Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2016

TRẦN THỦ ĐỘ, NGƯỜI DỰNG NGHIỆP TRIỀU TRẦN

Thái sư Trần Thủ Độ (1194-1264)

          Trần Thủ Độ là một nhân vật kiệt xuất trong những người kiệt xuất của lịch sử nước ta. Ông kiệt xuất không chỉ vì đã xây dựng nên một triều đại mới, triều Trần thay triều Lý một cách hòa bình êm đẹp mà còn ở tài kinh bang tế thế, đưa một đất nước loạn lạc tàn tạ lên thành một nước cường thịnh nhất trong lịch sử nước nhà.

          Sau khi Trần Tự Khánh chết, Lý Huệ Tông phong Trần Thừa làm Phụ quốc Thái úy – như thủ tướng kiêm Tổng tư lệnh quân đội ngày nay. Trần Thừa tiến cử Trần Thủ Độ làm người phụ tá, được Lý Huệ Tông phong làm Điên tiền chỉ huy sứ -.quản lĩnh các đạo quân bảo vệ kinh thành, trông coi mọi việc trong cung cấm.  

          Trần Thủ Độ sinh năm 1194, mất năm 1264, thọ 71 tuổi. Đời ông gắn bó với hai vương triều Lý Trần. Ông theo Trần Lý, Trần Tự Khánh đánh giặc bảo vệ triều Lý. Triều Lý suy vong không sức gượng dậy, triều Trần lên thay và phát triển. Ông vừa là một công thần khai quốc hàng đầu vừa là người trực tiếp lãnh đạo công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng lực lượng đánh bại cuộc xâm lược của đế quốc Nguyên Mông lần đầu tiên trong lịch sử thế giới.
          Lý Huệ tông bệnh ngày càng nặng lại không có con trai, chỉ sinh được hai con gái. Con gái lớn là Thuận Thiên công chúa đã gả cho Trần Liễu, con gái thứ hai là công chúa Phật Kim sinh tháng 10 năm 1218. Tháng 10 năm 1224 xuống chiếu lập công chúa Chiêu Thánh làm thái tử để nhường ngôi rồi xuất giá đi tu, Chiêu Thánh lên ngôi đổi niên hiệu là Lý Chiêu Hoàng. Tháng 10 năm 1225, xuống chiếu chọn  con em của quan viên trong ngoài vào phục dịch vua nhỏ trong đó có Trần Cảnh là con thứ của Trần Thừa, cùng tuổi với Lý Chiêu hoàng vào làm chức nội thị chánh thủ chi hậu.
          Đại Việt sử ký toàn thư viết; ”Một hôm đến phiên Cảnh bưng nước rửa vào hầu, Lý Chiêu Hoàng trông thấy Trần Cảnh rất ưa thích. Mỗi khi chơi đêm cho gọi Cảnh đến cùng chơi, thấy Cảnh đứng chỗ tối thì chạy đến trêu chọc, hoặc nắm lấy tóc hoặc đứng vào bóng. Có một hôm, Cảnh bưng chậu nước đứng hầu, Chiêu Hoàng rửa mặt lấy tay té nước ướt cả mặt Cảnh rồi cười trêu. Đến khi Cảnh bưng khăn trầu thì lấy khăn ném cho Cảnh. Cảnh không dám nói gì, về nói lại với chú Trần Thủ Độ. (người xưa thường coi những việc như vậy là điềm báo về một sự kiện) Thủ Độ nói: “Nếu thực có thế thì họ làm vua chăng? Chết cả họ chăng?” Lại một hôm, Chiêu Hoàng lại lấy khăn trầu ném cho Cảnh, Cảnh lạy xuống nói: “Bệ hạ có tha tội cho thần không? Thần xin vâng mệnh”. Chiêu Hoàng cười và nói: “Tha tội cho ngươi, Nay ngươi đẫ biết nói khôn rồi đó.” Thủ Độ sợ việc tiết lộ ra thì bị giết cả. Bấy giờ mới tự đem gia thuộc, thân thích vào trong cung cấm, sai đóng cửa thành và các cửa cung, cắt người coi giữ. Các quan vào chầu không được. Thủ Độ loan báo rằng:”Bệ hạ có chồng rồi”.Các quan đều nói xin chọn ngày vào chầu làm lễ yết kiến”.
  Thời gian này, các thế lực cát cứ lại trỗi dậy hoành hành, tranh chấp lẫn nhau và đều có ý nhòm ngó ngôi vua trong đó có Nguyễn Nộn chiếm cứ vùng Bắc Giang (gồm cả Bắc Ninh, Bắc Giang ngày nay) tự xưng là Hoài Đạo vương, Đoàn Thượng chiếm cứ vùng châu Hồng đều lực lượng rất mạnh. Các đốc quân, tù trưởng như họ Đinh ở Lương Sơn, Hòa Bình cũng mưu dựng nước làm hoàng đế, họ Hà ở Quy Hóa, họ Nông ở Cao Lạng cũng đang chiêu binh mãi mã, khuyếch trương thế lực. Ngoài biên ải, đế quốc Nguyên Mông đã chiếm hầu hết châu Âu đến tận Hắc Hải, phía Bắc đã đanh chiếm nước Kim, Tây Hạ, Cao Ly, đang xâm chiếm vung Quý Châu phía Tây Trung quốc với mưu đồ tiến xuống Đại Việt. Nhà Tống ở phương Bắc nước ta đang phải lo đối phó mối nguy quân Nguyên xâm lược, không thể sang can thiệp công việc của nước ta. Nhìn vào nội tình trong nước, vua mới 8 tuổi. nếu cứ giữ triều đại nhà Lý đã suy sụp với Lý Chiêu Hoàng làm vua thì khó tránh khỏi thảm họa diệt vong. Trần Thủ Độ nghĩ đến một triều đại mới với một vị vua anh minh có thể giữ cho đất nước ổn đinh và phát triển. Ông bàn với anh là Trần Thừa, nhưng Trần Thừa còn ngần ngại.
- Trần Thủ Độ nói: Bây giờ giặc dã trong nước nổi lên, ngoài biên ải quân Nguyên đang chuẩn bị kéo vào nước Đại Việt. Để Lý Chiêu Hoàng e mất nước. Đệ xem chỉ có Trần Cảnh có long nhan, tính rộng rãi, biết thương người, học vấn rộng, văn võ song toàn, có khí độ, phong độ của vị thái bình thiên tử. Vả chăng, theo ý của đệ, thời thế lúc này chỉ có họ Trần thay ngôi nhà Lý mới cứu được vận nước suy, dẹp loạn bên trong, đánh giặc bên ngoài. Trời đã định mà không làm sẽ phải chịu tai ương, không chỉ cho dòng tộc mà cho cả chính triều nước Đại Việt. Đệ xin huynh suy nghĩ”.
-  Trần Thừa suy nghĩ rồi giao cho Trần Thủ Độ định liệu.
Bằng sự không ngoan khéo léo, Trần Thủ Độ bàn với Thái hậu Trần Thị Dung thu xếp cho Lý Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh rồi luôn sau đó ban ra chiếu chỉ nhường ngôi cho chồng. Mọi việc được bàn bạc trước với một số cận thần rồi đưa ra trước triều đình. Lúc đầu còn chưa thống nhất nhưng rồi sau  đều nhất trí cao..
Ngày 21 tháng 11 các quan vào chầu lạy mừng Chiêu Hoàng đã có chồng, tiếp đến ngày 11 tháng 12 (năm Ất Dậu 1225), Lý Chiêu Hoàng đặt đại hội ở điện Thiên An, ngự trên bảo sàng, các quam mặc triều phục lạy ở dưới sân. Chiêu Hoàng ban chiếu chỉ nhường ngôi, trút bỏ áo ngự và khuyên mời Trần Cảnh lên ngôi Hoàng đế. Trần Cảnh lên ngôi, đổi niên hiệu là Kiến Trung năm thứ nhất. phong Trần Thủ Độ làm Quốc thượng phụ coi việc thiên hạ.
Để ổn định lòng dân, Trần Thủ Độ nói: “Bây giờ giặc cướp đang đồng thời nổi dậy, tai họa về biến loạn ngày càng nhiều. Bệ hạ tuổi còn trẻ, chính sự chưa quen. Trong lúc vận nước mới mở mang, lòng dân chưa thống nhất, mối họa không phải nhỏ. Ta tuy là chú, không biết chữ nghĩa gì, còn phải bôn đông tẩu tây để chống với bọn giặc cướp, không gì bằng mời thánh phụ tạm coi việc nước làm Thượng Hoàng, một hai năm sau, thiên hạ nhất thống, lại trao trả quyền chinh cho nhà vua, cùng hưởng phúc thái bình.” Các quan đều cho là phải, suy tôn Trần Thừa lam Thái Thượng hoàng cầm chính quyền. Thủ Độ giữ chức Thái sư thống quốc hành quân vụ chinh thảo sự, chuyên lo việc đánh dẹp các lực lượng bạo loạn để yên dân. Tuy phân công như vậy, Trần Thủ Độ vẫn lưu ý đến tất thảy mọi việc lớn nhỏ trong triều ngoài lộ. Các việc làm của Thái Thượng hoàng phần nhiều do Trần Thủ Độ chủ trương.
Như vậy, Trần Thủ Độ đã làm một cuộc thay đổi triều đại một cách êm đẹp, không gây đổ máu, không làm đất nước mất ổn định. Ông tỏ rõ là người có tầm nhìn xa, thấy rộng, là nhà chính trị sáng suốt, khôn khéo, đã thực hiện thành công việc cần làm khi gặp được thời cơ thuận lợi,
Công lao của ông trong việc củng cố triều Trần, xây dựng đất nước, nổi bật lên những việc lớn như sau:
1-    Đánh dẹp các lực lượng cát cứ - Ngay sau khi Trần Cảnh lên ngôi, tháng hai năm Bính Tuất (1226), Trần Thủ Độ đem quân đi đánh dẹp các lực lượng cát cứ ở các nơi. Riêng với lực lượng Nguyễn Nộn (tự xưng là Hoài Đạo vương), Đoàn Thượng (xưng là Đông Hải đại vương), liên kết nhau chống lại nhà Trần, bấy giờ binh thế còn mạnh, chưa thể hàng phục ngay được nên định kế hòa hoãn, phong vương chia đất, tạo thế chờ thời cơ, phong cho Nguyễn Nộn làm Hoài Đạo vương, chia cho các huyện ở Đông Ngàn ở Bắc Giang thượng, hạ, Định ước phong vương, cắt đất cho Thượng, định ngày làm lễ minh thệ nhưng Thượng không đến. Sau Trần Thủ Độ dùng mưu chia rẽ, gây mâu thuẫn giữa Nộn Thượng.
Tháng 12 năm Mậu Tý (1228), Nguyễn Nộn đánh Thượng ở khu Đồng Giao giết được Đoàn Thượng, con của Thượng đem gia thuộc đến hàng Nộn, Nộn chiếm luôn quân của Thượng, thanh thế của Nộn trở nên lừng lẫy. Trần Thủ Độ một mặt chia quân phòng bị, một mặt sai sứ mang sắc thư đến mừng, gia phong cho Nộn làm Hoài Đạo Hiếu Vũ vương. Đem công chúa Ngoạn Thiềm gả cho để ngầm nắm tin tức.
Sau khi đánh thắng Đoàn Thượng, Nộn tự xưng là Đại Thắng vương, nhưng tự biết thế không cự được với nhà Trần, định đến tháng 10 năm Kỷ Sửu (1229) sẽ vào chầu thì tháng 3 đã bị ốm rồi chết. Quân tướng dưới quyền Nộn tan rã, chạy trốn hết.
Đoàn Thượng, Nguyễn Nộn là những địch thủ cao cường nhất đã bị loại trừ. Các thổ hào, tù trưởng các nơi thấy thế đều xin quy phục. Giang sơn lại thu về một mối, đát nước trở lại thanh bình. Đây là kỳ công của Trần Thủ Độ.
2- Củng cố bộ máy chính quyền, xây dựng chế độ trung ương tập quyền thống nhất từ Trung Ương đến cấp xã. Ông đặt ra sổ trướng tịch (kiểm tra dân số các hạng người) từ cấp xã trở lên, hàng năm các xã kê khai nhân khẩu, sổ đinh, phân loại rõ các lớp trong dân như tôn thất, quan văn, quan võ, quân lính, trai tráng, người già, tàn tật, người ngụ cư, người xiêu lạc…để nắm chắc số dân trong nước. Ông coi trọng nên thường về các địa phương trực tiếp kiểm tra hàng năm. Tháng 8 năm Mậu Tý (1228) ông về xét định sổ đinh phủ Thanh Hóa, Tháng 2 năm Mậu Tuất (1238), ông lại xét duyệt định số đinh phủ Thanh Hóa.
Năm 1230 chấn chỉnh hệ thống quan chức nhà nước, đổi lại chức quan ở phủ, lộ cũ, đặt chức An Phủ sứ và An Phủ phó sứ để cai trị. Năm 1242, Với các dịa phương do Trung Ương trực trị, ông chia thành 12 lộ. Mỗi lộ đặt chức chánh phó An Phủ sứ.  Các hạt ở xa, gọi là phủ và châu. Ở phủ đặt chức tri phủ, trấn phủ sứ, ở châu đặt chức  tri châu. Dưới lộ, phủ châu là các xã, các sách (xã nhỏ), đặt chức Đại tư xã (từ ngũ phẩm trở lên), Tiểu tư xã (từ lục phẩm trở xuống) cùng với chức xã chính, xã sử, xã giám gọi chung là xã quan. Như vậy là từ Trung Ương đến cấp xã đều có quan của triều đình bổ nhiệm để cai trị. (Đại Việt sử ký toàn thư tập 1, nhà xuất bản Khoa học xã hội 1998 tập 2 trang 19, Thuyết Trần trang 57). Cùng năm 1230, tiến hành khảo xét các luật lệ của triều trước, soạn thành quốc triều thông chế, xác định rõ tổ chức chính quyền và các quy chế hành chính, sửa đổi hình luật, lễ nghi thống nhất trong cả nước gồm 20 quyển (SDD trang 12)
3- Khôi phục và phát triển kinh tế, đẩy mạnh mở mang nông nghiệp, nâng cao đời sống cho dân, xây dựng tiềm lực đất nước. Trong những năm cuối triều Lý, nền kinh tế trong nước suy sụp. Thiên tai, mất mùa, đói kém liên tiếp xảy ra, loạn lạc, cướp bóc khắp nơi. Đời sống nhân dân cực kỳ khó khăn. Một số làng xã điêu tàn. Đại Việt sử ký toàn thư chép: Năm Tân Sửu (1181) dân chết đói gần một nửa. Năm Kỷ Mùi (1199), nước to, lúa mạ ngập hết, dân đói to. Năm Mậu Thìn (1208) đói to, xác người chết đói nằm gối lên nhau. Nhà Trần lo phục hưng và phát triển kinh tế toàn diện, Công nghiệp đúc đồng, nghề gốm, nghề dệt, hàng tiêu dùng phát triển nhanh chóng nhất là nghề khai thác khoáng sản như vàng, bạc, đồng, chì, kẽm, thiếc. Thương nghiệp không những phát triển mạnh trong nước mà còn mở các thương cảng để giao lưu với nước ngoài nhiều nhất là Trung quốc và các nước vùng Đông Nam Á.
Nông nghiệp được đặc biệt coi trọng, Ban hành các chính sách khuyến khích lưu dân trở về xóm làng cũ cày cấy làm ăn. Tổ chức chiêu mộ những người phiêu bạt đến lập nghiệp ở những nơi đinh tán, điền hoang. Các làng xã đều được kiến thiết lại, sau ba năm dựng thành cơ sở vững chắc mới phải chịu thuế. Nhà Trần con thực hiện một số chính sách rất sáng suốt là bán ruộng công cho dân làm ruộng tư, điều mà các triều đại trước chưa bao giờ làm (Tháng 6 năm Giáp Dần 1254). giảm tô, giảm thuế nông nghiệp khi bị lũ lụt, mất mùa (Nhâm Dần 1242…)
 Công cuộc trị thủy và thủy lợi được coi trọng ngay từ những năm đầu triều Trần. Đại Việt sử ký toàn thư viết năm Tân Mão (1231), cho quân lính đào vét các kênh Trầm và Hào từ Thanh Hóa đến nam Diễn châu, Nghệ An vì hay úng tắc. Năm Mậu Thân (1248) sai các lộ đắp đê giữ nước sông suốt từ đầu nguồn đến bờ biển để chống lụt. Đặt chức Hà đê chánh phó sứ để trông coi. Nơi đắp đê thì đo xem hết bao nhiêu ruộng của dân, chiểu theo giá trả bằng tiền. Năm Ất Mão (1255) chọn các tản quan làm Hà đê chánh phó sứ các lộ, khi rỗi việc làm ruộng thì đốc thúc quân lính đắp bờ đê, đào mương lạch để phòng lụt hạn. Năm Quý Hợi (1263), Trần Thủ Độ gần 70 tuổi , trước khi mất 5 tháng còn đi tuần nguồn sông ở  biên giới Lạng Sơn.
4- Mở mang học vấn, đào tạo nhân tài .- Từ khi lên thay nhà Lý, song song với khôi phục và phat truển kinh tế, khuyến khích mở mang kinh tế nông nghiệp, khai khần thêm ruông đất mới,  nhà Trần đã chăm lo ngay đến việc khuyến học, đào tạo nhân tài. Năm 1227 mở khoa thi tam giáo, năm 1232, mở khoa thi Thái học sinh đầu tiên. Sau đó đặ đặt  thành lệ cứ bẩy năm mở thi một lần. Năm 1246, đổi thành thi Tiến sĩ. Năm 1247, mở khoa thi đặt chế độ chọn tam khôi: Nguyễn Hiền đỗ Trạng Nguyên, Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn, Đặng Ma La đỗ Thám hoa, tiếp sau là thài học sinh  48 người. đến năm 1253 lập Quốc học viện, tô tượng Khổng Tử, Chu Công, Á Thánh (Mạnh Tử); xuống chiếu cho các nho sĩ trong nước đến Quôc Học viện giảng học tứ thư lục kinh. Năm 1243, sửa chữa lại Quốc Tử giám để việc học được phát triển .
Không chỉ quan tâm đào tạo hệ thống quan văn, Trần Thủ Độ còn rất quan tâm xây dựng một quân đội hùng mạnh để bảo đảm cho chế độ trung ương tập quyền, diệt tận gốc các lực lượng phân liệt cát cứ và sẵn sàng chống quân xâm lược. Ông cho mở các giảng võ đường đào tạo tướng tá, tuyển mộ và huấn luyện binh sĩ, rèn đúc vũ khí, đóng chiến thuyền cùng với việc lập đinh tịch để tiện lần lượt gọi tráng đinh nhập ngũ. Đặc biệt ông bắt các thanh thiếu niên trong tôn thất phải luyện tập võ nghệ và học tập binh thư để giữ chức chỉ huy trong quân đội. Việc binh bị được coi là quốc sách...
Nhờ các chủ trương, chính sách như vậy mà đời sống nhân dân được bảo đảm, xã hội yên vui, tiềm lực đất nước được nâng cao, nhân tài văn võ có nhiều. lòng dân tin tưởng tạo nên sự gắn bó, đoàn kết nhân dân với triều đình khiến cho quân dân ta có đủ sức mạnh đánh thắng cuộc xâm lăng của quân Nguyên Mông lần thứ nhất vào năm 1258.
5- Là linh hồn của cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông,- Năm Đinh Tỵ (1257), Sau khi đánh chiếm, bình định xong nước Đại Lý (phía Bắc tỉnh Hà Giang, Lào Cai ngày nay) quân Mông Cổ do Ngột Lương Hợp Đài chỉ huy đem quân tiến xuống phía Nam đánh nước ta. Vua Trần Thái Tông xuống chiều cho tả hữu tướng quân đem quân thủy bộ lên ngăn giữ biên giới theo sự tiết chế của Trần Hưng Đạo và truyền lệnh cho toàn quân, toàn dân trong nước chuẩn bị kháng chiến. Vua tự làm tướng thân chinh đi đánh giặc, dẫn quân thủy bộ lên đóng ở Bình Lệ Nguyên (huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh phúc ngày nay) chặn địch. Ngày 12 thánh Chạp (17 – 01 – 1258), Ngột Lương Hợp Đài đem quân đến Bình Lệ Nguyên ồ ạt bao vây mưu tiêu diệt quân ta, bắt sống vua ta. Sau khi kịch chiến với giặc, thấy thế giặc quá mạnh. vua cho quân rút lui để bảo toàn lực lượng, rồi tập trung quân tổ chức phản công. Kẻ địch bám sát truy đuổi phá vỡ các tuyến ngăn chặn của ta, vua phải cho rút khỏi Thăng Long đưa quân về đóng tại sông Thiên Mạc (khu vực Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên ngày nay). Lúc này, thế nước nguy ngập, vua đi thuyền nhỏ đến hỏi kế thái úy Trần Nhật Hạo. Nhật Hạo chỉ lấy ngón tay chấm nước viết lên mạn thuyền hai chữ “nhập Tống”. Vua bèn rời thuyền đến hỏi Thái sư Trần Thủ Độ. Thủ Độ trả lời:”Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”. Lời nói đanh thép thể hiện ý chí quyết đánh, quyết thắng và tin tưởng vào thắng lợi của Trần Thủ Độ làm nhà vua yên tâm, quân dân phấn chấn. Chỉ 9 ngày sau, ngày 24 tháng Chạp năm Đinh Tỵ (29- 01- 1258), khi lực lượng đã tập trung về đông đủ, Vua và Thái tử dẫn quân tiến đến Đông Bộ đầu phản công quyết liệt quân giặc. Quân Mông Cổ rút chạy một mạch về Vân Nam, đến trại Quy Hóa lại bị chủ trại là Hà Bổng đưa dân binh ra đánh giết một số. Dọc đường rút chạy, giặc không dám dừng lại cướp bóc gì nên dân ta gọi châm biếm chúng là giặc Phật.
Chiến thắng quân Mông cổ lần này là cơ sở để nhân ta làm đà cho các lần chống xâm lược của quân Nguyên Mông về sau.
Nói về Trần Thủ Độ, Đại việt sử ký toàn thư viết;”Thủ Độ tuy không có học vấn (bằng cấp) nhưng tài lược hơn người, làm quan triều Lý được mọi người suy tôn, Thái tông lấy được thiên hạ đều là mưu sức của Thủ Độ cả… Thủ Độ tuy làm tể tướng mà phàm công việc không việc gí là không để ý. Vì thế mà giúp nên nghiệp vương, giữ được tiếng tốt cho đến chết. Trần Thái tông cho lập sinh từ thờ ông ngay khi còn sống và làm bài văn bia ở sinh từ để tỏ lòng đặc biệt tôn quý ông”.(Đại Việt sử ký toàn thư, nhà xuất bản khoa học xã hội 1998, tập II trang 34).
Trần Thủ Độ còn căn dặn lại vua Trần Thánh Tông rằng: “Người thay thế ta, tuy phải dùng Nhật Hiệu là người có địa vị cao trong hoàng tộc nhưng chỉ cho giữ hư vị. Chức vụ thực sự cho nắm giữ binh quyền trong nước phải giao phó cho Quốc Tuấn là người có đủ tài năng gánh vác công việc nặng nề này và có thể chống chọi quân Mông Cổ trước sau gì cũng sẽ sang xâm lăng.
Con cháu ta, tài đức tầm thường, không kham nổi việc lớn. Ta đã để lại cho chúng điền trang có thể thu hoa lợi sống sung túc. Nếu có dùng làm quan thì chỉ được cho giữ chức vụ thấp mà thôi. Phải nặng về quyền lợi của dân nước, của dòng họ mà nhẹ về tình cảm riêng tư”.
Trần Thủ Độ trước vốn không ưa Trần Liễu mà lại căn dặn Trần Thánh Tông dùng Hưng Đạo Vương, lại không muốn cho con cháu mình làm lớn vì tài đức tầm thường. Thật là một con người sáng suốt, biết nhìn người, dùng người, chí công vô tư, chỉ nghĩ đến sự nghiệp cho dân, cho nước và dòng họ.  
Sách “Thần tích đức Thánh Trần” của hội Bắc Việt tương tế, 1963 đã đề cao Trần Thủ Độ, đại ý như sau:…Thủ Độ không những dẹp yên nội loạn, thống nhất quốc gia, lại đánh đuổi ngoại xâm, giữ vững nền độc lập một thời mà còn gây dựng nên cơ sở vững  chắc cho đời sau giữ nước, Không có Thái sư Thủ Độ , chắc đâu đã có vị anh hùng thần thánh Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn.
Công Thái sư Thủ Độ là công trùm đất nước, công của người đã đưa dân tộc lên đài vinh quang, có lịch sử oai hùng, khiến người các nước, các thời đều phải khâm phục.
Trong đền thờ Trần Thủ Độ tại đồi Lim (huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) quê hương của nhà Lý, có  đôi câu đối:
Công đáo vu kim,  bất đãn Trần gia nhị bách tải,   
 Luận định thiên cổ, kỷ tại Nam thiên đệ nhất lưu.
(Công đức của ông để mãi đến ngày nay, không chỉ có hẹp trong hai trăm năm đời nhà Trần,
Sau nghìn đời, công luận đã định, ông đáng liệt vào bậc nhất dưới trời Nam).
Phan Kế Bính có bài thơ vịnh Trần Thủ Độ:
Sóng gió đùng đùng phân hiểm gian,
Một tay xoay sở chống gian nan.
Còn đầu, còn vững lòng lo nước,
Ấy mới anh hùng, ấy mới gan.
 Trần Thủ Độ mất, vua Trần Thánh Tông truy phong “Thượng phụ Thái sư Trung Vũ đại vương.

(Tài liệu tham khảo, trích đăng: Đại Việt sử ký toàn thư, Thuyết Trần, Đại Việt sử Yếu Trần Trọng Kim, Việt Nam toàn thư – Pham văn Sơn, Giản sử yếu Việt Nam – Đạng Duy Phúc, Hào khí Đông A các số 1, 10, 11..)
                                                                                       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét