Thứ Ba, 19 tháng 5, 2020

HẬU SINH KHẢ ÚY VÀ XUẤT PHÁT CỦA TỪ THẦN ĐỒNG


(Tài liệu trích dẫn online và nguồn cảm hứng của bác họ Cao Đăng Rong)
Khổng Phu Tử (tiếng Trung孔夫子) hoặc Khổng Tử (tiếng Trung孔子) là danh hiệu tôn kính của hậu thế cho Khổng Khưu (chữ Hán: 孔丘28 tháng 9, 551 TCN - 11 tháng 4, 479 TCN) tự Trọng Ni (chữ Hán: 仲尼). Ông được suy tôn như một trong những nhà khai sáng Nho giáo, đồng thời là giảng sư và triết gia lỗi lạc bậc nhất cõi Á Đông.

Có câu chuyện kể rằng sau khi thành danh trên nhiều lĩnh vực, Khổng Tử cùng học trò đi chu du thiên hạ và các nước chư hầu để giúp đời giải thích các kiến thức trên nhiều lĩnh vực. Một lần trên đường đang qua một làng quê thuộc nước  Cử, Khổng Tử gặp Hạng Thác, một cậu bé 7 tuổi đang ngồi chơi giữa đường, cản lối xe của mình đi nên xuống ngựa hỏi han lý do. Không ngờ Hạng Thác trả lời: “Từ xưa đến nay, chỉ nghe nói xe phải tránh thành chứ không hề có chuyện ngược lại bao giờ”. 
Khổng Tử hỏi thành ở đâu, Hạng Thác chỉ tay phía trước mắt, quả nhiên nhìn thấy một thành trì trên mặt đất mà cậu đang chơi. Khổng Tử cảm thấy cậu rất thông minh nên đưa ra một loạt câu hỏi thử trí thông minh của cậu: 
“Lửa nào không khói? Nước nào không cá?
Núi nào không đá? Cây gì không cành?
Người nào không vợ? Ai kẻ không chồng?
Trâu nào không nghé? Ngựa nào không con?
Trống nào không mái? Mái nào không trống?
Ai là quân tử? Ai người tiểu nhân?
Vật gì không đủ? Vật gì có thừa?
Thành nào không chợ? Người nào không con?”
Hạng Thác không chút do dự đáp ngay: 
“Lửa đom đóm không khói. Nước giếng không cá.
Núi đất không đá. Cây khô không cành.
Tiên Ông không vợ. Ngọc Nữ không chồng.
Trâu đất không nghé. Ngựa gỗ không con.
Trống độc không mái. Mái độc không trống.
Hiền là quân tử. Người dại tiểu nhân.
Ngày Đông không đủ. Ngày Hạ có thừa.
Hoàng thành không chợ. Đứa trẻ không con”.
Khổng Tử thấy cậu tư chất quá đỗi thông minh nên nói: “Trong xe ta có sẵn bộ Song Lục Cục, cậu có muốn chơi cùng ta không?“. (Song Lục là một loại trò chơi đánh trận như chơi cờ tướng ngày nay)
Ai ngờ Hạng Thác đáp:
Nông phu mê chơi, bỏ bê mùa vụ, nho sĩ mê chơi, bỏ bê đèn sách, chư hầu mê chơi, chính sự bất an, việc này vô bổ nên cháu không màng“.
Khổng Tử nghe xong rất lấy làm phục nên hỏi tiếp: “Ta muốn cùng cậu đàm luận việc bình trị thiên hạ, cậu có bằng lòng không?”.
Hạng Thác lại trả lời: “Chuyện thiên hạ khỏi phải bình, vì hoặc như núi cao, hoặc như sông hồ, hoặc như vương hầu, hoặc như nô tì. Nếu san bằng núi thì chim chóc không nơi trú ngụ, lấp bằng sông hồ thì cá nhờ đâu bơi lội, bỏ chức vương hầu thì dân không người trị, bỏ nô tì thì chủ nhân không có người để sai khiến, thế nên cháu không bình luận việc thiên hạ”.
Đến lượt Hạng Thác hỏi Khổng Tử 3 câu hỏi, Khổng Tử đều không thể trả lời:
Hạng Thác hỏi: “Trên Trời lấp lánh những vì sao, vậy thưa Ngài hỏi sao có bao nhiêu?
Khổng Tử đáp: “Chuyện dưới đất không thiếu gì, cớ sao lại hỏi chuyện trên Trời”.
Hạng Thác lại hỏi: “Vậy dưới đất có bao nhiêu ngôi nhà?”. 
Đức Khổng Tử lại đáp rằng: “Hỏi chuyện trước mắt chẳng phải là thực tế hơn không? Cần gì nói chuyện Trời Đất xa xôi“.
Hạng Thác liền thưa: “Vậy thưa ngài nếu bàn chuyện trước mắt thì ngài có biết lông mày có bao nhiêu sợi hay không?”.
Khổng Tử không trả lời, chỉ biết cười mà thôi. Ông quay lại nói với các học trò rằng: “Hậu sinh khả úy”- 后生可畏. Câu “Hậu sinh khả úy” chính là ra đời từ đây. Nghe nói Khổng Tử vì vô cùng khâm phục Hạng Thác nên đã tôn cậu làm thầy của mình. Việc Khổng Tử tôn Hạng Thác làm thầy cũng bởi ông muốn đề cao đức khiêm tốn, làm người cần phải biết học hỏi người khác. Còn câu “Hậu sinh khả úy” ngày nay được dùng để khen ngợi lớp người trẻ có thể vượt xa cha ông, đáng được tôn trọng.
Sau này Hạng Thác mất năm 10 tuổi và được lập đền thờ, hậu thế tôn cậu là Thánh Công hay còn gọi là Tiểu Nhi Thần, nghĩa là thần đồng. Chữ “Thần đồng” 神童- Thành Thần lúc còn trẻ con hay: Đứa trẻ cực giỏi, không học mà biết, cũng có từ ngày đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét