Nguồn: http://nhandan.com.vn/cuoituan/doi-song-van-hoa/item/37837202-dung-%E2%80%9Csang-tao-lich-su%E2%80%9D.html
Gần đây, việc
“chính thức hóa” một nhân vật chưa rõ ràng trong một bộ sách phổ biến kiến thức
lịch sử phổ thông đã gây những phản ứng trong dư luận xã hội. Đáng nói, đây
không phải là trường hợp duy nhất “sáng tạo lịch sử” (nhiều khi không bằng
phương pháp khoa học và không vì mục đích khoa học).
Tranh cãi gay gắt quanh một “nhân vật lịch sử”
Bộ sách Lịch
sử Việt Nam phổ thông (9 tập, do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Viện
Sử học Việt Nam biên soạn) được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật phát
hành đầu năm 2018. Trong tập 3, viết về giai đoạn lịch sử từ thế kỷ 10 đến năm
1593, do PGS Nguyễn Minh Tường chủ biên, có nội dung: “Đến đời thân phụ của Trần
Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị và nguyên tổ của nhà Trần là Trần Lý...” (trang 194)
đã gây phản ứng bất bình của dòng tộc họ Trần. Bởi vì, cái tên Trần Hoằng Nghị
mới xuất hiện trong mấy năm gần đây, chưa rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được ghi
trong bất cứ tài liệu lịch sử nào liên quan đến triều đại nhà Trần, nhưng đã được
đưa vào một bộ sách phổ biến những kiến thức lịch sử cơ bản, phổ thông, hướng đến
đối tượng công chúng rộng rãi. Phần viết về quê quán của Trần Thủ Độ cũng gặp sự
phản đối khi dòng tộc họ Trần dẫn ra các tư liệu cho rằng: Bến Trấn (quê của Trần
Thủ Độ) thuộc hương Tinh Cương xưa, sau là xã Thái Đường, nay là xã Tiến Đức,
huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình (nơi có Di tích quốc gia đặc biệt Đền Trần) chứ
không phải “nay thuộc xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình” như đã viết
trong sách Lịch sử Việt Nam phổ thông (Tập 3, trang 194).