Đào Trần Quang Cát
Đàn tràng tế Tổ Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn (tháng 3-2013) |
Tương
truyền, họ Trần vốn đã lập nghiệp ở vùng Từ Sơn, Kinh Bắc (Bắc Ninh ngày nay) từ
thời Thục An Dương vương. Ông Tổ là Trần Tự Minh, một tướng tài đã cùng tướng
Cao Lỗ giúp Thục An Dương vương chống quân Triệu Đà. Con cháu ở Kinh Bắc phát
triển thành nhiều nhánh.
Thời Tùy Đường (Trung Quốc) đô hộ nước
ta, có Trần Tự Viễn là môn đệ xuất chúng của đạo Phật phái thiền tông và nổi bật
có võ công cao cường trong môn phái. Ông đem võ công của mình cùng phật tử giúp
dân chống lại sự đô hộ hà khắc của nhà Tùy, nhà Đường. Dân khắp vùng sùng kính tôn ông là Phật sống.
Đến thời nhà Lý, ở Kinh Bắc nổi lên 3
phái võ lừng danh. Phái võ Lĩnh Nam gốc từ Mê Linh, quê Hai Bà Trưng, phái võ Hoa Sơn gốc từ Kinh Bắc thuộc hoàng tộc
nhà Lý và phái võ Đông A cũng ở Kinh Bắc thuộc họ Trần do Trần Tự An làm trưởng
môn phái chiết tự từ chữ Trần ( 陈
) thành hai chữ Đông ( 东) và A ( 阿 ) để đặt tên. Ba phái võ đều
có lòng tự tôn dân tộc rất cao nhưng lại có mâu thuẫn về ý thức, tư tưởng muốn
tranh nhau quyền thống trị võ lâm toàn quốc. Họ Trần thời ấy tuy nổi tiếng rất
cao cường về võ thuật nhưng lại rất sùng đạo Phật, có nếp sống lấy "Đức"
làm trọng, quan tâm làm việc thiện, chú ý giúp đõ người gặp khó khăn nên được
dân quanh vùng rất quý trọng. Trước khi qua đời, Trần Tự An khuyên con trai là
Trần Tự Mai chuyển võ đường Đông A đi nơi khác để tránh sự mâu thuẫn, xung đột
có hại cho sự nghiệp chung.
Lúc đầu Trần Tự Mai chuyển đến ở Đông
Triều - Chí Linh. Đến đời con là Trần Tự Kinh có chí đi khẩn hoang ở châu thổ
sông Nhị Hà để có thêm nghề nông ổn định cho gia tộc. Trần Kinh lấy vợ người
hương Tức Mặc (nay là thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định), có
hai con trai rất giỏi võ là TrầnTự Hấp và Trần Tự Duy. Mười năm đầu ông dựng trại
ở Tức Mặc, đưa người nhà trong môn phái lên khai phá đất làm ruộng. Về cuối đời,
có thầy địa lý Đoàn Thông đặt mộ cho tên nhà giàu Nguyễn Cố bị tên này bội ơn,
bắt bỏ vào rọ thả trôi sông, Trần Tự Hấp
tình cờ vớt được cứu chữa. Thầy địa lý trả ơn cứu mạng, giúp đặt mộ ông tổ Trần
Tự Mai vào khu đất có huyệt phát vương ở ấp Thái Đường (thôn Tam Đường, xã Tiến
Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình ngày nay). Ông nghe theo người con trưởng là
Tự Hấp chuyển hẳn về ở ấp Thái Đường. Họ Trần chuyên nghề chài lưới ở trên sông
chuyển sang có hậu phương định cư ổn định và phát triển mạnh nghề nông từ đấy.
Trần Tự Hấp kế tục làm trưởng môn phái võ Đông A. Gia tộc họ Trần ngày thêm
phát đạt, có nhiều ân đức với dân trong vùng. Phái võ Đông A cũng ngày càng
hưng thịnh, thu hút nhân tài khắp nơi về tụ hợp, thanh thế họ Trần rất lớn.
Trần Lý là con Trần Hấp. Trần Lý kế
nghiệp cha làm trưởng môn phái. Gia đình vẫn giữ nếp nhà nhân hậu nên được nhiều
người quí mến, phục tùng rồi nghiễm nhiên trở thành một hào trưởng trong vùng,
Trong nhà Trần Lý, gia nhân thực khách lúc nào cũng đông. Trai tráng trong
vùng, người có tài muốn đến làm môn hạ hoặc người cơ nhỡ muốn nương nhờ đều được
sắp xếp có công việc làm, ăn ở chu đáo. Những người ăn ở ngày thường làm ruông,
lúc nông nhàn thì luyện tập võ nghệ, khi có biến là lực lượng bảo vệ thôn ấp nhờ
vậy trong thời Lý Cao Tông, giặc giã khắp nơi, mất mùa đói kém, trộm cướp như
ong , nhưng vùng này vẫn được yên tĩnh.
Trần Lý lấy vợ họ Tô người làng Lưu
Gia. Họ Tô là một họ có danh tiếng lớn trong triều Lý. Thời vua Lý Anh Tông có
Tô Hiến Thành làm đến chức Thái úy, phụ chính vua Lý Cao Tông khi nhỏ tuổi. Thời
vua Lý Cao Tông có Tô Trung Từ đang làm chức quan lớn trong triều.
Năm 1209, vì vua Lý Cao Tông nghe lời
dèm pha, giết trung thần Phạm Bỉnh Di là người có công lớn. bộ tướng của Bỉnh
Di là Quách Bốc kéo quân về Thăng Long cứu Bỉnh Di. Vua bỏ chạy lên vùng Quy
Hóa. Thái tử là Sảm chạy ra vùng biển đến ở nhà Tô Trung Từ tại Lưu Gia (nay là
xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), Quách Bốc liền vào thành phế vua
Cao Tông, lập hoàng tử Thẩm làm vua.
Thái tử Sảm ở nhà Tô Trung Từ thấy Trần
Thị Dung, con gái Trần Lý gọi Tô Trung Từ bằng cậu, có nhan sắc, khôn ngoan,
nhanh nhẹn nên lấy làm vợ. Sau đó phong Trần Lý tước Minh tự, phong Tô Trung Từ
làm Điện tiền chỉ huy sứ và giao nhiệm vụ về kinh dẹp loạn.
Được lệnh của thái tử, Trần Lý cùng Tô
Trung Từ huy động con cháu và số dân quân thuộc hạ, mộ thêm quân nghĩa dũng, lại
được một số tướng sĩ trung thành với vua Lý Cao Tông đem quân đến phối hợp,
danh chính ngôn thuận kéo quân về Thăng Long, Sau khi đánh tan quân Quách Bốc,
Trần Lý và Tô Trung Từ lên Quy Hóa đón vua Lý Cao Tông hồi cung. Trở về Thăng
Long, kinh thành đã yên, Lý Cao Tông sai quân về Lưu Gia đón Thái tử Sam về triều,
rồi phong thưởng những người có công. Vua chính thức phong tước Minh Tự cho Trần
Lý và chức Điện tiền chỉ huy sứ cho Tô Trung Từ (chức tước này trước đây Thái tử
đã phong gọi là quyền phong) và giao quyền đi đánh dẹp tiếp các dư đảng phản loạn
còn lại. Việc Trần Lý và Tô Trung Tử dẹp yên giặc phản, đón vua và hoàng thái tử
về kinh, khôi phục triều đình nhà Lý công lao thật không nhỏ. Nó chứng tỏ lực
lượng ngay từ buổi đầu của nhà Trần và những người ủng hộ đã khá mạnh, là chỗ dựa
của vua nhà Lý để giữ ngôi báu.
Trần Lý có hai con trai là Trần Thừa,
Trần Tự Khánh và cháu nuôi từ nhỏ là Trần Thủ Độ cùng theo Trần Lý đi đánh giặc
bảo vệ triều đình nhà Lý. Con gái Trần Thị Dung là vợ Thái tử Lý Sảm..
Theo lệnh vua, Trần Lý đem quân đi
đánh dẹp các dư đảng phản loạn và lực lượng cát cứ các nơi không may tử trận.
Các thân vương nhà Lý không có ai đú sức nắm binh quyền thay Trần Lý nên con
trai thứ hai của Trần Lý là Trần Tự Khánh lại thay cha tiếp nối nắm quyền chỉ
huy đi đánh giặc phò vua.
Các nhà sử học nhận xét đây chính là
thời thế buổi đầu của nhà Trần, từ dân thuyền chài bước lên vũ đài chính trị đã
lập được công lớn, có thế mạnh tạo tiền đề cho hình thành một triều đại mới lừng
lẫy trong lịch sử đất nước sau này. Vua Trần Thái Tông khi lên ngôi truy tôn
ông nội Trần Lý là Chiêu vương. Đến đời vua Trần Anh Tông, năm 1312, truy tôn
là Nguyên Tổ Hoàng đế.
(Tài liệu tham kháo trích dẫn: Đại
Việt sử ký toàn thư, Việt sử kỷ yếu, Thuyết Trần, Việt Nam sử lược - Trần Trộng Kim, Việt sử toàn thư từ thượng
cổ đến hiện đại, Lược sử Việt Nam -Trần Hồng Đức, Hào khí Đông A số 3 - 2003, số
12-2008).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét