Cao Xuân Thiện
Nhiều thế hệ trước đây và hiện nay của
dòng họ Cao Trần, luôn trăn trở muốn tìm hiểu kỹ hơn về các mốc
thời gian và không gian của tổ tiên. Các tài liệu sử phả, dù được
ghi chép lưu truyền, nhưng cũng có tài liệu đã thất truyền. Với hy
vọng mong manh, tôi muốn tìm lại những gì mà tổ tiên ta đã để lại.
Bắt đầu từ việc, đọc để hiểu các bộ câu đối đã được gắn với từ
đường dòng họ trong hơn ba trăm năm qua. Đây là việc không dễ, nhưng
thật may mắn tôi đã gặp được các cao nhân, nhiệt tình chỉ bảo, giúp
đỡ tôi như những người thầy.
Hiện nay trong Nhà lưu niệm của dòng họ
còn gắn 5 bộ câu đối cổ, tôi dự đoán có bộ thứ nhất (gọi tắt là
Bộ thứ Nhất), như một tuyên ngôn khởi đầu của dòng họ khi Thái tổ
tự Vô Ý ra đất Hòe Nha lập cơ nghiệp. Sau khi đã đối chiếu tôi xin
chép lại phần chữ Hán và các cụ trước đây đã phiên âm sang nghĩa
Hán Việt như sau.
Bộ thứ Nhất:
傳 世 當 初 陳 裔 出
起 家 自 昔 愛 州 来
TRUYỀN THẾ ĐƯƠNG SƠ
TRẦN DUỆ XUẤT
KHỞI GIA TỰ TÍCH ÁI
CHÂU LAI.
Bộ thứ 2:
家 傳 信 厚 眙 谋 逺
世 慕 诗 書 雅 範 存
GIA TRUYỀN TÍN HẬU DI
MƯU VIỄN
THẾ MỘ THI THƯ NHÃ
PHẠM TỒN
Bộ thứ 3:
接 樹 滋 培 均 美 蔭
扥 根 深 厚 衍 繁 枝
TIẾP THỤ TÀI BỒI QUÂN
MỸ ẤM
THÁC CĂN THÂM HẬU DIỄN
PHỒN CHI
Bộ thứ 4:
禮 義 門 風 憑 襀 荫
堅 貞 壹 節 幸 完 名
LỄ NGHĨA MÔN PHONG
BẰNG TÍCH ẤM
KIÊN TRINH NHẤT TIẾT
HẠNH HOÀN DANH.
Bộ thứ 5:
剱 䑓 弓 室 郎 将 風 標 四 十 前
微 逖 孤 臣 留 取 丹 心 還 造 物
薬 圃 書 櫉 舍 翁 心 亊 五 十 後
太 平 人 瑞 记 存 洪 福 蔭 馨 兒
KIẾM ĐÀI CUNG THẤT
LANG TƯỚNG PHONG TIÊU TỨ THẬP TIỀN VI ĐỊCH CÔ THẦN LƯU THỦ ĐAN TÂM HOÀN
TẠO VẬT
DƯỢC PHỐ THƯ TRÙ
XÁ ÔNG TÂM SỰ NGŨ THẬP HẬU THÁI BÌNH NHÂN THỤY KÝ TỒN HỒNG PHÚC ẤM HINH NHI.
Rất
tiếc tôi không thể xác định chính xác tác giả và thời gian lập bốn
bộ câu đối đầu (từ bộ thứ Nhất đến bộ thứ 4). Riêng bộ thứ 5, tác
giả viết là Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị, viết vào khoảng năm
1870, ca ngợi công đức cụ Cao Đăng Dụng, đời thứ 6, phái Trưởng (Giáp
phái), cành Cả, dòng họ Cao Trần. Đây là bộ câu đối có giá trị lớn
về lịch sử, văn hóa cũng như nội dung và cách viết của một học giả
có tầm cỡ Quốc gia. Do trình độ chữ nghĩa của tôi không sâu, nên tôi
cũng chưa thể hiểu và nói hết nội dung của từng bộ câu đối. Trong
phạm vi bài này tôi muốn viết đôi điều cảm nhận về Bộ câu đối thứ
5. Các bộ câu đối khác tôi cần có thời gian để tìm hiểu thêm.
Tricha
Gia phả dòng họ Cao Trần năm 1997, viết về cụ Cao Đăng Dụng như sau:
“Cao Quý Công huý Dao, tự Đăng Dụng, hiệu Từ Đạo
Tiên Sinh
Sinh năm: Kỷ Mão (1759).
Ngày mất: 6 - 9, năm Mậu Thân (1848), thọ 90 tuổi.
Mộ quy lăng nghĩa trang
Bách Linh, thôn Quyết Tiến.
Ông là con trai truởng cụ Bá Tuân. Thời triều nhà Lê ông làm Trung lang tướng,
sau chuyển sang hàng ngũ quân Tây Sơn của nguyễn Huệ, khi triều Tây Sơn mất,
ông bỏ về quê làm thuốc để lập nghiệp.
Lời án của Tổ biên tập
thế phả 1869 như sau:
Ông Đăng Dụng thiên tư trung hậu, tuổi trẻ có ý chí nghị lực, đi sâu vào
nghiệp học cùng với các danh sỹ và liêu hữu, trải qua nhiều khoa trường thi cử,
nhưng không thành tựu. Về già ông đi sâu vào thuyết phong thủy và y nghiệp tinh
thông, chữa bệnh giúp đời, không đòi hỏi tiền công, để lại công đức cho đời sau
(cháu Cao Vĩnh Phúc kính ghi).
Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị, một nhà nho yêu nước danh vọng sinh thời,
về thiết trướng tại xã năm 1869, viết cho họ đôi câu đối liễn ký sự về thân thế,
sự nghiệp của ông như sau:
“Kiếm đài cung thất,
Lang tướng phong tiêu tứ thập tiền vi dịch cô thần, lưu thủ đan tâm hoàn
tạo vật.
Dược phố thư trù, xá nhân
tâm sự, ngũ thập hậu thái bình nhãn thuỵ, ký tồn hạnh phúc ấm linh
nhi”
Lược dịch như sau:
“Thanh gươm yên ngựa, cờ tướng gió bay, bốn mươi năm trước,
chút nghĩa cô thần, giữ tấm lòng son cùng tạo hoá.
Gánh thuốc túi thơ, xá nhân tâm sự, năm chục năm
sau vì đời tận tuỵ, còn lưu hồng phúc để đời sau”.
Đôi câu đối tự sự trên
đã tóm tắt đầy đủ về đạo đức thân thế và sự nghiệp của Tổ vậy (cháu Cao Xuân
Thiệu kính ghi).
Trước ông đã lấy một bà ở Diêm Điền, Thái Bình, sinh
được một con trai húy Lân bị mất tích. Năm 1995 mới được biết: do lũ lụt năm
1787 sông Hồng đổi dòng, mở ra cửa Ba Lạt, cùng với binh lửa loạn ly, cụ bà và ông Lân lưu lạc ở
Thái Bình. Ngày nay con cháu ông Lân đã tìm về nhận họ. Ông Lân, tự là Dũng
Trí, định cư ở vùng Văn Lý, Hải Hậu, Nam Định và là Thuỷ tổ dòng họ Cao Trần ở
Hải Hậu, biệt chi của họ Cao Trần, xã Giao Tiến”. (Hết trích dẫn).
Căn cứ vào gia
phả viết về cụ Cao Đăng Dụng, so sánh với nội dung bộ câu đối, ta
thấy: trong chín mươi năm tuổi thọ, cuộc đời của cụ chia làm 2 giai
đoạn lớn. Từ khi còn nhỏ, cụ được nuôi dạy ăn học trưởng thành,
được theo đuổi con đường khoa bảng, tuy chưa đỗ đạt, nhưng cụ cũng
thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt trong dòng họ và trong làng xã. Sau
đó cụ tham gia việc quân, phò Vua Lê giúp nước. Cuộc đời làm quan của
cụ không mấy thành công, sau khi triều Tây Sơn sụp đổ. Ở độ tuổi đang
chín: Bốn mươi, cụ trở về quê làm nghề Thuốc và đọc sách, giúp đời,
trong suốt 50 năm cuối của cuộc đời cụ.
Sau khi tìm hiểu
bản mộc Bộ câu đối trên đây tại Nhà lưu niệm, bản thân tôi nhận thấy:
sau hơn một trăm năm, kể từ khi Thái tổ lập cơ nghiệp, đến đời thứ 5
và các đời thứ 6, thứ 7 là các đời con cháu dòng họ Cao Trần phát
triển thành đạt nhất, trong đó có cụ Cao Đăng Dụng. Quay về với vế
thứ nhất của bộ câu đối, những chữ đầu từ 1 đến 4: KIẾM ĐÀI CUNG THẤT,
tra Từ điển Hán Việt, tôi hiểu là: Đốc kiếm bao cung. Các chữ thứ 5
đến 8: LANG TƯỚNG PHONG TIÊU, tôi tra ra là: Quan tướng đầu gió. Như vậy
cụ Đăng Dụng là quan tướng Bộ binh với vũ khí là gươm và cung tên,
xông pha “nơi đầu ngọn gió”. Các chữ từ 9 đến 11: TỨ THẬP TIỀN,
nghĩa là bốn mươi năm trước (đầu). Các chữ thứ 12 đến 15: VI ĐỊCH CÔ
THẦN. Ở đây xin phép Hương linh Ban biên tập Gia phả dòng họ năm 1997,
kẻ hậu sinh đã tra từ điển và trao đổi thảo luận rất kỹ với các
chuyên gia Hán tự, chữ mà các cụ chép là Dịch, không đúng với bản
gốc, chữ Dịch không thuộc bộ Sước, trong bản gốc có bộ Sước, căn cứ
vào tự hình thì đây là chữ Địch: xa, xa cách. Tôi đã nhờ Chuyên gia Ngôn
ngữ GS TS Vũ Đức Nghiệu và TS Hán Nôm Đinh Thanh Hiếu kiểm tra lại. Vi
địch Cô thần, theo sách của Mạnh Tử: Bầy tôi thất sủng bị nhà
vua xa lánh không tin dùng. Sau khi
triều Tây Sơn sụp đổ, Vua Gia Long không dùng người của Tây Sơn như cụ.
Các chữ từ 16 đến 19: LƯU THỦ ĐAN TÂM, nghĩa là giữ lại tấm lòng son
(trái tim đỏ). Các chữ 20 đến 22: HOÀN TẠO VẬT, nghĩa là trả lại
cho Trời, trả lại cho tạo hóa.
Tiếp theo vế thứ
2 của bộ câu đối, các chữ từ 1 đến 4: DƯỢC PHỐ THƯ TRÙ, nghĩa là:
vườn thuốc hòm (rương) sách. Bản dịch gia phả 1997, chuyển thể thành
dạng câu đối Nôm: gánh thuốc, túi thơ để mô tả nghề thuốc và thú
chơi tao nhã của vị học sỹ. Bản gốc “vườn thuốc hòm sách” bao hàm
nghĩa rộng hơn nhiều. Các chữ từ 5 đến 8: XÁ ÔNG TÂM SỰ, nghĩa là
ông cụ già về quê điền xá, làm việc vì cái tâm. Gia phả 1997 đã
chép nhầm chữ ông thành chữ nhân. Các chữ từ thứ 9 đến 11: NGŨ THẬP
HẬU, nghĩa là năm chục năm sau. Các chữ từ 12 đến 15: THÁI BÌNH NHÂN
THỤY, nghĩa là: cuộc đời rất bình yên của người tốt lành. Trong gia
phả 1997 chữ nhân do lỗi chính tả đã ghi thành chữ nhãn. Nhãn thụy
là mắt tốt. Nhưng bản gốc thực sự là chữ nhân, ai mới học chữ Hán
cũng có thể đọc được chữ nhân là người. Các chữ từ 16 đến 19: KÝ
TỒN HỒNG PHÚC, nghĩa là để lại (lưu lại, giữ lại, bảo tồn) phúc
lớn. Gia phả 1997 chép chữ hồng thành chữ hạnh, để khi đọc có thanh
trắc, khi Việt hóa lại chuyển về chữ hồng. Chữ hồng mới đúng: Hồng
Phúc đối với Đan Tâm, vì hồng (màu hồng) đối với đan (màu đỏ), phúc
(bụng, dạ, may mắn) đối với tâm (tim), còn chữ hạnh nghĩa là vui vẻ
mà thôi. Các chữ từ 20 đến 22: ẤM HINH NHI, nghĩa là: che chở người nối dõi hương khói (trai trẻ). Gia phả 1997 chép lỗi chính tả chữ
hinh thành chữ linh. Chữ linh, thuộc bộ hỏa 6 nét: linh hồn, tâm hồn,
tâm trí... nghĩa thì không sai lắm, nhưng không hay bằng chữ hinh. Chữ
linh không đúng với bản gốc là chữ hinh, thuộc bộ hương có tổng là
20 nét.
Như vậy, bốn mươi năm đầu đời, công lao bề tôi của bậc dũng tướng cụ trả về tạo hóa. Năm mươi năm sau công đức của người có tâm cụ dành cho người nối dõi khói hương.
Như vậy, bốn mươi năm đầu đời, công lao bề tôi của bậc dũng tướng cụ trả về tạo hóa. Năm mươi năm sau công đức của người có tâm cụ dành cho người nối dõi khói hương.
Bản phỏng dịch Việt
hóa bộ câu đối của Cụ tổng biên tập Gia phả họ Cao Trần năm 1997, đã
rất kỳ công, hay và giàu hình ảnh, nhưng con cháu cũng có chút điều
kiện được tiếp cận với các chuyên gia, người có kiến thức, nhờ sự
hỗ trợ của sách vở (từ điển) và công nghệ (internet) nên cháu cũng
mạn phép nêu đôi điều trên đây. Có chỗ nào không phải con kính mong
các cụ chỉ giáo về báo mộng.
Qua bài viết, tôi cũng xin trân trọng cảm ơn các
chuyên gia GS TS Vũ Đức Nghiệu, TS Đinh
Thanh Hưng. Tôi xin cảm ơn các bác bậc thầy của tôi về Hán tự, đã
chỉ bảo động viên giúp đỡ tôi về chữ nghĩa của các bậc Thánh hiền.
Trân trọng cảm ơn bác Nghị, 86 tuổi, Kỹ sư Máy hóa, nguyên du học sinh
Đại học Bắc Kinh Trung Quốc, quê ở huyện Đức Thọ Hà Tĩnh, vào Vũng
Tàu thăm con cháu. Nhà thơ Triệu Huấn 73 tuổi, quê Quốc Oai Hà Nội.
Kỹ sư, nguyên Giám đốc PMU1: Nguyễn Quang Toàn 76 tuổi (nick name Bu lu
khin), quê thành phố Đồng Hới Quảng Bình. Hai bác Huấn và bác Toàn
sống cùng chúng tôi trong khu chung cư 36 Nguyễn Thái Học, thành phố
Vũng Tàu. Cảm ơn Anh Cao Trọng Nghinh đã chụp ảnh gửi qua Zalo. Nội
dung bài viết có thể chưa đạt được độ chính xác cao, kính mong sự
thông cảm của các quý vị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét