Trong
kho tàng tục ngữ ca dao của dân tộc ta có bốn câu nổi tiếng khái quát
về công ơn to lớn của cha mẹ và bổn phận hiếu thuận của đạo làm người:
“Công cha như núi Thái Sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một
lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Thành ngữ Tiếng
Việt còn có câu “Chín chữ cù lao” nói về công lao khó nhọc của cha mẹ
đối với con, đó là Sinh (Cha sinh); Cúc (Mẹ đẻ); Phủ (Vỗ về); Dục (Nuôi
cho khôn lớn); Cố (Trông nom); Phục (Quấn quýt); Phủ (Nâng nhấc); Súc
(Nuôi cho lớn); Phúc (Bồng bế). Ngày nay dường như ai cũng nhận thức
được rằng phải trọn đời thờ kính cha mẹ vì cha mẹ đã sinh ra ta, nuôi
dưỡng ta nên người nhưng công sinh thành nuôi dưỡng ấy gian khổ, lớn lao
ra sao và con người phải báo hiếu cha mẹ như thế nào thì khôngphải ai
cũng đã thấu hiểu.Gương chí hiếu xưa nay.
Trong
“Lục độ tập kinh” của Phật giáo có câu chuyện thứ 43 kể về một vị Bồ
Tát chí hiếu tên là Thiểm, có lòng thương rộng khắp, xót vì người đời
không trọng Tam bảo nên quyết tâm vào chốn núi rừng tu tập, đem theo cha
mẹ già, đôi mắt đã hết sáng, để phụng dưỡng. Đêm đêm Thiểm thường ba,
bảy lần dậy thăm hỏi hàn huyên với cha mẹ và thông thường mỗi khi nói
đến cha mẹ là trào dâng lòng thương rơi lệ. Hạnh chí hiếu của Thiểm như
tiếng thơm bay khắp xa gần, đức Nhân của Thiểm chiếu xa đến nỗi cầm thú
cũng được nương nhờ. Một lần, cha mẹ khát nước, Thiểm phải đi ra suối
lấy nước thì bị vua Ca Di bắn nhầm. Trong cơn sinh tử, chàng thốt lên:
“Ai đã lấy một mũi tên mà giết 3 đạo sĩ? Cha mẹ tôi tuổi đã già lại bị
mù lòa, một buổi không có tôi thì phải chết!”, mà lòng không hề oán hận
người đã bắn mình. Khi biết Thiểm đem cha mẹ vào núi này mà tu học lên
chí Đạo, vua Ca Di nghẹn ngào rơi lệ: “Ta vì bất nhân giết oan mạng vật,
lại giết người chí hiếu!”.
Lòng
từ hiếu của Thiểm làm lay động đến cả Trời, Thần. Trời Đế Thích bèn hóa
thân xuống trần gian, dùng thuốc Trời cứu Thiểm. Cha mẹ Thiểm và vua
Ca Di rất vui. Nhà vua nói: “ Do thờ Đức Phật và chí Hiếu mới được như
vậy!”, rồi ra lệnh cho quần thần rằng từ nay về sau nhân dân cả nước đều
phải thờ Phật và 10 đức lành, tu theo hạnh chí hiếu của Thiểm.
Trong
cuốn sách “Nhị thập tứ hiếu” của cụ Lý Văn Phức kể về 24 gương chí
hiếu ở nước Trung Hoa thời xưa, cũng có nhiều câu chuyện cảm động về
lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Đó là Lão Lai Tử, đã 80 tuổi
mà vẫn nhảy múa hát ca rồi làm trò vờ ngã như trẻ con để làm vui lòng
cha mẹ già đã trên trăm tuổi. Đó là Mẫn Tử, trước sự đối xử tệ bạc của
người mẹ kế (chỉ chăm sóc hai con riêng, bỏ mặc Mẫn Tử mùa đông chỉ có
hoa lau đắp lên người, rét quá nên ngã bệnh), nhưng vẫn không hề giận mẹ
kế. Bố Mẫn Tử nổi giận định đuổi bà vợ kế đi, nhưng Mẫn Tử đã ngăn cha
lại, xin tha cho mẹ: “ Mẹ còn, chịu một thân đơn/ Mẹ đi, luống để cơ hàn
cả ba”. Hành động cao thượng và lòng khoan dung, chí hiếu của Mẫn Tử
khiến người cha xúc động và đã cảm hóa được người mẹ kế, khiến từ đó bà
trở nên từ mẫu với cả 3 con: “ Cha nghe nói cũng sa giọt tủi/ Mẹ nghe
rồi cũng đổi lòng xưa/ Cho hay hiếu cảm nên từ/ Thấm lâu như đá cũng từ
lọ ai”.
Lịch sử Phật giáo Việt Nam cũng có nhiều câu chuyện cảm động
về hạnh Hiếu của các vị danh tăng được người đời ca ngợi. Mỗi người báo
hiếu theo cách khác nhau nhưng phần lớn là nuôi dưỡng chăm sóc cha mẹ vô
điều kiện: Thiền sư Thông Biện sau khi tu thành đắc đạo liền tìm về với
mẹ để báo hiếu; Thiền sư Nhất Định kiếm củi đổi lấy gạo nuôi mẹ già
suốt đời; Thiền sư Hư Vân báo hiếu bằng cách cầu nguyện phước lành cho
cha mẹ, mỗi bước đi là một lạy nguyện cầu; Thiền sư Tông Diễn báo hiếu
bằng cách hướng mẹ theo duyên nghiệp và Phật pháp như mình, tu học như
mình, không sát sinh, không hại vật nữa…
Ở nước ta thời nay cũng có nhiều câu chuyện cảm động về những tấm gương hiếu thảo.
Ông Nguyễn ngọc Long, 56 tuổi, ở Trà Vinh tận tình chăm sóc một
người mẹ bị mất trí nhớ và không đi lại được. Cụ già thường làm nũng
nên ông Long phải vừa kể chuyện vui vừa bón đồ ăn thì mẹ mới há miệng
ăn. Chiều mẹ, ông Long còn sưu tập được một kho chuyện hài để kể cho mẹ
cười. Ông tự tay tắm rửa, giặt quần áo cho mẹ. Đến bữa ăn, mẹ như con
nít, ông phải bày đủ trò cho mẹ nuốt. Những ngày mưa, mẹ vô tư tiểu tiện
ra quần thường xuyên, nhưng ông Long không hề kêu ca oán thán mà chỉ
lặng lẽ lau rửa, giặt giũ cho mẹ. Ngày nào ông cũng dùng xe đẩy, đưa mẹ
đến những nơi có nhiều kỉ niệm gắn bó với đời mẹ, hy vọng mẹ nhớ lại và
ông thường xuyên kể chuyện cười khiến bà cụ luôn nở nụ cười hớn hở,
hạnh phúc.
Nguyễn Thị Ánh Tuyết (ở Bình Dương), năm lên 2 tuổi đang bị
bệnh ngặt nghèo tưởng chết thì mẹ bỏ đi nên em phải sống với cha và mẹ
kế. Lớn lên, Tuyết chỉ biết mang máng về mẹ mình nhưng lòng cứ day dứt
khôn nguôi nghĩ về mẹ. Năm Tuyết 18 tuổi, bỗng nhiên mẹ về muốn đem cô
đi gả bán, cô đã từ chối, nhưng khi biết mẹ bị tai nạn gãy chân nằm
viện, cô hàng ngày đến bệnh viện chăm mẹ đồng thời nhận việc làm thêm để
có tiền thuốc thang cho mẹ. Khi mẹ trốn viện rồi bặt tin, cô đã cất
công đi tìm mẹ. Đến năm 2004, biết mẹ mình đã mất, cô khóc lóc thảm
thiết rồi thực hiện nguyện ước xây mộ cho mẹ, thường xuyên chăm sóc mộ
phần và cúng viếng suốt 7 năm ròng cho đến khi người tốt đưa mẹ cô vào
chùa. Trong cảnh ngộ như vậy, cô tuyệt nhiên không hề oán hận mẹ mình mà
ngược lại, vẫn cảm thấy hạnh phúc vì có hai người mẹ, một người sinh
thành, một người nuôi dưỡng cô với tình yêu thương vô bờ bến.
Nguyễn Kim Viên, 53 tuổi, ở thành phố Bắc Ninh cũng là tấm
gương chí hiếu. Năm 19 tuổi, sau một cơn bạo bệnh, Viên bị tàn phế đôi
chân, lưng mọc một khối u lớn không thể đi lại và không thể đứng thẳng
được. Hơn 30 năm nay Viên đã dùng chiếc xe lăn cũ nát, lê lết đi nhặt
phế liệu để bán kiếm chút tiền ít ỏi hàng ngày nuôi bố mẹ già đều hơn 70
tuổi ( bố 2 lần mổ mắt, mổ viêm đường ruột; mẹ ốm quặt quẹo gần 20 năm
nay). Cứ 6 giờ sáng hàng ngày là Viên lại ra bãi Sông Hồng nơi có bãi
rác của Khu công nghiệp, nhặt nhạnh các phế phẩm như túi ni lon, bao bì,
lon bia, sắt vụn, rồi phân loại bán cho hàng đồng nát, ngày nhiều được
30 ngàn đồng, ngày ít chỉ được hơn 10 ngàn, ngày mưa không có gì thì 3
người phải nhịn đói, nhưng Viên không hề oán thán.
Mẹ Cha ta là Phật
Đó là lời của Phật. Trong cuốn sách “Cổ học tinh hoa”, Ôn như
Nguyễn Văn Ngọc có ghi lại câu chuyện giản dị và vô cùng cảm động minh
họa cho điều ấy. Chuyện rằng Dương Phủ, người Trung Quốc, lúc nhỏ nhà
nghèo nhưng ra sức cày cấy để phụng dưỡng cha mẹ. Một hôm, nghe nói bên
đất Thục có ông Vô Tế đại sĩ, Dương Phủ bèn xin từ biệt song thân ít lâu
đến hầu bậc Vô Tế. Đi được nửa đường, Phủ gặp một vị lão tăng, vị này
bảo ông rằng được gặp Vô Tế chẳng bằng được gặp Phật; Dương Phủ hỏi Phật
ở đâu, lão tăng bảo nhà ngươi cứ quay trở về, gặp người nào mặc cái áo
màu sắc như thế này, đi đôi dép kiểu như thế này thì chính là Phật đấy.
Dương Phủ nghe nói quay về, trên đường chẳng thấy ai như thế cả. Về tới
nhà thì đêm đã khuya, ông gọi cửa, mẹ ông nghe tiếng con mừng quá vội
vã khoác chăn, đi dép ngược chạy ra mở cửa đón. Bấy giờ, Dương Phủ trông
ra thì thấy hình dáng Phật mà lão tăng đã nói cho nghe. Từ đấy ông biết
cha mẹ trong nhà tức là Phật.
Hòa
thượng Thích Thanh Từ, trong cuốn sách “Tu là chuyển nghiệp”, kể rằng
có lần Phật đi khất thực ở một vùng mất mùa, dân trong làng ai cũng
nghèo đói. Phật đi từ sáng đến trưa không có ai cúng dường nên trong bát
của Phật không có thức ăn. Khi đó có một thầy Tỳ kheo đem lá y mới của
mình đổi được một bát cơm, vội vàng đem dâng Phật. Phật hỏi “ Ông còn
cha mẹ không?”, đáp “ Bạch Thế tôn, con còn mẹ”; Phật lại hỏi “ Mẹ ông
sáng nay có cơm ăn chưa?”, đáp “ Bạch Thế tôn, con đổi một lá y chỉ được
một bát cơm, con xin dâng Thế tôn, mẹ con vẫn chưa có cơm ăn”; Phật dạy
“Người đáng thọ nhận bát cơm này là mẹ của ông!”.
Trong triết học Phật Giáo, không có tình thương nào lớn
hơn tình thương của cha mẹ dành cho con và cũng không có sự hy sinh nào
cao cả hơn sự hy sinh của cha mẹ đối với con. Ở nhiều bản kinh khác
nhau, Đức Phật đều đề cập đến tình mẫu tử, tình phụ tử rất sâu đậm: “ Đi
khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ/ Gánh nặng cuộc đời không ai khổ
bằng Cha/ Nước biển mênh mông không đong đầy tình Mẹ/ Mây trời lồng lộng
không phủ kín công Cha/ Tần tảo sớm hôm Mẹ nuôi con khôn lớn/ Mang cả
tấm thân gầy Cha che chở đời con”;… “Cha mẹ đối với con, ân đức cao
nặng sâu dày; ân đức sản sinh bú mớm, ân đức tắm giặt nuôi nấng trưởng
thành, ân đức cung cấp các thức ăn cần dùng, ân đức chỉ dạy cách sống ở
đời. Cha mẹ luôn luôn muốn con rời khổ, được vui, không bao giờ xao
nhãng nhớ thương con như bóng với hình”;… “ Có hai hạng người, này các
Tỳ kheo, ta không thể trả hết ơn được, đó là Cha và Mẹ. Nếu một bên vai
cõng Mẹ, một bên vai cõng Cha, làm như vậy suốt năm cho đến trăm tuổi
cũng chưa trả hết ơn đủ cho Cha Mẹ. Nếu có phụng dưỡng Cha Mẹ với mọi
báu vật trên trái đất này cũng chưa trả ơn đủ. Vì sao thế? Vì rằng Cha
Mẹ đã bỏ nhiều công sức cho con cái, nuôi dưỡng chúng cho đến lúc lớn
khôn, và dẫn dắt chúng vào cuộc đời này”. Phật Thích Ca cũng nói về 10
công ơn của Cha Mẹ khó đền đáp được: “ Chín tháng cưu mang; chịu đau đớn
khi sinh con; nuôi con cực khổ; chịu đắng cay cho con ngọt bùi; dành
chỗ ướt nhường khô ráo cho con; nhai cơm cho con; giặt đồ dơ cho con;
nhớ thương con khi con đi xa; vì con mà tạo tội nghiệp; chịu đói khát để
con no ấm”.
Các học giả thời nay, khi tìm hiểu về chữ Hiếu của thánh nhân,
đã minh họa sâu sắc thêm. Thiền sư Thích Nhất Hạnh, trong tùy bút nổi
tiếng “Bông hồng cài áo” đã viết hết sức sâu sắc, hết sức cảm động về
tình mẫu tử : “Khi con cất tiếng khóc chào đời, Mẹ như là người nghe
được âm nhạc. Mẹ dùng ngực làm nơi ngủ, nghỉ cho con và trên hai đầu gối
mẹ thường là nơi đùa dỡn của con. Ơn nuôi dưỡng ấy nhiều hơn trời đất
và đức thương yêu ấy rộng lớn không gì sánh nổi. Trên thế gian này không
có một thứ tình cảm nào sâu đậm, thiêng liêng vô điều kiện bằng tình
thương của Mẹ Cha đối với con cái vì con cái là hình hài, cốt nhục của
Cha Mẹ lưu truyền. Khi con nằm trong bào thai - cung điện của em bé -
thì Mẹ con là một thể thống nhất, tuy hai mà một, tuy một mà hai, Mẹ con
nối với nhau bằng một đường dây huyết mạch là sợi dây rốn. Khi hài nhi
ra đời, sợi dây rốn được cắt đi, mẹ con là hai thực thể, hai sinh mệnh
biệt lập nhưng quan hệ vô cùng mật thiết. Hình hài con đích thị là sự
tổng hợp và nối tiếp sinh mệnh của Cha và Mẹ. Phật giáo gọi mối quan hệ
hữu cơ đó là “phi nhất, phi di” không phải là một, không phải là khác”.
Bác sĩ, nhà văn Đỗ Hồng Ngọc cũng viết rất sinh động về tình mẫu
tử:“Những lúc bú mớm, con đã từng cắn vào mẹ đau điếng. Những lúc bệnh
nạn, con làm mẹ thức thâu đêm. Con ho mà mẹ nóng ran lồng ngực; con ỉa
chảy mà mẹ đau thắt ruột gan. Mẹ không ngần ngại hôi hám, vấy bẩn để
chăm sóc con. Có lúc ngửi mùi phân, nước tiểu con để dõi theo bệnh trọng
mà báo cho bác sĩ… Sữa mẹ là những tế bào thân xác Mẹ vỡ ra từng mảnh
mà thành. Mẹ xanh xao đi để cho con được hồng hào. Mẹ lùn thấp xuống để
con cao lớn lên. Mẹ loãng xương để con được cứng cáp. Mẹ nhăn nheo để
con được đầy đặn. Mẹ xấu xí đi từng ngày để con được rạng rỡ xinh tươi…
Mẹ hãnh diện nhìn con như dòng sông hãnh diện nhìn dòng nước chảy”;…
“Tuổi thơ cần sự che chở của Mẹ nhưng khi khôn lớn sự che chở là những
giọt nước mắt lăn dài trên má khi tiễn con đi, theo con nhưng để bảo vệ
che chở, dõi theo những bước chân trên đường đời nhiều chông gai và là
điểm tựa bình yên cho con khi vấp ngã”.
Về tình cha con, Đức Phật từng nói: “Gánh nặng cuộc đời không
ai khổ bằng Cha”;… “Mây trời lồng lộng không phủ kín công Cha”;… “Mang
tấm thân gầy Cha che chở đời con”. Tục ngữ nước ta cũng có câu: “Con có
Cha như nhà có nóc/ Con không Cha như nòng nọc đứt đuôi ”. Người cha
thường chơi đùa với con khi con còn nhỏ, kiên nhẫn trả lời những câu hỏi
tò mò khám phá thế giới xung quanh của con trẻ; nghiêm nghị chín chắn
khi dạy bảo con lúc con lớn lên, định hướng cho con những vấn đề trong
cuộc sống ; đứng ra giải quyết những vấn đề liên quan trong cuộc sống,
tương lai sự nghiệp của con; đem đến cho con cảm giác của sự khuôn phép,
an toàn; vắt kiệt sức lực để lo miếng cơm manh áo; chạy ngược chạy xuôi
lo lắng trăm bề chữa chạy khi con yếu đau mà không than thân trách
phận, không tính toán thiệt hơn. Trong bộ phim của nhà văn Đức - Fatk
Akin (gốc Thổ Nhĩ kì) - có một nhân vật chính là Nejat (là một giáo sư
văn học), do ngộ nhận mà giận cha mình không muốn nhìn mặt. Cho đến ngày
lễ Eid Aladha của người dân Thổ (Lễ tưởng nhớ sự tích Ibrahim tuân theo
lệnh của Thượng đế đã hiến tế con trai mình là Ishmael cho Ngài), Nejat
bỗng nhớ lại thuở ấu thơ, khi nghe xong câu chuyện đó, anh đã hỏi cha
sẽ làm gì khi Thượng đế bắt ông phải làm như vậy, thì cha anh trả lời
không do dự “Cha thà làm kẻ thù của Thượng đế chứ không bao giờ làm tổn
thương đến con của cha!”. Câu trả lời ấy đã nói lên tấm lòng cao cả,
tình yêu thương con vô hạn của mọi người cha trên khắp thế giới!
Đạo làm con
Dường như khó có thể đưa ra một câu tổng quát để nói như thế
nào là người có Hiếu. Các thánh nhân và các nhà nghiên cứu đương đại đề
cập đến vấn đề này dưới những góc độ khác nhau nhưng khá giống nhau, đó
là nuôi dưỡng Cha Mẹ với lòng yêu thương kính trọng; làm Cha Mẹ vui,
khuyên Cha Mẹ theo chánh pháp… Cả Phật giáo và Nho giáo đều cho rằng báo
hiếu Cha Mẹ là bài học vỡ lòng cho mọi tri ân, rằng người con không chỉ
thấu hiểu được công ơn trời biển của Cha Mẹ mà phải có trách nhiệm báo
đáp thâm ân đó, hơn thế, cần phải trợ duyên cho Cha Mẹ trong việc tu
tập.
Khi Phật còn tại thế đã có Tôn giả Mục Kiền Liên sau khi
chứng quả A-la-hán, có lục thông và là người ưu việt hơn cả trong những
vị chứng A-la-hán như Ngài, được Phật gọi là người “thần thông đệ nhất”
trong hàng đệ tử lớn của Phật, có thể dùng thần thông đi từ thế giới này
đến thế giới nọ trong chớp mắt hoặc hóa hiện tùy ý. Vì lòng hiếu thảo,
Mục Kiền Liên dùng thiên nhãn thông tìm lục đạo xem mẹ mình sinh ở đâu
và thấy mẹ Ngài đang mang thân ngạ quỷ, khổ vô cùng. Thương xót mẹ, Ngài
đi khất thực được một bát cơm liền vận thần thông đem đến dâng cho mẹ.
Mẹ Ngài tay trái cầm bát cơm tay phải bốc cơm đưa vào miệng, cơm vừa tới
miệng thì bốc thành lửa khiến Ngài rơi nước mắt (Thần thông không cứu
được nghiệp ác). Ngài trở về thuật lại cảnh khổ của mẹ Ngài cho Phật
nghe và nhờ Phật dùng phương tiện giải cứu. Phật dạy “Mẹ ngươi nghiệp ác
quá nặng, sức ngươi không thể cứu được, ngươi phải về làm Lễ Vu Lan
thết đãi chư tăng: Sơn lâm thiền định, Thọ hạ kinh hành, Lục thông La
hán, và nhờ oai lực của các vị này cầu nguyện thì mẹ ngươi mới thoát
được kiếp ngạ quỷ”. Tôn giả vâng lời, sắm sửa trai viên, thỉnh chư tăng
đang thiền định ở núi rừng, đang kinh hành dưới cội cây, là những bậc đã
chứng thực thông A-la-hán, cùng trợ lực cầu nguyện thì mẹ Ngài thoát
kiếp ngạ quỷ. Từ sự kiện này mà về sau hàng Phật tử noi theo gương hiếu
thảo của Tôn giả Mục Kiền Liên, mỗi năm sau mùa an cư tự tứ của chúng
tăng, đều làm lễ Vu Lan thỉnh chư tăng cúng dường và cầu siêu cho cha
mẹ.
Đức Phật, trong các bản kinh đã chỉ rõ bổn phận của người con
có Hiếu như sau: “Cung kính và vâng lời Cha Mẹ; hết lòng chăm sóc Cha Mẹ
khi cha mẹ già yếu; gìn giữ truyền thống gia đình; bảo quản tài sản do
Cha Mẹ để lại; khuyên nhủ Cha Mẹ kính theo Tam bảo, sống đời hướng
Thiện, bỏ ác làm lành” ;… “Khi Cha Mẹ qua đời tổ chức tang lễ cho Cha Mẹ
mãn phần”; …“Nếu một bên vai cõng Mẹ, này các tỳ kheo, nếu một bên vai
cõng Cha, làm vậy suốt trăm năm, cho đến trăm tuổi, nếu đấm bóp, thoa
xức tắm rửa và dầu tại đấy, Cha Mẹ có vãi tiểu tiện, như vậy, này các tỳ
kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ Cha Mẹ”;…“ Nếu có người, vai trái
cõng Cha, vai phải cõng Mẹ, xuyên đến xương, xuyên xương đến tủy, đi
vòng quanh núi Tu Di, trải qua trăm ngàn kiếp, máu chảy ngập mắt cá
chân, vẫn không đền đáp hết công ơn của Cha Mẹ”.
Theo Nho giáo, đạo Hiếu trước hết là sự tri ân các đấng
sinh thành đã tạo nên hình hài thân thể, bảo toàn tính mạng mình, nuôi
dưỡng Cha Mẹ với lòng kính trọng thương yêu, sau là phát huy làm rạng
rỡ tông môn. Khổng Tử nói: “Thân thể, tóc da là cái Cha Mẹ cho mình,
không dám làm thương tổn, ấy là ban đầu của Hiếu. Cha Mẹ sinh ra mình
toàn vẹn, nên mình lúc chết cũng toàn vẹn, có thể gọi là Hiếu vậy. Không
làm hại đến thân mình, không làm nhục đến thân mình, có thể gọi là Hiếu
vậy. Cho nên bậc quân tử nửa bước không dám quên đạo Hiếu, nhất cử cũng
không dám quên Cha Mẹ, ấy là đi đường mà không đi đường tắt, đi thuyền
mà không bơi, không dám lấy di thể ông bà, tổ tiên mà làm hại. Một lời
nói ra mà không dám quên Cha Mẹ, cho nên lời nói ác hiểm không nói ra
cửa miệng, lời giận dỗi không đụng đến mình. Không làm nhục thân mình,
không làm Cha Mẹ xấu hổ, có thể gọi là Hiếu vậy”.
Một trong những vấn đề quan trọng nhất mà con người khó xử
là khi cha mẹ có những lỡ lầm thì con cái phải ứng xử như thế nào để
tròn đạo Hiếu. Đức Phật dạy: “ Ai đối với Cha Mẹ không có lòng tin,
khuyến khích, an trú các vị ấy vào lòng tin; đối với Cha Mẹ theo ác
giới, khuyến khích, hướng dẫn các vị ấy vào Thiện giới; đối với Cha Mẹ
xan tham, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào bố thí; đối với
Cha Mẹ ác trí tuệ, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào trí
tuệ. Cho đến như vậy, này các tỳ kheo, là đủ để trả ơn Cha Mẹ ”. Khổng
Tử nói: “Thờ cha mẹ nếu cha mẹ có điều không đúng phải nhẹ nhàng khéo
léo can gián. Nếu thấy cha mẹ không nghe theo, thì vẫn phải cung kính,
không trái nghịch, vất vả không oán than”.
Về tình huống này, Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết rất chí lý
trong tác phẩm Bông hồng cài áo: “Nếu bạn lỡ có những khó khăn với cha
mẹ thì đừng nghĩ cạn là cha mẹ không thương. Có thể có những vụng về
trong quá khứ về phía cha mẹ đã tạo ra những lớp khổ đau đè nặng và làm
khuất lấp tình thương ấy. Mình biết nếu có điều gì xảy ra cho mình thì
cha mẹ sẽ khóc hết nước mắt. Và nếu có gì xảy ra cho Cha, cho Mẹ thì
mình cũng khóc hết nước mắt. Phải thấy rằng các vị đã có nhiều khổ đau
và khó khăn mà chưa đủ khả năng chuyển hóa nên tự làm khổ mình và làm
khổ lây đến các con. Mình cũng vậy. Mình đã khổ đau vì hiểu lầm, vì bực
tức và do đó đã lỡ lời nói những lời không dễ thương, có những phản ứng
không đẹp đẽ đối với cha mẹ. Thấy được cái khổ của cha mẹ, mình tìm cách
giúp đỡ. Phải biết nói lời hối lỗi đã không biết giúp mà còn làm khổ
cha mẹ”. Và, Thiền sư cho ta một giải pháp: “Ngày hôm nay bạn có thể
nói, có thể làm được những gì làm cha mẹ vui thì hãy nói đi, làm đi,
đừng để ngày mai, sợ rằng muộn quá. Hãy tôn vinh cha mẹ trong trái tim.
Vào thời không có Bụt thì thờ Mẹ, thờ Cha là thờ Bụt”. Ông còn cho rằng
không chỉ thực hiện tưởng nhớ cha mẹ trong ngày lễ Bông hồng cài áo mà
còn “Phải biết thực tập nhìn sâu, tức là thực tập thiền quán trong ngày
ấy. Phải thấy được những tài năng, đức hạnh và nét đẹp nào mà mình đã
tiếp nhận từ Cha, từ Mẹ. Rồi thấy được Cha Mẹ không phải là những thực
tại ở ngoài mình mà đang có ngay trong mình. Mình là sự tiếp nối của Cha
của Mẹ và mình mang Mẹ mang Cha đi về tương lai. Phải biết mỉm cười cho
Mẹ, thở cho Cha và bước đi cho cả hai. Sự tiếp nối đẹp đẽ của Cha Mẹ
nơi mình là biểu hiện cụ thể nhất của lòng Hiếu”.
Và ngay cả khi đứng trước tuyệt vọng, con người có Hiếu vẫn
không được phép hủy hoại thân thể mình vì “Thân thể này không phải chỉ
của riêng ta nên ta không có quyền coi thường và hủy hoại nó. Nó được
tạo ra từ Cha Mẹ, anh chị em, bạn bè, những bậc ân nhân khác trong đời,
cả Tổ Tiên giống nòi ta nữa. Họ đang cùng ta đi về tương lai. Nếu ta ngã
xuống, họ sẽ ngã theo. Tương lai ta sẽ ra sao khi một phần họ cũng như
thế ấy. Ta không có quyền làm cho những người thân yêu của ta cũng phải
khổ”. (Minh Niệm – Hiểu về trái tim)
Vĩ thanh
Trong sách Mạnh Tử có câu chuyện rằng một người tên là Đào
Ứng đã giả định một vấn đề nan giải và đề nghị Mạnh Tử đưa ra giải
pháp: ông Cổ Tẩu là cha vua Thuấn (Một ông vua tài đức toàn vẹn nhất
của Trung Hoa cổ đại) là người ác, đã phạm tội giết người, phải tội
chết. Cao Dao là người chấp pháp, có trách nhiệm xử lý ông Cổ Tẩu nhưng
không biết phải xử lý như thế nào vì Vua Thuấn là con, về tình không thể
xử lý cha, đó là đạo trời, nhưng Thuấn lại là vua, theo luật phải xử lý
cha để duy trì kỷ cương phép nước. Mạnh Tử đã đề xuất một giải pháp hết
sức sâu xa, đầy ý nghĩa nhân văn: Thuấn sẽ xem việc bỏ thiên hạ như
một cái dép rách, lén đưa cha đi trốn đến những vùng xa lạ, vui mà quên
đi thiên hạ”.
Nhà
nghiên cứu Huỳnh Ngọc Chiến, sau khi kể lại câu chuyện trên đã bình
luận rất sắc sảo và thú vị. Ông cho rằng trong mọi nền triết học, văn
học của nhân loại sẽ khó có một giải pháp nào hay hơn nữa, bởi vì nếu
Thuấn cứ theo luật pháp cho phép Cao Dao xử cha mình cho đúng với nghĩa
“luật pháp bất vị thân” thì trước mắt có thể duy trì được giềng mối xã
hội, nhưng chắc chắn sẽ để lại một vết thương trầm trọng không gì cứu
vãn được trong nền đạo lý làm người cho muôn vàn thế hệ mai sau. Được
mang hình hài của con người giữa nhân gian là một điều vô cùng may mắn,
vì thân người khó có được giữa dòng trầm luân sinh tử luân hồi. Cho nên
những ai cư xử vô đạo với cha mẹ là đánh mất điều may mắn đó và họ tự
đưa mình xuống thấp hơn cõi người. Đạo lý Phương Đông không cho phép
người con trực tiếp lên án bố mẹ chứ đừng nói chi đến sự đối xử vô đạo
hay nhẫn tâm hay tàn hại, dẫu người đó mang trọng tội. Đạo lý nếu cần
phải duy trì để giữ giềng mối cho sự vận động của guồng máy xã hội sẽ
được thực hiện bởi Trời, bởi phép nước hoặc bởi một người khác ./.
( Tạp chí Văn hiến Việt Nam, số 4+5/2014)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét