Cao Xuân Thiện
Trong đời sống tình cảm gia đình nội tộc, có lần ta nghe ai đó nói: “anh em kiến giả nhất phận”. Ý muốn nói dù là anh chị em ruột thịt trong gia đình, phận ai người đó tự lo, tự chủ động thu xếp, lập kế hoạch tạo dựng cho cuộc sống của riêng mình mà không trông chờ ỷ lại người khác, kể cả anh chị em ruột, giàu có hơn mình. Đừng trông chờ vào lòng thương xót, bố thí lâu dài. Đó cũng chính là động lực để anh em trông nhau mà phấn đấu phát triển cuộc sống cho riêng mình.Thực chất cụm từ “kiến giả nhất phận” là thành ngữ Hán Việt - 建者一分, chữ 分 còn có âm là “phần”.
Theo Từ điển Hán Việt trích dẫn:
Kiến giả 建者 là
người đã trưởng thành, đã tạo dựng vị thế cho riêng mình hoặc cũng có thể hiểu
là người có ít nhiều điều kiện hơn anh, chị em trong gia đình.
Nhất phận 一分
(nhất phần): ý nói là một số phận hay một phần của riêng ai đó.
Trong chuyện tình cảm gia đình hay họ hàng,
người nói câu này thường là người cố điều kiện hơn người phải nghe hay được
nghe. Có người cho rằng, người nói ra “anh em kiến giả nhất phận” là để thoái
thác, không muốn bao bọc giúp đỡ anh em hoặc người thân. Điều này là có thật,
nhưng cũng không hẳn là xấu. Anh em cùng cha mẹ sinh ra, nên mỗi người cần tự
phấn đấu làm giàu cho riêng mình. Trường hợp anh chị em gặp khó khăn thì có
phần hỗ trợ nhất định, chứ không thể bao bọc chăm lo từ A tới Z hết năm này
sang tháng khác dài lâu được.
Anh chị em có thể cùng điểm xuất phát, ai “khéo
ăn thì no, khéo co thì ấm”. Có người được học hành đầy đủ, khi tuổi còn trẻ,
không chịu khó, chịu khổ phấn đấu tích lũy, đến cuối đời không có của ăn của
để, gặp khó khăn. Trong khi đó người thân của anh ta chịu khó lao động và sáng
tạo, “tích cốc phòng cơ”, có người giàu có. Tự nhiên không ai nói ra nhưng mọi
người đều nhớ đến câu “anh em kiến giả nhất phận”.
Như vậy thành ngữ “kiến giả nhất phận” có thể
hiểu theo cả 2 khía cạnh:
- Làm động lực để anh chị em trông nhau mà phấn
đấu cho riêng mình. Khi mọi người cùng có điều kiện thì tạo thành sức mạnh cho
tất cả anh chị em trong gia đình, chỉ hỗ trợ nhau (có thể tác động qua lại) khi
cần thiết.
- Người có điều kiện hơn, cố tình thoái thác
việc giúp đỡ anh chị em khi gặp hoàn cảnh éo le khó khăn thật sự. Đây là điều
nên tránh.
Ngoài ra trên một số trang mạng xã hội khác giải
thích cụm từ “kiến giả 見者” là “người có mặt”, kiến giả
nhất phận là mọi người có mặt chứng kiến thì mỗi người nhận một phần như nhau,
như kiểu “chia phần cỗ”. Đây có lẽ là cách hiểu chưa đúng như tinh thần và hàm
ý của thành ngữ “kiến giả nhất phận”.
Dù phải nghe hay được nghe câu thành ngữ trên
cũng nên hiểu theo nghĩa rộng. Ai cũng có phần, có số phận của riêng mình. Ta
phải tự phấn đấu vượt lên là chính. Khi cần thiết ta cũng cần biết chia sẻ theo
khả năng có thể để anh chị em không rơi vào hoàn cảnh khốn cùng. Cũng có người
làm ăn khá, ngoài việc giúp đỡ anh chị em ruột thịt họ hàng, có người còn làm
từ thiện công đức, để mọi người cùng hưởng, mà không dành cho một vài người
thân cụ thể.
(Ảnh minh họa nguồn từ internet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét