Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

TRƯỞNG TỬ TRẦN CÔNG NGẠN LÀNG THỌ AN?



Trần Phước Bình
Gia phả cổ Nghệ An ghi:
Ngã tổ Pháp Độ công dĩ thiên hoàng chính phái (Thời cụ đối bất cảm tường sở xuất). Ư Lê Hồng Đức – Thánh Tông ngũ niên (Giáp Ngọ 1474), dữ đệ nhị nhân Thỉ tự Sơn Nam thiên Thanh Hóa trú lục niên. Lưu Trưởng, thứ nhị tử dữ tổ Bà tại Tống Sơn huyện, nãi huề Đệ tam nam Thiện Tính công vãng cổ Hoan, tầm thiên Thái Xá, trú trì vu Phì Cam tự (hiệu Liên Hoa tự) nội đạo trứ danh, bốc thọ tàng tại Hào Cường thôn phúc địa Hậu làng xứ, tọa Mão hướng Dậu kim tồn, trúc thổ trạch tại Phú Hữu, Cồn Dù xứ (cổ hiệu Nương Mao). Nam Thiện Tính công hiệu Chân Thường sinh tam nam:
- Nhất lang Trần Chân Tịch hiệu Huyền Nghiêm húy Phúc Quảng.
- Nhị lang Trần Chân Tính hiệu Huyền Thông.
- Tam lang Trần Chân Thiên hiệu Huyền Linh.

Tổ Trần Chân Tịch và bà Hoàng Thị Tâm. Giỗ ông ngày 23 tháng 8 âm lịch, cúng hợp kỵ ngày 27/03.
Lăng mộ ông bà Chân Tịch tại Bảo Tháp, xã Diến Tháp, Diễn Châu, Nghệ An. Ông bà sinh hạ được 4 con trai, được mấy con gái không rõ nhưng cả dòng họ Chân Tịch thờ cô tổ Quế Hoa Nương.
Con trai trưởng là Trần Công Ngạn ở làng Thọ An.
Con trai thứ 2 là Trần Phúc Thọ sinh hạ Trần Thủ Hạnh và Trần Đắc.
     - Dòng Trần Thủ Hạnh sinh hạ các chi họ hậu duệ ở các xã Diễn Hồng, Diễn Tháp, Diễn Bình, Diễn Vạn, Diễn Kỷ, Diễn Đồng, Diễn Thọ, xã Vĩnh Thành huyện Yên Thành, Diễn Liên, Diễn Tháp, Diễn Lâm, Diễn Phong, Diễn Ngọc.
- Dòng Trần Đắc sinh hạ các chi họ Hải Thanh huyện Nghi Lộc, và Tiền Song Diễn Thịnh,......
Con trai thứ 3: Trần Chân Tâm, ông về xã Đông Lũy, nay xã Diễn Phong, sinh hạ dòng Đông Lũy. Hậu duệ đời thứ 5 gồm các ông Trần Phúc Thiện, Trần Chỉnh, Trần Bá.
Con trai thứ 4: Trần Danh Di sinh hạ các chi Quỳnh Diễn, Quỳnh Thọ, Quỳnh Ngọc, Quỳnh Thuận.

Theo tư liệu trên thì tổ Thiện Tính Công theo cha là Pháp Độ Công từ đất Thanh Hóa vào Nghệ An năm 1479, năm đó Thiện Tính Công chưa lập gia đình. Nếu tổ Thiện Tính cưới bà Lê Thị Từ Phúc (hiệu ông bà Chân Thường) vào khoảng năm 1485 – 1490, hơn năm sau sinh tổ Chân Tịch, và 20 năm sau sinh tổ Công Ngạn sẽ vào khoảng năm 1511. Đến năm 1533, Nguyên Hòa năm thứ 1, tức năm Lê Ninh lên ngôi hoàng đế hiệu Trang Tông tại sách Sầm Hạ nước Lào, Công Ngạn đã trên 20 tuổi.
Đích tôn Trần Công Ngạn có tên trong gia phả Nghệ An, nhưng vì sao lại không có một thông tin nào về mồ mả, về hậu duệ, và cũng không có Hán tự tảo một (mất sớm) hay vô tự ?
Nay theo gia phả Thanh Châu ghi: Thủy tổ Tính sơ công tự Phúc Thiện. Thế tịch nguyên Nghệ An thừa tuyên, Diễn Châu phủ, Đông Thành huyện, Thái Xá xã. Tập hành trạng của Hòa thượng Diệu Nghiêm (1738-1810) hậu duệ đời thứ 8 ghi: “Nhơn kỳ viến tổ tại Đông Kinh, Nghệ An thừa tuyên phủ tòng, Tiên Nguyễn chúa ứng nghĩa nhi lai Việt Nam quốc”. Sử tích Thủy tổ “Bắc địa tòng vương khai thổ võ - Nam thiên lập ấp chiếm thanh nguyên”. Đã có căn cứ xác định Thủy tổ Phúc Thiện cùng bà Nguyễn Thị Lan nhị nương, từ hành điện vua Lê ở Thanh Hóa, ứng nghĩa đi cùng chúa Tiên (Nguyễn Hoàng) vào Thuận Hóa năm 1558. Với mốc thời gian đó, đặt vấn đề tổ Trần Công Ngạn làm quan triều Lê tại Thanh Hóa, đã sinh ra Thủy tổ Trần Phúc Thiện.
Lần theo chính sử triều Lê và triều Nguyễn, tìm những vị quan tên Ngạn:
1. Thiệu Bình năm thứ 4 (1437): Vũ Đình Ngạn làm ty hình viện đại phu.
2. Hồng Đức năm thứ 10 (1479): .... Trẫn Lỗ tướng quân Lê Đình Ngạn
3. Hồng Thuận năm thứ 6 (1516): Thuần Mỹ điện giám Trần Cảo ở trang Dưỡng Chân, huyện Thủy Đường làm loạn.... Trong đó có Phan Ất, Đình Ngạn
4. Chính Trị năm thứ 5- Mạc Thuần Phúc năm thứ 1(1562), Phò mã đô úy Ngạn quận công Mạc Ngọc Liễn làm Chưởng phù Tây vệ.
5. Hồng Phúc năm thứ 1 – Mạc Sùng Khang năm thứ 7 (1572), vua Lê Anh Tông bị giết, quan đại thần Cảnh Hấp, Đình Ngạn gặp nạn.
6. Quang Hưng năm thứ 6-Mạc Diên Thành năm thứ 6  (1583), Họ Mạc mở khoa thi Hội. Cho Nguyễn Tuấn Ngạn đỗ tiến sĩ cập đệ, ...
7. Đinh Dậu, năm thứ 40 (1597) cùng tướng nhà Lê là Bùi Văn Khuê, Phan Ngạn (ĐNTT).
Vậy, từ năm 1437 – 1597, có 4 vị Đình Ngạn, 1 vị Tuấn Ngạn, 1 vị Phan Ngạn, và 1 Ngạn quận công Mạc Ngọc Liễn.
Trong 4 vị Đình Ngạn: 1 vị làm quan triều Lê Thái Tông, 1 vị làm quan triều Lê Thánh Tông, 1 vị làm quan triều Lê Tương Dực, 1 vị làm quan triều Lê Anh Tông (thời Nam triều, Bắc triều). Vậy, duy nhất chỉ có quan đại thần Đình Ngạn gặp nạn dưới triều Lê Anh Tông, là phù hợp với năm sinh khoảng 1511 của Trần Công Ngạn, trùng hợp với hành cung vua Lê tại Thanh Hóa, nơi xuất phát của ông bà Phúc Thiện vào Nam năm 1558.
Sự kiện này Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Hồng Phúc năm thứ 1 – Mạc Sùng Khang năm thứ 7 (1572), Mùa xuân tháng giêng, vua tế trời đất ở đàn Nam Giao. Khi làm lễ, vua bưng lư hương khấn trời xong, bỗng lư hương rơi xuống đất. Vua biết là điềm chẳng lành, bèn xuống chiếu đổi niên hiệu là Hồng Phúc năm thứ 1.
Tháng 11 ngày 21, Lê Cập Đệ từng có chí khác, định mưu hại Tả tướng Trịnh Tùng. Tả tướng giả vờ không biết, gửi biếu nhiều vàng. Khi Cập Đệ đến tạ ơn, Tùng sai đao phủ phục ở dưới trướng bắt giết đi rồi sai người nói phao lên rằng Cập Đệ mưu làm phản, vua sai ta giết chết, tướng sĩ các ngươi không được sợ hãi, kẻ nào chạy trốn hoặc làm phản thì phải giết cả họ. Thế là quân lính đều khiếp sợ, không ai dám hành động.
Bấy giờ, Cảnh Hấp và Đình Ngạn nói với vua rằng: “Tả tướng quốc cầm quân, quyền thế rất lớn, bệ hạ khó lòng cùng tồn tại với ông ta được”. Vua nghe nói vậy, hoang mang nghi hoặc, đương đêm bỏ chạy ra ngoài, đem theo bốn hoàng tử cùng chạy vào thành Nghệ An và ở lại đó. Tả tướng bàn với các tướng rằng: Nay vua nghe theo lời gièm pha của kẻ tiểu nhân đem ngôi báu xiêu giạt ra ngoài. Thiên hạ không thể một ngày không có vua, ... Chi bằng trước hết hãy tìm hoàng tử lập lên để yên lòng người, rồi sau sẽ đem quân đi đón vua cũng chưa muộn. Bấy giờ hoàng tử thứ 5 là Đàm ở xã Quảng Thi, huyện Thụy Nguyên, bèn sai người đi đón về tôn lập làm vua, đó là Thế Tông.
Gia Thái năm thứ 1-Mạc Sùng Khang năm thứ 8 (1573), tháng giêng ngày mồng một, ... tôn hoàng tử lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu, đại xá, ban dụ đại cáo: “.... Ngày 26 tháng 2, bị kẻ gian là bọn Cảnh Hấp, Đình Ngạn gièm pha, ly gián, đến nổi xa giá phiêu giạt ra ngoài, thần dân trong nước không chỗ nương tựa. .....”
Chính sử triều Lê không đề cập đến việc xử án đối với 2 ông Cảnh Hấp và Đình Ngạn, nhưng với đoạn văn: “Tùng sai đao phủ phục ở dưới trướng bắt giết đi rồi sai người nói phao lên rằng Cập Đệ mưu làm phản, vua sai ta giết chết, tướng sĩ các ngươi không được sợ hãi, kẻ nào chạy trốn hoặc làm phản thì phải giết cả họ. Thế là quân lính đều khiếp sợ, không ai dám hành động”, đã xác định hai ông không thể thoát chết, nếu 2 ông chạy thoát được thân thì chính sử đã có cơ sở để buộc tội 2 ông rõ ràng và chắc chắn hơn.
Song để làm rõ sự kiện này là vô cùng khó, nhưng đặt vấn đề với mong muốn được các nhà nghiên cứu quan tâm bàn luận cũng là điều nên làm. Nếu có thông tin về 2 ông Cảnh Hấp và Đình Ngạn đã có dòng họ nào đó nhìn nhận, thì cũng không làm thay đổi thế tịch họ Trần Thái xá của ông bà Phúc Thiện Thanh Châu.
Lại được gia phả, đặc biệt là nội dung lời tựa của Thế phổ họ Cao Trần Nha Chữ, có nhiều điểm tương đồng với sự kiện tại hành cung vua Lê năm 1573. Nhất là cha con ngài Bong “Nhất phụ, nhất tử” về vùng tân ấp Nha Chữ, cải họ Trần thành họ Cao công, lời tựa xác định gốc Trần gia biết tường tận, nhưng không viết cụ thể.
Lại còn câu đối nơi Từ đường: “Khởi gia tự tích Ái Châu lai.
                                                    Truyền thế đương sơ Trần duệ xuất”
Tạm dịch: Nhà khởi đầu mối, dấu vết ở Thanh Hóa một thời gian (lai)
                 Truyền thế đang hồi sơ (nhất, nhị đời) thuộc dòng dõi họ Trần.
(Hán tự lai có nghĩa: đến/ lại/ vời đến/khoảng/hơn chút ít).
Theo đó, họ Trần ở Thanh Hóa đang hồi sơ khai, nhưng đã để lại dấu vết đầu mối, trước khi về Nha Chữ cải họ.
Nội dung câu đối hoàn toàn khớp với 2 trang lời tựa trong thế phổ Hán tự.
Theo nghiên cứu về chính sử thời Nguyễn Sơ, thì cuộc chính biến tại hành cung vua Lê ở Thanh Hóa năm 1572 – 1573, đã có ít nhất 2 vị quan nhà Lê quy vu Nam thổ, đó là: “Trương Công Gia - Điện tiền Đô kiểm điểm Lương quận công đời Lê. Lúc Thái tổ hoàng đế vào Thuận Hóa, đã đem gia quyến đi theo. Đại Việt sử ký toàn thư, từ năm 1570 đến 1574, có 4 lần chép Lương quận công, nhưng không nêu danh tính. Năm 1571, ghi “Lương quận công được thăng Thiếu phó” . Năm 1574, ghi “Bấy giờ Tiết chế Trịnh Tùng nắm hết mọi quyền trong ngoài. Bọn Trịnh Vĩnh Thiệu, Trịnh Bách và Lương quận công ngầm mưu sát hại. Việc tiết lộ, đều bị bắt hạ ngục để xử tội. Bà phi của Thái vương là Nguyễn thị (Mẹ của Tiết chế Trịnh Tùng) ra sức cứu gỡ mới được khỏi tội, nhưng bị tước quyền.
 Lương Văn Chính: người huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Lúc trước Văn Chính làm quan nhà Lê đến chức Thiên vũ Vệ đô chỉ huy sứ. Theo Thái tổ vào Nam. Khoảng năm Mậu Dần (1578), người Chiêm Thành đến lấn cướp, Chính tiến quân đến sông Đà Diễn, đánh lấy được Hồ Thành. Vì có quân công, thăng Đặc tiến Phụ quốc Thượng Tướng quân, tước Phú Nghĩa hầu”.

 ĐVSKTT chép Thanh Hóa lần đầu tiên tại BK 12-25a/ Quang Thuận năm thứ 7 (1466): “Đặt 13 đạo thừa tuyên: Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa, ....”. Do đó Hán tự Ái Châu nơi câu đối là mượn địa danh gốc của Thanh Hóa để cho câu đối được vần.

Thủy tổ Thanh Châu và Thái tổ Nha Chữ có phải là anh em, còn phải có thời gian suy xét tiếp.
THÁI TỔ HÒE NHA
THỦY TỔ THANH CHÂU
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Với bài nghiên cứu của bác Lã Mạnh Hùng, người cháu ngoại về dòng dõi Cao Trần có đoạn: Gia phả họ Cao-Trần Giao Tiến, Quyển thứ Nhất, trang 2 ghi:“Thái tổ tộc Cao-Trần Giao Tiến gốc họ Trần tên huý là Bong tự Vô Ý, quê ở vùng Bến Mía, xã Thịnh Mỹ, huyện Lôi Dương, tỉnh Thanh Hóa - nay là thôn Tứ Trụ, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa[16]. Vào năm 1683 (Quý Hợi), đời Vua Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa năm thứ 3, tổ [Trần Bong] đưa người con trai thứ hai đến ấp Hòe Nha, trấn Sơn Nam Hạ (nay là xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) làm ăn, sinh sống và đổi từ họ Trần sang họ Cao. Tổ là người sáng nghiệp, khai cơ ra dòng họ Cao-Trần xã Giao Tiến bắt đầu từ đây”
Nếu xác định năm Chính Hòa thứ 3 (1683), Thái tổ húy Bong đưa người con trai thứ hai đến ấp Hòe Nha, thì không thể là Trần Công Ngạn sinh khoảng năm 1511 nơi gia phả Thái Xá, do khoảng cách về thời gian là 172 năm, đồng thời không giải thích vì sao phải cải họ, vì sao phải “Nhất phụ, nhất tử” đến vùng tân ấp Nha Chữ thuộc Sơn Nam hạ.
Mặt khác, bác Mạnh Hùng sau khi đối chiếu gia phả Thái Xá và Nha Chữ cho rằng: Trần Thiện Tính hiệu Chân Thường – là Trần Quý Công tự Vô Tâm. Sinh hạ Nhất lang Trần Chân Tịch hiệu Huyền Nghiêm húy Phúc Quảng – là Trần Nhất lang tự Phúc Thiện; Nhị lang Trần Chân Tính hiệu Huyền Thông – là Trần Nhị lang tự Phúc Tín; Tam lang Trần Chân Thiên hiệu Huyền Linh – là Trần Tam lang tự Chân Không.
Xét về Hán tự có sự khác biệt không nhỏ, chỉ đúng duy nhất với Cô tổ Trần Quế Hoa Nương.
Đối với hậu duệ Thanh Châu có số đời trên 17 đời, nhưng hiện tại đời thứ 13 còn có 4 cụ, tuổi đời thấp nhất là 58 tuổi. Do đó, tác giả Mạnh Hùng đã có sự nhầm lẫn khi trích dẫn tư liệu của anh Trần Phẩm, xác định Thủy tổ Phúc Thiện là hậu duệ 5 đời của tổ Chân Tâm dòng Đông Lũy. Đây là chỗ bất đồng của nội bộ Thanh Châu đã đến hồi kết.
Gia phả Thái Xá xác định đích tôn Trần Công Ngạn ở làng Thọ An thuộc huyện Quỳnh Lưu, tiếp giáp với Thanh Hóa. Trong khi đó, 3 dòng em ruột của ngài là Phúc Thọ, Chân Tâm và Danh Di, lại ở các làng không xa ngôi song mộ của cha mẹ (ông bà Chân Tịch) tại làng Bảo Tháp, đều thuộc huyện Diễn Châu. Hay chăng, làng Thọ An, Quỳnh Lưu, chính là nơi vua Lê Trang Tông dừng chân thời gian, trước khi tiến quân về Thanh Hóa khoảng năm 1540 ?
Tóm lại, mọi nghiên cứu về tổ tiên nơi đất Bắc của họ Trần Thanh Châu chỉ mong tìm lại cái tinh thần của tổ tiên. Những gì Nha Chữ, Thanh Châu đang có, nhiều chi họ Trần quanh ta có muốn cũng không thể có được. Sự khác nhau về nghiên cứu dòng họ là đương nhiên, bởi nguồn tư liệu lịch sử còn sót lại không nhiều. Hy vọng, qua các cuộc mạn đàm, trong đó có bài viết của bác Mạnh Hùng người cháu ngoại định cư ở hải ngoại đầy tâm huyết của chi họ Cao Trần, đã giúp chúng ta có cái nhìn khách quan hơn về lịch sử dòng họ, khai thác tốt hơn những giá trị của chính sử, của gia phả. Nhân đây cho tôi được gửi lời thăm hỏi sức khỏe và cảm ơn về nội dung bài viết của bác về họ Trần chúng ta.
Lời tựa của Thế phổ Nha Chữ, là tài năng, đức độ của Thái tổ Cao Cái, đã để lại những giá trị lịch sử của dòng dõi danh môn. Nếu chỉ dừng lại ở bài viết của bác Mạnh Hùng là điều đáng tiếc. Nay lại có thêm tư liệu của họ  Nguyễn Trần – Nam Đàn, có nhiều điểm tương đồng với gia phả Nha Chữ, cũng có thể giúp chúng ta nghiên cứu tốt hơn về đầu mối Trần gia tại Thanh Hóa, mà sau đó không một hậu duệ nào còn ở lại.
                                                                      
Thanh Châu, Ngày 23/02/2013.

                                                                                     
TRẦN PHƯỚC BÌNH.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét