ấu,
Cả họ dâu, rể, gái, trai.
Hân hoan muôn dặm trùng phùng,
Kính cẩn dâng hương bái Tổ.
Xin Đức Tổ anh linh chứng giám,
Phù cháu con mạnh giỏi, khang cường.

Chúng con một dạ nguyện cầu:
Trăm con một bọc, yêu thương nhau ruột thịt chan hòa,
Một gốc ngàn cành, gắn bó mãi keo sơn bền vững.
Giàu sang là chỗ dựa, làm rạng rỡ thanh danh Trần tộc,
Nghèo khó quyết vươn lên, khỏi hổ thẹn danh tiếng Tổ tiên.

Bắt chước những điều nên bắt chước,
Răn đe những việc phải răn đe.
Ăn ở hiếu, hiền, hòa thuận,
Việc làm trung, tín, nghĩa, nhân.
Ơn Bác Hồ, ơn Đảng,
Được đổi mới toàn dân.
Chúng con quyết tiến lên,
Làm rạng danh Tiên tổ.
Cẩn cáo!
Xuân Nhâm Thìn, tháng Giêng, ngày Ba mươi.
Hậu duệ Trần Đăng Dung phụng soạn.

HỌ CAO TRẦN THAM GIA LỄ DÂNG HƯƠNG, TẾ TỔ VÀ DỰ ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU DÒNG HỌ TRẦN NGUYÊN HÃN TOÀN QUỐC LẦN THỨ NHẤT

Nhân dịp đền thờ Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn được Nhà nước đầu tư tôn tạo, nâng cấp (giai đoạn 1) và kỷ niệm 626 năm ngày sinh của Người (1386 – 2012), Trù bị Ban liên lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn tổ chức lễ dâng hương tế Tổ tại đền thờ của Người và Đại hội đại biểu dòng họ Trần Nguyên Hãn toàn quốc lần thứ nhất để thành lập Ban liên lạc dòng họ tại xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Đông đảo các con cháu hậu duệ của Đức Tổ ở mọi miền đất nước đã về hội tụ tại chính quê hương Người, thành kính dâng nén tâm hương, đọc lời chúc văn khấn Tổ với tấm lòng thành kính, ngưỡng vọng, thể hiện sự uống nước nhớ nguồn, tri ân tiên tổ.
Họ Cao Trần Giao Tiến, Giao Thủy, Nam Định là một Chi họ thuộc Dòng họ Trần Pháp Độ ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Rất vinh dự cho họ Cao Trần Giao Tiến được Trù bị Ban liên lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn chọn cử đội tế của họ, thay mặt toàn thể con cháu của Người trong toàn quốc tổ chức khánh lễ tế Người tại Đền thờ. Họ Cao Trần tổ chức đoàn tế Tổ Trần Nguyên Hãn gồm 46 người thuộc các thế hệ (đời 10 đến đời 13 trong dòng họ ) do cụ Cao Trần Bốn, Quyền Tôn trưởng dòng họ làm trưởng đoàn. 4 giờ sáng ngày 30 tháng Giêng năm Nhâm Thìn (21.02.2012) đoàn xuất phát, đến 10 giờ 30 có mặt tại nhà thờ Tổ Trần Doãn Hựu tại thôn Quan Tử, xã Sơn Đông, Lập Thạch, Vĩnh Phúc. 14 giờ 30 tất cả con cháu trong dòng họ Trần Nguyên Hãn toàn quốc tề tựu trước đền thờ Đức Tổ, bắt đầu tổ chức lễ dâng hương, tế Tổ. Dòng họ dâng lên đền thờ một lá cờ thần mang biểu tượng của dòng họ Trần Nguyên Hãn cùng các lễ vật, hương hoa... Cụ Trần Đăng Dung, trưởng lão Cành Sơn Đông, Vĩnh Phúc thay mặt dòng họ đọc bài chúc văn dâng hương khấn Tổ, sau đó là lễ tế Tổ do đội tế họ Cao Trần thực hiện.
Trong bầu không khí trang nghiêm, thành kính, đội tế thực hành tế 3 ban (hai ban nữ, một ban nam) theo đúng nghi lễ truyền thống. Tất cả con cháu trong dòng tộc và bà con sở tại tham dự buổi tế Tổ đều xúc động, tự hào. Ban quản lý di tích đền thờ và bà con các thôn Đa Cai (nơi xây đền thờ Người) và thôn Quan Tử (nơi có nhà thờ họ Trần cành Sơn Đông) xã Sơn Đông rất phấn khởi, thán phục dòng họ Trần Nguyên Hãn nói chung cũng như đội tế họ Cao Trần nói riêng đã tổ chức thành công buổi khánh lễ tế Tổ tại đền thờ Người thật tôn nghiêm, trang trọng.
Sau khi thực hành lễ tế Đức Tổ Tả tướng quốc xong, 17 giờ 30 đội tế họ Cao Trần lại lên đường về quê nhà. Mặc dù đường sá xa xôi (cả đi lẫn về khoảng 600 km), nhiều ông bà tuổi trên thất tuần, bát tuần, lại đi về trong ngày rất vất vả, nhưng mọi người ra về đều  rất phấn khởi, thấy lòng thanh thản vì mình đã làm được một việc tâm linh rất có ý nghĩa đối với dòng họ, đối với Tổ tiên, nguồn cội.
Ngày mùng một tháng Hai năm Nhâm Thìn (22.02.2012), tại nhà văn hóa thôn Quan Tử, xã Sơn Đông đã tổ chức Đại hội đại biểu dòng họ lần thứ nhất để thành lập Ban liên lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn toàn quốc. Đại biểu họ Cao Trần Giao Tiến tham dự Đại hội có các ông: Cao Trần Ngọc Dụng (đời 11), Cao Trần Văn Hồng (đời 12), Cao Trần Bá Khoát (đời 12), Cao Trần Vương (đời 12), Cao Trần Xuân Thuận (đời 13). Đại hội đã nhất trí thành lập Ban liên lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn toàn quốc với các chức năng, nhiệm vụ chủ yếu sau:
1. Làm trung tâm kết nối dòng họ.
2. Tạo điều kiện để các cành, các họ giao lưu, tăng thêm hiểu biết lẫn nhau.
3. Thông tin phổ biến các hiểu biết về dòng họ, hướng dẫn nhận thức sâu sắc về họ Trần và dòng họ Trần Nguyên Hãn.
4. Tư vấn các nơi tổ chức hành hương về cội nguồn, tham quan các di tích lịch sử họ Trần và dòng họ Trần Nguyên Hãn.
5. Động viên con cháu hậu duệ phát huy truyền thống của tổ tiên, đoàn kết giúp đỡ nhau phấn đấu vươn lên các đỉnh cao về kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học, xã hội, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc, làm rạng rỡ tổ tông, làm vẻ vang gia đình.
Cụ Cao Trần Bốn được Đại hội cử tham gia Hội đồng trưởng lão; các ông Cao Trần Văn Hồng (đời 12), Cao Trần Bá Khoát (đời 12), Cao Trần Vương (đời 12), Cao Trần Xuân Kiệm (tức Thiện, đời 13) tham gia ủy viên thường trực Ban liên lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn toàn quốc.
Tại Đại hội, họ Cao Trần Giao Tiến đã đóng góp xây dựng quỹ dòng họ 24.000.000 đồng (Hai mươi bốn triệu đồng).
Với sự đóng góp về con người và vật chất cho Đại hội dòng họ Trần Nguyên Hãn toàn quốc thành công tốt đẹp, họ Cao Trần Giao Tiến đã được Đại hội tặng bằng vinh danh đội tế của họ và bằng ghi nhận đóng góp 24 triệu đồng xây dựng quỹ dòng họ.
                                                        


MỘT SỐ HÌNH ẢNH LỄ TẾ TỔ TRẦN NGUYÊN HÃN




Đường link tải hình ảnh tại lễ tế Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn
http://www.mediafire.com/download.php?70fzklm0vuubk4t
Bài và ảnh: CAO TRẦN BÁ KHOÁT





Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

CÁC ĐỜI VUA NHÀ TRẦN

 1. Trần Thái Tông
Trần Thái Tông (chữ Hán: 陳太宗; tên thật là Trần Cảnh 陳煚; 17 tháng 7, 1218 – 4 tháng 5, 1277) là nhà vua đầu tiên của nhà Trần, ở ngôi hơn 32 năm (1225-1258), làm Thái Thượng Hoàng 19 năm. Ông được vợ là Lý Chiêu Hoàng, nữ hoàng đầu tiên và là nhà vua cuối cùng của nhà Lý nhường ngôi. Việc ông được đưa lên làm vua nói riêng và nhà Trần thay thế nhà Lý nói chung phần lớn nhờ ở công sức của Trần Thủ Độ, chú của Trần Cảnh. Khi đó Trần Thủ Độ là Điện tiền chỉ huy sứ trong triều Lý. Bố của Trần Cảnh là Trần Thừa, cũng là một viên quan của triều Lý như Trần Thủ Độ. Ông từng làm Nội thị khán thủ, một chức quan đứng đầu các quan hầu cận của vua nhà Lý).
 Trong thời gian ở ngôi, Trần Thái Tông đã 3 lần đổi niên hiệu: Kiến Trung (1225-1232), Thiên Ứng Chính Bình (1232-1250) và Nguyên Phong (1251-1258).

Trước khi truyền ngôi cho con trai là Thái tử Trần Hoảng (sau là vua Trần Thánh Tông), Trần Thái Tông đã lãnh đạo nhân dân Đại Việt chống lại thành công cuộc xâm lược lấn thứ nhất của quân Nguyên Mông.

 2. Trần Thánh Tông
Trần Thánh Tông (chữ Hán: 陳聖宗; 1240-1291; tên thật là Trần Hoảng 陳晃) là nhà vua thứ hai của nhà Trần (sau vua cha Trần Thái Tông và trước Trần Nhân Tông), ở ngôi 21 năm (1258-1278) và làm Thái Thượng Hoàng 13 năm.

Trần Thánh Tông là con thứ hai trong các người con của vua Trần Thái Tông. Những người còn lại là các hoàng tử Trần Quốc Khang, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Nhật Vĩnh, Trần Ích Tắc, các công chúa Thiên Thành, Thiều Dương, Thụy Bảo, An Tư.

Trong thời gian ở ngôi, Trần Thánh Tông đã 2 lần đổi niên hiệu: Thiện Long (1258-1272) và Bảo Phù (1273-1278). Bộ Đại Việt sử ký do Lê Văn Hưu viết cũng được hoàn thành trong thời gian này. Ông là một người biết sử dụng nhân tài, chăm lo việc nước, thi hành một đường lối ngoại giao mềm dẻo nhưng cứng rắn để đối phó với tham vọng xâm lược của quân Nguyên.

Năm 1278, sau chiến tranh ông truyền ngôi cho con trai là Thái tử Trần Khâm (sau là vua Trần Nhân Tông), về ở Bắc cung rồi đi tu, nghiên cứu Phật học, viết sách.

 3. Trần Nhân Tông
Trần Nhân Tông (chữ Hán: 陳仁宗; 1258-1308, tên thật là Trần Khâm 陳昑) là nhà vua thứ ba của nhà Trần (sau vua cha Trần Thánh Tông và trước Trần Anh Tông), ở ngôi 15 năm (1278-1293) và làm Thái Thượng Hoàng 15 năm.

Trần Nhân Tông là một vị vua được sử sách ca ngợi là một trong những vị vua anh minh nhất trong lịch sử. Trong thời gian trị vì, ông đã lãnh đạo nhân dân qua 2 cuộc chống xâm lược Nguyên Mông (1285 và 1287). Các niên hiệu trong thời gian vua Trần Nhân Tông trị vì là Thiệu Bảo, Trùng Hưng.

Sau khi nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, ông xuất gia tu hành và thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và lấy đạo hiệu là Điều Ngự Giác Hoàng (hay Trúc Lâm đầu đà). Ông là tổ thứ nhất của dòng Thiền Việt Nam này.

Ông mất năm 1308, chôn ở lăng Quy Đức, phủ Long Hưng, xá lỵ cất ở bảo tháp am Ngọa Vân; miếu hiệu là Nhân Tông, tên thụy là Pháp Thiên Sùng Đạo Ứng Thế Hóa Dân Long Từ Hiển Hiệu Thánh Văn Thần Võ Nguyên Minh Duệ Hiếu Hoàng Đế.

 4. Trần Anh Tông
Trần Anh Tông (chữ Hán: 陳英宗; 1276-1320, tên thật là Trần Thuyên ) là nhà vua thứ tư của nhà Trần (sau vua cha Trần Nhân Tông và trước Trần Minh Tông), ở ngôi 21 năm (1293-1314) và làm Thái thượng hoàng 6 năm. Niên hiệu trong đời vua Trần Anh Tông là Hưng Long.
Anh Tông lúc đầu hay uống rượu và đêm thường hay lén ra ngoài đi chơi, có khi bị đồ vô lại phạm đến. Một hôm uống rượu say đến nỗi Thượng hoàng Nhân Tông ở Thiên Trường về kinh, các quan đều ra đón rước cả, mà vua vẫn nằm ngủ. Thượng hoàng giận lắm, truyền xa giá lập tức về Thiên Trường và hạ chiếu cho bách quan phải về đấy hội nghị. Khi Anh Tông tỉnh rượu, biết thượng hoàng về kinh, sợ hãi quá, vội vàng chạy ra ngoài cung gặp một người học trò tên là Đoàn Nhữ Hài, mượn thảo bài biểu để dâng lên tạ tội, rồi cùng với Nhữ Hài xuống thuyền đi suốt đêm đến phủ Thiên Trường. Thượng hoàng xem biểu rồi quở mắng một lúc, và tha lỗi cho Anh Tông. Về đến kinh sư, Anh Tông cho Đoàn Nhữ Hài làm ngự sử trung tán, và từ đấy không uống rượu nữa. Từ xưa đến nay vua Đại Việt vẫn có tục lấy chàm vẽ rồng vào đùi, nhưng Anh Tông không muốn theo tục này. Một hôm Thượng hoàng bảo Anh Tông rằng: " Dòng dõi nhà mình vẫn vẽ mình để nhớ gốc ngày xưa, nay nhà vua phải theo tục ấy mới được". Anh Tông tuy vâng mệnh nhưng lừa khi Thượng hoàng bận việc khác, lẩn đi không cho vẽ. Từ đấy, vua Đại Việt mới không vẽ mình nữa. Tính vua Anh Tông hay vẽ: thường có làm một tập Thủy Vân Tùy Bút, nhưng đến lúc sắp mất đem đốt đi không cho để lại. Sử có chép rằng khi Anh Tông đau nặng, hoàng hậu cho đi gọi thầy tăng về để làm lễ xem sự sinh tử, Anh Tông gạt đi mà bảo rằng: "Thầy tăng đã chết đâu mà biết được sự chết". Xem thế thì biết Anh Tông là một ông vua hiếu thảo và lại thông minh, cho nên việc triều chính thời bấy giờ có cương kỷ lắm.
Trong triều lại có những người tài giỏi hết lòng giúp việc nước. Về văn có Trương Hán Siêu, võ có Phạm Ngũ Lão đều là người có tài trí cả.

Thời bấy giờ vua hiền, tôi trung, phép tắc nghiêm trang, thưởng phạt phân minh, chính trị không có điều gì hồ đồ. Việc học hành mở mang rộng rãi, cho nên những người có tài văn học như Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn đều được thi đỗ, ra làm quan giúp việc triều đình. Có thể coi đó là thời rất thịnh của nhà Trần vậy. Tuy nhiên, sách Đại Việt Sử ký Toàn thư dù có khen nhưng vẫn phê phán ông là quá mộ đạo Phật: Vua khéo biết kế thừa, cho nên thời cuộc đi tới thái bình, chính trị trở nên tốt đẹp, văn vật chế độ ngày càng thịnh vượng, cũng là bậc vua tốt của triều Trần. Song tụ họp nhà sư trên núi Yên Tử, làm nhọc sức dân dựng gác Ánh Vân, thì chẳng phải là tỳ vết nhỏ trong đức lớn đó sao?.

 5. Trần Minh Tông
Trần Minh Tông (chữ Hán: 陳明宗; 1300-1357) (tên thật là Trần Mạnh 陳奣) là nhà vua thứ năm của nhà Trần (sau Trần Anh Tông và trước Trần Hiến Tông), ở ngôi 15 năm (1314-1329) và làm thái thượng hoàng 28 năm.

Các niên hiệu trong đời vua Trần Minh Tông là Đại Khánh, Khai Thái.
Năm Giáp Dần (1314), thái tử Mạnh lên nối ngôi lấy niên hiệu là Đại Khánh. Minh Tông có lòng nhân hậu, hay thương người nhưng xét việc chưa minh. Năm Ất Mão (1315) vua định lệ cấm người trong họ không được kiện cáo nhau.

Năm Quý Hợi (1323) mở khoa thi Thái học sinh chọn người có tài ra giúp nước. Nhờ biết tôn trọng kẻ sĩ nên vua Minh Tông đã có dưới trướng mình những hiền thần như Đoàn Nhữ Hài, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn, Chu Văn An giúp. Tuy nhiên, do quá tin vào Trần Khắc Chung cùng Cương Đông Văn Hiến hầu (con/em? Trần Nhật Duật) nên năm 1328 đã giết Huệ Võ vương Trần Quốc Chẩn, một người có công, là chú ruột, đồng thời là Quốc trượng (bố vợ) mình.

Minh Tông làm vua đến năm Ất Tị (1329) thì nhường ngôi cho Thái tử Vượng, về làm Thái Thượng hoàng.

 6. Trần Hiến Tông
Trần Hiến Tông (chữ Hán: 陳憲宗; 1319-1341) tên húy là Trần Vượng (陳旺), là vua thứ sáu của nhà Trần, lên ngôi ngày 15 tháng 2 âm lịch năm Kỷ Tị 1329, đặt niên hiệu là Khai Hựu.
Hiến Tông trị vì nhưng việc điều khiển triều chính, kể cả việc dẹp loạn Ngưu Hống ở Đà Giang, đánh quân Ai Lao xâm phạm bờ cõi đều do Thái thượng hoàng Trần Minh Tông, cha ông đảm nhận. Ông làm vua đến năm Tân Tị 1341 thì mất, ở ngôi 13 năm, thọ 23 tuổi.


 7. Trần Dụ Tông
Trần Dụ Tông (tên thật là Trần Hạo; 1336-1369) là nhà vua thứ bảy của nhà Trần (sau Trần Hiến Tông và trước Trần Nghệ Tông). Ông cai trị từ năm 1341 đến 1369.
Vua Hiến Tông không có con nên việc truyền ngôi báu do Thượng hoàng xếp đặt. Thượng hoàng Minh Tông có 7 con trai: Hiến Tông Vượng, Cung Túc vương Dục, Cung Định vương Trạch, Dụ Tông Hạo, Cung Tĩnh vương Nguyên Trạch, Nghệ Tông Phủ, Duệ Tông Kính.
Hiến Tông mất, Thượng hoàng lập người con tên Hạo, sinh năm Bính Ngọ (1336) lên làm vua hiệu là Dụ Tông. Những năm đầu những quyền bính đều do Thượng hoàng Minh Tông điều khiển. Bởi thế, dù có mất mùa dân đói nhưng việc chính trị vẫn còn nền nếp. Từ năm 1358 trở đi, Thượng Hoàng mất, các cựu thần như Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn cũng không còn, triều đình bắt đầu rối loạn. Bọn gian thần kéo bè kết đảng lũng đoạn triều chính. Chu Văn An dâng Thất trảm sớ xin chém 7 gian thần nhưng vua không nghe, ông liền bỏ quan về dạy học. Vua Dụ Tông ham chơi bời rượu chè khiến triều đình rối nát loạn nổi lên như ong. Nhân dân cực khổ trăm bề. Vua Chiêm là Chế Bồng Nga mấy lần đem quân đánh phá thành Thắng Long khiến triều Trần nhiều phen khốn đốn. Năm Kỷ Dậu (1369) vua Dụ Tông mất thì bão táp đã nổi lên ở cung đình. Nguyên do, Dụ Tông không có con nên triều đình lập Cung Định vương là anh Dụ Tông lên làm vua nhưng bà Hoàng thái hậu nhất định đòi lập người con nuôi của Cung Túc vương là Dương Nhật Lễ lên ngôi. Nguyên mẹ Nhật Lễ là một đào hát, lấy một kép hát bội là Dương Khương có thai rồi mới bỏ Dương Khương mà lấy Cung Túc vương sinh ra Nhật Lễ. Nay lên làm vua, Nhật Lễ muốn cải họ Dương để dứt ngôi nhà Trần rồi giết bà Hoàng thái hậu cùng Cung Định Vương. Cung Tĩnh vương vốn nhu nhược thấy thể bỏ trốn lên mạn Đà Giang.
Trước tình hình nội chính rối ren, các tôn thất nhà Trần hội nhau khởi binh về bắt giết Nhật Lễ rồi rước Cung Tĩnh vương về làm vua, tức vua Trần Nghệ Tông. Các niên hiệu trong thời gian vua Trần Dụ Tông trị vì là Thiệu Phong (1341-1357), Đại Trị (1358-1369).

 8. Trần Nghệ Tông
Trần Nghệ Tông (1321-1394) là vua thứ 8 nhà Trần trong lịch sử Việt Nam, tên thật là Trần Phủ, người hương Tức Mặc, Thiên Trường, Nam Định, Việt Nam. Trần Nghệ Tông sinh năm 1321, là con thứ ba của Trần Minh Tông, em vua Trần Hiến Tông, anh vua Trần Dụ Tông. Mẹ ông là Lê Thái phi. Năm 1369, Trần Dụ Tông mất, truyền ngôi cho Dương Nhật Lễ. Theo sử sách, Nhật Lễ vốn không phải là con đẻ của Dụ Tông mà mẹ Lễ là đào hát, vợ của kép hát Dương Khương, đã mang thai Lễ trước khi làm vợ vua Dụ Tông. Nhật Lễ làm vua nhưng bỏ bễ công việc, ham chơi, rượu chè, lại giết bà nội là mẹ Dụ Tông vì bà hối hận việc lập Nhật Lễ. Lễ còn định đổi sang họ Dương khiến các quan trong triều bất bình.

Đêm ngày 20 tháng 9 năm 1370, cha con thái tể Nguyên Trác, Nguyên Tiết và hai người con của công chúa Thiên Ninh[1] đem người tôn thất vào thành định giết Nhật Lễ. Nhật Lễ trèo qua tường, nấp dưới cầu mới. Mọi người lùng không thấy, giải tán ra về. Khi trời sắp sáng, Nhật Lễ vào cung, chia người đi bắt Nguyên Trác cùng 17 người chủ mưu và đều bị hại. Trần Phủ vì có con gái làm hoàng hậu của Nhật Lễ, sợ vạ lây đến mình nên tránh ra trấn Đà Giang (tức Gia Hưng), ngầm hẹn với các em là Cung Tuyên vương Trần Kính, Chương Túc quốc thượng hầu Trần Nguyên Đán, Thiên Ninh công chúa Ngọc Tha hội ở sông Đại Lại[2], phủ Thanh Hóa để dấy quân. Trần Kính giúp ông đảm nhận việc sắm sửa mọi vũ khí, trang bị quân đội. Khi ấy, Nhật Lễ chuyên dùng thiếu úy Trần Ngô Lang mà không biết Ngô Lang đồng mưu với Trần Phủ. Mỗi khi sai quân tướng đi đánh bắt, Ngô Lang đều bí mật bảo họ theo Trần Phủ đừng về nữa. Rất nhiều lần sai các quân Nam, Bắc đi đánh, đều không một ai trở về. Do đó quân của Trần Phủ, Trần Kính mạnh thêm.
Tháng 11, Trần Phủ cùng Trần Kính và Thiên Ninh công chúa dẫn quân về kinh lật đổ Nhật Lễ, giáng làm Hôn Đức Công rồi giết chết, lại giết nốt con của Lễ. Trần Phủ lên ngôi, tức là Trần Nghệ Tông.

  9. Trần Duệ Tông
Trần Duệ Tông (1337-1377) là vua thứ 9 nhà Trần trong lịch sử Việt Nam, tên thật là Trần Kính, người hương Tức Mặc, Thiên Trường, Nam Định, Việt Nam. Trần Duệ Tông sinh ngày 2 tháng 6 năm 1337. Ông là con thứ mười một của Trần Minh Tông, em vua Trần Nghệ Tông. Mẹ ông là Đôn Từ Hoàng Thái phi. Năm 1369, Trần Dụ Tông mất, truyền ngôi cho Dương Nhật Lễ. Theo sử sách, Nhật Lễ vốn không phải là con đẻ của Dụ Tông mà mẹ Lễ là đào hát, vợ của kép hát Dương Khương, đã mang thai Lễ trước khi làm vợ vua Dụ Tông. Nhật Lễ làm vua nhưng bỏ bễ công việc, ham chơi, rượu chè, lại giết bà nội là mẹ Dụ Tông vì bà hối hận việc lập Nhật Lễ. Lễ còn định đổi sang họ Dương khiến các quan trong triều bất bình. Năm 1370, các hoàng tử, thân tộc nhà Trần mưu khởi binh lật đổ Nhật Lễ. Trần Kính giúp anh là Trần Phủ đảm nhận việc sắm sửa mọi vũ khí, trang bị quân đội. Ông cùng Trần Phủ thực hiện đảo chính lật đổ giết chết Nhật Lễ. Trần Phủ lên ngôi, tức là Trần Nghệ Tông. Noi gương đời trước của nhà Trần thường giữ chế độ vua và thái thượng hoàng cùng trị nước, năm 1372, Nghệ Tông nhường ngôi cho ông lên làm thượng hoàng. Đây là trường hợp đầu tiên thượng hoàng chỉ là anh của vua trong lịch sử Việt Nam. Trần Kính lên ngôi, tức là Trần Duệ Tông. Trần Duệ Tông tiếp tục đường lối của cha ông, liên tục tuyển chọn nhân tài cho quốc gia. Sử cũ chép: “Ất Mão (năm 1375),... xuống chiếu chọn các quan viên, người nào có tài năng, luyện tập nghề võ, thông hiểu thao lược, thì không cứ là tôn thất đều làm tướng coi quân, đồng thời cho ra khỏi quân ngũ những người lính già cả, ốm yếu, bệnh  tật..." Ông đã tổ chức thi Đình tuyển chọn nhân tài cho quốc gia. Những nho sĩ thời đó như Đào Sư Tích (Trạng nguyên), Lê Hiến Phủ (Bảng nhãn), Trần Đình Thám (Thám hoa)... đều xuất thân từ bình dân, không trong hàng ngũ hoàng tộc. Vua rất coi trọng nho sỹ, coi đó là đại diện văn hiến nước nhà, nên cho ăn yến, áo xấp, tước phẩm...
Trần Duệ Tông còn rất chú trọng đề cao ý thức dân tộc. Ông hạ lệnh cho quân dân không được mặc áo kiểu người phương Bắc và không được bắt chước tiếng nói của các nước Chiêm – Lào. Vừa bảo vệ được thuần phong mỹ tục, vừa biểu hiện ý thức tự lập, tự cường, ông còn quy định về mẫu mã các loại thuyền, xe, kiệu, tán, nghi, trượng và y phục.

 10. Trần Phế Đế
Trần Phế Đế (1361-1388) là vua (1377-1388) thứ 10 nhà Trần trong lịch sử Việt Nam, tên thật là Trần Hiện, người hương Tức Mặc, Thiên Trường, Nam Định, Việt Nam. Trần Phế Đế là con trưởng của vua Trần Duệ Tông, có tên húy là Hiện (hay Nghiễn), mẹ là bà Gia Huệ hoàng hậu Lê Thị. Ông sinh ngày mồng 6 tháng 3 năm Đại Trị thứ 4 đời Trần Dụ Tông, tức năm Tân Sửu (1361). Sau khi vua cha Duệ Tông tử trận ở Chiêm Thành, Trần Hiện được bác là thượng hoàng Nghệ Tông đưa lên ngôi. Khi lên nối ngôi, ông mới 16 tuổi, mọi quyền hành vẫn do Thượng hoàng Trần Nghệ Tông nắm giữ. Vua nước Chiêm Thành là Chế Bồng Nga nhân đà thắng lợi liên tục tiến đánh và cướp phá Đại Việt. Năm Mậu Ngọ (1378), Chế Bồng Nga lại sang đánh Nghệ An, rồi theo sông Đại Hoàng cướp phá Thăng Long một lần nữa. Đến năm Canh Thân(1380) rồi năm Nhâm Tuất (1382) quân Chiêm lại tiến quân vào Đại Việt song bị đánh lui. Đến tháng 6 năm Quý Hợi (1383), Chiêm Thành lại đem quân đánh Đại Việt. Thượng hoàng Nghệ Tông sai tướng Mật Ôn ra giữ ở Tam Kì nhưng Mật Ôn thua trận bị bắt sống. Nghệ Tông lại sai Nguyễn Đa Phương trấn thủ kinh thành còn mình và Phế Đế chạy sang Đông Ngàn. Có người khuyên thượng hoàng ở lại kinh thành chống giặc nhưng ông này sợ hãi không nghe. Quân Chiêm lại tàn phá Thăng Long, khi giặc rút, hai ông vua này cũng chẳng lo việc phòng bị mà chỉ lo mang của cải đi giấu. Đén tháng 12 năm Quý Hợi (1388) quân Chiêm rút về, thượng hoàng mới trở lại kinh sư. Sử sách chép lại rằng Phế Đế cho quân tải tiền đồng cất dấu vào núi Thiên Kiện (hay là núi Địa Cận) ở Hà Nam và chùa Khả Lãng,Lạng Sơn đề phòng bị Chăm pa cướp.

Năm Tân Dậu (1381) Phế Đế mở khoa thi thái học sinh, song từ đó lại lựa chọn những người khỏe mạn để gia nhập quân đội, việc làm kì quặc này không chỉ đi ngược với tiền triều mà còn làm mất lòng dân, nản lòng binh sĩ. Nghe lời Đỗ Tử Bình, triều đình tiếp tục cho tăng sưu thế để cứu kho tàng trống rỗng vì chiến tranh, bắt mỗi suất đinh đóng 3 quan tiền thuế khiến cho nhân dân ngày càng cực khổ. Mặt khác, ở phương Bắc, nhà Minh cũng dòm ngó Đại Việt, Minh Thái Tổ đòi Đại Việt cấp 5000 thạch lương cho quân Minh ở Vân Nam. Nhà Trần phải biện bạch là đã sai chuyển vận sứ đem đi, nhưng vì lam chướng nhiều người bị chết nên thất thoát. Tháng 3 năm Ất Sửu (1385) nước Minh lại đòi cống nạp tăng nhân, do người phương Nam có tài dựng đạo tràng. Người Minh còn đòi cống nạp các loại quả như vải, nhãn, mít... và còn đòi cấp 50 con voi, mượn đường đánh Chiêm Thành.

TẤM LÒNG CON CHÁU HƯỚNG VỀ TỔ TIÊN

Bác Lã Mạnh Hùng con bà Cao Thị Nga, cháu cụ Cao Thừa Ân (cụ Quản Ơn đời thứ 10). Hiện nay bác Hùng và gia đình đang làm ăn sinh sống tại Canada. Bác luôn đau đáu hướng về quê Cha đất Tổ. Năm 2002 bác đã cùng chị gái (bác Thoa) về thăm quê, các bác đã đến thắp hương nhà thờ và viếng mộ: ông bà, tổ tiên, gặp mặt các thế hệ anh em con cháu trong dòng họ Cao Trần. Một nghĩa cử thật trân trọng.
Nhân dịp này, dòng họ Cao Trần gửi tới bác và gia đình lời kính chúc sức khỏe, an khang, thành đạt và vạn sự như ý .


Một số hình ảnh bác Hùng về quê Giao Tiến





(Hình ảnh lấy từ nguồn: familylacao )

Sau khi được phép chia sẻ, của bác Hùng, người biên tập xin trân trọng giới thiệu trang gia phả online của gia đình tác giả: https://sites.google.com/site/familylacao/

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

Nhớ về nguồn gốc dòng họ Cao Trần, trên mảnh đất Giao Tiến

Họ Cao - Trần xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, do Thái tổ Trần Bong, tự Vô Ý, từ làng Mía, xã Thịnh Mỹ, huyện Lôi Dương, tỉnh Thanh Hóa (nay là thôn Tứ Trụ, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) ra làng Hoành Nha (nay là xã Giao Tiến), khai cơ, lập nghiệp, đổi từ họ Trần sang họ Cao, từ năm 1683, đến nay đã trải qua hơn 300 năm và đã có 15 đời.
Ngày 18 tháng Giêng, ngày mất của Thái tổ Vô Ý được lấy là ngày giỗ tổ chung hàng năm cho cả dòng họ Cao - Trần xã Giao Tiến.

Gia phả dòng họ Lã Cao:

   https://sites.google.com/site/familylacao/?pli=1
Đây là trang Gia phả của ông Lã Mạnh Hùng, cháu ngoại cụ Cao Thừa Ân (Cụ Quản Ơn đời 10) dòng họ Cao Trần. Hiện nay ông Hùng và gia đình đang làm ăn sinh sống tại Canada. Ông và gia đình đã về thắp hương cúng Tổ dòng họ Cao Trần tại nhà thờ họ Cả, nhà thờ phái thứ cành cả và nhà thờ họ chi họ ông Cao Xuân Vực (thân sinh Anh Cao Xuân Dũng-Huê).
Xin mời vào liên kết sau
     https://sites.google.com/site/familylacao/family-blog 
Vào mục Family blog để đọc và hiểu về tấm lòng của ông Hùng và gia đình hướng về Tổ Tiên của chúng ta. (Một số hình ảnh ông Mạnh Hùng đăng ở phần dưới của trang)