Nguồn: https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/bo-sach-su-phai-dung-phat-hanh-vi-gay-tranh-cai-ve-cha-tran-thu-do-3775062.html
Ngày
9/7, ông Phạm Chí Thành, quyền giám đốc, Tổng biên tập NXB Chính trị quốc gia
sự thật, cho biết đã tạm dừng phát hành bộ sách Lịch sử Việt Nam phổ
thông (9 tập) do đang có tranh cãi về một số chi tiết. Sách do
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Viện Sử học biên soạn, xuất bản năm
2018.
“Trong
hợp đồng, chúng tôi ghi rất rõ các tác giả chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung
mang tính chính trị, khoa học, đảm bảo sự chính xác. Khi còn tranh cãi thì
chúng tôi tạm dừng phát hành để các bên có ý kiến”, ông Thành giải thích.
Trước đó,
nhóm con cháu dòng họ Trần (gồm Trần Ngọc Bảo, Đào (Trần) Quang Cát, Trần Văn
Hân, Trần Quang Thiện, Trần Nguyên Trung) gửi thư đến nhiều cơ quan cho rằng bộ
sách Lịch sử Việt Nam phổ thông có nhiều chi tiết sai. Phần
viết về nhà Trần “có những sai trái nghiêm trọng khiến nhiều người, nhất là con
cháu họ Trần hết sức bất bình và phê phán mạnh mẽ”.
Sai sót đầu
tiên mà con cháu họ Trần chỉ ra là tại trang 194, sách viết Thống quốc Thái sư
Trần Thủ Độ sinh ra ở Bến Trấn, huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng, nay thuộc xã
Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Con cháu họ Trần cho rằng Bến Trấn
thuộc hương Tinh Cương xưa, sau là xã Thái Đường, nay là xã Tiến Đức, huyện
Hưng Hà.
Đặc biệt,
nhóm con cháu họ Trần bức xúc về chi tiết viết thân sinh Thái sư Trần Thủ Độ là
Trần Hoằng Nghị. Nhóm con cháu họ Trần cho rằng nhân vật Trần Hoằng Nghị chưa
được đề cập trong bất cứ tài liệu lịch sử nào liên quan đến triều đại nhà Trần.
Đây là nhân vật huyền bí, không có tên tuổi, công lao gì trong thời kỳ khởi
nghiệp của nhà Trần.
“Điều đáng
nói là, tác giả cùng với một số người lại tìm cách lý giải, biện minh cho nhân
vật này bằng cách gán ghép Trần Hoằng Nghị là em trai cụ Trần Lý, là thân sinh
ra Trần Thủ Độ, để rồi quy cho đây là tổ tiên họ Trần”, thư viết.
Con cháu họ
Trần khẳng định các sách sử và tông phả nhà Trần được phát hiện vào những năm
qua ghi rõ Trần Lý không có em trai. Vậy nên chi tiết Trần Hoằng Nghị là thân
phụ Trần Thủ Độ làm tông phả họ Trần "bị xuyên tạc, ảnh hưởng lòng tin của
nhân dân và uy tín quốc gia, gây hệ lụy lớn cho thế hệ trẻ vì sự méo mó, biến
dạng của lịch sử Việt Nam".
Trong thư,
con cháu họ Trần đề nghị cơ quan chức trách thu hồi sách, kiểm tra, xác minh
thông tin để chấn chỉnh sai sót.
Đề
nghị tổ chức hội thảo làm rõ Trần Hoằng Nghị là ai
Sau khi bộ
sách bị tạm dừng phát hành, PGS Đinh Quang Hải, Viện trưởng Sử học đã có báo
cáo giải trình. Ông phân trần việc tìm hiểu lai lịch một nhân vật lịch sử sống
cách đây 800 năm trong hoàn cảnh thiếu thốn về tài liệu, thư tịch là vô cùng
khó khăn. Vì thế các nhà khoa học phải đặt ra nhiều giả thuyết.
“Trên cơ sở
các nguồn tài liệu hiện có, kết hợp với những tư liệu khảo sát thực địa, phần
đông nhà khoa học đã đưa ra kết luận thân phụ của Trần Thủ Độ là Trần Hoằng
Nghị. Đây cũng là một giả thuyết khoa học, chưa phải là kết luận cuối cùng về
vấn đề này”, ông Hải viết.
PGS Nguyễn
Minh Tường, chủ biên tập 3 bộ sách (phần nhà Trần) cũng có thư ngỏ nêu rõ nếu
ai có tư liệu mới, chứng cứ đủ thuyết phục về cha Thái sư Trần Thủ Độ thì “sẽ
tiếp thu kết quả nghiên cứu mới đó và sẵn sàng từ bỏ nhận định trên”. Khi tái
bản bộ sách này, ông sẽ chỉnh sửa.
Nhiều năm
nghiên cứu lịch sử Thái Bình, nhà sử học Đặng Hùng cho biết, căn cứ vào thực tế
khảo sát điền dã, có thể khẳng định không có đền, đình nào thờ Hoằng Nghị Đại Vương.
“Đó là sự thật không thể lầm lẫn được”, ông Hùng nói và nhấn mạnh không có
nhân vật Trần Hoằng Nghị nào được ghi trong sách sử Việt Nam từ xưa đến nay.
Ông Đặng Hùng đề xuất
tổ chức hội thảo làm rõ nhân vật Trần Hoằng Nghị có phải là cha Trần Thủ Độ hay
không, hoặc gặp mặt đối chất giữa các nhà nghiên cứu, đại diện dòng họ Trần, Viện
Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Sử học, các tác giả và đơn vị có liên
quan, để làm sáng tỏ vấn đề.
VIẾT TUÂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét