Thứ Năm, 10 tháng 11, 2022

CÁC THẾ HỆ CON CHÁU CHI TỔ ĐỨC BẰNG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH TÂM LINH TRI ÂN CÁC BẬC TIỀN NHÂN

Tổ Cao Đức Bằng hiệu Lương Phủ, đời thứ 8 Ất phái, cành Cả họ Cao Trần. Tổ sinh năm: Giáp Tuất (1814), mất ngày: 12 - 7 năm Mậu Tý (1888), thọ 75 tuổi. Mộ quy lăng nghĩa trang Bách Linh, thôn Quyết Tiến. 

Tổ là con trai thứ hai của tổ Đức Trứ (đời thứ 7). Cụ thông minh, hiếu học, từ nhỏ theo học danh sỹ Hoàng Kỳ Nho. Năm 23 tuổi làm Phó tổng, năm 32 tuổi làm Cai tổng Hoành Nha. Năm đó 2 vị hào lý trong làng lạm thuế, Tổ tố giác được, triều đình trao thưởng: Cửu phẩm Bách hộ.

Tổ đã cùng với bác là Cao Danh Quán, anh rể là Vũ Xuân Đồng đấu tranh với cánh hào, lý trong làng lấn chiếm đất công điền làm tư điền, lấy lại được 6 mẫu ruộng công điền và 12 mẫu trong nội làng. Tổ thống nhất cùng dân xã: trích một phần quân cấp cho các họ làm tộc điền, phần để khen thưởng các bà tiết phụ và yến lão các cụ trong xã. 

Năm Đinh Tỵ (1857) dân huyện Kiến Xương, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình mất mùa sang quê ta ăn xin, Tổ đã góp của, xin mở kho Nghĩa thương của xã và vận động những nhà giầu trong làng cùng Tổ cứu tế. Tổ đã được triều đình thưởng cho 3 đồng Ngân Long và xã được thưởng 4 chữ: “Thiện tục khả phong”, treo ở đình Giữa thôn Việt Dũng (cải cách ruộng đất năm 1956 đã bị tháo dỡ). Tổ còn vận động nhiều người tham gia Nghĩa dũng quân của Hoàng Giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị đánh Pháp (1860 - 1873). 

Đươc sự đồng  ý của tôn trưởng, Tổ vận động trong họ cùng đóng  góp xây dựng nhà thờ họ Cả và nghi môn gian giữa, sau đó lại tổ  chức sửa chữa nhà thờ Phái Ất và sắm sửa các đồ thờ cúng. Tổ có công góp phần ổn định tình hình trong tổng, xã và chăm lo công việc trong họ nên được mọi người kính phục.

 





Năm 2014 được lòng phát tâm hiến đất thổ cư của cụ Cao Quang Thạnh (đời 11), ông Cao Trần Nguyên (đời 12) đã đứng ra tổ chức vận động tiến cúng và tổ chức thi công nơi thờ cúng cụ Đức Bằng và hậu duệ. Từ đường mang tên Cao tộc Lương Phủ đường. Đây là ngôi từ đường có kiến trúc phong thủy điển hình của các ngôi từ đường ở đồng bằng Bắc bộ, tổng số tiền đầu tư cho toàn bộ công trình khi đó lên đến trên 1 tỷ VNĐ. 

Năm 2022, ông Cao Trần Nguyên dù tuổi tác đã cao (84 tuổi), ông lại đứng ra vận động tiến cúng và nâng cấp nơi yên nghỉ của tổ Đức Bằng cùng hậu duệ có tên gọi là Lương Phủ lăng. Công trình được thi công trong vòng hơn 2 tháng với sự tham gia nhiệt thành của cha chú anh em con cháu trong chi tộc. Toàn bộ công trình gồm các hạng mục: lâu mộ tổ (cao hơn 6m), cột bồng đèn, chụp các ngôi mộ, văn bia hoàn toàn bằng đá xẻ nguyên khối, bề thế nhất trong khu vực nghĩa trang Bách Linh. Không thể kể hết: trí tuệ sức lực và phương tiện, công cụ của ban kiến thiết, các tốp thợ, trong quá trình thi công, mà trực tiếp là các ông Nguyên, ông Hán, ông Trường... (đời 12) và các bác Hùng, bác Cường, bác Hào, bác Dục... (đời 13). 

Ngày mùng 4 tháng Mười (Nhâm Dần), công trình được làm lễ yên vị. Toàn bộ công trình với tổng chi phí lên đến 1,5 tỷ VNĐ. Riêng gia đình ông Cao Trần Nguyên và bác Cao Tường Huy tiến cúng 500 triệu VNĐ

 Ngày 12 tháng Mười (Nhâm Dần) dịp cúng tổ năm nay, cũng là ngày con cháu về dâng hương mừng khánh thành công trình tâm linh Lương Phủ lăng. Ngày cúng tổ con cháu chắt nội ngoại ở khắp mọi miền của Tổ quốc như: thành phố Hồ Chí Minh, Lào Cai, Yên Bái, Hà Nội, Hải phòng, Quảng Ninh, Nam Định...  về tụ hội dưới bóng Lương Phủ đường tại quê nhà. Ngày gặp mặt thật là cảm động và mừng vui không thể tả xiết. Họ hàng chú bác, anh chị em trai dâu gái rể gặp nhau nhận họ hàng, nhận anh chị em mừng mừng tủi tủi, kể chuyện ngày xưa và hiện nay.

Một sự chuyển giao ngọt ngào giữa các thế hệ, số anh em đời 13 của chi tộc đã thể hiện tấm lòng hiếu kính tổ tiên bằng việc tích cực tham gia các công trình tâm linh trong dòng họ. Tổ tiên và các bậc tiền nhân cảm nhận và có niềm tin vào thế hệ trẻ, thế hệ tương lai phát triển của dòng họ cùng đất nước.

 Cao Xuân Thiện

(- Trích gia phả họ Cao Trần Giao Tiến, xuất bản năm 2020.

- Ảnh minh họa từ nguồn Facebook Cao Mai Phương)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét