Cao Xuân Thiện
Đội rước Kiệu Hậu Phật đã sẵn sàng |
Từ ngày xa quê, nay về
nghỉ hưu tôi có dịp về và ở lại ăn tết tại quê nhà thời gian dài, hơn một tháng
từ 19 tháng Chạp Đinh Dậu đến 20 tháng Giêng, Mậu Tuất. Tôi được tham dự từ Lễ
ông Công ông Táo, lễ cúng Tất niên, lễ cúng Giao thừa tống cựu nghinh tân, lễ
cúng Tổ tiên và mừng thọ các cụ cao tuổi sáng mùng Một, lễ hóa vàng, lễ đầu năm.
Lễ hội lớn nhất năm nay được nhiều người mong đợi là Lễ hội Làng Hoành Nha Xuân
2018. Lễ chính thức diễn ra trong hai ngày 14 và 15 tháng Giêng, Mậu Tuất. Từ
trước đó các vị trụ trì và Hội Phật tử 3 chùa trong làng: chùa (thôn) Chính
(Hưng Long tự), chùa (thôn) Thượng (Hưng An tự), chùa (thôn) Trung (Hưng Trung
tự), đã họp bàn cùng các vị BQL ba ngôi Đền của ba thôn, lên kịch bản Lễ hội, để
trình lên UBND xã Giao Tiến và Phòng VH TTTT huyện Giao Thủy phê duyệt. Thời
phong kiến Lễ hội của làng được tổ chức vào tháng 2 Âm lịch hàng năm, để Yến
lão. Lễ rước các cụ Bô Lão tuổi cao, sống thọ, bái niên các năm tuổi tròn 60,
70, 80…(tuổi Mụ). Các cụ thọ tuổi cao nhất nhì làng được rước bằng kiệu son hoặc cáng bằng võng đào, trong lễ rước Yến lão của làng từ Đền thôn Chính, qua Đền thôn Trung, về Đền thôn Thượng để
các kỳ hào, bản quan và các thế hệ con cháu, thể hiện lòng tôn kính và khao tiệc
đối với các cụ cao niên, ông bà cha mẹ, người thân, trong dòng họ, trong làng
xã. Do điều kiện làm ăn sinh sống học tập và công tác nên địa phương ấn định mở
lễ hội làng vào dịp Rằm tháng Giêng năm chẵn (DL). Lễ hội ngày nay kế thừa các
nét đẹp truyền thống và phát triển trên nền văn hóa hiện đại. Kịch bản lễ hội vẫn
dựa trên nền văn hóa lễ hội tâm linh là chính. Nhờ sự phát triển của nền kinh tế
và các thành tựu công nghệ truyền thông, làm cho lễ hội làng Hoành Nha đã vươn
xa ra phạm vi trên cả nước và Quốc tế.
Sau tết, Hôi
sinh vật cảnh (SVC) của xã Giao Tiến tổ chức Hội thi sinh vật cảnh (chủ yếu là
Bonsai), diễn ra từ ngày 10 đến 15 tháng Giêng. Kinh phí do các hội viên tự chi
phí. Hội SVC Giao Tiến cớ mời nhiều thành viên trong các xã bạn và huyện Xuân
Trường tham gia trưng bày câu cảnh, cây thế. Nhiều Bonsai có giá trị được đầu tư, thu hút nhiều khách tham quan và trao đổi giao dịch.
Kiệu tróng Họ Cao Trần |
Sáng 14
tháng Giêng, âm nhạc lễ hội liên tục được phát ra các bài hát chèo, hát văn ca
trù truyền thống, các thành viên đội rước các Đền, Chùa, các dòng họ lớn, tự tổ
chức hoàn tất công tác chuẩn bị. Buổi chiều Lễ rước trong phạm vi mỗi thôn, nay
gọi là thôn Quyết Thắng (thôn Chính, một phần thôn Trung), thôn Quyết Tiến
(thôn Thượng), thôn Hùng Tiến (một phần thôn Thượng và một phần thôn Trung).
Các vọng thờ: Bái vọng của mỗi xóm, các bàn thờ vọng của nhiều gia đình mặt đường
chính (như mặt phố) được dựng lên rất trang trọng. Đồng phục của các đội rước hầu
hết được may mới, nhiều gia đình tự may sắm trang phục cho thành viên trong gia
đình, từ cụ già cho đến các cháu nhỏ. Trang phục và kiệu trống đội rước của Họ
Cao Trần, có ghi tộc hiệu: Họ Cao Trần. Nét mặt mọi người hân hoan rạng ngời, một
niềm hân hoan không thể nói thành lời. Tôi ngưỡng mộ những người lao động, hôm qua
còn chân lấm tay bùn còng lưng trên đồng ruộng, nhà xưởng, lo lắng cho cuộc sống
mưu sinh, nay họ lột xác trở thành diễn viên đẹp thuần khiết, lạ lùng mà nhiều
người phố phường không theo kịp. Tôi thấy rất nhiều sinh viên, cán bộ công chức về tình nguyện tham gia rước kiệu. Trình độ hiểu biết, tiềm lực kinh tế của mỗi
gia đình, mỗi người khác nhau, nhưng có một điểm chung: họ tin vào tâm linh,
tin vào điều lành và hướng thiện, họ cầu mong Trời Phật, gia ân để họ khỏe mạnh
làm ăn, thuận lợi và phát triển.
Đi đầu các
đoàn rước là kiệu Đức Ông còn gọi là Cấp Cô độc. Theo lịch sử, Đức Ông sống
cùng thời với Đức Phật, Đức Ông chu cấp cho tất cả những người cô đơn, cô độc
không nơi lương tựa trong thế gian. Sau đó là kiệu Thành Hoàng Làng có ngai
khám lọng đào, trước đây thờ Ngài Đại Vương Cửa Ngòi hay Đại Vương Tôn Thần, thờ
Thần sông nước, phù hộ cho các chuyến thuyền bè xuôi ngược miền sông nước được
an toàn. Kiệu Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại
Vương, đi thứ 3 có đủ các loại binh khí (bát bảo). Còn rất nhiều đoàn kiệu của các
dòng họ: Cao Trần, Hoàng Vọng, Hoàng Phúc, Lê Huy, Vũ Đức, Vũ Đình,.. mà tôi không nhớ chính xác theo
thứ tự. Họ Cao Trần, có vinh dự rước Kiệu Hậu Phật (chùa Hưng An và Hưng Long)
đức Thái Tôn Cao Công Bật, người có công lớn trong việc xây dựng Hưng An Tự vào những năm 1712-1718, Người được đúc tượng đồng thờ trong chùa Thượng từ 1718 đến năm 2012. Kiệu Bác Hồ do các thành viên Hội Cựu chiến binh rước
và có các cháu thiếu nghi tham gia, Đi sau cùng là kiệu mẫu, Người Mẹ của muôn
dân do các bà các cô rước. Ngoài ra còn có các tiểu đồng minh họa cho trò chơi
cờ tướng truyền thống, Trên các đường trục rực rỡ màu cờ hoa, trang phục lễ hội
làm nô nức lòng người.
Buổi tối tại 3 thôn có các đoàn nghệ thuật biểu diễn miễn phí phục vụ lễ hội. Đoàn nghệ thuật dân ca cổ truyền tại chùa Chính. Đoàn nghệ thuật CLB Nghệ thuật hưu trí Hà Nội do BLL Hội đồng hương Giao Tiến tại Hà Nội mời và tài trợ. Các trò chơi dân gian: bịt mắt bắt vịt, bịt mắt bắt lợn được tổ chức tại chùa Trung và chùa Chính thu hút đông người tham gia.
Buổi tối tại 3 thôn có các đoàn nghệ thuật biểu diễn miễn phí phục vụ lễ hội. Đoàn nghệ thuật dân ca cổ truyền tại chùa Chính. Đoàn nghệ thuật CLB Nghệ thuật hưu trí Hà Nội do BLL Hội đồng hương Giao Tiến tại Hà Nội mời và tài trợ. Các trò chơi dân gian: bịt mắt bắt vịt, bịt mắt bắt lợn được tổ chức tại chùa Trung và chùa Chính thu hút đông người tham gia.
Đoàn rước Kiệu Đức Ông |
Sáng sớm
ngày 15 tháng Giêng, thời tiết như chiều lòng người, Trời không nắng không mưa đủ se lạnh để Lễ hội cảm nhận sự ấm áp. Trong mỗi gia đình, khu xóm dòng họ, mọi thành viên náo
nhiệt chuẩn bị dậy từ rất sớm. Lễ rước hợp đoàn của Hội làng Hoành Nha, bắt đầu
từ 7 giờ. Đoàn rước đầu tiên xuất phát từ chùa Chính, lên Đoàn Kết, vòng về Quyết
Tiến, sang chùa Thượng, qua cầu Đôi xuống cầu Gốc Đề sang cầu Máy Xát về cầu Chợ
rồi trở về mỗi chùa. Đội rước chùa Thượng và chùa Trung, về qua Đình Giữa, Quán
May, cầu bà Lợi và trở về hai chùa theo đường trường THCS Giao Tiến.
Qua mỗi Vọng
kính bái, đoàn rước quay vòng với tốc độ nhanh và mạnh (Kiệu nhờn theo ý Thần
Phật), các gia đình có con cháu nhỏ tranh thủ “luồn kiệu” để cầu phúc, dễ nuôi
hay ăn chóng lớn, các cụ già người sức khỏe yếu "luồn kiệu" cầu mong "sáng con mắt, chặt đầu gối". Các xóm đội, các thành viên phát tâm công đức cho các kiệu và
cho quỹ của các thôn xóm. Tôi không có điều kiện chứng kiến việc công đức của
26 xóm của cả ba thôn. Theo dư luận tôi thấy sự tự nguyện phát tâm công đức của
các xóm đều vượt mức chi tiêu của mõi xóm cho lễ hội. Xóm 9 Quyết Tiến chắc là
có số dư lớn nhất, vì có một số thành viên công đức 5 triệu đồng. Tổng chi phí
cho lễ hội do nhân dân, các Phật tử, các doanh nghiệp, các nhà tài trợ đóng góp
tiến cúng lên đến hàng tỷ đồng. Chính quyền địa phương đứng ra tổ chức và bảo vệ
lễ hội không cần chi đến ngân sách địa phương.
Lễ hội Làng Hoành Nha 2018 diễn ra trang trọng và an toàn tuyệt đối. Không gian mạng
tràn ngập các video clip Hội làng Hoành Nha, được đăng tải và chia sẻ. Dư âm Hội làng lắng đọng vào
mỗi con người làm hành trang cho cuộc sống, công tác mưu sinh, là ấn tượng khó
quên của tuổi thơ. Nhiều gia đình còn mời bạn bè về dự lễ hội truyền thống làng
tôi, thưởng thức món nem quê nhắm với rượu nếp cái hoa vàng, uống mãi rồi cũng
say. Chúng ta lại có quyền mơ về lễ hội Hoành Nha 2020 hoành tráng kết tinh nét đẹp truyền thống văn hóa và đông và vui hơn gấp nhiều lần.
(Ghi chú: Ảnh minh họa Cao Thế Hùng, Hoàng Hoan, nguồn FB)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét