Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2015

LỄ TẾ


Thể lệ của cuộc tế.
Lễ tế thần thực hiện ở các thôn làng thực chất là lễ cúng theo nghi thức long trọng, có cử hành âm nhạc của phường nhạc trong hành lễ.
Lễ tế tổ họ Cao Trần năm 2013
Lễ tế lớn (đại tế) ở các làng gồm có lễ kì phúc, về mùa xuân, lễ “hiện hoá” (với các vị nhiên thần); lễ ngày “thần đản” (ngày sinh), “thần kị” (ngày mất - với các vị nhân thần) và hơn cả là ngày lễ tuyên sắc phong của các vị Hoàng đế. Đã có 3 nghi thức trở thành lệ:  
Lệ dâng hương:
Dâng hương mở đầu vào cuộc tế thần. Đốt hương thường theo số lẻ từ 1 đến 3 hoặc 5 nén, đều là các số dương sinh.

 Lệ dâng rượu.
Sau khi hương được đốt lên, rượu được rót ra, khi ấy khói hương, hơi rượu xông lên, là biểu tượng nối âm với dương, thời điểm âm dương giao hoà, thánh thần xuất hiện. Đây là khi các hoạt động tâm linh bắt đầu và thực sự thiêng liêng.

Lễ hiến sinh:
Trong mỗi kỳ cúng tế, không có lễ vật bị coi là không thiêng liêng (vô vật bất linh). Thường trong cuộc tế, các lễ vật thường được tiến lên trước. Vị chủ lễ (ở đây là chủ tế) thường được dẫn lên xem xét gọi là “củ sát tế vật” (xem ở mục “bài xướng tế”).
 

Các tiến trình của cuộc tế:  
 Lễ cáo yết (còn gọi là lễ cáo tế)
Là lễ trình với thần linh về việc dân làng sẽ tổ chức tế lễ sự thần. Thường vào buổi chiều hoặc buổi đêm trước ngày chính tế. Lễ thường chỉ có một tuần hương, một tuần rượu và sau đó là tuyên chúc văn, nói rõ lý do của cuộc đại tế.
 
 Lễ chính tế:
Lễ tế vào ngày chính, ngày của công việc sự thần. Để có một cuộc tế, mỗi năm dân làng phải họp công đồng một ngày để bầu ra một ban tế, nhiệm kỳ là một năm, với các chức danh được bầu chọn.

Thiết chế của một lễ tế:
Cổ thư đã có lời bình về lễ tế “Tế đắc chí kì nghiêm”, nghĩa là việc cúng tế phải hết sức nghiêm chỉnh.Vì phần cúng tế phải cẩn thận thì hồn khí (phi vật thể) mới trở lên trời, hình phách (vật thể) mới trở về đất. Cho nên cúng tế là cầu ở lẽ âm dương, tức là sự kết hợp hài hoà giữa hai yếu tố “lý” và “khí”, là sự kết hợp giữa hai hiện trạng văn hoá ứng xử: vật thể và phi vật thể.
Bởi vậy, dù lễ tế được thực hiện ở đâu thì không gian thần điện ở đó cũng trở nên rất thiêng liêng, dù là thần điện có kiến trúc hoặc thần điện phi kiến trúc.
Các đồ tự khí (đồ thờ) làm tăng vẻ huyền bí, làm rộn lên vẻ hoành tráng trong không gian thờ thần. Khi muốn tổ chức một lễ tế, các làng thôn đều theo một mô hình chung đầy đủ để mời thần điện uy nghi như chốn cung đình, đó là sự bày biện đồ tự khí bao gồm:
Những thiết chế hạ tầng: Nghĩa là những cơ sở vật chất cần phải có:
Các đồ tự khí:
Hai cái đẳng gỗ, đặt hai bên Đông xướng - Tây xướng có lọng che. Trên các đẳng gỗ bên Đông đặt cây đèn, bình hương, bình hoa, cái tam sơn đặt 3 đài rượu gọi là bàn “Đông bình”. Viên Đông xướng đứng xướng tế ở đây. Trống hiệu đặt bên dưới bàn đông bình.
Trên cái đẳng gỗ bên Tây đặt cây đèn, bình hoa, đĩa trầu cau gọi là bàn “Tây quả”. Viên Tây xướng đứng ở đây. Chiêng hiệu đặt bên Tây (bên chiêng, bên trống).
Hai cây đèn dùng để dẫn khi lên hương, lên rượu. Là biểu tượng của hai bầu tinh tú mặt trời, mặt trăng, ý nghĩa là “nhật nguyệt quang minh” - mặt trời, mặt trăng cùng sáng. Có thể làm bằng đồng, nhìn chung đều làm bằng gỗ mít.
Cái tam sơn đựng ba đài rượu dùng hiến tước 3 tuần, là biểu tượng của “tam tài” - thiên, địa, nhân.
Cái nậm rượu lễ đặt ở bàn Đông xướng.
Cây quán tẩy:
Là cái giá để đựng chậu nước cho các viên chủ tế, bồi tế, chấp sự rửa tay sạch sẽ khi vào hành tế.
Cây quán tẩy ở một số di tích trong tỉnh đều là một công trình chạm khắc gỗ rất tinh xảo. Cây quán tẩy ở miếu Bà, thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh được tạo trên một khúc gỗ tròn, chạm lộng thành hình cây “trúc hoá long”. Trên ngọn của cây trúc là hình một con chim phượng đậu lắt lẻo, đầu mỏ chúc xuống. Một chiếc lá sen xoè ngửa giữa thân cây trúc như một cái chậu nâng, mỏ con phượng chúc vào điểm giữa.
Khi “quán tẩy” một viên chấp sự lấy bình rượu còn tinh khiết (chưa qua cúng lễ) hoặc một loại nước thơm đổ vào miệng lỗ thông từ lưng con phượng. Nước chảy qua ống dẫn xuống mỏ phượng, chảy xuống lá sen. Những quan viên tế thực hiện cuộc “quán tẩy” ở đó.
Lỗ bộ:
Nói chung ở các di tích thờ tự tín ngưỡng đều có bộ “lỗ bộ”. Ngày có lễ tế thì đem trưng bày hai bên Đông - Tây xướng cho thêm phần uy nghi, hoành tráng.
Bảng chúc:
Mộc bảng có dạng hình chữ nhật nằm ngang, đặt đứng nghiêng khoảng 100, trên cái giá đỡ là thân hai con ly đứng hai bên, mặt bảng ngửa về phía sau. Ngày tế lễ, bài văn chúc dán lên bảng chúc, lại có một miếng vải thêu hình hổ phù che lấy bài văn chúc, khi đọc mở ra, thể hiện sự tôn kính thần linh.
Ngoài ra còn một số đồ dùng khác như: Bốn chiếc chiếu cói mới dùng cho hành lễ, trải thành hàng dọc trước điện thần. Chủ tế và bồi tế thực hiện nghi lễ trên đó. Mỗi kỳ tế lại thay mới một lần cho tinh khiết.
Y phục của các quan viên tế:
Thường dùng trong vài hoặc mười năm thay mới một lần cho sang trọng, gồm có:
Chủ tế: Riêng một màu, thường là màu đỏ, vì đỏ thuộc hành hoả, phương vị ở phía Nam nóng ẩm, mọi vật sinh sôi. Tế lễ là cầu mong cho sự sinh sôi nên chủ tế nhiều làng mặc áo màu đỏ, có cân đai, bối tử.
Các viên bồi tế: 
Dùng chung một màu cho mũ áo, thường là màu tím.
Các viên chấp sự: Dùng chung một màu, thường là màu xanh lam.
Tất cả đều đội mũ kiểu phốc đầu, áo tay thụng, quần màu trắng kiểu ống sớ, chân đi hia.
Các loại quần áo này dùng xong đóng hòm, quản ở di tích.
Thành phần ban tế:
Chủ tế: Một người, còn gọi là mạnh bái, thứ bậc xã hội là hàng mệnh quan, thứ bậc tâm linh là vị con trưởng nhà Thánh.
Về nhân thân, chủ tế là người được dân làng kén chọn kỹ càng nhất trong thành phần ban tế. Thường là bậc cao niên, khoẻ mạnh, vóc dáng phương phi, có chức sắc phẩm hàm, có học vị ngoài xã hội càng quý, gia đình song toàn, đông đúc, thê vinh, tử vượng. Các tiêu chí làng xã đều xếp bậc cao, gia đình có văn hoá.

 Ảnh minh hoạ
Tục lệ làng Đồng Vệ tổng Đồng Vệ phủ Vĩnh Tường (nay thuộc xã Đại Đồng) có điều khoản:
“Viên chủ tế nghĩa là thay quyền diện cho cả dân làng, phải chọn cử viên Chánh tổng, Phó tổng, Hương hội. Chánh phó lý đương cựu, xuất đội hưu trí, có phẩm hàm, chồng vợ song toàn, con cháu hưng vượng và không cớ nế (như tang chế, “nhân thân bất túc”, khuyết tật...), biết nghi tự (cách thức cúng tế), trong nhà thanh cát, tỉnh hạnh cẩn khiết (cẩn thận, liêm khiết) thời cử làm chủ tế nhưng tiệc lệ mỗi ngày (tức mỗi năm) lại cử một viên” (1)
Làng Báo Văn xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc có tục lệ chọn chủ tế rất độc đáo. Ngày mùng 6 tháng giêng hàng năm có lệ “đánh đáo đá” chọn chủ tế.
Các hòn đá này thường ngày đặt thờ trên thần điện.
Nội dung: Tại sân đền, đào một cái hố dài, dưới đáy hố cắm hai cây cọc, đầu cọc nhô lên miệng hố khoảng 20cm. Có 8 viên đá hình tròn dẹt được mài nhẵn dùng làm hòn đáo.
Chọn 6 người trong làng tuổi từ 50 trở lên không kể có chức sắc hay dân thường, miễn là chồng vợ song toàn, thê vinh tử vượng vào ném đá. Mỗi người được ném hai lần. Ai ném đá trúng vào thân cây cọc, hòn đá lăn xuống vào tờ giấy điều trải dưới chân cọc là được. Người được chọn làm chủ tế là người có hòn đá sát chân cọc nhất.
Đó là một nghi thức có gốc gác xa xưa từ tín ngưỡng thờ đá, một tín ngưỡng nguyên thuỷ đi vào cuộc sống.
Nói chung, vị chủ tế là phản ánh cao nhất về nét đẹp văn hoá của cộng đồng làng.
 
Bồi tế: 4 người
Là người đứng giúp chủ tế, đứng hàng chiếu dưới của chủ tế và trông theo người chủ tế mà làm lễ, lễ theo chủ tế.
Thường bầu hai bồi tế, tối đa là bốn bồi tế đều thuộc hàng số chẵn.
Các vị tế quan: Giúp việc trong cuộc tế.
 
Nội tán: Có hai người. Một người đứng đằng Đông, một người đứng đằng Tây để dẫn người chủ tế ra vào khi hành lễ và trợ xướng khi chủ tế vào chiếu trong (chiếu nghinh thần), chuyển chúc.
 Đông xướng: 1 người
Người này đứng ở bàn bên Đông, ngang với chiếu phục vị làm phận sự xướng tế, điều hành cuộc tế theo nghi thức có trong bài tế đã định sẵn.
Bàn có lọng che, người Đông xướng đứng dưới lọng. Trên bàn bày đèn hương, bình rượu tế, cái đẳng rượu, trong đài đựng các chén rượu, nên bàn Đông xướng còn gọi là “Đông bình”.
 
Tây xướng:
Người này đứng ở bàn bên Tây đối xứng với bàn Đông xướng cũng làm phận sự xướng tế, phụ giúp cho người Đông xướng.
Bàn có lọng che, trên bàn bày cây đèn, đĩa trầu cau nên còn gọi là “Tây quả”. Người Tây xướng đứng dưới lọng.
 
Chấp sự:
Là người giúp việc ở hai bàn Đông - Tây xướng, chia đứng hai bên, mỗi bên ba người, giúp việc dâng hương, dâng rượu.

 Thủ hiệu:
Bên trống: Điều hành cuộc tế bằng trống cái.
Bên chiêng: Điều hành theo lệnh của trống cái.

 Đọc chúc: 1 người
Người này được kén là người thông văn tự vì phải đọc bài văn tế bằng nguyên bản chữ Hán Việt theo âm điệu, có giọng đọc sang sảng vang xa, gây truyền cảm và xúc động.
Đoàn tế có các thành phần như thế này được gọi là đoàn tế đủ, đủ thành phần hoặc tế kép, chữ kép với ý nghĩa có cấu tạo một thành phần theo cấu trúc âm dương bên nhau và đối xứng qua một đường giả tưởng - đường thần đạo.
Ngày nay, trong các buổi tế thần (kể cả cuộc rước) ở nhiều làng, ngoài sự hiện diện của các nhạc công cử nhạc lễ còn có đội nữ múa sinh tiền phụ hoạ sau vị chủ tế, đã có vai trò quan trọng trong nghi lễ, tạo thành một lớp diễn xướng rầm rộ, giữ vai trò trung gian giao cảm giữa thế giới trần tục và thế giới thần linh qua chính sự hoá trang y phục sặc sỡ cùng các động tác diễn uốn của mình, qua sức lôi cuốn của âm nhạc hợp vào toàn thể không khí sinh hoạt của hội lễ.

 Chiếu tế:
Khi vào cuộc tế, trải 4 chiếc chiếu theo hàng dọc trước thần điện: Chiếu thứ nhất: Gọi là chiếu “nghinh thần”, chiếu giành riêng chỉ khi làm lễ nghinh thần, đọc chúc, vị chủ lễ đứng hiến lễ ở đây.
Chiếu thứ hai: Gọi là chiếu “thụ tộ” tức là nơi chủ tế lên hưởng lộc của thần thánh ban cho (uống rượu tế, ăn miếng trầu cau đã tế lễ).
Chiếu thứ ba: Gọi là chiếu “phục vị”, hay chiếu “tế chủ” là chiếu giành riêng cho chủ tế trở về (điểm xuất phát).
Chiếu thứ tư: Gọi là chiếu “Bồi tế”, chiếu giành riêng cho các vị bồi tế hành lễ,
Các chiếu này chỉ dùng một lần nên đều là đồ mới tinh khiết.
Làng Quan Tử xưa xây dựng và quản lý việc thờ tự ở 3 di tích: Miếu Quan Tử thờ Đỗ Khắc Chung; Đền thờ Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn; Đình Bác Cổ là hội sở làng vì thế một năm có nhiều lễ tế.
Thành phần đoàn tế làng Quan Tử chỉ có 10 người, được phân ra như sau:
- Chủ tế: 1 người
- Bồi tế: Không có.
- Đông xướng: 1 người
- Tây xướng: 1 người
- Chấp sự: 4 người
- Đọc chúc: 1 người
- Thủ hiệu: 2 người (1 bên trống, 1 bên chiêng).
Nhưng hai viên thủ hiệu lại không tính vào thành phần ban tế (ban tri lễ). Vậy chỉ có 8 người chính thức đứng vào ban tri lễ.
Tế đơn với số lượng đoàn tế 8 người là bắt đầu có từ thời cải lương hương chính. Việc tế lệ giao chuyên cho những chân phó lý hương đăng (chức phó lý mua, chuyên lo công việc mãi lễ trong làng). Hương ước của làng có ghi một điều khoản “... khi hành lễ đã có 8 người cai phó hương đăng, nếu không bầu được thì thời hương hội, lý dịch cùng vào hành lễ...” (1), lâu dần thành lệ. Ngày nay lễ tế được phục hồi, vẫn tế theo thể thức 8 người mà chưa phục hồi thể thức tế truyền thống nên khi tế chỉ có 3 chiếu (thiếu chiếu bồi tế).

Âm nhạc dùng trong lễ tế:
Một cuộc tế nghi thức được coi là hoành tráng thể hiện trong sự trưng bày, bày biện các đồ tự khí như lỗ bộ, cờ lọng,... Ngoài ra nó còn long trọng ở sự hành tế (nghi thức lên xuống, diễn xướng của các thành phần ban tế), trong đó âm nhạc tế được dùng theo một quy chế nhất định, có thể thức với thiết chế “lên âm”, “xuống nhạc”. “Lên” là khi dâng hương, hiến lễ. “Xuống” là trở về vị trí khi công việc hoàn thành.
Các loại âm nhạc dùng có tính chất lễ nghi, thờ cúng trong việc tế lễ nơi đền miếu đều thuộc phạm trù nhạc lễ.
Ngày nay trong tế lễ ở các làng tỉnh Vĩnh Phúc chỉ còn thấy có thanh âm của các nhạc cụ:
- Bộ gõ: Các loại trống, chiêng, sinh tiền (3 loại nhạc cụ). Sênh tiền dùng trong lễ tế (cả lễ rước kiệu) là để điểm nhịp trong hành lễ, múa theo vị chủ tế hoặc các viên chấp sự lên hương, lên rượu.
- Bộ hơi: Kèn và sáo.
Trong một cuộc tế thường sử dụng 2 bài nhạc:
- Bài “Lưu thuỷ” dùng khi tiến tước, gọi là “lên âm”.
- Bài “Ngũ đối” dùng khi tiến tước hoàn thành, gọi là “xuống nhạc”.

 Bài xướng tế và công cuộc hành tế:
Là thể thức thực hiện một cuộc tế. Bài này dùng chung cho các cuộc tế ở các di tích miếu, đền, đình, từ đường dòng họ các làng xã Vĩnh Phúc.
Khởi sự là một vị trong ban tế rung lên 3 hồi trống (trống cái), chiêng, trống chiêng cùng rung lên, tiếng trống trước, chiêng sau - cặp đôi). Tiếp sau, người Đông xướng cất giọng xướng lên: “Khởi chinh cổ” (nổi chiêng trống).
Hai viên chấp sự làm phận sự của thủ hiệu (đánh trống - chiêng cầm hiệu lệnh dẫn tế) đứng ở hai bàn Đông - Tây, đi vào chỗ đặt giá trống, giá chiêng. Một người đánh 3 hồi trống, một người đánh 3 hồi chiêng, rồi mỗi bên đánh thêm 3 tiếng nữa, đoạn vái đi ra.
Người Đông xướng lại xướng: Nhạc sinh tựu vị.
Phường nhạc bát âm nổi lên và đồng văn đánh trống.
Người Đông xướng xướng tiếp: “Củ sát tế vật”.
Một vị chấp sự bưng cây đèn dẫn chủ tế từ bàn Đông xướng đi lên theo hướng Đông, đến bên bàn để tế vật, xem xét lại đồ lễ có đầy đủ, tinh khiết hay không rồi trở về theo bên Tây gọi là “thăng Đông”, “giáng Tây”.
Tiếp đó người Đông xướng xướng tiếp: “ế mao huyết”.
Một người chấp sự cầm cái đĩa đựng một ít huyết và mấy sợi lông của con vật tế đặt lên bàn Tây xướng đem đổ đi. Việc này là để chứng tỏ việc hiến sinh thực sự tươi sống, tinh khiết.
Đông xướng xướng tiếp: “Chấp sự giả các ti kỳ sự”.
Các người chấp sự ai phụ trách việc gì phải chăm chú để giữ việc ấy.
Đông xướng - xướng: “Tế chủ dữ chấp sự giả các nghệ quán tẩy sở”.
Người chủ tế và các chấp sự đều đến cả chỗ cạnh hương án bàn Đông xướng có một cây quán tẩy đặt cái chậu nước và treo một cái khăn sạch.
Đông xướng - xướng: “Quán tẩy”.
Người tế chủ đưa tay vào chậu nước rửa, rửa tay trước, các chấp sự làm theo.
Đông xướng - xướng: “Thuế cân”.
Người tế chủ lấy khăn lau tay trước, các chấp sự làm theo.
Đông xướng - xướng: “Bồi tế viên tựu vị”:
Các vị bồi tế bước vào đứng ở chiếu thứ 4 (chiếu dưới cùng).
Đông xướng - xướng: “Chủ tế viên tựu vị”.
Chủ tế bước vào chiếu của mình, chiếu “phục vị” (thứ 3), đi vào từ phương Đông, tiến lên chiếu theo hình chữ “ất” gọi là “nhập ất”.
Trong cùng lúc đó, các chấp sự viên cũng về đúng chỗ của mình. Đến đây, cuộc hành lễ bắt đầu.
Đông xướng - xướng: “Thượng hương”:
Hai người chấp sự, một người bưng lư hương, một người bưng hộp trầm (hoặc lấy hương theo số nén lẻ 3 hoặc 5) đem đến trước mặt tế chủ. Tế chủ bỏ trầm vào lư hương đốt rồi cầm lư hương án trước điện vái.
Đông xướng - xướng: “Nghinh thần cúc cùng bái”.
Chủ tế theo 2 viên nội tán (theo sau viên bên Đông) dẫn lên chiếu thứ nhất quỳ xuống, các viên bồi tế quỳ theo.
(Khi bước đi cũng theo nghi thức riêng gọi là “xuất á” - “nhập ất” “Xuất á” là khi trong chiếu bước ra thì đi thẳng rồi rẽ sang bên tay trái, quay một góc 900 để không lúc nào quay đằng lưng vào chính giữa ban thờ. Sau khi quay rồi mới đi thẳng vào chiếu thứ nhất theo lối “nhập ất”).
Trong khi ấy các viên chấp sự hai bên bàn Đông - Tây cử hành dâng hương vào thượng điện theo nhịp trống khẩu điều hành và bài nhạc lễ “lưu thuỷ” (gọi là “lên âm”). Khi đoàn chấp sự hoàn thành việc dâng hương trở về bàn của mình thì bên Tây xướng - xướng: “Hưng” - Tế chủ và bồi tế đứng cả dậy.
Đông xướng - xướng: “Bái” - Tế chủ và bồi tế quỳ xuống lễ.
Tây xướng - xướng: “Hưng” - Tế chủ và bồi lễ lại đứng lên.
Cứ như thế cho đến khi lễ xong 4 lễ (4 lễ nghinh thần).
Đông xướng - xướng: “Bình thân” - Tế chủ và bồi tế đứng ngay người cho nghiêm.
Đông xướng - xướng: “Phục vị” - Tế chủ quay về chiếu của mình (chiếu thứ 3).
Cuộc dâng hương kết thúc. Sang tuần dâng rượu.
Đông xướng - xướng: “Hành sơ hiến lễ” (lễ dâng rượu lần đầu).
Người nội tán xướng: “Nghệ tửu tôn sở tử tôn gia cử mịch”.
Tế chủ đi ra án để rượu, người chấp sự mở miếng vải đỏ phủ trên mâm đài ra.
Đông xướng - xướng: “Chước tửu” - Rượu được vị chủ tế rót ra các đài.
Lại xướng tiếp: “Nghệ đại vương thần vị tiền” - Hai người nội tán dẫn tế chủ lên chiếu nhất.
Nội tán xướng: “Quỵ” - Tế chủ và bồi tế quỳ cả xuống.
Đông xướng - xướng: “Tiến tước” - Một người chấp sự dâng đài rượu đưa cho tế chủ - Tế chủ bưng đài rượu vái một vái rồi giao trả người chấp sự.
Đông xướng - xướng: “Hiến tước” - Các người chấp sự dâng rượu đi hai bên, hai tay nâng đài rượu đi vào nội điện xong trở ra.
Đông xướng - xướng: “Hưng” - Chủ tế và bồi tế cùng phục xuống lễ một lễ rồi đứng dậy.
Lại xướng: “Bình thân” - Chủ tế và bồi tế sửa mình cho ngay ngắn.
Đông xướng - xướng: “Phục vị” - Chủ tế đi về chiếu của mình (chiếu thứ 3).
Lại xướng: “Đọc chúc” - Hai người chấp sự vào trong nội điện kính cẩn bưng bài văn tế dán trên bảng chúc ra.
Người nội tán xướng: “Nghệ đọc chúc vị” - Hai người nội tán dẫn chủ tế lên chiếu nhất.
Đông xướng - xướng: “Quỵ” - Chủ tế, bồi tế, hai người bưng chúc đọc chúc, đều quỳ xuống.
Đông xướng - xướng: “Chuyển chúc” - Người bưng chúc trao bảng văn cho tế chủ. Tế chủ cầm lấy vái một vái rồi trao cho người đọc chúc.
Lại xướng: “Đọc chúc” - Người đọc chúc lần này cất cao giọng đọc bài văn tế.
Tuỳ mỗi làng thờ vị thần nào hoặc tế lễ về nội dung nào thì nội dung lời chúc tuyên về vị thần đó và ngày lễ đó.
Đọc xong văn tế, chủ tế lạy hai lạy rồi lui ra chiếu của mình theo trình tự: hưng, bái, bình thân, phục vị do người Đông xướng điều hành.
Sau đó lại xướng lễ trở lại để dâng hai tuần rượu nữa. Tuần thứ 2 gọi là “á hiến lễ” Tuần thứ hai gọi là “chung hiến lễ”.
Sau 3 tuần “hiến tước” (dâng rượu), phần chính yếu của lễ hiến tế đã xong. Đến phần thụ hưởng của chủ tế
Đông xướng - xướng: “ẩm phúc” - Hai người nội tán vào nội điện bưng ra một chén rượu và một khay trầu cau cúng tế.
Đông xướng - xướng: “Nghệ ẩm phúc vị” - Người chủ tế đi ra bước lên chiếu thứ 2 (chiếu “thụ tộ”).
Lại xướng: “Quỵ” - Tế chủ quỳ xuống, hai người nội tán đưa hai chén rượu, khay trầu cho tế chủ.
Lại xướng: “ẩm phúc” - Tế chủ bưng lấy chén rượu vái một vái, rồi lấy tay áo thụng che miệng uống một hơi hết ngay.
Lại xướng: “Thụ tộ” - Tế chủ bưng khay trầu vái một vái rồi ăn một miếng.
Rượu và trầu là thần linh ban cho tế chủ, tế chủ phải hưởng ngay trước thần điện mới là cung kính. Cũng từ đó lễ vật hiến tế mới trở nên rất thiêng liêng, gọi là “lộc thánh”. Phần lộc này sau tế dân làng được “quân huệ” (chia nhau hưởng) gọi là “thừa thần chi dư” (lấy phần thừa của thần thánh).
Sau đó tế chủ lễ rồi lui ra chiếu của mình.
Đông xướng - xướng: “Tạ lễ cúc cung bái” - Tế chủ cùng bồi tế cùng lạy tạ 4 lạy theo điều hành của các vị Đông xướng - Tây xướng: Hưng, bái, bình thân.
Đến đây kết thúc phần lễ tế của chủ tế, bồi tế
Đông xướng - xướng: “Phần chúc” - Viên nội tán đem tờ văn chúc đốt đi.
Lại xướng: “Lễ tất” - Mọi người trong ban tri lễ vào làm lễ 4 lễ, lễ xong đến phường nhạc.
Đến nhân dân vào làm lễ theo thứ tự tuổi tác, giới tính. Xưa kia chỉ có nam giới, nay nam nữ đều bình đẳng.
 
Bài văn tế
Trong lễ tế, bài văn tế là hồn của nội dung tế lễ. Xét về văn bản các bài đều được soạn theo một thể nhất định gọi là văn thức.
Thường làng nào có di tích thờ cúng thần thánh đều có tập văn thức dùng cho các ngày tứ quý sự thần của làng mình. Tác giả của các bài văn này đều do các vị túc Nho trong làng biên soạn và được thông qua tập thể các chức sắc và hội Tư văn trong làng, dùng làm tư liệu không thay đổi. Cao hơn nữa, có làng đã mời các bậc đỗ đại khoa (tiến sỹ Nho học) hoặc các vị có chức danh quan trường biên soạn cho sang trọng như: Bài văn tế Tiên hiền làng Tiên Lữ, huyện Lập Thạch do quan Thượng Bồ Tỉnh soạn. Bài văn hoàng trùng (sâu cắn lúa) làng Lý Hải, huyện Bình Xuyên do tiến sỹ Nguyễn Duy Tường (1) soạn. Tập văn tế làng Can Bi, huyện Bình Xuyên do tiến sĩ Ngô Văn Độ (2) soạn...
Về lễ thức, một bài văn tế có 4 phần:
Phần một: Xưng hoàng hiệu nhà vua (quốc hiệu của nước). Ngày... tháng... năm... tế lễ theo kiển sóc can chi (ngày, tháng, năm âm lịch). Địa danh tỉnh, phủ, huyện, tổng, xã, làng, thôn sở tại.
Phần hai: Xưng chức danh của chủ tế, thành phần dự tế. Liệt kê các lễ vật dâng tế.
Phần ba: Khấn đến danh hiệu, huý hiệu các vị tôn thần được mời về dự lễ tế.
Phần bốn: Phần tuyên chúc văn là phần tôn vinh các vị thần gồm chỉ có 4 câu gọi là câu chúc, dùng theo thể phú. Đặt sau hai chữ “cung duy” nghĩa là “kính nhớ”.
Câu 1: Nêu xuất xứ, đức độ của thần.
Câu 2: Nêu công ơn sâu rộng của thần với nước, với dân.
Câu 3: Nêu rõ lòng ngưỡng mộ của làng với thần.
Câu 4: Kính cẩn cầu mong thần chứng giám lễ vật và ngầm giúp đỡ dân làng yên lành, thịnh vượng.
Cuối cùng là chữ “cẩn cáo”. Nghĩa là cung kính xin phép (cho hết). Đọc xong là “phần chúc” (đốt bài văn tế).
Bởi thế mỗi kỳ tế tiệc lại phải viết bài văn mới cho hợp với thời gian, lễ vật, họ tên, chủ tế và các thành phần tế. Trong đó, phần chúc văn là cốt lõi, biền ngẫu và đối nhau.
Làng Can Bi có ngôi đình Thượng thờ vị thần là Bạch Hạc Cao Quan đại vương tên huý là Thổ Lệnh, vốn là vị thần sông hiển linh vào đời nhà Đường, niên hiệu Vĩnh Huy (651 - 655) ở sông Bạch Hạc. Thần học được phép tiên ở núi Tản Viên, thường đi chữa bệnh ở khắp các làng xã tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó có làng Can Bi.
Bài văn tế ngày sinh của thần ở đền Thượng (ngày 10 tháng 3) do tiến sỹ Ngô Văn Độ soạn:
“Nguyên thư: (đang cập nhật)

Cung duy đại vương:
Tự thiên hữu vận, bất ngẫu kỳ sinh. Tản Sơn tắc bí, Hạc chử hiển linh.
Phù lạc nguyên bệnh, huệ dân dĩ ninh, đức kỳ thịnh hĩ.
Nan tắc nhi chiêu, truy tư đả nhật, dụng hưởng trần sinh. Thượng kỳ lâm giám, trắc giáng tại đinh.
Tuy dĩ đa phúc, vĩnh bảo hoà bình”.

Diễn nghĩa:
Kính nhớ đại vương:
Đã có vận trời, chẳng phải ngẫu nhiên núi Tản tìm điều bí ẩn, bãi Hạc hiện rõ thiêng liêng.
Giúp cho điều vui, dẹp nguồn tật bệnh, lấy yên bình làm ân huệ cho dân, đức thật lớn vậy!
Khó gọi, khó mời, nhớ ngày sinh thần, xin dâng lễ vật, mong đựơc xét soi, bước xuống ở đình.
Lấy phúc làm yên, mãi mãi hoà bình
.
 
Các ngày lễ có tế trong năm
Thông thường các di tích thờ cúng thần ở Vĩnh Phúc có các ngày lễ tế sau đây:
Lễ thần đản: Tế ngày sinh của thần.
Lễ thần kỵ: Tế ngày giỗ (ngày mất) của thần (với các vị là nhân thần).
Lễ ngày thần hiện.
Lễ ngày thần giáng
Lễ ngày hiển thần: Thần ứng trong mộng (với các vị là nhiên thần). Đây đều là các lễ chính. Ngoài ra, còn có các ngày lễ khác nữa.

 Lễ khai sắc:
Thường tổ chức vào mùa xuân, nhất là tháng giêng, tổ chức hội hè đình đám. Nội dung là tuyên đọc đạo sắc văn mà vị thần đựơc nhà vua phong tặng. Đó thực sự là ngày kết tụ sự thăng hoa của niềm vẻ vang trong quá khứ, là niềm kiêu hãnh của hiện tại và kỳ vọng của tương lai.
Tuỳ từng làng và tuỳ mùa màng thu nhập từng năm mà có thể tổ chức thường năm, hoặc 3 năm, 5 năm một lần.
Làng Chu Đề, tổng Sơn Bình, huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên (nay thuộc xã Đình Chu, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc), tổ chức ngày tiệc mùa hàng năm từ mùng 9 đến 11 tháng 10, có lệ khai sắc vào ngày 11. Nghi thức rước sắc như sau:
Ngày mùng 9 rước sắc từ miếu về đình, có lễ tế ở miếu (nơi thờ chính và lưu giữ hòm sắc). Trồng kiệu ở sân miếu (kiệu bát cống), bày đủ các đồ nghi trượng của cuộc rước như: Tàn, tán, màn đen che kiệu, lỗ bộ, cờ, trống, chiêng, phường nhạc.
Tế xong, vị thủ từ trao hòm sắc cho chủ tế bằng động tác rất cung kính, nâng hòm sắc lên khỏi đầu, chủ tế đón nhận trên khỏi đầu, trước thần điện rồi đi giật lùi từ nhà thượng điện đến nhà tiền tế. Thủ từ đóng cửa nhà thượng điện.
Chủ tế vẫn đội hòm sắc trên đầu, tiếp tục đi giật lùi qua cửa nhà tiền tế. Thủ từ tiếp tục đóng cửa nhà tiền tế. Khi ấy chủ tế bước quay lưng lại mà đi tiếp ra kiệu, đặt hòm sắc lên bành kiệu, rước kiệu về đình.
Cách chọn đạo sắc để rước và tuyên đọc:
Chọn lấy một đạo sắc của một vị hoàng đế hợp với vận trù theo ngũ hành (Kim - Mộc - Thuỷ - Hoả - Thổ) và can chi (thập can và thập nhị chi) năm vua lên ngôi để rước, bất cứ là đạo sắc nào và của vị hoàng đế nào. Chỉ rước và tuyên đọc duy nhất đạo sắc đó.
 
Lễ Khánh hạ:
Lễ khánh hạ là lễ tiệc ăn mừng của cộng đồng làng, nghĩa là thành công sau một việc nào đấy.

 Lễ Kì an:
Nội dung là lễ cầu bình yên cho cộng đồng làng. Thường tổ chức vào cuối mùa xuân hoặc đầu mùa hạ, là mùa có nhiều dịch bệnh, mùa viêm nhiệt nên còn gọi là “lễ cầu mát”.
Lễ này cũng có thể tổ chức cúng ở chùa vào mùa hạ
Theo quan niệm xưa, dịch bệnh đều là do ma quỷ gây nên, nên tổ chức lễ cúng cầu yên cho dân làng, do lo sợ và bất lực trước tật bệnh mà cúng, vừa là “tống tiễn quan ôn” là mầm mống gây nên dịch bệnh.
Bởi vậy lễ cúng dùng nhiều vàng mã, thời gian cũng vào buổi đêm vì hồn ma thuộc thế giới âm. Có nơi cúng 3 đêm, lại có nơi cúng tới 7 đêm.
Lễ cúng lập thành 2 đàn:
- Đàn nội: Đàn cúng các vị thần, thành hoàng làng tôn thờ. Vì là cúng ở trong đình nên gọi là đàn nội.
- Đàn ngoại: Đàn lập ở ngoài trời chính là sân đình, cúng quan Đương niên và các thần “lục đinh”, “lục giáp”, “ngũ ôn”.
Chủ trì cuộc lễ là các pháp sư, thầy phù thuỷ, ở chùa là các nhà sư.
Khởi đầu cúng ở đàn nội, tế lễ. Xong đàn nội mới cúng đàn ngoại. Lễ cúng bắt đầu bằng pháp thuật “thu tinh cấm giáp” (bắt ma quỷ không đựơc vào làng), gọi là lễ “cát khiên” đều do thầy pháp làm. Nội dung là cắt dây oan nghiệt để giải cứu chúng sinh. Hoá vàng mã ở đàn ngoại.
Kỳ thứ ba làm lễ cúng thí thực ở đàn “mông sơn”. Lễ cúng có cơm nắm, cháo gạo (còn gọi là “cháo thí”), bỏng nếp, khoai lang luộc, kẹo bột, hoa quả.
Ngày nay, một số làng còn tổ chức lập đàn ngoại cúng chúng sinh cũng gọi là một lễ kỳ an nhân trong ngày tiệc làng. Trong tỉnh duy có làng Quan Tử xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch còn giữ lệ cúng kỳ an mô phỏng theo thể lệ ngày xưa. Lễ cúng được cử hành vào đêm 15 tháng 4 âm lịch hàng năm tại đình Bác Cổ . Đó là một lễ tế cúng ở hai đàn.
 
Đàn nội.
Làm lễ phát tán với các vị thành hoàng ở nội đình, ở đây là cúng tế hai nhân vật lịch sử được tôn thờ:
- Một vị là ông Đỗ Khắc Chung, thầy giáo của làng ở thế kỷ XIII, được tôn làm Thành hoàng.
- Một vị là ông Trần Nguyên Hãn, Tả Tướng quốc triều Lê Lợi là người làng này.
Lễ cúng tế là ước vọng cầu mong sự che chở giúp đỡ. Lễ cúng dùng cỗ thái lao: Trâu, dê, lợn. Do ban tri lễ của làng lo liệu mua sắm. Ngày nay không còn đình nên lễ tế đàn nội ở trong miếu thành hoàng Đỗ Khắc Chung

Đàn ngoại:
Lập ở sân đình Bác Cổ nay không còn đình nên lập đàn ở tam quan ngoại miếu.
Đàn ngoại có 3 bàn cúng:
Bàn cúng quan đương niên. Ngoài đồ lễ chín còn có 1 thớt voi, cỗ ngựa là để tiến đốn. Có một chiếc mũ cho quan sứ giả là vị thần làm phận sự trung gian dẫn đường. Cúng xong bàn đương niên, hoá mã lần thứ nhất.
Bàn cúng quan “lục đinh”, “lục giáp”, “ngũ tướng thần quan” cũng dùng lễ chín, còn có đồ vàng mã như: 5 chiếc mũ quan ôn là 5 vị coi sóc dịch bệnh của ngũ phương Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung thổ. Còn có 5 đôi ủng, 5 khẩu súng, 5 bao đạn. Cúng xong, hoá mã lần thứ hai để tiễn các quan ôn.
Còn có một chiếc thuyền bồng lớn. Trên thuyền có các hình nhân (người bằng giấy), có hai hình nhân đứng chèo ở đằng mũi, một hình nhân cầm lái và sáu hình nhân là các tay chèo.
Khi trong sân hoá mã lần hai thì đồng thời cũng tổ chức “thượng thuyền”, là lúc con thuyền được rước ra bến sông. Đám rước có cờ trống đi kèm. Xưa kia cảnh rước thuyền thật vội vã, hối hả, vì trên thuyền toàn các quan ôn, quân lính là những vị chuyên gây hoạ hoạn, sợ vì dọc đường bị quấy nhiễu. Vì vậy đoàn rước đi như chạy, trống thúc “ngũ liên”. Đoàn rước đi ngược lên bến Tuần thì thả thuyền trôi xuôi dòng sông Lô cho mát mẻ, cho ra khỏi địa phận.
Ngày nay lễ rước có từ tốn, thong thả hơn và tiếng trống cũng không còn thúc bách nữa. Mọi nỗi lo sợ đã bớt đi, không còn cảnh khi đoàn rước thuyền đi qua thì người trong nhà đóng chặt cửa lại, rồi tung nắm muối, nắm gạo theo mà tống tiễn.
ý nghĩa văn hoá dần thay vào sự cuồng tín mê hoặc xưa kia khi dân trí ngày nay đã mở mang và các tiến bộ về khoa học y tế đã phát triển vượt bậc.
Cuộc thượng thuyền kết thúc khoảng 10 giờ đêm. Gặp vào đêm trời trong, trăng sáng con thuyền lặng lẽ theo dòng sông Lô lấp lánh, cảnh sắc thật đẹp.
Trong khi thượng thuyền, trong sân tiếp tục phần cúng thí thực các chúng sinh. Cúng những cô hồn không nơi nương tựa, không ai cúng giỗ (dân gian gọi là ma đói). Cúng bằng cháo, lấy lá đa kẹp vào cái que, múc cháo vào đó cắm dọc theo ven đường cho các cô hồn lang thang gọi là “cháo thí”.
Lễ cúng kỳ an ở Quan Tử là một lễ lớn trong năm, được chuẩn bị rất chu đáo. Hương ước của làng lập năm 1935 có ghi thành điều khoản:
“Ngày 15 tháng 4 An Nam, tiệc Kỳ an, tế tại đình hội sở. Dùng lễ tam sinh trâu, dê, lợn, tế xong lễ tạ”...(1) Đồ mã voi, ngựa, thuyền...(2)
ở các dân tộc thiểu số trên địa bàn Vĩnh Phúc, quy tụ thành cộng đồng từng bản, không tổ chức các lễ kỳ an riêng.
 
Lễ Kỳ phúc:
Lễ cầu khẩn với thần linh ban cho được phúc lành. Nói chung, hầu hết các làng đều có lễ kì phúc được tổ chức trong năm thành định lệ, dù là thờ các vị nhân thần hay nhiên thần. Có làng trong năm có tới 3 ngày tiệc kì phúc như làng Bàn Giản, xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch vào các ngày mùng 7 tháng Giêng, mùng 7 tháng 5 và mùng 7 tháng 11.
Nội dung lễ Kì phúc ngày mùng 7 tháng Giêng tổ chức từ trưa ngày mùng 6 gồm:
- Lễ rước 4 kiệu của 4 thôn Đông Lai, Trụ Thạch, Ngọc Xuân, Hoa Giang và đình Cả tế công đồng, thờ một đêm (đêm mùng 6).
- Sáng mùng 7 có lễ rước cỗ (cỗ gà, bánh dầy) về đình Cả đại tế.
- Trưa mùng 7, tổ chức lễ hội cướp cầu (cướp phết)
- Chiều mùng 7, hạ tiệc, 4 kiệu hồi cung.
Làng Tây Thượng (xã Liên Hoà), làng Tây Hạ (xã Bàn Giản) cùng nguồn gốc Trang Tây khu đời Lê, cùng thờ chung một vị thành hoàng người thời Hùng Duệ Vương ở miếu công. Tiệc Kì phúc sáng mùng 3 tháng Giêng tổ chức rước kiệu từ đình mỗi làng về miếu tế công đồng. Rồi lại rước kiệu về đình làng mình tế lễ mở tiệc.
Tiệc này làng Tây Hạ còn có 2 nội dung rất đặc sắc:
- Sửa soạn cỗ bánh tế ở đình. Cỗ 100 thứ bánh làm trong 40 ngày.
- Mở hội cướp cầu (cướp phết).

 Lễ minh niên: Lễ tế năm mới.  
Lễ du xuân: Lễ tế rước kiệu Thánh thăm thú ngày xuân.  
Lễ minh thê: Lễ tế thề nguyền của làng xã trước thần thánh ở miếu, đình, nên còn gọi là “hội minh”. Trong lễ tế, bài chúc văn là một bản thề nguyền toàn dân (nam phụ lão ấu) không làm việc gian phi, trái lệ làng, phép nước, giữ gìn an ninh xóm làng.
Nhiều làng ở Vĩnh Phúc tổ chức hội minh vào mùa Xuân và còn lưu giữ được bài văn tế.
Dưới đây là bài tế của làng Sen Hồ, xã Thái Hoà huyện Lập Thạch:
“Thệ việt:
Cư hương lân chi đạo, nhiên triều đình dĩ tước vi tôn. Huống bản xã dĩ hoà vi quý.
Đan thư thiết khoán, hoặc hà nhân âm mưu dị tâm, bất năng cố lực. Hoặc phát dẫn tha hương đạo kiếp, đại nhi đao thủ diệu lao thuỷ ngưu, thứ nhi kê tử, trư tử, hoặc đạo thú gia trung... vật. Hoặc đạo thú ngoại vật sinh hoa.
Dĩ thượng minh thệ chi từ, các thôn thần linh, giám giới.
Trung trực giả phù chi hộ chi gian na giả tru chi, diệt chi. Hữu gian nhân hạ đình hữu các, giám gian tiền tài thường...
Phục nguyện thần linh chi bất sảng dã”

Nguyên thư: (đang cập nhật)

Lễ tế thọ:
Lễ tế của hội thọ trong làng vào dịp đầu năm mới. Xưa kia nam giới tới 50 tuổi gọi là “sơ thọ”.
Tế thọ là lễ tế của người tới tuổi chẵn: 60 - 70 - 80 - 90 năm tuổi.

 Lễ tế tiết chạp:
Tế vào tháng Chạp, ngày cuối năm. Ngoài ra cũng còn có các ngày tế lễ khác gồm: Lễ tế tiên thánh, tiên sư, tiên hiền:
Lễ này tổ chức vào ngày “Đinh” tính theo 12 con giáp (thập nhị chi), vào mùa xuân và mùa thu gọi là “Đinh tế”.
Tiên thánh là để chỉ các vị thánh nhân đời xưa, đối với hậu thánh. Nhà nho tôn xưng Khổng Tử là “Tiên Thánh”. Tiên sư là chữ học trò tôn xưng với thầy học đã quá cố. Tiên hiền là chữ dùng để suy tôn người đỗ đạt trong làng xã khi đã quá cố.
Tiên sư, tiên hiền được phục tế ở văn chỉ hàng tỉnh, hàng huyện, hàng tổng và hàng xã.
Lễ này thường tổ chức ở văn chỉ hàng xã do Hội Tư văn tổ chức. Các văn chỉ này hiện nay không còn nhưng các văn bia của các văn chỉ và các bài tế văn một số làng vẫn lưu giữ được. Tổng số có 18 văn chỉ làng xã có dựng bia.
 
Lễ tế đương niên:
Còn gọi là “quan đương niên” tức là tế vị thần quản giữ việc coi sóc của năm đó. Cũng gọi là “tế thánh sư” thường vào ngày mùng 8 tháng Giêng. Lễ tế này thịnh hành ở tất cả các làng xã của tỉnh Vĩnh Phúc.

 Lễ tế nhương sao:
Thường gọi là “Nhương sao giải hạn” thường có ở các đền.

 Lễ tế có dạng hình đặc biệt:
 Lễ tế có hai vị chủ tế hoặc ba chủ tế:
Đó là các lễ tế chung của 2 hoặc 3 làng cùng thờ chung một vị thần thành hoàng, có chung một ngày lễ, một điểm hội lễ, một bài văn tế, một viên đọc chúc nhưng lại có nhiều chủ tế cùng phủ phục trước điện thần đại diện cho từng cộng đồng.
 
Lễ tế ở điểm giữa trời đất: (thần điện phi kiến trúc)
Thường là lễ tế ở các điểm “hành cung” của các vị thánh thần, tức là nơi nghỉ lại của các vị khi có hành rước. Như chân núi Lãng Sơn trong sự tích Thánh Tản Viên Sơn tam vị đại vương thờ ở làng Lũng Hoà, xã Yên Phương, huyện Yên Lạc và cũng có ở chân núi Kính Sơn trong sự tích Thánh Tản Viên Sơn tam vị đại vương thờ ở đền Cẩm Chiền, xã Kim Xá, huyện Vĩnh Tường trong ngày lễ khao yến các tướng sỹ vào ngày mùng 6 tháng Giêng hàng năm.
Tiếc rằng các lễ hội ở hai làng này đã thất truyền nên không rõ thể chế tế lễ ở hành cung như thế nào và các địa danh Lãng Sơn và Kính Sơn cũng chưa xác định được.
Trong các làng xã tỉnh Vĩnh Phúc còn có một lễ tế ở điểm giữa trời đất - loại hình thần điện phi kiến trúc - là điểm hợp tế của 2 làng Quế Trạo xã Đồng Quế và Lãng Sơn xã Lãng Công đều thuộc huyện Lập Thạch. Địa điểm hợp tế phi kiến trúc ấy nằm giáp ranh giữa hai xã Lãng Công - Đồng Quế (nay là trạm Lâm nghiệp huyện Lập Thạch) tổ chức vào ngày 27 tháng 8 hàng năm.
Nội dung lễ tế này là lập lễ đài có hai hàng:
Hàng trên đặt bài vị đức thánh Tản Viên.
Hàng dưới bên trái đặt bài vị thánh của thôn Quế Trạo là đệ nhất Cốt Sơn, đệ nhị Duật Sơn và đệ tam Húc Sơn là các tướng thời vua Duệ Vương triều Hùng có công trong cuộc chiến tranh Hùng - Thục dưới quyền của đức thánh Tản Viên. Bên phải đặt bài vị đức Thánh thờ ở xã Lãng Sơn.
Trong các ngày lễ đều có mở hội như: Tung còn, hội vật...
Làng Hoàng Vân xã Hoàng Đan có lễ tiệc ngày 12 tháng giêng hàng năm, gọi là “mở hội đình”.
Sáng ngày ấy, làng tổ chức rước 5 kiệu của 5 vị thành hoàng làng ra làm lễ tế ở gò đất gọi là “miếu Đông Nghè” bên bờ vực sông Đáy (nên còn gọi là Miếu Vực).
Tế đủ 3 tuần rượu rồi rước 5 kiệu hồi đình. Đó là lệ thường hàng năm. Miếu Đông Nghè hiện nay cũng là thần điện phi kiến trúc lễ tế cử hành ở khoảng giữa trời đất.
Lễ tế cũng chỉ trải một chiếu của vị chủ tế trước điện thần. Một viên Đông xướng và một viên Tây xướng. Thần điện toạ ở phương Bắc hướng về Nam. Chủ tế đứng ở phương Nam chầu về Bắc. Những người dự lễ đứng hai bên. Nam giới đứng ở bên Đông. Nữ giới đứng ở bên Tây cùng hướng vào.
Cách bài trí tế tự như thế là biểu tượng “càn khôn”. Trời ở trên là dương. Đội hình tế lễ thành hình vuông, biểu tượng trái đất (trời tròn - đất vuông) thuộc âm.
Thần ở phương Bắc nhìn về Nam là vua, chủ tế hướng về Bắc là thần dân chầu về đức vua.
Bên Đông là dương, bên Tây thuộc âm, là “lưỡng nghi’ đó là tư duy về sự vận động sinh sôi trong vũ trụ và cũng chính do cách bày biện thần chủ hướng về Nam, nên các ngôi “thiên trụ” (cổng đình) của mỗi làng đều kén chọn đặt trên thế đất có hướng trông về Nam là hướng thuận biểu tượng của thiên tử. Trừ một số làng xã phụ thuộc vào ngoại cảnh, thậm chí có hướng quay về Bắc như khi thế đất gặp con sông hoặc đồi gò mà phải định hướng cho hợp, không còn được như ý muốn “ngoảnh về Nam”.
Dâng hương, tiến lễ, hiến rượu, đọc chúc cũng rất đơn giản nhưng cũng rất cung kính.
Tế ở gò ông Đống làng Lạc ý, phường Đồng Tâm, thị xã Vĩnh Yên. Gò ông Đống là điểm hội tụ “tam linh” của 3 vị thần thành hoàng làng Lạc Ý. Vào ngày mùng 3 tháng giêng hàng năm, rước kiệu bài vị của vị thần từ đền Tam Linh ra lập đàn tế. Ba vị thần là: Đệ nhất Linh Sơn. Đệ nhị Linh Sơn và Đệ tam Linh Sơn. Lạc ý là làng đồng bằng. Đây là dấu tích của tục thờ ông Đống từ thời nguyên thuỷ.
Hình ảnh các lễ tế ở chân núi Lãng Sơn (làng Lũng Hạ), núi Kính Sơn (làng Cẩm Chiền) đều là các thần điện phi kiến trúc, chắc rằng tế lễ ở làng Lạc ý cũng tương tự như thế.

 Lễ tế ở đền Hai Bà Trưng làng Hạ Lôi:
Lễ tế có bài “chúc hỗ” một hình thái của ca trù (hát thờ), ca tụng công đức nhà vua, nghĩa là vừa có tế vừa có hát “xướng ca”.
Đền Hai Bà Trưng làng Hạ Lôi là di tích lịch sử văn hoá lớn của quốc gia. Ngôi đền là di sản văn hoá vật thể quan trọng, có lịch sử hào hùng, đồng thời còn có di sản văn hoá phi vật thể thật đặc biệt với các hình thái lễ rước và lễ tế ngày mùng 6 tháng Giêng hàng năm.
Về Lễ tế:
Cũng sử dụng bài tế “thập bái” chung, nhưng ở đây lại có nét đặc biệt riêng.
Trong các tuần tế ngoài nhạc lễ của phường “bát âm” còn có lời ca “chúc hỗ” trong mỗi tuần (nguyên nghĩa chữ “chúc hỗ” là lời cầu chúc cho vua, mà nhân dân ở đây gọi là “tấu nhạc ca” (Lời hát lên theo tiếng nhạc).
Trong lễ tế, có các thiếu nữ đứng hai hàng bên Đông, bên Tây chủ tế cất tiếng ca trong mỗi tuần tế.
Có 5 đoạn” Chúc hỗ” ghi lại được trong lễ tế ngày mùng 6 tháng Giêng năm ất Dậu (năm 2005) dưới đây:
- Lời ca ở tuần “thượng hương” (dâng hương):
Tấu vua Bà, đội đức vua Bà.
Ra tay xây dựng nước nhà từ xưa
Nhớ công đâu đấy đền thờ
Lửa hương đền cũ bây giờ vẫn đây
Khói hương xa ngát hương bay
Lưng trời nghi ngút xe mây giáng trần
Kính dâng hương thắp một tuần

- Lời ca ở tuần đầu dâng rượu (tuần sơ hiến lễ):
Vua Bà dẹp giặc yên dân
Muôn vàn đội đức xa gần nhớ công.
Nơi thờ phụng miếu vũ sùng hồng
Tưởng tượng như bệ rồng thuở trước
Sơ hiến lễ thần tiền tiến tước.
“Tử tôn sở” kính trước dâng lên
Giám xin thấu đến bề trên.

- Lời ca ở tuần dâng rượu thứ hai (tuần á hiến lễ):
Chén khuê toản rượu hoàng lưu
Nhớ khi ẩm chí trần châu khải hoàn
Trên bệ rồng gang tấc thiên nhan
Chén thọ nguyện Nam San nguyện thượng
Nay thần tiến tước, hiến tước.
“Tửu tôn sở” tái trước tái châm
Giám xin chứng giám thành tâm.

- Lời ca dâng rượu ở lần cuối (tuần chung hiến lễ):
Lễ nghi có tiết có văn
Xong tuần hiến á đến tuần hiến chung
Chung hiến lễ nghệ trước sân rồng
Rồi phục vị cúc cung tạ lễ
Trên đền thờ tôn nghiêm đế chế
Dưới áo xiêm đường bệ uy nghi
Chữ rằng thần chi, kính chi.

- Lời ca khẩn cầu hai vị Hoàng đế họ Trưng:
Cảnh xuân tưng bừng chiều xuân êm dịu
Nhớ khi dựng lại sơn hà
Hoa đưa mũi kiếm liễu rờn bóng tinh
Dẹp giặc Tô trong nước thanh bình
Lòng kỷ niệm miếu đình hiến hưởng
Tưởng tượng như tại thượng cư âm
Cầu cho phúc lộc lai lâm
Dồi dào mưa móc thấm nhuần cỏ hoa
Phù hộ cho cả làng ta
Phù hộ cho cả nước nhà quang vinh
Chữ rằng: Phú - Quý - Thọ - Khang - Ninh
Lời ca da diết, trầm lắng mà trang nghiêm vừa xa vừa gần như khói hương trên điện thần nối thời gian vào lịch sử. 
Tế đêm ở đền Nội thôn Tráng Việt (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh):
Từ xưa đã có câu ca về lễ tiệc:
Đông Cao có lệ bó mo
Tráng Việt có tục tế mò ăn đêm.
Đông Cao nay thuộc xã Tráng Việt huyện Mê Linh có ngôi đền thôn Đoài thờ bà Hồ Đề được phong tặng là “Quốc vương Thiên Lưu ả Lự Nương Đề, là tướng của Hai Bà Trưng, mở tiệc lớn vào ngày mùng 4 tháng Giêng. Lễ vật dâng cúng có bánh dầy. Khi giã đầu chày bịt mo cau cho khỏi dính gọi là “bó mo”.
Làng Tráng Việt thờ bà ả Lự Nương, hiệu là Đương Cảnh thành hoàng Quốc vương Thiên Lưu ả Lự Minh Vương. Chính tiệc vào ngày mùng 8 tháng 2 nhưng lại tế lễ về ban đêm, tắt đèn đuốc (tế mò). Sau tế dân làng thụ lộc trong bóng đêm (ăn đêm).
Sự tích kể rằng bà Lự Nương là tướng của Hai Bà Trưng. Trong chiến trận mải mê đánh giặc cả ngày. Đến đêm tối mới tạm ngừng giao chiến. Khi ấy quân sỹ mới được nghỉ ngơi ăn uống. Lễ tế đêm là tái hiện sự tích ấy.
Khi tế, tắt hết đèn đuốc, hành lễ tế phải đi dò dẫm. Còn khi tế xong dân làng thụ lộc cũng không có đèn đuốc nên gọi là “đi mò - ăn đêm”.
L.K.T- (Lễ hội Vĩnh Phúc)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét