Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2015

HÀNH HƯƠNG VỀ CỘI NGUỒN ĐẤT TỔ NƠI GHI DANH DẤU ẤN HỌ TRẦN

Trần Quang

Khi đất nước được phồn vinh, dân tộc được yên lành, phát triển, mỗi con người chúng ta lại thầm nghĩ về tổ tiên của mình. Với tình cảm sâu lắng ấy, các thế hệ hậu duệ Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn luôn bồi hồi thương nhớ, đã bùng lên ý tưởng: Là con cháu hậu duệ của Người thì phải kết nối, tìm nhau dù ở khắp bốn phương trời sau gần 600 năm chia ly xa cách.
Lăng mộ Thái sư Trần Thủ Độ tại  Liên Hiệp Hưng Hà Thái Bình

Với tâm tưởng sâu đậm, ngày 22 tháng 02 năm 2012 tức ngày mồng Một Tháng Hai năm Nhâm Thìn, ngày giỗ Đức tổ Tả tướng quốc, những người con ưu tú tiên phong của dòng họ từ mọi miền đất nước đã trở về quê hương đất Tổ mở Đại hội thành lập ra "Ban Liên lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn Việt Nam" để làm trung tâm kết nối, liên lạc tìm nhau, cùng nhau hợp lực xây dựng  dòng họ thống nhất, xứng đáng với danh vị Tổ tiên của mình. Ban Liên lạc dòng họ thấy ngoài việc kết nối, xây dựng dòng họ còn phải tìm hiểu, nắm vững nguồn gốc, quá trình phát triển của Tổ tiên họ Trần để truyền đạt, chỉ  dẫn cho bà con và các thế hệ tiếp sau đồng thời có thể giới thiệu và hướng dẫn, giúp đỡ bà con trong dòng họ khi có điều kiện về thăm viếng cội nguồn gốc Tổ. Được về cội nguồn thăm viếng nơi Tổ tiên xưa lập nghiệp, nơi phát tích đế vương của họ Trần là ước nguyện của bất cứ ai là con cháu hậu duệ họ Trần.


Thực hiện nghị quyết của Ban Liên lạc đầu năm 2014, ngày 13- 9- 2014,Thường trực Ban Liên lạc dòng họ tổ chức hành hương đợt một về cội nguồn gốc tổ nhà Trần và dòng họ Trần Nguyên Hãn ở khu Nam Định - Thái Bình. Đoàn đi có mười người. Theo lịch trình đi từ gần đến xa rồi theo đường tắt về Hà Nội  Điểm đầu tiên đoàn đến là vào viếng và làm lễ tại nhà thờ Tổ Trần Quang Khải. Đền tọa lạc tại thôn Cao Đài, xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, cách thành phố Nam Định khoảng 7 cây số. Vùng này vốn là trang ấp của Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải - thủy tổ của dòng họ Trần Nguyên Hãn - một căn cứ vững mạnh chống quân Nguyên Mông thời Trần. Đền được lập trên nền nhà cũ của Người. Nơi đây đã có biết bao bài thơ nổi tiếng của một con người văn võ nổi danh được ra đời còn lưu truyền đến ngày nay. Đền thờ là một công trình cổ chưa trùng tu nâng cấp.
Cũng tại nơi đây có đồi mộ Tổ bà Công chúa Phụng Dương, phu nhân của Người, một con người đức hạnh cao dày được triều đình và toàn dân ca ngợi thời bấy giờ. Có nhà bia ghi công đức của bà do chính Tổ Ông Trần Quang Khải viết bài lập bia. Đây không chỉ là bài văn mà còn là một tài liệu lịch sử quý ghi rõ nhiều điều mà một số tài liệu khác đã viết sai lạc về hậu duệ của Người.
           Tiếp đến, đoàn đi về thành phố Nam Định đến khu Thiên Trường, nay gọi là Đền Trần. Một cụm di tích rộng lớn gồm ba ngôi đền lịch sử liền kề nhau. Ngôi đền chính giữa là hành cung Thiên Trường xưa, nơi các Thái thượng hoàng về ngự sau khi đã nhường ngôi cho vua trẻ. Đây cũng là nơi các trụ cột của triều đình bàn việc cơ mật quan hệ đến vận mệnh quốc gia. Đền bên trái thờ 14 vị hoàng đế thời Trần, mỗi hoàng đế có một ban thờ trên có pho tượng lớn của Người. Đây trước kia là nơi nghỉ của các hoàng đế khi về Thiên Trường dự bàn việc cơ mật của quốc gia. Đền bên phải thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Tương truyền vì Hưng Đạo Đại vương là người có công lớn với nước nên được thờ cùng một khu với các vua Trần, Vào đền nổi bật với hai đại tự Trung Hiếu ở hai bên. Hàng năm, ngày mồng Một tháng Tư là ngày giỗ vua Trần Thái Tông thì đồng thời bên đến thờ Trần Hưng Đạo cũng làm giỗ cúng An sinh vương Trần Liễu, cha của Hưng Đạo Đại vương vì hai người cùng mất một ngày. Ban Quản lý đền tổ chức lễ lớn để bà con hành hương về cúng giỗ ngày này cùng ăn cơm, hưởng lộc. 
          Cách khu Thiên Trường 700 m có chùa Phổ Minh, chùa có tháp Phổ Minh cao 13 tầng, Trên tháp có đặt xá lỵ của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Sử ghi chép lại, sau khi Phật hoàng Trần Nhân Tông băng hà, thi hài được hỏa táng theo phép nhà Phật. Xá lỵ được chia làm ba phần đặt ở ba nơi: Thái Đường, nơi có lăng mộ táng, Tức Mặc trên tháp Phổ Minh và chùa Yên Tử, Quảng Ninh.
          Cách chùa Phổ Minh khoảng 1 km là Thiền viện Trúc lâm Thiên Trường, có ngôi tượng Phật mới, báo chí giới thiệu là lớn nhất Đông Nam Á. Đoàn đi tiếp sang đền thờ Thái Tổ - Thái Thượng Hoàng Trần Thừa ở làng Vạn Khoảnh, xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc gần đó mới được tôn tạo thành khu di tích to đẹp, khang trang. Sau khi dâng hương, làm lễ viếng xong, đoàn rời Nam Định đi Thái Bình hành hương về đất tổ, nơi phát tích của triều Trần. 
          Cụm di tích nổi tiếng mà bất cứ ai hành hương về Thái Bình đều đến trước tiên làm lễ viếng là "Đền Trần và Thái Đường lăng", có tên thường gọi là "ĐỀN THỜ CÁC VUA TRẦN" tại thôn Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Đây là nơi đất phát  nghiệp, nơi đặt mộ Tổ, mộ các vua, hoàng hậu và công chúa nhà Trần có tổng diện tích trên 22 ha, Tại khu trung tâm có bốn lăng mộ của ba vua đầu triều Trần và Thái Tổ Trần Thừa, lăng của bốn hoàng hậu. Lăng của Trần Thái Tông là Chiêu Lăng, lăng của Trần Thánh Tông là Dụ Lăng, lăng của Trần Nhân Tông là Đức Lăng, lăng của Thái Tổ Trần Thừa là Thọ Lăng. Từ cổng khu di tích đi vào, hình ảnh gây ấn tượng mạnh là lăng của ba vua Trần như ba trái núi đẹp nổi bật lên nền trời xanh.
Đền Trần là một khu đền nguy nga. Qua cổng vào trong sân, ta gặp ngay tòa Bái Đường rộng lớn thờ Hội đồng căc văn quan, võ tướng triều Trần. Sau tòa Bái Đường, cách một khoảnh sân rộng là Tòa đệ nhị có ba ban thờ lớn thờ ba vị vua Trần. Ban giữa thờ thánh tượng vua Trần Thái Tông, ban bên trái thờ thánh tượng vua Trần Thánh Tông, ban bên phải thờ thánh tượng vua Trần Nhân Tông.
          Tiếp sau sang tòa thứ ba là tòa hậu cung thờ linh vị các cụ Tổ Trần Kinh - Mục Tổ Hoàng Đế , Trần Hấp - Ninh Tổ Hoàng đế, Trần Lý - Nguyên Tổ Hoàng Đế và các ban thở có thánh tượng Thái Tổ Hoàng đế Trần Thừa - ở giữa,  thánh tượng Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ - bên phải , thánh tượng Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung - bên trái. Bên cạnh đền Trần còn có đền thờ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương và đền thờ Mẫu.
 Ngoài khu đền Trần, còn nhiều di tích khác thờ các hoàng thân quốc thích, hoàng hậu, công chúa, các danh tướng nhà Trần nhưng thời gian có hạn, đoàn phải hành hương tiếp sang xã Liên Hiệp, một địa linh có đền và mộ Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung, đình thờ và lăng mộ Thống quốc Thái Sư Trần Thủ Độ để làm lễ viếng.
            Sau cuộc hành trình dài, thời gian tuy ngắn ngủi, nhưng đã đem lại cho mỗi người cảm giác phấn chấn, thư thái và niềm tự hào về truyền thống vẻ vang và oanh liệt của họ Trần, Mỗi người đếu có một cảm nhận sâu lắng không thể phai mờ. Nhiệm vụ tiếp theo của Thường trực mà Ban Liên lạc giao cho là sẵn sàng giúp đỡ, hướng dẫn bà con và các đoàn hành hương về đất Tổ của các họ, tộc họ khi có yêu cầu. Cuộc hành hương thật là hoành tráng và bổ ích.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét