Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018

ÔNG CAO TRẦN UY TÍN, TẤM LÒNG TRỌNG NGHĨA LUÔN HƯỚNG VỀ CỘI NGUỒN.

Cao Xuân Thiện

Nguồn cổng thông tin dòng họ Trần Nguyên Hãn.

Ông Cao Trần Uy Tín, tự Trọng Nghĩa hiệu Liêm Chính, sinh ngày 15 tháng 12 năm 1939, đời thứ 11 của dòng họ Cao Trần Giao Tiến Giao Thủy Nam Định. Dù chịu thiệt thòi mồ côi cha từ khi còn rất nhỏ, lớn lên nhờ sự đùm bọc cưu mang của gia đình chú ruột, nhưng ông đã tự phấn đấu vượt lên số phận. Ông tự học văn hóa, từ đọc thông viết thạo đến mức có thể tính toán thiết kế và tổ chức thi công nhiều công trình tâm linh và xây dựng dân dụng.
Ông yêu nghề xây dựng và trở thành thợ giỏi có tiếng trong vùng về lĩnh vực xây dựng các công trình tâm linh. Bằng nỗ lực cá nhân, ông đã lao động quên mình không chỉ tự nuôi sống bản thân mà còn giúp đỡ gia đình vượt qua những năm tháng đói kém nhọc nhằn, nhiều năm qua gia đình ông trở thành gia đình có cuộc sống đàng hoàng no đủ.

Trong các lần trùng tu tôn tạo nâng cấp nhà thờ họ Cao Trần (nhà thờ họ Cả), ông đều tham gia với tư cách người thợ chính, rồi thợ cả hoặc tham gia tư vấn cho Ban kiến thiết về bố cục, kiến trúc và trang trí mỹ thuật công trình. Đặc biệt công trình do ông tự thiết kế và tổ chức thi công để lại dấu ấn kiến trúc cho dòng họ, đó là Công trình Lăng họ Cả của dòng họ Cao Trần và Lâu trên mộ Thải tổ tự Vô Ý. Công trình Lăng họ Cả có tháp Lâu với 5 cấp mái đao vươn cao bề thế uy nghi, các đường cong đao mềm mại uyển chuyển sắc nét trong không gian bố cục hài hòa. Đây là công trình Lăng đẹp nhất, hoành tráng nhất trong nghĩa trang Bách Linh Giao Tiến cũng như các nghĩa trang khác trong vùng. Nhiều dòng họ, và các địa phương trong huyện đã về học tập sao chép mẫu tháp lâu lăng của họ Cao Trần.
Ông còn là người luôn nhiệt tình công đức trong các việc xây dựng các công trình tâm linh của dòng họ, của họ Phái, họ Chi. Bằng công sức, hiện vật và tiến cúng kinh phí cao ông đã cùng nhiều thành viên khác có đóng góp đáng kể để các công trình được hoàn thành mỹ mãn. Ông đã tự sưu tầm, thiết kế, đắp vẽ các họa tiết hoa văn, các linh vật trên hàng trăm công trình tâm linh như nhà thờ, chùa chiền, miếu mạo, lăng tẩm của các dòng họ, trong làng xã và các vùng phụ cận.
Trong phòng khách của gia đình, ông đã dành một không gian riêng trang trí các biểu tượng, phả đồ chi tiết của dòng họ Trần Nguyên Hãn, tộc họ Cao Trần Giao Tiến, phả đồ Tân phái và phả đồ trực hệ của gia đình ông từ đời các cụ đời thứ 8 đến đời thứ 13, đương đại là các cháu nội ngoại của ông.
Ông Cao Trần Uy Tín là người rất nhiệt tình trong việc thu thập dữ liệu sử phả. Ông đọc và nhớ chi tiết tên húy tên hiệu của Tổ tiên, từ Tổ Pháp Độ, đến các tổ dòng Phúc Quảng, từ Tổ Vô Ý đến tên các vị tiền nhân trong 2 cành, 9 phái. Ông đã tự túc phương tiện về thăm đền thờ các đức Tổ Trần Pháp Độ ở Diễn Thắng, Diễn Châu; đền thờ tổ Trần Đăng Dinh, ở Phúc Thành, Yên Thành, năm 2008 ông là tác giả đắp và tô “Lưỡng Long chầu Nguyệt” trên đền thờ Tổ Trần Phúc Quảng ở Diễn Hồng, Diễn Châu, Nghệ An. Ông đã có dịp vào Nghệ An thảo luận về cội nguồn, về lịch sử dòng họ với các ông Trần Cảnh Yên, Trần Loan, Trần Nhiếp dòng Trần Pháp Độ. Năm 2016 và 2017 ông đã tích cực thu thập dữ liệu cung cấp nhiều thông tin có giá trị cho Ban biên tập Gia phả họ Cao Trần xuất bản đầu năm 2018. Tháng tới ông tiếp tục tự túc kinh phí và phương tiên đi đến từng gia đình trong phái thân tại Hà Nội, Yên Bái, Lào Cai và các xã trong huyện Giao Thủy  để thu thập bổ sung thông tin gia phả 2018 và chuẩn bị viết tiếp gia phả Tân Phái.
Cho dù chưa có điều kiện tham gia gặp gỡ tiếp xúc nhiều với Thường trực Ban liên lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn Việt Nam, nhưng ông thường xuyên quan tâm đến mọi sự kiện của Ban liên lạc. Ông đón đọc từng số, tất cả các bài trong nội san Rừng Thần của Ban liên lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn Việt Nam. Trong hai lần gần đây, ông đã tự nguyện công đức vào Quỹ xây dựng dòng họ Trần Nguyên Hãn Việt Nam, với tổng kinh phí là hai triệu đồng. Ông đang có kế hoạch vận động nhiều thành viên khác trong họ Cao Trần tích cực đóng góp nhiều hơn nữa vào quỹ xây dựng dòng họ. Dịp Lễ tế Thái tổ Vô Ý, ngày 18 tháng Giêng, năm Mậu Tuất (5-3-2018), ông đã tiến cúng ủng hộ 3 triệu đồng vào quỹ họ Cao Trần. Thực tế hoàn cảnh gia đình ông còn nhiều việc cần quan tâm, ông bà tuổi đã cao sức yếu, phu nhân của ông đang mắc chứng bệnh alzeimer, ông bà không có lương hưu và các nguồn thu nhập khác, tuổi già ông bà phụ thuộc nhiều vào con cháu. Nghĩa cử của ông đã làm tôi thực sự cảm động.
Về thăm gia đình ông, tôi thấy ông thật sự là người hạnh phúc. Ông bà có hai bà mẹ (mẫu thân và nhạc mẫu) đạt được tuổi thượng thượng thọ (97 tuổi) và đại thượng thọ (101 tuổi). Gia đình ông đã có thời gian khoảng 10 năm với 5 thế hệ cùng sinh sống thường xuyên gặp gỡ quan tâm động viên chăm sóc nhau tại quê hương Giao Tiến. Hiện nay ông bà song thọ tuổi 80 có bốn thế hệ: với 6 người con đẻ (5 gái, 1 trai), hai con nuôi (1 trai, 1 gái), 22 cháu, 17 chắt nội ngoại. Các thành viên trong gia đình rất quan tâm động viên chăm sóc nhau thật chân thành, thắm thiết và nhân ái.
Ông tâm sự, nếu ông còn khỏe ông sẽ tiếp tục làm việc cống hiến cho dòng họ và luôn hướng về cội nguồn. Ông coi đó là niềm vui là lẽ sống của đời mình. Tấm gương của ông, người lao động chân chất đáng để các thế hệ con cháu trong dòng họ chúng ta học tập và noi theo ông. Thay lời kết, người viết bài này kính chúc ông có nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui cùng người thân và dòng họ, kính chúc ông làm được nhiều việc hiếu nghĩa mà ông luôn coi trọng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét