Thứ Năm, 16 tháng 4, 2020

VỢ CHỒNG LÀ NGHĨA TAO KHANG

Cao Xuân Thiện
Sau khi viết bài về chủ đề Hôn nhân, bạn bè động viên người viết cũng thấy hiệu quả sau hơn một năm thử sức học chữ vuông thời nay chẳng ai muốn học. Bác Bảy đề nghị tôi chiết tự chữ Hạnh phúc, nhưng tôi thấy khó viết về 2 chữ này. Nay đọc sách thấy có chữ Tào Khang (thực ra là Tao Khang 糟糠 do cách đọc chệch đi của người Việt) lại gắn với vợ chồng. Chúng ta thử đi tìm hiểu điển tích của những chữ này.
Tích xưa: Tống Hoằng nhà nghèo, có chí học tập. Vợ chồng sống đạm bạc, vất vả nhưng vẫn yêu quý nhau. Tống Hoằng sau thi đỗ làm quan đến tước Thượng Khanh. Tống Hoằng là quan hiền lương dưới triều vua Quang Vũ Đế (năm thứ 6 TCN - 57 CN), người sáng lập triều Đông Hán (tức Hậu Hán). Vợ ông Hoằng bệnh, bị mù và ông luôn đích thân săn sóc, đút cơm cho vợ. Chị vua góa chồng, rất ái mộ Tống Hoằng. Vua biết ý, một hôm ướm lời hỏi dò bụng Hoằng: “Ngạn ngữ nói: Sang đổi bạn, giàu đổi vợ, có vậy chăng?” (Ngạn vân: Quý dịch giao, phú dịch thê, hữu chư?)
Hoằng đáp: “Thần nghe: Bạn bè chơi từ thuở nghèo hèn chớ nên quên, người vợ tấm cám chớ hắt hủi.” (Thần văn: Bần tiện chi giao mạc khả vong, tao khang chi thê bất hạ đường)Vua hiểu Tống Hoằng một lòng chung thủy, vua bỏ ý định tác hợp cho chị.
Đi vào xét nghĩa đen của 2 chữ Tao Khang 糟糠.Theo từ điển Hán Việt có nghĩa là: Thức ăn thô xấu, kham khổ. Chỉ người vợ từ thuở hàn vi. Cả 2 chữ này đều thuộc bộ Mễ: lúa gạo, lương thực chính để nuôi sống cư dân lúa nước như chúng ta.
Sau khi chưng cất rượu, còn lại phần xác (bã rượu, hèm); chữ Hán gọi bã này có âm là Tao (sediment or dregs from a distillery) nhưng người Việt quen nói chệch đi là tào.
Lớp vỏ trấu bao bên ngoài hạt thóc gọi là Khang (chaff, bran, husk). Tao khang chi thê (là người vợ thời khốn khó, cũng ám chỉ người vợ cả) cưới khi người chồng còn nghèo; tiếng Việt còn gọi là người vợ cám bã (hay tấm mẳn). Bất khả hạ đàng (đường): Không thể đưa xuống nhà dưới (không thể hắt hủi, không thể bỏ rơi).
Tao khang chi thê bất hạ đường nghĩa là (khi chồng sang giàu thì) không thể bỏ được người vợ cùng chịu cảnh nghèo hèn với mình (the wife who shared his poverty must not be put aside in his prosperity).
Sau này trong các tài liệu sách vở của Trung Quốc và đương nhiên cũng du nhập vào Việt Nam như một Thành ngữ:
TÀO KHANG CHI THÊ BẤT HẠ ĐƯỜNG
BẦN TIỆN CHI GIAO MẠC KHẢ VONG
糟糠之妻不下堂
貧賤之交莫可忘
Tích xưa đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Nhiều người đến với nhau xây dựng hạnh phúc, khi nghèo khổ thì có nhau, đến khi có bát ăn bát để lại “xẻ đàn tan nghé”. Bạn bè khi hoạn nạn sống chết có nhau, khi bình yên giàu có thì không đến với bạn một thời gian khổ với ta nữa. Do vậy mới dẫn đến “Giàu bỏ vợ (hoặc chồng), sang bỏ bạn hữu (hoặc người thân).
Trong Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du viết “Mặn tình cát luỹ (葛藟) nhạt tình tao khang (糟糠)”. Cát lũy là thứ bột lọc tinh chất, dân dã gọi là bột sắn dây. Tao khang như trên đã viết là thứ có thể ăn được nhưng ở dạng thải loại. Đó cũng có thể là bản năng của con người ham cái ngon mới mà quên cái khó nhằn xưa mà mình đã từng ăn.
Bài học đạo đức xưa ngẫm lại vẫn có ý nghĩa lớn đối với đa số chúng ta thời nay và cả đến con cháu chúng ta mai sau. Tôi muốn tìm một câu kết nào đó thật hay và sâu sắc hơn nhưng chưa nghĩ ra được …nên dùng câu thơ sau:
Vợ chồng sướng khổ có nhau.
Bạn bè tình nghĩa trước sau hài hoà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét