Kính lạy Anh linh Tiên tổ dòng họ Cao Trần.
Kính thưa các vị đại biểu dòng tổ Trần Chân Thường, Nghệ An thuộc dòng họ Trần Nguyên Hãn Việt Nam.
Thưa toàn thể các thế hệ anh em con cháu chắt: trai dâu gái rể, nội ngoại.
Lời đầu tôi xin trân trọng cảm ơn các quý vị đại biểu, các bậc kì lão và toàn thể các thế hệ con cháu trong dòng họ Cao Trần đã về dự Lễ tế chiêm bái Thái tổ họ Cao Trần năm nay. Xin chúc các quý vị cùng gia đình năm mới mạnh khỏe, an khang, hạnh phúc, vạn sự như ý.
Tổ tiên ta từ xưa đã dạy rằng:
“Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu
Người ta nguồn gốc từ đâu?
Tổ tiên có trước rồi sau có mình”.
Với đạo lí “uống nước nhớ nguồn”, nhật kị Thái tổ tự Vô Ý năm nay, Ban Lễ tiết họ Cao Trần tổ chức Lễ tế Tổ đầu Xuân Giáp Thìn để quy tụ các thế hệ con cháu trong họ về đây chiêm bái tổ tiên và mừng khánh thành công trình tu tạo khuôn viên mặt tiền từ đường họ Cả và mộ Thái tổ đã thành công tốt đẹp.
Kính thưa các quý vị: Họ Cao Trần Giao Tiến là hậu duệ của tổ Trần Công Ngạn, thuộc dòng tổ Trần Pháp Độ Nghệ An, dòng họ Tả tướng Quốc Trần Nguyên Hãn. Đôi câu đối cổ trong Nhà lưu niệm họ Cao Trần đã khẳng định họ gốc và nơi phát tích của dòng họ:
“Truyền thế đương sơ Trần duệ xuất. Khởi gia tự tích Ái Châu lai”.
Nghĩa là: Truyền cho đời sau, ban đầu họ ta là họ Trần. Phát tích gia tộc chuyển nhà từ Thanh Hóa đến đây.
Do biến cố lịch sử, Thái tổ tự Vô Ý, từ thôn Tứ Trụ xã Thọ Diên, Thọ Xuân, Thanh Hóa, thủ phủ của nhà hậu Lê, mang theo Thái Tôn về làng Hoành Nha từ thế kỉ 17. Tổ Vô Ý đã thay tên đổi từ họ Trần thành họ Cao để mai danh ẩn tính. Trải qua 4 thế kỉ, họ Cao Trần chúng ta đã phát triển thành một dòng họ lớn như hiện nay.
Tổ tiên họ Cao Trần, từ khi về đất mới đã xây dựng truyền thống và phong cách sống tốt đẹp cho dòng họ. Con cháu của tổ từ đời thứ 3 trở đi đã có người ra làm việc ở địa phương và nhà nước như: Thập lý hầu, Tri sự, Tri sự điện tiền, Lang tướng, Trung lang tướng…
Trải qua các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nhiều người đã chiến đấu dũng cảm, hy sinh xương máu, trong đó có nhiều liệt sỹ và thương binh. Nhiều người giữ các chức vụ quan trọng trong Quân đội và Nhà nước. Trong họ có cụ bà được Triều đình phong kiến tặng 4 chữ “Tiết hạnh khả phong” và gần đây 4 Cụ bà được Chủ tịch nước phong tặng và truy tặng “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Sự nghiệp học hành của con cháu trong họ ngày càng được phát triển. Tính đến nay đã có nhiều người có bằng Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ, học hàm Giáo sư, Phó giáo sư, cán bộ Cao cấp, có chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh. Họ Cao Trần đã có Quỹ khuyến học từ năm 2000, để khuyến khích, động viên khen thưởng thường xuyên hàng năm cho con cháu, được Hội khuyến học tỉnh Nam Định công nhận là “Dòng họ học tập tiêu biểu”. Tháng 3 năm 2017, tại Đại hội đại biểu dòng họ Trần Nguyên Hãn Việt Nam nhiệm kỳ II, đã tôn vinh Họ Cao Trần Giao Tiến là “Dòng họ Tinh hoa”.
Từ đường họ Cao Trần được xây dựng lần đầu vào năm 1687. Sau nhiều lần di chuyển địa điểm, từ đường được xây dựng lại ở vị trí hiện tại vào năm 1873-1874. Từ đường được nâng cấp vào đầu Thế kỉ 20, rồi được sửa chữa trùng tu lần thứ 2 vào năm 1976-1977. Sửa chữa nâng cấp lần 3 vào năm 1988. Năm 2012 xây mới lần thứ 4. Năm 2023, từ đường được nâng cấp khuôn viên mặt tiền và mộ tổ, có cảnh quan như hiện nay. Lăng mộ họ Cả dòng họ Cao Trần tại Nghĩa trang Bách Linh được xây dựng năm 1997, qua 2 lần nâng cấp đến nay vẫn là khu lăng mộ có kiến trúc đẹp và uy linh.
Trong những lần nâng cấp sửa chữa các công trình tâm linh của dòng họ, đã huy động được lượng lớn công sức, hiện vật và tiền của của các thế hệ con cháu trong dòng họ. Họ ta đã có cả hệ thống các công trình nhà thờ và lăng mộ tổ tiên từ họ Cả cho đến các phái, tiểu phái, chi, nhánh…
Trong lần nâng cấp khuôn viên Nhà thờ họ Cả năm 2023, ngoài việc đóng góp theo quy định, nhiều gia đình và cá nhân đã tiến cúng kinh phí và hiện vật trị giá cao. Tiêu biểu như:
- Gia đình cụ Cao Trần Thịnh cúng hiện vật trị giá 100 triệu. Ba bức Nghi môn trị giá 47 triệu 300 ngàn.
- Gia đình cụ Cao Thị Tám (tức Hoàng Thị Liệu) 50 triệu đồng.
- Gia đình ông Cao Trần Nguyên (Quảng Ninh) 50 triệu đồng và 2 chậu cây Sanh cảnh trị giá 120 triệu đồng.
- Gia đình ông Cao Quốc Sủng (Hà Nội) 10 triệu đồng.
- Gia đình ông Cao Tiên Sử (Đồng Nai) 50 triệu đồng.
- Gia đình ông Cao Trần Tùng (con trai cụ Thịnh) tiến cúng hiện vật trị giá 100 triệu đồng.
- Gia đình bác Cao Đình Chương (chi tổ Lương Phủ, phái Ất) 20 triệu đồng.
- Gia đình bác Cao Duy Khánh (Cộng hòa Séc, phái Ất) 30 triệu đồng.
- Gia đình các bác, con cháu cụ Cao Trần Cao ( chi tổ Lương Phủ phái Ất, ở Quảng Ninh) tiến cúng phần đá xanh Thanh Hóa ốp trên mộ Thái tổ trị giá 90,7 triệu đồng.
- Gia đình bác Cao Tiến Thành (Chi tổ Đồ Trạch, phái Ất) tiến cúng hiện vật, trị giá 70 triệu đồng.
- Gia đình bác Cao Thành Đô (Hà Nội, phái Ất) tiến cúng 10 triệu đồng.
......
Từ thời xa xưa cho đến ngày nay, họ Cao Trần luôn là dòng họ lớn và có uy tín trong làng xã. Bởi nền nếp gia phong, tôn ty trật tự trong họ và các gia đình luôn được coi trọng. Các thế hệ cha ông và con cháu họ Cao Trần luôn có ý chí tiến thủ, tích cực học tập, lao động sản xuất, thương yêu đùm bọc, đoàn kết giúp đỡ nhau lúc khó khăn cũng như khi thuận lợi. Chúng ta nguyện phấn đấu làm rạng danh tiên tổ hiển vinh trong quá khứ và mong làm được nhiều hơn thế nữa trong tương lai. Phấn đấu nâng cuộc sống gia đình lên mức ngày càng cao. Phát tâm công đức tri ân tiên tổ, đưa dòng họ Cao Trần thành dòng họ mẫu mực về các công trình tâm linh.
Nhân dịp đầu xuân năm mới thay mặt Ban lễ tiết dòng họ Cao Trần, tôi xin kính chúc các bậc kì lão, các quý vị đại biểu và toàn thể các thế hệ thành viên trong dòng họ, có nhiều sức khỏe, an khang thịnh vượng, làm việc học tập công tác đạt nhiều thành công viên mãn.
Xin kính chúc Đại lễ tế Tổ thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn toàn thể các quý vị!
Ông Cao Trần Thiện - Trưởng ban Lễ tiết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét