Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014

THƠ CỦA VUA TỰ ĐỨC VỊNH TẢ TƯỚNG QUỐC TRẦN NGUYÊN HÃN


 Trần Phước Bình


Thơ của vua Tự Đức, trong tập “Ngự chế Việt sử tổng vịnh thi tập”.


 Việt vương kỳ tướng dĩ tiên tri.
Ủy chất quân môn khước bất nghi.
Khả tích thiên chu tùy Phạm Lãi.
Ngũ Hồ bất đáo tại giang mi.


越王頎相以先知
諉郅軍門卻不宜
可昔扁舟隨范賚
五湖不到在江湄

Bài vịnh Trần Nguyên Hãn trong tập “Ngự chế Việt sử tổng vịnh thi tập” do vua Tự Đức (1848 – 1883) chế tác vào nữa cuối thế kỷ 19, tức tại thời điểm đã hơn 420 năm sau ngày mất của Trần Nguyên Hãn.
Để làm rõ hàm ý của tác giả nói gì về nhân vật lịch sử này, trước hết chúng ta nhận thấy vua Tự Đức đã dựa trên hai căn cứ là:
- Thứ nhất: khảo cứu nghiêm túc lịch sử các triều đại Việt Nam và các nguồn khác viết về Trần Nguyên Hãn, có thể kể: Đại Việt sử ký toàn thư, câu đối của Trần Danh Xí, sử cổ làng Quan Tử (Sơn Đông), Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, Lê triều Hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, thơ của Nguyễn Văn Tĩnh …
- Thứ hai: vua Tự Đức rất thông hiểu điển tích và chính sử Trung Quốc.

Trên cơ sở đó, ông đã nhận ra sự tích Trần Nguyên Hãn giúp Lê Lợi – chính là sự tích Phạm Lãi giúp Việt vương Câu Tiễn trong lịch sử Trung Quốc, chỉ khác nhau về kết cục của 2 kẻ bề tôi Phạm Lãi và Trần Nguyên Hãn.

Câu 1: đặt vấn đề bằng cách nêu dấu hiệu bên ngoài, đó là dáng điệu ái ngại (tướng lạ) của Lê Lợi đối với Tả tướng Trần Nguyên Hãn sau ngày chiến thắng quân Minh. (Nội dung ái ngại của Lê Lợi đã được ghi chép khá rõ nơi chính sử).
Câu 2: “Ủy chất quân môn khước bất nghi”. 諉郅軍門卻不宜
Bấy giờ Trần Nguyên Hãn đã hưu quan, vua Lê ra lệnh chỉ đòi Nguyên Hãn đến trình diện nơi cửa quân để gán tội mưu phản. Nguyên Hãn không thể không nhận ra điều đó, nhưng chối từ lệnh vua cũng bị chém, mà lui về cũng chẳng nên. (lệnh đòi trước ngày 26/2/1429).
Câu 3: Khen tích xưa thuyền nhỏ đưa Phạm Lãi chạy trốn, khi Câu Tiễn chưa kịp hành động hại ông.
Câu 4: câu kết: Trần Nguyên Hãn không làm theo kế của Phạm Lãi, ý vua đã quyết thì khó tránh khỏi cái chết.
(Gia phả:Trần Nguyên Hãn tự trầm mình nhi tử tại bến Đông Hồ vào ngày 26/02/1429).

Bài vịnh của vua Tự Đức là sự tổng kết tài tình, trung thực và cô đọng nhất, phản ánh nhân sinh quan “trung quân,ái quốc” của một ông vua về sự kiện Trần Nguyên Hãn nơi bến Đông Hồ. Nội hàm bài vịnh như bao quát cả cái hồn của trang sử năm 1434, do người Sử thần Ngô Sĩ Liên đã khéo léo biên soạn:  Trước kia, Thái Tổ khi về già có nhiều bệnh, lại thêm Quận Vương (Tư Tề) ngông cuồng, bậy bạ, vua thì còn trẻ thơ, mà Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo đều có công lao giúp nước, rất được người đương thời trọng vọng. Nguyên Hãn lại là con cháu nhà Trần và Văn Xảo cũng là người kinh lộ, lo rằng sau này họ có chí khác, nên bên ngoài thì đối xử theo lễ tiết hậu, nhưng trong lòng lại rất ngờ vực hai người.
Bọn Đinh Bang Bản, Lê Quốc Khí, Trình Hoành Bá, Nguyễn Tông Chí, Lê Đức Dư đón biết ý vua, dâng sớ mật, khuyên Thái Tổ quyết ý giết đi. Nếu có ai không vui, bọn Quốc Khí liền chỉ vào họ mà bảo họ là bè đảng của hai nhà ấy, nên rất nhiều người bị xử tử và đi đày. Các quan đều sợ miệng bọn chúng không dám nói gì. Nhưng Thái Tổ biết rất rõ bọn Quốc Khí đều bọn tiểu nhân xảo quyệt, trong bụng vẫn ghét chúng. Sau này bọn chúng đều có tội, lần lượt bị đuổi đi, song lại lo chúng được dùng lại cho nên nói thế để ngăn ngừa”.

Vua Tự Đức đưa hình tượng Phạm Lãi để so sánh, bình luận về kết cục của Trần Nguyên Hãn. Tự Đức khen Phạm Lãi, tức đồng tình với sự ái ngại của Câu Tiễn – Lê Lợi, nguyên nhân dẫn đến sát hại công thần. Điều này cho thấy vua Tự Đức vẫn một mực tôn thờ quan niệm “trung quân, ái quốc; Quân xử thần tử, thần bất tử, bất trung”. Theo Ngô Sĩ Liên, sự ái ngại của vua, Nguyên Hãn và nhiều quan lại đương triều đều biết cả, nhưng Nguyên Hãn đã không tạm thời chạy trốn như Phạm Lãi, mà đường đường xin từ quan, công khai về lại chốn xưa làng Quan Tử (Sơn Đông), và kết cục chọn cái chết trung liệt nơi bến Đông Hồ. So với Phạm Lãi, thì Trần Nguyên Hãn là bậc quân tử xưa nay hiếm, không những một lòng “trung quân, ái quốc” mà còn vì dân.
Lời Nguyên Hãn năm xưa khấn Hoàng thiên nơi bến Đông Hồ vẫn còn đó. Thần dân tránh được một cuộc nội chiến, con cháu họ Trần nhiều người đã lẫn tránh được, và điều quý nhất là lòng người thương tiếc ông, như Nguyễn Văn Tĩnh đại khoa triều Nguyễn đã viết về sự kiện nơi bến sông ấy, ở 2 câu kết như sau:
“Trùng tân thế giới như kim nhật.
  Thập xứ thần linh nhất mộng truyền”.

重新世界如今日
十處漘零一夢傳
Dịch nghĩa:
Thế giới ngày nay đã đổi mới nhiều.
Nhưng bến sông quốc sự ấy, vẫn còn in mãi trong ký ức người đời.

Tự Đức năm thứ 3, vua có sắc phong “Lê Tả tướng quốc Trần phủ quân tôn thần”.
Vua còn viết lời dẫn tiểu sử công nghiệp của Tả tướng Trần Nguyên Hãn.

Người trong cuộc và cũng là người minh oan sớm nhất cho Trần Nguyên Hãn, nay còn nhận biết qua những trang sử, đó là Sử thần Ngô Sĩ Liên vào năm 1434, sau đó là Sử thần Phan Phu Tiên vào năm 1455, đã để lại dấu ấn khá rõ, không thể nhầm lẫn.

Từ ngữ và hình tượng trong thơ của vua Tự Đức là vậy, hoàn toàn không có ngôn từ nào do chính Trần Nguyên Hãn phát ra. Nhưng với 2 Hán tự “kỳ tướng” dịch sát nghĩa theo tự điển: dáng người cao/ dáng người xót thương/ tướng mạo ái ngại. Đều không mang ý nghĩa xấu, nhưng nếu dịch Nôm là “tướng lạ” khiến người đọc có thể hiểu lầm tướng mạo Lê Lợi có điểm kỳ dị nào đó. Từ đó suy diễn cho rằng Nguyên Hãn buổi đầu đến gặp Lê Lợi, đã có lời nói xúc phạm, là nguyên nhân dẫn đến hệ lụy về sau, là nhận thức sai lệch, không đúng với quốc sử và các sử liệu khác viết về Trần Nguyên Hãn.
                                                                                             Ngày 24/03/2014

                                                                                                     Trần Phước Bình.
(Vịnh : ngâm vịnh, đọc văn thơ đến chỗ có âm điệu phải kéo dài giọng đọc ra gọi là vịnh)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét