Thân thế sự nghiệp Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn do hậu duệ của Người biên soạn lần đầu vào tháng 4/2011. Đây là tập sách quý được sưu tập, nghiên cứu, phân tích và biên tập công phu.
Song với tinh thần góp ý, bổ sung nhằm làm sáng tỏ hơn sự nghiệp cao cả của Người, tôi xin được tham gia mấy ý kiến nhỏ như sau:
1. Về lời bình của các tác giả đương đại: Trần Quốc Vượng – Nguyễn Quang Trung Tiến – Thiều Việt:
Trước hết xét về hai tác giả Phan Phu Tiên và Ngô Sĩ Liên người trực tiếp biên soạn ĐVSKTT từ Kỷ Nhà Trần đến Kỷ Nhà Lê. Trong đó Quyển X (BK10) có liên quan trực tiếp đến thân thế sự nghiệp của Trần Nguyên Hãn:
Phan Phu Tiên: Đỗ Thái học sinh vào khoa thi cuối cùng của triều Trần năm 1396, rồi lại trúng tuyển kỳ thi Minh kinh đầu triều Lê năm 1429. Ông giữ chức An phủ phó sứ phủ Thiên Trường, từ năm 1448 về Kinh làm Quốc tử giám bác sĩ tri Quốc sử viện. Diên Ninh năm thứ 2 (1455), Lê Nhân Tông “sai Phan Phù Tiên soạn Đại Việt sử ký từ Trần Thái Tông đến khi người Minh về nước” (BK11, 90a). Lời tựa của Ngô Sĩ Liên trong ĐVSKTT cũng nói rõ: “Bản triều, Nhân Tông lại sai quan Tu sử Phan Phu Tiên chép tiếp từ Trần Thái Tông trở xuống cho đến khi người Minh về nước, đều gọi là Đại Việt sử ký”
Ngô Sĩ Liên: Đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Tuất năm Đại Bảo thứ 3/1442, đời Lê Thái Tông (1434 – 1442), giữ chức Đô ngự sử đời Lê Nhân Tông (1443 – 1459), rồi Lễ bộ Hữu thị lang, Triều liệt đại phu, kiêm Quốc tử giám tư nghiệp, kiêm Sử quan tu soạn đời Lê Thánh Tông (1460 – 1497). Năm 1479, Lê Thánh Tông “sai Sử quan tu soạn Ngô Sĩ Liên soạn Đại Việt sử ký toàn thư, 15 quyển” (BK13, 17). Toàn văn bài tựa bộ ĐVSKTT năm 1479 của Sử thần Ngô Sĩ Liên (Tập I/ ĐVSKTT/2004), cho thấy Phan Phu Tiên sinh thời từ cuối triều Trần đến cuối triều Lê Nhân Tông. Ngô Sĩ Liên làm quan xuyên suốt từ năm đầu Lê Thái Tổ đến cuối triều Lê Thánh Tông, hai tác giả có sự chênh lệch về tuổi tác nhưng cơ bản cùng thời với Trần Nguyên Hãn kháng chiến chống quân Minh, đã kế nối nhau biên soạn chính sử.
Quyển X: kỷ Nhà Lê – Thái Tổ Cao Hoàng Đế do Phan Phu Tiên biên soạn từ mốc năm 1418, đến năm người Minh rút về nước (1427), Ngô Sĩ Liên biên soạn kế tiếp đến cận đại của đương triều. Đối với Trần Nguyên Hãn vị tướng tài, gan dạ trong trận mạc được Phan Phu Tiên ghi chép tương đối rõ. Nhưng đến Ngô Sĩ Liên biên soạn, Trần Nguyên Hãn chỉ thấy xuất hiện một lần duy nhất vào ngày 18/03/1428, đại hội các tướng và các quan văn võ để định công ban thưởng (Lần thứ 2 này chỉ ban thưởng cho 3 vị: Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo). Sau đó mãi đến kỷ Thái Tông Văn Hoàng Đế, Trần Nguyên Hãn mới được nhắc lại dưới dạng viết gián tiếp nhân sự kiện của người khác có liên quan đến ông.
Điều này, cho thấy Trần Nguyên Hãn hưu quan sau ngày chiến thắng và cái chết sau đó của Ngài là do hành vi bất nghĩa của triều thần trong đó có vua. Cho nên đến cả Sử thần Ngô Sĩ Liên cũng không dám chép ngày tháng năm và nơi Trần Nguyên Hãn trầm mình vào sử. Nhưng với đức độ và tài nghệ của vị sử thần lão thành, Ngô Sĩ Liên đã ghi chép được hoàn cảnh, nguyên nhân cơ bản dẫn đến cái chết của Trần Nguyên Hãn. Đó là: “Thiệu Bình năm thứ 1/1434, tháng 2 ngày mùng 4: Trước kia Thái Tổ khi về già có nhiều bệnh, lại thêm Quận vương (Tư Tề) ngông cuồng, bậy bạ, vua thì còn trẻ thơ, mà Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo đều có công lao giúp nước, rất được người đương thời trọng vọng. Nguyên Hãn lại là con cháu nhà Trần và Văn Xảo cũng là người kinh lộ, lo rằng sau này họ có chí khác, nên bên ngoài thì đối xử theo lễ tiết hậu, nhưng trong lòng lại rất ngờ vực hai người.
Bọn Đinh Bang Bản, Lê Quốc Khí, Trình Hoành Bá, Nguyễn Tông Chí, Lê Đức Dư đón biết ý vua, dâng sớ mật, khuyên Thái Tổ quyết ý giết đi. Nếu có ai không vui, bọn Quốc Khí liền chỉ vào họ mà bảo họ là bè đảng của hai nhà ấy, nên rất nhiều người bị xử tử và đày đi.....”.
Đến hơn 400 năm sau được vua Tự Đức (1848 – 1883) nhắc lại một lần nữa.
Kế hoạch hãm hại Trần Nguyên Hãn diễn ra theo kịch bản là: Ngày 21/2/1429, vua ra lệnh chỉ cho tướng hiệu và quân nhân các vệ quân năm đạo rằng: “Đến ngày 27 sẽ diễn tập chiến trận thủy, bộ, ai vắng mặt sẽ bị trị tội”. Ngày 26/02/1429, ra lệnh chỉ cho đại thần và các quan Hành khiển. Lại ra lệnh chỉ cho các ngôn quan, đều có nội dung tương tự là trấn an tình hình trong cả nước. Tiếp sau là hàng loạt lệnh chỉ cho các quan lộ, huyện, xã...Đã giúp chúng ta nhận ra việc Trần Nguyên Hãn trầm mình tại bến Đông Hồ vào ngày 26/02/1429 theo sử Sơn Đông là có căn cứ, các lệnh chỉ trong ngày 26/02, và sau đó là để trấn an tình hình sau cái chết oan của Trần Nguyên Hãn đang bị người đời lên án.
Đại Việt sử ký toàn thư (BK11, 90a) đã chép: Thái Hòa năm thứ 11 (1453). Mùa xuân tháng 2 ngày 21, đại xá.
Ngày 21 tháng 11, vua bắt đầu đích thân coi chính sự, đổi miếu hiệu, đại xá. Từ tháng giêng năm sau đổi là Diên Ninh năm thứ nhất.
Các điều lệnh ân xá có: tăng chức 1 bậc cho các công thần Lê Lễ, Lê Bị, Lê Triện. cấp một trăm mẫu quan điền cho bọn Lê Sát, Lê Ngân, Lê Khả, Lê Khiêm, Trịnh Khắc Phục, đồng thời cứu giúp những kẻ không vợ, góa chồng, mồ côi, cô đơn, và biểu dương những người chồng tiết nghĩa, người vợ trinh tiết.
Theo gia phả Sơn Đông, thì Trần Nguyên Hãn được vua Nhân Tông minh oan nhưng không thấy sử ghi chép. Hay chăng Người được đại xá vào ngày 21 tháng 2 năm Thái Hòa thứ 11, do Phan Phu Tiên quan Tu sử đề nghị, mở đường cho việc vua đích thân coi chính sự. Song với việc nhân dân xây dựng đến 3 đền thờ Trần Nguyên Hãn tại thôn Đa Cai, thôn Đức Lễ và tại làng Phan Lãng dưới triều Nhân Tông, và người con thứ (cũng có thể là út nam) là Trần Pháp Độ ra làm quan cũng là một minh chứng cho sự kiện người được minh oan.
Qua những dẫn chứng trên cho thấy Đại lão Sử thần Ngô Sĩ Liên (theo gia phả Ngài thọ 98 tuổi) người huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây (tức không thuộc đồng hương Lam Sơn, Thanh Hóa) đã khéo khéo ghi chép và giải thích về cái chết oan của vị tướng tài ba có công lớn với nước với dân. Trần Nguyên Hãn bị hãm hại là không thể tránh khỏi, bởi tâm trạng của Lê Lợi luôn lo ngại về ngôi báu của mình và con cháu mình, lại được nhóm nịnh thần Đinh Bang Bản tiếp sức, tạo cớ cho Lê Lợi thực hiện hành vi đại bất nghĩa đối với Trần Nguyên Hãn, một bậc kỳ tài đã giúp ông làm nên nghiệp lớn.
Sự kiện đau lòng diễn ra vào năm 1429, đến năm 1479, tức sau 50 năm được Sử thần Ngô Sĩ Liên thông qua thái độ phê phán nhóm nịnh thần, để tỏ lòng tôn kính vị anh hùng dân tộc, nhưng rất tiếc sự kiện Trần Nguyên Hãn được minh oan năm Diên Ninh lại không thấy ghi chép.
Sử cổ Sơn Đông chép:
Thập đạo kinh luân mao ức lý nhân cựu trạch từ miếu:
Nếu những Hán tự sau đây đúng với nguyên bản gốc của sử làng Sơn Đông:
拾導經倫旄臆理湮舊宅祠廟.
Thì câu dịch nghĩa sẽ là:
Tấm lòng sau mười năm xông pha đi đầu nơi trận mạc, đã giành lại nước từ quân xâm lược. Ngài về lại ngôi nhà cũ đã lâu năm, sửa sang nơi thờ tự và nhà cửa.
( Mao: cờ mao có trang sức bằng lông bò tót, về sau thay bằng lông chim. Hàm chỉ cờ chủ tướng nơi chiến trận/ Ức: tấm lòng/ Kinh luân: giành lại được nước/ Thập đạo: 10 năm đi đầu xông pha chinh chiến/ Lý: sửa sang/ Nhân: đã lâu năm/ Cựu: cũ/ Trạch: nhà/ Từ miếu: nơi thờ phụng tổ tiên).
Sử cổ Sơn Đông do hàng sĩ tử của làng Quan Tử ghi chép là khách quan, phù hợp với chính sử. Đã mô tả khá rõ tấm lòng thành thực của Người sau khi hưu quan về lại ngôi nhà xưa, trước hết lo việc sửa sang nơi thờ tự tổ tiên, cha mẹ đã dột nát sau nhiều năm không người hương khói, đến việc sửa sang nhà cửa. Công việc như còn đang dang dỡ thì bị triều đình đến vây bắt về kinh hãm hại.
Căn cứ những tư liệu khách quan trên thì nội dung lời bình của 3 tác giả đương đại, là sự xúc phạm đáng tiếc đến Đức vua Tả tướng quốc Tối linh tôn Thần cần phải được khắc phục.
2. Về thời điểm hưu quan của Người:
Ngày 21/09/1428, Quy định phẩm tước của quan chức văn võ. Ban quốc tính cho các công thần. Thải quân già yếu, quy định biên chế quân ngũ.
Ngày 12/10/1428, ra lệnh cho các vệ quân đều đặt hỏa thủ làm chánh phó ngũ trưởng.
Thực chất những sự kiện trên là một cuộc cải cách quân đội, nhằm củng cố thực lực, ứng phó với tình thế khi đã tạo áp lực buộc Trần Nguyên Hãn đang giữ trọng trách Tả tướng quốc phải hưu quan. Vậy, Trần Nguyên Hãn hưu quan trong khoảng tháng 9/1429 là có cơ sở. Sau khi nghĩ hưu, công việc nhà còn đang dang dỡ, chưa một ngày nghỉ ngơi an hưởng thái bình, thì người bị triều đình hãm hại buộc phải trầm mình nơi bến Đông Hồ vào ngày 26/02/1429.
3. Trần Nguyên Hãn đối với hai vua hậu Trần: Giản Định và Trùng Quang:
Năm 1410, Ngài đấy binh tại Rừng Thần, Sơn Đông, năm đó Ngài nhỏ nhất là 21 tuổi, lớn nhất là 25 tuổi (năm sinh của Ngài theo chính sử là 1390, theo gia phả là 1386). Cuộc khởi nghĩa của Giàn Định Đế (1407 – 1409) đã thất bại trước đó một năm nên không bàn việc phò Giản Định Đế. Kế theo là Trùng Quang Đế (1409 – 1413), do con của Nguyễn Cảnh Chân là Cảnh Dị, con Đặng Tất là Dung đều căm giận vì cha bị chết oan, đem quân Thuận Hóa về Thanh Hóa đón rước Trần Quý Khoáng Nhập nội thị trung đến Nghệ An lên làm vua. Năm 1409 tháng 3 ngày 17, vua lên ngôi tại Chi La (nay huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) đổi niên hiệu là Trùng Quang, lấy Nguyễn Súy làm Thái phó, Nguyễn Cảnh Dị làm Thái bảo, Đặng Dung làm Đồng bình chương sự, Nguyễn Chương làm Tư mã.
Xét về sự kiện lập vua lên ngôi tại Chi La, trong điều kiện quân Minh chiếm đóng và cai trị đa phần lãnh thổ Đại Việt, từ Vĩnh Phúc đến Nghệ An lại xa xôi cách trở nên có thể chưa liên lạc được hoặc còn do dự thì thời cơ không còn, quân tướng nhà vua do bất hòa đã dẫn đến thất bại vào năm 1413.
Xét về tư tưởng và Thanh kiếm Gia bảo của Chiêu Minh Vương khi xưa được người mẹ truyền giáo, lại có vị Tướng già trợ giúp, làm quân sư, Trần Nguyên Hãn có thể thiếu tin về tài cầm quân của hai vị tướng trẻ cùng trang lứa là Nguyễn Cảnh Dị và Đặng Dung.
Với hoàn cảnh khách quan đó, nhất là sự kiện lập vua lên ngôi tại Chi La, Ngài không dự phần vì không gian cách trở, khiến Ngài và nghĩa quân của mình không đến được với Trùng Quang Đế. Sau đó hai năm, Lê Lợi dấy binh tại Lam Sơn, lại được lời khuyên của Nguyễn Trãi người anh con cô nên diễn ra cuộc hội quân về với Lam Sơn, tôn Lê Lợi làm Minh chủ cùng nhau đánh quân xâm lược nhà Minh đến thắng lợi cuối cùng.
Hy vọng Ban biên tập cũng đã nhận được nhiều ý kiến góp ý khác nhau, trên cơ sở đó chọn lọc, bổ sung làm cho tập sách viết về Người được hoàn thiện hơn trong lần tái bản sắp đến.
Thanh Châu, ngày 07/03/2012.
Thực hiện: TRẦN PHƯỚC BÌNH.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét