Thứ Hai, 6 tháng 12, 2021

CHUÔNG CHÙA THƯỢNG LÀNG HOÀNH NHA

 Lời dẫn của Biên tập viên

Hình có tính minh họa quả chuông đồng cổ

Sau khi cư dân các vùng miền về quần canh lập làng Hoành Nha trên bãi bồi Nha chử, đất lành chim đậu, phong tục thờ cúng Thần Phật được hình thành. Theo tài liệu của Sở VH TT&TT Nam Hà năm 1992, trích dẫn tài liệu cá nhân của ông Cao Quang Thạnh, cho biết Đình (kết hợp với chùa) thôn Thượng được xây dựng từ năm Nhâm Tý niên hiệu Hoằng Định (1612) thời hậu Lê. Ban đầu đình thôn định vị gần khu vực cửa Ngô Đồng,  đình cũng thờ Phật. Đến năm Ất Hợi niên hiệu Dương Hòa (1635) thì dời về vị trí hiện đình hiện nay. Chùa thôn Thượng được xây dựng từ năm Canh Tuất niên hiệu Tự Đức (1850). Đến năm Quí Tỵ niên hiệu Thành Thái (1893) chùa Thượng và gác chuông được tu sửa lại. Chuông đồng cổ của chùa Thượng được đúc từ năm Kỉ Sửu niên hiệu Minh Mạng (1829).

 Trên thân chuông có khắc bài kí bằng chữ Hán của cụ Trưởng làng Cao Đức Trứ. Phiên âm như sau:

安興寺鍾 AN HƯNG TỰ CHUNG

鍾也者器之大而尤禅家之所珍也.

Chung dã giả nhạc khí chi đại nhi vưu thiền gia chi sở trân dã.

仸以色相求,鍾以音声来,則鍾爲梵教之助良不小矣.

Phù Phật dĩ sắc tương cầu, chung dĩ âm thanh lai, tắc chung vi phạn giáo chi trợ lương bất tiểu hĩ.

我興安寺景興前愿有鍾.昭統後纔収鯨響,对景遐思有心者原同感慨.己丑春会料, 己丑夏鍾成.其質莹然,其声鍾然而響亮.固知本大,慈悲之教無限量也

Ngã Hưng An tự Cảnh Hưng tiền Nguyện hữu chung. Chiêu Thống hậu tài thu kình hưởng, đối cảnh hà tư hữu tâm giả nguyên đồng cảm khái. Kỉ Sửu xuân hội liệu, Kỉ Sửu hạ chung thành. Kì chất oánh nhiên, kì thanh chung nhiên nhi hưởng lượng. Cố tri bản đại, từ bi chi giáo vô hạn lượng dã.

雖然完此善果,固不持拓於一鄕,而且公心於登石.茲記铸鍾之年月,因信供钱铜錄簿.上姓名刻之,以垂不朽云!

Tuy nhiên hoàn thử thiện quả, cố bất trì thác ư nhất hương, nhi thả công tâm ư đăng thạch. Tư ký chú chung chi niên nguyệt, nhân tín cúng tiền đồng lục bạ. Thượng tính danh nhi khắc chi, dĩ thùy bất hủ vân!

天長府,膠水縣,横衙社,上村,等𠧦造铸洪鍾完.有会主興功進供具列于左:

Thiên Trường phủ, Giao Thủy huyện, Hoành Nha xã, thượng thôn, đẳng tư tạo chú hồng chung hoàn. Hữu hội chủ hưng công tiến cúng cụ liệt vu tả:

一会主高德荗,妻武氏聘供古钱叁拾貫

Nhất hội chủ Cao Đức Mậu, thê Vũ Thị Sính cúng cổ tiền tam thập quan.

一興功以下: 武廷榴,高德箸 ,武必達,高德相, 高登豐,高德泽,黄世晴.高氏…

Nhất hưng công dĩ hạ: Vũ Đình Lựu, Cao Đức Trứ, Vũ Tất Đạt, Cao Đức Tương, Cao Đăng Phong, Cao Đức Trạch, Hoàng Thế Tình. Cao Thị…

明命己丑年三月吉日

Minh Mạng Kỉ Sửu niên tam nguyệt cát nhật

鄕長高德箸手筆

Hương trưởng Cao Đức Trứ thủ bút.

 Dịch nghĩa (năm 1992 của Chuyên viên Hán Nôm Dương Văn Vượng, Sở VH TT&TT Nam Hà)

CHUÔNG CHÙA HƯNG AN

Chuông là loại nhạc cụ lớn, rất quý báu ở nơi cảnh thiền. Nếu nói về tượng Phật thì coi hình sắc làm trọng, còn chuông thì lấy âm thanh. Âm thanh đó còn là giáo cụ của nhà chùa, có vai trò không nhỏ trong việc tuyên truyền phật giáo.

Chùa Hưng An ta, từ thời niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786) đã có chuông rồi. Sau niên hiệu Chiêu Thống (1786-1788) thì tiếng kinh vắng lặng. Trông cảnh chùa lại nhớ tới màu sắc năm xưa, ai có tâm cũng đều phải thở dài. Mùa xuân năm Kỉ Sửu (1829) tập trung vật liệu đến mùa hè thì đúc xong chuông. Về kĩ thuật thì đẹp về âm thanh thì ngân trong. Vốn vẫn biết là để dạy cho lòng người hiền lành vô hạn. Việc công quả để đúc chuông đã hoàn thành, việc lưu truyền công đức theo mức được ghi lại.

Vậy căn cứ theo sổ sách ghi lại năm tháng đúc chuông và những người tiến cúng tiền đồng, tên họ ra sao, khắc lên để lại không bao giờ phai mờ được.

Phủ Thiên Trường, huyện Giao Thủy, xã Hoành Nha, thôn Thượng. Cả thôn nay đã đúc xong chuông, có hội chủ mở đầu cho công việc, tiến cúng xin ghi ra danh sách như sau:

Chủ hội: Cao Đức Mậu, vợ là Vũ Thị Sính cúng tiền cổ là 30 quan

-         Những người mở đầu cho việc tiến cúng: Vũ Đình Lựu, Cao Đức Trứ, Vũ Tất Đạt, Cao Đức Tương, Cao Đăng Phong, Cao Đức Trạch, Hoàng Thế Tình. Cao Thị…

 Ngày tốt tháng Ba, năm Kỉ Sửu, niên hiệu vua Minh Mạng thứ 10.

Hương trưởng Cao Đức Trứ viết bài văn.

 Ghi chú: Chuông cổ hiện nay được bảo tồn trong điện thờ Tổ của chùa Thượng. Quả chuông mới hiện treo trên gác chuông mới được đúc từ năm 2011. Quả chuông mới ghi niên hiệu bằng chữ Hán chưa đúng. Phiên âm như sau: “Việt Nam dân chủ cộng hòa Tân Mão niên” - hiểu như niên hiệu này là năm 1951. Còn năm 2011 thì phải là: “Cộng hòa xã hộ chủ nghĩa Việt Nam, Tân Mão niên”.     

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét