Lời biên tập viên
Bác Mạnh Hùng (bên phải), chụp ảnh trước từ đường họ Cao Trần năm 2002 |
Ngày 30 tháng 01 năm 2013 bác đã đăng bài theo đường link:
Đây là bài viết công phu có tính lý luận và khoa học, nhiều tư liệu thực tế và lịch sử. Điều mà cả dòng họ chúng ta đang quan tâm.
Đặc biệt nhân dịp Đại lễ mừng khánh thành nhà thờ dòng họ Cao Trần Giao Tiến 18 tháng Giêng năm Quý Tỵ, bác Hùng đã gửi về 100$ US để làm lễ dâng hương tế Tổ.
Theo uỷ quyền của Hội đồng Lão tộc, cụ Cao Trần Bốn gửi lời cảm ơn bác Hùng và mời bác cùng đại gia đình khi có dịp về nước, thăm quê ngoại, thắp hương Tổ tiên.
TÌM HIỂU NGUỒN GỐC HỌ CAO -TRẦN GIAO TIẾN
Nguồn: "https://sites.google.com/site/familylacao/family-blog/timhieunguongochocao-trangiaotien"
Posted Jan 30, 2013, 6:21 AM by Hung La [ updated Feb 12, 2013, 5:53 AM ]
Posted Jan 30, 2013, 6:21 AM by Hung La [ updated Feb 12, 2013, 5:53 AM ]
Khi về thăm quê ngoại năm 2002, người viết
may mắn được người thân ở Giao Tiến tặng quyển “Gia Phả Trần Nguyên
Hãn Nghệ Tĩnh”[1] và 10 năm sau đó nhận
được “Gia phả họ Cao-Trần, Xã Giao Tiến”[2]. Hai tài liệu quý giá này đã mở đầu cho hứng
khởi tìm đọc những bài viết liên hệ đến dòng họ Trần Nguyên Hãn cũng như
gần đây hơn đã tham khảo những bài viết của một số hậu duệ họ Cao-Trần Giao
Tiến[3],[4] (Nam Định) và hậu duệ
họ Trần ở Thanh Châu[5],[6], (Quảng
Nam) tại trang “Dòng họ Cao Trần - 高 陳 族” và trang nhà “Dòng họ
Trần Nguyên Hãn Việt Nam”[7]
Cuốn “Gia Phả Trần Nguyên Hãn Nghệ Tĩnh” viết
bằng chữ quốc ngữ với môt số trang là phóng ảnh của những trang gia phả chép
bằng chữ Hán, in trên khổ giấy A4 gồm 103 trang và bìa. Đây là công trình của
Ban biên tập gia phả Hội đồng gia tộc Trần Nguyên Hãn Nghệ Tĩnh phát hành vào
mùa Xuân 2001 [Tân Tỵ].
“Gia phả họ Cao-Trần, Xã Giao Tiến” là một hồ sơ
điện tử dạng MS Word, 172 trang khổ A4. Đây là Quyển thứ Nhất, biên soạn lại
gia phả từ đời thứ nhất đến đời thứ 10, bằng quốc ngữ, vào năm 2010 [Canh Dần].
Gia phả đầu tiên của dòng họ Cao-Trần Giao Tiến viết bằng chữ Hán từ đời thứ
nhất đến đời thứ tám. Đến năm 1993 gia phả này đã được dịch ra quốc ngữ và ghi
chép tiếp đến đời thứ 13. Công trình biên tập hoàn thành năm 1997 [Đinh Sửu].
Trang “Dòng họ Trần Nguyên Hãn Việt Nam” mới hoạt
động từ năm 2012, đưa thông tin tổng quát không có chi tiết của một gia phả.
Bài viết này nhằm tìm
hiểu, thứ nhất, quan hệ giữa họ Cao-Trần Giao Tiến và dòng tộc Trần Nguyên Hãn,
và thứ nhì, nguồn gốc họ Cao-Trần Giao Tiến.
Tìm hiểu nguồn gốc dòng họ qua gia phả là một
việc tương đối phức tạp vì nhiều lý do khác nhau. Trước nhất, về mặt văn hoá tổ
chức, so với phương Tây, Việt Nam
thời xưa không có sổ bộ khai sinh, khai tử, kết hôn, v.v... Thứ hai, gia phả
Việt Nam thường được viết
bằng chữ Hán (môt số bằng chữ Nôm) là ngôn ngữ đa số người Việt Nam ở thế kỷ 21
không thành thạo. Thứ ba, sự thay đổi triều đại, chiến tranh trên dòng lịch sử
đất nước đã làm mất đi nhiều những gia phả cổ xưa đồng thời gây sự phân tán gia
tộc, lưu cư, thay tên đổi họ đưa đến những ghi chép không đồng nhất của hậu duệ
dù cùng một dòng tộc. Thứ tư, gia phả của Việt Nam ngày xưa, nếu có, thường ghi
chép đơn giản tên, ngày giỗ và địa điểm an táng - thường không có ngày sinh của
tổ tiên. Khó khăn khác, về mặt chính sử, các sử quan của nhiều triều đại ghi
chép cũng không hẳn đã khách quan, thống nhất và đầy đủ mọi dữ kiện lịch sử.
Tuy nhiên, đó là những loại tài liệu, văn bản hiện có trong việc tra cứu và tìm
hiểu nguồn gốc tổ tiên.
Họ Cao-Trần Giao Tiến và dòng tộc Trần Nguyên Hãn
Ông
Trần Thanh San trong “Gia phả Họ Trần Nguyên Hãn Nghệ Tĩnh” [trang 62], viết
theo gia phả họ Trần ở Nhị Khê, ông Trần Thuần Đức lập gia đình với bà Lê Thị
Hoàn, đổi tên là Trần Án […] đi lập nghiệp ở làng Gốm, Sơn Đông, tỉnh Vĩnh Phúc
và sinh được hai người con trai. Ông Trần Thuần Đức và con trưởng bị Hồ Quý Ly
giết chết [trong cuộc đảo chính đoạt ngôi nhà Trần năm 1400.] Con trai thứ còn
nhỏ, sinh năm 1390, chính là Trần Nguyên Hãn, cùng mẹ thoát nạn.
Về
hậu duệ Trần Nguyên Hãn, trước nhất, trong cuốn “Gia Phả Trần Nguyên Hãn Nghệ
Tĩnh”, ông Trần Thanh San ghi:
“Tổ Trần Chân Tịch hiệu
Huyền Nghiêm, huý Phúc Quảng. Bà [là] Hoàng Thị Tâm. […] Ông bà sinh hạ được 4
con trai […] cả dòng họ Chân Tịch thờ cô tổ Quế Hoa Nương.
Con trai trưởng của dòng
tổ Chân Tịch gia phả ghi tổ Trần Công Ngạn ở làng Thọ An đến nay đã tìm ra các
chi họ hậu duệ của tổ bá Trần Công Ngạn đổi thành họ Cao-Trần ở xã Giao Tiến,
Giao Thuỷ, Nam Định.” [Trang 72].
Thứ đến, phóng ảnh “Hán tự dị khảo Gia phả dòng trưởng
Trần Chân Tịch”[8] trang 8, “Gia Phả Trần
Nguyên Hãn Nghệ Tĩnh” ghi
“[…] Thiện Tính hiệu
Chân Thường trú Cồn Du sứ Phú Hữu thôn tức Nương Mao; sinh hạ đắc tam nam:
trưởng nam Trần Chân Tịch trú tại Nhàn hương, Đông Tháp xã; thứ tử Chân Tính
trú Huỳnh Mai xã, Bàng Hoà quan. Tái thiên Đàm Trang – Mai Nữ tự An Hậu hương;
quý tử Trần Chân Thiên trú tại Giai Lạc Diệu Ốc. Thiện Tính Công: Chân Thương
ông Chân Thường bà; đồng đường dữ thứ nam Huyền Thông tức Trần Tính Công mộ tại
Quỳnh Châu phong thuỷ hữu tình.”[9]
“Ông Thiện Tính, hiệu
Chân Thường ở làng Phú Hữu xứ Cồn Du [Nương Mao] sinh được ba người con trai:
con trưởng là Trần Chân Tịch ở làng Nhàn, xã Đông Tháp; con trai thứ là [Trần]
Chân Tính ở xã Huỳnh Mai, Bàng Hoà quan, rồi đến Đàm Trang – chùa Mai Nữ, làng
An Hậu. Con trai nhỏ Trần Chân Thiên ở Giai Lạc Diệu Ốc. Ông bà Thiện Tính Chân
Thường ở với con trai thứ Trần Chân Tính hiệu Huyền Thông. Mộ ở Quỳnh Châu
phong cảnh đẹp.”
Tương tự, “Hán tự Gia phả họ Trần Yên Hậu”[10] chép ông bà Trần
Thiện Tính có ba con trai: Trần Chân Tịch tự Phúc Quảng, Trần Chân Tính hiệu
Huyền Thông và Trần Chân Thiên (sau làm con nuôi nhà họ Vũ nhưng không đổi họ).
Và phóng ảnh “Hán tự Gia phả Họ Trần Đan Trung
Diễn Thắng-Diễn Châu”[11], trang 13, “Gia Phả Trần
Nguyên Hãn Nghệ Tĩnh” ghi
“[…] Lĩnh tử Thiện
Tính công vãng cư Phú Hữu thôn. Sinh hạ tam nam: Trưởng tử Phúc Quảng, thứ tử
Huyền Thông, đệ tam Huyền Linh.”[12]
[Ông Thiện Tính sang ở
bên làng Phú Hữu và sinh được ba người con trai: con trưởng là Phúc Quảng, con
thứ là Huyền Thông, con trai thứ ba là Huyền Linh.]
Tóm lại ông bà Trần Thiện Tính, gia đình trọng
đạo Phật, có ba con trai
1. Trần Chân Tịch [Phúc
Quảng] hiệu Huyền Nghiêm
2. Trần Chân Tính hiệu
Huyền Thông
3. Trần Chân Thiên [Sinh Thiên]
hiệu Huyền Linh
“Gia phả họ Cao-Trần, Xã Giao Tiến”, lời tựa bản
gia phả[13] gốc bằng chữ Hán ghi:
“Thiên tử tính dĩ lập
tôn bản, hệ tự sở xuất, khởi gia xưng toán tổ, kế tự đương tự bất vong. Ngã Cao
tộc phát tích tự Trần gia, […]”[14] (Phiên âm từ chữ Hán)
Nghĩa là
“Tạo hóa cho dòng họ để
làm gốc, từ đó xây dựng và phát triển, kế thừa mãi mãi không dứt. Họ Cao phát
tích từ họ Trần, […]”
Và hai câu đối ghi trên từ đường - xây dựng từ
thời Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hoà (1680-1705) – viết
起 家 敘 迹 愛 州 来
传 世 当 初 蔯 裔 出 |
Nghĩa là
“Gốc nhà từ châu Ái tới
đây.
Nối đời là hậu duệ của
họ Trần.”
Gia phả họ Cao-Trần Giao Tiến”, Quyển thứ Nhất,
trang 2 ghi:
“Thái tổ tộc Cao-Trần
Giao Tiến gốc họ Trần tên huý là Bong tự Vô Ý, quê ở vùng Bến Mía, xã Thịnh Mỹ,
huyện Lôi Dương, tỉnh Thanh Hóa - nay là thôn Tứ Trụ, xã Thọ Diên, huyện Thọ
Xuân, tỉnh Thanh Hóa[16]. Vào năm 1683 (Quý Hợi),
đời Vua Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa năm thứ 3, tổ [Trần Bong] đưa người con
trai thứ hai đến ấp Hòe Nha, trấn Sơn Nam Hạ (nay là xã Giao Tiến, huyện Giao
Thủy, tỉnh Nam Định) làm ăn, sinh sống và đổi từ họ Trần sang họ Cao. Tổ là
người sáng nghiệp, khai cơ ra dòng họ Cao-Trần xã Giao Tiến bắt đầu từ đây.
Những ngôi vị được tổ Vô
Ý đưa từ quê cũ ra quê mới để thờ (phiên dịch từ trang nhất, bản gốc chữ Hán
gia phả họ Cao-Trần Giao Tiến):
1. Trần
Quý Công tự Vô Tâm
2. Trần
Nhất lang tự Phúc Thiện
3. Trần
Nhị lang tự Phúc Tín
4. Trần
Tam lang tự Chân Không
5. Trần
Quế Hoa Nương”
Tương tự như gia phả của dòng Trần Chân Tịch,
theo Gia Phả Trần Nguyên Hãn Nghệ Tĩnh, từ đường họ Cao-Trần Giao Tiến có đền
thờ ba anh em tổ họ Trần, mang tên tự nhà Phật (Huyền Nghiêm, Huyền Thông,
Huyền Linh) và quan trọng hơn nữa là cùng thờ tổ Trần Quế Hoa Nương[17].
Từ đây có thể đi đến kết luận họ Cao-Trần Giao
Tiến là hậu duệ của con trai trưởng họ Trần dòng Chân Tịch là tổ Trần Công Ngạn
quê ở Lôi Dương, Thanh Hoá.
Ngoài tên họ gốc, và nguyên quán của ông Trần
Bong, trang 3, bản gốc chữ Hán gia phả[18] họ Cao-Trần Giao Tiến
cho biết thêm, mộ vợ ông, bà Hoàng Thị Từ Tín, ở quê cũ. Ông bà Bong sinh được
ba người con trai và bốn người con gái: Con trai trưởng là Cao Nhất Lang tự
Chân Tính, tức Bình Luận Công, mộ tại quê cũ. Con trai thứ hai, Cao Công Bật.
Con trai thứ ba tên Hiếu Lương; Bốn người con gái là bà Từ Thanh (bà Độ), Từ
Tại, Từ Minh (bà Thọ) và Triều Hữu. Như mọi gia phả cổ, gia phả gốc họ Cao-Trần
cũng chỉ ghi tên, hiệu và ngày giỗ (âm lịch) tổ tiên.
Trang 4 của gia phả gốc họ Cao-Trần ghi chép về
thế hệ thứ hai, ông Cao Công Bật. Ông Công Bật, thuỵ Phúc Hậu, là con thứ năm
trong bảy anh chị em con ông bà Trần Bong-Hoàng Từ Tín. Ông Công Bật có tước là
Dự Nghĩa Công và có ba vợ. Khi đến lập nghiệp ở Nha Chử chỉ có hai cha con ông
Trần Bong và Cao Công Bật.
Theo gia phả và phả đồ[19] Gia Phả Trần Nguyên
Hãn Nghệ Tĩnh ông Trần Pháp Độ (Quốc Duy) [1424] là người con trai cùng đi với
Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn khi ông chết[20] ở bến Đông Hồ[21] năm 1429, một năm sau
khi được phong Tả tướng quốc vì Lê Thái Tổ [Lê Lợi] nghe lời gièm pha sinh ra
ngờ vực, giết hại công thần[22],[23],[24].
Ông bà Trần Pháp Độ có ba con trai theo thứ tự
là Trần Công Sủng, Trần Đạo Tín, và Trần Thiện Tính. Ông Trần Thiện Tính và bà
Lê Thị Từ Phúc (ông bà Chân Thường) có ba con trai là Trần Chân Tịch, Trần Chân
Tính và Trần Chân Thiên. Ông Trần Công Ngạn là con trai trưởng của ông Trần
Chân Tịch, là đích tôn của ông Trần Thiện Tính, và là anh của các ông Trần Phúc
Thọ, Trần Chân Tâm, Trần Danh Di. Hậu duệ ông Trần Công Ngạn là họ Cao-Trần
Giao Tiến và đại đa số hậu duệ các ông Chân Thọ, Chân Tâm, Danh Di sinh sống ở
Nghệ An. Dòng Trần Chân Tâm, bốn đời sau, có ông Trần Phúc Thiện, sau khi đã có
bốn con trai, tiếp tục xuôi nam lập nghiệp sinh ra tộc Trần Phước Quảng Nam[25].
Đây là dấu hỏi lớn cho hậu duệ họ Cao-Trần Giao
Tiến. Gần đây những bài viết của các tác giả Cao Bá Khoát[26], Trần Phước Bình[27] là những cố gắng đi
tìm giải đáp cho câu hỏi trên đây.
Trang 3, bản gốc chữ Hán gia phả[28] họ Cao-Trần Giao Tiến
ngoài tên và nguyên quán Thanh Hoá của ông Trần Bong, còn cho biết thêm ông
là con thứ hai trong gia đình, mộ vợ ông, bà Hoàng thị Từ Tín, ở quê cũ.
Ông bà Bong sinh được ba người con trai và bốn người con gái: Con trai trưởng
là Cao Nhất Lang tự Chân Tính, tức Bình Luận Công, mộ tại quê cũ. Con trai thứ
hai, Cao Công Bật. Con trai thứ ba tên Hiếu Lương; Bốn người con gái là bà Từ
Thanh (bà Độ), Từ Tại, Từ Minh (bà Thọ) và Triều Hữu. Như mọi gia phả cổ, gia
phả gốc họ Cao-Trần cũng chỉ ghi tên, hiệu và ngày giỗ (âm lịch) tổ tiên.
Trang 4 của gia phả gốc họ Cao-Trần ghi chép về
thế hệ thứ hai, ông Cao Công Bật. Ông Công Bật, thuỵ Phúc Hậu, là con thứ năm
trong bảy anh chị em con ông bà Trần Bong-Hoàng Từ Tín. Ông Công Bật có tước là
Dự Nghĩa Công và có ba vợ. Khi mới đến lập nghiệp ở Nha Chử chỉ có hai cha con
ông Trần Bong và Cao Công Bật.
Tác giả Cao Bá Khoát trong bài “Tìm Nguồn Gốc
Họ Cao Trần, Giao Tiến - Gốc Tích Họ Cao Trần Giao Tiến, Giao Thủy, Nam
Định” đã đi đến kết luận
“Qua nhiều lần khảo cứu
tại Nghệ An và Nam Định, nghiên cứu các văn tự gốc bằng chữ Hán, các cuốn gia
phả, hoành phi, câu đối trong từ đường của cả họ Trần và họ Cao… cuối cùng hai
bên đã chắp nối, tái hiện được sự thật lịch sử về thân thế hành trạng của Thái
tổ Vô Ý [Trần Bong] họ Cao chính là Trần Công Ngạn, chi trưởng của dòng Phúc
Quảng, Tổ đời thứ 4 của dòng họ Trần Nguyên Hãn Nghệ Tĩnh ngày nay.”[29]
Trong khi đó, tác giả Trần Phước Bình, trong bài
“Giải Mã Gia Phả Chữ Hán Của Dòng Họ Cao Trần”, viết:
“Vậy ngài Vô Ý công tự
ông Bong chính là Trần Nhị Lang tự Phúc Tín Tướng công của ông bà Trần Quý Công
tự Vô Tâm.”
Ông Trần Phước Bình, căn cứ vào gia phả Thanh
Châu (Quảng Nam)[30], kết luận rằng ông Bong
(Vô Ý) chính là Trần Nhị Lang tự Phúc Tín. Tác giả còn cho rằng ông Bong là con
của Trần Quý Công tự Vô Tâm và Trần Quý Công tự Vô Tâm cũng chính là Trần Công
Ngạn, là văn thần Đình Ngạn[31] trong Đại Viêt Sử Ký
Toàn Thư thời chính biến năm 1573 (Quý Dậu). Tác giả Trần Phước Bình
viết, “Danh Ngạn 岸 là duy nhất trong
bộ Đại Việt sử ký toàn thư nên không thể nhầm lẫn.”
Tóm lại, hai hậu duệ cùng dòng Trần Chân Tịch
không đồng quan điểm về lai lịch của ông Trần Bong. Một, ông Cao Bá Khoát [dòng
Trần Công Ngạn] ở Giao Tiến, cho rằng ông Trần Bong là ông Trần Công Ngạn; hai,
ông Trần Phước Bình [dòng Trần Chân Tâm], ở Quảng Nam cho rằng ông Trần Bong là
con của ông Trần Công Ngạn.
Về các nhân vật tên “Ngạn” trong chính sử
Thứ nhất, tháng 3, năm 1437 (Đinh Tỵ), Thiệu
Bình năm thứ 4 đời vua Lê Thái Tông, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (ĐVSKTT)
chép “chuyển vận huyện Thủy Ðường là Vũ Ðình Ngạn làm Ty
hình viện đại phu.”[32]
Thứ
hai, ĐVSKTT, Đời Lê Thánh Tông, Hồng Đức năm thứ 10, 28 tháng 7, 1479 (Kỷ Hợi)
còn viết về một nhân vật lịch sử khác mang tên Ngạn là Trấn Lỗ tướng quân Lê
Đình Ngạn.[33]
Thứ ba, ĐVSKTT, đời Tương Dực Đế, Hồng Thuận năm
thứ 8, ngày 6 tháng 3, 1516 (Bính Tý) chép về một Đình Ngạn khác nữa, “bọn Phan
Ất (tức người Chiêm, tên là Đồng Lợi, nguyên là gia nô của Trịnh Duy
Đại), Đình Ngạn, Đình Nghệ, Công Uẩn, Đình Bảo, Đoàn Bố dấy quân ở
chùa Quỳnh Lâm huyện Đông Triều, chiếm cứ các nơi ở hai huyện Thuỷ Đường và
Đông Triều, trấn Hải Dương.”[34]
Và sau cùng, trong chính biến Trịnh Tùng-Lê Cập
Đệ năm 1572-1573 (Nhâm Thân), đời Lê Anh Tông, Hồng Phú năm thứ 1, ĐVSKTT chép
về một Đình Ngạn khác - không ghi họ:
“Bấy giờ, Cảnh Hấp và Đình Ngạn nói
với vua rằng: ‘Tả tướng cầm quân, quyền thế rất lớn, bệ hạ khó lòng cùng tồn
tại với ông ta được.’ Vua nghe nói vậy, hoang mang nghi hoặc, đương đêm, bỏ chạy
ra ngoài, đem theo bốn hoàng tử cùng chạy đến thành Nghệ An và ở lại đó.”[35]
ĐVSKTT còn ghi: “Ngày 26 tháng 2, bị kẻ
gian là bọn Cảnh Hấp, Đình Ngạn gièm pha, ly gián, đến nỗi xa giá
phiêu giạt ra ngoài, thần dân trong nước không chỗ nương tựa.”[36] Và “Cơ nghiệp trung
hưng bắt đầu từ đó. Đến khi Anh Tông Tuấn Hoàng Đế nối ngôi, có bọn tiểu nhân
Cảnh Hấp, Đình Ngạn gièm pha, gây ra việc bất bình.”[37],[38]
Như thế tên “Ngạn” (âm Hán Việt) không phải của
một người duy nhất trong ĐVSKTT. Tất cả những nhân vật lịch sử trong khoảng
1437 đến 1573 mang tên Ngạn có thể là họ Vũ, họ Lê, hoặc sử không ghi họ nhưng
không một ai có tên Trần Công Ngạn.
Thời đại lịch sử và các thế hệ hậu duệ dòng Trần Pháp Độ (từ giữa thế kỷ 15 đến giữa thế kỷ 16)
Gia phả viết từ cuối thế kỷ 17 ghi ông Trần Pháp
Độ sinh năm 1424[39]. Từ ông Pháp Độ đến đời
anh em các ông Công Ngạn, Phúc Thọ, Chân Tâm và Danh Di là 4 thế hệ. Nếu chấp
nhận giả thiết mỗi thế hệ khoảng 25 đến 30 năm thì ông Trần Công Ngạn có thể
sinh trong khoảng 1499-1514. Và như thế thì ông Trần Công Ngạn đã vào khoảng 59
đến 74 tuổi vào năm 1573.
Lập luận cho rằng ông Đình Ngạn trong
chính biến 1573 chính là ông Trần Công Ngạn không có đủ cơ sở thuyết phục[40]. Hơn nữa, khi ông Trần
Bong đem con trai thứ về Nha Chử lập nghiệp (1683), thì ông Trần Công Ngạn,
theo lập luận của tác giả Trần Phước Bình là cha của ông Trần Bong (Vô Ý), nếu
còn sinh tiền thì đã khoảng 169-184 tuổi. Và như thế ông Trần Bong đã vào
khoảng trên 139 tuổi và ông Cao Công Bật cũng đã trên 100 tuổi? Đây khó có thể
là thực tế lịch sử họ Cao-Trần Giao Tiến.
Với tất cả sự quý mến, và lòng kính trọng đối với
tất cả mọi người quan tâm đến nguồn gốc họ Cao-Trần Giao Tiến, người viết bài -
hậu duệ đời thứ 12 họ Cao-Trần Giao Tiến, hiện sống xa quê hương, không được
trực tiếp tra cứu gia phả gốc và trao đổi với bậc trưởng lão, thức giả của họ
Cao-Trần - không chia sẻ quan điểm, nhận định và kết luận của hai tác giả ở
Giao Tiến và Thanh Châu.
Tóm lại, thứ nhất, không có chứng từ lịch sử hay
tư liệu gia phả nào để có thể đi đến kết luận một cách thuyết phục ông Đình
Ngạn (trong chính biến lịch sử năm 1573) là ông Trần Công Ngạn, hậu duệ dòng
Trần Pháp Độ. Thứ hai ông Trần Công Ngạn khó có thể là cha ông Trần Bong, Thái
tổ của họ Cao-Trần Giao Tiến. Thứ ba ông Trần Công Ngạn cũng không thể là ông
Trần Bong (Vô Ý).
Trở lại với câu hỏi “có bao nhiêu thế hệ, từ ông
Trần Công Ngạn đến Thái tổ họ Cao-Trần Giao Tiến – ông Trần Bong?” Một thực tế
trong ngành khoa học nhân chủng cho người viết một phương pháp phân tích đơn
giản để có thể đi đến câu trả lời về thời đại của ông Trần Công Ngạn. Thực tế
đó là, trong điều kiện bình thường, hai anh em cùng thế hệ ở thế kỷ X thì đến
thế kỷ Y sẽ có một số đời con cháu (thế hệ hậu duệ) như nhau.
Người viết dùng dữ liệu từ gia phả họ Cao-Trần
Giao Tiến[41] và từ phả đồ[42] gia phả tộc Trần
Phước (陳 福 - 富霑) - Quảng Nam
đối chiếu các thế hệ hậu duệ cùa dòng Trần Công Ngạn và Trần Chân Tâm – hai
người con trai của ông Trần Chân Tịch dòng Trần Pháp Độ.
Đến nay, 2013, họ Cao Trần Giao Tiến đã có 14
thế hệ kể từ ông Trần Bong; tộc Trần Phước Quảng Nam có 20 thế hệ kể từ ông
Trần Chính Đạo, con ông Trần Chân Tâm.
Giản đồ ở phụ lục đối chiếu những thế hệ hậu duệ[43] tương đương của hai
anh em ông Trần Công Ngạn và Trần Chân Tâm cho thấy:
1. Dữ liệu từ gia
phả Cao-Trần xác định mỗi thế hệ họ Cao-Trần từ ông Cao Đức Mậu đến ông Cao
Thành Lạng dài khoảng 24.8 (~25) năm.
2. Bảng đối chiếu hậu duệ
cùng thế hệ của dòng Trần Công Ngạn và Trần Chân Tâm cho thấy từ ông Trần Công
Ngạn đến ông Trần Bong có một khoảng trống dài 6 thế hệ.
Tương tự, dữ liệu gia
phả dòng Trần Phúc Thọ và Trần Danh Di, nếu có và có đầy đủ các thế hệ đến ngày
nay, sẽ góp phần làm rõ khoảng trống gia phả từ thế hệ ông Trần Công Ngạn đến
họ Cao-Trần Giao Tiến cũng như sẽ minh định được độ chính xác của sự liên hệ
giữa dòng Trần Chân Tâm và tộc Trần Phước Quảng Nam.
Để bổ túc cho những giới
hạn vốn có của tư liệu gia phả và lịch sử, tiến bộ của khoa di truyền học ở thế
kỷ 21 đã có thể xác định rõ ràng phả hệ theo dòng họ bên nội bằng thử nghiệm
Y-DNA. Thử nghiệm này kiểm tra, trung bình từ 12 đến 111, những điểm chỉ
[markers] “các mảnh lặp lại theo thứ tự với đơn vị ngắn” [Short Tandem Repeat,
STR] Y-DNA của đàn ông để tìm thông tin về dòng dõi tổ tiên bên nội[44]. Tất cả những người đàn
ông có cùng một tổ phụ đều có STR trên Y-DNA giống nhau, nghĩa là có cùng kiểu
gen Y-STR. Do đó thử nghiệm này dùng để xác định hai hay nhiều đinh nam có cùng
một cụ tổ chung gần nhất (most
recent common ancestor, MRCA) nếu họ có cùng Y-DNA. Những công ty
cung cấp dịch vụ thử nghiệm loại này đã hoạt động tại nhiều quốc gia trên thế
giới kể cả Việt Nam.
Một loại thử nghiệm mới
hơn dựa trên Autosomal DNA SNP[45] tạm dịch là “Đa hình Một Nucleotide”
[single-nucleotide polymorphism] không như thử nghiệm DNA STR thường khảo sát
13-53 vị trí [điểm chỉ], thử nghiệm SNP khảo sát từ 700.000 đến 1 triệu vị trí,
kiểm tra những đoạn DNA dài để tìm những mẩu giống nhau giữa hai cá nhân. Nếu
hai người có một số đoạn DNA dài giống nhau thì đây không phải là sự ngẫu
nhiên; hai người ấy đã có chung tổ tiên truyền lại những đoạn DNA dài và giống
nhau đó. Càng có nhiều những đoạn DNA dài giống nhau thường là con cháu có cùng
tổ tiên nhiều đời, i.e. là họ hàng gần nhau hơn. Nói cách khác, thử nghiệm
khoa học Y-DNA STR và DNA SNP có thể khẳng định các hậu duệ đinh nam họ Cao-Trần
Giao Tiến, và các dòng Phúc Thọ, Chân Tâm, Danh Di, và Trần Phước Quảng Nam có
phải là con cháu cùng tổ phụ Trần Chân Tịch hay không. Cũng từ đó, kết quả thử
nghiệm Y-DNA STR và DNA SNP còn có thể đưa giải đáp cho câu hỏi “có
bao nhiêu thế hệ, từ ông Trần Công Ngạn đến Thái tổ họ Cao-Trần Giao Tiến – ông
Trần Bong?”
Người viết, - hậu duệ đời thứ 12 họ Cao-Trần
Giao Tiến, hiện sống xa quê hương - không được trực tiếp tra cứu gia phả gốc và
trao đổi với bậc trưởng lão, thức giả của họ Cao-Trần, không có đủ phương tiện
để tham khảo nhiều tư liệu gia tộc, lịch sử, và thu gặt kết quả từ những cuộc
điền dã, cùng những trao đổi cần thiết với thân tộc ở quê nhà, do đó bài viết
chắc chắn chưa đầy đủ và còn nhiều sai sót.
Người viết chân thành cảm ơn ông Cao Xuân Dũng, người đã trao tặng cuốn “Gia Phả Trần Nguyên Hãn Nghệ Tĩnh” cùng sự tiếp đón nồng ấm của ông bà Cao Xuân Vực nhân chuyến về thăm quê nhà Giao Tiến đầu năm 2002. Cảm ơn bà Trần Huệ đã giúp đánh máy lại và phiên âm những phóng ảnh chữ Hán trong cuốn “Gia Phả Trần Nguyên Hãn Nghệ Tĩnh”. Chân thành cảm ơn ông Cao Xuân Thiện đã thường xuyên liên lạc và giúp đỡ thông tin về gia phả và thân tộc họ Cao-Trần Giao Tiến từ đầu năm 2011.
Người viết chân thành cảm ơn ông Cao Xuân Dũng, người đã trao tặng cuốn “Gia Phả Trần Nguyên Hãn Nghệ Tĩnh” cùng sự tiếp đón nồng ấm của ông bà Cao Xuân Vực nhân chuyến về thăm quê nhà Giao Tiến đầu năm 2002. Cảm ơn bà Trần Huệ đã giúp đánh máy lại và phiên âm những phóng ảnh chữ Hán trong cuốn “Gia Phả Trần Nguyên Hãn Nghệ Tĩnh”. Chân thành cảm ơn ông Cao Xuân Thiện đã thường xuyên liên lạc và giúp đỡ thông tin về gia phả và thân tộc họ Cao-Trần Giao Tiến từ đầu năm 2011.
Lã Mạnh Hùng
Hậu duệ thế hệ thứ 12 họ Cao-Trần Giao Tiến
Hậu duệ thế hệ thứ 12 họ Cao-Trần Giao Tiến
Montréal cuối tháng
Giêng 2013 (Nhâm Thìn)
Phụ lục
Giản đồ đối chiếu hậu duệ cùng thế hệ của hai
ông Trần Công Ngạn và Trần Chân Tâm
[1] Trần Thanh San, Chủ
biên “Gia Phả Trần Nguyên Hãn Nghệ Tĩnh”, Ban biên tập Gia phả, Ban liên lạc
hội đồng gia tộc Trần Nguyên Hãn Nghệ Tĩnh, Xuân Tân Tỵ 2001.
[2] BBT Gia Phả: Cao
Xuân Thiệu, Cao Quang Thạnh, Cao Xuân Đống, Cao Ngọc Đình, Cao Ngọc Lâm,“Gia
phả họ Cao-Trần, Xã Giao Tiến”, Quyển thứ Nhất, Canh Dần, 2010
[3] Cao Bá Khoát, “Tìm
Nguồn Gốc Họ Cao Trần, Giao Tiến - Gốc Tích Họ Cao Trần Giao Tiến, Giao Thủy,
Nam Định”, 30 tháng 3, 2012, http://hocaotran.blogspot.ca.
[4] Cao Xuân Thiện, “Quá
Trình Hình Thành Và Phát Triển Của Dòng Họ Cao Trần (Họ Cao Gốc Trần) Giao Tiến
Giao Thuỷ Nam Định”, 25 tháng 9, 2012, http://hocaotran.blogspot.ca.
[5] Trần Phước Bình, “Bản
dịch từ chữ Hán, Gia phả dòng Cao Trần Giao Tiến”, 12 tháng 2,
2012. http://hocaotran.blogspot.ca.
[6] Trần Phước Bình, “Giải
Mã Gia Phả Chữ Hán Của Dòng Họ Cao Trần”, 22 tháng 4, 2012. http://hocaotran.blogspot.ca.
[7] Cổng thông tin chính
thức của dòng họ Trần Nguyên Hãn http://www.donghotrannguyenhan.com.vn.
Truy cập tháng Sáu 2012.
[8] “Trần thị tụng hộ Trần
Chân Tịch, Đông Tháp thôn, Diễn Hồng xã, Diễn Châu huyện, Nghệ An tỉnh”, Trần
Nguyên Kính, Trần Nguyên Dực di tập biên tuyển năm 1972; Trần Thanh Khan trích
dẫn.
[9] Trần Huệ, “Gia phả Họ
Trần – Trần Nguyên Hãn – Nghệ Tĩnh”, Trang 4. Đánh máy lại và phiên âm những
trang chữ Hán của “Gia Phả Trần Nguyên Hãn Nghệ Tĩnh”, Sài Gòn, 2003.
[11] “Trần thị chi hộ Đan
Trung, Diễn Thắng xã, Diễn Châu huyện, Nghệ An tỉnh”, Lão tộc Trần Thiền phiên
âm, Trần Đẩu trích dẫn
[13] Tuy “Gia phả họ
Cao-Trần, Xã Giao Tiến” không cho biết bản gia phả gốc viết từ khi nào nhưng có
nhiều khả năng gia phả đó có thể đã được bắt đầu viết cùng thời xây dựng từ
đường vào đời Lê Hy Tông, cuối những năm Chính Hòa (1681-1705), cuối thế kỷ 17
đầu thế kỷ 18. [ibid. [2] p. 6.] hay vào cuối thế kỷ 19, thế hệ Cao-Trần thứ
tám tại Giao Tiến. [ibid. [2] p. 2.]
[15] Ái Châu (chữ Hán: 愛州) là tên gọi cũ của một
đơn vị hành chính tại Việt Nam
trong thời kỳ Bắc thuộc lần 3, nay thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa.
[17] Năm 1999, ông Cao Trần
Thắng, một hậu duệ họ Cao Trần GiaoTiến tìm thấy trong gia phả họ Trần Nghệ
Tĩnh có thờ Tổ Cô Trần Quế Hoa Nương, trùng với ngôi thờ của họ Cao-Trần Giao
Tiến. [ibid. [3]]
[21] Ra lệnh bắt Hữu
tướng quốc Lê Hãn để giao quan lại xét hỏi. Lê Hãn tự sát […] Năm Mậu Thân,
Thuận Thiên thứ 1 (1428), tưởng lục công thần, Hãn được gia phong Hữu [Tả]
tướng quốc, cho lấy theo họ Lê. Công lao và danh vọng của Hãn thật cao tột […]
Hãn xin về hưu, được nhà vua ưng thuận; nhưng vì là dòng dõi nhà Trần nên bị
nghi kỵ […] Những kẻ tâng công gièm pha với nhà vua rằng Hãn mưu toan làm phản.
Nhà vua tin lời, ra lệnh cho lực sĩ đến bắt. Khi thuyền đi dến bến Sơn Ðông,
Hãn tự trầm chết. [Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục - Chính Biên -
Quyển XV, Soạn giả: Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, 1856-1881; Dịch giả: Viện Sử
Học, 1957-1960. NXB Giáo Dục - Hà Nội, 1998. Bản điện tử, Lê Bắc, Công Ðệ, Ngọc
Thủy, Tuyết Mai, Thanh Quyên, 2001, trang 401.]
[22] Trước kia, Thái Tổ khi
về già có nhiều bệnh, lại thêm Quân Vương [Tư Tề] ngông cuồng, bậy bạ, vua thì
còn trẻ thơ, mà Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo đều có công lao giúp nước, rất
duợc nguời đương thời trọng vọng. Nguyên Hãn lại là con cháu nhà Trần và Văn
Xảo cũng là nguời kinh lộ, lo rằng sau này họ có chí khác, nên bên ngoài thì
dối xử theo lễ tiết hậu, nhưng trong lòng lại rất ngờ vực hai nguời.
Bọn
Ðinh Bang Bản, Lê Quốc Khí, Trình Hoành Bá, Nguyễn Tông Chí, Lê Ðức Dư dón biết
ý vua, dâng sớ mật, khuyên Thái Tổ quyết ý giết di. Nếu có ai không vui, bọn
Quốc Khí liền chỉ vào họ mà bảo họ là bè đảng của hai nhà ấy, nên rất
nhiều nguời bị xử tử và đi đày. [Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Bản Kỷ - Quyển XI,
Soạn giả: Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, v.v., 1697; Dịch giả: Viện
Khoa Học Xã Hội Việt Nam, 1985-1992; NXB Khoa Học Xã Hội - Hà Nội 1993; Bản
điện tử: Lê Bắc, Công Đệ, Ngọc Thủy, Tuyết Mai, Hồng Ty, Nguyễn Quang Trung, 2001,
trang 375.]
[23] Công Thần Bị
Giết. Vua Thái-tổ vẫn là một ông vua anh tài, đánh đuổi được giặc Minh,
mà lại sửa sang được nhiều công việc ích lợi cho nước, nhưng khi ngài lên làm
vua rồi, có tính hay nghi ngờ, chém giết những người công thần như ông Trần
Nguyên Hãn 陳元扞 và ông Phạm văn Xảo 范文巧. Hai ông ấy giúp
ngài đã có công to, về sau chỉ vì sự gièm pha mà đều phải chết oan cả. [Việt
Nam
Sử Lược, Trần Trọng Kim. NXB Văn hoá Thông tin, 1999. Nhà Lê, trang 254]
[24] Việc Giết Công Thần -
Vua Lê Thái Tổ làm vua được 6 năm thì mất, thọ 49 tuổi, đã để lại nhiều công ơn
cho đất nước, do dự nghiệp giải phóng dân tộc, phá tan ách xâm lăng. Mưu trí
tài ba của Ngài thật không có chỗ nào đáng chê trách, duy trong thời Ngài trị
vì, Ngài đã nghe lời dèm pha mà giết oan hai ông Phạm Văn Xảo và Trần Nguyên
Hãn là hai người đã lập được nhiều công lớn (Ông Nguyễn Trãi cũng đã có phen bị
hạ ngục); thật là đáng tiếc! [Việt Sử Toàn Thư (Từ Thượng Cổ Đến Hiện Đại),
Phạm Văn Sơn, 1960, Thư Lâm Ấn quán, Saigon,
Nhà Hậu Lê, trang 386].
[25] “Trần Phúc Thiện, Chi
tiết gia đình, Gia phả tộc Trần Phước”, http://www.vietnamgiapha.com/XemChiTietTungNguoi/367/59/giapha.html
truy cập tháng 6, 2012.
[30] ibid. [6]: “Ngài
Thỉ tổ khảo Trần Đại Lang Quý Công Thụy Nguyên Trưởng Phủ Quân tự Phúc Thiện,
xuất thân là gia đình quan lại nguyên tại Thái Xã xã, Đông Thành huyện, Diễn
Châu phủ, Nghệ An thừa tuyên”
[31] ibid. [6]: “Đã nhận ra
Trần Công Ngạn - Trần Quý Công tự Vô Tâm - Văn thần Đình Ngạn mà Đại Việt
sử ký toàn thư chép trong cuộc chính biến năm Quý Dậu 1573, là một. Và chính
Ngài đã sinh hạ Trần Nhất Lang tự Phúc Thiện – Thanh Nguyên Công tại Thanh
Châu, Trần Nhị Lang tự Phúc Tín, Trần Tam Lang tự Chân Không.”
[32] “Lấy Tuyên úy sứ Lạng
Sơn là Lê Lộng làm Tuyên úy đại sứ, Tả hình việnn đại phu Ðào Mạnh Cung làm
Lang trung viện ấy; Nguyễn Doãn Cung [38a] làm Hữu hình viện lang trung; Tường
hình viện đại phu Nguyễn Trường làm Hữu hình viện đại phu; chuyển vận huyện
Thủy Ðường là Vũ Ðình Ngạn làm Ty hình viện đại phu; Chuyển vận huyện Ðể Giang
là Nguyễn Nhật Ty làm Tường hình viện đại phu.” [Đại Việt Sử Ký Toàn Thư -
Bản Kỷ - Quyển XI, Bản điện tử, trang 394.]
[38] Lời chua - Cảnh Hấp,
Đình Ngạn: Tên hai người. Đình Ngạn không rõ họ là gì. [KĐVSTGCM -
Chính Biên - Quyển XXVIII. Bản điện tử, trang 657.]
http://www.vietnamgiapha.com/XemPhaHe/367/pha_he.html,
truy cập tháng 6, 2012.
[43] Năm sinh của ông Trần
Đăng Tú là ước lượng từ năm ông qua đời (1920), thọ khoảng 80 tuổi. [ibid.
[37]]
[44] Kết quả của thử nghiệm
này còn có thể được sử dụng để dự đoán Haplogroup Y-DNA, truy cứu sự hợp nhất
của DNA để tìm thấy các liên kết trong phả hệ gia tộc và ngay cả truy cứu được
DNA sắc tộc để tìm xem người ta gần với sắc tộc bản địa nào nhất. Thử nghiệm
DNA Y-STR chỉ có thể dự đoán Haplogroup Y-DNA của đàn ông. Cách duy nhất để xác
định Haplogroup Y-DNA của con người là thử nghiệm Backbone SNP sau khi đã qua
các thử nghiệm STR Y-DNA.
[45] Richard Hill’s Guide
to DNA Testing; Richard Hill, “Finding Family: My Search for Roots and the
Secrets in My DNA”, 2012.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét