Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2020

THỬ ĐI TÌM NGUỒN GỐC ĐỊA DANH LÀNG HÒE NHA XƯA NAY LÀ LÀNG HOÀNH NHA

Cao Xuân Thiện

Trong cuốn Hòe Nha lục bằng chữ Hán (rất tiếc đến nay đã bị thất truyền, chỉ còn các bản dịch tam sao thất bản) có bản ghi:

“Thời kỳ đầu thế kỷ XV, làng ta có tên là ấp Hòe Nha. Vào năm Diên Ninh thứ 3 (1456), đời vua Lê Nhân Tông (1443-1459), dòng họ Nguyễn do ông Nguyễn Thịnh Công, quê gốc ở làng Hòe Nha, phía Bắc thành phố Nam Định, xuống khai hoang ở vùng biển huyện Giao Thủy, đã lấy tên làng cũ đặt cho vùng đất mới”. 

Sau này vào đầu những năm 1980, nhóm Biên tập, Lịch sử xã Giao Tiến lại biên tập: Làng ta ban đầu có tên là ấp Hòe Nhai. Vào năm Diên Ninh thứ 3 (1456), đời vua Lê Nhân Tông (1443-1459), dòng họ Nguyễn do ông Nguyễn Thịnh Công, quê gốc ở làng Hòe Nhai, phía Bắc thành Hà Nội, xuống khai hoang ở vùng biển huyện Giao Thủy, đã lấy tên làng cũ đặt cho vùng đất mới, sau này gọi trại đi là làng Hoành Nha… Vậy đây có thể là điều chính xác? Đến nay cũng chưa có tài liệu nào chứng minh điều đó là xác đáng.


Bản thân người viết cũng đã tìm hiểu địa danh có liên quan đến “làng Hoành Nha”, “làng Hòe Nha”, “làng Hòe Nhai” ở phía Bắc Thành phố Nam Định, nhưng không thấy có.

Địa danh “ấp Hòe Nhai” phía Bắc thành phố Hà Nội, cho đến nay vẫn còn con đường Hòe Nhai. Vậy ta thử tìm hiểu địa danh Hòe Nhai Hà Nội có từ khi nào?

Từ đường Yên Phụ đến phố Phan Đình Phùng, cắt ngang qua phố Hàng Than đến đầu phố Quán Thánh.

Đây nguyên là địa phận các thôn Thạch Khối (thượng), Hòe Nhai (sau đổi là Giai Cảnh) và Yên Thành, tất cả đều thuộc tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Xương cũ.

Nay thuộc hai phường Nguyễn Trung Trực và Quán Thánh, quận Ba Đình.

Sở dĩ có tên là Hòe Nhai vì tương truyền rằng đời Lý (1010 – 1225) có lệ quy định các triều thần mỗi người phải trồng một cây hòe trên con đường từ hoàng thành ra tới bến Đông, do đó mà thành tên Hòe Nhai, tức là “đường cây hòe”. Từ tên một con đường, Hòe Nhai được lấy làm tên thôn; và chùa Hồng Phúc ở tại thôn này cũng được gọi là chùa Hòe Nhai.

Như vậy liệu có phải cư dân Nguyễn Thịnh Công, di cư từ thôn Hòe Nhai phía Bắc thành Hà Nội, nơi sinh sống của các quan trong triều đình, xuống vùng đất mới trấn Sơn Nam hạ và đặt tên quê mới là làng Hòe Nha, để rồi đổi thành làng Hoành Nha từ khi nào?


Một khả năng nữa rất có thể xảy ra, theo tìm hiểu của cá nhân tôi. Theo địa chí thời hậu Lê, địa danh làng Hòe Nha thuộc phủ Thụy Anh xứ Sơn Nam. Nay là thôn Hòe Nha xã Thụy Chính huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình. Đây cũng là thôn có vị trí địa lí thuộc vùng Bắc Đông Bắc xứ Sơn Nam xưa và tỉnh Thái Bình nay. Thời hậu Lê, và thời nhà Nguyễn: Thái Bình và Nam Định đều thuộc xứ Sơn Nam (đến thời vua Quang Trung, đổi thành trấn Sơn Nam). Mãi đến năm 1789 sông Hồng đổi cửa mới ngăn cách đất Tiền Hài và Giao Thủy như ngày nay, trước đây 2 huyện này liền một dải.

     Tôi mong muốn có dịp tiếp xúc với anh Nguyễn Phương để trao đổi thông tin gia phả dòng họ Nguyễn, những cư dân đầu tiên xuống lập làng Hoành Nha xưa và xã Giao Tiến ngày nay.

     Đây cũng chỉ là suy nghĩ cá nhân, cần có được tài liệu kiểm chứng!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét