Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

TÂM SỰ CỦA CHÀNG SINH VIÊN VIỆT KIỀU ĐI XUYÊN VIỆT VỚI VÍ RỖNG

"Đó là một trải nghiệm tuyệt vời. Tôi thấy được chất của người Việt nhưng cũng buồn vì sự ích kỷ, phù phiếm, bàng quan đang tồn tại giữa họ", Hùng John tâm sự sau một tháng rưỡi đi bộ nửa hành trình từ Bắc vào Nam.
Với quyết tâm "không mang theo tiền bên mình, mà chỉ sống nhờ vào lòng hảo tâm của những người gặp trên đường", hành trình đi bộ của Trần Hùng John bắt đầu ngày 12/6 từ Hà Nội đến TP HCM, được chú ý đặc biệt. Anh muốn chứng tỏ với thế giới về lòng tốt của người Việt Nam.
Rất nhiều người cổ vũ, ủng hộ, nhưng không ít ý kiến nghi ngờ việc đó "không khả thi". Ngay với chính Hùng John, những điều mắt thấy tai nghe trong suốt nửa cuộc hành trình đã khiến anh có suy nghĩ khác, thậm chí định bỏ cuộc. Trong bức thư mới nhất gửi VnExpress.net, anh tâm sự:
John Trần - chàng Việt kiều Mỹ 23 tuổi thực hiện cuộc hành trình xuyên Việt từ Bắc vào Nam từ ngày 12/6.
 Ảnh: Phan Dương.

"Không đoàn kết khiến cho tư tưởng sính ngoại, vốn đã phải chấm dứt từ lâu, đang trỗi dậy và trở nên mạnh mẽ. Chúng ta mơ tưởng về những người ngoại quốc như họ là những thứ cao cấp hơn...

Mỗi khi chúng ta ăn các món ăn nhanh ở KFC, Lotteria là chúng ta đang mua sản phẩm của nước ngoài chỉ bởi nó là của “nước ngoài”, và như thế, đất nước ta lại mất mát đi một ít. Hy sinh những thứ nhỏ nhặt như vậy là điều cần làm để bảo vệ và bảo tồn đất nước của chúng ta.
Trung tâm ngoại ngữ là một ví dụ khác. “Anh có tóc vàng mắt xanh, nhưng không có chứng chỉ hay kinh nghiệm, không vấn đề gì, người Việt Nam không nhận ra đâu”. Rất nhiều trung tâm ngoại ngữ thuê người nước ngoài từ những nước mà thậm chí ở đó tiếng Anh không phải ngôn ngữ mẹ đẻ. Và rồi chúng ta lại tự hỏi tại sao nhiều người học tiếng Anh qua bao nhiêu năm mà không giỏi.
Giới trẻ của chúng ta chịu ảnh hưởng của Mỹ, của Hàn, và những thứ văn hóa nước ngoài nổi tiếng khác mà thậm chí không thèm quan tâm đến chính văn hóa và truyền thống của Việt Nam. Chương trình truyền hình và âm nhạc của chúng ta tràn ngập những thứ của nước ngoài hoặc chỉ là những bản sao không hơn không kém...
Chúng ta cần phải bắt đầu phát triển nội tại và tự hào rằng mình là người Việt Nam. Tự hào có nghĩa là đứng lên như một người đàn ông tôi gặp ở Đà Nẵng, anh từ chối việc phải bỏ đất của mình cho những người nước ngoài thuê.
Bản thân tôi cũng được đối xử khác biệt vì người Việt Nam nghĩ tôi là một người nước ngoài. Như rất nhiều người đã nói với tôi: "Chuyến đi này sẽ dễ dàng hơn nhiều bởi vì anh vẫn là một người Mỹ. Nếu anh là một người Việt Nam như chúng tôi thì sẽ khó hơn nhiều”.
Tình đoàn kết từng là sức mạnh của chúng ta đang mờ nhạt dần, ngay cả ở vùng nông thôn. Tại Hà Tĩnh, tôi đi thăm hai xã ngay cạnh nhau, cùng một môi trường sống, nhưng người dân ở một xã thì giàu, trong khi xã còn lại thì nghèo hơn và rất nhiều hoàn cảnh khó khăn.
Ở Hà Nội, không khó để bắt gặp những người qua đường, thậm chí là những người phụ nữ lớn tuổi ngã xe mà không ai dừng lại giúp đỡ.
“Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết”, và theo tôi, sự chia rẽ, mất kết nối sẽ khiến chúng ta đi đến đường cùng. Suốt chuyến đi, không một lần tôi nghe thấy một lời khen, chỉ có sự chỉ trích về những người hàng xóm, những người khác xã, khác tỉnh, hay người vùng này thế này, vùng kia thế nọ. Đã đến lúc chúng ta phải dừng lại và nhận ra rằng chúng ta chỉ đang làm khó, làm khổ chính đồng bào chúng ta mà thôi.
Bắt đầu chẳng bao giờ là muộn, và chúng ta phải bắt đầu ngay. Đã đến lúc chúng ta phải bỏ qua tất cả những thứ khác biệt để đoàn kết vì một mục đích chung là bảo vệ và bảo tồn Việt Nam cho các thế hệ sau này.
Cho dù sinh ra ở Mỹ, Việt Nam chính là quê hương tôi, dòng máu của tôi là dòng máu Việt, tôi là một người Việt. Bởi vậy tôi kêu gọi tất cả những người yêu đất nước này, quan tâm đến đất nước này hợp lại, để chúng ta có thể xây dựng một Việt Nam tốt đẹp hơn cho tương lai".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét