Nguồn: http://nhandan.com.vn/cuoituan/doi-song-van-hoa/item/37837202-dung-%E2%80%9Csang-tao-lich-su%E2%80%9D.html
Gần đây, việc
“chính thức hóa” một nhân vật chưa rõ ràng trong một bộ sách phổ biến kiến thức
lịch sử phổ thông đã gây những phản ứng trong dư luận xã hội. Đáng nói, đây
không phải là trường hợp duy nhất “sáng tạo lịch sử” (nhiều khi không bằng
phương pháp khoa học và không vì mục đích khoa học).
Tranh cãi gay gắt quanh một “nhân vật lịch sử”
Bộ sách Lịch
sử Việt Nam phổ thông (9 tập, do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Viện
Sử học Việt Nam biên soạn) được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật phát
hành đầu năm 2018. Trong tập 3, viết về giai đoạn lịch sử từ thế kỷ 10 đến năm
1593, do PGS Nguyễn Minh Tường chủ biên, có nội dung: “Đến đời thân phụ của Trần
Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị và nguyên tổ của nhà Trần là Trần Lý...” (trang 194)
đã gây phản ứng bất bình của dòng tộc họ Trần. Bởi vì, cái tên Trần Hoằng Nghị
mới xuất hiện trong mấy năm gần đây, chưa rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được ghi
trong bất cứ tài liệu lịch sử nào liên quan đến triều đại nhà Trần, nhưng đã được
đưa vào một bộ sách phổ biến những kiến thức lịch sử cơ bản, phổ thông, hướng đến
đối tượng công chúng rộng rãi. Phần viết về quê quán của Trần Thủ Độ cũng gặp sự
phản đối khi dòng tộc họ Trần dẫn ra các tư liệu cho rằng: Bến Trấn (quê của Trần
Thủ Độ) thuộc hương Tinh Cương xưa, sau là xã Thái Đường, nay là xã Tiến Đức,
huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình (nơi có Di tích quốc gia đặc biệt Đền Trần) chứ
không phải “nay thuộc xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình” như đã viết
trong sách Lịch sử Việt Nam phổ thông (Tập 3, trang 194).
Khi tổng kết
hội thảo “Hoằng Nghị đại vương và việc tôn tạo khu di tích lịch sử - văn hóa
Phương La” (2007), GS Vũ Khiêu cho rằng: “Việc nghiên cứu không dừng lại ở đây
mà còn phải tiếp tục thêm trên một địa bàn rộng lớn hơn. Ngoài việc tìm hiểu ở
quê hương, còn phải tìm hiểu trong toàn quốc. Ngoài việc tìm tòi trong nước,
còn phải tìm tòi ở nước ngoài” (Sách Hoằng Nghị đại vương, kỷ yếu hội thảo, Nxb
Thế giới, 2007, trang 374). Trả lời các ý kiến của dòng họ Trần (ngày
26-6-2018), PGS Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử học, cũng nói rõ việc kết
luận thân phụ của Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị “là một giả thiết khoa học,
chưa phải là kết luận cuối cùng về vấn đề này”. Dù vậy, PGS Nguyễn Minh Tường vẫn
viết trong “Thư ngỏ…” của mình: “…tôi bày tỏ thêm quan điểm của mình:
Nếu như ai
đó có những tư liệu mới, chứng cứ mới đủ sức thuyết phục về “Người cha của Thái
sư Trần Thủ Độ”, tôi sẽ tiếp thu kết quả nghiên cứu mới đó và sẵn sàng từ bỏ nhận
định nói trên của mình”. Đây rõ ràng là thái độ không cầu thị. Bởi, với những
chứng lý lịch sử đã được xem là rất yếu, không đủ để bảo vệ một kết luận sai,
điều đầu tiên cần làm là nhìn nhận sự vội vàng trong kết luận, và tiếp tục hành
trình nghiên cứu, tìm kiếm tư liệu thuyết phục thì mới có thể khẳng định một giả
định, nhất là liên quan đến một nhân vật lịch sử. Trước những kiến nghị phản đối,
bộ sách Lịch sử Việt Nam phổ thông đã tạm dừng phát hành, nhưng những câu hỏi về
tính khoa học khi biên soạn và sự chính xác trong nội dung sách này vẫn đang
còn đó.
“Sáng tạo” có
thể gây nhiều hệ lụy
Việc tạo ra
“nhân vật lịch sử” Trần Hoằng Nghị và bị phản ứng chỉ là một thí dụ “nóng” nhất.
Còn có thể dẫn chứng nhiều thí dụ khác về việc “sáng tạo lịch sử”, “sáng tạo
truyền thống”. Năm 2011, ở Thái Bình bỗng nhiên xuất hiện “Đền thờ Tổ họ Trần
Việt Nam” ở thôn Phương La, xã Thái Phương (Hưng Hà, Thái Bình), ngay gần khu
Di tích quốc gia đặc biệt lăng mộ và đền thờ các vua Trần ở xã Tiến Đức (Hưng
Hà, Thái Bình). Đáng nói là, trong sổ thống kê các di tích lịch sử của tỉnh
Thái Bình (do Sở Văn hóa tỉnh lập từ năm 1958 đến năm 1962 và từ năm 1977 đến
1978), ở xã Thái Phương không hề thấy ghi có ngôi đền này. Đền thờ mới được xây
dựng trong khuôn viên nhà thờ tổ họ Trần thôn Phương La. Nhà thờ tổ này được
gia tộc họ Trần xã Thái Phương phục dựng năm 2002 từ ngôi miếu “Nhà Ông” làm
nơi thờ tự tổ tiên. Đáng nói hơn là “Nhà thờ Tổ họ Trần Việt Nam” thờ Trần Hoằng
Nghị (lại là Trần Hoằng Nghị) với tượng khá lớn. Việc hưng công phục dựng và mở
rộng quy mô đền thờ tổ họ Trần ở Phương La do một doanh nhân quê ở đây đóng vai
trò lớn. Việc ông này cố ý nhập nhằng lẫn lộn việc thờ tổ họ Trần ở Phương La với
việc thờ tổ “họ Trần Việt Nam” đã gây phân tâm trong xã hội và chia rẽ trong nội
bộ họ Trần.
Nhìn rộng
hơn những xáo động văn hóa trong những năm gần đây có thể thấy rõ tác hại của
việc “sáng tạo lịch sử”. Chỉ xin nêu thêm một thí dụ: Đầu năm 2018, công luận
sôi sục vì “con khủng long” đột nhiên được một ông chủ doanh nghiệp dựng lên giữa
vùng lõi Di sản danh thắng Tràng An, vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa
và những cam kết với UNESCO. “Con khủng long” đó là những bậc thang bê-tông thô
thiển dẫn lên đỉnh núi Cái Hạ - nơi ông chủ doanh nghiệp này bịa ra là có “Đàn
Kính thiên của vua Đinh Tiên Hoàng”.
“Sáng tạo lịch
sử” đã gặp nhiều lúc, nhiều nơi, nhiều trường hợp do những ý muốn cá nhân và nhằm
những mục đích không phải vì lịch sử - văn hóa. Những sự “sáng tạo” đó gây nhiều
hậu quả xấu, khiến hậu thế khó phân biệt thật giả, hạ thấp lòng tin và giá trị
của những tri thức lịch sử. Đây là điều cần sớm được loại bỏ vì sự tôn trọng lịch
sử, văn hóa dân tộc và khoa học. Những quan điểm mới, nhân vật mới cần được
tranh luận theo phương pháp khoa học, trên những tư liệu xác thực và chỉ nên
chính thức công bố kết luận khi đã thống nhất các ý kiến, sau sự thẩm định của
một (thậm chí nhiều) hội đồng khoa học công minh và những chuyên gia uyên bác.
Ngô Vương Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét