Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

THAM LUẬN CỦA CHI HỌ CỔ THÁP (QUÀNG NAM)



Quảng Nam, ngày 19/03/2013.

Kính gửi: bác Bá Khoát và các vị Lão tộc Nha Chử, bác Nguyên Trung đại diện họ Trần Thái Xá!
 Có thể nói sau những ngày đầu năm Quý Tỵ 2013, Thanh Châu rất quan tâm đến việc chắp nối thế phổ nơi đất Bắc, đã có một số bài viết nhanh, nay nhìn lại có những chỗ chưa sát với nội hàm của Hán tự do tiền nhân để lại, hoặc những sai sót, rất mong các cụ bỏ quá cho.
Nay với bài nghiên cứu mới gửi đến quý Bác, trên cơ sở tổng hợp toàn diện hơn các sử liệu đầu mối có liên quan. Rất mong được các bác quan tâm, chia sẻ.
Chi họ Cổ Tháp hy vọng sẽ nhận được ý kiến và chính kiến của quý bác, để bài nghiên cứu này được hiệu đính, đảm bảo tính khách quan và ngắn gọn. Và một hội thảo về Trần Công Ngạn sẽ sớm được tổ chức vào khoảng thời gian thích hợp.

Nhân đây xin chia sẻ với các bác trong biên tập sử phả họ Trần Nguyên Hãn hai ý kiến nhỏ:
- Một số bài viết nơi trang Blog họ Cao Trần, một số tác giả đã viết về ngài Trần Pháp Độ là Trần Quốc Duy, ngài Chân Thường húy là Khương liệu có chính xác không ? Bởi theo nguyên tác Hán tự gốc của Thái Xá, không thấy viết các Hán tự Quốc Duy, Khương
-Đối với ngài Tả Tướng quốc, bản tổng hợp viết “Năm Diên Ninh ngài được triều đình minh oán” có thể nói là có căn cứ. Nhưng nếu cho rằng con cháu ngài, không ai chịu ra làm quan, là chưa khách quan. Bởi một Pháp Độ công, nguyên bị triều đình quản thúc, giam lỏng nơi Đông Kinh đã ra làm quan đến chức Thiết chế Tướng công, tức người có công giúp vua Lê kế thừa và đề ra những quy định, quy chế mới về quản lý bộ máy quan lại (nhà nước), xây dựng một xã hội tiến bộ, ...
 Đề nghị Ban biên tập xem xét, nếu thiếu căn cứ thì nên hiệu đính sớm, để tránh nhận thức sai lệch và làm khó cho những nhà nghiên cứu về sau.
Xin kính cháo quý Bác.
Phước Bình.
 
THAM LUẬN CỦA CHI HỌ CỔ THÁP (QUÀNG NAM) VỀ:

TRƯỞNG TỬ ĐÍCH TÔN TRẦN CÔNG NGẠN
LÀNG THỌ AN?
 
1. Gia phả cổ Nghệ An ghi:
Ngã tổ Pháp Độ công dĩ thiên hoàng chính phái (Thời cụ đối bất cảm tường sở xuất). Ư Lê Hồng Đức – Thánh Tông ngũ niên (Giáp Ngọ 1474), dữ đệ nhị nhân Thỉ tự Sơn Nam thiên Thanh Hóa trú lục niên. Lưu Trưởng, thứ nhị tử dữ tổ Bà tại Tống Sơn huyện, nãi huề Đệ tam nam Thiện Tính công vãng cổ Hoan, tầm thiên Thái Xá, trú trì vu Phì Cam tự (hiệu Liên Hoa tự) nội đạo trứ danh, bốc thọ tàng tại Hào Cường thôn phúc địa Hậu làng xứ, tọa Mão hướng Dậu kim tồn, trúc thổ trạch tại Phú Hữu, Cồn Dù xứ (cổ hiệu Nương Mao). Nam Thiện Tính công hiệu Chân Thường sinh tam nam:
- Nhất lang Trần Chân Tịch hiệu Huyền Nghiêm húy Phúc Quảng.
- Nhị lang Trần Chân Tính hiệu Huyền Thông.
- Tam lang Trần Chân Thiên hiệu Huyền Linh.
Tổ Trần Chân Tịch và bà Hoàng Thị Tâm. Giỗ ông ngày 23 tháng 8 âm lịch, cúng hợp kỵ ngày 27/03.
Lăng mộ ông bà Chân Tịch tại Bảo Tháp, xã Diến Tháp, Diễn Châu, Nghệ An. Ông bà sinh hạ được 4 con trai, được mấy con gái không rõ nhưng cả dòng họ Chân Tịch thờ cô tổ Quế Hoa Nương.
* Con trai trưởng là Trần Công Ngạn ở làng Thọ An.
* Con trai thứ 2 là Trần Phúc Thọ sinh hạ Trần Thủ Hạnh và Trần Đắc.
     - Trần Thủ Hạnh sinh hạ các chi họ hậu duệ ở các xã Diễn Hồng, Diễn Tháp, Diễn Bình, Diễn Vạn, Diễn Kỷ, Diễn Đồng, Diễn Thọ, xã Vĩnh Thành huyện Yên Thành, Diễn Liên, Diễn Tháp, Diễn Lâm, Diễn Phong, Diễn Ngọc.
                                              (cháu 4 đời của tổ Thủ Hạnh có một Phúc Thiện)
- Trần Đắc sinh hạ các chi họ Hải Thanh huyện Nghi Lộc, và Tiền Song Diễn Thịnh,......
* Con trai thứ 3: Trần Chân Tâm, ông về xã Đông Lũy, nay xã Diễn Phong, sinh hạ dòng Đông Lũy. Hậu duệ đời thứ 5 gồm các ông Trần Phúc Thiện, Trần Chỉnh, Trần Bá.
* Con trai thứ 4: Trần Danh Di sinh hạ các chi Quỳnh Diễn, Quỳnh Thọ, Quỳnh Ngọc, Quỳnh Thuận.

Theo tư liệu trên thì tổ Thiện Tính Công theo cha là Pháp Độ Công từ đất huyện Tống Sơn, Thanh Hóa, vào Nghệ An năm 1479. Năm đó Thiện Tính Công chưa lập gia đình. Nếu tổ Thiện Tính cưới bà Lê Thị Từ Phúc (hiệu ông bà Chân Thường) vào khoảng năm 1485 – 1490, hơn năm sau sinh tổ Chân Tịch, và 20 năm sau tổ Chân Tịch sinh tổ Công Ngạn sẽ vào khoảng năm 1511. Đến năm 1533, Nguyên Hòa năm thứ 1, tức năm Lê Ninh lên ngôi hoàng đế hiệu Trang Tông tại sách Sầm Hạ nước Ai Lao, ngài Công Ngạn đã trên 20 tuổi.
Gia phả Nghệ An chép Trưởng tử  Đích tôn Trần Công Ngạn ở làng Thọ An. Ngoài ra, không có một thông tin nào về mồ mả và cảo huyệt, về hậu duệ, và cũng không có Hán tự tảo một ? (theo biên bản Nghệ An nhìn nhận Nha Chử thì có phụ chú Hán tự vị tường, vị nhận).
Về gia thế Trần Công Ngạn có thể tóm lược, ông thuộc dòng dõi Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải văn võ song toàn, ông tổ là Thái úy Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, ông cố là Thiết chế Tướng công Trần Pháp Độ, ông nội là bậc Nho gia uyên bác, tu hành theo đạo pháp nhà Phật, hiệu Chân Thường, người cha nối gót tổ tông hiệu Huyền Nghiêm, tự Chân Tịch húy Phúc Quảng, Nhị vị thúc phụ hiệu Huyền Thông, Huyền Linh đều là những bậc chân tu uyên bác, không tham gia chính sự, đã sinh hạ những dòng Trần tộc có tiếng thơm nơi đất Nghệ An. Riêng dòng tổ nội thúc Bảo Tín con mẹ thứ, nhờ ẩn thân nơi quê ngoại, thi đỗ Bảng nhàn làm quan đời Hồng Thuận đến Thống Nguyên, năm họ Mạc tiếm ngôi ông đã từ quan về ở ẩn. Đến năm Lê Trung hưng thành công, ông được truy tặng hàm Thượng thư Phúc thần (mới được nhìn nhận gần đây). Hành trạng, phần mộ và cảo huyệt các vị Tiên hiền được hậu duệ tại Nghệ An bảo tồn lưu giữ cho đến hiện nay. Đã cho phép chúng ta xác định Trần Công Ngạn phải là bậc danh sĩ, hào kiệt nơi đất Nghệ An lúc bấy giờ.

Làng Thọ Sơn là nơi sinh cư, hay tự tích gắn liền với số phận của gia đình Trần Công Ngạn. Trước hết xét về ngữ nghĩa của Hán tự Thọ Sơn:
Thọ An (Thụ An): 受安 hoặc 授安:Nơi diễn ra cuộc phủ dụ, an ủi của vua quan, và trao cho các chức quan đối với những người theo mình.
Theo kết quả khảo sát của chi họ Nha Chử, thì làng Thọ Sơn, sau cải làng Trung Chính, nay xóm Trung Chính, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Hán tự Trung Chính 忠政,có nghĩa “dốc lòng tòng chính – hết lòng vì nghiệp lớn”.
Đã cho biết nội hàm của tên làng Thọ An sau cải Trung Chính, là địa danh từng diễn ra sự kiện có ý nghĩa lớn lao đối với vua với nước.

Để làm rõ vấn đề mấu chốt này trong thế phổ Thái Xá. Chúng ta cần lưu tâm những nguồn tư liệu sau đây:
1. Sự kiện quan quân nhà Lê trung hưng từ nước Ai Lao về đất Nghệ An, ĐVSKTT chép:
- Canh Tý, Nguyên Hòa năm thứ 8 (1540), Mùa xuân tháng giêng, ngày 15 Mạc Đăng Doanh chết, con Mạc Phúc Hải lên ngôi.
Tháng 11, Thái sư Hưng quốc công Nguyễn Kim đem quân về đánh Nghệ An, hào kiệt phần nhiều theo về, thanh thế rất lừng lẫy, đến đâu là gần xa đều hàng phục.
- Nhâm Dần, Nguyên Hòa năm thứ 10 (1542), Vua lấy Thụy quận công Hà Thọ Tường làm Ngự doanh đề thống ngự giá để mưu việc tiến đánh, sai Thái sư Hưng quốc công Nguyễn Kim thống đốc tướng sĩ các dinh đi trước, tiến đánh các nơi ở Thanh Hoa, Nghệ An. Tướng lĩnh cũ và hào kiệt hai trấn này phần nhiều theo về, thế quân càng thêm mạnh.

2. Gia phả Thanh Châu ghi:  
Thủy tổ Tính sơ công Trần Quý Công tự Phúc Thiện thụy Nguyên Trưởng Phủ Quân. Thế tịch nguyên Nghệ An thừa tuyên, Diễn Châu phủ, Đông Thành huyện, Thái Xá xã. Tập hành trạng của Hòa thượng Diệu Nghiêm (1738-1810) hậu duệ đời thứ 8 ghi: “Nhơn kỳ viến tổ tại Đông Kinh, Nghệ An thừa tuyên phủ tòng, Tiên Nguyễn chúa ứng nghĩa nhi lai Việt Nam quốc”. Sử tích Thủy tổ “Bắc địa tòng vương khai thổ võ - Nam thiên lập ấp chiếm thanh nguyên”. Đã có căn cứ xác định Thủy tổ Phúc Thiện cùng bà Nguyễn Thị Lan nhị nương, thuộc họ Trần Thái Xá, ứng nghĩa vào Nam cùng với đoàn quân của Tướng công Nguyễn Hoàng, ra đi từ hành cung vua Lê tại Thanh Hóa năm 1558. Sự nghiệp của người cha trong tự tích “Bắc địa tòng vương khai thổ võ” đồng nghĩa với Nghệ An thừa tuyên phủ tòng, đã cho phép chúng tôi đặt vấn đề tổ Trần Công Ngạn nơi thế phổ Thái Xá, đã theo vua Trang Tông từ Nghệ An vào khoảng năm 1540, sau đó dời hành cung về Thanh Hóa, tức làm quan triều Lê trung hưng, đã sinh ra Thủy tổ Trần Phúc Thiện.

3. Thế phổ Nha Chử: 
Nguyên văn âm Hán tự lời tựa và 2 đời đầu:
Thiên tích tính dĩ lập tông bản hệ sở tự xuất nhi khởi gia xưngThỉ tổ kế tự đương tư bất vong.
Ngã Cao tộc phát tích tự Trần gia triệu cơ nhân vu Nha Chử tiền tác hậu thuật khẳng cấu khẳng đường.
Ngưỡng thâm khải hựu chi nhân cánh thiết tác cầu chi niệm viên thị tập vi phổ lục vĩnh thị tông khiêu thứ hồ tự sự khổng minh nhi thế thứ khả kỷ giả dã.
- TRẦN QUÝ CÔNG   tự VÔ TÂM.
- TRẦN NHẤT LANG tự PHÚC THIỆN.
- TRẦN NHỊ LANG     tự PHÚC TÍN.
- TRẦN TAM LANG   tự CHÂN KHÔNG.
- TRẦN QUẾ HOA NƯƠNG.
Dĩ thượng chư chân linh phần mộ nguyên tại cựu quán. Vô Ý công thiên vu tư địa tập biên gia phổ tương Trần tính duệ hiệu thư vu thế phổ (chi) thượng sử tử tôn tri thế hệ chi sở tự xuất dã.
                        ĐỆ NHẤT ĐẠI THẾ HỆ.
Sáng nghiệp khai cơ Thái tổ khảo Cao Quý Công tự Vô Ý, chánh ngoạt thập bát nhật kỵ, mộ tại Đồng Trưng nhị độ, thứ Nhị công húy là ông Bông.
Nguyên tiền tại Thanh Hoa tỉnh, Lôi Dương huyện, Thịnh Mỹ xã, tục hiệu là Đò Mia. Thỉ thiên vu tư cải tính Cao Cái tự Công thỉ dã.
Thái tổ tỷ Hoàng Thị Nhất Nương hiệu Từ Tín, cửu nguyệt, nhị thập cửu nhật kỵ, mộ tại cựu quán.
Tỷ sanh đắc tam nam, Trưởng Cao Nhất Lang tự Chân Tính tập tước Bình Luận Công tảo một vô hậu, mộ tại cựu quán, bát nguyệt, thập cửu nhật kỵ. Thứ viết Công Bật, Tam viết Quý Lang tự Hiếu Lương tảo một vô hậu, mộ tại cựu quán, bát nguyệt, nhị thập tam kỵ. Tứ nữ Cao Nhất Nương hiệu Từ Thanh tục là bà Độ, thất nguyệt sơ tam nhật kỵ, Nhị hiệu Từ Tại, cửu nguyệt, thập cửu nhật kỵ, Tam nương hiệu Từ Minh tục là bà Thọ, bát nguyệt, nhị thập tứ nhật kỵ, Cao Quý Nương Tiên Hoa Nương tục là bà Triều Hữu, nhị nguyệt, sơ tứ nhật kỵ.                        
                                   ĐỆ NHỊ ĐẠI THẾ HỆ
Giáp phái tổ khảo Cao Quý Công tự Công Bật* thụy viết Phúc Hậu, thập nguyệt sơ tứ nhật kỵ, mộ tại cựu Thượng xứ Nhất độ, thứ Ngũ công. Nãi Vô Ý Công chi thứ tử dã. Húy Căn, hậu cải Công Bật tập tước Dự Nghĩa công thú tam phòng.
Ư Lê triều Dụ Tông Vĩnh Thịnh cửu niên Quý Tỵ, phỏng chánh lâm Phật hậu. Chí Vĩnh Thịnh thập tứ niên Mậu Tuất phỏng bổn thôn hậu Phật.
Án ngô tộc tự Vô Ý công Tướng công vu tư tân ấp nhất phụ nhất tử. Thử thời nhân đinh thượng tồn hy thiểu. Chí vu công Tam phòng quảng tự tiệp hữu qua điệt miên sanh chi triệu, hiện thử tắc công thành khởi chi tổ dã”.

Tư liệu Nha Chử đã viết nhiều lần về ngôi Sáng nghiệp khai cơ dòng Cao Trần:
Lời tựa ghi: “Vô Ý công thiên vu tư địa tập biên gia phổ tương Trần tính duệ hiệu thư vu thế phổ chi thượng sử tử tôn tri thế hệ chi sở tự xuất dã”.
Thế phổ đời thứ nhất chép: “Sáng nghiệp khai cơ Thái tổ khảo Cao Quý Công tự Vô Ý, chánh ngoạt thập bát nhật kỵ, mộ tại Đồng Trưng nhị độ, thứ Nhị công húy là ông Bông. Nguyên tiền tại Thanh Hoa tỉnh, Lôi Dương huyện, Thịnh Mỹ xã, tục hiệu là Đò Mia. Thỉ thiên vu tư cải tính Cao Cái tự Công thỉ dã”.
Thế phổ đời thứ 2, ghi: “Giáp phái tổ khảo Cao Quý Công tự Công Bật* thụy viết Phúc Hậu, thập nguyệt sơ tứ nhật kỵ, mộ tại cựu Thượng xứ Nhất độ, thứ Ngũ công. Nãi Vô Ý Công (chi) thứ tử dã. Húy Căn, hậu cải Công Bật tập tước Dự Nghĩa công thú tam phòng”.

Phân tích đoạn trích thế phổ Nha Chử cho biết, ngài Vô Ý công, cùng con trai thứ là Công Bật dời đến tân ấp Nha Chử, và mộ 2 ông đều tại Nha Chử. Bà hiệu Từ Tín, con trai trưởng và con trai út, mộ đều nằm lại nơi cựu quán. Thế phổ còn có mấy điểm nhấn, Vô Ý công là con trai thứ (thứ tử dã), sinh hạ Thứ viết Công Bật, húy Căn, hậu cải Công Bật (tập tước Dự Nghĩa công), là Giáp phái Tổ khảo Cao Trần, sinh hạ dòng Nha Chử. Lại một khẳng định nữa: “Án ngô tộc tự Vô Ý công Tướng công vu tư tân ấp nhất phụ nhất tử”.
         
Vậy, ngôi sáng lập khai cơ dòng Cao Trần là người con trai thứ, tên tự Vô Ý công Tướng công, phối bà Hoàng Thị Nhất Nương hiệu Từ Tín, sinh hạ 3 nam 4 nữ tại cựu quán xã Thịnh Mỹ, huyện Lôi Dương, Thanh Hóa. Trong 3 nam theo thế phổ “Trưởng Cao Nhất Lang tự Chân Tính tập tước Bình Luận Công tảo một vô hậu, mộ tại cựu quán. Thứ viết Công Bật, Tam viết Quý Lang tự Hiếu Lương tảo một vô hậu, mộ tại cựu quán”. Nếu đến đây, chỉ còn duy nhất một người con trai là Công Bật, theo lẽ thường thì chưa phân phái. Nhưng thế phổ đã chép: “Giáp phái tổ khảo Cao Quý Công tự Công Bật* thụy viết Phúc Hậu” tức phái nhất thuộc tổ Vô Ý công, là sự xác nhận còn có Ất hoặc Bính phái. Hay chăng, 3 anh em Chân Tính, Công Bật, Hiếu Lương thuộc dòng mẹ đích (Hoàng Thị Nhất Nương hiệu Từ Tín), còn có con trai dòng mẹ thứ mà thế phổ Nha Chử chép: “Thử thời nhân đinh thượng tồn hy thiểu”, có nghĩa, bên ấy, con trai còn rất ít. Sự kiện nào đã khiến cho bên này (Nha Chử) cũng chỉ còn Nhất phụ nhất tử, bên ấy nhân đinh thượng tồn hy thiểu (bên ấy rất có thể là dòng Nguyễn Trần tại Nam Đàn). Đây là hai chi tiết trong tự tích Trần Quý Công tự Vô Tâm phần mộ nguyên tại cựu quán.
Đứng đầu hàng “Dĩ thượng chư chân linh phần mộ nguyên tại cựu quán ..” là Trần Quý Công tự Vô Tâm. Nếu xác định ngài là thân phụ của Cao Quý Công tự Vô Ý tướng công, là tổ nội của tập tước Bình Luận công và Dự nghĩa công. Thì Trần Quý Công tự Vô Tâm phải là bực công thần của triều Lê trung hưng. Nhưng vì sao thế phổ không ghi chép rõ ràng, chính sử không một lần nhắc đến danh tính, tước hàm của Ngài. Tất cả như được gửi gắm nơi tên tự Vô Tâm, và người con là Vô Ý. Trong lịch sử chỉ thấy ghi chép một vài vị danh sĩ có tên tự là Vô Sự, không một ai tự nhận mình là người vô tâm, bởi theo Nho giáo tâm đức là vốn quý nhất của kẻ sĩ. Vô tâm, vô ý thông thường là lời xin lỗi, khi có lỗi với một ai đó.

4. Nha Chử còn có câu đối cổ nơi Từ đường:
“Khởi gia tự tích Ái châu lai.
      Truyền thế đương sơ Trần duệ xuất”
Tạm dịch: Nhà khởi lên từ  đầu mối, dấu vết nơi sự kiện trở lại Thanh Hóa.
                 Truyền thế đang  sơ (sơ nhất, sơ nhị, ....sơ cửu thế), xuất ra từ dòng dõi hậu duệ họ Trần thời Ái châu, tức nhà Trần (do Ái châu – Trần duệ).
(ĐVSKTT chép địa danh Thanh Hóa lần đầu tiên tại BK 12-25a/ Quang Thuận năm thứ 7 (1466): “Đặt 13 đạo thừa tuyên: Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa .. )
(Hán tự lai có nghĩa: đến, lại, vời đến, khoảng, hơn chút ít // chữ tự: đầu mối //  chữ tích: dấu vết, theo dấu “phàm sự vật gì đã qua rồi mà còn có dấu vết để lại cho người noi đó mà tìm kiếm đều gọi là tích”.)
Theo đó, tộc Cao Trần khởi gia trong sự kiện đầu mối trở lại Thanh Hóa. Bấy giờ dòng tổ xuất ra từ hậu duệ nhà Trần, trước đến Thanh Hóa, rồi dời cư nơi khác, lại trở về Thanh Hóa trong khoảng thời gian mà số đời đang ở hàng sơ thế. Trong lịch sử vua chúa Việt Nam, một đời người, một dòng tộc để lại dấu vết, thông thường là bậc công thần (Quý công), có công với vua, với nước, làm quan nơi triều chính, được chính sử, thế phổ, bia ký ghi chép. Với giải thích này có thể là duy ý chí, bởi trong chúng ta đều biết, Thiết chế Tướng công Trần Pháp Độ, quan triều Lê Thánh Tông. Năm 1474, ngài trí sĩ, đưa gia đình từ Đông Kinh (Thăng Long) đến định cư tại Tống Sơn, Thanh Hóa. Đến năm 1479, trưởng tử, thứ tử và tổ bà ở lại Tống Sơn, (tổ ông) bèn dẫn Đệ tam nam vào Nghệ An tầm thiên. Câu đối xác định có một nhánh Trần duệ trở lại Thanh Hóa. Thế phổ Nha Chữ có đến 3 vị Quý công là Trần Quý Công tự Vô Tâm, (Trần cải) Cao Quý Công tự Vô Ý, và Cao Quý Công tự Công Bật, lại có 2 vị được tập tước Bình Luận công và Dự Nghĩa công tại nguyên tiền Thanh Hóa, nơi vua Lê đóng hành cung từ khoảng năm 1541 – 1593, thời Nam Bắc triều. Vị tổ khai sáng dòng Nha Chử họ Trần cải họ Cao Công, tức ngài Vô Ý công Tướng công trong cảnh ngộ “Nhất phụ, nhất tử” đến vùng đất tân ấp Nha Chử.
Vậy, vị tổ Trần duệ xuất, đầu mối của họ Cao Trần Nha Chử phải là một vị quan có công với nước, mà chúng ta đang đặt vấn đề tổ Trần Quý Công tự Vô Tâm phần mộ nguyên tại cựu quán, có phải là Trưởng tử đích tôn Trần Công Ngạn sinh vào khoảng năm 1511, ở làng Thọ An, cựu quán họ Trần Thái Xá ?

5. Nguồn sử liệu chính sử:
Lần theo chính sử triều Lê và triều Nguyễn, tìm những vị quan tên Ngạn:
a. Thiệu Bình năm thứ 4 (1437): Vũ Đình Ngạn làm ty hình viện đại phu.
b. Hồng Đức năm thứ 10 (1479): .... Trấn Lỗ tướng quân Lê Đình Ngạn
c. Hồng Thuận năm thứ 6 (1516): Thuần Mỹ điện giám Trần Cảo ở trang Dưỡng Chân, huyện Thủy Đường làm loạn.... Trong đó có Phan Ất, Đình Ngạn
d. Chính Trị năm thứ 5- Mạc Thuần Phúc năm thứ 1(1562), Phò mã đô úy Ngạn quận công Mạc Ngọc Liễn làm Chưởng phù Tây vệ.
đ. Hồng Phúc năm thứ 1 – Mạc Sùng Khang năm thứ 7 (1572), vua Lê Anh Tông bị giết, quan đại thần Cảnh Hấp, Đình Ngạn gặp nạn.
e. Quang Hưng năm thứ 6-Mạc Diên Thành năm thứ 6  (1583), Họ Mạc mở khoa thi Hội. Cho Nguyễn Tuấn Ngạn đỗ tiến sĩ cập đệ, ...
g. Đinh Dậu, năm thứ 40 (1597) cùng tướng nhà Lê là Bùi Văn Khuê, Phan Ngạn (ĐNTL).
          Vậy, từ năm 1437 – 1597, có 4 vị Đình Ngạn, 1 vị Tuấn Ngạn, 1 vị Phan Ngạn, và 1 Ngạn quận công Mạc Ngọc Liễn.
Trong 4 vị Đình Ngạn: 1 vị làm quan triều Lê Thái Tông, 1 vị làm quan triều Lê Thánh Tông, 1 vị làm quan triều Lê Tương Dực, 1 vị làm quan triều Lê Anh Tông (thời Nam triều, Bắc triều). Vậy, duy nhất chỉ có quan đại thần Đình Ngạn và Cảnh Hấp gặp nạn dưới triều Lê Anh Tông, là phù hợp với năm sinh khoảng 1511 của Trần Công Ngạn, trùng hợp với thời gian hành cung vua Lê tại sách Vạn Lại, huyện Lôi Dương, Thanh Hóa.

Sự kiện này Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Hồng Phúc năm thứ 1 – Mạc Sùng Khang năm thứ 7 (1572), Mùa xuân tháng giêng, vua tế trời đất ở đàn Nam Giao. Khi làm lễ, vua bưng lư hương khấn trời xong, bỗng lư hương rơi xuống đất. Vua biết là điềm chẳng lành, bèn xuống chiếu đổi niên hiệu là Hồng Phúc năm thứ 1.
Tháng 11 ngày 21, Lê Cập Đệ từng có chí khác, định mưu hại Tả tướng Trịnh Tùng. Tả tướng giả vờ không biết, gửi biếu nhiều vàng. Khi Cập Đệ đến tạ ơn, Tùng sai đao phủ phục ở dưới trướng bắt giết đi rồi sai người nói phao lên rằng Cập Đệ mưu làm phản, vua sai ta giết chết, tướng sĩ các ngươi không được sợ hãi, kẻ nào chạy trốn hoặc làm phản thì phải giết cả họ. Thế là quân lính đều khiếp sợ, không ai dám hành động.
Bấy giờ, Cảnh Hấp và Đình Ngạn nói với vua rằng: “Tả tướng quốc cầm quân, quyền thế rất lớn, bệ hạ khó lòng cùng tồn tại với ông ta được”. Vua nghe nói vậy, hoang mang nghi hoặc, đương đêm bỏ chạy ra ngoài, đem theo bốn hoàng tử cùng chạy vào thành Nghệ An và ở lại đó. Tả tướng bàn với các tướng rằng: Nay vua nghe theo lời gièm pha của kẻ tiểu nhân đem ngôi báu xiêu giạt ra ngoài. Thiên hạ không thể một ngày không có vua, ... Chi bằng trước hết hãy tìm hoàng tử lập lên để yên lòng người, rồi sau sẽ đem quân đi đón vua cũng chưa muộn. Bấy giờ hoàng tử thứ 5 là Đàm ở xã Quảng Thi, huyện Thụy Nguyên, bèn sai người đi đón về tôn lập làm vua, đó là Thế Tông.
Gia Thái năm thứ 1-Mạc Sùng Khang năm thứ 8 (1573), tháng giêng ngày mồng một, ... tôn hoàng tử lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu, đại xá, ban dụ đại cáo: “.... Ngày 26 tháng 2, bị kẻ gian là bọn Cảnh Hấp, Đình Ngạn gièm pha, ly gián, đến nổi xa giá phiêu giạt ra ngoài, thần dân trong nước không chỗ nương tựa. .....”
Chính sử triều Lê không chép 2 ông Cảnh Hấp và Đình Ngạn theo vua Anh Tông bỏ ngai vàng xiêu giạt vào thành Nghệ An, tức 2 ông vẫn ở lại hành cung Vạn Lại, sử cũng không đề cập đến việc xử án đối với 2 ông, nhưng với đoạn văn: “Tùng sai đao phủ phục ở dưới trướng bắt giết đi rồi sai người nói phao lên rằng Cập Đệ mưu làm phản, vua sai ta giết chết, tướng sĩ các ngươi không được sợ hãi, kẻ nào chạy trốn hoặc làm phản thì phải giết cả họ. Thế là quân lính đều khiếp sợ, không ai dám hành động”, đã xác định hai ông không thể thoát chết, nếu 2 ông thoát được thân thì chính sử đã có cơ sở buộc tội 2 ông rõ ràng và chắc chắn hơn.
Cuộc chính biến năm 1572 – 1573, dưới triều Lê trung hưng, vua Anh Tông bị giết, hai nhà quan đại thần gặp nạn tầy đình, rất phù hợp với gia cảnh họ Trần duệ xuất, nguyên tiền tại xã Thịnh Mỹ, huyện Lôi Dương, Thanh Hóa, phải Nhất phụ nhất tử đi về vùng sâu đất Sơn Nam Hạ (xem sự tích Nguyễn Công Trứ lấn biển, mở đất dưới triều vua Nguyễn) cải họ Cao Công – Cao Cái – Cao Quý Công, đến nổi nhân đinh thượng tồn hy thiểu, hàm ý gia cảnh gặp phải cuộc bể dâu, và cũng rất phù hợp với Trần Công Ngạn làng Thọ An vị tường, vị nhận.
Vấn đề gia phả chép Trần Công Ngạn, chính sử chép Đình Ngạn. Lý giải điều này, có thể Trịnh Tùng gán tội 2 ông để lấy cớ giết hại vua Anh Tông. Do đó, không thấy ghi chép việc nghị xử của triều thần. Các nhà viết sử đương thời đương nhiên phải tước bỏ quan hàm, tước phẩm, bản quán, họ, và tên Công Ngạn đã viết Đình Ngạn, là có ý đồ của các sử thần, hoặc cũng có thể Đình Ngạn là tên húy của ông trước khi được phong tước hàm. Chữ công trong danh xưng Quý công, thế phổ Nha Chử ghi chép đến 3 vị, tên người Công Bật , cải Công Bật .
Với những tư liệu đó, thì nhận định trên không thể là duy ý chí. Nó còn được tự tích của họ Trần Thanh Châu tại Quảng Nam minh chứng: “Nhơn kỳ viễn tổ tại Đông Kinh, Nghệ An thừa tuyên phủ tòng, Tiên Nguyễn chúa nhi lai Việt Nam quốc // Thế tịch nguyên Nghệ An thừa tuyên, Diễn Châu phủ, Đông Thành huyện, Thái Xá xã // Tự tích đầu mối nơi câu đối: Bắc địa tòng vương khai thổ võ – Nam thiên lập ấp chiếm thanh nguyên. Ngôi vị của ngài trong dòng tộc Thái Xá được xác định trong tên thụy: Nguyên Trưởng phủ quân.
Sử liệu Thanh Châu không có Hán tự Thanh Hóa hay Ái Châu, nhưng ẩn chứa rất rõ trong tự tích “Nghệ An thừa tuyên phủ tòng – Bắc địa tòng vương khai thổ võ ”, có nghĩa tòng theo vua Lê từ Nghệ An, tức Trang Tông vị vua sáng nghiệp Trung hưng tại nước Ai Lao, về Nghệ An, sau đó tiến quân ra Thanh Hóa lập hành cung tồn tại trên 50 năm. Đến năm 1592, mới lấy lại được thành Đông Kinh, kết thúc cuộc nội chiến Nam Bắc triều.
Câu đối của Thanh Châu được khắc ghi nơi chính tẩm Từ đường, là đầu mối, dấu vết khá rõ. Vế 1, thờ vị thân sinh của tổ Phúc Thiện trở lên ẩn chứa trong tự tích: Bắc địa tòng vương khai thổ võ. Vế 2, thờ ông bà Thủy tổ Trần Quý Công tự Phúc Thiện và bà Nguyễn Thị Lan nhụ nhơn trở xuống trong tự tích: Nam thiên lập ấp chiếm thanh nguyên.
Đến sau năm 1975, Thanh Châu còn lại ít nhất 5 tập Phổ hệ, lưu giữ tại các chi phái khác nhau. Trong đó, bản của chi Cù Bàn viết song ngữ Hán Việt, chép: Thủy tổ tính sơ công Trần Quý Công tự Phúc Thiện. Thế tịch nguyên Nghệ An thừa tuyên, ..... Và tên thụy của ngài nơi mộ chí: Nguyên Trưởng Phủ Quân, là hoàn toàn phù hợp với ngôi Trần Nhất Lang tự Phúc Thiện nơi thế phổ Nha Chử.
Dĩ thượng chư chân linh phần mộ nguyên tại cựu quán ghi:
- TRẦN QUÝ CÔNG   tự VÔ TÂM.
- TRẦN NHẤT LANG tự PHÚC THIỆN.
- TRẦN NHỊ LANG     tự PHÚC TÍN.
- TRẦN TAM LANG   tự CHÂN KHÔNG.
- TRẦN QUẾ HOA NƯƠNG.
Từ đó, chúng tôi xác định Trần Quý Công tự Vô Tâm nơi cựu quán, chính là Trần Công Ngạn ở làng Thọ An vị tường, là quan Đại thần Đình Ngạn bên cạnh vua Anh Tông bị quốc nạn vào cuối năm 1572 đầu năm 1573. Với trách nhiệm được giao, hai ông có nói với vua những lời tâm huyết, lo lắng cho vận mệnh sống còn của vua, của nước, không hề có tâm khiến vua đang đêm phải bỏ chạy ra ngoài, để rồi cùng bị chết. Đến năm Nha Chử lập thế phổ, người con thứ của ngài là Nhị lang Tướng công tự Phúc Tín, cải Cao Công tự Vô Ý vu tư tân ấp, đã chép vào thế phổ tên tự mới của cha mình là Vô Tâm, và chính ngài Phúc Tín tướng công cũng là người trong cuộc, nên đặt tên tự mới cho mình là Vô Ý, là sự khái quát hóa độc đáo về cuộc chính biến năm ấy, mà gia đình ngài là nạn nhân.
Gia phả Thái Xá xác định Trưởng tử đích tôn Trần Công Ngạn ở Làng Thọ An, sau cải Trung Chính (nay xóm Trung Chính, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) tiếp giáp với Thanh Hóa. Trong khi đó, 3 dòng em ruột của ông là Phúc Thọ, Chân Tâm và Danh Di, đều sinh cư tại các làng không xa ngôi song mộ của cha mẹ (ông bà Chân Tịch) tại làng Bảo Tháp, đều thuộc huyện Diễn Châu. Kết hợp với nội hàm của tên làng Thọ An – Trung Chính, xác định địa danh làng Thọ An chính là nơi vua Lê Trang Tông dừng chân, nơi tiếp nhận và phủ dụ danh sĩ hào kiệt xứ Nghệ, có thể do Trần Công Ngạn dẫn đầu về phò Lê trung hưng, là rất phù hợp với nội hàm vế đối: “Khởi gia tự tích Ái Châu lai”.

Đối với cô tổ Trần Quế Hoa Nương, thế phổ Thái Xá chép: Tổ Trần Chân Tịch và bà Hoàng Thị Tâm. Giỗ ông ngày 23 tháng 8 âm lịch, cúng hợp kỵ ngày 27/03.
Lăng mộ ông bà Chân Tịch tại Bảo Tháp, xã Diến Tháp, Diễn Châu, Nghệ An. Ông bà sinh hạ được 4 con trai, được mấy con gái không rõ nhưng cả dòng họ Chân Tịch thờ cô tổ Quế Hoa Nương.
Con trai trưởng là Trần Công Ngạn ở làng Thọ An”.
Như vậy, thế phổ Nha Chử và Thái Xá cùng chép cô tổ Trần Quế Hoa Nương. Cô tổ Quế Hoa Nương được cả dòng trưởng Chân Tịch phụng thờ, có thể hiểu cô tổ là con gái quý của ông bà Chân Tịch, là chị hoặc em gái của tổ Trần Công Ngạn. Tổ cô đã có chồng, sau hoặc không có con trai, hoặc không xuất giá, hoặc có công lớn giúp con cháu Trần Công Ngạn thoát thân năm gặp nạn. Nên được các chi thuộc dòng Trưởng họ ngoại đảm nhận phụng thờ. Phần mộ cô tổ tại đâu, chưa có tư liệu nào của Nghệ An đề cập đến. Thế phổ Nha Chử chép cô tổ Trần Quế Hoa Nương, là sự ghi ơn công lao của bà, cũng có thể chính cô tổ đã theo anh hoặc em trai là Trần Công Ngạn sống nơi đất Thanh Hóa và đã mất trong cuộc chính biến, là yếu tố xác nhận Nha Chử thuộc dòng trưởng Trần Chân Tịch.

Với cách ghi chép thì Nhất lang, Nhị lang và Tam lang họ Trần nơi thế phổ Nha Chử, phải là 3 anh em ruột, rất dễ ngộ nhận với 3 anh em ruột đời trên là: Chân Tịch, Chân Tính, Chân Thiên tại Thái Xá, hay Công Sũng, Đạo Tín, Thiện Tính tại Tống Sơn. Nhưng với các tên tự Phúc Thiện (Thanh Châu đang nhìn nhận là Thủy tổ), Phúc Tín, và thụy viết Phúc Hậu đời thứ 2 của Nha Chử, là dấu hiệu lập tộc Trần Phúc tại Thanh Hóa, thuộc dòng trưởng của ông bà Chân Thường húy Phúc Quảng tại Nghệ An. Nên Trần Tam Lang tự Chân Không, nếu căn cứ nghĩa của Hán tự Chân Không thì có thể tổ Tam lang đến đây không còn hậu duệ, tức vô tự nên không chép tên hiệu có chữ Phúc.
Về hành trạng của ông bà Chân Thường, được các thế phổ Nghệ An ghi chép khá rõ. Ngài là Tam lang, được người cha huề vào đất Nghệ An, đến tuổi trưởng thành phối bà Lê Thị Từ Phúc (hiệu ông bà Chân Thường), sinh hạ đắc tam nam. Cả cuộc đời tuân hành nội đạo theo dấu chân người cha những năm cuối đời nơi chùa Phì Cam. Do đó , ngài không tham gia chính sự, mà là bậc chân tu qua tên hiệu Chân Thường. Ngài có bài thơ thất ngôn bát cú, đầy lạc quan về đường hậu duệ, mộ phần ông bà được hậu thế chăm nom và bảo tồn cho đến ngày nay tại Nghệ An, kể cả cảo huyệt. Với hành trạng trong sáng, chân tu, lạc quan không tham gia chính sự của ông bà Chân Thường, nên không thể có tên tự là Vô Tâm. Hơn nữa, ngài Chân Thường được hưởng ân điển triều đình là do công của người cha là Thiết chế Tướng công Pháp Độ, của ông nội là Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, không có tư liệu nào của Nghệ An viết về công lao đặc biệt của Ngài đối với vua, với nước để có danh xưng Trần Quý Công.

Nguyên âm Hán tự bài thơ của ngài lưu hậu thế:
Cương thường kim cổ đạo vô vi.
Hưng vượng tinh thần lại sảng suy.
Bách thế hỏa hương thêm nồng vị.
Tử tôn hoa thảo phất  phương phi.
Độ thường nam bắc phân tam cá. 
Cảnh tùng lam hợp nhất chi chi.
Kiến thế dã từng am cự tộc.
Hội từ chiếu vọng phất quang phi.

Cuộc chính biến tại hành cung Vạn Lại năm 1572 – 1573, theo nghiên cứu chính sử thời Nguyễn Sơ, thì có ít nhất 2 vị quan nhà Lê quy vu Nam thổ, đó là: “Trương Công Gia - Điện tiền Đô kiểm điểm Lương quận công đời Lê. Lúc Thái tổ hoàng đế vào Thuận Hóa, đã đem gia quyến đi theo. Đại Việt sử ký toàn thư, từ năm 1570 đến 1574, có 4 lần chép Lương quận công, nhưng không nêu danh tính. Năm 1571, ghi “Lương quận công được thăng Thiếu phó” . Năm 1574, ghi “Bấy giờ Tiết chế Trịnh Tùng nắm hết mọi quyền trong ngoài. Bọn Trịnh Vĩnh Thiệu, Trịnh Bách và Lương quận công ngầm mưu sát hại. Việc tiết lộ, đều bị bắt hạ ngục để xử tội. Bà phi của Thái vương là Nguyễn thị (Mẹ của Tiết chế Trịnh Tùng) ra sức cứu gỡ mới được khỏi tội, nhưng bị tước quyền.
 Lương Văn Chính: người huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Lúc trước Văn Chính làm quan nhà Lê đến chức Thiên vũ Vệ đô chỉ huy sứ. Theo Thái tổ vào Nam. Khoảng năm Mậu Dần (1578), người Chiêm Thành đến lấn cướp, Chính tiến quân đến sông Đà Diễn, đánh lấy được Hồ Thành. Vì có quân công, thăng Đặc tiến Phụ quốc Thượng Tướng quân, tước Phú Nghĩa hầu”.
Đầu mối Trần Quý Công tự Phúc Thiện và Công Ngạn như đã trình bày, hoàn toàn trùng khớp ngẩu nhiên với thế phổ họ Nguyễn chúa, có cùng thời mốc và sự kiện lịch sử:

THẾ PHỔ HỌ NGUYỄN
THẾ PHỔ HỌ TRẦN
Nguyễn Công Duẫn – Phụng thần vệ tướng quân Gia Đình hầu, tặng Thái bảo Hoành quốc công (có công 10 năm đánh dẹp quân Minh, đời Lê Lợi)
Tư đồ Thái úy Tả tướng quốc
Trần Nguyên Hãn.
Nguyễn Đức Trung – Điện tiền chỉ huy sứ Đô đốc Trinh quốc công, tặng Thái úy
(con gái làm tiệp dư sinh vua Lê Hiến Tông)

Thiết chế Tướng Công
Trần Pháp Độ.
Nguyễn Văn Lãng (Lang) – Thủy quân vệ chỉ huy sứ, phong Thái úy Nghĩa quốc công bình chương quân quốc trọng sự, tặng Nghĩa Huân vương.

Trần Thiện Tính hiệu Chân Thường.

Nguyễn Hoằng Dụ - Đô đốc An Hòa hầu
Trần Chân Tịch hiệu Huyền Nghiêm húy Phúc Quảng.
Nguyễn Kim – Hữu vệ tướng quân An Thành hầu, được phong Thượng phụ Thái sư Hưng quốc công Chưởng nội ngoại sự.

Trần Quý Công - Công Ngạn.
Nguyễn Hoàng – Đoan quốc công, Chúa Tiên
Trần Quý Công – tự Phúc Thiện,
Nguyên Trưởng phủ quân.

Năm 1573, Tướng công Phúc Tín cùng người con trai thoát thân đi về đất Sơn Nam Hạ, thuộc quyền cai quản của họ Mạc, không những không quy thuận họ Mạc để hưởng vinh hoa, phú quý mà ông còn để lại hai tên tự Vô Tâm, Vô Ý như nói với hậu thế, các ông không có tâm hại vua Anh Tông như chính sử chép, là điều đáng để chúng ta tiếp tục suy ngẫm.

Kết: Thế phổ Thái Xá chép: Trần Công Ngạn ở làng Thọ An, là sự tích đầu mối quan trọng đối với tổ Trần Công Ngạn, ông đã lập được công lao xuất chúng trước khi đến với vương triều Lê trung hưng vào năm 1540 (năm đó ông độ 30 tuổi), dòng dõi nguyên quan triều tại Đông Kinh lại được khởi gia. Do đó, làng Thọ Sơn chỉ là nơi dừng chân, có ý nghĩa bước ngoạt của dòng họ tại Thái Xá, đã từng chịu sự đố kỵ dưới triều Lê sơ mà phải chịu dứt đường quan lại.
Trần Quý Công tự Vô Tâm, là Trần Công Ngạn nơi thế phổ Thái Xá, là Đình Ngạn quan đại thần nơi chính sử triều Lê, đã từng sinh cư tại xã Thịnh Mỹ -盛美 ,làng giàu sang, phú quý và đẹp, sau cải Tứ Trụ -四柱 , làng của các quan đại thần, tứ trụ của vương triều Lê trung hưng nơi đất Thanh Hóa. Nếu căn cứ ngữ nghĩa của Hán tự Thịnh Mỹ xã sau cải Tứ Trụ xã, kết hợp với sự kiện Cảnh Hấp và Đình Ngạn ở bên cạnh vua, thì Trần Công Ngạn phải là quan Tứ trụ của triều đình.
Những nhận định trước đây, Trần Quý Công tự Vô Tâm là Thiện Tính công hiệu Chân Thường, hoặc ngài Vô Tâm và Cao Quý Công tự Vô Ý là một, là chưa sát hợp với những tự tích mà tổ tiên đã dày công để lại.
Có thể nói sau mấy năm liên tục nghiên cứu miệt mài, các tự tích, sử tích của hai nhà Nha Chử và Thanh Châu, của gia phả gốc họ Trần Thái Xá. Chúng tôi, nhận thấy đã hội đủ điều kiện để khẳng định “Dĩ thượng chư chân linh phần mộ nguyên tại cựu quán ”, là nơi bản quán đã sinh ra các vị Chân linh họ Trần làng Thái Xá, khác với Nguyên tiền tại Thanh Hóa tỉnh. Phần mộ nguyên tại cựu quán là nội hàm nơi đó còn nhiều di tích mộ đời trên, như thế thế phổ Thái Xá ghi chép là chính xác. Danh tính các vị họ Trần nơi lời tựa Nha Chử chính là đầu mối gia đình Trần Công Ngạn ở làng Thọ An, sinh hạ dòng Thanh Châu – Nguyên Trưởng Phủ Quân và dòng Thái tổ Vô Ý Công Nha Chử, và các chi nhánh trực thuộc.

Vị sáng nghiệp khai cơ Thái tổ Cao Quý Công tự Vô Ý sinh hạ dòng Nha Chử, là Trần Nhị Lang tự Phúc Tín, được các tư liệu cổ vô giá của Nha Chử xác nhận:
-         Vô Ý công thứ tử dã, Đồng Trưng nhị độ, thứ nhị công (mộ ông táng tại xứ Đồng Trưng, là mộ cải táng lần 1, là người con thứ 2 trong gia đình).
-         Vô Ý công Tướng công vu tư tân ấp.
-         Bà Hoàng Thị Nhất Nương hiệu Từ Tín, nghĩa là mẹ Tín, tên ông.
-         Ông bà có 2 con trai được tập tước công.

Vị sáng nghiệp khai cơ Thủy tổ Trần Quý Công tự Phúc Thiện sinh hạ dòng Thanh Châu, là Trần Nhất Lang tự Phúc Thiện, được chính tư liệu cổ Thanh Châu xác nhận:  
- Ngài là Trần Quý Công ra đi vào Nam, tự tích đầu mối chép “Nam thiên lập ấp chiếm thanh nguyên” hay “Tiên Nguyễn chúa ứng nghĩa nhi lai Việt Nam quốc”, và phẩm hàm của bà Nguyễn Thị Lan là Nhụ nhơn.
-Thế tịch nguyên Nghệ An thừa tuyên, Diễn Châu phủ, Đông Thành huyện, Thái Xá xã.
-Tên thụy của ngài: Nguyên Trưởng Phủ Quân - 元長府君
- Sự nghiệp công thần của người cha được ghi lại nơi tự tích “Bắc địa tòng vương khai thổ võ” hay “Nghệ An thừa tuyên phủ tòng”.

Gia phả Thanh Châu và Nha Chữ có một điểm chung rất rõ là, các đời thượng thế tổ không chép danh tính đầy đủ, mà thể hiện thông qua tự tích, sự kiện lịch sử đầu mối, là sự khái quát hóa diệu kỳ của dòng dõi danh môn, do nghịch cảnh dồn nén mà xuất ra.
Hồng phúc thay dòng Trần Thái Xá, trải qua bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử, đến nay hậu duệ vẫn còn lưu giữ được những di tích của các đời Tiên hiền nơi đất Nghệ An, với gần chục tập gia phả Hán tự, cảo huyệt, phần mộ và tự tích. Để Thanh Châu và Nha Chử, ... những dòng hậu duệ xa xứ được kết nối một cách chính xác.
Đối với hậu duệ Thanh Châu đến nay đã truyền hạ trên 17 đời, nhưng hiện tại đời thứ 13 còn có 4 cụ, tuổi đời thấp nhất là 58 tuổi, rất phù hợp với thời gian sinh hạ trong những thế kỷ trước. Do đó, biên bản nhìn nhận anh em giữa các vị lão tộc Thanh Châu và chi họ Đông Lũy vào trước năm 2.000, xác nhận Thủy tổ Phúc Thiện là Phúc Thiện hậu duệ 5 đời của tổ Chân Tâm, hoặc tổ Phúc Thiện hậu duệ 5 đời của tổ Phúc Thọ (các tổ Phúc Thọ, Chân Tâm và Danh Di, đều là em trai của tổ Công Ngạn), chỉ đúng với dòng họ Trần Thái Xá, nhưng không phù hợp với nguồn sử liệu đầy đủ, và các di tích mộ cổ dưới thời chúa Nguyễn của Thanh Châu.
Nay qua hội thảo này, chi họ Cổ Tháp trực thuộc Thanh Châu xin được cải chính. Có vậy, công đức của Trần Công Ngạn, của Phúc Thiện, Phúc Tín, ...  mới được sáng tỏ, góp phần làm rạng danh tông tổ dòng Pháp Độ công Thái Xá. Thanh Châu mới có căn cứ lập hồ sơ đề nghị nhà nước công nhận ngôi song mộ của ông Phúc Thiện là di tích lịch sử. Vào khoảng năm 2005, Thanh Châu đã một lần lập hồ sơ đề nghị nhà nước xem xét, nhưng đã không được chấp nhận, bởi nguồn tư liệu do anh Trần Phẩm chi Phú Chiêm cung cấp, thì ngài Thủy tổ Trần Phúc Thiện tại Thanh Châu, đã để lại người vợ hiền và đàn con thơ nơi làng Đông Lũy, một thân đi Nam, sau đó kết duyên cùng bà vợ kế Nguyễn Thị Lan vào thập niên đầu của thế kỷ XVII, sinh hạ dòng Thanh Châu, tức ông bà không có công lao gì với nước, với dân, và cũng không thể là tiền hiền làng Thanh Châu, nên hồ sơ đã được cơ quan chức năng trả lại.

Đối với Nha Chử, về tự tích nơi câu đối, lời tựa và 2 đời đầu của thế phổ thì đã quá rõ, không còn gì phải bàn. Ngày kỵ Thái tổ Nha Chử 18 tháng giêng âm lịch hành năm, so với ngày 22 tháng giêng năm Quý Dậu 1573, vua Anh Tông bị giết, rất có thể là ngày kỵ của tổ Trần Công Ngạn. Nhưng với những đời tổ có chép năm sinh nơi thế phổ, và mốc thời gian năm Quý Hợi 1683 ?, thì còn có chỗ bất cập. Hy vọng trong điều kiện nào đó, Nha Chử sẽ tìm được lời giải thích thỏa đáng.
Công đức của tiên tổ Thanh Châu được khái quát khá rõ nơi văn tế: “Triệu bồi di tích tử tôn sáng tạo toàn bằng tông tổ. Khái tưởng tiền nhân công liệt đổng trí sơn hải”, mà nay vẫn còn một số di tích về mộ cổ và mộ chí. Có thể nói đã không phụ lòng các đời Tiên hiền nơi đất Nghệ An – Thanh Hóa. Do đó, Thanh Châu không có tham vọng nào hơn, nhưng với các nguồn sử liệu vô giá của tổ tiên để lại, chúng tôi đang cố gắng nghiên cứu trong điều kiện có thể, với chút hy vọng sớm làm sáng tỏ hành trạng, công lao của người đã sinh ra Thủy tổ Thanh Châu. Đồng thời góp phần giải tỏa sự bất cập trong các biên bản nhìn nhận anh em trước đây, đã làm cho dòng dõi huyền học, có nhiều công lao với nước, với dân trở thành những cư dân bình dị nơi thôn dã. Tiên tổ chúng ta đã nhiều phen gặp nạn nước, mà hậu duệ vẫn tồn tại đến nay, lẽ nào các ngài vẫn chưa được siêu thoát ?
Tại hội thảo này, nếu được các bên liên quan có được nhận thức chung về các nguồn sử liệu như đã trình bày, chúng tôi đề nghị nên tổ chức một lần cầu siêu bạt độ cho tổ Trần Công Ngạn và những người thân đã bị sát hại trong cuộc chính biến năm ấy, tại Từ đường Thanh Châu hoặc Từ đường Nha Chử (Giao Tiến).
(Bài viết này đã được vị lão tộc Trần Ngôn  thuộc phái Thanh Châu, người đã ký biên bản nhìn nhận anh em tại Nghệ An năm 2.000, và các vị lão tộc Trần Điệt, Trần Đình Quang nghiên cứu và cho ý kiến.)
           
                                                                                 Quảng Nam, ngày 16/03/2013.
                                                                                         Biên soạn: Phước Bình
 
*** Phụ lục câu đối của hai nhà Nha Chử và Thanh Châu:

THÁI TỔ NHA CHỬ


THỦY TỔ THANH CHÂU
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 


                              


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét