Sự di cư được coi
là đặc trưng của loài người. Từ một nguồn gốc lúc đầu là ở Châu Phi, các nhóm
người đã toả đi chiếm cứ tất cả các vùng đất của hành tinh này. Sự di cư thường
kéo theo sự phổ biến các tư tưởng văn hoá, tập quán kỹ thuật từ vùng này sang
vùng khác.
Nguyên nhân cơ bản, di cư của các nhóm lớn các tộc người thường là
do thừa dân số, sức ép dân số quá lớn, thiếu tài nguyên tư liệu sản xuất. Mặt
khác khi trong xã hội xảy ra các cuộc xung đột, chiến tranh; con người cũng tự
tìm đến nơi yên bình để làm ăn sinh sống. Ngoài ra việc di cư cũng do một số
nguyên nhân khác như đi công cán theo nhiệm vụ, trốn chạy nhà cầm quyền bị lưu đày
hay bị bán làm nô lệ, cho làm con nuôi.
Từ thế kỷ thứ 13 đến nay, các
thế hệ con cháu nhà Trần đã từng di cư từ miền Nam Trung Quốc, xuống vùng Hải
Dương, Thái Bình sang Nam Định, lên Kinh Thành, ra Quảng Ninh lập trường phái
Trúc Lâm vào Thanh Hóa theo Nhà Lê…Đến nay hậu duệ nhà Trần đã có mặt ở khắp
các vùng miền trên cả nước và nhiều nước khác nhau trên khắp thế giới.
Suốt những năm của thế kỉ 20
cho đến nay, các bậc ông cha và con cháu thuộc Dòng họ Cao Trần, phần đông làm
ăn sinh sống tại quê Hoành Nha Giao Tiến và các xã lân cận. Năm đói 1945 nhiều
gia đình đã phải đi kiếm sống trên các tỉnh miền núi như Thái Nguyên, Bắc Cạn,
Yên Bái, Lào Cai. Trong những năm kháng chiến, quê hương Giao Tiến là vùng
tranh chấp giữa Việt Minh và Pháp, nhiều gia đình đã di cư từ quê ra thành phố
như Hà Nội, Hải Phòng. Cuộc di cư có tính chất quy mô chính trị lớn, đó là cuộc
di cư vào Nam năm 1954. Khi miền Bắc phát triển kinh tế tập thể, nhà nước tổ
chức cho bà con từ các tỉnh đồng bằng lên các tỉnh miền núi và đến các vùng mật
độ dân số thấp. Do vậy mà con cháu Dòng họ Cao Trần đã có mặt tại các tỉnh
thuộc Tây Bắc và Việt Bắc gày càng đông đúc hơn. Trong số này nhiều người đã
quay trở lại quê nhà bởi quê mới không phải là vùng đất hứa. Cho đến sau năm
1975 khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, một cuộc di cư mới lớn hơn quy mô hơn
vào các tỉnh thành phia Nam. Tập trung đông hơn cả là thành phố Hồ Chí Minh,
Vũng Tàu, Nha Trang, các tỉnh Tây Nguyên và Nam bộ. Những năm 90 của thế kỉ 20 và những
năm đầu thế kỉ 21, do tính chất năng động của các tỉnh phía Nam, do điều kiện
thời tiết khí hậu, đất đai thổ nhưỡng, kinh tế biển, công nghiệp dầu khí và
công nghiệp nhẹ, công nghiệp phụ trợ đã thu hút một lực lượng lớn nhân lực từ
phía Bắc trong đó có nhiều con cháu của dòng họ.
Qua nhiều lần có dịp tiếp xúc,
tôi luôn tìm hiểu đời sống tư tưởng tình cảm của các bậc cha bác anh chị em con
cháu đi làm ăn xa quê, đồng thời cung cấp thông tin để người thân nắm được tình
hình dòng họ và quê hương trong những năm tháng gần đây. Nhìn chung các gia đình và
từng thành viên trong dòng họ khi xa quê vào các tỉnh phía Nam, đều có cuộc
sống công việc ổn định và liên tục phát triển, nhiều gia đình thành đạt có mức
thu nhập cao hơn nhiều lần so với ở quê nhà. Số gia đình có hoàn cảnh khó khăn
hầu như rất ít. Tại các đia phương xa quê, các bậc cha bác và con cháu trong
dòng họ đã tập trung lại trong những ngày giỗ, hoặc ngày Tết, tạo điều kiện về
việc làm, giúp đỡ hỗ trợ về đất đai nhà cửa vốn liếng, động viên chia sẻ lúc
khó khăn.
Bài học cho mỗi thành viên
trong dòng họ để có cơ hội phát triển: trước hết là tinh thần tự vượt khó chăm
chỉ và được học hành chu đáo khi có điều kiện. Điều quan trọng nữa là cần năng
động biết hợp tác và tận dụng có hiệu quả sự hỗ trợ của người thân.
Có nhiều thành viên trong dòng
họ khi xa quê mà tôi gặp vẫn một lòng đau đáu nhớ về dòng họ, cha ông. Muốn tìm
hiểu về sử, phả về dòng họ, tổ tiên và trân trọng tình huyết thống. Đây là xu
hướng chiếm đa số. Ở đây phải kể đến các Chi nhánh họ Cao Trần tại Bạch Long-Giao Thủy do cụ Cao Lương Sách (đời 11) thành lập, Chi nhánh họ Cao Trần tại Giao
Thiện-Giao Thủy do cụ Cao Hưng Lợi (đời 11) thành lập, Chi nhánh họ Cao Trần
tại Làng Vàng Gia Phú Bảo Thắng Lào Cai do cụ Cao Trần Mạnh (đời thứ 11) ) thành lập, Chi nhánh họ Cao Trần tại Hải Phòng do cụ Cao Trần Thoan (đời
thứ 11) ) làm trưởng chi nhánh, Chi nhánh họ Cao Trần tại Hà Nội do ông Cao Văn
Hồng (đời thứ 12) làm trưởng chi nhánh.
Bên cạnh đó cũng không ít
thành viên không mấy quan tâm đến điều đó. Còn có những ý kiến trách móc thậm chí thù oán người
thân họ hàng, bản thân họ không cảm thông với quá khứ lịch sử hoặc không có lòng vị tha thiếu ý chí tự
phấn đấu vươn lên. Lượng thành viên này chiếm số ít.
Sau khi công trình xây dựng
nhà thờ Họ Cả hoàn thành là việc biên tập lịch sử dòng họ, viết Tộc Phả và Gia
Phả để hậu duệ hiểu và nắm được thông tin đầy đủ về dòng họ, gia đình, người
thân của mỗi chúng ta một cách đầy đủ và sâu sắc hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét