Trước Tết, 20 tháng Chạp năm Giáp
Ngọ, nhân có chuyến xe của ông Cao Đức Triệu về quê khảo sát lăng mộ, gia đình
tôi từ Hà Nội về quê và ở lại ăn Tết Ất Mùi cho đến ngày mùng Bảy tháng Giêng.
Khu lăng mộ của nhiều chi phái
dòng họ được nâng cấp trong đó có lăng của phái Tổ Cao Đức Trứ đời thứ 7 phái
thứ Ất phái, cành trưởng). Lâu của lăng được chế tác từ đá nguyên khối đặt từ
khu căn cứ thành nhà Hồ, Thanh Hóa. Các ngôi mộ tổ Đức Trứ, tổ Đức Chí được ốp
bằng đá xẻ, sân nền được tu tạo sửa sang. Lễ khánh thành lăng tổ Đức Trứ diễn
ra vào ngày 26 tháng Chạp năm Giáp Ngọ (ngày 14-02-2015). Nhiều chi, phái trong
dòng họ Cao Trần đã đang và sẽ sửa sang nâng cấp lăng mộ của chi phái mình.
Ngày Tết, nhà thờ họ Cả, họ Phái
và một số Chi họ Cao Trần, kéo cờ Phật trên cột cờ gia công bằng ống thép có
chiều cao hàng chục mét. Trong từ đường đèn nhang thâm nghiêm, hương trầm nghi
ngút, cùng nhiều lễ vật, tiền vàng bạc âm phủ. Nhiều nhà trang trí nhà cửa, sắm
sửa trang trí bàn thờ Gia Tiên đẹp và lộng lẫy chẳng kém gì tư dinh của các đại
gia nơi thị thành. Hầu như nhà nào cũng có mấy cặp bánh chưng tự gói hoặc mua sẵn
với giá cả phải chăng.
Sáng mùng Một Tết năm nay, như mọi
năm, dòng họ Cao Trần vẫn ổ chức Lễ cúng tổ đầu năm, sau đó là Lễ mừng thọ các
cụ tuổi tròn 70, 80 và 90. Cụ tôn trưởng Cao Trần Hưu năm nay thượng thượng thọ tuổi
90. Cụ Cao văn Lợi thượng thượng thọ tuổi 90. Cụ Cao Trần Roãn, cụ Cao Chi Thừng và cụ bà, cụ Cao Thị Rong thượng
thọ tuổi 80, và 5 cụ khác thượng thọ tuổi 70. Cụ bà Vũ Thị Giới cháu gái họ Cao
Trần đại thượng thọ tuổi 100.
Trước Tết ngày 12-02-2015, khi đang ở quê
tôi nhận được tin báo của bác Cao Trần Nguyên: Kiến trúc sư Thạc sỹ Cao Tường Huy (42
tuổi, đời thứ 13, chi cụ Thạnh), Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy, huyện Bình Liêu
tỉnh Quảng Ninh bảo vệ thành công Luận
án Tiến sỹ kinh tế tại Học viện Khoa học Xã hội, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, với đề tài: “Kinh nghiệm Đông Á về
phát triển khu kinh tế và bài học cho phát triển khu kinh tế Vân Đồn”.
Trước đó anh Cao Huy Cường (đời thứ 13, chi cụ Thạnh), giáo viên trường Cao đẳng
nghề Quảng Ninh, bảo vệ thành công Luận văn Thạc sỹ kinh tế tại Học viện Thủy lợi. Xin chúc mừng hai anh. Chúc anh Cao
Tường Huy, phát huy tố chất thông minh hiếu học, bản lĩnh chính trị cao, sớm tự
khẳng định bản thân, có vị trí xứng đáng trên chính trường xã hội hiện đại.
Con cháu dòng họ ở quê, có anh chị
Quang Thanh với cơ sở sản xuất bánh Chông truyền thống, ngày giáp Tết xuất vài
tạ bánh mà vẫn cháy hàng. Anh chị Nghinh Bưởi có cơ sở sản xuất bánh Thuẫn (còn
gọi là bánh Gatô), loại bánh này kế thừa từ bậc cha anh làm việc tại Hải Phòng
trong những năm 50 của thế kỷ trước. Mỗi ngày anh chị xuất khoảng vài ba trăm âu
bánh có giá từ 10 đến 15 nghìn đồng/âu. Hai loại bánh Chông và bánh Thuẫn là
món quà quê không thể thiếu của những người con khi đi xa nhà, mang đến khắp mọi
vùng trên cả nước và đi ra nước ngoài.
Trong những ngày nghỉ tết ở quê,
trên đường trục chính và cả các ngõ xóm, có nhiều xe con mang biển số Hà nội, Hải
Phòng, Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Quảng Bình, Nam Định đỗ rải rác, chủ nhân của
các xe sang này hầu hết là các gương mặt thân quen, nhiều năm đã trải qua các
thời kì với bao khó khăn và thành công. Nhiều anh em con cháu dòng họ đã trưởng
thành bằng con đường học hành đỗ đạt. Nhiều anh chị em dù con trẻ nhưng có công
việc ổn định với thu nhập cao trong các ngành, Tài chính, Ngân hàng, Viễn thông,
Dầu khí... Nhiều vị xuất thân từ con nhà nghèo khó nay đã trở nên giàu có sang
trọng. Dù đã để ý quan sát nhưng tôi không thấy ở quê có ai thiếu đói thiếu
không khí Tết.
Quê hương Giao Tiến trong quá
trình hoàn thiện các tiêu chí còn lại của xã thí điểm chương trình xây dựng
nông thôn mới. Đường làng ngõ xóm hầu như đã được bê tông hóa rộng rãi khang
trang, ban đêm có điện thắp sáng, trang trí chẳng khác gì phố phường phồn hoa. Nhiều nhà, biệt thự mới hiện đại
có cả motel, nhà nghỉ đã được xây dựng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét