Tác giả: Nguyễn Hải Hoành
Đã hơn trăm
năm nay nước ta chính thức sử dụng chữ Quốc ngữ, thứ chữ viết được các nhà trí
thức tiên tiến đầu thế kỷ XX ca ngợi là Hồn
trong nước; Công cụ kỳ diệu giải phóng trí tuệ người Việt và tin rằng Nước
Nam ta sau này hay dở cũng ở chữ Quốc ngữ.
Dư luận nước
ta trước đây quy công trạng làm ra thứ chữ kỳ diệu ấy cho giáo sĩ người Pháp
Alexandre de Rhodes. Gần đây lại có dư luận yêu cầu ghi công các giáo sĩ không
phải người Pháp như Francisco de Pina, António Barbosa, Gaspar do Amaral,
António de Fontes… và đóng góp của giáo dân miền Nam nước ta từng giúp các giáo
sĩ đó học tiếng Việt, và đóng vai trò “giám định” trong quá trình thí điểm sử
dụng thứ chữ mới ấy.
Đáng tiếc là
cho tới nay công luận ở ta vẫn chưa nhất trí chọn được các nhân vật tiêu biểu
làm ra chữ Quốc ngữ, và cơ quan chính quyền liên quan cũng chưa dứt điểm giải
quyết vấn đề này. Để tình trạng đó kéo dài sẽ không có lợi cho hình ảnh một dân
tộc văn minh. Đã đến lúc cần bàn thảo rộng rãi và sớm có hành động tri ân những
người xứng đáng ghi công. Bài này nhằm góp một ý kiến bàn thảo. Vì người viết
ít hiểu biết về ngôn ngữ học nên ý kiến nêu ra khó tránh khỏi có sai sót, mong
được bạn đọc chỉ bảo.
Tiếng nói là
khả năng bẩm sinh của con người, còn chữ viết là một phát minh sáng tạo không
phải dân tộc nào cũng có. Ở thời xưa, tiến trình làm chữ viết cho một ngôn ngữ
cần thời gian nhiều thế kỷ, thậm chí hàng ngàn năm. Tiếng Việt có hệ thống ngữ
âm cực kỳ phong phú, cho nên càng có sức sống bền dai và càng khó làm được chữ
viết; có thể vì thế mà ta chậm có chữ của mình. Nhưng cũng chính nhờ tiếng ta
giàu ngữ âm mà rốt cuộc dân tộc ta được thừa hưởng một loại chữ viết tuyệt vời
nhất vùng Đông Á.
Hiếm thấy
nước nào từng sử dụng ba loại chữ viết như nước ta: chữ
Nho, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ, mỗi loại chữ ấy làm nên một trang sử vẻ vang
đáng ôn lại.
Chữ Nho
Khoảng thế
kỷ 2 TCN, phong kiến Trung Quốc (TQ) chiếm nước ta, bắt dân ta học chữ Hán.[1] Nhờ đó lần đầu tiên người Việt Nam
biết tới chữ viết –– phương tiện
truyền thông tin cực kỳ tiện lợi, không bị hạn chế về không gian và thời gian
như tiếng nói. Có thể vì thấy được cái lợi lớn ấy mà các bậc đại trí người Việt
đã nảy ý tưởng mượn dùng loại chữ này. Nhưng học Hán ngữ cực kỳ khó, vì người
TQ đọc tiếng Hán theo hàng trăm phương ngữ khác nhau. Cái khó ló cái khôn: tổ
tiên ta đã nghĩ ra cách chỉ đọc thứ chữ này bằng tiếng Việt mà không đọc bằng
tiếng Hán, tức chỉ học chữ mà không học tiếng Hán. Ngôn ngữ học ngày nay giải thích
điều đó là hợp lý, vì chữ Hán là chữ biểu
ý (chữ ghi ý, ideograph), tương tự chữ tượng hình vẽ con vật hoặc chữ
số 1, 2, 3 hoặc ký hiệu $, %, … cả thế giới đều hiểu ý nghĩa các ký hiệu biểu ý
đó, tuy đọc bằng tiếng của mình. Tổ tiên ta đã lợi dụng tính biểu ý của chữ Hán
để đọc nó bằng tiếng Việt, như cách người TQ các địa phương đọc bằng phương ngữ
của họ. Vì thế chính quyền chiếm đóng không thể cấm dân ta đọc chữ Hán theo
cách của ta.
Người Việt
gọi thứ chữ Hán đã Việt hóa phần ngữ âm ấy là chữ
Nho, tức chữ của người có học.
Khi ấy mỗi chữ Hán được đọc bằng một âm (từ) Hán-Việt gần giống âm Hán của nó;
nhưng một âm Hán có thể chuyển thành một số âm Việt khác nhau. Không chữ Hán
nào không được đặt tên tiếng Việt. Việc đặt tên cho hàng chục nghìn chữ Hán kéo
dài hàng trăm năm, thực sự là một công trình vĩ đại. Chỉ bằng truyền miệng mà
cách nay 2.000 năm các thầy đồ Nho trong cả nước ta đã đọc chữ Hán bằng một âm
Việt thống nhất (TQ đặt mục tiêu đến năm 2020 toàn dân đọc chữ Hán bằng một âm
Hán thống nhất). Có lẽ đây là lần đầu tiên chữ Hán được phiên âm ra tiếng nước
ngoài.
Do dạy và
học chữ Hán bằng tiếng mẹ đẻ nên dân ta học chữ Hán dễ hơn so với khi dạy và
học bằng tiếng Hán, nhờ đó mượn được thứ chữ này để dùng, và coi chữ Nho là
“chữ ta” trong khoảng 2.000 năm. Không ít người giỏi chữ chẳng kém người Hán.
Như Khương Công Phụ (731-805) người Thanh Hóa đỗ Trạng nguyên ở TQ, về sau được
vua nhà Đường phong Tể tướng.
Sau khi có
chữ viết, dân tộc ta thoát khỏi thời tiền sử lạc hậu, tiến sang thời đại có sử sách
ghi chép, có công cụ giao tiếp đối nội đối ngoại, sáng tác văn thơ, xây dựng
ngành giáo dục, tiếp thu nền văn minh Trung Hoa tiên tiến, tổ chức xã hội theo
mô hình TQ, từ đó tạo dựng nền văn minh Việt. Việc dùng chữ Hán mà không nói
tiếng Hán đã giúp dân ta đời đời nói tiếng mẹ đẻ; nhờ thế dù có học và dùng chữ
Hán bao lâu thì vẫn tránh được thảm họa bị người Hán đồng hóa. Chữ Nho đã thầm
lặng bóp chết âm mưu Hán hóa tiếng Việt. Sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc, dân tộc
ta vẫn giữ được nguyên vẹn tiếng mẹ đẻ cùng nền văn hóa của mình. Đây là thắng
lợi vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam.
Phương pháp
dùng từ Hán-Việt để phiên âm chữ Hán, qua đó làm thành chữ Nho, là một sáng tạo
xuất sắc về ngôn ngữ, cực kỳ ích lợi: vừa mượn được chữ của người Hán về dùng,
vừa lợi dụng được kho từ vựng chữ Hán làm nguồn bổ sung vô hạn cho kho từ vựng
tiếng Việt. Thực ra hiện nay từ Hán-Việt đã kết hợp nhuần nhuyễn với từ thuần
Việt tới mức khó phân biệt (ví dụ: lập
trình, cận nghèo v.v…). Khi cần dịch một từ ngữ mới xuất hiện, ta
thường tham khảo cách dùng từ của người TQ. Ví dụ từ quantum,
người TQ dịch là量子, ta đọc Hán-Việt là lượng
tử, rất hay và dễ hiểu. Toàn bộ từ vựng Hán ngữ hiện đại do người Nhật
cuối thế kỷ 19 phiên dịch các
từ ngữ phương Tây, sau khi vào Việt Nam đều được các nhà Nho Đông
Kinh Nghĩa Thục chuyển thẳng thành từ Hán -Việt như vậy. Ngày nay không một từ
ngữ mới nào không thể chuyển thành tiếng Việt.
Hơn nữa, tổ
tiên ta phiên âm chữ Hán theo cách khôn ngoan không đâu có. Người Triều
Tiên/Hàn Quốc phiên âm theo kiểu bám sát âm Hán, hậu quả là thừa kế 100% tình
trạng tồn tại quá nhiều chữ đồng âm trong chữ Hán; bởi vậy sau 7 thế kỷ dùng
chữ Hangul, cho tới nay họ vẫn phải dùng chữ Hán để ghi chú các chữ đồng âm.
Người Nhật đọc chữ Hán theo nghĩa tiếng Nhật, không theo âm tiếng Hán –– cách
phiên âm này khiến cho ban đầu họ phải dùng hàng chục nghìn chữ Hán, làm cho
tiếng Nhật thời cổ trở nên cực kỳ phức tạp. Về sau họ làm ra chữ Kana biểu âm,
nhờ thế chỉ còn cần dùng khoảng 2000 chữ Hán. Tổ tiên ta phiên âm chữ Hán theo
kiểu một âm tiếng Hán được chuyển thành hàng chục âm tiếng Việt, nhờ thế giảm
hàng chục lần số chữ đồng âm, qua đó làm cho từ Hán-Việt chính xác hơn. Ví dụ
âm [yi] tiếng Hán có 135 chữ đồng âm, ta chuyển thành hàng chục âm tiếng Việt
như ất, dật, di, dĩ, dị, dịch, duệ, ích,
y, ý, nghi, nghị, nghĩa, nhị, ức,…
Chữ Nho vốn
là chữ Hán nên không ghi được lời nói tiếng Việt, do đó không thể làm chữ viết
của tiếng Việt. Trên thực tế chữ Nho hoàn toàn xa lạ với ngôn ngữ của tầng lớp
bình dân, chỉ một số ít người thuộc giới quan lại hoặc giới tinh hoa ở ta biết
dùng chữ Nho, và chỉ dùng để viết (bút đàm) trong một số lĩnh vực hẹp, không
dùng để nói. Văn thơ chữ Nho làm theo kiểu văn thơ của người Hán không được coi
là văn thơ tiếng Việt.
Chữ Nôm
Từ khoảng
thế kỷ 12 tổ tiên ta bắt đầu sáng tạo một loại chữ viết nhằm ghi âm tiếng mẹ
đẻ, gọi là chữ Nôm. Thử nghiệm này
nói lên ý thức tự chủ ngôn ngữ muốn có chữ viết riêng của ta, chấm dứt tình
trạng dùng chữ đi mượn, lại thể hiện được trí tuệ của người Việt: tiến tới làm
ra loại chữ tiên tiến nhất –– chữ biểu âm (chữ ghi âm, phonograph),
loại chữ người Hán chưa từng có.
Chữ Nôm được
xây dựng trên cơ sở chữ Hán đọc theo âm Hán-Việt, kết hợp cả hai yếu tố biểu ý
và biểu âm. Vì chưa biết tới ký tự Latin abc nên
tổ tiên ta đã dùng các ký tự vuông chữ Hán (có cải tiến) để ghi âm tiếng mẹ đẻ
của mình. Ban đầu chữ Nôm mượn dạng chữ Hán để ghi âm tiếng Việt, dần dần dùng
cách ghép hai chữ Hán để tạo ra một chữ mới, một phần gợi âm, một phần gợi ý ––
về sau loại chữ tự tạo này được
dùng ngày một nhiều. Nhưng vì các ký tự vuông gốc chữ Hán không phải là chữ cái
ghép vần, cho nên mức chính xác ghi âm tiếng Việt còn thấp, chưa tiêu chuẩn
hóa, nhiều chữ phải đoán âm đọc, có trường hợp một âm có nhiều chữ v.v…
Mỗi chữ Nôm
thể hiện một âm tiết. Tiếng Việt giàu âm tiết nên có nhiều chữ Nôm. Theo tài liệu,
vào giữa thế kỷ 17 đã có khoảng 80.000 chữ Nôm (?). “Bảng tra chữ
Nôm” (xuất bản năm 1976) cho biết có 8.187 chữ. “Từ điển Chữ Nôm dẫn
giải” của GS Nguyễn Quang Hồng (2015) có 9.450 chữ Nôm (gồm gần 3.000 chữ tự
tạo), ghi 14.519 âm tiết tiếng Việt. Do chữ Nôm chưa chuẩn hóa nên các số liệu
trên có khác nhau, nhưng đều cho thấy tổ tiên ta đã làm được rất nhiều chữ, suy
ra chữ Nôm thời xưa đã ghi được rất nhiều (nếu không nói là hầu hết) âm tiếng
Việt đã dùng.
Chữ Nôm từng
được gọi là Quốc ngữ hoặc Quốc âm, tức chữ của tiếng nói nước ta (chữ Nho chưa bao giờ
được gọi như vậy). Nhưng do cấu tạo trên nền tảng chữ Hán nên chữ Nôm phụ thuộc
vào chữ Hán, khó học (biết chữ Nho mới học được chữ Nôm), khó phổ cập. Hơn nữa,
do Nhà nước phong kiến và tầng lớp tinh hoa ở ta mù quáng sùng bái chữ Hán cho
nên chữ Nôm chưa được thừa nhận là chữ viết chính thức, bị coi là thấp kém dưới
chữ Hán. Vì thế chữ Nôm khó được phát triển và hoàn thiện, chưa tiêu chuẩn hóa.
Tuy vậy văn
thơ chữ Nôm, tức văn thơ tiếng Việt, do nói lên được tiếng nói và nỗi lòng của
người bình dân nên đã tỏ ra trội hơn hẳn văn thơ chữ Nho. Nền văn học chữ Nôm
từng đạt tới cực thịnh từ thời Hậu Lê đến thời kỳ đầu nhà Nguyễn (thế kỷ
17-19), với các kiệt tác của Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), Đoàn Thị Điểm
(1705-48), Nguyễn Gia Thiều (1741-98), Nguyễn Huy Tự (1743-90), Nguyễn Du
(1765-1820), Hồ Xuân Hương (thế kỷ 18-19), Phạm Thái (1777-1813), Bà Huyện
Thanh Quan (thế kỷ 19), Lý Văn Phức (1785-1849), Nguyễn Đình Chiểu (1822-88), Nguyễn
Khuyến (1835-1909), Trần Tế Xương (1870-1907), v.v. Sách Thiên Nam Ngữ Lục (cuối thế kỷ 17) gồm
8.136 câu thơ lục bát, dùng tới 58.212 chữ Nôm.
Càng về sau
chữ Nôm càng được sử dụng nhiều: trong hơn 200 năm sau khi chữ Quốc ngữ đã ra
đời nhưng chưa phổ cập, các linh mục Công giáo đều dùng chữ Nôm viết tài liệu
giảng đạo. Điều đó cho thấy vai trò to lớn của chữ Nôm trong đời sống văn hóa ở
ta, đặc biệt trong cộng đồng Công giáo vốn không ưa dùng chữ gốc Hán.
Vì sao chữ
Nôm khó học mà lại được sử dụng khá phổ biến như vậy? Chủ yếu do chữ Nôm có yếu
tố ghi âm rất rõ, ghi được tiếng nói người bình dân, là “chữ của tiếng ta”.
Ngôn ngữ học thời nay giải thích: chữ Nôm có được yếu tố ghi âm là do tiếng
Việt giàu âm tiết nên vượt qua được sự hạn chế của ngôn ngữ đơn âm tiết
(monosyllabic).[2]
Chữ Quốc
ngữ
Thế kỷ 17
các giáo sĩ Kitô giáo Dòng Tên Francisco de Pina, António Barbosa, Gaspar do
Amaral, António de Fontes, Girolamo Maiorica,
Alexandre de Rhodes v.v… đến nước ta truyền giáo. Dòng Tên chỉ tuyển người
có trình độ tiến sĩ,và nghiêm khắc yêu cầu nhà truyền giáo phải
thông thạo ngôn ngữ và theo phong tục tập quán của dân bản xứ.
Theo ghi
chép, Francisco de Pina đến Việt Nam năm 1617, ba năm sau đã cùng các giáo sĩ
soạn tài liệu giáo lý bằng chữ Nôm. Trong các năm 1632-1656, Girolamo Maiorica (người
Ý) đã viết 45 tác phẩm chữ Nôm, trong đó Thư viện Quốc
gia Pháp hiện còn giữ 15 tác phẩm với tổng số 1,2 triệu chữ Nôm,[3] nhiều gấp 52 lần số chữ Nôm trong
Truyện Kiều. Một số thư viện còn giữ được nhiều tài liệu chữ Nôm của các giáo
sĩ đi đầu làm chữ Quốc ngữ như Gaspar do Amaral, António Barbosa…
Vì đối tượng
truyền giáo thời ấy là nông dân, ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi nên dĩ nhiên các
tài liệu giảng đạo chữ Nôm phải dùng từ ngữ của dân thường. Từ đây có thể suy
ra các vị giáo sĩ-bậc thầy ngôn ngữ học ấy không thể không nhận thấy chữ Nôm có
yếu tố biểu âm, và đã ghi được phần lớn âm tiếng Việt, nhưng chỉ vì dùng ký tự
vuông của Hán ngữ nên ghi âm chưa chính xác, và khó học, khó phổ cập. Kinh nghiệm
thất bại của các giáo sĩ Dòng Tên ở Nhật trong việc phiên âm Latin hóa chữ
Kanji biểu ý (tức chữ Hán) càng cho thấy việc chữ Nôm có yếu tố biểu âm là một
thuận lợi lớn khi phiên âm nó thành chữ biểu âm Latin hóa.
Với nhận
thức như vậy, các giáo sĩ giỏi chữ Nôm kể trên dĩ nhiên đã sớm nảy ra ý tưởng
và niềm tin có thể dùng chữ cái Latin để phiên âm chữ Nôm, biến thứ chữ gốc Hán
có yếu tố biểu âm ấy thành thứ chữ biểu âm Latin hóa dễ học dễ dùng cho việc
truyền giáo.
Hiển nhiên,
phiên âm một loại tiếng nói đã có chữ viết ghi lại âm của tiếng đó thì đơn giản
nhiều so với việc phiên âm thứ tiếng nói chưa có chữ viết –– ở thời xưa, đó là
một công trình lao động sáng tạo cực kỳ phức tạp, cần nhiều người làm trong
hàng trăm năm.
Trên thực
tế, các giáo sĩ kể trên dù rất ít người và làm việc phân tán nhưng đã nhanh
chóng tìm ra các chữ cái Latin thích hợp thay cho các ký tự vuông tương ứng
trong chữ Nôm và tạo ra loại chữ mới trong thời gian ngắn kỷ lục: 32 năm
(1617-1649). Năm 1617 Francisco de Pina đến Đàng Trong, năm 1619 đã viết xong
một bản từ vựng tiếng Việt bằng chữ Latin. Năm 1631 Gaspar do Amaral đến Đàng
Ngoài, năm sau đã ghi âm rất tốt tiếng Việt, năm 1634 làm xong một cuốn từ vựng
tiếng Việt. Trong mấy cuộc gặp tại Macao (1630-1631), các giáo sĩ đã xác định
được 6 thanh điệu và tính đơn âm tiết của tiếng Việt. Năm 1649 Rhodes mang theo
bản thảo Từ điển Việt-Bồ-La (Dictionarium
Annamiticum Lusitanum et Latinum) rời Việt Nam. Năm 1651 Từ điển này được
xuất bản tại Roma, đánh dấu sự ra đời chữ Quốc ngữ Việt Nam.[4] Đây là lần đầu tiên trong lịch sử,
chữ viết biểu âm Latin hóa thành công ra đời tại khu vực ảnh hưởng của Hán ngữ.
Trong quá
trình làm chữ Quốc ngữ, các giáo sĩ đã phải giải quyết nhiều khó khăn gây ra
bởi hệ ngữ âm tiếng Việt quá phong phú và mới lạ. Vấn đề phức tạp nhất là phải
nghiên cứu sáng tạo ra hệ thống ký hiệu thể hiện được các thanh điệu sắc, huyền, hỏi. ngã, nặng, và các con chữ thể
hiện được các ngữ âm không có trong bộ chữ La tinh như ă, â, ê, ơ, ô, ư, đ. Bộ ký hiệu và con chữ ấy
làm nên cái gọi là “giày và mũ” trong nhận xét của một học giả nổi
tiếng Trung Quốc: “Chữ viết của Việt Nam sau khi phiên âm hóa, đầu
đội mũ, chân đi giày, rất nực cười”. Thực ra “mũ, giày” ấy là những sáng tạo
hợp lý tới mức người Việt xưa và nay đều không chấp nhận bất cứ thứ chữ Quốc
ngữ nào không có các ký hiệu và con chữ đó. Ví dụ gần đây công luận không tán
thành một số phương án chữ Quốc ngữ bỏ dấu. Ngoài ra các giáo sĩ đã hiệu chỉnh
những âm tiếng Việt mà chữ Nôm chưa ghi chính xác, và hiện đại hóa ngữ pháp
cùng cách viết, như đưa vào các loại dấu ngắt câu, ngắt đoạn, dấu ngoặc, ký hiệu
toán học, lối viết hoa, viết tắt v.v…
Về hình
thức, chữ Quốc ngữ khác hẳn chữ Nôm, nhưng về bản chất cả hai đều là các hệ chữ
viết ghi âm tiếng Việt; chữ Quốc ngữ trong Từ điển Việt-Bồ-La thể hiện rất rõ
mối tương quan với chữ Nôm.[5]
Sau mấy chục
năm dầy công lao động sáng tạo, các vị giáo sĩ nói trên đã hoàn thành việc
phiên âm và biến đổi chữ Nôm thành một thứ chữ biểu âm dùng chữ cái Latin –– loại chữ viết tiên tiến nhất, quốc tế hóa
nhất thời đó, về sau được gọi là chữ Quốc ngữ. Rõ ràng, chữ Quốc ngữ chính là chữ Nôm được Latin hóa và
hiện đại hóa.
Giả thử thời
ấy chưa có chữ Nôm, chỉ có chữ Nho, thì việc làm chữ của các giáo sĩ sẽ vô cùng
khó khăn vì chữ Nho vốn là chữ Hán. Thực tiễn cải cách chữ viết ở Trung Quốc đã
chứng tỏ không thể dùng bất cứ bộ chữ cái nào để phiên âm chữ Hán thành chữ
biểu âm.
Năm 1582
giáo sĩ Dòng Tên người Ý Matteo Ricci đến Trung Quốc truyền giáo. Ông rất giỏi
Hán ngữ, đã dành nhiều năm nghiên cứu cách phiên âm chữ Hán. Năm 1605 Ricci đưa
ra phương án phiên âm chữ Hán bằng chữ cái Latin, nhưng phương án này chỉ giúp
người Âu học chữ Hán dễ hơn, chứ chưa phải là một loại chữ viết mới. Về sau,
giới trí thức Trung Quốc tiếp tục nghiên cứu theo phương hướng của Ricci nhằm
mục tiêu tạo ra một thứ chữ biểu âm có thể thay thế chữ Hán mà họ muốn loại bỏ.
Nhưng mọi cố gắng ấy đều không có kết quả. Năm 1958 Ủy ban Cải cách chữ viết
Trung Quốc làm ra Phương án phiên âm (Pinyin) Hán ngữ dùng chữ cái Latin, nhưng
chỉ có tác dụng phụ trợ là ghi chú âm cho chữ Hán, không phải là một loại chữ
viết. Từ năm 1986 Ủy ban này không còn nhắc tới mục tiêu tạo ra loại chữ biểu
âm thay cho chữ Hán nữa, và nói tương lai của chữ Hán sẽ do các thế hệ sau
quyết định. Hiện nay Trung Quốc vẫn dùng chữ Hán như cũ, có kết hợp dùng phương
án Pinyin Hán ngữ chỉ để ghi chú âm đọc chữ Hán.
Tóm lại,
việc dùng chữ cái Latin phiên âm chữ Nôm thành chữ biểu âm đã thành công ngay
từ giữa thế kỷ 17, trong khi mọi cố gắng tương tự đối với chữ Hán cho tới nay
vẫn bất thành. Tại sao vậy? Đó là do chữ Nôm có yếu tố biểu âm, còn chữ Hán
biểu ý không biểu âm; và tình trạng đó bắt nguồn sâu xa từ chỗ tiếng Việt giàu
âm tiết, tiếng Hán nghèo âm tiết.
Đến đây có
thể kết luận: Chữ Nôm đã xây đắp nền
tảng ngôn ngữ để các giáo sĩ nói trên dựa vào đó tạo ra chữ Quốc ngữ. Toàn
dân Việt Nam mãi mãi ghi nhớ công trạng làm chữ Nôm của tổ tiên ta, coi chữ Nôm là một sáng tạo ngôn ngữ xuất sắc góp
phần quyết định sự hình thành chữ Quốc ngữ.
Sau cùng cần
nhấn mạnh vai trò quan trọng của Kitô giáo. Là hiện tượng văn hóa của số đông
loài người, các tôn giáo lớn đều tôn sùng và truyền bá tư tưởng nhân ái cao
quý. Thế kỷ 17, các giáo sĩ Kitô giáo người Âu khi đến Việt Nam truyền giáo đã kết
hợp làm sứ mạng khai hóa dân bản xứ, khác hẳn hành vi xâm chiếm thuộc địa của
chủ nghĩa thực dân phương Tây. Thực dân Bồ Đào Nha khi chiếm Brazil đã cưỡng
bức đồng hóa dân bản xứ bằng cách bắt họ nói tiếng Bồ, trong khi các giáo sĩ
Kitô giáo người Bồ như Francisco de Pina … đến Việt Nam truyền giáo đã không
làm thế mà còn tìm cách Latin hóa chữ Nôm. Hơn nữa, de Pina còn nghĩ tới việc
dùng thứ chữ hiện đại này bắc cây cầu đối
thoại Việt Nam với châu Âu văn minh, và tạo dựng một nền văn hóa mới
cho nước ta. Đây thật là một ý tưởng cao quý! Khi mới chiếm Việt Nam, thực dân
Pháp từng chủ trương bắt dân ta đời đời nói tiếng Pháp như chúng đã làm ở các
thuộc địa châu Phi. Nhưng giáo sĩ người Pháp Alexandre de Rhodes lại hăng hái
làm chữ viết riêng giúp cho người Việt giữ được tiếng mẹ đẻ. Nếu chưa có chữ
Quốc ngữ thì nước ta ắt hẳn đã bị người Pháp đồng hóa từ lâu.
Bởi vậy sẽ
là sai lầm khi cho rằng các giáo sĩ đạo Kitô đến Việt Nam truyền giáo là để
phục vụ chính sách xâm lược của thực dân Pháp. Với truyền thống Uống nước nhớ nguồn, dân tộc ta đời đời ghi ơn
tất cả các giáo sĩ Kitô giáo đã góp phần làm ra thứ chữ viết kỳ diệu ta dùng
hơn trăm năm nay.
Và như vậy
có thể nói chữ Quốc ngữ là thành quả kết
hợp trí tuệ của nền văn minh Việt với nền văn minh Kitô giáo, là món quà
vô giá mà các giáo sĩ Dòng Tên trao cho dân tộc ta trong một ngẫu nhiên lịch sử
xảy ra ở thế kỷ 17.
————
[1] Thứ chữ này đến
đời nhà Nguyên (thế kỷ 14) mới có tên “chữ Hán”. Ở đây gọi như vậy cho tiện.
[2] Nguyễn Hải Hoành: “Một vài tìm tòi về ngôn
ngữ”. Tạp chí Tia Sáng số 11 (5/6/2020).
[3] Lã Minh Hằng: “Đôi nét về thư tịch Hán Nôm
Công giáo tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm”.
[4] Phạm Thị Kiều Ly: “Lịch sử chữ Quốc ngữ từ
1615 đến 1861: Quá trình La-tinh hóa tiếng Việt trong trào lưu ngữ học truyền
giáo”. TC Tia Sáng số 24 (20/12/2019).
[5] Nguyễn Ngọc Quân: “Chữ Quốc ngữ trong Từ điển
Việt-Bồ-La trong tương quan với cấu tạo chữ Nôm đương thời”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét